Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Cái Chết Thứ Năm

Hai nữ sinh trung học liên tiếp mất tích. Xác của Ella Reynolds được phát hiện bên dưới mặt nước đóng băng ở công viên Jackson, còn xác của Lili Davies được tìm thấy trong phòng tranh nơi cô bé làm thêm sau mỗi buổi học. Không lâu sau đó, đến lượt hai người cha của các cô bị giết hại. Cảnh sát gần như không thể tìm ra điểm chung nào giữa các nạn nhân

Trong khi các thanh tra của Sở cảnh sát Chicago chạy đua với thời gian để đưa tên sát nhân “mới nổi” ra ánh sáng thì Thanh tra Sam Porter bí mật tiếp tục săn lùng 4MK. Với hành trang là cuốn nhật ký của Anson Bishop và một bức ảnh nhòe mờ, Porter chạy đôn chạy đáo khắp các đường phố của New Orleans và tình cờ bước vào một thế giới còn tối tăm hơn những gì anh có thể tưởng tượng, nơi anh nhanh chóng nhận ra rằng thứ duy nhất đáng sợ hơn tâm trí của một kẻ giết người hàng loạt là tâm trí của người mẹ đã sinh ra hắn.

Bộ sách 4MK Thriller gồm có:

  • 4MK
  • [Cái Chết Thứ Năm](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=cái chết thứ năm)
  • [Đứa Trẻ Thứ Sáu](https://www.dtv-ebook.com/tim-kiem.html?keyword=đứa trẻ thứ sáu)

***

J.D. Barker là một tác giả người Mỹ nổi tiếng quốc tế về phim kinh dị hồi hộp, thường kết hợp các yếu tố kinh dị, tội phạm, bí ẩn, khoa học viễn tưởng và siêu nhiên. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh, Forsaken, là người vào chung kết cho Giải thưởng Bram Stoker năm 2014.

***

Porter

Ngày 1 • 8:23 tối

Bóng tối.

Bóng tối dày đặc cuộn xoáy quanh anh, hút cạn ánh sáng, chẳng để lại gì ngoài khoảng không tối đen như mực. Một màn sương đang bủa vây tâm trí anh, những từ ngữ loay hoay tìm cách gắn kết với nhau, cố sao cho được một câu rành mạch, cố tìm cho ra ý nghĩa nào đó, nhưng đến lúc tưởng như đã ở rất gần thì chúng lại bị nuốt chửng và tan biến, thay vào đó là dự cảm chẳng lành cứ lớn dần, một cảm giác thật nặng nề - thân xác anh chìm dần vào vùng nước âm u sâu thẳm từ lâu đã rơi vào quên lãng.

Anh ngửi thấy mùi ẩm thấp.

Nấm mốc.

Ướt át.

Sam Porter những muốn mở mắt ra.

Phải mở cho bằng được.

Nhưng đôi mắt chẳng chịu tuân theo ý muốn của anh, chúng cứ thế nhắm chặt lại.

Đầu anh vừa đau vừa nhức.

Cơn đau dậy lên từng hồi phía sau tai bên phải và ở cả thái dương.

“Cố gắng đừng cử động, Sam. Tôi không muốn anh cảm thấy buồn nôn.”

Giọng nói cất lên loáng thoáng, xa xăm, quen thuộc.

Porter đang nằm duỗi dài.

Mười đầu ngón tay đặt trên tấm thép lạnh ngắt.

Giờ anh nhớ ra mũi tiêm ấy rồi. Cây kim cắm vào dưới gáy, cú đâm diễn ra chóng vánh, dung dịch lạnh lẽo tràn vào bên dưới da, ngấm vào cơ bắp, sau đó…

Porter cố mở mắt, song hai mí nặng trĩu nhất quyết kháng cự. Khô khốc, cay xè.

Anh muốn dụi mắt, nhưng bàn tay phải vừa đưa lên đã ngay lập tức bị kéo về khi sợi xích ở cổ tay anh căng ra.

Hơi thở nghẹn lại trong anh, anh gắng gượng ngồi dậy, đầu óc quay cuồng khi máu huyết từ trên dồn xuống. Suýt nữa anh lại nằm vật ra.

“Ái chà, từ từ nào, Sam. Giờ anh đã tỉnh, etorphine* sẽ hết tác dụng nhanh thôi. Chịu khó chờ một lát đi.”

Đèn bật lên, một chiếc đèn halogen sáng rực chiếu thẳng vào mặt anh. Porter nheo mắt nhưng quyết không quay đi, anh nhìn chằm chằm vào gã đàn ông đứng cạnh chiếc đèn, dáng người lờ mờ khuất trong bóng tối.

“Bishop?” Porter gần như không nhận ra giọng mình nữa, nghe khàn đặc.

“Khỏe không, Sam?” Cái bóng tiến sang phải một bước, lật úp cái xô đựng sơn rỗng có dung tích mười tám lít rồi ngồi lên đó.

“Đừng chiếu cái đèn chết tiệt ấy vào mắt tao.”

Porter kéo giật sợi xích ở cổ tay, đầu còn lại của chiếc còng va leng keng vào một đường ống dày, loại ống dẫn nước hoặc cũng có thể là dẫn ga. “Cái mẹ gì thế này?”

Anson Bishop với tay đẩy cho chiếc đèn hơi chếch sang trái. Nó là loại đèn chiếu sáng trong các cửa hàng, được đặt trên một kiểu chân đế nào đó. Ánh sáng rọi lên bức tường gạch không nung, trong góc đằng xa có đặt cái máy nước nóng, phía bên kia là máy giặt và máy sấy cũ.

“Đỡ hơn rồi chứ?”

Porter giật sợi xích lần nữa.

Bishop ném cho anh nụ cười nửa miệng và nhún vai.

Lần cuối cùng Porter nhìn thấy hắn, hắn để tóc húi cua màu nâu sẫm. Mái tóc ấy nay đã dài ra, nhạt đi, bù xù. Mặt hắn lún phún lớp râu ba, bốn ngày chưa cạo. Bộ trang phục công sở theo phong cách đời thường đã không còn, thay vào đó là chiếc quần jeans và áo nỉ có mũ màu xám đậm.

“Độ này coi bộ xuống mã nhỉ.” Porter nói.

“Thời buổi khó khăn mà.”

Nhưng hắn không thể thay đổi được cặp mắt, cũng như vẻ lạnh lùng ẩn chứa trong đó.

Cặp mắt ấy muôn đời chẳng đổi khác.

Bishop rút từ trong túi quần sau ra một cái thìa nhỏ, loại thìa ăn hoa quả có răng cưa, hắn lơ đãng xoay nó giữa những ngón tay, mép răng cưa sáng lên dưới ánh đèn.

Porter ngó lơ cái thìa. Thay vào đó, anh liếc xuống, gõ ngón trỏ lên tấm kim loại mà anh đang nằm lên. “Cái băng ca này cũng cùng một kiểu với cái mày dùng để xích Emory vào phải không?”

“Gần như thế.”

“Không kiếm nổi cái giường gấp nào sao?”

“Giường gấp hay hỏng lắm.”

Một vũng màu đỏ sậm đọng lại bên dưới băng ca, vết nhơ tối thẫm trên mặt sàn bê tông nhếch nhác, bẩn thỉu. Nhưng Porter không hỏi han gì về nó. Sờ vào mặt dưới tấm kim loại rồi thu tay về, anh thấy ngón tay mình dinh dính. Điều này anh cũng chẳng thắc mắc. Bức tường bên trái anh có vài cái kệ, trên đó chất đầy dụng cụ quét sơn: thùng, chổi sơn, bạt phủ. Trần nhà phía trên đầu được ghép từ những tấm ván gỗ cỡ 2x6*, mỗi tấm cách nhau chừng bốn mươi centimet. Mạch điện để trần, ống nước và ống thông gió lấp đầy khoảng trống giữa các tấm ván. “Chỗ này là tầng hầm của một nhà dân. Ngôi nhà không lớn. Nhưng cũng cũ rồi. Đường ống trên đầu mày được bọc bằng a-mi-ăng, vì thế tao khuyên mày chớ có dại mà dây vào nó. Tao đoán nơi này bị bỏ hoang, vì cái đèn của mày đang phải dùng cáp nối dài, sợi cáp chạy lên tầng trên và cắm vào… gì nhỉ, một loại ắc quy nào đó chăng? Máy phát điện thì không phải rồi. Sẽ nghe thấy tiếng ngay. Mày không thèm dùng mấy ổ cắm trên tường, chứng tỏ nhà này đã bị cắt điện. Đã thế còn lạnh như nhà xác. Tao nhìn thấy được cả hơi tao thở ra, vậy nghĩa là hệ thống sưởi không hoạt động. Điều đó càng cho thấy đây là nhà hoang. Chẳng ai dám mạo hiểm ở trong căn nhà có đường ống bị đóng băng bao giờ.”

Bishop tỏ vẻ hài lòng khi nghe điều này, một nụ cười thấp thoáng trên môi hắn.

Porter tiếp tục nói. “Nhà này bề ngang tương đối hẹp. Vì thế đây hẳn là kiểu nhà thông cửa*. Mày chắc sẽ không chọn một khu dân cư sang chảnh nào đó có Starbucks, Internet, nơi người dân thường báo cảnh sát khi phát hiện đối tượng có tiền án tiền sự, bởi vậy tao đoán nhiều khả năng mày sẽ bám trụ ở khu Tây. Có thể là một con phố như phố Wood chẳng hạn. Ở đó nhiều nhà không người ở lắm.”

Porter luồn bàn tay không bị còng vào trong chiếc áo khoác dày để tìm súng, nhưng chỉ thấy cái bao rỗng. Điện thoại di động của anh cũng mất rồi.

“Đúng là cảnh sát có khác.”

Phố Wood nằm cách căn hộ của anh ở Wabash những mười lăm phút lái xe nếu đường thông hè thoáng, Porter bị tiêm thuốc khi anh chỉ còn cách căn hộ chừng một khu nhà. Dĩ nhiên những điều này hoàn toàn chỉ là suy đoán, nhưng anh muốn gợi chuyện để Bishop nói tiếp. Càng mải ba hoa thì hắn càng ít nghĩ tới cái thìa kia.

Cơn đau nhức nhối ở đầu giờ đã dồn cả vào phía sau mắt phải của Porter.

“Anh không định thuyết phục tôi ra đầu thú sao? Rằng anh có thể giúp tôi thoát án tử nếu tôi ngoan ngoãn hợp tác ấy mà?”

“Không có đâu.”

Lần này Bishop mỉm cười thật. “Ê, có thứ này, anh muốn xem không?”

Porter định bảo không, nhưng anh biết có nói gì đi nữa cũng vô ích. Tên này đã sắp sẵn trong đầu một kế hoạch, một âm mưu nào đó rồi. Chẳng kẻ nào dám liều lĩnh bắt cóc một thanh tra của Sở Cảnh sát Chicago ngay giữa phố nếu như không có mục đích rõ ràng.

Anh cảm nhận được chùm chìa khóa đang nằm trong túi bên phải. Bishop đã chừa lại nó khi lấy súng và điện thoại của anh. Trong đó có chìa khóa mở còng, phần lớn còng tay đều dùng chung một chìa để mở. Hồi mới vào nghề, anh được biết lý do là vì người còng tay đối tượng và người mở còng cho chúng sau đó gần như chắc chắn không phải là một. Đối tượng bị bắt có thể sẽ qua tay vài người trong quá trình làm thủ tục nhập khám. Bởi vậy, các sĩ quan được dạy phải tịch thu chìa khóa tìm thấy khi khám người đối tượng, tất cả các chìa. Tên tội phạm sành sỏi nào cũng đem theo chìa khóa mở còng để dễ bề tẩu thoát trong trường hợp có gã cảnh sát gà mờ quên kiểm tra. Porter sẽ phải xoay xở để lấy được chùm chìa khóa ra khỏi túi bên phải, rồi bằng cách nào đó chuyển nó sang tay trái, mở còng và hạ gục Bishop trước khi hắn kịp băng qua khoảng cách một mét rưỡi giữa hai người.

Tên này xem chừng không có vũ khí gì ngoài cái thìa.

“Mắt nhìn thẳng phía trước, Sam.” Bishop nói.

Porter lại hướng ánh mắt về phía hắn.

Bishop đứng dậy, đi về phía cái bàn nhỏ cạnh máy giặt ở bên kia tầng hầm. Sau đó hắn trở lại chỗ cũ, đem theo một chiếc hộp gỗ trên nắp có đặt khẩu Glock của Porter. Hắn bỏ khẩu súng xuống sàn cạnh chỗ ngồi, dùng ngón cái gạt chốt cài của chiếc hộp và mở nắp ra.

Sáu nhãn cầu ngước lên nhìn Porter từ bên trong chiếc hộp lót nhung đỏ.

Những nạn nhân trước đây của Bishop.

Porter liếc xuống khẩu súng.

“Mắt nhìn thẳng phía trước.” Bishop nhắc lại kèm theo tiếng cười khẽ.

Có điều gì đó không ổn rồi. Bishop xưa nay luôn tuân theo một khuôn mẫu cố định. Hắn xẻo tai nạn nhân trước, sau đó móc mắt, rồi cắt lưỡi, đặt vào một chiếc hộp màu trắng thắt dây màu đen và gửi đến cho gia đình mỗi nạn nhân kèm theo một tấm thiệp. Luôn là như vậy. Hắn không bao giờ thay đổi quy trình. Hắn không giữ lại chiến lợi phẩm. Hắn tin rằng mình đang bắt gia đình này phải trả giá cho tội ác nào đó mà họ gây ra. Một kiểu thay trời hành đạo quái đản. Hắn không giữ lại những cặp mắt. Không bao giờ hắn giữ…

“Bắt đầu vào việc thôi.” Bishop vuốt tay lên nắp hộp, một cử chỉ đầy âu yếm, rồi đặt nó xuống sàn cạnh khẩu súng và giơ cái thìa ra trước ánh sáng.

Porter lăn người xuống khỏi băng ca rồi kêu lên đau đớn khi đầu còng bằng kim loại cứa vào cổ tay anh, cái ống đã níu chiếc còng lại. Cố gắng quên đi cơn đau, anh lóng ngóng thò tay trái vào túi bên phải để lấy chìa khóa, đồng thời đạp băng ca về phía Bishop. Ngón tay Porter sượt qua chùm chìa khóa khi Bishop né được cái băng ca và tung cú đá vào ống quyển bên trái của anh. Chân anh khuỵu xuống, anh ngã nhào ra sàn, cái còng ở cổ tay phải mắc vào đường ống và giật mạnh đến nỗi trật cả khớp vai.

Chưa kịp phản ứng gì thì anh chợt thấy đau nhói khi một mũi tiêm nữa đâm vào da thịt, lần này là bắp đùi. Anh cố cúi nhìn nhưng Bishop đã nắm lấy tóc anh, giật ngửa đầu anh ra sau.

Ý thức bắt đầu rời bỏ anh. Porter cố cưỡng lại, cố phản kháng bằng tất cả sức lực trong anh. Anh cầm cự đủ lâu để trông thấy cái thìa đang từ từ đưa lại gần mắt trái của mình, đủ lâu để cảm nhận mép răng cưa cứa vào sụn mi nằm dưới nhãn cầu khi Bishop dùng sức chọc cái thìa vào hốc mắt anh, đủ lâu để…

“Cô nàng nóng bỏng chứ?”

Porter giật nảy người trên ghế, nhưng dây an toàn đã níu anh lại. Anh hít một hơi dài, hết nhìn trái rồi lại nhìn phải, ánh mắt anh dùng lại ở Nash đang ngồi trên ghế lái. “Hả? Ai cơ?”

Nash cười giễu. “Em gái trong mơ của anh chứ ai. Thấy anh rên rỉ mà.”

Sáu nhãn cầu.

Tuy vẫn còn ngơ ngác nhưng Porter cũng đã nhận ra mình đang ngồi ở ghế phụ trên chiếc Chevy của Nash, dòng xe Nova đời 1972 cũ mà Nash tậu cách đây hai tháng, khi chiếc Ford Fiesta con cưng đột ngột khục khặc rồi chết ngóm trên đường 290 lúc ba giờ sáng, khiến anh buộc phải gọi về trụ sở xin một xe đến đón vì không liên lạc được với Porter.

Porter đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Kính xe bị phủ một lớp mỏng bụi đường và băng. “Đây là đâu?”

“Chúng ta đang trên đường Hayes, phía trước là công viên.” Nash đáp và bật xi nhan. “Có lẽ anh nên đứng ngoài vụ này thì hơn.”

Porter lắc đầu. “Tôi vẫn ổn.”

Nash ngoặt xe sang trái, rẽ vào Công viên Jackson và đi theo con đường chính dẫn tới cổng vào mới được ủi sạch tuyết, ánh đèn chớp xanh đỏ lấp loáng hắt lên những rặng cây tăm tối xung quanh họ. “Từ đó đến nay đã bốn tháng rồi, Sam à. Nếu anh vẫn gặp vấn đề về giấc ngủ thì nên nói chuyện với ai đó. Không nhất thiết phải là tôi hay Clair, mà… người nào cũng được.”

“Tôi vẫn ổn.” Porter nhắc lại.

Họ đi qua một sân bóng chày nằm ở bên phải, cái sân bị lãng quên suốt mùa đông, rồi chiếc xe tiếp tục dấn sâu vào trong rừng cây khẳng khiu, trụi lá. Phía trước có thêm ánh đèn - nửa tá ô tô, mà cũng có thể nhiều hơn. Bốn xe cảnh sát tuần tra, một xe cứu thương, một xe van cứu hỏa. Những chiếc đèn pha công suất lớn sắp thành hàng ven đầm nước, máy sưởi chạy bằng khí propane đặt rải rác quanh khu vực được quây lại bằng dải băng cách ly màu vàng.

Nash dừng lại phía sau chiếc xe van, gạt cần số về chế độ đỗ rồi tắt máy. Cái xe khục khặc hai lần, nghe như sắp sửa phát ra một tiếng nổ ngược kinh hoàng, sau đó mới chịu im hẳn. Porter nhận thấy vài sĩ quan nhìn chằm chằm về phía họ khi họ xuống xe và bước ra ngoài giữa trời đông buốt giá.

“Chúng ta có thể đi bằng xe của tôi cũng được mà.” Porter nói với Nash, gót giày anh đạp trên lớp tuyết mới tinh phát ra tiếng lạo xạo.

Porter sở hữu một chiếc Dodge Charger đời 2011.

Phần lớn đồng nghiệp ở Sở vẫn hay gọi đùa cái ô tô của Porter là “con xế khủng hoảng tuổi trung niên”. Cái xe ấy đã thay thế cho chiếc Toyota Camry cách đây hai năm, khi Porter đón sinh nhật lần thứ năm mươi. Heather, người vợ quá cố của anh, đã mua cái xe thể thao này để làm quà tặng bất ngờ cho anh, sau khi chiếc Toyota bị kẻ xấu phá hoại rồi vứt bỏ tại một trong những khu vực “không mấy thiện cảm với cảnh sát” ở vùng phía nam của thành phố. Chính Porter cũng thừa nhận rằng khi ngồi sau tay lái, anh cảm thấy như trẻ ra mấy tuổi, nhưng chủ yếu là cái xe luôn khiến anh mỉm cười.

Heather đã giấu chìa khóa xe vào trong chiếc bánh gatô sinh nhật rồi đem nướng lên, làm anh suýt mẻ răng khi cắn phải.

Cô bịt mắt anh lại, dẫn anh xuống cầu thang và bước ra ngoài cổng, sau đó hát bài Happy Birthday cho anh nghe bằng giọng hát khó có cơ hội được góp mặt trong chương trình American Idol.

Porter luôn nghĩ đến cô mỗi khi ngồi vào trong xe, nhưng giờ đây, dường như những điều gợi cho anh nhớ về cô cứ ngày càng ít đi, khuôn mặt cô mỗi lúc một mờ nhạt trong tâm trí anh.

“Cái ô tô ấy chính là một phần của vấn đề đấy. Chúng ta lúc nào cũng đi bằng xe của anh, để cho em Connie kia bị xếp xó đến hoen gỉ trên lối đi nhà tôi. Nếu lái em ấy, tôi sẽ nhớ ra rằng tôi muốn cải tạo lại em ấy. Mà khi đã nhớ ra, biết đâu tôi sẽ chịu lết xuống gara và bắt tay vào thực hiện.”

“Connie á?”

“Ô tô cũng phải có tên chứ.”

“Phải cái gì mà phải. Ai lại đi đặt tên cho ô tô bao giờ, mà anh đâu có biết cách cải tạo em… nó… sao cũng được. Có mà lúc anh lôi cái xe cũ rích ấy về nhà, lần đầu tiên cầm lấy cờ lê, anh đã hiểu ra còn lâu anh mới cải tạo xong nó chỉ trong vòng bốn mươi ba phút giống như mấy gã trong Overhaulin’*.” Porter nói.

“Chương trình đó đúng là nhảm nhí. Lẽ ra phải nói thật quá trình sửa chữa kéo dài bao lâu chứ.”

“Như thế vẫn còn tốt chán. Ít nhất anh cũng không đâm nghiện kênh HGTV* và tưởng mình có thể tranh thủ những lúc rảnh rỗi để cải tạo nhà cửa rồi rao bán.”

“Cái đó thì đúng. Nhưng họ sửa lại mấy căn nhà chỉ trong vòng có hai mươi hai phút mà lãi thu về còn khủng hơn.” Nash đáp. “Nếu sửa được một, hai căn, tôi có thể thuê người độ lại xe. Ê, Clair kìa…”

Họ chui qua dải băng cách ly màu vàng, tiến lại gần đầm nước. Clair đang đứng cạnh một cái máy sưởi, di động áp vào tai. Nhìn thấy họ, cô lấy tay bịt loa thoại, hất hàm về phía bờ đầm và bảo “Bọn tôi nghĩ đó là Ella Reynolds,” rồi lại tiếp tục nói chuyện điện thoại.

Tim Porter chùng xuống.

Ella Reynolds là cô bé mười lăm tuổi mất tích ở gần khu vực Quảng trường Logan sau khi tan học cách đây ba tuần. Lần cuối cùng có người trông thấy Ella là lúc cô xuống xe buýt của trường, cách nhà khoảng hai khu. Bố mẹ cô lập tức gọi cảnh sát, thông báo khẩn cấp tìm trẻ em mất tích được đưa ra chỉ một giờ sau khi cô biến mất. Nhưng nỗ lực đó không mang lại kết quả gì. Cảnh sát chẳng nhận được tin báo nào có giá trị.

Nash tiến lại gần mép nước, Porter theo sau.

Cái đầm đã đóng băng.

Bốn cọc tiêu hình nón màu cam được đặt trên mặt băng ở xa bờ, quây lại bằng dải băng vàng, tạo thành một hình chữ nhật. Tuyết ở đó đã được quét sạch.

Porter rón rén bước lên băng, dỏng tai nghe ngóng xem có tiếng “rắc” cảnh báo nào vang lên dưới chân không. Dù cho có bao nhiêu dấu giày để lại trên mặt đầm đóng băng đi nữa, anh lúc nào cũng run khi thêm vào đó dấu giày của mình.

Khi Porter tiến đến gần, cô bé dần dần hiện ra trong tầm mắt. Lớp băng trong vắt như pha lê.

Cô ngước lên nhìn bằng ánh mắt vô hồn từ bên dưới băng.

Da cô trắng bệch trông thật ghê rợn, hơn nữa còn ánh lên sắc xanh, chỉ trừ vùng da quanh mắt. Hai quầng mắt cô tím bầm lại. Môi cô hé mở như có điều muốn nói, những điều vĩnh viễn không được thốt ra.

Porter quỳ xuống để có thể quan sát kĩ hơn.

Cô bé mặc áo khoác đỏ, quần jeans đen, đội mũ len trắng và đeo găng tay cùng bộ, đi đôi giày màu hồng có vẻ giống kiểu giày tennis. Hai tay buông thõng, chân hơi cong lại, mất hút dưới vùng nước tối đen. Thường thì xác ngâm dưới nước sẽ trương lên, nhưng ở nhiệt độ này, cái lạnh lại giúp bảo quản thi thể. Porter thà phải nhìn xác trương còn hơn. Khi người chết ít nhiều mất đi diện mạo của con người, anh thấy dễ tiếp nhận những gì mình đang chứng kiến hơn, ít bị cảm xúc chi phối hơn.

Cô bé này trông chỉ như đứa trẻ con, tuyệt vọng, đơn độc, say ngủ bên dưới tấm chăn bằng băng.

Nash đứng phía sau anh, đưa mắt quan sát rừng cây bên kia đầm. “Nơi này từng là địa điểm tổ chức Hội chợ Quốc tế vào năm 1893. Ngày trước còn có khu vườn kiểu Nhật ở đằng xa, chỗ cây cối um tùm ấy. Bố tôi từng dẫn tôi tới đây chơi khi tôi còn nhỏ. Ông bảo hồi Thế chiến thứ hai, ở đây bung bét lắm. Tôi nhớ có đọc được ở đâu đó rằng người ta đã huy động vốn để cải tạo khu này vào mùa xuân. Thấy đám cây bị đánh dấu kia không? Chúng sắp bị chặt đấy.”

Porter nhìn theo ánh mắt người cộng sự. Cái đầm được chia thành hai mé đông và tây, bao quanh một đảo nhỏ. Nhiều cây trên đảo Cây được thắt những dải ruy băng màu hồng quanh thân. Có vài chiếc ghế nằm rải rác bên kia bờ, bị phủ một lớp tuyết trắng mỏng. “Theo anh, cái đầm này đóng băng từ bao giờ?”

Nash ngẫm nghĩ giây lát. “Chắc là cuối tháng Mười hai, đầu tháng Một. Sao anh lại hỏi thế?”

“Nếu đây đúng là Ella Reynolds, vậy làm thế nào cô bé nằm dưới băng được? Cô bé mới mất tích ba tuần trước. Lúc đó băng đã rắn chắc lắm rồi.”

Nash mở bức ảnh chụp gần đây của Ella Reynolds lưu trong điện thoại và cho Porter xem. “Trông giống đấy, nhưng cũng có thể chỉ là trùng hợp, có thể một cô bé nào đó rơi xuống đầm khi băng vẫn còn mềm chẳng hạn.”

“Nhưng cô bé kia giống y hệt người trong ảnh.”

Clair bước tới bên cạnh họ. Cô hà hơi vào tay và xoa xoa. “Tôi vừa nói chuyện với Sophie Rodriguez ở Ban Tìm kiếm Trẻ em Mất tích. Tôi chụp ảnh gửi cho cô ấy và cô ấy khẳng định người này là Ella Reynolds, nhưng quần áo thì không khớp. Cô ấy nói lúc mất tích, Ella mặc áo khoác màu đen. Ba nhân chứng cũng xác thực khi ở trên xe buýt cô bé mặc áo đen chứ không phải áo đỏ. Cô ấy đã gọi điện cho mẹ của Ella và bà ấy nói con gái mình không có áo khoác đỏ, mũ len và găng tay len trắng nào cả.”

“Vậy thì hoặc đây là một người hoàn toàn khác, hoặc có kẻ đã thay đồ cho Ella.” Porter nói. “Chỗ này cách địa điểm cô bé mất tích những hai mươi lăm kilômét.”

Clair cắn môi dưới. “Bên pháp y sẽ phải xác định danh tính của cô bé.”

“Ai tìm thấy cô bé vậy?”

Clair chỉ về phía chiếc xe tuần tra đỗ ở đằng xa, ngoài khu vực cách ly. “Một cậu bé và ông bố. Cậu nhóc mới mười hai tuổi.” Cô xem lướt phần ghi chú trong điện thoại. “Scott Watts. Cậu ta tới cùng với bố để xem cái đầm đã đông cứng đủ để học trượt băng chưa. Tên ông bố là Brian. Ông ta nói cậu con trai gạt đi lớp tuyết và trông thấy một phần cánh tay cô bé. Ông ta bảo con tránh ra và tự mình phủi sạch tuyết đủ để xác thực đúng là người thật, sau đó gọi 911. Chuyện xảy ra khoảng một giờ trước. Cuộc điện thoại gọi đến lúc bảy giờ hai mươi chín phút. Tôi đã bảo họ ngồi chờ trong xe tuần tra, phòng khi anh có điều muốn hỏi họ.”

Porter dùng móng tay trỏ cạo lên băng, rồi nhìn quanh bờ đầm. Hai sĩ quan khám nghiệm hiện trường đứng dạt về bên trái, nhìn ba người bọn họ bằng ánh mắt cảnh giác. “Ai trong số hai người đã dọn chỗ này?” Porter hỏi.

Sĩ quan trẻ hơn, một phụ nữ khoảng ba mươi tuổi có mái tóc vàng cắt ngắn, đeo kính và quàng khăn màu hồng, giơ tay lên. “Là tôi ạ, thưa Thanh tra.”

Cộng sự của cô rục rịch chân. Anh ta có vẻ lớn hơn cô khoảng năm tuổi. “Tôi là người giám sát. Sao thế?”

“Nash, đưa tôi thứ kia được không?” Anh chỉ vào cây cọ có lông dài màu trắng đặt trên một trong mấy bộ dụng cụ của Đội Khám nghiệm.

Porter ra hiệu cho hai sĩ quan lại gần. “Đừng sợ, tôi không mấy khi cắn đâu.”

Hồi tháng Mười một vừa rồi, Porter quay lại làm việc sớm dù còn đang trong đợt nghỉ phép bắt buộc do cấp trên áp xuống sau khi vợ anh bị giết trong một vụ cướp xảy ra tại một cửa hàng tiện ích gần đó. Anh muốn tiếp tục đi làm, chủ yếu là vì công việc giúp anh phân tâm, tạm quên đi chuyện xảy ra.

Những ngày đầu tiên sau khi vợ mất, khi anh tự giam mình trong căn hộ, là quãng thời gian tồi tệ nhất. Nhìn đâu cũng thấy những thứ gợi nhớ về cô.

Khuôn mặt cô nhìn anh từ những bức ảnh bày ở hầu khắp các dãy kệ. Mùi hương của cô vẫn phảng phất đâu đây, nguyên tuần đầu tiên anh không sao chợp mắt được nếu không đặt vài bộ đồ của cô trên giường. Ngồi trong căn hộ, anh chỉ nghĩ đến một điều duy nhất, đó là anh sẽ làm gì với kẻ đã giết cô, những ý nghĩ anh không muốn lưu giữ trong đầu.

Cuối cùng, tên sát nhân Bốn Con Khỉ - tức 4MK - đã kéo anh ra khỏi nhà.

Cũng chính 4MK là kẻ đã bắt hung thủ giết vợ anh phải đền mạng. 4MK là lý do khiến những người như hai sĩ quan này cư xử kỳ quặc khi có mặt anh. Không hẳn là họ sợ, đúng hơn là họ kiêng dè.

Anh là tay cớm đã để cho 4MK thâm nhập vào cuộc điều tra của cảnh sát dưới danh nghĩa sĩ quan khám nghiệm hiện trường. Anh là tay cớm bị 4MK đâm trong chính ngôi nhà của mình. Anh là tay cớm đã bắt được tên sát nhân hàng loạt ấy rồi lại để hắn trốn mất.

Bốn tháng sau, người ta vẫn còn nói về vụ đó, chẳng qua không nói với anh thôi.

Hai sĩ quan tiến lại gần.

Người phụ nữ ngồi xổm xuống cạnh anh.

Porter dùng cọ quét đi chỗ tuyết ở sát bờ và cả ngoài rìa khu vực họ đã làm sạch trước đó. Sau khi mở rộng vòng tròn thêm sáu mươi centimet, anh đặt cọ xuống rồi xoa tay lên mặt băng, bắt đầu từ tâm vòng tròn và chầm chậm tiến dần ra ngoài. Khi chỉ còn cách đống tuyết khoảng mười centimet thì anh dừng lại. “Chỗ này. Cô sờ thử xem.”

Sĩ quan trẻ tuổi tháo găng và dè dặt làm theo anh, đầu ngón tay cô lướt trên mặt băng.

Cô dừng lại cách lòng bàn tay Porter khoảng gần ba centimet.

“Có cảm thấy không?”

Cô gật đầu. “Có chỗ hơi võng xuống. Ít thôi, nhưng chắc chắn là có.”

“Cô lần theo đi. Đánh dấu lại bằng cái này.” Anh đưa cho cô chiếc bút dạ.

Một phút sau, cô đã vẽ xong một hình vuông lớn ngay ngắn phía trên cái xác và hai hình vuông nhỏ hơn ở hai bên, mỗi hình có cạnh khoảng mười centimet.

“Vậy là đã có câu trả lời.” Porter nói.

Nash nhíu mày. “Thế này nghĩa là sao?”

Porter đứng dậy, đỡ người phụ nữ lên cùng. “Cô tên gì?”

“Sĩ quan khám nghiệm hiện trường Lindsy Rolfes, thưa Thanh tra.”

“Sĩ quan Rolfes, cô có thể giải thích ý nghĩa của hình vẽ này không?”

Cô ngẫm nghĩ giây lát, nhìn từ Porter sang mặt băng, rồi lại nhìn anh. Cuối cùng, cô đã hiểu. “Cái đầm này bị đóng băng, nhưng có người đã cắt băng ra, có thể là bằng cưa máy không dây, sau đó thả cô bé xuống nước. Nếu cô bé sảy chân ngã thì chỗ băng vỡ sẽ nham nhở chứ không vuông vắn thế kia. Nhưng có điểm bất hợp lý…”

“Điểm gì?”

Cô nhíu mày, thò tay vào hộp dụng cụ và lấy ra cái máy khoan không dây, lắp mũi khoan có đường kính hai mươi lăm milimet rồi khoan hai lỗ, một lỗ ở ngoài phạm vi mấy hình vẽ, một lỗ gần với thi thể. Cô dùng thước đo khoảng cách từ mặt băng tới mặt nước ở cả hai lỗ. “Sao lại thế nhỉ, cô bé nằm bên dưới ranh giới đóng băng.”

“Tôi chẳng hiểu gì cả.” Clair nói.

“Hắn đã đổ nước vào.” Porter nói.

Rolfes gật đầu. “Đúng vậy, nhưng tại sao? Hắn có thể khoét một cái hố, đẩy cô bé xuống bên dưới lớp băng sẵn có, rồi để cho cái hố tự đông lại được mà. Như thế sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều chứ. Cô bé có thể biến mất, thậm chí là vĩnh viễn.”

Clair thở dài. “Làm ơn giải thích cho những người không được học qua lớp Hố Băng sơ cấp như tụi tôi được không?”

Porter ra hiệu về phía cái thước, Rolfes đưa nó cho anh. “Băng ở đây dày ít nhất mười centimet. Mọi người có thể thấy mực nước đo được ở chỗ này.” Anh chỉ vào dấu vết trên cái thước. “Nếu khoét một hình vuông trên băng rồi nhấc ra, ta sẽ được một thành băng dày mười centimet tính từ mặt băng tới mặt nước. Giả sử ta thả xác cô bé vào đó, cô bé chìm xuống, sau đó ta muốn xóa cái hố này đi. Chỉ có một cách. Đó là đợi cho tới khi mặt nước phía trên cái xác đóng băng, chí ít là một lớp mỏng, sau đó đổ nước vào hố cho bằng với mặt băng xung quanh.”

“Ít nhất phải hai giờ sau nước mới bắt đầu đóng băng.” Rolfes nói. “Cũng có thể nhanh hơn một chút, căn cứ vào nhiệt độ ngoài trời mấy ngày gần đây.”

Porter gật gù. “Hắn tiếp tục đổ nước vào cho tới khi lượng nước mới ngang bằng với lớp băng xung quanh. Hung thủ là kẻ rất kiên nhẫn. Việc này cực kỳ mất thời gian.” Anh quay sang viên sĩ quan giám sát. “Chúng ta sẽ cần đến chỗ băng này. Thu thập tất cả những gì có ở phía trên cô bé cộng thêm ít nhất vài centimet xung quanh hình vuông. Rất có thể có dấu vết nào đó rơi vào nước trong lúc đóng băng. Hung thủ quanh quẩn ở đây rất lâu.”

Viên sĩ quan có vẻ như muốn cãi lời, sau đó lại miễn cưỡng gật đầu. Anh ta biết Porter nói đúng.

Ánh mắt Porter lại hướng về phía đám cây cối um tùm ở đằng xa. “Có điều, tôi không hiểu tại sao kẻ làm việc này lại không vứt cô bé ở kia. Đem cái xác tới nơi quang đãng này, hì hục cắt băng, lấp đầy nước, chờ cho đóng băng… như vậy quá mạo hiểm. Hung thủ có thể đem cô bé qua cầu rồi bỏ lại ở bất cứ chỗ nào bên đó, sẽ chẳng ai phát hiện ra cho tới tận mùa xuân, khi công nhân bắt đầu thi công. Vậy mà hắn lại dành hàng giờ để dàn dựng hiện trường gần khu vực có nhiều người qua lại. Chấp nhận nguy cơ bị bắt quả tang. Để làm gì? Để tạo cảm giác cô bé đã nằm đây lâu hơn nhiều so với thực tế ư? Hắn chắc chắn phải biết cảnh sát thế nào cũng đoán ra chứ.”

“Xác chết thường không nổi lên mặt nước.” Nash nói. “Ít nhất là trong vài ngày đầu. Nhìn cô bé xem. Được bảo quản hoàn hảo. Tôi vẫn chưa hiểu sao cô bé lại nổi lên thế kia.”

Porter di ngón tay theo cạnh của hình vuông lớn rồi dừng lại ở một trong hai hình vuông nhỏ kế bên. Áp mặt lại gần lớp băng, anh nhìn nghiêng từ bên cạnh và quan sát thi thể. “Quỷ tha ma bắt.”

“Gì thế?” Rolfes rướn người tới.

Porter rà bàn tay lên mặt băng trên vai cô bé. Khi tìm thấy thứ cần tìm, anh đặt tay Rolfes lên đó. Cô nhìn anh, mắt cô dần mở lớn trong lúc ngón tay hơi bấm xuống băng. Cô sờ vào vị trí tương ứng ở phía đối diện. “Hắn giữ cho cô bé khỏi chìm bằng cách dùng một vật bắc ngang qua cái hố này, có thể là tấm ván cỡ 2x4, căn cứ vào những dấu vết để lại. Sau đó, hắn quàng một sợi dây hoặc sợi thừng qua vai cô bé, rồi buộc vào tấm ván trong lúc chờ cho chỗ nước mới đóng băng. Xong xuôi, hắn cắt dây đi. Mọi người vẫn có thể sờ thấy hai đầu dây trong lớp băng ở chỗ này. Đoạn dây còn lại đủ để giữ cho cô bé nổi lên gần mặt nước. Mọi người sẽ thấy một sợi thừng mảnh nếu lựa đúng vị trí nhìn xuống lớp băng theo một góc nghiêng.”

“Hắn muốn cô bé được tìm thấy ư?” Clair hỏi.

“Hắn muốn để lại dấu ấn sâu đậm trong trường hợp cô bé được tìm thấy.” Porter nói. “Hắn hao tâm tổn trí dàn dựng sao cho nhìn bề ngoài tưởng như cô bé chết cóng dưới đầm từ nhiều tháng trước, dù thực tế cô bé mới ở đây cùng lắm là vài ngày, có thể ít hơn. Ta cần phải tìm hiểu lý do.”

“Tên này đang giỡn mặt chúng ta.” Rolfes nói. “Hắn sắp đặt hiện trường để truyền tải câu chuyện nào đó.”

Bản năng tự bảo vệ và nỗi sợ là hai trong số những bản năng mạnh mẽ nhất của con người. Porter không rõ liệu mình có muốn gặp một kẻ vô cảm với cả hai điều đó hay không. “Vớt cô bé lên đi.” Cuối cùng, anh nói.
Mời các bạn đón đọc Cái Chết Thứ Năm của tác giả J. D. Barker & Matryoshka (dịch).