Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Quãng Đời Đánh Mất

Quãng Ðời Ðánh Mất” là quyển tiểu thuyết thứ ba của Dương Thu Hương do nhà xuất bản Hải Phòng in năm 1989, sau “Bên Kia Bờ Ảo Vọng” (1987) và “Thiên Ðường Mù” (1988) – hai tác phẩm đã đưa tên tuổi của bà lên vị trí sáng chói nhất trên văn đàn Việt Nam suốt mấy năm qua. Bộ ba tiểu thuyết này tạo thành một bức tranh hoành tráng công phu của xã hội Việt Nam ngày nay, với biết bao khung cảnh, hình ảnh, nhân vật, tình tiết…Nghệ thuật miêu tả và phê phán hiện thực sắc bén và can đảm, cùng với nỗ lực phản kháng và giải ảo trong các tác phẩm của Dương Thu Hương, đã giúp bà trở thành nhà văn được tìm đọc nhiều nhất, và nổi tiếng nhất cả trong và ngoài nước… sống cuộc đời mình một cách độc lập, can đảm đối diện và chống lại những quyền lực phi lý, nhìn cho đúng và phá vỡ những ảo tưởng xa lạ, yêu thương cuộc đời và con người chân thành…Ðó là một vài thông điệp chính mà “Quãng Ðời Ðánh Mất” gửi đến người đọc…”

Nhà văn Dương Thu Hương sinh năm 1947 tại Thái Bình, cư ngụ nhiều năm tại Hà Nội, sau đó lưu trú tại Paris, Pháp. Dương Thu Hương là đảng viên Ðảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng đã bị khai trừ ra khỏi Ðảng năm 1989, vì đấu tranh cho dân chủ, vì phê bình nhà nước. Những tác phẩm của Dương Thu Hương không được phép lưu hành tại Việt Nam, vì lý do chính trị. Bà từng bị vào tù vì viết sách, vì phê bình việc áp dụng chủ nghĩa Marx-Lenin tại Việt Nam, vì phản đối độc quyền của Ðảng Cộng Sản. Năm 1994, Bộ Trưởng Văn Hóa Pháp Jacques Toubon trao tặng nhà văn Dương Thu Hương Huân Chương Văn Hóa Nghệ Thuật Chevalier Des Arts Et Des Lettres. Năm 2008, bốn tác phẩm “Bên Kia Bờ Ảo Vọng, Những Thiên Ðường Mù, Tiểu Thuyết Vô Ðề, Chốn Vắng” của bà được đưa vào bộ sách Bouquins. Năm 2009, Giáo Sư Tiến Sĩ Joseph Pivato dạy môn Văn Chương Anh Ngữ tại Ðại Học Athabasca ở Alberta, Canada, đề cử nhà văn Dương Thu Hương vào danh sách xét duyệt Giải Nobel Văn Chương.
Dương Thu Hương nhận định: “Lịch sử cận đại của người Việt Nam đã diễn ra trong khói bom và tiếng nổ của đạn pháo. Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ chia cắt đến tận lòng sâu của mỗi gia đình. Sự nhầm lẫn, sự bất khả tri không chỉ xảy ra giữa hai nền văn hoá Ðông-Tây mà còn xảy ra ngay giữa lòng dân tộc Việt, giữa các thành viên trong một gia đình, một giòng họ, giữa miền Bắc và miền Nam, giữa bên thắng cuộc và bên thua cuộc, giữa người trong nước và những người sống ngoài biên giới. Tóm lại, những người Việt cũng bị chia cách bởi những con sông. Những con sông thiếu vắng những cây cầu. Khoảng cách giữa người với người có thể còn dài rộng hơn sông, sâu hơn vực thẳm, thế nên, dù trên địa hạt văn chương, tôi coi Albert Camus cao hơn hẳn Jean Paul Sartre, tôi vẫn phải công nhận câu nói nổi tiếng của Sartre là một nghiệm sinh có tính nhân loại, “Tha nhân là địa ngục của ta.” [“Sức Mạnh Của Chủ Nghĩa Ngu Dân.”]

“Quãng Ðời Ðánh Mất” của hai nhân vật Trọng và Bích để lại âm hưởng vi diệu trong lòng độc giả: “…Khi con người đã quen sống kiếp mù lòa, ai vạch ra sự ngu dốt tối tăm trong kiếp sống của họ sẽ bị họ coi là quỷ dữ, vì điều đó chứng tỏ cái hèn kém của bản thân họ, và đặt ra những lời thách đố nguy hiểm. Mà chắc chắn họ không đủ khả năng vượt qua…Tình yêu cũng cần lòng can đảm. Giữa bao nhiêu dục vọng của đời sống phải chọn lấy một thứ, phải dập tắt mọi đám cháy để nuôi dưỡng duy nhất ngọn lửa của riêng mình. Tình yêu, hơn mọi thứ tình cảm khác, cần lòng hy sinh và sự trung thực…” (trích)

***

Mặt trời mù sau lớp mây bạc, nhưng vòm trời và mặt đất trắng ánh lên. Các đồi cây đan tiêu hớn hở nô giỡn trước gió, ném vào không trung ngọn lửa cuồng nhiệt và thất thường của những vòm lá đỏ như đồng. Trên con lộ chạy vắt qua những trái đồi ngoại ô, chợt xuất hiện một cỗ xe thổ mộ. Nó tiến thẳng vào thành phố, tiếng vó ngựa và tiếng lục lạc mỗi lúc mỗi rõ dần.

Lão già Ngạn dỏng tai nghe. Rồi từ trong bếp, hấp tấp lao ra sân, đưa mắt dõi theo, cỗ xe ngựa vượt qua tòa biệt thự trắng, xưa là nhà nghỉ của quan công sứ Pháp, nay lũ trẻ đọc sách và chơi đu quay. Rồi cỗ xe lăn qua khuôn viên, khu trường phổ thông, nhà trẻ… Vượt qua hai cánh cổng để ngỏ của lão, nó đi hút về cuối phố. Lão già bất giác thở dài, đôi vai như còng xuống. Từ mảnh sân bên kia, phân cắt bởi hàng đỗ leo, một ông già cao lớn bước sang. Đưa mắt nhìn khuôn mặt ủ ê của lão Ngạn, ông cất tiếng:

- Thôi đi, đừng mất công vô ích. Về được, nó khắc về.

- Nhưng tôi nóng ruột…

Lão Ngạn đáp, vẻ hằn học không che đậy: Ông có con đâu mà ông biết xót?…

Ông già hàng xóm không mảy may phật ý, đáp:

- Tôi không có con nhưng trên đời này chẳng riêng ông được quyền làm cha. Không người cha nào xử sự như ông cả…Nhưng thôi, đừng cãi cọ nhau buổi sớm. Pha ấm trà đi.

Nói xong, ông kéo ghế ngồi, đôi chân bắt chéo lại. Lão Ngạn súc ấm, bỏ trà pha nước mới. Vừa làm, lão vừa nghĩ: Lúc nào hắn cũng đàng hoàng, mạnh mẽ hơn ta. Dù ngồi ở xó rừng hay ngồi trên ghế của người khác…Trông kìa, dường như chính hắn mới là chủ nhân ngôi nhà này, bộ bàn ghế mây đáng tiền này, cả bình trà bằng sứ đời Thanh này nữa. Đến con trai ta cũng thuộc về hắn. Nó tin hắn như dân đạo tin Chúa Jesu. Cái thằng khốn…

Ông già láng giềng vẫn ngồi yên lặng, mắt đăm đăm nhìn dãy đồi đan tiêu nơi chân trời. Tóc ông dày và đen, lưng thẳng. Lão Ngạn đặt bình trà xuống bàn:

- Được rồi đây.

Ông già rót nước:

- Ông uống luôn cho nóng.

Lão Ngạn gật đầu:

- Phải…Nhưng tôi vào bếp đã. Chặn lại cái thớt kẻo sổng mấy con cua. Chúng nó cạo nồi cả đêm, không ngủ được.

Lão vào bếp vì không muốn người láng giềng đọc được ý nghĩ của mình. Thực tình, lão căm ghét ông Hai đến mức thầm ước rằng bỗng dưng có cơn gió độc thổi tới, ông Hai trúng phong ngã lăn quay trên mảnh sân này, lão sẽ hả hê bao nhiêu. Trong chiếc nồi đồng lớn, lũ cua biển giương những đôi mắt lồi tí xíu nhìn lão. Móng cua sắc cạo xào xạo nghe rợn tai. Bất chợt, lão già đập chiếc thớt gỗ lên miệng nồi:

- Lũ khốn, trưa nay ta đem luộc ráo.

Lão quay ra sân. Ông già Hai đã uống xong chén trà, khoan thai bước về mảnh sân bên kia. Lão Ngạn nhìn theo, nghẹn cổ. Trưa hôm ấy, lão luộc cả mớ cua biển. Một mình, ăn mãi tới nửa đêm mới hết. Dù uống nửa lít rượu, lão vẫn bị đau bụng. Từ hai giờ rưỡi đêm, lão chạy đi chạy lại từ nhà trên xuống chuồng tiêu như con thoi. Lũ nhặng đêm kêu như ong trong không, gian hôi thối. Lão đành uống năm viên rửa có á phiện. Rồi sau đó, khoảng bốn giờ sáng, lão ngủ thiếp đi cho tới non trưa ngày hôm sau. Giữa đám sương bồng bềnh, lãng đãng những vệt nắng vàng. Lão già nghe tiếng xe lăn ngoài phố. Lần này, xe dừng lại trước cổng. Đứa con trai bước xuống, nện gót giày trên sân:

- Chào ba, con đã về.

Nó giơ cao chiếc mũ dạ xanh thẫm, đính mỏ neo vàng. Mắt lão hoa lên. Lão ngắm nghía bộ đồng phục bó sát tấm thân trai trẻ của nó, nước mắt rớt xuống má…

- Thình thình…thình…Thình thình…

- Ba ơi i i…

Hai cánh cửa rung bần bật. Và giọng một người đàn bà:

- Chú Hai, ba cháu ốm à?

- Không rõ. Đêm qua tao thấy ông ấy chong đèn tới ba giờ sáng.

- Mọi ngày ông cụ tỉnh ngủ lắm, ho khẽ đã trở dậy rồi.

- Có thể ngủ mệt không nghe được.

- Cháu phá cửa đây.

- Hãy gọi thêm lát nữa xem sao?…

Tiếng gọi cất lên:

- Ba ơi, ba ơi i i…

Lão Ngạn rùng mình. Không phải tiếng nói của thằng Cường, đứa con trai lão chờ đợi. Giọng của một người đàn bà, như từ cõi âm vọng tới. Lão già cố mở mắt, nhìn thấy cánh tay xanh nhợt của mình vắt trên ngực. Lão cố định thần, lắng nghe tiếng gọi:

- Ba ơi…

Lão Ngạn thầm kêu:

- Con Bích.

Rồi chống tay ngồi lên, lão lê từng bước ra mở cửa. Bàn tay lão lạnh ngắt, run run đặt trên quả đấm sứ:

- Tao đây.

Cánh cửa bật mở. Cô con gái kêu:

- Ba làm sao vậy?

Thay vì trả lời con, lão Ngạn quay sang người hàng xóm:

- Tôi bị tháo dạ, vì lũ cua biển hôm qua.

Ông Hai hỏi:

- Ông có cần thuốc không?

- Không. Giờ cầm rồi.

- Có cần gì thì gọi tôi.

Người láng giềng quay đi. Lão Ngạn lần về giường nằm, chút nữa bật tiếng rên thất vọng:

- Mình mong thằng bé. Lại hóa ra con trời đánh này.

Mời các bạn đón đọc Quãng Đời Đánh Mất của tác giả Dương Thu Hương.