Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Phù Sinh Lục Ký

Nhà văn hàng đầu Trung Quốc – Phùng Ký Tài khi được hỏi: “Nếu phải ở trên một hòn đảo cách biệt được chăm lo đầy đủ, nhưng chỉ được mang theo một cuốn tản văn yêu thích, thì ông sẽ mang theo cuốn sách nào? Vì sao?”, Phùng Ký Tài đã không ngần ngại trả lời ngay rằng: “Cuốn sách ấy là Phù sinh lục ký, vì nó có thể đọc đi đọc lại, giống như thơ vậy, đọc lên thấy thích thú và gợi cho mình nhiều suy nghĩ khác nhau”. Sách giáo khoa của Trung Quốc còn trích một số đoạn trong Phù sinh lục ký để làm chuẩn mực về cổ văn cho học sinh trung học. Nhiều tác giả Trung Quốc xem Phù sinh lục ký như một điển phạm khi viết văn. Phù sinh lục ký là tác phẩm kinh điển của Trung Quốc được in đi in lại cả trăm lần ở Đại Lục, được dịch ra mấy chục thứ tiếng trên toàn thế giới, riêng tiếng Anh có đến vài bản dịch, nhưng đây là lần đầu tiên được dịch giả Châu Hải Đường dịch ra tiếng Việt.

***

Người ta ngày nay có bao nỗi lo toan bủa vây, thế nên nhiều khi mình chẳng còn nhớ lần cuối cùng tri kỉ đàm đạo nhân tình thế thái là khi nào, cũng quên luôn cả lạc thú tiêu dao tự tại của tao nhân mặc khách đời xưa. Trong số các văn nhân Trung Hoa kinh điển, Thẩm Phục là một cái tên lạ lẫm đối với độc giả Việt Nam, nhưng những tác phẩm của ông được coi là mẫu mực cho cổ văn Trung Hoa cũng như được giảng dạy phổ biến trong các trường học.

Phù sinh lục kí là tác phẩm giá trị nhất của Thẩm Phục, gồm những bài ký giàu chất thơ, trong những lời văn uyển chuyển đầy tình ý, ta nghe nhịp nhàng như có phách nhạc phụ họa. Ông đã ghi chép lại những chuyện đời thường một cách đầy say mê, hào sảng nhưng cũng không kém phần nho nhã. Trong từng trang sách, hình ảnh vợ cắm một bình cúc, chồng pha một ấm trà, thưởng ngoạn cảnh đẹp nhân gian với nhau rõ mồn một và rất sinh động. Duyên cầm sắt đâu chỉ là sống bên nhau, còn là sự hòa hợp đồng điệu về tâm hồn, phu thê ăn ý tấu lên khúc nhạc thú vui khuê phòng. Một trích đoạn trong Phù sinh lục kí để thấy rõ tình cảm vợ chồng:

Tôi từng nói: “Tiếc rằng nàng là phận gái, chứ nếu có thể hoá nữ thành nam, rồi chúng ta cùng đi thăm danh sơn, tìm thắng tích, ngao du thiên hạ, chẳng cũng thích lắm ư?”
Vân nói: “Việc ấy có gì khó, đợi đến khi thiếp bạc mái đầu rồi, tuy chẳng thể xa chơi Ngũ Nhạc, nhưng những chỗ gần đây như Hổ Phụ, Linh Nham, nam đến Tây Hồ, bắc đến Bình Sơn, thảy đều có thể cùng chàng tới chơi được.”
Tôi nói: “E là khi nàng đầu bạc thì một bước đi cũng khó.”
Vân nói: “Kiếp này chẳng thể, thì hẹn kiếp sau.”
Tôi nói: “Kiếp sau nàng nên là con trai, còn ta là gái theo nàng.”

Đọc Phù sinh lục kí, độc giả sẽ bắt gặp nhiều điển tích, điển cố cổ của văn học Trung Hoa. Nó vừa thể hiện vốn kiến thức uyên thâm của tác giả, vừa thể hiện được sự uyên bác cùng tình cảm trân quý với những giá trị tinh hoa từ ngàn đời của tác giả. Có thể nói, Phù sinh lục ký là một bông hoa lạ tròn khu vườn văn học Trung Quốc. Tác giả là một người có tình cảm phong phú, tính cách hào sảng, tài hoa dồi dào, có thể gầy nên một tình điệu cao nhã, và phát hiện ra những điều thú vị độc đáo ngay từ cuộc sống bình thường.

– Ngân Nga Hoàng

Nhân, “Phù sinh lục ký” – Một tác phẩm đặc sắc của văn học Trung Quốc vừa được Châu Hải Đường dịch xong, và sắp được xuất bản – song vẫn có nhiều bạn băn khoăn về nội dung và nhầm lẫn với cuốn “Phù sinh lục ký” (Có lẽ lấy lại từ cảm hứng của tác phẩm cổ điển nói trên) của một tác giả trẻ đương đại, vì vậy dịch giả xin có đôi lời thưa thêm về tác phẩm này để các bạn có thêm thông tin. Xin trân trọng cám ơn.

“Phù sinh lục ký” là một tiểu thuyết tản văn, thể tự truyện đặc sắc của nhà văn đời Thanh – Thẩm Phục. Thẩm Phục tự Tam Bạch hiệu Mai Dật, xuất thân trong một gia đình sĩ tộc ở Tô Châu. Theo như tự thuật trong tác phẩm, ông sinh năm 1763, không rõ năm mất (Theo các nghiên cứu, có thuyết cho ông mất vào năm 1832) . Đáng tiếc rằng, do tác giả của nó không có danh vị cao trong xã hội, kinh tế lại khốn quẫn, nên tác phẩm đã không được ấn hành ngay khi ông sinh tiền, mà chỉ có bản chép tay lưu truyền ở đời.

Cho đến năm Quang Tự thứ 3 (1877), tức là gần 50 năm sau khi ông qua đời, Độc Ngộ am chủ nhân – Dương Dẫn Truyền, người Ngô Huyện, Giang Tô, tìm thấy một cuốn sách viết tay nhan đề “Phù Sinh Lục Ký” ở một tiệm sách nhỏ trong thành Tô Châu, tuy sách đã nát, nhưng có thể đọc thấy tài tình rất mực của tác giả. Sau khi được nhà thơ, học giả nổi tiếng Vương Thao gửi thêm cho xem sáu bài thơ tuyệt cú, ghi là “Đề Phù Sinh Lục Ký” của Quản Thụ Thuyên (Di Ngạc) người Dương Hồ, Dương Dẫn Truyền đã đem cuốn sách in chung vào bộ “Độc Ngộ am tùng sao” của tòa soạn “Thân Báo”, và một bộ kỳ thư ấy đã lần đầu tiên được xuất hiện ở đời.

Năm Quang Tự thứ 32 (1906), Hoàng Nhân tiên sinh khi dạy ở đại học Đông Ngô – Tô Châu đã cho đăng “Phù Sinh Lục Ký” trên tạp chí “Nhạn Lai Hồng”. Cuối đời Quang Tự, Vương Văn Nhu lại cho in trong “Thuyết khố”.
Năm 1923, Du Bình Bá căn cứ vào văn bản trên “Độc Ngộ am tùng sao”, Tạp chí “Nhạn Lai Hồng”, hiệu điểm in lại tác phẩm, do Khai Minh Thư Cục phát hành.

Năm 1935, Lâm Ngữ Đường tiên sinh đã dịch tác phẩm ra tiếng Anh, đăng nhiều kỳ trên nguyệt san “Thiên hạ” và “Tây phong”. Từ đó “Phù Sinh Lục Ký” bèn nổi danh khắp thiên hạ.

Nội dung “Phù sinh lục ký” gồm có sáu “ký”, trong đó Thẩm Phục đã viết lại tự truyện của cuộc đời mình, nhưng không theo dòng thời gian biên niên như những cuốn tự truyện thường thấy, mà theo một cách khác: Theo mạch cảm xúc của cuộc sống. Sáu thiên ký ấy là: “Vui Khuê phòng”, “Thú nhàn tình”, “Sầu Trắc trở”, “Thú lãng du”, “Trải Trung Sơn”, và “Nhàn dưỡng sinh”. Trong đó, nổi bật lên là những ghi chép về tình cảm và cuộc sống của ông và người vợ – Trần Vân, với đầy đủ mọi sắc thái hỉ – nộ – ai – lạc, qua đó, có thể thấy tác giả là một người có tình cảm phong phú, tính cách hào sảng, tài hoa dồi dào, có thể gầy lên một tình điệu cao nhã, và phát hiện ra những điều thú vị độc đáo ngay từ cuộc sống bình thường. Cho nên, tuy phải sống trong cảnh nghèo khó, trải qua nhiều nỗi trắc trở, ông vẫn có một tâm thái lạc quan trước cuộc đời, khiến cho cuộc sống bình thường trở nên tràn đầy xúc cảm nghệ thuật. Trên một trình độ nào đó, cuốn sách đã trở thành kim chỉ nam cho việc phẩm vị hóa cuộc sống cũng như nhã thú của văn nhân.

Kể từ lần đầu tiên ấn hành cho đến nay, “Phù sinh lục ký” đã được xuất bản hơn 120 lần ở Trung Quốc. Quyển 2 – “Thú nhàn tình” của tác phẩm còn được trích một đoạn dùng trong sách Ngữ văn cho học sinh phổ thông Trung Quốc như là một khuôn mẫu về cổ văn. Đồng thời, tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ như: Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Nhật Bản, Mã Lai … và xuất bản ở nhiều nước. Ở Việt Nam, thực ra cái tên “Phù Sinh Lục Ký” đã xuất hiện trong tác phẩm “Sống Đẹp” của Lâm Ngữ Đường – do Nguyễn Hiến Lê dịch. Tuy nhiên, có thể nói đây là lần đầu tiên tác phẩm được dịch và giới thiệu một cách đầy đủ ở Việt Nam.

Có thể nói, “Phù sinh lục ký” là một bông hoa lạ trong khu vườn văn học Trung Quốc. Từ sau khi tác phẩm được phát hiện đến nay, đã giành được sự chú ý của vô số những nhà văn hóa nổi tiếng trong và ngoài Trung Quốc. Đã có rất nhiều những lời nhận xét khen ngợi tác phẩm của nhiều danh nhân văn hóa cổ kim, như Lỗ Tấn, Du Bình Bá, Lâm Ngữ Đường, Phùng Ký Tài … nhưng có lẽ, tốt hơn hết là chúng ta hãy tự mình đọc, thưởng thức, và cảm nhận bằng chính cảm xúc của mình, qua ấn bản Phù Sinh Lục Ký lần đầu tại Việt Nam này.

– Châu Hải Đường

***

Lời giới thiệu

Cách đây ít năm, tôi tình cờ đọc một bài trả lời phỏng vấn trên báo của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc - Phùng Ký Tài về công việc sáng tác tản văn, trong đó có một đoạn hỏi đáp khiến tôi chú ý; khi phóng viên hỏi: “Nếu phải ở trên một hòn đảo cách biệt được chăm lo đầy đủ, nhưng chỉ được mang theo một cuốn tản văn yêu thích, thì ông sẽ mang theo cuốn sách nào? Vì sao?” Phùng Ký Tài đã không ngần ngại trả lời ngay rằng: “Cuốn sách ấy là Phù sinh lục ký, vì nó có thể đọc đi đọc lại, giống như thơ vậy, đọc lên thấy thích thú và gợi cho mình nhiều suy nghĩ khác nhau.”

Câu trả lời ấy của Phùng Ký Tài khiến tôi rất tò mò về cuốn Phù sinh lục ký mà ông nhắc đến, đồng thời, cũng thấy một cảm giác rất quen thuộc, tựa hồ mình đã được nghe về cuốn sách đó ở đâu rồi. Sau khi lục soát lại trí nhớ của mình, tôi mới à lên một tiếng: Hóa ra tôi đã từng được nghe đến tên cuốn sách, và được đọc một vài phiến đoạn của nó qua cuốn Sống đẹp của Lâm Ngữ Đường, được Nguyễn Hiến Lê dịch. Trong tôi chợt dấy lên một mong muốn tìm hiểu trọn vẹn tác phẩm mà Lâm Ngữ Đường Phùng Ký Tài đều đánh giá cao, thậm chí dẫn dụng trong tác phẩm của mình này, cũng như về tác giả của nó.

Phù sinh lục ký là một tiểu thuyết tản văn, thể tự truyện đặc sắc của nhà văn đời Thanh - Thẩm Phục. Thẩm Phục tự Tam Bạch hiệu Mai Dật, xuất thân trong một gia đình sĩ tộc Tô Châu. Theo như tự thuật trong tác phẩm, ông sinh năm 1763, không rõ năm mất. Có thể nói, Phù sinh lục ký là một bông hoa lạ trong khu vườn văn học Trung Quốc. Tác giả là một người có tình cảm phong phú, tính cách hào sảng, tài hoa dồi dào, có thể gây lên một tình điệu cao nhã, và phát hiện ra những điều thú vị độc đáo ngay từ cuộc sống bình thường. Cho nên, tuy phải sống trong cảnh nghèo khó, trải qua nhiều nỗi trắc trở, ông vẫn có một tâm thái lạc quan trước cuộc đời, khiến cho cuộc sống bình thường trở nên tràn đầy xúc cảm nghệ thuật. Trên một bình diện nào đó, cuốn sách đã trở thành kim chỉ nam cho việc phẩm vị hóa cuộc sống cũng như nhã thú của văn nhân.

Tiếc rằng, do tác giả của cuốn sách không có danh vị cao trong xã hội, gia cảnh lại khốn quẫn, nên tác phẩm đã không được ấn hành ngay thời ông còn sinh tiền, mà chỉ có bản chép tay lưu truyền ở đời. Đến năm Quang Tự thứ ba (1877), khi Dương Dẫn Truyền lần đầu tiên ấn hành tác phẩm, thì “sáu ký đã mất hai”, khiến cho bản Phù sinh lục ký truyền thế giống như bức tượng thần Vệ Nữ bị mất cánh tay, chỉ còn lại bốn ký đầu mà thôi. Tuy nhiên, văn chương của Phù sinh lục ký đã lập tức khiến văn đàn sửng sốt và hâm mộ, đến nỗi không lâu sau đó, trên thị trường đã xuất hiện một bản được gọi là Túc bản Phù sinh lục ký (Phù sinh lục ký bản đầy đủ), bổ sung thêm quyền kỷ thứ 5: Trải Trung Sơn, và thứ 6: Nhàn dưỡng sinh. Song, qua khảo chứng của rất nhiều học giả, thì đều có một nhận định chung rằng: hai quyển ký bổ sung ấy đều là ngụy tác. Có thể nói, trong lịch sử văn học Trung Quốc, các tác phẩm, hoặc một phần tác phẩm nguy tác là không ít, song một tác phẩm xuất hiện muộn, ngay trong đời Thanh mà có những phần được ngụy tác, cũng là hiếm có và phải vô cùng đặc biệt.

Lâm Ngữ Đường, trong lời tựa bản dịch tiếng Anh cuốn Phù sinh lục ký năm 1936, có nói: “Tôi đoán chừng rằng, trong các tầng thư gia đình ở Tô Châu, hay các tiệm sách cũ, nhất định sẽ có một bản toàn vẹn, nếu có may mắn ấy, thì có thể chúng ta sẽ phát hiện được.” Đến nay, tuy chưa ai phát hiện được một bản toàn vẹn như Lâm Ngữ Đường nói (không tính bản ngụy tác), nhưng cũng rất may mắn, vào năm 2005, nhà sưu tập Bành Lệnh, đã sưu tầm được một cuốn sách viết tay có nhan đề là Ký sự châu của Tiền Vịnh - học giả, nhà thư pháp nổi tiếng đời Thanh, người sống cùng thời với Thẩm Tam Bạch, trong đó đã tìm thấy có những đoạn ghi chép của Tiền Vịnh về Phù sinh lục ký, đặc biệt là thiên: Sách phong Lưu Cầu quốc ký lược,((1) Lưu Cầu: tức quần đảo Ryukyu, thuộc tỉnh Okinawa, cực nam của Nhật Bản ngày nay.) đã được rất nhiều học giả nhận định là sao lục từ quyển thứ 5 - Trải Trung Sơn (hay còn gọi Hải quốc ký) của Thẩm Tam Bạch. Tuy những phần Tiền Vịnh sao lục chưa đầy đủ quyển kỷ thứ 5 - Trải Trung Sơn - đã thất truyền của Thẩm Tam Bạch, nhưng cũng cho chúng ta thấy phần nào trong nguyên tác của ông.

Kể từ lần đầu tiên ấn hành cho đến nay, Phù sinh lục ký đã được xuất hơn 120 lần ở Trung Quốc. Quyển 2 – Thú nhàn tình của tác phẩm còn được trích một đoạn dùng trong sách Ngữ văn cho học sinh phổ thông Trung Quốc như là một khuôn mẫu về cổ văn. Đồng thời, tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ như: Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Nhật Bản, Mã Lai… và ở nhiều nước khác. Tuy nhiên cho đến nay, tác phẩm vẫn chưa từng được dịch và giới thiệu một cách đầy đủ ở Việt Nam. Trong lần xuất bản đầu tiên này, chúng tôi lựa chọn cách giới thiệu tác phẩm tới các bạn độc giả như là một “Túc bản” với phần chính đầy đủ sáu quyển ký, để độc giả có thể hình dung được diện mạo chung của tác phẩm, dẫu rằng hai quyển sau được cho là ngụy tác. Ngoài ra, chúng tôi có dịch bổ sung thiên Sách phong Lưu Cầu quốc ký lược từ Ký sự châu của Tiền Vịnh, cùng một số lời tựa, lời đề bạt của sách trong phần Phụ lục để độc giả tiện tham khảo.

Văn chương Phù sinh lục ký cô đọng, súc tích, giàu chất thơ, dịch giả tuy đã cố gắng, nhưng cũng chưa thể truyền đạt hết được cái hay cái đẹp của tác phẩm, rất mong các bậc cao minh bác nhà lượng tình cảm thông (chỉ giáo giúp thêm ý kiến để tác phẩm có thể hoàn thiện hơn nữa.

Tháng đầu thu, Mậu Tuất, 2018

Dịch giả

***

Về tác giả

Thẩm Phục tự Tam Bạch hiệu Mai Dật, xuất thân trong một gia đình sĩ tộc ở Tô Châu. Theo như tự thuật trong tác phẩm, ông sinh năm 1763, không rõ năm mất.

Có thể nói, Phù sinh lục ký là một bông hoa lạ trong khu vườn văn học Trung Quốc. Tác giả là một người có tình cảm phong phú, tính cách hào sảng, tài hoa dồi dào, có thể gây lên một tình điệu cao nhã, và phát hiện ra những điều thú vị độc đáo ngay từ cuộc sống bình thường.

Cho nên, tuy phải sống trong cảnh nghèo khó, trải qua nhiều nỗi trắc trở, ông vẫn có một tâm thái lạc quan trước cuộc đời, khiến cho cuộc sống bình thường trở nên tràn đầy xúc cảm nghệ thuật. Trên một bình diện nào đó, cuốn sách đã trở thành kim chỉ nam cho việc phẩm vị hóa cuộc sống cũng như nhã thú của văn nhân.

Mời các bạn đón đọc Phù Sinh Lục Ký của tác giả Thẩm Phục.