Có một nghề được gọi là “làm mẹ”.
Đó là trở thành mẹ của những đứa trẻ không do mình mang nặng, rứt ruột sinh ra.
Đó là trở thành mẹ trong một khoảng thời gian định sẵn, với những qui định không mấy dễ chịu, và một trong số những qui định ấy là quên đi hạnh phúc của cá nhân mình.
Và cái chốn được gọi là gia đình ấy hẳn phải là nơi đầy ắp tình yêu thương, chan chứa sự vỗ về và an ủi tâm hồn người ta lắm. Bởi chỉ có như thế, “mẹ” mới sẵn sàng quên mình vì hạnh phúc của các “con”.
Thế thì điều đó lí tưởng quá còn gì.
Thực tế, làng trẻ để các cô gái trẻ tự nguyện vào đây làm mẹ, để chăm sóc những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh, lại không được lý tưởng đến thế. Một làng trẻ mà thiếu tiếng trẻ nô đùa, nghịch ngợm. Một làng trẻ mà trật tự khuôn phép được đặt lên hàng đầu. Một làng trẻ không khác nào môi trường quân sự, mà những đứa trẻ chính là những chú lính tí hon dễ bảo. Một làng trẻ mà những đứa trẻ bị đánh mất tuổi thơ…
Làm sao để yêu thương và được yêu thương tại một nơi nhân danh yêu thương, nhưng yêu thương lại không hề tồn tại?
Làm sao có thể giải quyết được mâu thuẫn giữa yêu thương lí tưởng và lí tưởng yêu thương?
Và “làm sao biết được những đôi mắt sớm suy tư đang nghĩ gì?”
S. O. S!
***
Có một công việc được gọi là “làm mẹ”.
Có một quy định được gọi là “làm con”.
Tình mẫu – tử chỉ trọn vẹn khi “mẹ” phải mang nặng và đứt ruột khi sinh ra “con”, có phải?
Làm sao để yêu thương và được yêu thương tại một nơi mà tính yêu thương nhiều khi là bổn phận?
_______________________________
Những câu văn trên được tớ trích ra từ tác phẩm truyện dài “SOS” của Nguyên Hương. Nguyên Hương có lẽ là một cái tên hơi xa lạ với các độc giả nhưng các tác phẩm của cô đều chứa đựng những lí tưởng cao đẹp, quý giá.
Tuy “SOS” không phải là quyển sách đầu tiên của Nguyên Hương mà mình đọc, nhưng mình thực sự rất ấn tượng với nó. Ấn tượng từ cái tên, cái bìa và cả nội dung.
Toàn bộ câu chuyện dài 180 trang kể về cô gái tên Thùy. Cô đang ở tuổi đời thanh xuân phơi phới, tương lai phía trước đang rộng mở đón chờ cô. Nhưng cô không chọn một công việc bình thường, rồi cưới chồng, rồi chăm lo cho đứa con chính mình đứt ruột sinh ra, mà lại chọn công việc làm “mẹ” ở trại trẻ SOS – trại trẻ dành cho các trẻ em cơ nhỡ, gia đình bỏ rơi. Một mình cô, nuôi 8 đứa “con”, đứa lớn nhất 11 tuổi và đứa nhỏ nhất mới chỉ 4 tuổi.
Tại đây, những tình yêu chân thành, chất phát tỏa ra. Với văn phong tự nhiên, ngôn ngữ bình dị nhưng lại giàu cảm xúc xuyên suốt cả nội dung quyển sách, Nguyên Hương đã cho ta thấu cảm được tình mẫu – tử thiêng liêng từ giữa một người mẹ và các đứa con không cùng huyết thống. Những tình cảm chất phác, trong sang của các đứa trẻ đối với “người mẹ” xa lạ nhưng tình cảm ấy lại thân thuộc và ấm áp vô cùng.
Đây thực sự là một quyển sách hay, một câu chuyện đẹp và đầy ý nghĩa nhân văn về tình cảm gia đình.
Đây thực sự là một quyển sách rất đáng để đọc.
_______________________________
Làm sao biết được những đôi mắt sớm suy tư đang nghĩ gì?
Làm sao để giải quyết được mâu thuẫn giữa yêu thương lí tưởng và lí tưởng yêu thương?
Làm mẹ có phải là một công việc không?
REVIEW CỦA BẠN Le Hoang Thuy Vy
Mời các bạn đón đọc SOS của tác giả Nguyên Hương.