Đỉnh Tuyết là cuốn sách thứ hai trong series Alex Rider, được viết bởi tác giả người Anh Anthony Horowitz. Cuốn sách được phát hành tại Vương quốc Anh vào ngày 3 tháng 9 năm 2001 và ở Bắc Mỹ vào ngày 15 tháng 4 năm 2002, với tựa đề thay thế là Point Blank.
Truyện viết về cuộc phiêu lưu mới của Alex Rider, trong một điệp vụ mới của tình báo nước Anh. Với trí tưởng tượng phong phú, cách hành văn hiện đại và rất lôi cuốn qua hàng loạt tình tiết gay cấn, tác giả đưa người đọc đến một ngôi trường kỳ lạ, bí ẩn từ giáo viên đến học sinh và tại đây Alex Rider đã đối đầu với một tên sát nhân thiên tài và điên khùng nhất nhì thế giới. Truyện phù hợp với mọi đối tượng bạn đọc đặc biệt là những bạn trẻ yêu thích các chuyến phiêu lưu mạo hiểm và những ai đã đọc qua phần 1 “Công tắc bão” càng không thể bỏ qua.
***
Alex Rider là bộ tiểu thuyết tình báo cho thanh thiếu niên về một điệp viên nhỏ tuổi có tên là Alex Rider, đã được xuất bản thành sách và phát hành bắt đầu từ năm 2000 cho đến nay, gồm 13 cuốn. Ngoài 13 cuốn là nội dung chủ yếu, bộ truyện còn kèm theo sáu truyện tranh, bảy truyện ngắn và một cuốn bổ sung. Tại Vương quốc Anh, cuốn tiểu thuyết đầu tiên (tập 1) phát hành vào năm 2000, cuốn cuối cùng (tập 13) phát hành năm 2020. Bộ tiểu thuyết được Walker Books ở Anh xuất bản. Ở Việt Nam, một số cuốn trong bộ tiểu thuyết này đã được dịch ra tiếng Việt.
Tác giả của bộ truyện này là Anthony Horowitz - một nhà văn người Anh chuyên viết tiểu thuyết và kịch bản đã nổi tiếng về các tác phẩm The Diamond Brothers (anh em kim cương), The Power of Five (Người gác cổng), Sherlock Holmes, v.v.
Bộ tiểu thuyết này nổi tiếng vì là một tác phẩm văn học thuộc thể loại tiểu thuyết ly kỳ pha với hoạt động tình báo (spy fiction), kết hợp phiêu lưu, đã hấp dẫn nhiều lứa tuổi, hiện rất phổ biến ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ. Sách được bán rất chạy, hiện đã bán được trên 9 triệu bản hoặc có thể hơn nữa. Một số tập của bộ tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim chiếu rạp (từ 2006), thành phim truyền hình (từ 2020) với tựa đề cùng tên. Ngoài ra một số nội dung trong cốt truyện còn được chuyển thể thành trò chơi điện tử "Alex Rider Game". Ở Việt Nam, phần I của bộ phim truyền hình cùng tên là Alex Rider đã công chiếu trên kênh AXN châu Á từ tháng 3 năm 2021.
***
Chiếc xe hơi vẫn chở ông đi làm vào bảy giờ mười lăm phút sáng là một chiếc Mercedes được chế tạo theo đơn đặt hàng, có bọc thép và các ô cửa đều được lắp kính chống đạn. Tài xế của ông là một nhân viên FBI đã về hưu, lúc nào cũng thủ trong người một khẩu súng lục Beretta tự động và rất thành thạo cách sử dụng nó. Từ chỗ chiếc xe hơi dừng đến lối vào tòa nhà Roscoe, nằm trên Đại lộ số Năm ở New York, chỉ cách nhau có năm bước chân, thế nhưng những chiếc camera được gắn vào hệ thống truyền hình cáp vẫn theo sát ông ta trong từng cử động. Các cánh cửa tự động nhẹ nhàng khép lại sau lưng ông; một tay bảo vệ mặc đồng phục - có trang bị vũ khí - dõi theo khi ông băng qua phòng lớn, bước vào thang máy riêng.
Chiếc thang máy riêng của ông có những bức vách lát đá cẩm thạch trắng muốt, một tấm thảm màu xanh dương, một tay vịn màu bạc, và không có nút bấm nào cả. Ông Roscoe đặt bàn tay của mình lên một ô kính nhỏ. Bộ phận cảm biến đọc vân tay của ông, kiểm tra lại chúng và kích hoạt thang máy. Cửa thang máy nhẹ nhàng đóng lại, thang máy lên thẳng một mạch tới tầng thứ sáu mươi. Không một ai có thể sử dụng nó. Mà nó cũng không bao giờ dừng lại ở bất cứ tầng nào trong tòa nhà. Trong lúc thang máy đi lên, các nhân viên tiếp tân ở tiền sảnh bắt đầu nhấc điện thoại, thông báo cho tất cả nhân viên trong tòa nhà biết rằng ông Roscoe đang đến.
Mọi người làm việc trong văn phòng riêng của ông Roscoe đều đã được lựa chọn một cách cẩn thận và xem xét chặt chẽ, kỹ lưỡng cả về lý lịch lẫn chuyên môn. Không bao giờ có thể gặp ông mà không hẹn trước. Hẹn trước rồi thì phải ba tháng sau mới được gặp.
Khi người ta giàu, người ta phải cẩn thận. Cuộc sống có nhiều người kỳ quặc lắm, những kẻ bắt cóc, những tên khủng bố - liều lĩnh và cướp bóc. Ông Michael J. Roscoe là chủ tịch Tập đoàn điện tử Roscoe và là người thứ chín, hay thứ mười, giàu nhất trên thế giới, thế nên ông rất cẩn thận. Từ lúc chân dung ông Roscoe xuất hiện trên trang bìa tạp chí Thời đại (Vua điện tử), ông biết rằng mình đã trở thành mục tiêu của nhiều người.
Khi ở chốn công cộng, ông bước đi rất nhanh, đầu cúi xuống. Mắt kính râm ông chọn phải che được nhiều nhất gương mặt tròn trịa và bảnh trai của ông. Bộ complê ông Roscoe mặc rất đắt tiền nhưng vô danh. Nếu đến nhà hát hay đi ăn tối, thì vào đến phút chót, ông mới đến, ông không hề thích phải đi quanh quẩn đâu đó. Cuộc sống của ông có hàng tá hệ thống bảo vệ khác nhau, mặc dù chúng làm ông khó chịu, nhưng ông đã biến chúng trở thành thói quen.
Hãy hỏi bất kỳ một điệp viên hay nhân viên an ninh nào đi. Thói quen là thứ có thể giết chết người ta. Nó báo cho kẻ đối địch biết rằng ta sẽ đi đâu và khi nào thì ta tới đó. Thói quen sẽ giết chết ông Michael J. Roscoe, và hôm nay là ngày thần chết đã chọn để gọi ông.
Lẽ tất nhiên, ông Roscoe không hề có ý niệm gì về chuyện này khi ông bước ra khỏi thang máy mở thẳng vào văn phòng riêng của mình, một căn phòng rất to chiếm lĩnh một góc tòa nhà với những cửa sổ kéo dài từ sàn tới trần nhà, trông ra hai hướng: Đại lộ số Năm ở hướng đông và một phần của Công viên Trung tâm ở hướng Bắc. Hai bức tường còn lại có một cửa ra vào, một kệ sách thấp và một bức tranh sơn dầu đơn độc - một bức tranh vẽ bình hoa của họa sĩ Vincent van Gogh.
Các vật dụng trên mặt kính đen ở bàn làm việc của ông được sắp xếp gọn ghẽ: một máy vi tính, một sổ tay bọc da, một máy điện thoại và một tấm ảnh của cậu bé mười bốn tuổi nằm trong khung hình. Khi cởip chiếc áo vét-tông ra và ngồi xuống, ông nhận ra mình đang nhìn vào bức ảnh của cậu bé. Tóc vàng, mắt xanh, và có tàn nhang. Paul Roscoe giống bố mình như đúc hồi ba mươi năm trước, ông Michael Roscoe năm nay đã bước vào tuổi năm mươi hai và bắt đầu nhận ra tuổi tác của mình, mặc dù nước da ông vẫn rám nắng quanh năm. Con trai ông cao gần bằng bố. Tấm hình này chụp vào mùa hè năm ngoái, trên đảo Long Insland. Họ đã trải qua những ngày lênh đênh trên biển. Sau đó là bữa ăn đồ nướng trên bãi biển. Đấy là một trong những ngày hạnh phúc mà họ đã có cùng nhau.
Cửa mở, người thư ký bước vào. Helen Bosworth là người Anh. Cô rời nhà, dĩ nhiên, cả chồng nữa, để đến và làm việc ở New York; cô yêu mỗi phút giây ở đây. Cô đã làm việc trong văn phòng này được mười một năm rồi, và trong suốt quãng thời gian đó, cô chưa hề quên một chi tiết hay phạm một lỗi lầm nào.
- Xin chào ông Roscoe - Cô lên tiếng.
- Chào cô, Helen.
Cô đặt xấp tài liệu lên bàn ông.
- Số liệu mới nhất từ Singapore. Dự toán về tổ chức R-15. Ông có bữa trưa với Thượng nghị sĩ Andrews lúc mười hai giờ rưỡi. Tôi đã đặt chỗ ở Ivy.
- Cô đã gọi đi London chưa ? - ông Roscoe hỏi.
Helen Bosworth chớp chớp mắt. Cô chưa bao giờ quên điều gì, vậy tại sao ông ta lại hỏi thế ? Cô đáp:
- Chiều hôm qua, tôi đã gọi tới văn phòng ông Alan Blunt rồi.
Buổi chiều ở New York là buổi tối ở London. Cô Helen nói tiếp:
- Ông Blunt không rảnh, nhưng tôi đã sắp xếp cho ông một cuộc điện thoại gọi qua tổng đài vào chiều nay. Chúng tôi có thể nối số vào xe hơi của ông.
- Cảm ơn cô, Helen.
- Tôi đem cà phê cho ông nhé ?
- Không cần đâu, cảm ơn Helen. Hôm nay tôi không uống cà phê.
Helen Bosworth rời khỏi phòng, cô thực sự hoảng hốt. Không uống cà phê ? Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo nữa đây ? Theo như những gì cô biết thì ông Roscoe luôn bắt đầu một ngày làm việc của mình với hai tách cà phê kia mà. Liệu có phải ông bị ốm không nhỉ ? Gần đây ông hoàn toàn không còn là ông nữa - không phải là từ lúc Paul trở về nhà từ ngôi trường ở miền Nam nước Pháp. Lại còn cuộc điện thoại cho ông Alan Blunt ở London nữa chứ ! Chưa có ai kể với cô về con người này cả, nhưng cô đã từng nhìn thấy cái tên này trên một tệp tài liệu, ông Roscoe có việc gì đó với Cục tình báo quân đội. MI6. Ông Roscoe đang làm gì vậy, nói chuyện với một điệp viên ư ?
Cô Helen Bosworth quay trở lại văn phòng làm việc của mình, cố gắng làm dịu nỗi kích động, không uống cà phê - cô không thể chịu nổi điều này - mà uống một tách trà làm tỉnh người trong bữa trà điểm tâm của Anh. Một điều gì đó rất lạ đang diễn ra, và cô không hề thích thú điều đó.. Cô không thích điều đó chút nào.
Trong lúc ấy, dưới đó sáu mươi tầng, một người đàn ông bước vào tiền sảnh, hắn mặc quần yếm xám với một huy hiệu nhận diện đính trên ngực. Huy hiệu cho biết hắn là Sam Green, một kỹ sư bảo dưỡng của Công ty liên hợp Thang máy X-Press, một tay hắn xách một chiếc cặp, tay kia xách một cái hộp dụng cụ lớn, màu bạc. Hắn đặt cả hai xuống phía trước quầy tiếp tân.
Same Green không phải là tên thật của hắn. Tóc hắn - đen và hơi nhờn - là tóc giả; cũng là giả cả cặp kính mát, hàng ria mép và hàm răng không bằng phẳng. Trông hắn khoảng năm mươi tuổi, nhưng sự thật thì hắn chỉ mới gần ba mươi. Không ai biết tên thật của người đàn ông này, nhưng với công việc hắn đang làm, cuối cùng, hắn cũng đã để lại tiếng tăm. Hắn được biết đến với cái tên vỏn vẹn: "Quý ông'', là một trong những tên giết mướn thành đạt nhất và được trả lương cao nhất trên thế giới. Hắn được tặng biệt danh này bởi vì hắn luôn luôn gửi hoa đến gia đình nạn nhân của hắn.
Người bảo vệ ở tiền sảnh nhìn hắn chằm chằm.
- Tôi đến để xem thang máy - Hắn lên tiếng. Hắn nói gọng khu Bronx (nằm ở phía Đông Bắc thành phố New York) mặc dù cả đời hắn chưa bao giờ ở đó quá một tuần.
- Để làm gì ? - Người bảo vệ hỏi - Người của ông đã đến đây tuần trước rồi mà.
- Vâng. Đúng rồi. Chúng tôi đã phát hiện thấy một dây cáp bị hư ở thang máy số mười hai. Nó cần được thay thế, nhưng lúc ấy, chúng tôi lại không có thiết bị. Thế nên họ mới cử tôi quay trở lại.
Quý ông lục tìm trong túi, lấy ra một tờ giấy nhàu nát.
- Anh có cần gọi đến văn phòng chính không ? Thật sự là tôi được chỉ định đến đây mà.
Nếu người bảo vệ mà gọi cho Công ty Liên hiệp Thang máy X-Press, thì anh ta sẽ khám phá ra được rằng quả thực Công ty có nhận một người tên là Sam Green vào làm - nhưng đã hai ngày qua, chẳng thấy mặt mũi ông ta đâu. Bỏi vì Sam Green thật hiện đang nằm ở dưới đáy sông Hudson với một con dao trên lưng và một khối bê-tông nặng chín kilôgram buộc ở chân. Nhưng người bảo vệ đã không gọi điện cho Công ty. Quý ông cũng đã đoán trước được rằng anh ta sẽ không gây cản trở cho mình. Xét cho cùng thì thang máy vẫn luôn bị hỏng như thế. Lúc nào mà chả thấy thợ sửa chữa đi ra đi vào. Có gì khác biệt nếu có thêm một người nữa vào làm ?
Người bảo vệ đưa ngón tay cái ra hiệu. Anh ta nói:
- Lên đi.
Quý ông cất tờ giấy vào túi, xách đồ đạc lên, đi lại phía thang máy. Có mười hai tòa nhà chọc trời đang được bảo dưỡng, thêm tòa nhà của ông Michael J. Roscoe nữa là thứ mười ba. Thang máy số mười hai nằm ở phía cuối. Khi hắn bước vào, một chú bé giao hàng cầm trên tay một bưu kiện cũng cố gắng vào theo.
- Xin lỗi nhé - Quý ông nói - Phải đóng cửa để sửa chữa.
Cửa thang máy nhẹ nhàng đóng lại. Quý ông bắt đầu làm công việc của mình. Hắn nhấn nút lên tầng sáu mươi mốt.
Quý ông chỉ mới được giao nhiệm vụ này vào tuần trước. Hắn đã phải tiến hành thật nhanh, giết một kỹ sư bảo dưỡng thật, bắt chước hình dáng của ông ta, tìm hiểu cách bố trí trong tòa nhà Roscoe, và cố gắng sử dụng thành thạo một số dụng cụ mà hắn biết trước là hắn sẽ phải cần đến. Những người thuê hắn muốn nhà triệu phú này phải bị loại trừ càng sớm càng tốt. Quan trọng hơn, trông nó phải giống với một vụ tai nạn. Vì vậy, người ta đã nhờ đến Quý ông - và hắn được trả một trăm ngàn đôla. Tiền được gửi vào một tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ; họ trả trước một nửa và sẽ trả tiếp nửa kia sau khi xong việc.
Cửa thang máy lại mở ra. Tầng sáu mươi mốt được sử dụng chủ yếu cho hoạt động bảo vệ. Đây là nơi người ta đặt bể nước, cũng như những máy vi tính điều khiển nhiệt độ, máy điều hòa không khí, camera theo dõi và những thang máy trong tòa nhà. Quý ông tắt thang máy bằng cách sử dụng chiếc chìa khóa đã từng thuộc về Sam Green, sau đó, hắn đi lại phía những chiếc máy vi tính. Hắn biết chính xác những chiếc máy vi tính này nằm ở đâu. Thực tế, hắn có thể nhận ra chúng đang được che lại. Hắn mở chiếc cặp của mình ra. Trong cặp có hai ngăn. Ngăn thấp chứa một chiếc máy vi tính xách tay. Ngăn cao hơn đặt những mũi khoan và các dụng cụ khác, mỗi món đồ đều được buộc ràng lại, nằm cố định một chỗ.
Hắn mất mười lăm phút để xâm nhập vào máy vi tính trung ương và kết nối nó vào máy vi tính xách tay của hắn. Việc truyền dữ liệu qua hệ thống bảo vệ tòa nhàRoscoè lại mất thêm một khoảng thời gian nữa nhưng cuối cùng nó cũng trót lọt. Hắn gõ một lệnh vào bàn phím, ở tầng dưới, thang máy riêng của ông Michael J. Roscoe vừa làm một việc mà trước đây nó chưa hề làm bao giờ. Nó lên thêm một tầng nữa - tầng thứ sau mươi mốt. Tuy nhiên, cửa thang máy vẫn đóng. Quý ông cũng chẳng cần bước vào.
Thay vào đó, hắn nhấc chiếc cặp cùng với cái hộp dụng cụ màu bạc lên, mang trở lại vào thang máy mà hắn đã lên đây từ tiền sảnh. Hắn mở khóa và nhấn nút xuống tầng năm mươi chín. Một lần nữa, hắn lại khóa thang máy. Rồi hắn với tay lên, đẩy. Nóc thang máy là một cửa lật. Hắn đặt chiếc cặp và chiếc hộp dụng cụ màu bạc lên trên đó rồi nhảy lên trên nóc thang máy. Lúc này, Quý ông đang đứng trong khoang thang máy chính của tòa nhà Roscoe. Bốn phía xung quanh hắn toàn những cột và các ống đen xì những dầu mỡ cùng bụi bẩn. Những sợi dây cáp làm bằng thép dày buông thõng xuống, một số kêu o o khi chúng đang tải vật nặng. Nhìn xuống phía dưới, hắn có thể trông thấy một đường hầm trông như kéo dài vô tận, với những khe sáng do cửa thang máy trượt ra rồi đóng lại khi những chiếc thang máy đi lên các tầng khác nhau. Chúng tạo ra một làn gió nhẹ thổi tung bụi vào mắt hắn. Bên cạnh hắn là cửa thang máy, mà nếu mở ra, chúng sẽ dẫn hắn vào thẳng văn phòng ông Roscoe. Bên trên những cánh cửa này, phía trên đầu của hắn, thêm vài mét nữa về bên phải là mặt dưới thang máy riêng của ông Roscoe.
Cái hộp đựng dụng cụ đang ở bên cạnh hắn. Một cách thận trọng, hắn mở chiếc hộp ra. Xung quanh chiếc hộp được lót một miếng bọt biển dày. Trong lòng miếng lót ấy là một vật dụng trông như một máy chiếu phim phức tạp, màu bạc, hình lòng chảo, có một thấu kính thủy tinh dày. Hắn lấy chiếc máy ra, sau đó, nhìn vào đồng hồ. Tám giờ ba mươi lăm phút sáng. Quý ông còn những một tiếng đồng hồ nữa để lắp thiết bị này vào bên dưới thang máy của ông Roscoe, và thêm chút xíu thời gian nữa để kiểm tra lại cho chắc chắn rằng nó đang hoạt động. Hắn còn cả khối thối gian nữa.
Mỉm cười với chính mình, Quý ông lấy ra một cái tuavít vạn năng và bắt đầu làm việc.
Mười hai giờ trưa, cô Helen Bosworth nói vào điện thoại:
- Thưa ông Roscoe, xe hơi của ông đến rồi.
- Cảm ơn cô, Helen.
Buổi sáng hôm ấy, ông Roscoe không làm việc nhiều, ông tự nhận ra rằng mình chỉ để có một nửa đầu óc vào công việc. Một lần nữa, ông lại nhìn vào bức ảnh trên bàn. Paul. Làm thế nào mà cha và con lại trở nên hục hặc với nhau như thế chứ ? Và điều gì đã xảy ra vào mấy tháng cuối cùng đó khiến cho tình cảm cha con của họ trở nên tồi tệ đến như vậy ?
Ông đứng dậy, mặc áo vét-tông vào, rời khỏi phòng làm việc, lên đường đi ăn trưa với Thượng nghị sĩ Andrews. Ông hay ăn trưa với những chính khách. Những người này hoặc muốn tiền, muốn ý kiến của ông - hoặc chỉ là muốn quan hệ xã giao với ông. Bất cứ ai giàu sụ như Roscoe cũng đều muốn kết bạn với người có quyền lực, và các chính khách thì lại cần có những người bạn như thế.
Ông nhấn nút thang máy, cánh cửa nhẹ nhàng mở ra, ông bước một bước về phía trước.
Điều cuối cùng ông Michael J. Roscoe còn nhìn thấy trong cuộc đời mình chính là mặt trong chiếc thang máy của ông, với những vách cẩn đá cẩm thạch trắng, tấm thảm xanh dương, và tay vịn màu bạc. Chân phải của ông, mang chiếc giày da màu đen do một cửa hàng nhỏ ở thủ đô Rôma làm bằng tay để dành riêng cho ông, đặt lên tấm thảm và đã xuyên qua nó, kéo theo cả thân hình của ông đổ nghiêng vào trong thang máy và rồi cũng xuyên qua tấm thảm, ông lọt xuống, rơi khỏi sáu mươi tầng lầu cho đến chết.
Ông Roscbe hoàn toàn không thể hiểu được điều gì đã xảy ra, ông đã ngạc nhiên đến độ không thể kêu lên được một tiếng nào. Ông rơi vào bóng tối đen ngòm của khoang thang máy, rơi dọc theo những bức vách, và đâm sầm vào nền bê-tông rắn chắc ở bên dưới, cách đó bốn trăm năm mươi bảy mét.
Chiếc thang máy vẫn ở nguyên chỗ cũ. Trông nó vẫn vững chắc, nhưng thật ra, nó không còn ở đó nữa. Cái mà ông Rosoe bước vào chỉ là một hình ảnh ba chiều, một hình ảnh được chiếu vào khoảng không trống rỗng của khoang thang máy, nơi có để chiếc thang máy thật. Quý ông đã lập trình cho cửa mở ra khi ông Roscoe bấm nút, và ung dung nhìn thấy ông đi vào quên lãng. Nếu nhà triệu phú ngước nhìn lên một chút, ông sẽ nhận ra một máy chiếu không gian ba chiều màu bạc, đang chiếu ra một hình ảnh, cái máy ấy chỉ ở bên trên đầu ông có vài mét. Nhưng người đàn ông bước vào thang máy để xuống ăn trưa không hề ngước mắt lên. Quý ông đã biết trước điều đó. Và hắn chưa bao giờ tính toán sai.
Mười hai giờ ba mươi lăm phút, người lái xe gọi lên, nói rằng ông Roscoe không vào xe hơi. Mười phút sau, cô Helen Bosworth báo động khẩn cấp, cô bắt đầu rảo quanh phòng lớn của tòa nhà. Lúc một giờ, người ta gọi tới nhà hàng. Ngài Thượng nghị sĩ vẫn đang chờ ở đó. Nhưng ông Roscoe thì không thấy tăm hơi.
Thật ra, mãi đến ngày hôm sau, người ta vẫn chưa tìm ra được thi thể của ông Roscoe; nhưng vào tại thời điểm đó, sự mất tích của nhà triệu phú đã trở thành tin tức nổi cộm của các báo. Một tai nạn kỳ quặc - có vẻ như vậy. Không ai có thể lý giải được điều đã xảy ra. Bởi vì lúc đó, lẽ dĩ nhiên, Quý ông đã lập trình lại máy vi tính, gỡ máy chiếu ra và xóa bỏ mọi dấu vết, trước khi bình thản rời khỏi tòa nhà.
Hai ngày sau, một người đàn ông trông giống một kỹ sư bảo dưỡng bước vào sân bay quốc tế John F. Kennedy. Ông ta đáp chuyến máy bay đến Thụy Sĩ. Nhưng trước tiên, ông ta đến một cửa hàng hoa, đặt mười hai bông hoa uất kim hương đen, yêu cầu gửi đến một địa chỉ nào đó. Người đàn ông ấy gửi tiền mặt, ông ta đã không để lại tên.
Mời các bạn đón đọc Đỉnh Tuyết - Cuộc Phiêu Lưu Của Alex Rider của tác giả Anthony Horowitz.