Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Khúc Chiến Ca Của Mẹ Hổ

Rúng động và gây ra những cuộc tranh cãi kịch liệt về phương pháp dạy con, "Khúc chiến ca của mẹ hổ" là cuốn sách mà mỗi bậc phụ huynh quan tâm đến cách dạy con trở thành người thành đạt đều nên đọc qua nó.

“Khúc chiến ca của mẹ hổ” (Battle Hymn of Tiger mother) là cuốn hồi ký của Amy Chua, 49 tuổi, giảng viên trường Luật Yale (Mỹ), người đã viết nhiều đầu sách có tiếng vang ở tầm thế giới về các xung đột quốc tế và tình cảnh người thiểu số. Bằng cách dạy con hà khắc như nhiều bà mẹ Trung Quốc nói riêng và nhiều nước châu Á nói chung, Amy Chua đã “đào tạo” cô con gái lớn trở thành một thần đồng piano, còn cô em gái thành một nghệ sĩ violin tài năng. Mới đây nhất, Sophia con gái đầu của Amy Chua đã đồ liền một lúc hai trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ là Havard và Yale. Điều đáng nói Jed Rubenfeld, chồng Amy Chua, một người phương Tây, là cựu sinh viên Havard xuất sắc, cũng là giáo sư luật ở Yale, tác giả một cuốn tiểu thuyết best-seller ở Anh cũng thống nhất với vợ cách nuôi dạy con cái theo cách của người Trung Quốc chứ không phải người phương Tây. Theo đó trẻ phải tuân theo những kỷ luật thép, không được xem tivi, chơi điện tử, tham gia các hoạt động vui chơi tại trường, tụ tập với bạn bè… để đứng đầu trong tất cả các môn học tại trường (trừ môn thể dục và kịch). Ngược lại chúng sẽ phải gánh chịu những hình phạt nặng nề bao gồm cả đánh đòn và bị cấm ăn uống…

Ngay sau khi xuất bản cuốn sách đã gây sốc và làm dấy lên một làn sóng tranh luận dữ dội trong các bậc phụ huynh phương Tây. Bản dịch của cuốn hồi ký cũng đã khởi nguồn rất nhiều tranh luận sôi nổi tại Trung Quốc, đặc biệt trên các diễn dàn về tính hiệu quả và sự tàn ác. Song trong số gần 1.800 người tham gia một khảo sát trên mạng được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu Thanh niên Trung Quốc mới đây thì có đến 95% cho biết họ có biết những bà mẹ dạy con nghiêm khắc như vậy. Đa số người được hỏi cũng đang là phụ huynh.

Theo CNN, nhiều khảo sát trên các trang mạng cũng cho thấy có nhiều người đồng tình với Chua hơn là chỉ trích. Sau Anh và Mỹ, cách đây khoảng một tháng “Khúc chiến ca của mẹ hổ” đã đồng loạt ra mắt bằng các ngôn ngữ châu Âu khác. Và chỉ sau bài giới thiệu “Vì sao các bà mẹ Trung Quốc giỏi hơn” trên tờ Wall Street Journal thì đơn đặt mua trên Amazon đã đưa cuốn sách lên hàng thứ năm các sách bán chạy nhất.

***

Amy Chua (sinh ngày 26 tháng 10 năm 1962) là giáo sư luật khoa tại Trường Luật Yale. Bà bắt đầu làm việc tại Yale năm 2001 sau khi dạy tại Trường Luật Duke. Trước khi bắt đầu dạy học, bà là luật sư làm tại hãng Cleary, Gottlieb, Steen & Hamilton. Bà chuyên nghiên cứu về giao dịch thương mại quốc tế, luật pháp và phát triển, xung đột chủng tộc, toàn cầu hóa và luật pháp. Từ tháng 1 năm 2011, bà được biết tới nhiều vì cuốn sách Chiến ca mẹ hổ (Battle Hymn of the Tiger Mother), viết về kinh nghiệm giáo dục con cái.

Amy Chua được sinh ra ở Champaign, Illinois. Cha mẹ bà là người Hoa ở Philippines mà đã di cư sang Hoa Kỳ. Ở nhà bà được dạy nói tiếng Mân Nam chứ không phải tiếng quan thoại. Tổ tiên của bà xuất phát từ vùng Phúc kiến, miền Đông Nam của Trung Quốc. Cha bà, ông Leon O. Chua, là một giáo sư điện tử và công nghệ thông tin tại đại học California, Berkeley. Mẹ của bà Amy sinh năm 1936 tại Trung Quốc, trước khi theo gia đình sang Philippines vào lúc 2 tuổi. Sau đó bà đổi theo đạo Thiên chúa giáo và tốt nghiệp với bằng kỹ sư hóa học tại đại học Santo Tomas, Bà được dạy dỗ theo đạo Công giáo và sống ở West Lafayette, Indiana. Khi được 8 tuổi thì đã theo gia đình dọn về Berkeley, California. Sau khi Chua lấy được bằng cử nhân kinh tế tại Harvard College vào 1984, bà được bằng tiến sĩ vào năm 1987 của Harvard Law School, nơi bà làm chủ bút tờ Harvard Law Review.

Amy Chua đã viết 3 cuốn sách: 2 cuốn nghiên cứu về quan hệ quốc tế và một về hồi ký.

  • World On Fire: How Exporting Free Market Democracy Breeds Ethnic Hatred and Global Instability. 2002.

Xem xét về xung đột các sắc dân xảy ra trong nhiều xã hội vì không cân xứng trong các ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của một nhóm nhỏ chi phối thị trường đưa tới sự phẫn uất của một đại đa số nghèo khó. Cuốn sách bán rất chạy này của New York Times được tờ The Economist chọn là một trong những quyển sách hay nhất trong năm 2003, và được tờ The Guardian cho là một trong những cuốn sách chính trị đáng đọc nhất trong năm 2003″. World on Fire nghiên cứu ảnh hưởng của toàn cầu hóa và dân chủ hóa từ năm 1989 tới quan hệ giữa nhóm nhỏ thống trị thị trường và đại đa số quần chúng.

  • Day of Empire: How Hyperpowers Rise to Global Dominance–and Why They Fall. 2009.

Xem xét 7 đế quốc và khẳng định là sự thành công của họ là nhờ vào sự khoan dung đối với những thiểu số.

  • Battle Hymn of the Tiger Mother (Tựa tiếng Việt: Khúc Chiến Ca Của Mẹ Hổ). 2011.

Một hồi ký mà đã đưa đến một cuộc tranh luận của các bậc cha mẹ toàn cầu về lối giáo dục nghiêm khắc của bà (Mẹ hổ).

***

Tôi tìm đọc cuốn “Khúc chiến ca của mẹ hổ” khi đang mang thai tháng thứ năm. Tìm đọc cuốn sách này ngoài lý do tò mò với những thông tin bên lề cuốn sách, chủ yếu là vì lần đầu tiên làm mẹ tôi thực sự chưa sẵn sàng cho câu hỏi “Tôi sẽ dạy con tôi lớn khôn theo cách nào?”.

Tất nhiên với một cá tính mạnh như Amy Chua, cuốn sách sẽ không mang đến cho người đọc sự hài lòng bởi một giọng văn ve vuốt, dễ dãi mà ngược lại sẽ không ít các bà mẹ “tây hóa hiện đại” sẽ cảm thấy bực tức, khó chịu xen lẫn đố kị khi đọc cuốn sách này. Với kiểu cách diễn đạt của một luật sư, văn phong cuốn sách rất gọn ghẽ, khúc chiết, logic và được tiết chế rất vừa phải. Một chất văn rất “đàn ông” và rất “luật”. Vậy mà tôi lại bị cuốn hút ngay từ những trang đầu của nó. Đặc biệt khi đọc đến đoạn cô bé Lulu lần đầu tiên phản ứng lại cách giáo dục của mẹ – cô bé 6 tuổi chịu đựng cái rét căm căm thà chết cóng chứ nhất định không chịu nhượng bộ mẹ hổ lấy một bước – tôi đã hoàn toàn bị Amy Chua cuốn hút- như cách bà đã cuốn hút cả gia đình bà theo cách giáo dục độc đoán mang đậm phong cách Trung Hoa của bà.

Cuốn sách là hành trình nuôi dạy con của mẹ Hổ. Là một người phụ nữ Trung Hoa truyền thống và cũng từng được nuôi lớn bằng cách giáo dục khắc nghiệt như vậy, Amy Chua kiên quyết áp dụng cách giáo dục này cho 2 đứa con của bà – Sophia và Louisa. Luôn đặt mục tiêu cao nhất, kỷ luật nghiêm ngặt nhất, và luôn phải tuân theo lời mẹ đó là 3 điểm quan trọng nhất trong phương pháp nuôi dạy con của mẹ hổ. Với công thức nuôi dạy dường như đi ngược lại với tất cả các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới, hành trình nuôi con của Amy Chua cũng đồng thời là hành trình để đứng vững trước sự phản đối của chồng, con, gia đình, bạn bè, và dư luận. Và sự kiên định đó chứ không phải là thành tích 2 cô con gái giỏi giang toàn diện đã khiến tôi thực sự khâm phục Amy Chua. Làm một phụ nữ rắn rỏi, có chính kiến luôn là một việc rất khó khăn, khó khăn hơn rất nhiều so với việc làm một người mẹ tốt.

Hơn 4 tháng sau khi đọc cuốn sách, tôi sinh con. Lần đầu tiên làm mẹ cảm xúc thật khó có thể diễn đạt thành lời. Nhìn con nằm nép cạnh người tôi, tôi reo lên trong lòng “Ôi! một thực thể độc lập, một hình hài nhỏ bé và sẽ là một tương lai rộng mở ở phía trước”. Đó có lẽ là giây phút xúc động và nhiều cảm xúc nhất trong cuộc đời. Nhưng rồi gần như ngay lập tức tôi phải đối mặt với những tình huống chưa bao giờ được tập dượt trước của việc nuôi dạy con: từ chuyện ăn ngủ không có giờ giấc cho đến việc tập luyện, dạy cho con những bài học đầu tiên… Những kiến thức mới mà tôi thu nhận được, những tập tục truyền miệng của các bà các mẹ đi trước và thực tế trước mắt hoàn toàn khác nhau. Không thiếu những lúc cảm giác bất lực, và những lúc đó tôi hiểu rằng làm mẹ là một hành trình khó khăn mà cần trước hết là lòng dũng cảm và sự kiên nhẫn – một điều mà Amy Chua đã thực sự rất xuất sắc qua những gì bà viết ra trong “Khúc chiến ca của mẹ hổ”.

Trong hành trình dài để chuẩn bị hành trang cho con vào đời đó, cũng như Amy Chua và hàng tỉ bà mẹ trên thế giới này không phân biệt các nền văn hóa, chắc chắn rồi sẽ có những lúc tôi phải đơn độc một mình, có lúc phải thỏa hiệp, có lúc cần áp đặt… Nhưng quả ngọt cuối cũng thật xứng đáng để nỗ lực và chờ đợi – “Con của tôi sẽ hạnh phúc và thành công!”

Mời các bạn đón đọc Khúc Chiến Ca Của Mẹ Hổ của tác giả Amy Chua.