Con đường Tơ lụa mới: Hiện tại và Tương lai của thế giới, tên tiếng Anh là The New Silk Roads: The Present and Future of the World của tác giả bán chạy theo danh sách của Sunday Times - Peter Frankopan - là phần hiện tại và tương lai của thế giới, nối tiếp sau phần về lịch sử thế giới được trình bày trong tác phẩm trước đó của ông có tên The Silk Roads: A New History of the World (Những con đường tơ lụa: Lịch sử mới về thế giới)).
Frankopan chia nội dung sách thành 5 phần, gồm:
Bố cục sách thể hiện và khẳng định mạnh mẽ cái nhìn của Frankopan đối với xu hướng dịch chuyển quyền lực thế giới và trung tâm thế giới từ Tây sang Đông trong thế kỷ XXI. Cụ thể hơn, tác giả không ngần ngại chỉ ra cái tên quan trọng nhiều khả năng sẽ chính là trung tâm mới của thế giới: Bắc Kinh.
Điều này lập tức khiến chúng ta liên hệ đến một cụm thuật ngữ đang xuất hiện ngày càng phổ biến trên báo chí và các phương tiện truyền thông trong nhiều năm trở lại đây. Đó chính là “Sáng kiến Vành đai, Con đường” (BRIC).
Với vai trò một nhà nghiên cứu lịch sử chuyên nghiên cứu về “Con đường Tơ lụa”, vốn là Giáo sư Lịch sử Toàn cầu tại Đại học Oxford, nơi ông vừa là Nghiên cứu viên Cao cấp tại Trường Worcester, vừa đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Quỹ Stavros Niarchos của Trung tâm Nghiên cứu Byzantine (thuộc Oxford); đồng thời, Frankopan còn là Phó Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Con đường Tơ lụa tại King’s College (thuộc Đại học Cambridge), Frankopan đã tổng hòa nhiều bằng chứng lịch sử và địa chính trị để đưa độc giả thời hiện đại chúng ta du hành vào mạng lưới những “con đường” quan trọng (mà theo quan điểm của nhiều sử gia hiện đại, như Peter Frankopan) đã và đang góp phần không nhỏ tạo nên bộ khung kinh tế và địa chính trị của thế giới ngày nay.
Chính vì lẽ này, Con đường Tơ lụa mới được Omega Plus đưa vào tủ sách Nhận diện Trung Quốc. Trong tình hình địa chính trị hiện nay, thiết nghĩ những dữ liệu và phân tích cặn kẽ về xu thế địa chính trị-kinh tế về “Con đường Tơ lụa” nói chung và BRIC nói riêng Peter Frankopan trình bày trong cuốn sách này sẽ giúp bạn đọc Việt Nam hình dung được thực tế các xu hướng trên thế giới.
Với riêng Chính phủ Việt Nam và giới nghiên cứu, hiểu về BRIC và xu hướng trỗi dậy dọc theo “Con đường Tơ lụa” lịch sử có thể giúp chúng ta có được những cân nhắc chiến lược và ra quyết sách hợp lý cho viễn cảnh phát triển sắp tới.
Thông tin về Tủ sách Nhận diện Trung Quốc
Là tủ sách do Công ty Omega Plus xuất bản nhằm cung cấp những hiểu biết đầy đủ và căn bản về Trung Quốc. Tủ sách tập trung vào bốn nhóm sách quan trọng bao gồm: (1) Kinh tế; (2) Chính trị; (3) Ngoại giao và (4) Quốc phòng an ninh.
Tủ sách được lựa chọn dựa trên ba nguyên tắc: (1) là những tác phẩm mang tính chất nghiên cứu của các nhà nghiên quan trọng hàng đầu trong từng lĩnh vực, (2) là các tác phẩm thể hiện quan điểm của cả hai phía học giả Trung Quốc và ngoài Trung Quốc, (3) là những công trình đương đại.
Các tác phẩm đã xuất bản trong tủ sách:
1. Mối thách thức Trung Quốc: Định hình những lựa chọn của một siêu cường mới nổi, Thomas J. Christensen
2. Sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI): Lựa chọn nào của Đông Nam Á?, TS Phạm Sỹ Thành
3. Sự trỗi dậy của một cường quốc: Cái nhìn từ bên trong, Authur R. Kroeber
4. Về Trung Quốc, Henry Kissinger
5. Ứng xử với Trung Quốc, Henry M Paulson
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CỦA CHUYÊN GIA
“Vẽ lại một cách điêu luyện về một trật tự thế giới mớ”
– Justin Marozzi, Evening Standard
“Peter Frankopan đã thể hiện sự tiên đoán của mình về lịch sử thế giới hiện đại… Tài năng của Frankopan nằm ở chỗ, ông có thể lùi lại một vài bước từ bản đồ thế giới và các sự kiện toàn cầu so với hầu hết các nhà phê bình hiện đại, trong khi khuyến khích chúng ta sử dụng lịch sử như một cách hướng về phía trước hơn là nhìn về quá khứ.”
– Total Politics
“Tôi đã học được rất nhiều về sự phát triển gần đây ở Trung Á và các nơi khác. Frankopan là một người dẫn đường tuyệt vời tới những miền đất chưa ai biết tới.”
– Niall Ferguson, Sunday Times
“Nhiều cuốn sách đã được viết ra như một lời tuyên bố về ‘lịch sử mới của thế giới’. Nhưng cuốn sách này mới hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu ấy… đầy khát vọng, vô cùng chi tiết và cực kỳ hấp dẫn.”
– The Times
“Mình thấy cuốn sách mang lại một cảm giác thoải mái kỳ lạ”, người bạn của tôi nhận xét. “Cuốn sách của cậu khiến mình nhận ra thay đổi là bình thường, rằng biến động lớn tại các trung tâm quyền lực toàn cầu là bình thường, rằng thế giới hỗn loạn và lạ lẫm hiện tại thật ra không bất bình thường lắm đâu!”
[Chia sẻ của một người bạn của tác giả Peter Frankopan]
TRÍCH ĐOẠN HAY
“Chúng ta đang sống và trải qua một trong những cuộc chuyển đổi căn cơ nhất lịch sử cả về mức độ và tính chất, tương tự như những gì đã xảy ra nhiều thập niên sau khi hành trình vượt Đại Tây Dương của Columbus và những người đã nối tiếp ông, cũng như chuyến thám hiểm xảy ra gần như đồng thời vượt qua cực Nam châu Phi của Vasco da Gama đã mở ra các con đường giao thương hàng hải mới kết nối châu Âu, Ấn Độ Dương, Nam Á và hơn thế nữa. Cả hai cuộc thám hiểm đó, chỉ trong vòng hơn 500 năm, đã đặt nền tảng cho sự thay đổi mang tính bước ngoặt dịch chuyển trọng tâm kinh tế và chính trị toàn thế giới, biến Tây Âu trở thành trái tim của các tuyến đường thương mại toàn cầu lần đầu tiên trong lịch sử.
Điều tương tự đang xảy ra ở hiện tại, nhưng theo hướng ngược lại. Châu Á và Con đường Tơ lụa đang trỗi dậy – và trỗi dậy rất nhanh. Họ không trỗi dậy trong thế cô lập với phương Tây, hay thậm chí là cạnh tranh với phương Tây. Trên thực tế, mọi việc hoàn toàn ngược lại: sự trỗi dậy của châu Á có liên hệ mật thiết với các nền kinh tế phát triển như Mỹ hay châu Âu và một số nơi khác. Nhu cầu về tài nguyên, hàng hóa, dịch vụ hay kỹ năng tại các nước phát triển góp phần thúc đẩy tăng trưởng ở châu Á, tạo ra việc làm và nhiều cơ hội hơn, cũng là chất xúc tác cho thay đổi. Sự thành công của một khu vực trên thế giới có liên hệ mật thiết tới các khu vực khác, thay vì chỉ có sự đánh đổi. Mặt trời mọc ở phương Đông không có nghĩa là Mặt trời đã lặn ở phương Tây. Chí ít là điều này vẫn chưa xảy ra.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên hơn cả là những phản ứng trước sự thay đổi này ở cả phương Đông và phương Tây. Ở một nơi, là hy vọng và sự lạc quan về những gì mà tương lai sẽ mang tới, trong khi ở nơi còn lại là sự lo lắng, lớn tới nỗi các quốc gia ở đây đang bị chia rẽ ngày càng sâu sắc, đến mức một số chính trị gia có uy tín như Madeleine Albright, cựu Ngoại trưởng Mỹ, đã công khai đặt câu hỏi rằng liệu “ngọn cờ dân chủ có thể còn tung bay được nữa hay không” ở phương Tây trong khi “những đám mây báo bão đang xuất hiện” – và cảnh báo rằng chúng ta cần phải cảnh giác trước những bài học lịch sử để có thể ngăn chặn sự quay lại của chủ nghĩa phát xít.
Một số người có thể cho rằng những cảnh báo như thế có hơi quá đáng. Thế nhưng, việc những cảnh báo như vậy xuất hiện trên truyền thông chính thống rõ ràng cho thấy đang có một sự khủng hoảng niềm tin và nỗi lo về một tương lai bất định của phương Tây trong thời điểm mà mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng. Bất chấp niềm tin hay quan điểm của bạn về chính trị là gì, không quá khó để nhận thấy có cái gì đó quan trọng đang xảy ra trên thế giới này. “Rất rõ ràng”, Aladdin đã hát cho công chúa Jasmine 25 năm trước, “là ta đang trong một thế giới hoàn toàn mới cùng với nàng”. Chúng ta cần thiết phải hiểu rõ được những thứ quan trọng đó là gì – cũng như xác định rõ tác động và hệ quả của chúng.”
– Trang 54-55 trong sách
“Sẽ không ngạc nhiên lắm nếu hợp tác không phải là chủ đề thống nhất xuyên suốt ngay tại châu Á và những khu vực khác. Và cũng sẽ không công bằng nếu chúng ta đánh giá thấp các trở ngại, sự đối kháng, ganh đua giữa các dân tộc và các cá nhân vốn có nguy cơ gây ra những bất ổn lớn tác động tới tình hình khu vực và thậm chí toàn cầu. Tuy vậy, chúng ta thật sự ngạc nhiên khi chứng kiến thế giới hiện nay đang đồng thời vận hành theo hai xu hướng riêng biệt: tách biệt và bước tiếp trong cô độc theo xu hướng thứ nhất, hay tăng cường quan hệ và cố gắng cùng nhau hướng tới tương lai trong xu hướng thứ hai.”
– Trang 63-64 trong sách
“Các thay đổi diễn ra trong thế kỷ XXI được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố – từ nhân khẩu học cho tới sự thay đổi trong quyền lực kinh tế, từ vai trò của công nghệ số cho tới biến đổi khí hậu. Con đường Tơ lụa trỗi dậy nhanh chóng bởi vì nó đang sôi động trở lại. Những gì xảy ra tại khu vực trung tâm, trái tim của thế giới trong những năm tới sẽ định hình thế giới trong hàng trăm năm tiếp theo.”
– Trang 94 trong sách
“Chúng ta đang sống trong thế kỷ châu Á. Sự chuyển dịch GDP toàn cầu từ các nền kinh tế phát triển phương Tây sang phương Đông là một sự kiện ngoạn mục cả về quy mô lẫn tốc độ. Theo một số dự đoán, nhờ vào sự gia tăng mạnh mẽ của giá dầu, các nước Trung Đông (và Bắc Phi) sẽ kiếm thêm 210 tỷ đô-la trong vòng hai năm 2018-2019 so với 12 tháng trước đó – một con số đáng ghen tị. Tuy nhiên, sự thay đổi này kéo theo hàng loạt những nỗi đau đang lớn dần ở châu Á, từ môi trường bị hủy hoại cho tới sự thèm khát đầu tư cơ sở hạ tầng một cách vô độ. Nó cũng khiến các quốc gia đối mặt với nhiều thách thức trong việc làm thế nào để tiếp xúc, hợp tác và trong một số trường hợp là cạnh tranh với nhau.
Tuy nhiên, điều nổi bật ở đây là trong khi những kết nối mới được hình thành và những kết nối cũ được tái lập, phương Tây lại đang đứng trước nguy cơ trở nên mất kết nối. Khi phương Tây thật sự mong muốn tiếp xúc và đóng một vai trò nào đó, họ luôn chọn cách can thiệp, làm nảy sinh ra thêm nhiều vấn đề hơn là giải quyết chúng, hoặc tạo ra những rào cản nhằm hạn chế tăng trưởng và tương lai của các quốc gia khác. Thời kỳ mà phương Tây định hình thế giới theo hình dung của bản thân mình đã qua lâu rồi. Dù vậy nhiều người vẫn không chịu hiểu điều này, họ luôn cho rằng kiểm soát số phận của các quốc gia khác là hợp lý và khả thi.
“Trung Quốc, Nga và I là những lực lượng gây bất ổn định”, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ John Sullivan khi ông công bố một báo cáo nhân quyền vào tháng 4 năm 2018. Những quốc gia này “đáng chê trách về mặt đạo đức và đang cố gắng làm tổn hại tới lợi ích của chúng ta”. Những lời nhận xét như trên quả thật không phù hợp với một số báo cáo cho rằng thậm chí trước cả khi Donald Trump được bầu làm Tổng thống, một số nhân vật có ảnh hưởng ở Trung Đông – bao gồm Thái tử Abu Dhabi và Đại sứ Israel tại Mỹ – đã phát hiện Trump cố gắng đạt một thỏa thuận với Nga và Vladimir Putin.
Về cơ bản, đó là một sự trao đổi: để ép buộc Iran rút lui khỏi Syria, Moscow sẽ nhận được phần thưởng là việc dỡ bỏ các cấm vận và sự công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga. “Chúng tôi phải xem thế nào đã”, Trump đã nói như vậy khi được hỏi liệu ông có muốn thay đổi quan điểm của Mỹ về việc Nga can thiệp vào Ukraine hay không.
Những lực lượng gây bất ổn định dường như chỉ xuất hiện trong mắt của những ai thật sự mong muốn điều đó xảy ra. Khi gán cho một quốc gia là nhân tố gây bất ổn định, người ta dường như lại quên hoặc xem nhẹ tác động mà các cuộc can thiệp của Mỹ ở Iraq và Afghanistan mang lại trong vòng 15 năm qua, đó là còn chưa nói đến hàng thập niên trước đó, tính từ giữa thế kỷ XX. Niềm tin rằng chính các quốc gia khác mới là kẻ gây ra vấn đề khiến chúng ta tự hỏi rằng liệu Washington có học được bất cứ bài học nào từ lịch sử hay không. Trao đổi Ukraine để lấy Syria là một chuyện, nhưng mù quáng trước niềm tin có phần trớ trêu về tội lỗi của những quốc gia khác lại là một chuyện khác.”
– Trang 241-242 trong sách
VỀ TÁC GIẢ:
PETER FRANKOPAN (Sinh năm 1971)
***
TS. PHẠM SỸ THÀNH
Giám đốc Chương trình Nghiên cứu
Chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS), VNUA
Trên tay quý độc giả là bản dịch tiếng Việt của tác phẩm The New Silk Roads: The Present and Future of the World (nhan đề tiếng Việt: Con đường Tơ lụa mới: Hiện tại và Tương lai của thế giới) của tác giả Peter Frankopan, vốn là Giáo sư Lịch sử Toàn cầu tại Đại học Oxford, nơi ông vừa là Nghiên cứu viên Cao cấp tại Trường Worcester, vừa đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Quỹ Stavros Niarchos của Trung tâm Nghiên cứu Byzantine (thuộc Oxford). Đồng thời, Frankopan còn là Phó Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Con đường Tơ lụa tại King’s College (thuộc Đại học Cambridge).
Với vai trò một nhà nghiên cứu lịch sử chuyên nghiên cứu về “Con đường Tơ lụa”, Frankopan đã tổng hòa nhiều bằng chứng lịch sử và địa chính trị để đưa độc giả thời hiện đại chúng ta du hành vào mạng lưới những “con đường” quan trọng (mà theo quan điểm của nhiều sử gia hiện đại, như Peter Frankopan) đã và đang góp phần không nhỏ tạo nên bộ khung kinh tế và địa chính trị của thế giới ngày nay.
Như tác giả Frankopan chia sẻ, Con đường Tơ lụa mới được viết để “tiếp tục ở nơi mà Con đường Tơ lụa(*) kết thúc”. Do vậy, để giúp bạn đọc không phải cảm thấy bỡ ngỡ quá nhiều trước khi bước vào hành trình khám phá những khả thể mới của “Con đường Tơ lụa” ở thời đại chúng ta, thiết nghĩ cần có một chút lưu ý “dẫn đường”.
Vậy thì, trước hết, “Con đường Tơ lụa” là gì?
Đó là một khái niệm được nhà địa lý người Đức Ferdinand von Richthofen khởi từ thế kỷ XIX nhằm gọi tên mạng lưới những con đường giao thương kết nối nhà Hán ở Trung Hoa với các khu vực khác trên thế giới - die SeidenstraBen, có nghĩa là “Con đường Tơ lụa”. Dẫu vậy, lịch sử của thuật ngữ cũng mang nhiều gian truân và biến động như chính lịch sử khu vực và thế giới, theo thời gian, “Con đường Tơ lụa” không còn đơn thuần chỉ một phạm vi hay khu vực hay một hoạt động buôn bán tơ lụa cụ thể nữa, mà ngày nay, cụ thể là trong giới nghiên cứu phương Tây, nhắc đến “Con đường Tơ lụa” là đề cập đến “cách thức mà con người, các nền văn hóa và các đại lục hòa quyện vào nhau - và thông qua đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách thức truyền bá tôn giáo cũng như ngôn ngữ trong quá khứ, đồng thời cho thấy làm thế nào mà các quan điểm về ẩm thực, thời trang và nghệ thuật lan tỏa, cạnh tranh và vay mượn lẫn nhau. ‘Con đường Tơ lụa’ làm rõ hơn vai trò trung tâm của việc kiểm soát các nguồn tài nguyên cũng như các tuyến thương mại đường dài, qua đó giải thích bối cảnh và động lực của các cuộc hành trình xuyên sa mạc và đại dương giúp cho các đế quốc trỗi dậy…”, như tác giả Peter Frankopan chia sẻ.
Và ở tác phẩm viết về “Con đường Tơ lụa” mới này, tức phần hiện tại và tương lai của thế giới (tiếp sau phần về lịch sử thế giới), Frankopan chia nội dung sách thành 5 phần, gồm:
• Những con đường dẫn tới phương Đông
• Những con đường dẫn tới trung tâm thế giới
• Những con đường dẫn tới Bắc Kinh
• Những con đường dẫn tới đối đầu
• Những con đường dẫn tới tương lai
Bố cục sách thể hiện và khẳng định mạnh mẽ cái nhìn của Frankopan đối với xu hướng dịch chuyển quyền lực thế giới và trung tâm thế giới từ Tây sang Đông trong thế kỷ XXI. Cụ thể hơn, tác giả không ngần ngại chỉ ra cái tên quan trọng nhiều khả năng sẽ chính là trung tâm mới của thế giới: Bắc Kinh.
Điều này lập tức khiến chúng ta liên hệ đến một cụm thuật ngữ đang xuất hiện ngày càng phổ biến trên báo chí và các phương tiện truyền thông trong nhiều năm trở lại đây. Đó chính là “Sáng kiến Vành đai, Con đường”.
Là ý tưởng do Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất vào mùa thu năm 2013, sáng kiến về Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI và Hành lang Kinh tế Con đường Tơ lụa (gọi tắt là Sáng kiến Vành đai, Con đường - Belt and Road Initiative, BRI) đã nhanh chóng trở thành một quyết sách kinh tế chính trị và đối ngoại quan trọng của Trung Quốc trong nhiệm kỹ lãnh đạo của thế hệ lãnh đạo thứ năm. Từ một sáng kiến kinh tế, tháng 10/2017, BRI được đưa vào Điều lệ Đảng (sửa đổi) của Trung Quốc đánh dấu việc sáng kiến này trở thành một công tác chính trị được hoạch định ở cấp cao nhất. Tính đến tháng 1/2021, đã có 140 quốc gia ký MOU tham gia BRI với Trung Quốc. Quốc gia này cũng đầu tư hơn 700 triệu USD trong giai đoạn 2013-2020 cho các dự án liên quan đến BRI ở nước ngoài thông qua nhiều kênh tài chính song phương và đa phương.
Cho đến nay, Trung Quốc đã xây dựng tất cả sáu hợp phần/ nhánh cho sáng kiến BRI, bao gồm hai nhánh Con đường và Vành đai năm 2013, Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số (DSR) được đề xuất năm 2015. Đến năm 2018, Con đường Tơ lụa trên biển đã mở rộng đến khu vực Nam Mỹ, và trong Sách trắng về Chính sách Bắc Cực công bố năm 2018, Trung Quốc thậm chí còn đề xuất các nước cùng xây dựng “Con đường Tơ lụa trên băng” để chuẩn bị về mặt chiến lược cho sự mở rộng về mặt địa lý của sáng kiến này. Đưa nó trở thành nhánh thứ tư của BRI. Tháng 3/2020, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng “Italia và Trung Quốc là nền tảng của Con đường Tơ lụa mới về y tế”, qua đó đưa Con đường Tơ lụa Y tế (HSR) trở thành nhánh thứ năm của BRI. Đến tháng 6/2020, BRI có thêm một hợp phần nữa là Con đường Tơ lụa Không gian (SSR).
Đối với các nước trên thế giới, BRI đem lại cơ hội đầu tư và thương mại mới, nhưng cần có cách tiếp cận thận trọng vì tính khả thi của BRI vẫn còn bỏ ngỏ. Do vậy, hiện thực triển khai BRI trong thời gian qua đã khiến bản thân BRI vấp phải làn sóng xét lại, vì nhiều lý do về kinh tế và địa chính trị. Do vậy, ngày 27/8/2018 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc đã nhấn mạnh, “BRI là một sáng kiến hợp tác kinh tế chứ không phải xây dựng một liên minh địa chính trị hay quân sự, và do đó sẽ không tạo ra một vòng tròn mang tính loại trừ hay một câu lạc bộ Trung Quốc”.
Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, do sự phong tỏa cả về kinh tế và đi lại, lưu trú nên việc triển khai BRI đã chịu ảnh hưởng và có những chuyển biến mới. Cụ thể, các dự án cơ sở hạ tầng của BRI đều bị trì hoãn do các vấn đề về tài chính của nước sở tại, các lệnh cấm đi lại và đóng cửa kinh tế. Nhưng việc triển khai Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số (DSR) và Con đường Tơ lụa Y tế (HSR) lại có bước phát triển mới. Bởi lẽ, bản chất ít nhìn thấy hơn của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là dễ dàng phù hợp hơn với môi trường địa chính trị mà các công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt khi cuộc khủng hoảng Covid-19 xuất hiện.
Ngoài ra, các dự án BRI cũng được chú ý hơn về tiêu chuẩn môi trường. Trước tình hình này, trước Diễn đàn Vành đai và Con đường đầu tiên vào năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã công bố Hướng dẫn Thúc đẩy Vành đai và Con đường Xanh. Mặc dù tài liệu này ngắn và thiếu các chi tiết cụ thể, nhưng nó đã đặt ra một mốc thời gian 3-5 năm để đặt “nền tảng vững chắc cho một BRI xanh”. Tuy vậy, những động thái điều chỉnh này liệu thu được kết quả thế nào, chúng ta sẽ còn phải kiên nhẫn theo dõi, nhất là trong khi tình hình thế giới đang đối diện với quá nhiều biến động mà nhiều trong số này lại đến từ thế giới tự nhiên như thiên tai, dịch bệnh…
Như vậy là, xét trên khía cạnh những diễn tiến thực tế trong nhiều năm trở lại đây, quan điểm của Frankopan, cũng như của nhiều học giả khác, về “Con đường Tơ lụa” mới và xu hướng quyền lực thế giới là khá sát với thực tế. Thế nhưng, với Frankopan, góc độ tiếp cận địa chính trị của ông có phần ngược lại với suy nghĩ của nhiều người, nhất là giới sử gia và nghiên cứu phương Tây: hình ảnh của con đường tơ lụa cổ xưa phản ánh sự trỗi dậy của một loạt các quốc gia châu Á nằm dọc theo con đường đó, mà điểm xuất phát chính là Trung Quốc. Điều này gây bối rối với những nhà địa chính trị đặt niềm tin vào nền tảng và ưu thế của biển cả. Châu Âu, hay Mỹ, là những khu vực và quốc gia từng đạt được vị thế cường quốc nhờ tận dụng đại dương, hướng ra đại dương như một tầm nhìn chiến lược. Còn đối với Frankopan, dường như “vùng đất trái tim” (hay trung tâm thế giới) đã dịch chuyển từ Đông Âu sang khu vực thảo nguyên Trung Á-Tây Á rộng lớn thế kỷ XXI này. Cái hay của Frankopan là ông đã dành thời gian khảo cứu cụ thể những sự kiện nổi bật mang tính đương đại ở khắp các khu vực dọc theo hành lang Con đường Tơ lụa cổ đại, kết nối chúng lại với nhau theo một tư duy mạch lạc, và từ đó đưa ra lập luận rất hấp dẫn: sự tiến hóa của Con đường Tơ lụa, dù theo hướng nào đi chăng nữa, cũng sẽ là điểm mấu chốt để định hình nên thế giới của tương lai.
Đến nay, tuy rằng việc hiểu và nghiên cứu về “Con đường Tơ lụa” mới nói chung và BRI nói riêng vẫn chưa có được sự đồng thuận ở phạm vi rộng lớn, quan điểm ủng hộ cũng có và các quan điểm phản đối, nghi ngại cũng nhiều, song ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu dựa trên số liệu và bằng chứng rõ ràng về chúng, trước mắt giúp cho các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia có nhiều sự tham khảo hơn trước khi quyết sách.
Đối với riêng Việt Nam, mặc dù Chính phủ chúng ta thể hiện sự hoan nghênh và ủng hộ việc triển khai BRI, nhưng phải đến tận năm 2017, Việt Nam và Trung Quốc mới có một Bản ghi nhớ về kết nối “hai hành lang, một vành đai” và “Vành đai và Con đường” tại Hà Nội nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông Tập Cận Bình. Việc hoan nghênh sáng kiến “Vành đai và Con đường” phản ánh lựa chọn mang tính chủ động của Việt Nam. Tuy nhiên, việc tham gia sáng kiến nhiều khả năng cũng sẽ tuân theo những nguyên tắc và thứ tự được cân nhắc kỹ. Trong bối cảnh đó, cuốn sách của Peter Frankopan sẽ gợi mở nhiều điểm tham khảo đáng chú ý cho người đọc nói chung và những người làm nghiên cứu quan tâm đến sáng kiến này nói riêng.
Vậy nên, trước khi chứng thực những mảnh nào trong toàn bộ khối ý tưởng về Con đường Tơ lụa mới được hiện thực hóa với sự tham gia của Việt Nam, xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả ấn phẩm quan trọng về sáng kiến “Vành đai và Con đường” của một học giả phương Tây, với cách nhìn khách quan, dựa trên nhiều bằng chứng nghiên cứu: Con đường Tơ lụa mới: Hiện tại và Tương lai của thế giới. Qua bản dịch của Thạc sĩ Nguyễn Thế Phương - một nhà nghiên cứu chuyên ngành quan hệ quốc tế - tôi tin ấn phẩm này sẽ càng tăng thêm mức độ tiếp cận và sự hấp dẫn với độc giả Việt Nam.
Hà Nội, tháng 5/2021
Mời các bạn đón đọc Con Đường Tơ Lụa Mới: Hiện Tại Và Tương Lai Của Thế Giới của tác giả Peter Frankopan & Nguyễn Thế Phương (dịch).