Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Sống Sót Ở Berlin

Erik Larson sinh ra tại Brooklyn, New York, Mỹ. Ông nổi tiếng với dòng truyện phi hư cấu về lịch sử, không thể không nhắc tới cuốn “Sống sót ở Berlin” do Nguyễn Quang Huy dịch, xuất bản theo sự chuyển nhượng quyền giữa Công ty cổ phần Sách Bách Việt và Erik Larson.
Cuốn sách nói về lịch sử nước Đức ngày càng chìm sâu bóng tối sau thời khắc Trùm Phát xít Adofl Hitler trở thành Thủ tướng của Đế chế Đức vào năm 1933. Kể từ đó trở đi, nước Đức xảy ra bạo lực liên miên và nạn phân biệt chủng tộc, đặc biệt đối với người Do Thái, Hitler quan ngại với người Do Thái bởi chính sự tài năng của nhóm người đó sẽ làm ảnh hưởng, cản trở đối với quyền lực của hắn.
Đúng vào thời điểm đó, ông William E.Dodd – một giáo sư lịch sử được cử sang Berlin làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Đức. Ông cùng cô con gái – Martha sớm được trải nghiệm một nước Đức kỳ lạ, tươi đẹp, nhưng cũng đầy rẫy hiểm nguy bủa vây. Trong khi đó, Hitler lại ngày càng tỏ ra thiện chí và ưa chuộng hòa bình.
Nhưng liệu mọi người nghe thấy, nhìn thấy và ngửi thấy gì? Các nhà ngoại giao và du khách giải thích những sự kiện diễn ra xung quanh họ như thế nào? Và có ai thấy được bộ mặt thật của Trùm Phát xít Hitler và ngăn hắn lại khi quá muộn???
Đoạn trích:
“Nước Đức đang trải qua sự thay đổi mang tính cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng mới đắc cử - Adolf Hitler. Tùy quan điểm mỗi người, Đức hoặc đang có sự hồi sinh mạnh mẽ hoặc đang chìm trong bóng đêm tàn ác”- Erik Larson.
“Chỉ có đàn áp tàn bạo và đẫm máu mới bóp chết được cuộc nổi dậy từ trong trứng nước… Bản thân ta chính là Tòa án Công lí Tối cao của Nhân dân Đức” – Adolf Hitler.

***

Trong hơn bốn năm làm đại sứ tại Đức, ông dần dần nhận ra chân tướng của Hitler cùng nguy cơ phát xít đối với châu Âu và thế giới. Ông đã cảnh báo với bộ Ngoại giao và chính quyền Mỹ nhưng do sự khác biệt trong đánh giá, cùng mâu thuẫn về quan điểm và sự đố kỵ nội bộ ở bộ Ngoại giao, những cảnh báo của ông không được tiếp nhận.

Thông qua nhật ký và ghi chép của Dodd, cùng hồi ký của con gái ông và những quan chức liên quan ở hai nước, tác giả đã dựng lại bầu không khí nước Đức trong sáu năm Hitler làm thủ tướng, cho đến khi chiến tranh thế giới II bắt đầu. Sự thanh trừng nội bộ của Hitler đối với lực lượng SA, sự đàn áp man rợ với người Do Thái và khủng bố đối với cả người nước ngoài.

Dodd vốn là giáo sư sử học, ông đang nung nấu ý tưởng viết một cuốn sách sử thi về miền Nam nước Mỹ, thì được tổng thống Roosevelt cử đi làm đại sứ ở Đức. Ông chủ trương sống giản dị, đạm bạc, chỉ dựa trên đồng lương mà không tiêu xài xa xỉ như các nhà ngoại giao khác. Ông cũng đề xuất lối sống này cho các nhà ngoại giao là đồng nghiệp nhưng bị cô lập, thậm chí bị đố kỵ căng thẳng, những cảnh báo về nguy cơ phát xít mà ông đưa ra bị cấp trên và đồng nghiệp ngoại giao phớt lờ. Sự coi thường của cánh ngoại giao chuyên nghiệp Mỹ cũng như châu Âu, không có biện pháp cứng rắn kịp thời, đã dẫn đến sự trả giá ở cả châu Âu và thế giới.

Sách tư liệu nhưng được viết rất hấp dẫn, sống động, người đọc khó dứt ra cho được.

Một số lỗi dịch:

“Mọi thứ đang trở nên ngày càng nguy hiểm và ngột ngạt hơn đối với người Do Thái gốc Đức” (trang 110) - chắc là dịch giả nhầm, phải là “người Đức gốc Do Thái” mới đúng.

“Hắn sẽ tự chứng tỏ mình nếu không phải là một kẻ thù đẫm máu của chúng ta, thì ít nhất cũng là một sản phẩm của sự hủy diệt” (trang 230) - nên dịch là “kẻ thù khốn kiếp”, chữ “bloody” ở đây không có nghĩa là đẫm máu.

“Một bức tượng gỗ chạm khảm hình một nữ tu” (trang 233) - tượng gỗ thì được tạc, hoặc tạo tác… chạm gỗ và khảm gỗ lại là thể loại khác.

“Ở tuổi mười sáu, anh gia nhập Hồng Vệ binh” (trang 283) - đây là chuyện kể của một nhà ngoại giao Liên Xô, từng là chiến sĩ. Vậy đúng ra là anh ta gia nhập Hồng quân. Còn Hồng Vệ binh là một lực lượng ở Trung Quốc thời cách mạng văn hóa.

Hồ Anh Thái

Mời các bạn đón đọc Sống Sót Ở Berlin của tác giả Erik Larson & Nguyễn Quang Huy (dịch).