Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Lời Mời Đến Với Xã Hội Học

Khác với nhân học, nhà xã hội học không đi tìm hiểu những xã hội khác lạ, mà thường say mê với cái quen thuộc. Đôi khi các nhà xã hội học khảo sát những thế giới mà trước đây họ chưa biết, như các khu ghetto nội đô, các giáo phái, hay thế giới riêng tư đằng sau tiền cảnh của các bác sĩ phẫu thuật, tướng lĩnh quân sự v.v. Song các nhà xã hội học cũng thường khảo sát những lĩnh vực hành vi vốn quen thuộc đối với họ và với hầu hết những người trong xã hội của họ, thông qua hoặc kinh nghiệm trực tiếp hoặc qua báo chí. Sự độc đáo là nhãn quan xã hội học giúp ta nhìn cái đã quen thuộc - thậm chí nhàm chán - dưới một ánh sáng mới mẻ và thanh tân. Đấy chính là niềm vui và sự hào hứng mà xã hội học mang lại. “Đó không phải là sự hào hứng khi đến một nơi hoàn toàn mới lạ, mà đúng hơn là sự hào hứng trong việc tìm ra rằng cái quen thuộc đã mang một ý nghĩa khác hẳn. Sức quyến rũ mê hồn của xã hội học là ở thực tế này: cách nhìn của nó khiến cho ta thấy được chính cái thế giới mà suốt đời chúng ta đã và đang sống dưới một ánh sáng mới”. Các nhà xã hội học nỗ lực tiếp cận cái thế giới mà chúng ta coi là đương nhiên, và xem nó như thể đó là một lĩnh vực mới, chưa hề được khám phá. Họ nhìn sâu xa hơn những động cơ và lí giải chính thức mà người ta đưa ra về niềm tin và hành vi của mình.

***

Peter L. Berger (1929-2017): Là người Mỹ gốc Áo, Giáo sư xã hội học tại trường Đại học New School for Social Research, Đại học Rutgers và Đại học Boston (Mỹ). Lĩnh vực học thuật chính của ông là xã hội học về tôn giáo, xã hội học về nhận thức và lí thuyết xã hội học.

***

Nhà xuất bản Tri thức trân trọng giới thiệu cuốn Lời mời đến với xã hội học: một góc nhìn nhân văn(Invitation to Sociology, Peter L. Berger, 1963) do dịch giả Phạm Văn Bích chuyển ngữ. Chúng tôi cũng xin lưu ý bạn đọc rằng đây là sách tham khảo, phản ánh hoàn toàn quan điểm của tác giả, chủ yếu dành cho những người làm công tác nghiên cứu. Để đảm bảo tính khách quan cũng như sự tôn trọng tính toàn vẹn của tác phẩm, chúng tôi xin được giới thiệu đầy đủ bản viết đến bạn đọc.

Chúng tôi tôn trọng, nhưng không nhất thiết đồng tình với quan điểm, cách tiếp cận và lí giải riêng của tác giả về các vấn đề được đề cập đến trong cuốn sách.

Chúng tôi mong độc giả đọc cuốn sách này như một tài liệu tham khảo với tinh thần phê phán và khai phóng.

Xin chân thành cảm ơn!

***

Lời người dịch

Sách nhập môn xã hội học thường được tái bản nhiều lần, và để đứng vững trước sự thay đổi của thời gian, mỗi lần tái bản đều cần cập nhật, chỉnh sửa và bổ sung. Tuy nhiên, có một cuốn không trải qua chỉnh lí, sửa đổi và bổ sung nhưng đến nay, sau hàng chục năm, vẫn giữ nguyên được cái hay, sức hấp dẫn của nó. Đó là Invitation to sociology: a humanistic perspective (Lời mời đến với xã hội học: một góc nhìn nhân văn) của nhà xã hội học Mĩ nổi tiếng Peter Ludwig Berger mà một pho từ điển xã hội học gần đây coi là “có ảnh hưởng sâu rộng” (Abercrombie et al., 2006:30). Một từ điển khác cũng cho rằng mặc dù ra đời cách đây khoảng nửa thế kỉ, sách “vẫn là tài liệu nhập môn xã hội học có ảnh hưởng sâu rộng” (Dillon, 2006:37). Không chỉ đi vào từ điển, cuốn sách này còn được nhiều giáo trình xã hội học khác trích dẫn (ví dụ Robertson, 1977:4, 5, 25, 26-27; Landis, 2001:455-456; Stark, 2004:7; Giddens, 2006:94). Nhiều độc giả Việt Nam đã có dịp làm quen với những trích đoạn ngắn đầy hàm súc từ sách này trong bản dịch Nhập môn xã hội học của nhóm tác giả người Anh do Tony Bilton đứng đầu (Bilton et al., 1987:5, 6, 19; 1993:21,34).

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng những lời nhận xét ngợi khen trên đây xuất phát từ một nền xã hội học khác với Việt Nam, bởi ở đây, đọc là một hoạt động nghề nghiệp không thể thiếu, đồng thời cũng là một ngọn nguồn tri thức, và hơn thế nữa, một nguồn vui. Còn riêng đối với nền xã hội học Việt Nam, nơi mà đông đảo người trong nghề coi đọc là một hoạt động vừa khó vừa không cần thiết, do đó vô bổ, thì có vẻ như cuốn sách không hề dễ tiếp thu, thậm chí gây nhức đầu, nên chắc ít người chịu khó đọc và suy ngẫm về nó. Chính bởi thế tôi thấy cần có mấy lời như sau.

Berger sinh ngày 17 tháng 3 năm 1929 tại Vienna (Áo). Ông di cư sang Mĩ sau Thế chiến II, và sống ở đó từ năm 1946. Ông từng giảng dạy và giữ ghế giáo sư tại nhiều trường đại học khác nhau của Mĩ. Mối quan tâm nghiên cứu chủ yếu của ông là lí thuyết xã hội, xã hội học tôn giáo, nhưng ông cũng viết về các chủ đề thế giới thứ ba, xã hội học gia đình và xã hội học chính trị. Ông không chỉ tham gia vào những cuộc tranh luận lí thuyết lớn trong xã hội học, mà còn có cống hiến tích cực vào việc giải quyết một trong những cuộc tranh luận này.

Cho tới nay, các nhà xã hội học vẫn đang tranh luận về câu hỏi mà nhiều người coi là đã trở thành song đề lí thuyết trong xã hội học: chúng ta là những chủ thể hành động mang tính sáng tạo, tích cực kiểm soát những điều kiện sống của bản thân, hay hầu hết những gì chúng ta làm chỉ là kết quả chi phối của các thế lực xã hội tổng quát vốn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta? Có hai quan điểm trái ngược trả lời cho câu hỏi này: quan điểm thứ nhất (mà thuật ngữ chuyên môn tiếng Anh gọi là “action” hay “agency”) khẳng định tính tích cực chủ động của con người hành động (actor); còn quan điểm thứ hai quả quyết rằng các thế lực xã hội, hay cấu trúc xã hội (structure) là nhân tố quy định và chi phối con người (Scott et al., 2005:3-4, 644-645; Giddens, 2006:105).

Tác phẩm này của Berger nhằm đưa ra cách nhìn dung hòa giữa hai quan điểm trên: sự tự chủ của con người và quyền lực cưỡng ép của cấu trúc xã hội.

Xã hội học và cái hay, cái lí thú của nó

Dày 219 trang, khổ nhỏ bằng lòng bàn tay, gồm 8 chương, sách nhằm vào “[…] những ai vì lí do này hay lí do khác đã đi đến chỗ đặt câu hỏi về xã hội học”, trong số đó có cả “những sinh viên đang đùa chơi với ý tưởng tìm hiểu xã hội học một cách nghiêm túc cũng như những thành viên lớn tuổi hơn” của một “lớp công chúng có học” và cả một vài nhà xã hội học khác nữa (trích từ bản dịch tiếp sau đây - ND). Đây là một cuốn sách nhập môn về xã hội học mà nhiều tác giả coi là khác thường (Jary et al., 1991:32). Tuy cùng trả lời cho hai câu hỏi (xã hội học là gì? và nhà xã hội học làm gì?) như hầu hết các sách nhập môn khác, nhưng Berger đưa ra những lời đáp hết sức đặc biệt.

Chương 1 được tác giả đặt tên gây sốc “Xã hội học với tư cách là một kiểu tiêu khiển cá nhân” (theo nghĩa “nó tạo hứng thú đối với một số người và gây nhàm chán cho những người khác”). Tuy nhiên, sau đó ông đã chỉ rõ rằng: “[…] chúng ta cũng đã nói không đúng thực chất với tên của chương này”. Ông khẳng định: xã hội học còn hơn là một kiểu tiêu khiển, mà đúng ra là một đam mê, hơn thế nữa, một đam mê đặc biệt bởi sức thu hút mãnh liệt của nó: “Những cụm từ “tiêu khiển” quá yếu, chưa đủ để mô tả điều chúng ta muốn nói. Xã hội học giống với một đam mê nhiều hơn. Nhãn quan xã hội học giống nhiều hơn với con quỷ, nó ám ta, hết lần này đến lần khác nó xồng xộc đưa lối dẫn đường ta đến với những câu hỏi của chính bản thân nó. Do vậy, việc làm quen với xã hội học là lời mời đến với một loại đam mê rất đặc biệt”. Trong chương này tác giả lần lượt điểm qua những quan niệm phổ biến, những hiểu lầm và ngộ nhận về xã hội học, chỉ ra, phân tích những thiếu sót của nó, rồi chỉnh sửa nó. Ví dụ Berger nêu bật khác biệt giữa xã hội học với công tác xã hội, nhà xã hội học với nhà cải cách xã hội, và xã hội học với thống kê. Sau đó ông mới đi đến định nghĩa xã hội học và nhà xã hội học. Coi xã hội học là một khoa học về sự phát triển cùng bản chất và những quy luật của xã hội con người, ông viết: “Vậy thì nhà xã hội học là người quan tâm tìm hiểu xã hội theo một cách thức riêng của ngành mình. Bản chất của ngành này là khoa học”. Cụ thể hơn, nhà xã hội học phải tuân thủ những quy tắc về bằng chứng, có thái độ khách quan, gạt bỏ những thiên kiến của bản thân, biết sử dụng chính xác các thuật ngữ và quan tâm đến lí thuyết. Nhưng trên hết, nhà xã hội học phải xuất phát từ động cơ thúc đẩy chính là quan tâm đến con người. Như ông đã viết rất súc tích: “Những mối quan tâm đau đáu của anh ta vẫn là thế giới của con người, những thể chế của họ, lịch sử của họ, những đam mê của họ. Và vì anh ta quan tâm đến con người, chẳng có gì mà con người làm lại có thể hoàn toàn tẻ nhạt đối với anh ta”.

Coi xã hội học là “một trò chơi quý phái” trong các ngành học thuật, Berger nêu ra và ca ngợi những niềm vui, sự hào hứng mà xã hội học mang lại cho người làm nghề này. Sự độc đáo, nét riêng và khu biệt của cuốn sách này là ở chỗ nó như một bản tụng ca về những niềm vui, cái hay, cái lí thú của xã hội học. Không đi vào hệ thống hóa bộ môn này, mà cuốn sách dùng những mẫu hàng được trưng bày trên bàn giới quý phái để cám dỗ người đọc vào một trò chơi (Jary et al., 1991:33). Theo Berger, nét khu biệt của nhãn quan xã hội học là nó tập trung vào tương tác con người và cách thức xem xét tương tác đó. “Nhà xã hội học không nhìn vào các hiện tượng mà không ai biết đến. Mà anh ta nhìn vào cùng một hiện tượng như mọi người song theo một cách khác”. Cách khác đó là gì? Berger cho rằng nhãn quan xã hội học mời gọi ta trở thành một người lạ trong môi trường và cảnh quan quen thuộc của chúng ta. Nó cho phép nhìn theo lối mới vào cái thế giới mà ta vẫn luôn coi là đương nhiên (tức là đã rõ ràng, hiển nhiên, đúng đắn, và ta đã biết đầy đủ về nó rồi nên không cần tìm hiểu thêm nữa), để khảo sát môi trường quanh ta với sự tò mò và niềm say sưa mà ta chỉ có khi gặp một nền văn hóa mới. Ông so sánh những phát hiện gây sốc của xã hội học với khám phá của các nhà nhân học (một ngành khoa học vốn tìm hiểu các nền văn hóa xa lạ và thường tìm ra cái gọi là “cú sốc văn hóa”, ví dụ tục ăn thịt người). Ông viết: “Có thể mô tả cảm nghiệm về những khám phá xã hội học là một “cú sốc văn hóa” chỉ có điều nó không bao hàm sự di chuyển vượt qua địa giới. Nói cách khác, nhà xã hội học du hành trong nước - nhưng với những kết quả gây sốc”.

Như vậy, khác với nhân học, nhà xã hội học không đi tìm hiểu những xã hội khác lạ, mà thường say mê với cái quen thuộc. Đôi khi các nhà xã hội học khảo sát những thế giới mà trước đây họ chưa biết, như các khu ghetto nội đô, các giáo phái, hay thế giới riêng tư đằng sau tiền cảnh của các bác sĩ phẫu thuật, tướng lĩnh quân sự v.v. Song các nhà xã hội học cũng thường khảo sát những lĩnh vực hành vi vốn quen thuộc đối với họ và với hầu hết những người trong xã hội của họ, thông qua hoặc kinh nghiệm trực tiếp hoặc qua báo chí. Sự độc đáo là nhãn quan xã hội học giúp ta nhìn cái đã quen thuộc - thậm chí nhàm chán - dưới một ánh sáng mới mẻ và thanh tân. Đấy chính là niềm vui và sự hào hứng mà xã hội học mang lại. “Đó không phải là sự hào hứng khi đến một nơi hoàn toàn mới lạ, mà đúng hơn là sự hào hứng trong việc tìm ra rằng cái quen thuộc đã mang một ý nghĩa khác hẳn. Sức quyến rũ mê hồn của xã hội học là ở thực tế này: cách nhìn của nó khiến cho ta thấy được chính cái thế giới mà suốt đời chúng ta đã và đang sống dưới một ánh sáng mới”. Các nhà xã hội học nỗ lực tiếp cận cái thế giới mà chúng ta coi là đương nhiên, và xem nó như thể đó là một lĩnh vực mới, chưa hề được khám phá. Họ nhìn sâu xa hơn những động cơ và lí giải chính thức mà người ta đưa ra về niềm tin về hành vi của mình.

Vì xã hội học mang những đặc điểm như vậy, Berger không chỉ mời người ta đến với nó, mà còn khuyến cáo một số người nhất định rằng họ không nên tìm tới nó. Đó là những ai thích sự tuân thủ các quy tắc thay vì những khám phá gây sốc, những ai không thấy tò mò về con người, và những ai chỉ quan tâm đến con người nhằm mục đích thực dụng là chỉnh sửa, cải biến họ. Berger viết rất hay: “Người nào muốn tránh những khám phá gây sốc, thích tin rằng xã hội đúng là cái mà họ vẫn được dạy ở trường đạo ngày chủ nhật, thích các quy tắc được tuân thủ chứ không bị vi phạm và thích những châm ngôn của cái mà Alfred Schuetz đặt tên “thế-giới-được-coi-là-đương-nhiên” thì nên tránh xa xã hội học. Những ai không hề thấy cám dỗ trước cánh cửa khép chặt, không hề thấy tò mò về con người, những ai chỉ bằng lòng với việc ngắm cảnh mà chẳng đặt câu hỏi về những người sống trong các ngôi nhà ở phía bên kia sông thì cũng nên tránh xa xã hội học. Bởi họ sẽ thấy nó chẳng thú vị gì, hay, dù sao đi nữa, cũng chẳng mang lại lợi lộc nào. Cũng nên cảnh báo như thế với những ai chỉ quan tâm đến con người khi nào họ có thể thay đổi, cải hóa hoặc chỉnh sửa họ, vì họ sẽ thấy xã hội học kém hữu dụng hơn hẳn so với kì vọng của họ. Và những ai chủ yếu chỉ quan tâm đến những kiến tạo khái niệm của chính họ thì cũng nên quay sang nghiên cứu loài chuột bạch. Xét về lâu về dài, xã hội học sẽ chỉ mang lại sự thỏa mãn cho những ai không hình dung được điều gì mê li hơn là quan sát con người và hiểu được những sự việc thuộc về con người”. Bằng cách nói ngược như vậy, tác giả đã nêu bật được và nhấn mạnh những phẩm chất cần có ở nhà xã hội học.

Sang chương 2 “Xã hội học với tư cách là một hình thái ý thức”, Berger đi sâu phân tích những đặc điểm của xã hội học không chỉ ở khía cạnh một khoa học, mà cả với một tư cách mà ông gọi là “hình thái ý thức xã hội” của nó. Ông coi xã hội học là một cách nhìn, tức là một lối nghĩ, hay một phương thức xem xét và tìm hiểu hiện thực xã hội. Theo ông, xã hội học chẳng phải cái gì khác hơn là một hình thái ý thức đặc biệt. Hơn thế nữa, ông dành toàn bộ chương 2 để nêu ra và phân tích bốn khía cạnh mà ông gọi là chủ đề quán xuyến của ý thức xã hội học.

Thứ nhất, một đặc điểm nổi bật của nhãn quan xã hội học là xu hướng bóc trần sự thật, và xu hướng đó thể hiện ở việc xã hội học tìm hiểu cả những điều mà nhiều người cho là đương nhiên. Theo lời ông, “trong ý thức xã hội học vốn có một chủ đề quán xuyến là bóc trần sự thật”, và chủ đề ấy “có gốc rễ không phải về tâm lí, mà về phương pháp luận”. Hoạt động của con người có nhiều tầng ý nghĩa mà một vài trong số đó khó hiển thị, khó nhìn thấy đối với tri thức thông thường. Nhà xã hội học quan tâm nhất đến những tầng ý nghĩa khó nhìn thấy này. Không những thế, nhãn quan xã hội học thậm chí đòi hỏi phải nghi ngờ những cách nhìn nhận và diễn giải các sự kiện mà các nhà chức trách chính thống (dù về chính trị, pháp lí hay tôn giáo) đưa ra. Xã hội học là một nhãn quan vừa sâu sắc vừa khác thường: nó giúp ta nhìn xuyên qua dưới bề mặt của các sự vật và những quan niệm phổ biến.

Berger coi nhà xã hội học giống như một nhà quan sát đang dạo bước trong khu dân cư một thành phố lớn, say sưa tìm cái mà anh ta không thể nhìn thấy đang diễn ra sau những bức tường. Theo ông, mong muốn thâm nhập vào căn nhà rất giống với nhãn quan xã hội học.

Đối với Berger, nhãn quan xã hội học mang tính chất phê phán và nhân văn chủ nghĩa trong những quan tâm của nó. Xã hội học có tác động giải phóng vì nó giúp phơi bày những thực tế mà nhiều người coi là đương nhiên để thấy rõ thực chất của chúng: những cái mà trên bề mặt có vẻ đúng nhưng nhìn gần hơn thì thường chỉ đúng phần nào hoặc thậm chí không đúng. Xã hội học vượt ra khỏi cái mà nhiều người coi là đã hiển nhiên; nó đặt câu hỏi ở nơi mà hầu hết mọi người không đặt ra. Thói quen này đã ăn sâu vào cách tiếp cận lí thuyết và khảo cứu của nhà xã hội học. Họ muốn phơi trần những điều hư cấu ra về mặt xã hội đằng sau cái mà mọi người đều biết, và chứng minh rằng các sự vật không phải bao giờ cũng đúng như vẻ ngoài của chúng. Chính đây là cái mà Berger gọi là “chủ đề xuyến” của xã hội học - chủ đề bóc trần sự thật.

Như ông tuyên bố, “có thể nói sự thâm thúy đầu tiên của xã hội học chính là điều này - thực chất các sự vật không phải như là vẻ ngoài của chúng”. Trong khi phân tích cơ cấu và các thể chế của xã hội, nhà xã hội học thường “lột bỏ chiếc mặt nạ mà con người ta vẫn khoác phủ lên những ý muốn và lời tuyên truyền của họ trong hành động đối với nhau”. Do đó xã hội học thường xuyên nỗ lực tìm ra những lời lí giải nằm ở nền tảng của các hiện tượng, thay vì dễ dãi chấp thuận những lí giải tiện dụng sẵn có hay cổ truyền mà con người ta thường nhẹ dạ đưa ra. Ví dụ nhà xã hội học coi trọng việc gạt bỏ những lí giải của tri thức thông thường sang một bên và xác định xem mối liên hệ thật sự giữa việc ban hành luật phòng chống ma túy với tỉ lệ tội phạm ma túy là gì, hay mối quan hệ giữa việc áp dụng án tử hình với tỉ lệ giết người ra sao.

Để lấy một ví dụ về quá trình “nhìn xuyên thấu qua mặt tiền” và bề ngoài của cấu trúc xã hội, Berger xem xét tình yêu và hôn nhân. Ông cho rằng nhãn quan xã hội học giúp ta phát hiện ra sai sót trong quan niệm của ý thức thông thường rằng tình yêu không biết đến giới hạn, và sự chọn vợ chọn chồng vượt qua mọi ranh giới về sắc tộc, tôn giáo và giai cấp v.v. Kết quả những cuộc nghiên cứu nhằm trả lời cho câu hỏi “Ai yêu ai?” và “Ai kết hôn với ai?” cho thấy sự lựa chọn của trái tim chịu sự chi phối mạnh mẽ của các nhân tố xã hội. “Ở các nước phương Tây, và đặc biệt ở Mĩ, người ta cho rằng người đàn ông và người đàn bà kết hôn vì họ yêu nhau. Có một câu chuyện phần lớn là hoang đường và rất phổ biến rằng yêu là một tình cảm có tính chất mạnh mẽ, không thể cưỡng lại, nó bùng lên bất kì nơi nào, và câu chuyện hoang đường này trở thành mục tiêu hướng tới không chỉ của lớp trẻ mà thường cả của những người không còn trẻ nữa. Tuy nhiên, ngay khi người ta khảo sát xem ai thật sự kết hôn với ai, người ta sẽ thấy rằng có vẻ như mũi tên của thần Cupid bị chỉ đạo rất mạnh mẽ để bay dọc theo và bên trong những kênh tuyến xác định về thành phần xuất thân giai cấp, thu nhập, giáo dục, chủng tộc và tôn giáo. Nếu người ta khảo sát tiếp chút nữa về hành vi trước hôn nhân vốn bị gọi chệch đi là “thời kì tìm hiểu nhau”, thì người ta thấy có những kênh tuyến tiếp xúc và giao thiệp khắt khe vốn thường chỉ còn là nghi lễ mà thôi. Nỗi nghi ngờ bắt đầu rõ hơn rằng hầu hết thời gian, không phải tình yêu tạo ra một loại quan hệ nhất định, mà rốt cuộc chính những quan hệ tiền định kĩ càng và thường được lên kế hoạch trước đã tạo ra thứ tình cảm mong muốn. Nói cách khác, khi những điều kiện nhất định được đáp ứng hoặc được tạo ra, người ta mới cho phép mình “phải lòng”. Nhà xã hội học khảo sát mô thức “trai gái tìm hiểu nhau” và hôn nhân của chúng ta sẽ phát hiện thấy ngay cả một phức thể động cơ có liên quan theo nhiều cách khác nhau tới toàn bộ cơ cấu thể chế nơi cá nhân sống - giai cấp, đường công danh, tham vọng kinh tế, khát vọng quyền lực và uy tín. Phép mầu của tình yêu bây giờ bắt đầu trông có vẻ không đúng nữa”. Đây là một ví dụ tiêu biểu cho thấy nhãn quan xã hội học sâu sắc như thế nào so với quan niệm thông thường.

Thứ hai, mặc dù hầu hết xã hội học đề cập đến cái đáng kính, nhưng một phần xã hội học dành riêng nghiên cứu cái không đáng kính. Tất cả những gì con người ta làm, dù đáng kính hay không đáng kính, đều được nhà xã hội học tìm hiểu. Thậm chí nhà xã hội học còn không quá lệ thuộc vào những quan điểm chính thống; họ xem xét cả những điều không đáng kính. Nói theo lời Berger, xã hội học “bỏ qua những quan điểm chính thống về đời sống cộng đồng, để xem xét hiện thực xã hội của cộng đồng không chỉ từ góc nhìn của tòa thị chính thành phố, mà cả từ nhà tù thành phố. Thể thức xã hội học này ipso facto (tự bản thân nó) là một sự bác bỏ cái tiên đề mặc định đáng kính rằng chỉ những quan điểm nào đấy về thế giới mới đáng được xem xét nghiêm túc”.

Thứ ba, Berger cho rằng các nhà xã hội học có nhãn quan tương đối luận. Họ hiểu rằng mọi sự mang tính tương đối theo nghĩa nó có thể thay đổi và thay đổi không ngừng. Điều đó là do đời sống hiện đại thay đổi liên tục. Ông viết: “Sống trong xã hội hiện đại nghĩa là sống ở giữa những vai trò thay đổi liên tục như một chiếc kính vạn hoa”. Theo ông, “việc nhận thức được tính tương đối, một điều mà ở mọi thời đại lịch sử chắc hẳn chỉ một nhóm trí thức ít ỏi mới có, thì ngày nay đã trở thành một thực tế văn hóa rộng rãi, vươn xa tới tận những người có trình độ hiểu biết thấp hơn của hệ thống xã hội…” Ông cũng cho rằng “xã hội học rất hòa hợp với tính chất của thời hiện đại chính bởi vì nó thể hiện ý thức của một thế giới nơi các giá trị hoàn toàn chỉ là tương đối”.

Thứ tư, nhãn quan xã hội học mang tính chất thế giới chủ nghĩa. Nhà xã hội học nghiên cứu những mẫu hình tương tác của con người trong nhiều nền văn hóa khác nhau và trong nhiều điều kiện khác nhau. Họ học được rằng hành vi, các ý tưởng và thể chế mang tính chất tương đối, chỉ thích hợp với những nền văn hóa đặc thù và những nơi chốn cụ thể. Vì vậy nhà xã hội học phải có một nhãn quan rộng lớn, mang tính chất thế giới chủ nghĩa. Họ phải có quan điểm toàn thế giới, và điều này trở thành một bộ phận trong ý thức của họ. Berger viết rất hay: “Nhãn quan xã hội học là một cách nhìn rộng lớn, mở ngỏ và tự do về cuộc sống con người. Trong điều kiện tốt nhất, nhà xã hội học là một người ưa thích những miền đất khác, tự trong thâm tâm đã mở lòng cho sự phong phú vô bờ bến của khả năng con người, khao khát những chân trời mới và những thế giới mới mang ý nghĩa con người”.

Như vậy, xã hội học khiến một số người lo sợ vì nó đặt câu hỏi nghi ngờ cái mà họ thường coi là đương nhiên. Nhà xã hội học đặt những câu hỏi như: xã hội thật sự vận hành như thế nào? Ai thật sự có quyền lực? Ai được hưởng lợi từ cách tổ chức xã hội hiện hành và ai thì không? Đặt câu hỏi như vậy có nghĩa là nhà xã hội học quan tâm nhìn vượt ra khỏi những cách xác định tình huống chính thống mà nói chung chúng ta đã chấp nhận. Như Berger nói, “nhãn quan xã hội học kéo theo một quá trình ‘nhìn xuyên thấu qua’ mặt tiền của các cấu trúc xã hội”. Cuối sách, ông kết luận: “Chúng tôi dám chắc rằng một bộ phận hợp thành của trí tuệ văn minh trong thời đại của chúng ta là cần tiến tới tiếp xúc với cái hình thức tư duy phê phán phản biện riêng có ở thời hiện đại và hết sức hợp thời mà chúng tôi gọi tên là xã hội học”.

Từ cảm hứng mà Berger truyền cho, chúng ta có thể nâng khẳng định của ông thành tiên đề mặc định nền tảng và ngầm ẩn của xã hội học như sau: các sự vật không phải lúc nào cũng như vẻ ngoài của chúng, và nhiệm vụ của nhà xã hội học là phải thường xuyên kiểm chứng mọi điều, chứ không thể coi nó là đương nhiên.

Nhãn quan xã hội học khuyến khích người làm nghề xã hội học tập trung vào những nét riêng của môi trường xã hội xung quanh mà chúng ta chưa bao giờ nhận ra, và diễn giải chúng dưới một ánh sáng mới mẻ hơn và phong phú hơn. Xã hội học cung cấp cho ta một cửa sổ nhìn ra thế giới rộng lớn hơn, nằm bên ngoài cảm nghiệm trực tiếp của chúng ta, dẫn dắt ta đến những lĩnh vực của xã hội mà chúng ta có thể bỏ qua hoặc hiểu lầm.

Một cống hiến vào lí thuyết xã hội học

Tiếp đó, Berger chuyển sang một chủ đề mà cho đến nay - những thập niên đầu của thế kỉ XXI (tức khoảng nửa thế kỉ sau khi ông viết cuốn sách này) - vẫn còn mang tính thời sự và là đối tượng tranh luận về lí thuyết trong xã hội học. Đó là mối quan hệ giữa tính chủ động và tích cực của con người với tính quy định chặt chẽ của cấu trúc xã hội. Cụ thể ông nhấn mạnh rằng con người có vai trò tích cực chủ động nhất định, họ tạo ra xã hội, và xã hội là do con người thiết kế nên, nhưng đồng thời họ cũng chịu sự câu thúc, ràng buộc của xã hội. Chủ đề đó đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuốn sách.

Những sức mạnh ràng buộc, câu thúc của xã hội

Một mặt Berger đã chỉ ra quyền năng của xã hội trong việc nhào nặn hành động và tư duy con người. Ông dành riêng chương 4 tìm hiểu chủ đề này thông qua xem xét hai lĩnh vực: kiểm soát xã hội và phân tầng xã hội.

Ông hiểu kiểm soát xã hội là “những phương tiện khác nhau mà một xã hội sử dụng để đưa những thành viên bướng bỉnh ngang ngược trở lại tuân theo đường hướng chung”. Rồi ông lần lượt điểm qua các phương tiện kiểm soát như bạo lực thể xác, hăm dọa, thuyết phục, chế nhạo, dựng chuyện tầm phào và sỉ nhục giữa nơi đông người. Như ông viết, “vậy thì có thể hình dung người ta đứng ở trung tâm (tức là ở điểm chịu sức ép tối đa) của các vòng tròn đồng tâm, mỗi vòng thể hiện một hệ thống kiểm soát xã hội”. Những vòng tròn đó bao gồm hệ thống chính trị pháp lí, đạo đức, phong tục tập quán, nghề nghiệp và thậm chí cả gia đình, nơi nhiều người những tưởng là họ được tự do nhưng thực ra họ vẫn chịu sự kiểm soát. “Thật là sai lầm nguy hiểm nếu cho rằng đây chắc chắn là vòng tròn yếu nhất so với tất cả, vì nó không có những phương tiện chính thống để cưỡng bức như một số hệ thống kiểm soát khác. Chính trong vòng tròn này mà một cá nhân thường có những mối quan hệ xã hội quan trọng nhất của anh ta. Sự không tán thành, mất uy tín, chế nhạo hay khinh rẻ trong nhóm thân tình này có sức nặng tâm lý nghiêm trọng hơn là cùng phản ứng đó mà người ta gặp phải ở nơi khác”. Berger viết rất hài hước và sinh động: “Một cá nhân sau khi lần lượt điểm qua trong ý nghĩ về tất cả những người mà ở vị thế của anh ta, anh ta phải chiều lòng, từ Vị nhân viên thu thuế thuộc Sở Thuế vụ đến bà mẹ vợ anh ta, đã đi đến nhận định rằng cả xã hội đang đè đầu cưỡi cổ anh ta […]”.

Lĩnh vực thứ hai mà Berger xem xét để cho thấy sự chi phối của cấu trúc xã hội đối với cuộc sống con người là phân tầng xã hội mà ở phương Tây hiện đại chính là giai cấp. “Mỗi môi trường giai cấp tạo nên một nhân cách phù hợp với nó bằng vô số những tác động gây ảnh hưởng từ khi sơ sinh và dẫn đến hoặc là việc tốt nghiệp trường dự bị hoặc là vào trường giáo dưỡng, tùy từng trường hợp. Chỉ khi nào theo một cách nào đấy những tác động nhằm nhào nặn này không đạt được mục tiêu của mình thì mới cần kích hoạt các cơ chế kiểm soát xã hội”. Berger nhấn mạnh rằng “vị thế xã hội quy định cuộc sống của chúng ta với một sức kiểm soát ngặt nghèo, và không thể xóa bỏ sự kiểm soát đó chỉ đơn giản bằng cách bóc trần sự thật về những ý tưởng vốn làm nền cho sự kiểm soát này”.

Hơn thế nữa, con người còn bị sự chi phối không chỉ của những kẻ đương thời với mình, mà cả của tiền nhân. Như Berger viết, “mỗi tình huống xã hội bao quanh chúng ta được xác định không chỉ bởi những người cùng thời với chúng ta, mà còn bị quy định trước bởi tiền nhân của chúng ta”. Điều đó càng thu hẹp phạm vi những sự lựa chọn của chúng ta: “ngay cả trong những lĩnh vực mà xã hội rõ ràng đã cho phép ta một sự lựa chọn nào đó thì bàn tay mạnh mẽ của quá khứ đã thu hẹp sự lựa chọn hơn nữa”. Berger cho rằng các cấu trúc xã hội tác động đến chúng ta thông qua các thể chế, tức là những khuôn mẫu hành vi buộc ta phải theo. Ông hiểu “một thể chế là một cơ quan điều tiết, nó xây đường định hướng cho hành động của con người giống hệt như các bản năng vẫn xây đường định hướng cho hành vi động vật. Nói cách khác, thể chế cung cấp những thể thức thủ tục để qua đó đưa hành vi con người vào khuôn khổ, thành mẫu hình, và buộc phải đi theo những lối mòn mà xã hội mong muốn. Và thủ thuật này được thực thi bằng việc làm cho những lối mòn này xuất hiện trước cá nhân như là cách thức khả dĩ duy nhất”.

Cuối cùng, Berger kết luận: “[…] nếu chúng ta theo quan niệm của Durkheim thì xã hội đối mặt với chúng ta như một thực tế khách quan. Nó tồn tại ở đó, như một điều gì đấy không thể phủ nhận và ta phải tính đến nó. Xã hội ở bên ngoài chúng ta. Nó vây quanh ta, bao bọc tất cả mọi mặt cuộc sống của chúng ta. Chúng ta sống trong xã hội, được định vị ở một trong những lĩnh vực cụ thể của hệ thống xã hội. Vị trí này quy định trước và xác định sẵn gần như mọi thứ chúng ta làm, từ ngôn ngữ đến phép xã giao, từ niềm tin tôn giáo chúng ta theo đến xác suất chúng ta có thể tự tử. Trong vấn đề vị thế xã hội này, nguyện vọng của chúng ta không hề được tính đến, và sự kháng cự về trí tuệ của chúng ta đối với điều mà xã hội bắt ta phải làm hay cấm đoán ta thì giỏi lắm chỉ mang lại rất ít hiệu quả, còn thường là không hề có hiệu quả gì. Với tư cách một thực tế khách quan và ngoại tại, xã hội đặc biệt đối diện ta dưới hình thức cưỡng bức. Các thể chế của nó khép hành động của chúng ta vào khuôn vào phép, thành mẫu hình và thậm chí định dạng những điều chúng ta kì vọng. Họ ban thưởng cho chúng ta đến mức tự chúng ta không vượt ra khỏi những thao diễn đã chỉ định cho chúng ta. Nếu chúng ta bước ra khỏi những điều đã chỉ định này, xã hội có trong tay gần như vô số cơ quan kiểm soát và cưỡng chế khác nhau. Vào mỗi thời điểm sống, các chế tài của xã hội có khả năng cô lập chúng ta khỏi những người đồng loại của chúng ta, biến chúng ta thành đối tượng cười nhạo, tước đoạt phương tiện sinh sống và quyền tự do của chúng ta, và như là phương sách cuối cùng - tước đoạt ngay chính cuộc sống của chúng ta”.

Như vậy, độc giả có thể đặt nhan đề phụ cho chương 4 là: Những thế lực bên ngoài đã buộc con người phải tuân thủ sự câu thúc của xã hội.

Với tất cả những câu thúc chính thống và không chính thống, thì tự do thuần túy đối với cá nhân người hành động là không dễ có. Tính đến tất cả những kì vọng và kiểm soát vây quanh ta, Berger vẽ chân dung xã hội như một nhà tù: “[…] việc chúng ta xem xét nhãn quan xã hội học đã dẫn ta tới một điểm nơi mà xã hội trông giống như là trại giam Alcatraz khổng lồ hơn là bất kì thứ gì khác”.

Những sức mạnh bên trong, nội tâm khiến con người tự nguyện tuân thủ sự kiểm soát xã hội

Nhưng không giống những tù nhân thông thường, các thành viên của hầu hết xã hội đều tự nguyện và tự do tuân thủ - họ thực sự muốn làm những điều người ta kì vọng họ làm. Câu hỏi đặt ra là vì sao như vậy? Berger dành riêng chương 5 (“Xã hội trong con người”) để trả lời câu hỏi này. Lời đáp là: xã hội đã dạy dỗ, rèn luyện và xã hội hóa con người để họ chấp nhận cách thức hành động của nó. Có thể đặt nhan đề phụ cho chương này là: những lực lượng bên trong (nội tâm) thúc đẩy con người tuân thủ sự cưỡng chế của xã hội.

Trong số cả chuỗi những hành vi có thể thực thi, con người thuộc một xã hội cụ thể chỉ chọn một phạm vi những khả năng lựa chọn hạn hẹp. Như Berger đã nêu rõ, nghịch lí là ở chỗ: trong khi xã hội giống như một nhà tù đối với những người bị mắc kẹt giữa những đòi hỏi và kì vọng văn hóa của nó, nó lại không bị họ coi là nhà tù, và nó không hạn chế tự do cá nhân của họ: “Đối với hầu hết chúng ta xem ra lại rất dễ dàng mang vác cái ách treo buộc trên cổ của xã hội. Vì sao thế? Chắc chắn không phải bởi quyền lực của xã hội yếu kém hơn là mức độ mà chúng ta đã chỉ ra ở chương trước. Vậy thì vì sao chúng ta không bị cơ khổ bởi quyền lực này? Đã có rồi cái ngụ ý lời đáp xã hội học cho câu hỏi này - bởi lẽ phần lớn thời gian ngay bản thân chúng ta cũng mong muốn chính điều mà xã hội kì vọng ở chúng ta. Chúng ta mong muốn tuân thủ những quy tắc. Chúng ta mong muốn những phần những việc mà xã hội đã chỉ định cho chúng ta”. Nói cách khác, cá nhân không thấy xã hội là nhà tù bởi họ đã nhập tâm nền văn hóa của họ. Vậy thì văn hóa không phải tự do, mà là sự câu thúc. Berger chứng minh điều đó bằng việc xem xét ba lĩnh vực: lí thuyết vai trò, xã hội học tri thức và lí thuyết nhóm quy chiếu.

Có thể tóm lược lập luận của ông ở từng lĩnh vực trên như sau. Trước hết, theo lí thuyết vai trò, khi cá nhân thủ một vai trò xã hội nhất định, anh ta nhập tâm nó, và trở thành chính vai trò đó, chứ không thể tự do sống khác đi. Vai trò trở thành bản chất của anh ta. Như ông viết, “[…] con người đóng những vai kịch trong tấn trò đời lớn lao của xã hội, và […] anh ta chính là những chiếc mặt nạ mà anh ta phải đeo để đóng vai”.

Còn đối với xã hội học tri thức, “[…] nó chỉ cho chúng ta thấy rằng các ý tưởng cũng như con người đều có vị trí về mặt xã hội”. Theo nghĩa đó, cá nhân không được tự do nhận thức, mà bị sự chi phối, tiền định bởi vị trí xã hội của mình: “tình cảm và sự nhìn nhận bản thân của anh ta được xã hội tiền định cho anh ta, và cách tiếp cận nhận thức của anh ta đối với cái vũ trụ bao quanh anh ta cũng vậy”. Berger viết: “Theo cùng một cách như thế xã hội cung cấp cho ta những giá trị của chúng ta, logic của chúng ta và kho dự trữ thông tin (hay thông tin sai) vốn tạo nên “tri thức” của chúng ta. Rất ít người có khả năng đánh giá lại cái đã được áp đặt cho họ như vậy, và họ thậm chí chỉ có thể xem xét những phân mảnh của thế giới quan này. Thực sự họ cảm thấy khỏi cần đánh giá lại, bởi cái thế giới quan mà họ được xã hội hóa theo đã tự nó hiển nhiên đối với họ. Vì nó cũng được hầu khắp mọi người mà họ gặp gỡ trong xã hội của họ nhìn nhận như thế, cái thế giới quan này tự chứng thực mình là hợp lệ. “Bằng chứng” của nó nằm ở kinh nghiệm lặp đi lặp lại của những người khác, những kẻ đã coi nó là đương nhiên”.

Cuối cùng là nhóm quy chiếu, tức “một tập thể mà ý kiến, niềm tin và đường lối hành động có tác dụng quyết định đối với sự hình thành ý kiến, niềm tin và đường lối hành động của bản thân chúng ta. Nhóm quy chiếu cung cấp cho chúng ta một mô hình để ta có thể không ngừng so sánh với bản thân mình”. Berger nêu lên tác động của nhóm quy chiếu đối với sự tự do lựa chọn của cá nhân như sau: “Lí thuyết nhóm quy chiếu cho thấy rằng việc gia nhập hội đoàn hay rời khỏi hội đoàn về mặt xã hội thường kéo theo nó những cam kết cụ thể về nhận thức”. Xuất phát từ thôi thúc nguyên thủy muốn được chấp nhận trong nhóm, con người ta thu hẹp sự lựa chọn của mình cho khớp với nhận thức chung của những người cùng nhóm, và qua đó hạn chế tự do của mình lại.

Vậy là đã rõ: con người ta được dạy dỗ để chấp nhận, và họ đã chấp nhận sự câu thúc của xã hội. Như Berger đã diễn tả rất sinh động, “xã hội thâm nhập vào bên trong chúng ta ngang với mức xã hội bao bọc bên ngoài chúng ta. Việc chúng ta bị sự câu thúc của xã hội được xác lập bằng sự chinh phục cũng như sự thông đồng ở mức độ ngang nhau. Dĩ nhiên đôi khi chúng ta bị xô đẩy phải phục tùng. Nhưng thường xuyên hơn nhiều thì chúng ta bị sập bẫy do chính bản chất xã hội của chúng ta. Những bức tường nhà giam của chúng ta đã sẵn có ở đó trước khi chúng ta xuất hiện trên sân khấu, nhưng chúng cũng được chính bản thân ta xây dựng lại. Chúng ta bị phản bội đến nỗi sa vào trạng thái giam cầm với sự hợp tác của chính chúng ta”.

Sự tích cực, chủ động của con người

Tiếp đó, trong chương 6 (“Xã hội như kịch trường”), Berger đã cải biến ít nhiều nhằm cung cấp một hình ảnh khác về xã hội. Nếu như cách tiếp cận của Durkheim nhấn mạnh tính chất ngoại tại, khách quan, gần như “sự vật” của hiện thực xã hội và cho ta hình ảnh xã hội như một nhà tù, thì ở đây, dựa vào cách tiếp cận của Weber, ông đã nêu lên một hình ảnh khác, trong đó con người không hoàn toàn là tù nhân, mà có sự tích cực chủ động nhất định. Theo ông, “[…] một cách tiếp cận kiểu Weber sẽ mang lại sự cân bằng hữu ích với góc nhìn kiểu Durkheim về đời sống xã hội”. “Thật đúng khi nói rằng xã hội là một thực tế khách quan, cưỡng bức và thậm chí tạo ra chúng ta. Nhưng cũng đúng khi nói rằng những hành động có chủ đích của chính chúng ta đã giúp hỗ trợ tòa nhà của xã hội và nếu có dịp thậm chí còn giúp thay đổi nó”. Cụ thể hơn, “các hệ thống kiểm soát thường xuyên cần sự thừa nhận và tái thừa nhận của những người mà chính chúng định kiểm soát. Có thể rũ bỏ sự thừa nhận đó theo nhiều cách”. Ông xem xét ba cách, ba hành động mà con người có thể tiến hành để hủy bỏ sự kiểm soát xã hội và thay đổi hoàn cảnh của mình: chuyển hóa, thoát li và thao túng.

Chuyển hóa hiện thực tức là thay đổi cách xác định hiện thực. Theo Berger, “[…] bất kì quá trình biến đổi xã hội nào đều gắn liền với những cách xác định mới về hiện thực. Bất kì sự tái xác định nào cũng đều có nghĩa rằng một ai đó bắt đầu hành động trái ngược với những điều mà người ta kì vọng ở anh ta dựa theo cách xác định cũ”. Thông qua ví dụ về vị chủ nô kì vọng người nô lệ cúi rạp người xuống chào mình, song ông ta lại bị quả đấm vào mặt, hay vị quân vương bị mất thiêng trong con mắt thần dân trước khi ngai vàng của ông ta bị sụp đổ, Berger chứng minh rằng những người thấp cổ bé họng đã xác định lại vị thế của bề trên, qua đó thay đổi hoàn cảnh xã hội xung quanh mình. Ông còn dẫn ra nhiều ví dụ thông thường hơn trong đó các tình huống xã hội cụ thể được chuyển hóa hay ít nhất bị phá hoại ngầm bằng sự từ chối những cách xác định cũ về chúng.

Cách thứ hai là thoát li, tức “một phương pháp kháng cự lại sự kiểm soát xã hội”.

Theo ông, “con người, dù một mình hay trong nhóm, đều hoàn toàn có thể kiến tạo nên những thế giới của riêng họ và trên cơ sở này, đưa mình thoát li khỏi cái thế giới nơi ban đầu họ đã được xã hội hóa theo”.

Cách thứ ba là thao túng. “Ở đây cá nhân không cố chuyển hóa các cấu trúc xã hội, mà anh ta cũng chẳng thoát li khỏi chúng. Đúng hơn anh ta chủ định sử dụng chúng theo những cách thức mà những người bảo vệ hợp pháp của chúng không hề dự kiến trước, mở một con đường xuyên qua khu rừng xã hội cho khớp với mục đích của riêng anh ta”.

Berger đưa ra nhiề

| FULL: AZW3 EPUB MOBI PDF | | ------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- |