Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Đại Dương Đen - Những Câu Chuyện Từ Thế Giới Của Trầm Cảm

Tôi sợ những cơn của mình, chúng xâm chiếm não bộ tôi, nhấn chìm lý trí của tôi, chúng phơi bày sự đau đớn, cô đơn, nỗi sầu thảm suốt những năm tháng niên thiếu của tôi, sự ám ảnh của bạo lực, của lẻ loi, của tức giận vì chẳng được ai giúp đỡ. Trong những giấc mơ, tôi thét lên với mọi người, cố gắng diễn đạt sự sợ hãi và tuyệt vọng của mình, nhưng không ai hiểu.”

Đại dương đen là hành trình nhẫn nại của tác giả Đặng Hoàng Giang cùng người trầm cảm, kể cho chúng ta câu chuyện vừa dữ dội vừa tê tái về những số phận, mà vì định kiến và sự thiếu hiểu biết của chính gia đình và xã hội, đã bị tước đi quyền được sống với nhân phẩm, được cống hiến, được yêu thương và hạnh phúc.

Là tiếng nói chia sẻ hiếm hoi với thế giới của người trầm cảm, là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, Đại dương đen đồng thời là công trình giáo dục tâm lý, cung cấp kiến thức căn bản về trầm cảm, hình hài nó thế nào, nó từ đâu tới, nó có thể phá hủy ra sao, có những phương thức trị liệu nào, và mỗi chúng ta có thể làm gì để những người không may mắn được sống an hòa với nhân phẩm của mình.

TÁC GIẢ:

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của anh nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và thúc đẩy tiếng nói của người dân. Anh nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, phá bỏ định kiến và kỳ thị, góp phần xây dựng một xã hội khoan dung và trắc ẩn.

Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức, và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Những cuốn sách và bài viết của anh có sức ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội.

Cùng tác giả:

***

LỜI TÁC GIẢ

Khi bước vào hành trình kéo dài hai năm với người trầm cảm mà điểm kết của nó là cuốn sách này, tôi đã cho rằng nó sẽ không quá khó khăn. Tôi đã từng đồng hành với người trẻ mười tám, đôi mươi, khoảng cách thế hệ giữa tôi và họ rất lớn, đã từng đi cùng người cận tử, sự đau đớn thể xác và cái chết luôn cận kề, còn những nhân vật này, họ “chỉ trầm cảm thôi mà”.

Tôi đã nhầm làm sao.

Quá trình chuyện trò của tôi với nhân vật có thể đứt quãng nhiều tháng, khi họ bị nhấn chìm trong một giai đoạn trầm cảm mới. Nhiều cuộc gặp bị hoãn vào phút cuối vì đêm trước họ thức trắng. Email của tôi có thể không được phản hồi nhiều tuần, bởi với họ, mở email ra vất vả giống như leo qua một quả núi. Có những địa điểm gặp bị thay đổi bởi họ bị ám ảnh bởi một nỗi bất an không gọi được tên. Có những ký ức chúng tôi không tiếp cận được bởi chúng vẫn còn khiến họ run rẩy sợ hãi. Đi cùng họ, tôi thấm thía rằng trầm cảm khó hiểu thế nào với người ngoài. Khi có thể ra ngoài để ngồi trước mặt tôi, họ là những con người sáng sủa, duyên dáng, nói năng khúc chiết. Thật khó để hình dung chỉ tuần trước đó, họ lê lết, sợ hãi, kiệt quệ, hoặc mấy tuần sau đó thôi, tay họ sẽ đầy các vết cắt.

Tôi đã trải qua những giây phút đau buồn, bất lực và cả giận dữ khi chứng kiến sự cản trở khổng lồ mà cộng đồng vứt vào cuộc đời của người trầm cảm. Trầm cảm gây khuyết tật, nhưng nó là một thứ thương tích vô hình. Nếu người đi xe lăn khiến người khác động lòng trắc ẩn và sẵn sàng giúp đỡ thì người mang khuyết tật vô hình không những không được hưởng một sự ưu tiên nào mà còn bị đánh giá, bởi họ bị so sánh với người lành lặn. Đồng nghiệp của một người đang điều trị ung thư sẽ tạo điều kiện để anh vừa đi làm vừa chạy hóa chất. Đồng nghiệp của người trầm cảm, do không biết anh bị bệnh hay khước từ coi đó là bệnh “thật” sẽ coi anh là vô kỷ luật và không đáng tin cậy khi anh muộn thời hạn vì trầm cảm khiến anh lê lết.

Căn bệnh này không chỉ vô hình vì người ta không dễ dàng nhìn thấy, nó vô hình bởi nó bị giấu kín. Trong số hàng trăm người mà tôi đã tiếp xúc, đa số tiết lộ rằng tôi là người duy nhất biết họ có trầm cảm. Nếu như nhiều người lẳng lặng đi khám ung thư một mình vì không muốn người nhà lo lắng thì cũng nhiều người lẳng lặng đi khám trầm cảm một mình, nhưng là vì sợ bị đánh giá. Đây là lý do khác dẫn tới việc chín mươi phần trăm người trầm cảm không được trị liệu. Đáng tiếc là họ có lý do để làm vậy. Bố Hằng nói rằng cô “cứ diễn”, bố Uyên nói rằng cô “làm trò”. Họ hàng của Thành cho rằng anh ở nhà vì lười nhác, họ hàng của Thanh cho rằng cậu ham game và được mẹ nuông chiều. Họ hàng của Hoa cho rằng cô “điên khùng kiểu Tây”. Con cái ông Thạch ngăn ông tới bệnh viện tâm thần, vì “bố có làm sao đâu”.

Theo một khảo sát cách đây vài năm, vẫn còn một phần ba người Nhật tin là “yếu đuối là nguyên nhân gây ra trầm cảm”. Ngay cả ở Mỹ, một trong bốn người cho rằng việc thừa nhận mình trầm cảm sẽ ảnh hưởng tới quan hệ bạn bè của họ. Chín trong mười người Anh tin rằng điều này sẽ ảnh hưởng tới sự nghiệp của họ. Thật khó hình dung điều này xảy ra với người bị hở van tim hay tiểu đường. Rõ ràng, định kiến trầm cảm là một dấu hiệu của hỏng hóc trong tính cách hay trong đạo đức còn rất nặng nề. Những năm qua, báo chí Việt Nam đã có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều sạn. Các bài báo với nội dụng đúng đắn và cung cấp kiến thức cần thiết vẫn có thể được đặt những cái tít giật gân để câu view như, “Những cô nàng sống giữa đô hội suýt tìm đến cái chết vì điều gì?” hay “Du học nước ngoài về, nam thanh niên nhảy cầu tự tử”. Liệu chỉ người nghèo hay người ít học mới đáng được thông cảm khi họ tìm tới cái chết? Một bài báo khác viết về hiện tượng trầm cảm sau sinh, “‘Hổ dữ cũng không ăn thịt con’. Ấy vậy mà có những bà mẹ trầm cảm tội lỗi đã thẳng tay sát hại con mình. Chỉ một tích tắc thiếu kiểm soát mà tước đoạt quyền được sống của con, của mình và phá hoại tan nát cả một gia đình.” Sự độc ác và vô cảm trong cộng đồng rất phổ biến. Bạn cùng thuê nhà của Hiển muốn đánh cậu vì cậu tự tử trong khi “chưa làm được gì cho bố mẹ”. Các mạng xã hội đầy sự giễu cợt về người tự sát. “Hôm trước kêu tự tử thì hôm sau lại vào bình luận, cảm ơn mọi người, mình không sao. Thật sự đéo hiểu mục đích là gì,” hay “Có đứa đòi tự tử từ đầu tháng Tư mà đến tháng Mười vẫn thấy đăng bài.”

Định kiến và kỳ thị không chỉ xảy ra ở mức độ cá nhân, mà còn ở mức độ hệ thống, khi chúng tới từ các thể chế như hệ thống y tế hay trường học. Giáo viên của Thanh nghi ngờ cậu thực ra “đang kiếm cớ để lười” khi xin được đi học muộn vì mất ngủ. Nhiều nhân viên y tế ác cảm với người tự hại và tự sát, cho rằng họ đang lấy đi nguồn lực từ các bệnh nhân khác xứng đáng được giúp đỡ hơn. Một bác sĩ chia sẻ: “Tự tử là vô trách nhiệm. Tất cả bác sĩ chúng tôi đều ghét người tự tử. Công việc của chúng tôi đã rất nhiều và căng thẳng, bao nhiều bệnh nhân trong tình trạng nặng hy vọng được bác sĩ cứu, thì lại có người tăng thêm việc cho chúng tôi bằng cách cố gắng tước đoạt mạng sống của chính họ.” Rồi anh chất vấn thêm, “Tôi muốn hỏi các bạn, các bạn đã làm điều gì cho gia đình, người thân, xã hội chưa mà mong muốn mọi người phải quan tâm tới mình?” Những miệt thị, mắng mỏ, “Chỉ vì một thằng con trai”, “Từng này tuổi rồi mà còn nghĩ tới chuyện tự tử”, từ nhân viên y tế cho thấy không chỉ một vấn đề về y đức mà còn một lỗ hổng chuyên môn khổng lồ. Định kiến và kỳ thị tạo nên rào cản khiến người ta không tìm tới sự giúp đỡ. Thậm chí, với nhiều người trầm cảm, trải nghiệm khám chữa bệnh mang tính tổn thương và ám ảnh tới mức họ sợ quay lại.

Sống trong một môi trường như vậy, chính người trầm cảm có thể quay ra kỳ thị người trầm cảm và khước từ thừa nhận mình bị bệnh. Sau ba lần tới bác sĩ và chuyên gia tâm lý, ba lần nhận chẩn đoán trầm cảm, Xuân Thủy vẫn không tin vào điều này và không muốn tìm hiểu về bệnh. “Không, mình không thể bị cái bệnh đó, nó không liên quan gì tới mình. Nó là cái thứ mà chỉ những người kém cỏi, thô thiển, thường xuyên khóc lóc vật vã, mới bị. Mình lịch lãm, sạch sẽ, đẹp đẽ, ăn nói gây gọn, IQ, EQ sáng láng, mình không bị trầm cảm được.”

Nhiều người có thể dễ dàng chấp nhận mình bị viêm ruột thừa, mỡ máu, hở van tim, những cái đó nằm ngoài sự kiểm soát của lý trí và ý chí của họ. Nhưng họ cho rằng thừa nhận bị trầm cảm cũng là thừa nhận không còn kiểm soát được đầu óc của mình nữa, điều họ không thể chấp nhận được. Điều này hay xảy ra ở những người vốn có lịch sử sống rất độc lập, rất lý trí, những người coi tư duy, quyết tâm, ý chí nỗ lực là một phần cơ bản của căn tính của mình. Những người này thường cảm thấy dễ chịu hơn khi họ lý giải những biểu hiện trầm cảm là do mình chưa đủ mạnh mẽ. “Không, tôi không bị trầm cảm, tôi không điên, tôi vẫn là tôi, vẫn kiểm soát được suy nghĩ của mình, chẳng qua lúc tự sát là lúc tôi yếu đuối mà thôi.” Những người này thường có xu hướng cố gắng “mạnh mẽ” tới phút cuối mà không cho phép mình tìm tới bất cứ sự trợ giúp nào, để không làm người xung quanh và chính mình thất vọng. Nguy hiểm không kém, họ sẽ gạt đi khả năng người thân của họ cũng bị trầm cảm, giống như họ đã gạt đi là chuyện đó có thể xảy ra với mình. Họ sẽ yêu cầu người kia cũng phải dùng nỗ lực, ý chí để vượt qua mọi trạng thái khủng hoảng tâm lý và rối loạn cảm xúc mà không được “đổ lỗi” cho bệnh.

Cũng là sự kỳ thị, nhưng ở cực đối ngược, nhiều người trầm cảm chua chát nhìn vào mắt tôi và hỏi, hay là họ bị điên? Chỉ có điên thì mới bật khóc vô cớ trong phòng tắm chứ? Điên thì mới sợ hãi điện thoại khi nó đổ chuông chứ? Điên thì mới muốn chết khi người yêu dọa bỏ chứ? Hay đúng họ là kẻ “giả vờ” như mọi người vẫn cáo buộc?


Hai năm qua, tôi đã nhìn thấy những cố gắng, những vật lộn khổng lồ của người trầm cảm để có thể đi tiếp qua từng ngày, để có thể mỗi ngày làm được những điều mà với người khác là hiển nhiên, bình thường, để có thể tạo dựng ý nghĩa cho sự tồn tại của mình, đi học, đi làm, yêu, dù căn bệnh oái ăm và kỳ lạ luôn rình rập để tước đi khả năng cảm nhận và niềm tin vào bản thân của họ. Tôi đã nhìn thấy ánh mắt buồn và cô đơn của những người mẹ biết rằng mình sẽ phải nuôi đứa con có tâm bệnh của mình suốt đời, thấy sự ngậm ngùi của những người biết rằng cộng đồng khước từ cho họ một chỗ đứng, cộng đồng cho rằng những người như họ không xứng đáng nhận được lòng trắc ẩn của mình. Tôi đã thấy những số phận bị bỏ quên, những con người đẹp đẽ không được nảy nở và không đóng góp được cho xã hội xứng đáng với khả năng của mình. Tôi đã thấy chúng ta đang đối xử với họ như thế nào, chúng ta đang làm gì với nhân phẩm của họ. “Bị đối xử như một con vật”, đó là cụm từ mà người trầm cảm hay nói với tôi khi kể về trải nghiệm bị ép nhập viện của mình. Nếu Bảo Anh sống ở nước ngoài, ví dụ bang New York, để cưỡng chế cô vào bệnh viện, mẹ cô sẽ cần tới hai bác sĩ khác, bất kể chuyên ngành, ký vào tờ đơn xác nhận cô là “nguy cơ cận kề” cho chính bản thân hay cho người khác. Kể cả như vậy rồi thì chậm nhất là trong vòng ba ngày sau, một phiên tòa, thường được lập ra ngay bên trong bệnh viện, sẽ quyết định bệnh viện có quyền giữ bệnh nhân ở lại không. Nhiều người sẽ cho rằng như thế thì thật là cầu kỳ, khi mà ta “chỉ muốn điều tốt” cho người thân của mình, rằng Việt Nam làm sao mà có các điều kiện như ở nước ngoài. Có thể còn rất lâu để các quy định pháp lý tương tự mới được áp dụng ở Việt Nam, nhưng cho tới khi đó, ta cần ý thức rằng ta đang vi phạm nhân quyền của người thân có tâm bệnh của mình, khi ta cho rằng đơn giản chỉ cần gọi người tới trói họ lại.

Tôi muốn khép lại cuốn sách này bằng những lời của Vũ, 31 tuổi, bác sĩ Đông y, có rối loạn lưỡng cực (tự chẩn đoán), để nói rằng, trầm cảm nói riêng và tâm bệnh nói chung không phải chỉ là một vấn đề của y học và tâm lý học, nó là một vấn đề của đạo đức và công lý.

"Nó tâm thần, biết cái gì đâu", người ta nói. Tất cả những gì người có tâm bệnh nói ra đều được nhìn qua cái lăng kính họ là tâm thần. Cô ruột tôi bị tâm thần phân liệt từ trẻ, bốn mươi năm qua sống như một cái bóng trong nhà. Có đợt cô bị sỏi thận, đau kinh khủng, từ trên gác xuống dưới nhà cũng không đi được, đau tới mức bà ấy đái cả ra giường. Người nhà bảo là bà ấy bị điên, giả vờ, làm trò. Tôi tới chơi, thấy vậy, hỏi chuyện, rồi thuyết phục mãi để cô ấy đi bệnh viện. Nếu không có tôi thì mọi người sẽ để cho cô ấy chết vì họ luôn miệng nói. "Nó chả làm sao cả, nó chỉ hoang tưởng thôi."

Không phải lúc nào người tâm thần cũng tâm thần. Đa phần là người ta tỉnh. Nhưng mọi người lại cho rằng đa phần người ta hoang tưởng.

Cho nên là họ yếu thế, họ không tự vệ được. Mỗi khi phải ra khỏi nhà thì cô tôi vẫn phải ăn mặc chỉnh tề, chải đầu gọn gàng. Người nhà đứng cạnh thì cứ. "Ôi giời, con này tâm thần, cần gì phải thế." Rồi người ta ngạc nhiên về cô tôi, "Ô, con này vẫn biết tiêu tiền!" Cứ như cô ấy bị bại não vậy. Người ta cướp đoạt toàn bộ quyền của người mắc bệnh tâm thần. Người tâm thần không được coi là con người nữa.

Người tâm thần có lý do của họ, nhưng họ hay bị bảo là ngang, là không biết gì. Người bị ung thư từ chối hóa trị vì tác dụng phụ thì được thông cảm và thương cảm. Nhưng nếu người tâm thần từ chối thuốc vì tác dụng phụ thì họ bị coi là không có khả năng suy nghĩ. Cái gì cũng quy ra là do người ta tâm thần. Người bình thường ngồi đọc sách, ngắm bông hoa trên cành cây ngoài cửa sổ, rồi nhoài người ra ngắt, thì được coi là lãng mạn. Nhưng nếu người ta biết ban bị tâm thần thì bạn chỉ cần nhoài người ra là họ đã chặn ngay bạn rồi.

Với tôi thì người nhà bảo tôi là thần kinh vì có chỗ mời đi làm lương cao mà tôi từ chối, bởi ở chỗ đó tôi phải tham gia vào tham nhũng, đút lót. "Đi làm được bao tiền mà đéo nhận! Thằng điên!" Mình muốn trở thành người tốt thì bị coi là thằng tâm thần. Khi anh được xác định là có bệnh tâm thần thì mọi lời nói của anh không đáng tin nữa rồi.

Tôi nói với bố mẹ là ngày xưa bố mẹ đánh đập, chửi mắng tôi độc hại thế nào, họ bảo đấy là do tôi tưởng tượng, dựng chuyện ra.

Tức quá, tôi chửi đổng, thì bạn bè bố tôi bảo. "Vào tay tôi, tôi đập cho nó một trận, tôi xích mẹ nó lại xem thế nào."

Rồi họ lại hỏi, "Ơ, người ta bị áp lực thì mới trầm cảm. Mày thì có áp lực gì? Ai làm gì mày mà mày trầm cảm?"

Lúc tôi nói với bố là muốn tử tự, bố bảo. "Mày thích chết thì chết mẹ mày đi, việc gì phải dọa ai?"

Cho nên là mình buồn. Mình không có bạn bè. Mình nói gì người ta cũng không tin. Họ chặn hết đường sống của mình. Mình bị cô lập, dán nhãn. Hàng xóm bảo nhau, "Ui, con nhà này tâm thần đấy. Đừng có dây vào nó."

Một vòng tròn kỳ thị khép kín.


NGÀY MAI

096 306 1414

Hotline hỗ trợ người trầm cảm


Trong bối cảnh hạ tầng y tế của lĩnh vực sức khỏe tinh thần đang yếu kém và xã hội có nhiều định kiến, kỳ thị và hiểu lầm, tác giả Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành đồng khởi xướng Đường dây nóng Ngày Mai.

Là một sáng kiến cộng đồng, phi lợi nhuận, được triển khai bởi một nhóm tình nguyện viên tâm huyết, Ngày Mai cung cấp sơ cứu tâm lý, trợ giúp những cá nhân đang trong khủng hoảng, đặc biệt là người trẻ trầm cảm, và người thân của họ. Ngoài ra, đường dây nóng Ngày Mai cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sức khỏe tinh thần.

Đội ngũ tình nguyện viên trực điện thoại của Ngày Mai là sinh viên năm cuối hoặc người đã tốt nghiệp các ngành tâm lý học, y tế công cộng và công tác xã hội. Họ đã trải qua chương trình tập huấn và được các chuyên gia đồng hành, kèm cặp, trong hành trình lắng nghe không phán xét của mình.

Dự án hoạt động hoàn toàn bằng nguồn lực tài chính được đóng góp bởi cộng đồng. Ngoài cước viễn thông, người gọi điện không phải trả thêm bất cứ một chi phí nào.

Bắt đầu hoạt động từ tháng 5/2021, tới nay Ngày Mai đã tiếp nhận hàng ngàn cuộc điện thoại từ mọi miền của đất nước, là bờ vai để người cô đơn có thể ngả vào, là bàn tay để người khủng hoảng có thể nắm lấy. Các tình nguyện viên của Ngày Mai đã trò chuyện, chơi đàn, hát, đọc thơ cho người gọi điện, cho họ một nơi trú ẩn trước những giông bão của cuộc đời. Hoàn cảnh của ai cũng được quan tâm, câu chuyện của ai cũng được lắng nghe. Nhẹ nhàng, trắc ẩn và sẵn lòng giúp đỡ, những con người của Ngày Mai không bao giờ phán xét.

Để biết khung giờ hoạt động của Ngày Mai, tại sao lại có cái tên đó, để hiểu hơn và hỗ trợ Ngày Mai trong sứ mệnh của mình, mời bạn đọc tới địa chỉ sau:

www.facebook.com/duongdaynongngaymai

Hày kể cho chúng tôi nghe về nỗi buồn của bạn.

Và hãy đồng hành cùng chúng tôi.

Mời các bạn đón đọc Đại Dương Đen - Những Câu Chuyện Từ Thế Giới Của Trầm Cảm của tác giả Đặng Hoàng Giang.