“Cò súng tử thần” là một tiểu thuyết trinh thám kể về nhân vật chính “James Bond” đã giành chiến thắng trước tên tội phạm đầu sỏ Auric Goldfinger, nhưng cả một cuộc chiến mới đã lại bắt đầu. Cùng với cô nàng Pussy Galore xinh đẹp, Bond từ Mỹ trở về nhà chỉ biết rằng SMERSH, tổ chức gián điệp Xô Viết đối thủ đang lên kế hoạch phá hoại một giải đua xe Grand Prix. Và thế lại là một nhiệm vụ mới cho Bond: ngăn chặn SMERSH. Nhưng trò chơi mèo đuổi chuột tốc độ cao đầy kích thích và nguy hiểm trên đường đua ấy hóa ra chỉ là khúc dạo đầu. Cuộc chạm trán tình cờ với một tay tỷ phú Triều Tiên bí ẩn còn dẫn Bond tới những âm mưu nhiều lần khủng khiếp hơn thế.
James Bond đã giành chiến thắng trước tên tội phạm đầu sỏ Auric Goldfinger, nhưng cả một cuộc chiến mới đã lại bắt đầu. Cùng với cô nàng Pussy Galore xinh đẹp, Bond từ Mỹ trở về nhà chỉ để biết rằng SMERSH, tổ chức gián điệp Xô Viết đối thủ, đang lên kế hoạch phá hoại một giải đua xe Grand Prix. Và thế là lại một nhiệm vụ mới cho Bond: ngăn chặn SMERSH. Nhưng trò chơi mèo đuổi chuột tốc độ cao đầy kích thích và nguy hiểm trên đường đua ấy hóa ra chỉ là khúc dạo đầu. Cuộc chạm trán tình cờ với một tay tỷ phú Triều Tiên bí ẩn còn dẫn Bond tới những âm mưu nhiều lần khủng khiếp hơn thế
***
Loạt tác phẩm James Bond xoay quanh một nhân vật mật vụ người Anh hư cấu, được sáng tạo bởi nhà văn Ian Fleming vào năm 1953. Fleming đã khắc họa Bond trong 12 cuốn tiểu thuyết và 2 tuyển tập truyện ngắn. Sau khi ông qua đời vào năm 1964, đã có tám tác giả tiếp tục viết tiếp các tác phẩm tiểu thuyết hoặc tiểu thuyết chuyển thể về James Bond, bao gồm: Kingsley Amis, Christopher Wood, John Gardner, Raymond Benson, Sebastian Faulks, Jeffery Deaver, William Boyd và Anthony Horowitz. Forever and a Day của Anthony Horowitz, xuất bản vào tháng 5 năm 2018, là cuốn tiểu thuyết James Bond mới nhất. Ngoài ra, có thể kể đến loạt truyện viết về Bond thời trẻ của Charlie Higson hay Kate Westbrook với bộ ba tiểu thuyết dựa trên cuốn nhật ký của Moneypenny, một nhân vật từng xuất hiện trong loạt truyện.
Nhân vật James Bond còn được biết tới với mã tên 007, được chuyển thể rộng rãi thành các tác phẩm truyền hình, phát thanh, truyện tranh, trò chơi điện tử và phim ảnh. Loạt phim về James Bond hiện đang là loạt phim liên tục dài nhất mọi thời đại và thu về tổng doanh thu 7.04 tỉ đô la Mỹ, trở thành loạt phim có doanh thu cao thứ sáu lịch sử. Nó được khởi đầu vào năm 1962 bằng phần phim Dr. No với ngôi sao Sean Connery trong vai Bond. Tính tới năm 2020, loạt phim do Eon Productions sản xuất đã có 24 phần. Spectre (2015) là bộ phim James Bond gần nhất, có sự tham gia diễn xuất của Daniel Craig với lần thứ tư anh thủ vai mật vụ Bond trong loạt phim của Eon. Ngoài ra, còn có hai tác phẩm độc lập: Casino Royale (một phiên bản giễu nhại ra mắt năm 1967, với sự tham gia của David Niven) và Never Say Never Again (bản làm lại bộ phim do Eon sản xuất trước đó của Thunderball, ra mắt năm 1965, cả hai bản đều có sự tham gia của Connery). Năm 2015, với trị giá ước tính 19.9 tỷ đô la Mỹ, James Bond trở thành một trong những thương hiệu truyền thông có doanh thu cao nhất từ trước tới nay.
Các bộ phim về Bond nổi tiếng bởi một số điểm đặc trưng, như phần nhạc đệm với các bài hát chủ đề đã nhiều lần được đề cử Oscar và chiến thắng hai lần. Vài yếu tố xuyên suốt quan trọng khác bao gồm những chiếc xe hơi của Bond, các khẩu súng của anh và những thiết bị mà anh được Q Branch cung cấp. Mỗi phần phim cũng chú ý khắc họa mối quan hệ của Bond với nhiều phụ nữ khác nhau, đôi khi được gọi là các "Bond girl".
***
Crosley là một chiếc xe nhỏ, xấu, mũi dài, khoang vuông, thân đã bị gỉ sét ăn thủng. Người lái xe, đang gập người trên vô lăng, mắt không rời khỏi con đường phía trước, đã mua nó với giá ba trăm đô la. Tay bán hàng thề thốt rằng chiếc xe có thể chạy sáu mươi cây số chỉ với ba lít xăng và còn có thể tăng tốc lên tám mươi ki lô mét một giờ. Tất nhiên là hắn nói dối… với hàm răng hoàn hảo và nụ cười thân thiện của một con phe tỉnh lẻ. Chiếc Crosley chẳng tăng tốc được thêm chút nào ngay cả trên đường lao dốc, nữa là ở đây, gần với bờ Đông Virginia, nơi địa hình đã trở nên bằng phẳng suốt nhiều cây số.
Người lái xe có thể là một giáo sư hoặc một thủ thư. Gã có vẻ ngoài của một kẻ chủ yếu sống trong nhà với làn da xanh xao, những ngón tay ám nicotine và cặp kính theo thời gian đã từ từ chìm vào mũi cho đến khi trở thành một phần vĩnh viễn của khuôn mặt. Tóc gã đã thưa, lộ ra những vết đồi mồi trên trán. Gã là Thomas Keller. Mặc dù hiện đang mang hộ chiếu Mỹ, gã sinh ra tại Đức và vẫn nói tiếng mẹ đẻ trôi chảy hơn nói thứ tiếng của đất nước đã nuôi nấng gã. Không rời tay lái, Keller lật tay liếc nhìn chiếc đồng hồ quân sự Elgin 16 chân kính mà gã mua tại một cửa hiệu cầm đồ ở Salisbury, gần như chắc chắn bị vứt lại đó bởi một quân nhân đang gặp vận đen. Gã rất đúng giờ. Gã nhìn thấy lối rẽ ngay phía trước và bật xi nhan. Sau một giờ nữa thôi, gã nghĩ, gã sẽ có đủ tiền để mua một chiếc xe tử tế và một chiếc đồng hồ tử tế - đồng hồ Thụy Sĩ, tất nhiên, có thể là Heuer hoặc Rolex gì đó - và cuối cùng, một cuộc sống tử tế.
Gã dừng lại trước một quán ăn, một cái hộp đẹp đẽ màu bạc trông như vừa mới lấy ra từ sau xe tải. Tên quán - Lucie - được uốn bằng đèn neon hồng ngay trên bốn món ăn đã định hình nền ẩm thực Mỹ đối với hầu hết cư dân của nó, bất kể là họ sống ở bang nào: Bánh kẹp, Xúc xích, Sữa lắc và Khoai chiên. Gã ra khỏi xe, áo sơ mi hơi bị dính vào lớp vỏ bọc ghế bằng nhựa vynil, và nhặt áo khoác để trên ghế trước. Gã đứng lặng một lúc trong không khí ấm nóng, lắng nghe một đoạn nhạc phát ra từ chiếc máy hát tự động, và nghĩ đến hành trình đã đưa gã đến đây.
Thomas Keller vừa tốt nghiệp với tấm bằng vật lý và kỹ sư thì gặp được thứ rồi sẽ trở thành niềm đam mê lớn của đời gã. Chuyện xảy ra tại rạp Harmonie ở Sachsenhausen nơi gã cùng một cô gái xinh đẹp tới để xem bộ phim mới của Fritz Lang, Frau im Mond, Người đàn bà trên mặt trăng. Bộ phim bắt đầu được năm phút là gã đã quên tiệt cô gái, và vì thế, cả hy vọng được sờ soạng cô sau đó ngoài bãi đỗ xe của rạp. Thay vào đó, cảnh trên màn hình chiếu một quả tên lửa nhiều tầng đang rời khỏi quỹ đạo trái đất đã đánh thức thứ gì đó bên trong gã và từ đó trở đi hoàn toàn chiếm lĩnh gã. Có thể nói rằng gã đã được phóng đi, bằng một sức mạnh không thể cưỡng lại, đầu tiên là tới Đại học Tổng hợp Berlin, sau đó tới Verein für Raumschiffahrt - Hiệp hội Du hành Không gian - và cuối cùng là tới bờ biển Baltic và cảng biển Peenemünde.
Khi đó, nghiên cứu tên lửa của Đức đã có tiến bộ hơn hẳn, vì mặc dù Hiệp ước Versailles bị nhiều người căm ghét đã đặt ra rất nhiều hạn chế đối với việc phát triển vũ khí nhưng du hành không gian lại được miễn trừ. Điều này tạo thuận lợi cho quân đội Đức, họ đã nhanh chóng nhận ra rằng tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng được phóng đi từ một bệ phóng tạm thời và tương đối đơn giản, có thể bay xa và nhanh hơn nhiều loại đạn pháo, đem tải trọng thuốc nổ của nó đến mọi thành phố lớn ở châu Âu.
Keller ba mươi sáu tuổi khi gã gặp người phụ trách chương trình không gian của Đức: kỹ sư tên lửa (và là một thành viên SS-Sturmbannführer) Wernher von Braun. Con trai của một bá tước Phổ, von Braun xuất thân từ một gia đình đã từng tham chiến từ thế kỷ 13 và chưa bao giờ đánh mất những đặc trưng quý tộc của mình. Ông ta luôn đi lại khệnh khạng, quát mắng tất cả những ai tranh cãi với mình và có thể trở nên thô bạo lạnh lùng khi rơi vào một tâm trạng nhất định. Nhưng đồng thời ông ta lại vô cùng đam mê công việc, luôn đòi hỏi những điều tốt nhất từ bản thân và từ những người xung quanh. Keller kính trọng ông ta vậy nhưng cũng sợ hãi không kém.
Tất nhiên, trong thời gian đó một tay hạ sĩ người Áo đã lên nắm quyền và nước Đức đang có chiến tranh. Nhưng chẳng có chuyện gì thực sự làm Keller quan tâm. Cũng giống như nhiều học giả và các nhà vật lý khác, những người bạn hiếm hoi, gã không quan tâm nhiều đến thế giới xung quanh, và nếu như Hitler lại chuyển tiền - mười một triệu mác Đức trích từ Không lực và quân đội - vào các thiết bị đánh chặn bằng tên lửa và tên lửa đạn đạo thì gã sẵn sàng lờ đi những mối bận tâm kém hấp dẫn khác của đảng Quốc xã. Thực sự là khi cuối cùng đã đến được Peenemünde, lúc những quả tên lửa V-2 đầu tiên rời bệ phóng vào mùa hè năm 1944, gã chưa từng nghĩ đến sự chết chóc và tàn phá mà chúng sẽ đem đến với trọng tải một tấn của mình. Gã là một nghệ sĩ và đây là tấm toan của gã. Việc ngắm nhìn các vụ phóng đã cho gã một giây phút xuất thần tinh khiết: những đám mây khói trắng đầy những tia lửa nhỏ từ bộ đánh lửa đột nhiên đổ xô lại với nhau thành một ngọn lửa đỏ rực rỡ, dây cáp bung ra và một tạo vật xinh đẹp, lịch lãm được tung lên bầu trời. Những rung động xuyên qua gã. Làn da gã dường như sống dậy, gã cảm thấy phấn khích khi biết rằng mình là một trong số ít các kỹ thuật viên đã giúp tạo ra nó, rằng các động cơ sẽ tạo ra công suất đáng kinh ngạc 800.000 mã lực và rằng tên lửa sẽ sớm đạt được năm lần tốc độ của âm thanh. Đám dân thường London sẽ không thể biết gì về sự hoàn hảo, về thiên tài vĩ đại của thứ vũ khí đã giết họ. Thường thì Keller không thể kiềm chế được mình. Gã rơi những giọt lệ của niềm vui thuần khiết.
Một thời gian ngắn sau khi chiến tranh kết thúc, Keller tự hỏi không hiểu gã có phải đối mặt với hậu quả nhất định nào đó hay không. Thực ra gã đã có mặt khi von Braun đầu hàng người Mỹ và sau đó bị họ thẩm vấn vì cũng nằm trong Danh sách Đen nổi tiếng, mật danh dành cho các nhà khoa học và kỹ sư Đức có vai trò quan trọng đặc biệt. Nhưng gã không quá lo lắng. Những gì von Braun và nhóm của ông ta đã tạo ra quá có giá trị đối với Đồng minh và gã tin rằng công việc của họ bằng cách nào đó vẫn sẽ được tiếp tục. Gã đã đúng. Hai người họ được thả cùng một ngày. Cùng với hơn một chục nhà khoa học và kỹ thuật viên khác họ đã được đưa ra khỏi nước Đức trên cùng một chuyến bay, và cuối cùng đã tới Fort Bliss, một căn cứ quân sự Mỹ gần Al Paso, nơi mà với những ông chủ mới và trong một số trường hợp ít ỏi khác - nhân thân mới, họ lại tiếp tục công việc từ đúng chỗ trước đó họ đã bị ngắt quãng một cách thô bạo.
Giờ Keller năm mươi tư và đã đi gần hết sự nghiệp. Gã sống ở Mỹ đã mười hai năm nhưng chưa bị ai nhận nhầm là người Mỹ. Gã có diện mạo và hình thể của một người nước ngoài, vụng về và chậm chạp. Lối nói chậm rãi và nặng khẩu âm luôn tiết lộ nguồn gốc của gã ngay khi gã bắt đầu mở miệng. Cũng chẳng quan trọng lắm. Chiến tranh đã đủ xa rồi. Người ta cũng chẳng còn quan tâm nữa. Vả lại, trong ý thức gã đã đồng hóa theo cách tốt hơn - và điều đó làm cho gã hoàn toàn thỏa mãn. Ba năm sau khi đến Mỹ, gã lấy một cô tiếp viên Mỹ bán cocktail mà gã gặp ở El Paso làm vợ và hai người họ chuyển đến sống trong một ngôi nhà phong cách thuần Mỹ gần Salisbury, bang Maryland. Keller được thuê làm giám sát viên tổng hợp trong Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân (NRL) tại bãi phóng tên lửa của cơ quan này trên đảo Wallops. Gã vừa ra khỏi văn phòng một giờ trước.
Giờ thì gã đã đến nơi.
Gã bước vào quán và ngay lập tức cảm thấy cái mát lạnh của điều hòa không khí, đúng lúc máy hát tự động phát một bài mới của Everly Brothers.
Tạm biệt tình yêu
Tạm biệt hạnh phúc…
Keller không quan tâm đến âm nhạc Mỹ nhưng gần như không thể thoát được giai điệu này suốt mấy tháng nay. Gã cảm thấy lời bài hát có vẻ lạc quẻ một cách lạ lùng, vì gã đến đây với hy vọng và kỳ vọng vào điều hoàn toàn trái ngược.
Người gã đến gặp đang chờ gã ở đúng chỗ mà hắn đã nói, cái bàn cạnh cửa sổ góc. Hắn mặc bộ vét hiệu Brooks Brothers, áo sơ mi cài hết cúc và đi giày lười, kiểu trang phục thường xuyên của hắn. Hắn đến sớm. Trên mặt bàn có một tờ báo và hắn đã điền được một phần trò ô chữ. Keller biết đến hắn với tên gọi Harry Johnson, nhưng gã không chắc đấy có phải tên thật của hắn hay không. Gã giơ tay chào, hơi lúng túng bước trên nền gạch đỏ trắng đến phía bên kia của cái bàn. Đến phút cuối gã mới nhận ra mình đã quên khoác áo vét. Thôi kệ, đằng nào thì cũng đã quá muộn. Gã quyết tâm không làm gì tỏ ra thiếu chuẩn bị hoặc vụng về. Gã đặt cái áo lên ghế bên cạnh.
“Anh thế nào, Keller?” Johnson nói đều đều, giọng Manhattan.
“Tôi ổn, cảm ơn anh.”
Harry Johnson trẻ hơn gã đến mươi mười lăm tuổi, nhưng trông lại có vẻ già dặn hơn với khuôn mặt dài quá mức, má đầy nếp nhăn và mái tóc bạc cắt ngắn. Hắn đang xoay cái bút bi giữa những ngón tay. Trên một ngón tay, hắn đeo chiếc nhẫn vàng có khắc hình.
“Thủ đô của Venezuela là gì?” hắn hỏi.
“Sao cơ?” Keller sửng sốt.
“Thứ chín từ trên xuống, thủ đô của Venezuela. Từ bảy chữ cái bắt đầu bằng chữ C.”
“Tôi không biết,” Keller cáu kỉnh nói. “Tôi không chơi ô chữ.”
“Này, không sao. Tôi chỉ hỏi thôi mà.” Johnson rời mắt khỏi ô chữ. “Thế nào, xong rồi chứ?”
Lần này thì Keller hiểu ý hắn.
Đây là lần thứ tư họ gặp nhau. Keller vẫn nhớ lần đầu tiên, một cuộc gặp có vẻ như tình cờ trong một quán rượu trung tâm Salisbury. Johnson bằng cách nào đó đã ở đó, ngay ghế bên. Không thể biết được hắn vào từ lúc nào. Họ đã nói chuyện với nhau. Johnson nói hắn là một doanh nhân, cũng có thể đúng là vậy thật nhưng thực sự thì nó cũng gần như chẳng có ý nghĩa gì. Hắn có vẻ phấn khích khi biết Keller là một nhà khoa học ngành tên lửa và sau ly thứ hai - Johnson đòi được trả tiền - hắn đưa ra một loạt câu hỏi đầy quan tâm nhưng vô hại, không có gì khiến cho gã phải nghi ngờ. Đương nhiên mọi thứ đã được sắp xếp từ trước. Hắn đã biết tất cả về Keller từ trước khi họ mở miệng nói chuyện với nhau. Đến cuối buổi tối hai người đã thu xếp gặp nhau lần nữa. Sao lại không cơ chứ? Johnson là một người bạn tốt, và khi ra về hắn gần như vô tình nói rằng mình có thể đề nghị việc này. “Có thể kiếm cho anh một ít tiền. Mới chợt nghĩ vậy thôi. Lần sau ta trao đổi nhé.”
Nhưng đến lần sau đó hắn không nói gì. Họ so sánh vợ con, gia đình, lương lậu, khát vọng. Toàn là những câu chuyện của đàn ông, mặc dù người nói chính vẫn là Keller. Chỉ đến lần thứ ba khi họ đã hiểu nhau rõ hơn thì Johnson mới đưa ra lời đề nghị của mình. Đáng ra khi đó Keller phải tới gặp cảnh sát, hoặc hợp lý hơn nữa là phòng An ninh Hải quân ở phía Nam đảo Wallops.
Tất nhiên là gã không làm thế. Johnson, hay những người đứng sau hắn, đã chọn Keller vì họ biết gã sẽ không làm thế. Có khi họ đã tìm hiểu gã nhiều tháng trời rồi. Chính xác thì họ là ai? Keller không quan tâm. Cũng chính chứng chỉ nhìn tầm gần này đã giúp gã qua được cuộc chiến. Gã không có nhu cầu nhìn toàn cảnh. Không quan trọng. Gã đơn giản chỉ tập trung vào đề nghị được đặt ra cho mình và hai trăm năm mươi ngàn đô la, miễn thuế, mà gã có thể có được nếu như làm theo đề nghị đó. Gã đồng ý gần như ngay lập tức và chỉ cần một buổi gặp nữa để thảo luận chi tiết. Rất thẳng thắn. Điều mà gã được đề nghị làm không hề dễ dàng. Nó cần có sự hiểu biết sâu sắc về cơ học chất rắn và ứng suất kéo - nhưng đó chính là lĩnh vực chuyên môn của gã. Và sau khi gã đã đo đếm tỉ mỉ mọi yếu tố thì bản thân công việc này vẫn là một vấn đề. Nhưng may mắn thì gã cũng sẽ có được bốn hoặc năm phút một mình. Có rủi ro đáng kể - nhưng phần thưởng cũng lớn. Đó là tính toán ban đầu của gã.
“Thế là xong rồi chứ?”
“Phải.” Keller gật đầu. “Nhiệm vụ hóa ra lại dễ hơn tội tưởng nhiều. Tôi từng được vào xưởng lắp ráp trong lúc tập dượt cứu hỏa.” Gã dừng lời. Gã đã lộ ra sự nhiệt tình quá mức và khiến điều gã đã làm được có nguy cơ mất giá. “Tất nhiên là tôi phải làm nhanh. Người ta luôn luôn tăng cường an ninh trong khi chuẩn bị phóng. Và phải làm rất cẩn thận. Có khả năng, anh hiểu chứ, người ta sẽ đi kiểm tra vào phút chót. Việc tôi làm cần phải… unsichtbar.” Gã tìm từ trong tiếng Anh. “Tàng hình.”
“Động cơ sẽ hỏng chứ?”
“Không. Nhưng nó sẽ không hoạt động tử tế. Lượng thuốc phóng được bơm vào buồng đốt sẽ không đủ. Tôi đã giải thích điều đó cho anh rồi. Kết quả sẽ đúng như mong muốn.”
Hai người cùng im lặng khi hầu bàn đưa cà phê và nước lạnh đến. Hai cuốn thực đơn để mở trước mặt. Họ không có ý định ăn uống gì.
“Thời điểm phóng thì thế nào?” Johnson hỏi. Keller nhún vai. Gã không thích cà phê. Gã đã nốc hết bao nhiêu lít món này từ khi đến Mỹ, trong lúc hút thuốc và làm việc thâu đêm? Gã đẩy cái cốc sang một bên. “Vẫn còn mười hai ngày nữa từ hôm nay. Tôi đã xem dự báo. Thời tiết tốt. Nhưng thời tiết thì không bao giờ chắc chắn được. Hướng và tốc độ gió rất quan trọng, và nếu như điều kiện không thích hợp thì…” Gã hạ giọng bỏ lửng câu nói. “Nhưng đấy không phải chuyện tôi quan tâm. Tôi đã làm điều anh yêu cầu. Anh có đem tiền không?”
Người đàn ông kia không nói gì. Hắn nhìn chằm chằm gã người Đức. Sau đó hắn chìa tay ra và gỡ cặp kính mát gài trên túi áo phía trước. Đó là tín hiệu cho thấy công việc của họ đã kết thúc. “Dưới gầm bàn có một cái cặp.”
“Còn tiền thì sao?”
“Trong đấy hết.”
Johnson toan ra về nhưng Keller ngăn hắn lại. “Tôi phải nói với anh một chuyện,” gã nói. “Quan trọng đấy.” Gã đã tập dượt điều sắp nói. Gã khá tự hào về cách nói mà gã đã nghĩ ra, về việc gã đã suy nghĩ điều đó thật kỹ càng. “Tôi sẽ không đếm tiền. Tôi sẽ coi như đã đủ. Nhưng đồng thời, tôi phải cảnh báo anh. Tôi không biết ai thuê anh, tôi không quan tâm. Rõ ràng là anh làm việc cho những người nghiêm túc. Nhưng một phần tư triệu đô là rất nhiều tiền. Cược đặt rất cao. Và vì sự an toàn của bản thân mình anh có thể chọn cách bịt miệng tôi lại. Không phải khó lắm, phải không? Theo tôi hiểu, có thể trong cái cặp ấy có thuốc nổ và tôi có thể chết trước khi ra đến xe. Hoặc có thể sẽ có tai nạn giao thông.”
“Thế nên tôi muốn anh biết rằng tôi đã ghi lại tất cả những gì xảy ra giữa chúng ta với nhau và tất cả mọi thứ tôi được yêu cầu thực hiện. Không những tôi miêu tả anh, tôi còn chụp ảnh. Tôi mong là anh sẽ tha thứ cho sự lừa đảo nhỏ này của tôi, nhưng tôi chắc chắn anh sẽ thông cảm cho tình thế của tôi. Tôi cũng ghi lại thông tin về xe của anh, biển số xe. Tất cả những thứ đó được gửi ở chỗ một người bạn của tôi và gã đã được dặn là sẽ chuyển tất cả cho cơ quan có thẩm quyền nếu có điều gì đó đáng ngờ xảy ra cho tôi. Anh hiểu tôi nói gì chứ? Sẽ không có chuyện tên lửa bị hỏng nữa. Và dù cảnh sát phải tốn chút thời gian để tìm ra anh thì họ cũng đã biết về sự tồn tại của anh và sẽ theo anh mãi mãi.”
Johnson yên lặng nghe hết. Keller nói xong Johnson ngờ vực chằm chằm nhìn gã. Đó là lần đầu tiên hắn thể hiện cảm xúc thực của mình. “Anh nghĩ chúng tôi là ai?” hắn hỏi. “Anh nghĩ chúng tôi là gangster à? Tôi phải nói với anh, Tom, anh đọc nhầm loại sách rồi. Chúng tôi yêu cầu anh cung cấp cho chúng tôi một dịch vụ. Anh cung cấp cho chúng tôi dịch vụ đó và anh đã được trả tiền. Nhân tiện mà nói, anh nhầm rồi. Một phần tư triệu đô cũng không phải quá nhiều trong chuyện này. Anh sẽ gặp lại chúng tôi chỉ trong trường hợp anh không làm như chúng ta đã thỏa thuận - và nếu đúng như vậy, trong trường hợp ấy, cuộc sống của anh rất có thể sẽ bị nguy hiểm một chút. Nhưng cho dù anh không tin chúng tôi thì chúng tôi vẫn có niềm tin tuyệt đối nơi anh.” Hắn ném vài đồng xu ra bàn để thanh toán tiền cà phê, cuộn tờ báo lại rồi đứng lên. “Tạm biệt.”
“Chờ đã…” Keller cảm thấy xấu hổ. “Caracas,” gã nói.
“Caracas?”
“Ô chữ còn thiếu của anh. Thủ đô Venezuela.”
Johnson gật đầu. “Tất nhiên rồi. Cảm ơn anh.”
Keller nhìn hắn đi khỏi. Đúng là bài phát biểu của gã có chút khoa trương, được lấy cảm hứng từ mấy bộ phim gã từng cùng xem với vợ. Và nó cũng không thật. Không có bản ghi nào về những gì đã xảy ra, không có ảnh, không có người bạn nào đang chờ để đến gặp cảnh sát. Gã chỉ nghĩ rằng sự đe dọa này có thể là đủ để bảo vệ mình khi cần. Liệu gã có sai không? Liệu gã có tự biến mình thành thằng ngốc không? Sau đó gã nhớ đến tiền. Gã mò mẫm dưới gầm bàn và cảm thấy các khớp tay mình va phải thứ gì đó đặt sát tường. Cái cặp! Gã kéo nó ra và bật khóa, hé mở vừa đủ để có thể liếc vào trong. Có vẻ có đủ tiền trong đó: tiền năm mươi đô, được buộc thành cọc gọn gàng. Gã đóng cặp, khoác áo vét lên rồi vội vã ra ngoài. Không có dấu hiệu nào của Harry Johnson ngoài bãi đỗ. Gã ra xe, ném chiếc cặp vào ghế trước rồi chui vào xe.
Mất hai mươi phút để gã lái xe về đến nhà, nơi gã biết Gloria đang chờ gã. Nghĩ đến Gloria, gã mỉm cười và thư giãn một chút sau tay lái. Xét cho cùng, mọi thứ đều là cho nàng.
Nàng trẻ hơn gã mười lăm tuổi, thấp và hơi mũm mĩm theo cái cách làm gã thấy phấn khích, ngực và hông lúc nào cũng căng đầy dưới lớp quần áo. Khi hai người gặp nhau thì nàng đã ở giữa độ tuổi hai mươi, và khi gã kể với nàng về mình thì nàng thấy rạo rực. Này là một người đàn ông được đưa lậu từ châu Âu đến, làm việc cho một cơ sở nghiên cứu tuyệt mật chế tạo tên lửa không gian. Nó giống như tình tiết trong những cuốn sách bìa mềm nàng thích đọc, và mặc dù thực ra gã là người Đức, thiếu hấp dẫn và đôi khi có những yêu cầu làm nàng đau, điều đó có vẻ cũng chẳng quan trọng gì. Họ đã hạnh phúc khi lấy nhau và cả hai đã cùng quyết định chuyển lên phía Bắc, chọn Salisbury vì gần đảo Wallops. Họ đã mua nhà và cùng chọn nội thất. Nhưng từ đó trở đi mọi việc giữa họ đã không còn mấy tốt đẹp. Họ không thể có con, nàng thì phát chán vì ngôi nhà, vì cái công việc quản lý một nhà hàng địa phương hầu như không có khách trừ những ngày cuối tuần. Nàng không muốn nghe bất cứ điều gì về tên lửa và dạo này nàng chỉ miễn cưỡng đến xem các vụ phóng. Nhưng Keller vẫn còn yêu nàng. Dĩ nhiên là gã si mê nàng. Theo một cách nào đó, gã coi nàng như biểu tượng cao nhất về vị thế, sự công nhận đối với công trình của đời người. Nàng là một người vợ Mỹ. Gã xứng đáng có nàng.
Gã kể với nàng về người bạn mới của mình, Harry Johnson, về đề nghị gã nhận được. Có nằm mơ gã cũng không dám nhận nếu như không có sự chấp thuận của nàng. Gã mừng là gã đã làm như vậy. Tiền cược là vô cùng cao. Gã sẽ phạm một tội ác mà nếu bị phát hiện gã sẽ bị kết tội phản quốc. Nhưng ngay từ đầu Gloria đã tỏ ra quyết tâm hơn cả gã, thúc giục gã khi lòng dũng cảm của gã không còn. Hàng tuần nay hai người họ đã trao đổi về tương lai mà họ sẽ xây dựng cùng nhau, về việc họ sẽ làm gì với số tiền, họ phải thận trọng để không tiêu hết nó quá sớm ra sao. Keller thấy hình như vợ gã đã biến đổi. Giờ thì gã nhớ lại được nàng như thế nào khi lần đầu tiên gã để mắt đến nàng. Tất cả năng lượng và lebensfreude - sức sống - của nàng đã quay trở lại. Và nàng lại khôi phục được sự thèm khát giường chiếu, hiến dâng cho gã với sự buông thả như trong đêm tân hôn của họ.
Nàng đang đợi gã ngoài cửa căn nhà gỗ một cửa sổ. Đó là một ngôi nhà như bước thẳng ra từ catalogue nhà đất với khu vườn gọn gàng phía trước và dãy hàng rào màu trắng. Keller đỗ xe trên lối vào nhà và lại với nàng, tay xách cặp. Họ hôn nhau trên ngưỡng cửa. Nàng mặc chiếc váy hoa ban ngày, chiết eo. Mái tóc vàng óng của nàng đổ những lọn xoắn lên vai. Ngay lúc đó Keller thèm muốn nàng hơn bao giờ hết.
“Anh làm được rồi,” nàng nói.
“Phải.”
“Anh đếm chưa?”
“Ở đây cả mà. Không cần.”
“Anh phải đếm chứ.”
“Mình có thể đếm trong nhà.”
Họ cùng nhau vào nhà, vào phòng khách gọn gàng có sofa, bàn cà phê và chiếc ti vi phủ tấm che cửa lật. Họ mở cặp và đếm tiền. Gloria đứng tì vai và mông vào gã, gã vòng tay ôm nàng. Khi đã chắc chắn mọi thứ đều ổn, nàng vặn người hôn má gã. “Em đã để sâm banh sẵn trong tủ lạnh rồi đấy,” nàng nói.
Gã theo nàng vào bếp, đứng đó trong khi nàng lục lọi ngăn kéo. “Không thấy cái mở nút chai chết tiệt ấy đâu cả,” nàng nói.
Hắn lại chỗ nàng, và chỉ khi tới nơi thì hắn mới nhớ ra là để mở sâm banh thì đâu có cần đến mở nút chai, và đó cũng là lúc nàng quay lại còn gã thì cảm thấy có cái gì đó đè vào mình. Gã cúi nhìn và thấy, không thể nào như vậy, một cái cán dao thò ra từ bụng mình. Hẳn phải có nhầm lẫn gì rồi. Không thể như thế được. Nhưng khi ngẩng lên và nhìn thấy mắt nàng thì gã biết đây chính là sự thật. Gã cố gắng cất tiếng nhưng máu đã ộc ra từ cơ thể, và cùng với nó là hơi thở và sự sống của gã. Vẫn còn ôm lấy nàng, gã khuỵu xuống, rồi, khi nàng bước sang một bên, gã đổ vật xuống sàn.
Gloria nhìn xuống gã và rùng mình. Không phải cảnh tượng máu gã tràn trên lớp vải sơn làm ả ghê sợ. Mà là ký ức về đôi bàn tay gã trên thân thể ả, mùi chua chua trong hơi thở của gã.
Chẳng còn gì nhiều để làm.
Ả đã mua sẵn xăng. Ả vẩy xăng lên tay chồng đã chết, lên bếp, phòng khách, cầu thang. Rồi ả lấy chiếc va li, đóng gói vài thứ định mang theo và đổ tiền vào trong. Cuối cùng, ả bật diêm.
Ả lấy chiếc Crosley của chồng, cho dù đấy là một cái xe kinh khủng. Ít nhất thì ả cũng có thể trông chờ vào nó để đến California, nơi ả dự tính sẽ bắt đầu cuộc đời mới. Ả đi tới cuối con phố và rẽ ra đường lớn mà không nhìn lại. Và thế là không nhìn thấy những ngọn lửa đầu tiên khi chúng bùng lên phía sau mình và làn khói đang lan tỏa vào không khí ban đêm.
Mời các bạn đón đọc Cò Súng Tử Thần của tác giả Anthony Horowitz & Phạm Hồng Anh (dịch).