Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Tử Thần Sống Mãi

“Tiểu thuyết của Lưu Từ Hân cho thấy trình độ thâm hậu và sự chuẩn bị chu đáo. Ông dùng kiến thức khoa học vững chắc làm nền tảng cho trí tưởng tượng, dung hợp cuộc sống chốn nhân gian và cuộc sống trong tưởng tượng với nhau, tạo ra nét thú vị riêng biệt.” - MẠC NGÔN

GIỚI THIỆU SÁCH:
Đe dọa khu rừng đen tối giúp nhân loại duy trì thế cân bằng chiến lược với thế giới Tam Thể suốt sáu mươi năm. Song rốt cuộc, một đòn tấn công bất ngờ đã làm thay đổi cục diện. Loài người cận kề bờ vực diệt vong, buộc phải phát đi thông tin tọa độ của hệ sao Tam Thể. Nhưng rồi, họ đối mặt với một vấn đề sinh tồn mới: vị trí của Hệ Mặt trời sớm muộn gì cũng bị lộ trước những tay “thợ săn” vũ trụ. Mọi hy vọng đều gửi gắm vào việc giải mã ba câu chuyện cổ tích được truyền về từ một cá thể nhân loại giấu mình trong nội bộ hạm đội người ngoài hành tinh…

Tử Thần sống mãi là kết thúc hoành tráng và hoàn hảo cho tam bộ khúc của Lưu Từ Hân, như một thiên sử thi về hành trình của mỗi nền văn minh, từ khi thức tỉnh, “chập chững bước ra ngoài, bay lên, bay càng lúc càng nhanh, bay càng lúc càng xa, cuối cùng thì hòa làm một với vận mệnh của vũ trụ.”

TÁC GIẢ:
Lưu Từ Hân, sinh năm 1963, người Dương Tuyền, Sơn Tây, là công trình sư cấp cao, một trong những tác giả đại biểu cho dòng tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Trung Quốc.
Tác phẩm tiêu biểu:

  • Kỷ nguyên sao băng
  • Sét hòn
  • Tam thể

***

"Tam thể 3: Tử Thần sống mãi" là một trong những tiểu thuyết sci-fi ăn khách nhất Trung Quốc nay đã trở lại với một kết thúc hoành tráng và hoàn hảo cho tam bộ khúc "Tam thể", như một thiên sử thi về hành trình của mỗi nền văn minh, từ khi thức tỉnh tới khi "hòa làm một với vận mệnh của vũ trụ".

Đây cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Châu Á từng đoạt giải Hugo cho Tiểu thuyết hay nhất, từng được đề cử Giải Nebula cho Tiểu thuyết hay nhất, có thể nói "Tam thể" là bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đáng đọc với tất cả những độc giả khao khát được đọc một cuốn tiểu thuyết sci-fi có tầm vóc lớn lao.

Tờ New York Times từng nhận xét tiểu thuyết Tam thể đã giúp phổ biến khoa học viễn tưởng của Trung Quốc ra ngoài biên giới và lan rộng khắp toàn cầu. Cuốn sách cũng được rất nhiều người nổi tiếng yêu thích, trong đó phải kể tới nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg và cựu tổng thống Mỹ Barack Obama.

“Tiểu thuyết của Lưu Từ Hân cho thấy trình độ thâm hậu và sự chuẩn bị chu đáo. Ông dùng kiến thức khoa học vững chắc làm nền tảng cho trí tưởng tượng, dung hợp cuộc sống chốn nhân gian và cuộc sống trong tưởng tượng với nhau, tạo ra nét thú vị riêng biệt.” - Mạc Ngôn

Đe dọa khu rừng đen tối giúp nhân loại duy trì thế cân bằng chiến lược với thế giới Tam Thể suốt sáu mươi năm. Song rốt cuộc, một đòn tấn công bất ngờ đã làm thay đổi cục diện. Loài người cận kề bờ vực diệt vong, buộc phải phát đi thông tin tọa độ của hệ sao Tam Thể. Nhưng rồi, họ đối mặt với một vấn đề sinh tồn mới: vị trí của Hệ Mặt trời sớm muộn gì cũng bị lộ trước những tay “thợ săn” vũ trụ. Mọi hy vọng đều gửi gắm vào việc giải mã ba câu chuyện cổ tích được truyền về từ một cá thể nhân loại giấu mình trong nội bộ hạm đội người ngoài hành tinh…

"Tử Thần sống mãi" là kết thúc hoành tráng và hoàn hảo cho tam bộ khúc của Lưu Từ Hân, như một thiên sử thi về hành trình của mỗi nền văn minh, từ khi thức tỉnh, “chập chững bước ra ngoài, bay lên, bay càng lúc càng nhanh, bay càng lúc càng xa, cuối cùng thì hòa làm một với vận mệnh của vũ trụ.

***

Những chuyện xưa nằm ngoài dòng thời gian (trích)

LỜI TỰA

Những câu chữ này vốn dĩ nên gọi là lịch sử, song những điều mà người viết dựa vào chỉ có ký ức của chỉnh bản thân mình mà thôi, nên viết ra thiếu đi tính nghiêm cẩn của lịch sử.

Kỳ thực, gọi là chuyện xưa cũng không chính xác, vì tất thảy không phải xảy ra trong quá khứ, không phải xảy ra trong hiện tại, mà cũng không phải xảy ra trong tương lai.

Người viết không muốn đi vào chi tiết, chỉ muốn đưa ra một cái khung cho lịch sử hoặc chuyện xưa mà thôi. Vì những chi tiết được bảo tồn chắc chắn đã phong phú vô cùng rồi, hầu hết những thông tin này đều được lưu trữ trong các chai thông điệp, mong rằng có thể đến được vũ trụ mới và được giữ gìn lâu dài.

Bởi vậy, người viết chỉ vạch ra phần khung chính, để một ngày nào đó có thể đem tất cả thông tin và các chi tiết trám vào đó - tất nhiên, đấy không phải việc của chúng ta. Mong rằng ngày đó sẽ đến.

Điều khiến người viết lấy làm tiếc nuối là, ngày đó không ở trong quá khứ, không ở trong hiện tại, mà cũng không ở trong tương lai.

Tôi dời Mặt trời về phía Tây, khi ánh nắng thay đổi góc chiếu, những giọt nước trên lá mạ non ngoài cánh đồng bỗng chốc sáng lên lấp lánh, tựa hồ vô số con mắt đột nhiên mở bừng ra. Tôi cho ánh nắng tối đi một chút, mang hoàng hôn đến sớm hơn, sau đó dõi mắt nhìn bóng lưng chính mình trên đường chân trời. Tôi huơ tay, cái bóng trước vầng tịch dương kia cũng huơ tay. Ngắm nhìn bóng hình ấy, tôi có cảm giác mình vẫn còn rất trẻ.

Đây là một thời điểm tốt, rất thích hợp để hồi tưởng.


***

Tháng Năm năm 1453: Cái chết của mụ phù thủy

Hoàng đế Constantines XI tạm ngưng dòng suy tư, đẩy đống bản đồ hệ thống phòng ngự thành phố trước mặt ra xa, quấn chặt áo choàng tím, lặng lẽ chờ đợi.

Ước tính thời gian của ông ta rất chuẩn xác, chấn động quả nhiên ùa đến đúng giờ, tưởng chừng như đến từ một nơi sâu thẳm trong lòng đất, nặng nề mà dữ dội. Đế chân nến bằng bạc rung lên phát ra tiếng ong ong, một ít bụi trên trần nhà rơi xuống, những hạt bụi này có lẽ đã lặng lẽ ở trên nóc Đại Cung cả nghìn năm. Chúng rơi xuống ngọn lửa nến, làm tóe lên một đám hoa lửa. Chấn động này là do một quả đạn pháo bằng đá hoa cương nặng một nghìn hai trăm pound bắn trúng tường thành gây ra, mỗi lần cách nhau ba tiếng đồng hồ, đây là thời gian mà đại pháo Orbán của Đế quốc Ottoman cần để nạp đạn. Đạn pháo khổng lồ bắn vào tường thành kiên cố nhất thế giới do Hoàng đế Theodosius II xây dựng hồi thế kỷ thứ 5 Công nguyên, sau đó lại không ngừng được mở rộng và gia cố, nó chính là chỗ dựa chủ yếu của triều đình Byzantium trước những kẻ thù hùng mạnh. Nhưng lúc này, mỗi viên đạn pháo khổng lồ đều bắn thủng một lỗ lớn trên tường thành, giống như một miếng cắn của gã khổng lồ vô hình. Hoàng đế có thể hình dung ra cảnh tượng ấy: đá vụn trên không trung vẫn còn lơ lửng, binh lính và thường dân trong thành tràn về lỗ hổng như một đàn kiến anh dũng giữa bụi cát mù trời. Họ dùng đủ thứ lấp kín lỗ hổng, có gạch ngói, gỗ khối dỡ ra từ các tòa nhà trong thành, có những bao tải nhét đầy đất cát, còn có cả những tấm thảm Ả Rập đắt tiền… Ông ta thậm chí có thể hình dung ra cảnh tượng đám mây bụi mù mịt ngấm đẫm ánh vàng trong cảnh tà dương chầm chậm bay vào, trông như tấm vải liệm màu vàng nhẹ nhàng phủ lên thành Constantinopolis.

Trong năm tuần thành phố bị vây đánh, mỗi ngày tường thành chịu chấn động này bảy lượt, giãn cách rất đều đặn, như tiếng báo giờ của một cái đồng hồ khổng lồ sừng sững giữa đất trời… Đó là thời gian của một thế giới khác, là thời gian của những kẻ dị giáo; so với nó, tiếng chuông từ chiếc đồng hồ bằng đồng hình chim ưng hai đầu đánh dấu thời gian của thế giới Cơ Đốc nơi góc tường kia nghe thật yếu ớt, bất lực.

Chấn động đã lắng xuống được một lúc, Hoàng đế Constantinos XI mới khó nhọc bắt suy nghĩ của mình trở về với hiện thực, ra hiệu cho gã thị vệ trước cửa cho người đang đợi bên ngoài vào.

Viên đại thần Phrantzes dẫn một cô gái gầy gò lặng lẽ đi vào.

“Thưa bệ hạ, đây chính là Helena.” Viên đại thần chỉ vào cô gái phía sau mình, sau đó ra hiệu cho cô gái đang nấp sau lưng bước lên phía trước mặt.

Hoàng đế vừa liếc nhìn qua đã nhận ra thân phận của cô gái. Phong cách ăn mặc của tầng lớp quý tộc thượng lưu và bình dân Byzantium có sự khác biệt rất lớn, thông thường trang phục của phụ nữ quý tộc được gắn đầy các món trang sức hoa lệ, còn phụ nữ bình dân thì chỉ mặc áo dài rộng thùng thình màu trắng, cùng với áo khoác có tay trùm kín cả người, nhưng trang phục của Helena lại là sự kết hợp giữa xa hoa của giới thượng lưu lẫn bảo thủ của bình dân: bên trong cô ta mặc áo trắng liền tay, bên ngoài lại khoác một chiếc áo choàng có mũ đắt tiền, loại áo choàng này lẽ ra phải được khoác bên ngoài chiếc tunica thêu kim tuyến mới đúng. Đồng thời, cô ta không dám dùng màu tím và màu đỏ tượng trưng cho tầng lớp quý tộc, chiếc áo choàng có màu vàng. Gương mặt cô gái toát lên một vẻ đẹp đẽ dâm đãng, khiến người ta nghĩ đến một đóa hoa thà rằng xinh đẹp rồi thôi nát còn hơn ủ rũ héo khô - một ả kỹ nữ, lại còn là loại cao cấp. Hai mắt cô gái cụp xuống, toàn thân run rẩy, nhưng Hoàng đế Constantinos XI để ý thấy đôi mắt cô ta đang sáng lên như thể phát sốt, lộ ra vẻ hưng phấn và kỳ vọng hiếm khi thấy được ở lớp người đó.

“Ngươi có phép thuật?” Hoàng đế hỏi Helena, ông ta chỉ muốn nhanh chóng kết thúc chuyện này. Phrantzes làm việc luôn chắc chắn và ổn thỏa, trong hơn tám nghìn quân sĩ giữ thành hiện nay, ngoài đội quân thường trực không lấy gì làm đông đảo và hai nghìn lính đánh thuê Genoa, phần lớn đều do vị đại thần giỏi giang này trưng tập khẩn cấp từng tốp từng tốp một từ hơn trăm nghìn dân cư trong thành. Hoàng đế không có nhiều hứng thú với cô gái này, chỉ nề mặt vị đại thần mà thôi.

“Đúng vậy, thưa bệ hạ, tôi có thể giết chết Sultan.” Helena khom gối run rẩy trả lời, giọng nghe mỏng mảnh như một sợi tơ.

Năm ngày trước, Helena đến trước cổng cung điện xin gặp Hoàng đế, bị đám vệ binh ngăn cản, cô ta đột nhiên lấy từ trong ngực ra một vật giơ lên, đám vệ binh sững sờ, bọn chúng không biết đó là thứ gì, từ đâu mà có, nhưng đều biết chắc đó không phải vật tầm thường. Helena không gặp được Hoàng đế, cô bị bắt lại giao cho viên quan phụ trách trị an, và bị tra khảo xem cô ta trộm vật đó ở đâu. Helena đã khai nhận, họ cũng đã chứng thực, sau đó cô ta được đưa đến chỗ đại thần Phrantzes.

Phrantzes mở túi vải đay cầm trên tay ra, cẩn thận đặt vật bọc bên trong lên bàn đọc sách của Hoàng đế, ánh mắt Hoàng đế Constantinos XI chợt sững sờ giống hệt đám vệ binh khi trông thấy vật đó năm ngày trước - khác với bọn chúng, ông ta biết đây là thứ gì. Đây là một chiếc Chén Thánh bằng vàng ròng, bên trên khảm nạm đầy đá quý, sắc vàng óng ánh khiến tâm hồn người ta phải run rẩy. Chén Thánh này được đúc ra vào thời Justinian Đại Đế hồi chín trăm mười sáu năm trước, tổng cộng có một đôi, ngoài hình dạng và bố trí các viên đá quý trên đó thì hoàn toàn giống nhau. Một trong hai chiếc Chén Thánh được các đời hoàng đế gìn giữ đến ngày nay, chiếc còn lại được cất vào một gian mật thất nhỏ bị niêm phong tuyệt đối ở sâu dưới nền móng đại giáo đường Hagia Sophia cùng với các thánh vật khác, khi giáo đường này được xây xong vào năm 537 Công nguyên. Chiếc Chén Thánh đang ở trước mắt ông ta hiển nhiên là chiếc thứ hai, vì chiếc còn lại đã hằn lên dấu vết của thời gian, ảm đạm lu mờ - đương nhiên, phải so sánh với chiếc đó thì mới nhận ra được chiếc Chén Thánh này trông mới tinh khôi như thể vừa được đúc ngày hôm qua vậy.

Vốn dĩ không ai tin lời Helena, mọi người đều cho rằng đây là đồ cô ta trộm được của một khách làng chơi giàu có, vì tuy có rất nhiều người biết chuyện bên dưới đại giáo đường có phòng bí mật, nhưng biết được vị trí chính xác của căn phòng ấy lại rất ít; vả lại, giữa những khối đá khổng lồ bên dưới nền móng giáo đường không có cánh cửa nào, thậm chí cả đường hầm dẫn đến căn phòng bí mật ấy cũng không có, không hao tốn nhân lực và thời gian thì hoàn toàn không thể nào vào đó được. Bốn ngày trước, xét đến cục thế nguy nan của thành phố, Hoàng đế ra lệnh đem hết mọi văn kiện và thánh vật quý hiếm đóng gói lại để khi khẩn cấp có thể nhanh chóng chuyển đi, mặc dầu trong lòng ông ta biết rõ đường bộ, đường biển đều đã bị cắt đứt, tường thành mà bị phá thì không còn nơi nào có thể đi được nữa. Ba mươi người phu mất trọn ba ngày mới vào được mật thất, họ thấy các khối đá quây lại thành căn phòng này cơ hồ lớn ngang với đá xây kim tự tháp Kheops. Các thánh vật đều được đặt trong một quan tài đá nặng nề bên trong mật thất, chằng ngang dọc mười hai đai sắt to tướng, phải mất hồi lâu mới mở ra được. Khi tất cả các đai sắt đều đã bị cưa đứt, năm người phu bị đám lính vũ trang xung quanh giám sát chặt chẽ, dốc hết sức lực đẩy nắp quan tài nặng nề ra, thứ đầu tiên thu hút ánh mắt của mọi người không phải các thánh vật và châu báu đã bị niêm phong nghìn năm kia, mà là một chùm nho vẫn còn tươi đặt trên cùng! Helena nói, chùm nho là do cô ta để vào năm ngày trước, hơn nữa đúng như cô ta nói, chùm nho đang ăn dở, chỉ còn lại bảy quả. Sau khi vệ binh kiểm tra hết thánh vật, đối chiếu với danh sách khắc trên một tấm bảng đồng gắn dưới nắp quan tài, họ xác định quả có thiếu một chiếc Chén Thánh. Nếu không phải đã tìm được Chén Thánh ở chỗ Helena đồng thời có lời khai của cô ta, dù tất cả những người có mặt tại hiện trường đều chứng nhận trước đó mật thất và quan tài đá hoàn toàn lành lặn, e rằng cũng có người khó mà thoát chết.

“Sao ngươi lấy nó ra được?” Hoàng đế chỉ vào chén Thánh hỏi.

Mời các bạn đón đọc Tử Thần Sống Mãi của tác giả Lưu Từ Hân & Lục Hương (dịch).