“Khi tịch dương chạm vào đường chân trời, chúng tôi trao nhau nụ hôn đầu tiên.
Một nụ hôn như trong ước nguyện.
Hành tinh xanh vẫn yên lặng chuyển động, màn đêm dần kéo đến từ phía trời Đông. Chúng tôi cùng hẹn ước tình yêu giữa khoảnh khắc giao nhau của ánh sáng và bóng tối.
Tình yêu tuổi mười lăm vẫn còn quá non nớt, nhưng chúng tôi đều vô cùng chân thành. Cả hai đều cố gắng tìm ra những gì có thể làm cùng nhau. Phát minh ra một tình yêu mới, khắc sâu mối quan hệ này vào tâm khảm.
Chỉ cần mình đủ mạnh mẽ, tôi nghĩ, nhất định sẽ chiến thắng vận mệnh.
Có đúng không?”
***
3.5/5 sao.
Lâu rồi mình không đọc tiểu thuyết tình cảm, vài tháng trước đọc lại "Mắt biếc" đã quá chán, tiểu thuyết ngôn tình thì ôi thôi đọc xong quên sạch không nhớ tí gì. Nhưng không ngờ rất lâu sau "Bí mật của Ella và Micha" lại có 1 cuốn truyện lãng mạn làm mình thích được.
Lúc đầu mình hứng thú với quyển này vì đọc giới thiệu của Nhã Nam có câu "Chỉ cần mình đủ mạnh mẽ, tôi nghĩ, nhất định sẽ chiến thắng vận mệnh. Có đúng không?", chắc câu chuyện sẽ liên quan đến bói toán, tử vi, vượt lên hoàn cảnh,… đại loại là thể loại gay cấn. Nhưng mà không, nhầm hoàn toàn, nó chẳng liên quan gì đến những chuyện mà mình đề cập. Đó cũng là lý do mình khá hụt hẫng khi đọc xong.
Nhưng bỏ qua cái kỳ vọng của mình thì nội dung câu chuyện rất ổn. Minamikawa Momo - nàng thơ của câu chuyện, và nam chính (nhân vật tôi) - Sasa Tokio (Momo gọi là Jiro) học chung lớp cấp 2, đều là học sinh chuyển trường nhưng Jiro đến trước Momo vài năm. Tất cả các nhân vật đều liên quan đến xưởng may chi phối đời sống của cả thị trấn vì hầu như học sinh ở đây đều là con em của cán bộ và công nhân trong xưởng may. Momo là con gái của giám đốc xưởng, nghiễm nhiên trở thành nữ hoàng, Jiro sống với mẹ để trốn nợ ở thị trấn này, bà làm thêm ở quán ăn chứ không phải ở xưởng. Hai người chẳng liên quan gì đến nhau bắt đầu mối quan hệ từ lúc Momo nhờ Jiro viết hồi ký 15 năm cuộc đời cho mình (có trả lương), từ đó dần dần hai người hiểu về nhau hơn.
Tình cảm trong truyện được miêu tả rất ngây ngô, trong trẻo đúng chất mối tình đầu, không lẩn tránh ngại ngùng mà vô cùng bộc trực, cũng có những hiểu lầm cãi vã, giận dỗi nhưng vô cùng trong sáng. Ngoài cặp chính còn có cặp phụ rất đáng yêu (đoạn cuối truyện họ có thể sắp làm đám cưới) là Tobio và Kikuchi - nữ sinh chuyển trường người ngoại quốc. Kết thúc mở nhưng với mình đấy là Happy ending rồi vì Momo đã trở về trường của Jiro và đọc cuốn sách hồi ký về cô mà Jiro đã hoàn thành, trở nên vô cùng nổi tiếng trong trường. Chuyện gặp lại nhau chỉ là vấn đề thời gian.
Câu chuyện xoay quanh Momo nên tác giả xây dựng nhân vật này có vẻ quá hoàn hảo và hơi điêu. Đấy là một điểm trừ. Momo xinh đẹp, cao ráo, con nhà giàu, có bố là giám đốc lắm tiền đẹp trai và mẹ là nữ diễn viên kiêu sa đỏng đảnh, lại vô cùng hào phóng và thông minh. Nhưng chuyện một cô gái 15 tuổi hiểu được bố mình vi phạm pháp luật và dám đứng ra tố cáo bố, đòi quyền lợi cho công nhân, cuối cùng bỏ nhà ra đi và lẩn trốn truyền thông vô cùng hoàn hảo thật khó tin, chưa kể cô gái này còn có suy nghĩ rất sâu sắc về quyền lực, về nghề nghiệp và tương lai.
Jiro may mắn hơn vì dù 2 mẹ con phải trốn nợ khắp nơi do bố phá sản nhưng hóa ra ông bao năm vẫn làm mọi cách trả hết nợ nần và âm thầm bảo vệ 2 mẹ con, chuyện đoàn tụ chỉ là sớm muộn.
Giọng văn của Ichikawa Takuji rất giàu chất thơ, diễn biến câu chuyện nhanh nhưng không bị gượng, cũng không buồn ngủ. Tuy vậy mình thấy xuất sắc hẳn thì chưa mà phù hợp đọc để thư giãn thôi nên chỉ cho 3.5/5.
***
Mỗi lần mỏi mệt tôi lại tìm về với những tác phẩm của Ichikawa Takuji, để được trải lòng, để được bình lặng. “Chuyện về cô gái ấy” vẫn mang nét đặc trưng của tác giả, cái nét trầm trầm, buồn buồn, nhè nhẹ.
Momo và Jiro gặp nhau trong một hiệu sách nhỏ, từ đó, hai người trở thành tâm điểm trong mắt nhau, cuộc sống của họ chầm chậm xoay quanh nhau, có những sự việc xảy ra xung quanh, có cảm xúc ngây ngô, vụng dại. Tất cả mọi thứ xảy đến, diễn ra, để viết nên một một câu chuyện không thể quên, về một cô gái dũng cảm và một anh chàng gan dạ, về sự bóc lột giữa các tầng lớp trong xã hội ngày ấy, về những ngày xưa cũ, về những mảnh ký ức nhạt dần theo thời gian.
Một tác phẩm êm đềm và nhẹ nhàng, ấm áp. Câu chuyện cứ chầm chậm trôi, thời gian cứ lặng lẽ lướt qua, có hai con người dừng lại, trái tim đập chung một nhịp đập yêu thương. Dù chỉ là những cô cậu bé, dù không mang tầm vóc lớn lao, thế nhưng tâm hồn và suy nghĩ của họ đủ rộng, đủ bao la để khiến bản thân tôi ngưỡng mộ, trầm trồ. Giọng văn của tác giả dịu dàng nhưng không hề nhàm chán mà vẫn luôn cuốn hút.
Câu chuyện về cô gái ấy có thực sự chỉ là một câu chuyện bình thường hay chất chứa trong đó có biết bao nhiêu ý nghĩa tác giả muốn gửi gắm?, từng trang giấy, từng câu chữ có chứa đựng nỗi buồn sâu lắng, trầm lặng như bao tác phẩm khác của Ichikawa? Đó là những câu hỏi tôi đặt ra trước khi đọc tác phẩm, may mắn là MM không bi lụy, và buồn như các tác phẩm khác của ông, câu chuyện có nét tươi sáng và vui vẻ hơn, thế nhưng, khép lại tác phẩm, vẫn đọng lại trong lòng sự tiếc nuối mơ hồ và những cảm xúc loáng thoáng chẳng thể gọi tên. |
Trần Lan Hương
***
Gửi tới các bạn độc giả một ngày nào đó sẽ đọc cuốn sách của tôi.
Ngày xửa ngày xưa, xưa rất là xưa, khi nàng còn đang theo học ở ngôi trường này. Cái “ngày xưa” đó cách đây bao lâu, còn tùy thuộc vào việc bạn đọc cuốn sách tại thời điểm nào. Nếu bạn cầm nó lên vào ngày kế tiếp (hay “ngày hôm sau”) cái ngày tôi khẽ khàng đặt nó lên giá sách thư viện (ở góc Hồi ký, nằm giữa cuốn Vua phát minh Edison và Cuộc đời Marie Curie), thì đó mới là chuyện của năm năm về trước mà thôi.
Phải rồi, chỉ mới có năm năm thôi đấy, vậy mà tôi lại có cảm giác đã là chuyện xa xưa lắm rồi, tựa như những câu chuyện cổ tích hay thần thoại từ thời tiền sử vậy.
Có lẽ vì lý do đó mà trong câu chuyện này, tôi đã tự ý cho thêm vào cả những “hồi ức tưởng tượng” do chính tôi tạo nên.
À không, đương nhiên tôi cũng muốn viết cho thật chính xác chứ. Có điều việc hồi tưởng lại quá khứ cũng giống như sáng tác mới vậy, ngay cả những người cùng sống ở thời ấy lúc đọc truyện có khi cũng phải ngạc nhiên, cứ như thể được nghe một câu chuyện hoàn toàn khác. Chúng ta làm đẹp quá khứ, phóng đại mọi chuyện và thổi phồng sự việc lên. Chúng ta tỉa tót thêm cho hồi ức trong vô thức, rồi cứ thế dựng lên cái gọi là “kỷ niệm thời xưa”.
Ví dụ như khi viết lại các cuộc đối thoại chẳng hạn, dù cho đã cố tái hiện một cách trung thực nhất có thể, không hiểu sao tôi vẫn cứ trộn lẫn cách nói chuyện của tôi hiện tại vào trong câu thoại của họ.
Nếu bạn đọc để ý thấy lời nói của nhân vật có cảm giác già dặn quá, xin cứ xem như đó là lỗi của việc “vô thức tỉa tót thêm cho hồi ức” nhé (nói vậy nhưng thực sự chúng tôi là những đứa trẻ lớn trước tuổi. Chính “hoàn cảnh gia đình phức tạp” đã buộc chúng tôi phải trưởng thành sớm).
Nói ra thì giống như lấy cớ vậy, nhưng phải viết lại hết tất cả những chuyện mình đã biết, dưới góc độ khi chưa biết gì cả, quả là khó khăn lắm thay!
Phần lớn tôi sẽ viết theo kiểu vờ như mình chưa hề biết đến diễn biến tiếp theo, nhưng có đôi khi tôi vẫn nhịn không nổi, lỡ thốt ra những lời thoại như nhà tiên tri. Nếu bạn đọc tới khúc ấy, xin đừng suy nghĩ nhiều quá, hãy cứ nhẹ nhàng lướt qua là được.
Mà thôi, gì thì gì tôi cũng đã cố gắng làm tốt nhất rồi. Cũng một phần vì thế mà thành ra mất tới tận năm năm. Nói sao nhỉ, đây là “công việc” của tôi, mà đã là công việc, thì tuyệt đối không được phép qua loa.
Chỉ cần bạn đọc cuốn sách này, nhất định sẽ thấy được tôi đã cố gắng đến nhường nào.
Mặc dù nó chẳng có vẻ gì giống một quyển hồi ký, nhưng tôi chỉ có thể dùng lối viết như vậy thôi (nói đúng ra đây không phải “hồi ký” theo ý nghĩa thông thường, cũng chẳng phải thứ gì đó giống như hồi ký, dù tôi đã được nhờ cậy viết như thế. Lý do chủ yếu nằm ở chỗ cuốn sách này viết ra cho ai, điều này sẽ được làm rõ hơn trong tác phẩm, vì thế xin các bạn cố chờ thêm một chút).
Hy vọng tôi có thể kể lại cho các bạn một cách chân thật nhất về nàng.
***
Hôm ấy là một ngày hè nóng nực, độ ẩm cũng cao kinh khủng khiếp.
Tôi đang ở trong một hiệu sách nho nhỏ nằm trên con phố trước nhà ga. Mặc cho máy lạnh vẫn đang chạy, phát ra âm thanh như tiếng thở dài của loài khỉ rú (có lúc lại giống như tiếng bị mắc đờm), nhiệt độ trong cửa hàng cũng chẳng đỡ hơn bên ngoài là bao.
Tôi vừa dùng vai áo lau đi từng dòng mồ hôi chảy dài trên má, vừa đứng đọc một quyển sách.
Một bản dịch tên Con đường ngắn nhất để trở thành biên kịch tại Hollywood. Dù rằng cái tiêu đề nghe như đùa, nội dung bên trong quả thật có viết rất nhiều điều cần thiết để trở thành một biên kịch, nên từ tận đáy lòng tôi cực kỳ muốn có nó.
Có điều, đối với quyển sách 600 trang thì cái giá của nó đắt đến mức lố bịch. Vì lẽ đó mà kể từ ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè, hôm nào tôi cũng ghé qua đây (không tới 30 phút mỗi ngày - thì tôi cũng chưa muốn bị cấm cửa mà. Ông cụ chủ hiệu sách tạo cho người ta cảm giác lầm lì bảo thủ, hẳn không phải là người dễ tính thân thiện gì cho cam), và vùi đầu cố gắng đọc xong hết tất cả các trang sách (tiện thể học thuộc hết luôn nếu có thể).
Đang giữa lúc tập trung ấy, tôi bỗng giật mình khi bị ai đó vỗ vào vai. Và hình như tôi còn bật thốt lên thành tiếng nữa, “Oái”, chỉ một tiếng rất khẽ thôi.
Mình bị ông chủ hiệu sách để ý tới rồi sao, tôi nghĩ.
Có lẽ ông cụ sắp hết kiên nhẫn với mình rồi.
Dè dặt quay đầu nhìn lại, tôi trông thấy nàng ở đó. Minamikawa Momo.
Điều này lại càng đáng ngạc nhiên hơn. Tôi cảm thấy có chút bối rối. Bởi vì mặc dù cùng học chung một lớp, chúng tôi chưa lần nào bắt chuyện với nhau.
“Nói chuyện chút được chứ?” Nàng đề nghị.
Không hiểu sao trong giọng nói của nàng có vẻ gì đó như tức giận. Nàng mặc một chiếc áo khoác đen tuyền bên ngoài áo sơ mi trắng (đến cả chiếc quần bò bó nàng mang cũng màu đen nốt). Mùa hè mà ăn mặc thế này ư? Ấy vậy mà trông nàng vẫn rất thong dong, thậm chí còn chẳng vương giọt mồ hôi nào.
“Nói chuyện ấy à?”
Mình có từng làm gì khiến nàng khó chịu không nhỉ? Tôi vắt óc lục lọi ký ức, nhưng tuyệt nhiên không nhớ ra được điều gì. Mà cũng phải thôi, giữa hai chúng tôi hoàn toàn chưa từng có một tiếp điểm nào, tính đến giờ phút này.
“Ừm, mình có việc muốn nhờ Sasa.”
Nhờ? Nhưng nhờ cái gì nhỉ? Tôi càng thấy khó hiểu hơn.
“Việc gì thế?” Tôi hỏi lại nàng.
“Đi nơi khác nhé?” Nàng vừa nhìn quanh hiệu sách vừa đáp lời, “Ở đây không tiện cho lắm.”
“Ừ, được thôi.” Tôi nói, và thế là chúng tôi cùng nhau tới quán cà phê cách hiệu sách ba căn nhà.
Mời các bạn đón đọc MM - Chuyện về cô gái ấy của tác giả Ichikawa Takuji & Mai Mai (dịch).