Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Kỷ Yếu Đại Học Humboldt 200 Năm - Kinh Nghiệm Thế Giới Và Việt Nam

“Kỷ yếu Humboldt 200 năm” tập hợp gần 60 bài viết của các tác giả là các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia như Ngô Bảo Châu, Cao Huy Thuần, Pierre Darriulat, Hoàng Tụy, Phạm Xuân Yêm, Bùi Văn Nam Sơn, Lâm Quang Thiệp, Nguyễn Văn Hiệu, Trương Văn Tân, Nguyễn Văn Tuấn, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Minh Thọ, Trần Nam Bình, Nguyễn Đức Hiệp, Huỳnh Như Phương… Ngoài ra còn có một số học giả nước ngoài như Richard C. Levin (Yale), Gerhard Casper (Stanford), Philip G. Altbach (Boston), Qiang Zha (York, Toronto), Shing-Tung Yau (“Hoàng đế toán học” của Harvard)…

Qua tập kỷ yếu này, các nhà khoa học, học giả muốn tìm lại nguồn gốc lịch sử của Đại học thế giới, nhất là Đại học Humboldt, đặc biệt là các nguyên lí của Đại học này, sự ra đời và khung cảnh lịch sử hết sức ý nghĩa của nó, để hiểu nhiều hơn sức mạnh và nguồn cảm hứng của nó có thể truyền đi xa, về ảnh hưởng lớn lao của nó lên nền Đại học thế giới, đặc biệt lên Đại học Hoa Kỳ. Thông qua hệ thống Đại học hàng đầu này, tìm hiểu sứ mệnh và sự đóng góp của Đại học cho xã hội; cũng như đề cập một số khó khăn của nền Đại học thế giới hiện nay, và nhìn lại Đại học Việt Nam, những gì trong khả năng và trong một thời gian rất hạn chế có thể làm được trong kỷ yếu này. Không thể xây dựng Đại học hiện đại, nếu không có ý thức sâu sắc về vai trò lịch sử, và ý niệm về ‘hình dáng’ của nó.

Đây là những câu chuyện khát vọng của giới trí thức, khoa học về một môi trường nghiên cứu tự do, bình đẳng, lành mạnh cho những phát kiến,sáng tạo, tư tưởng học thuật phát triển; cũng như đề cập đến những góc cạnh của giáo dục Đại học và nghiên cứu của nhiều nước trên thế giới với hy vọng khơi dậy, nuôi dưỡng và phát triển một nền giáo dục cần thiết cho Việt Nam.

***

Lời nói đầu

KỶ YẾU HUMBOLDT 200 NĂM

hay là

TÌM LẠI NGUỒN GỐC CỦA ĐẠI HỌC

Nguyễn Xuân Xanh

“Trong các quần thể sinh vật, và các cộng đồng đại học, đã xảy ra nhiều giai đoạn canh tân hay lai giống khi có những hình thái mới xuất hiện. Đối với đại học, một trong những giai đoạn này đã diễn ra ở thế kỷ XIX. Nó phần lớn do công lao của Wilbelm von Humbodlt… Không phải chỉ nước Đức, mà toàn thế giới học thuật mang ơn ông.

ERIC ASHBY

Nhà khoa học và giáo dục Anh

Năm 2010 kỷ niệm một sự kiện có ý nghĩa trong lĩnh vực giáo dục đại học: Đại học Humboldt tròn hai trăm năm tuổi, 1810 – 2010. Một số người Việt Nam trong và ngoài nước quan tâm đến giáo dục đại học đã bàn bạc nhau và kêu gọi các nhà khoa học, nghiên cứu Việt Nam cùng làm số Kỷ yếu Humboldt 200 năm. Đại học là cái chìa khóa của sự chấn hưng quốc gia, của công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa của quốc gia. Nhưng đại học Việt Nam chưa được trao sứ mệnh thiêng liêng này. Không những thế, giáo dục và khoa học của ta “không chỉ tụt hậu mà đi lạc ra ngoài con đường chung của thế giới, hết sức ‘không giống ai’ và đó là nguồn gốc mọi vấp váp, khó khăn khi hội nhập nếu không kịp chấn chỉnh” như GS Hoàng Tụy đã cảnh báo. Trên hầu hết các diễn đàn khoa học thế giới, Việt Nam đang thua thiệt, và đang tiếp tục trễ tàu (xin xem bài Lại lỡ một chuyến tàu của Trương Văn Tân).

Vì sao chúng tôi làm việc này?

Đại học Humboldt (Berlin, Đức) là Mẹ của đại học hiện đại thế giới. Nền đại học hiện đại thế giới, từ châu Âu, Hoa Kỳ, đến Nhật Rản, châu Á… đều mang dòng máu này trong người. Nói đến đại học hiện đại, cộng đồng học giả thế giới không thể không nghĩ đến cái tên Wilhelm von Humboldt (1767-1835) là nhà cải cách đại học và giáo dục của Phổ thế kỷ thứ 19, và những nguyên lý của ông đặt ra cho Đại học Berlin được thành lập năm 1810 trong tinh thần khai phóng và khoa học để giải phóng sự kìm hãm và trì trệ trí thức của nước Phổ ở thế kỷ thứ 18. Đại học Berlin không những đã làm thay đổi toàn bộ khuôn mặt đại học Đức, góp phần quyết định đưa nước Đức lên vị trí cường quốc về kinh tế, quân sự và khoa học vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, mà còn ảnh hưởng lớn lao lên toàn bộ đại học thế giới. Đại học Berlin ra đời trong tình cảnh Phổ bị làm nhục khi bị quân đội Napoleon đánh sụp trong một ngày vào năm 1806. Đại học Berlin ra đời nhằm “lấy những sức mạnh tinh thần bù đắp những tổn thất về vật chất” như vua Phổ Friedrich Wilhelm III khẳng định. Thực tế, qua mô hình Đại học Berlin, Humboldt đã đem lại cho quốc gia Phổ những sức mạnh tinh thần thần kỳ, để Phổ sau hơn nửa thế kỷ lột xác, trở thành một cường quốc ngang bằng với các nước khác ở châu Âu.

Đại học Berlin là đại học của lý trí, khai minh theo tinh thần Immanuel Kant hòa lẫn tinh thần nhân văn của chủ nghĩa (tân) nhân văn Đức được đại diện bởi các đại văn hào như Goethe, Schiller, cùng với chủ nghĩa duy tâm của các nhà triết học Đức như Fichte, Schelling, Hegel đã được Humboldt đưa lên thành văn hóa. Đó là đại học của khoa học, của nghiên cứu, của sự kết hợp giảng dạy và nghiên cứu, của tự do giảng dạy và nghiên cứu, và tự do học, mà mục đích tối thượng là đi tìm chân lý mà không có sự can thiệp của nhà nước. Nó nhằm phát triểi con người một cách toàn diện, phát triển khoa học là “cái mà mãi mãi phải đi tìm” như Humboldt quan niệm về chân lý. Đại học Berlin là niềm mơ ước giải phóng và phát triển toàn diện con người của giới tinh hoa Đức. Cần phải giải phóng con người mới xây dựng được quốc gia, cần phải có những nhân cách khoa học mạnh, mới có một quốc gia mạnh.

Đại học trở thành thể chế cho khoa học và nghiên cứu phát triển một cách hệ thống, với tính khoa học được đưa lên vị trí hàng đầu cho tất cả mọi ngành học, và làm nòng cốt cho giao dục đại học. Đại học là trung tâm văn hóa quốc gia: “Ý tưởng về các thể chế khoa học cao như là đỉnh cao, mà ở đó tất cả những gì đã diễn ra trực tiếp cho nền văn hóa quốc gia được hội tụ lại, đưa lên sứ mệnh được trao cho các thể chế là vun bồi khoa học theo nghĩa sâu rộng nhất của nó.” Sự kết hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy đã làm một cuộc tiếp xúc và truyền lửa mạnh mẽ giữa các thế hệ trong nghiên cứu, đó chính là một “cỗ máy” sản xuất nhân tài cho quốc gia. “Ở Đức, các đại học chính xác là các hội đoàn của các học giả cống hiến cuộc đời họ cho việc vun xới khoa học, và cho hướng (phát triển) của giáo dục hàn lâm. Họ xây những thể chế cho văn hóa cao của con người trong đó khoa thần học không còn giữ tầm quan trọng hay sự lỗi lạc hơn phần thế giới còn lại; và những cái đó mới thật là ‘đại học’, bởi vì chúng nỗ lực đại diện và hiện thân cho toàn thể tri thức con người, và nỗ lực đi tìm không gian cho tất cả các hình thái của hoạt động trí thức”, như Thomas Huxley, bạn đồng hành của Charles Darwin đã nhận định năm 1868.

Đã hai trăm năm rồi mà Gerhard Casper, lúc còn là Chủ tịch Đại học Stanford, trong bài phát biểu trước Đại học Bắc Kinh năm 1998 để kỷ niệm 100 năm đại học này vẫn còn ca ngợi rằng, văn kiện triết lý của Đại học Humboldt về Tinh thần và Hình thức tổ chức của các Thể chế khoa học cao ở Berlin, “cólẽ chứa đựng những ý nghĩ súc tích nhất chưa hề được viết về đại học như một thể chế. Các ý nghĩ này không hề mất đi tầm quan trọng của chúng, mặc cho các thay đổi trong khái niệm tính uyên bác và trong những vấn đề mà các đại học đã trải nghiệm hơn hai thế kỷ qua.” Chính các ý tưởng triết lý của Humboldt vẫn còn dẫn dắt ông lãnh đạo Đại học Stanford thành công trong hai nhiệm kỳ 1992 - 2000, như ông đã diễn giải trong một bài thuyết trình tại Institute for Advanced Study Berlin sau đó.

Các nguyên lý đại học Berlin đã ảnh hưởng sâu rộng lên đại học toàn thế giới mà đại học Đức là một sự tự minh chứng thuyết phục, là một “Mecca” cho các quốc gia khác đến chiêm ngưỡng và tham khảo. Những nhà giáo dục khai phá của đại học Hoa Kỳ đều đã học tại Đức. Tappan của Đại học Michigan, Eliot của Harvard, White của Cornell, Gilman của Johns Hopkins, tất cả họ đều “uống cùng dòng suối hàn lâm” của Đức. Từ 1860 đến 1914 hàng ngàn sinh viên của Anh và cả Hoa Kỳ đi hành hương đến các đại học Đức (Robert Oppenheimer là một thí dụ nổi tiếng). Họ đã đưa chương trình giáo dục đại học với tinh thần giáo dục bằng khoa học và uyên bác. Đại học Johns Hopkins vào thời điểm thành lập năm 1876 có nhiều giáo sư được đào tạo tại Đức đến nỗi người ta gọi đó là “Göttingen tại Baltimore”.

Đại học Hoa Kỳ giống như người được trao ngọn đuốc của Đại học Humboldt để thắp sáng bên kia bờ Đại Tây Dương. Khi Đại học Humboldt lên đến đỉnh cao của tên tuổi vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thì nó cũng bắt đầu suy thoái do sự phát triển nội tại, như nhiều học giả nhận định; một số học giả Đức lúc đó như Max Weber đã nhìn thấy ở nền đại học Hoa Kỳ đang lên một người kế thừa của đại học Đức. Và sau giai đoạn thống trị của Quốc xã và sau khi Thế chiến thứ Hai tiêu hủy nền đại học châu Âu, Đại học Humboldt tìm thấy một quê hương mới: Hoa Kỳ. Và thực tế người Mỹ đã làm được điều kỳ diệu mà thế giới phải ngưỡng mộ như đã từng ngưỡng mộ đại học Đức 100 năm trước đó. Trong nhiều điểm, đại học Hoa Kỳ có tính chất Humboldt hơn cả đại học Đức.

Để phát triển lên thành một nền đại học vĩ đại của thế kỷ 20, đại học Hoa Kỳ đã trải qua hai sự biến đổi quan trọng trong lịch sử. Biến đổi thứ nhất diễn ra vào phần ba cuối của thế kỷ 19 bằng đạo luật giao đất “Morrill Act” năm 1862, và bằng tinh thần đại học Đức. Đại học Hoa Kỳ bắt đầu trở thành đại học nghiên cứu theo mô hình của Đức. Hai yếu tố tinh thần trí thức Đức, được đại diện bởi nền đại học Đức và chủ nghĩa dân túy (populism) Hoa Kỳ, đã kết hợp nhau để làm thành tinh thần đại học đặc trưng của nước này, và là bước chuẩn bị cơ sở quy mô nhất cho cuộc Biến đổi thứ hai sẽ diễn ra sau Thế chiến thứ Hai để đưa nền đại hoc nước này lên vị trí cao nhất đến hôm nay.

Người Mỹ rất tự hào đã tạo một nền đại học tinh hoa rất bản sắc của họ theo công thức:“Đại học cử nhân phải là Đại học Oxford (nhân văn), Đại học cao học phải là Đại học Đức (nghiên cứu), Đại học của sự phục vụ phải là Đại học Hoa Kỳ” (Jonathan R. Cole). Đại học Hoa Kỳ đã phát triển lên thành “Đa đại học”, Multiversity, lên thành phố của tri thức, với quy mô chưa từng có, vừa có tính chất tinh hoa của Humboldt vừa có tính chất đại chúng đặc trưng của Mỹ. “Đại học lớn phải là đại học tinh hoa - tinh hoa của giá trị - nhưng nó hoạt động trong một môi trường phục vụ cho một triết lý bình đẳng” (Clark Kerr). Thật là “kiểu Mỹ”.

Ý nghĩa nào cho chúng tôi làm việc này?

Giáo dục đại học Việt Nam cho đến nay là giáo dục có lẽ chưa có nền tảng triết Ịý, ý thức lịch sử sâu xa, và còn xa với sứ mạng và những giá trị nhân văn, khai minh mà đại học đem lại cho xã hội trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Các nguyên lý của Đại học Humboldt đã bén rễ hơn nửa thế kỷ, bởi những nhà khoa học đi trước như GS Hồ Đắc Di, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, nhưng đến nay vẫn chưa có vị trí xứng đáng, nếu không nói là còn rất lu mờ. Nghiên cứu, học thuật chưa phải là đầu tàu của đại học. Việt Nam cũng chưa có một tạp chí giáo dục đại học tương xứng để làm diễn đàn trung thực cho trí thức về những vấn đề giáo dục đại học. Việt Nam dường như chưa có văn hóa giáo dục đại học rộng rãi cho mình.

Nền đại học Việt Nam hiện nay đang bị xem xuống cấp so với khu vực một cách “bất bình thường” và khó hiểu. Bao nhiêu nỗ lực anh dũng của các nhà khoa học Việt Nam của các thế hệ đầu tiên chỉ đủ để góp phần xây dựng một nền móng giáo dục trung bình làm bệ phóng, nay đang bị xói mòn, chứ chưa đủ để làm cho nền đại học và khoa học Việt Nam thăng hoa. Ngô Bảo Châu với chiếc huy chương Fields danh giá, nhận được cùng năm kỷ niệm Đại học Humboldt, đã soi sáng hơn bao giờ hết khoảng cách lớn lao bất hợp lý giữa sự thật tiềm năng và hiện thực đại học Việt Nam, giữa “thi ca và sự thật”.

Việt Nam trong khoảng giữa thế kỷ 20 cũng đã từng có một ‘thế hệ vàng” học giả, một “galaxy” học giả vừa Quốc học, vừa Tây học, mượn từ của một học giả Việt Nam tại Pháp, mà nếu tiếp tục được phát huy thì nền đại học Việt Nam hôm nay chắc chắn đã lên đỉnh cao trong khu vực. Miền Nam trước 1975 cũng có một nền giáo dục đại học phát triển đầy hy vọng, rất khai phóng, dân tộc, rất tự chủ, và quốc tế. Nay nhìn lại, cả thế hệ vàng đó đã qua đi mà không có lớp người thừa kế, và tinh thần học thuật hôm nay không còn giống tinh thần học thuật của hôm qua.

Thiếu định hướng, thiếu ý chí, ý thức về sứ mạng và sức mạnh của đại học như chìa khóa trong việc canh tân đất nước, thiếu tinh thần nghiên cứu khoa học và học thuật làm hoa tiêu, thiếu những người quản lý có năng lực, khai minh và tâm huyết trong việc tổ chức một đại học nghiên cứu hiện đại, thiếu những đòn bẩy hiệu quả như một chế độ trọng đãi nhân tài, ngược lại có nhiều tiêu cực ngõ ngách, quản lý hành chính còn nặng, đặt quyền lợi cục bộ lấn át quyền lợi quốc gia, sự bỏ mặc từ phía những người trách nhiệm cao nhất, thiếu những vị chỉ huy tài giỏi trong mật trận giáo dục và khoa học, đó có lẽ là những lý do đã ngăn cản sự phát triển đại học Việt Nam mấy thập kỷ qua, và làm cho nó chậm phát triển. “Chỉ có ai mang trong mình ý niệm đại học, người đó mới có thể tư duy và hành động đúng theo sự việc cho đại học” (Karl Jaspers).

Đại học Việt Nam còn rất yếu so với sứ mạng nặng nề của nó. Thực tế quá trình thẩm thấu của tri thức đại học vào xã hội Việt Nam để đóng góp phát triển hầu như còn quá ít, không giống quá trình đã diễn ra khắp nơi trên thế giới phát triển; ngược lại, những tiêu cực của xã hội đã thẩm thấu sâu vào đại học làm cho nó, cũng như làm cho khoa học khó phát triển tốt được. “Các bệnh ngoài da bây giờ đã thâm nhập vào đến nội tạng” như Maxim Gorki nói về dân tộc Nga. Đại học là một thể chế được “đan vào tấm vải xã hội, chính trị, văn hóa và kinh tế”. Muốn hiểu đại học, sự hưng phấn, hay sự trì trệ, chỉ cần nhìn vào tấm vải xã hội bao quanh nó để hiểu các động cơ tinh thần và vật chất đang chi phối nó.

Qua số kỷ yếu này, chúng tôi muốn đi tìm lại nguồn gốc lịch sử của đại học thế giới, và đặc biệt là của Đại học Humboldt, các nguyên lý của đại học này, sự ra đời và khung cảnh lịch sử hết sức ý nghĩa của nó, để hiểu nhiều hơn sức mạnh và nguồn cảm hứng của nó có thể truyền đi xa, về ảnh hưởng lớn lao của nó lên đại học thế giới, đặc biệt lên đại học Hoa Kỳ, và về hệ thống đại học hàng đầu này, tìm hiểu sứ mệnh và đóng góp xã hội của đại học, cũng như sẽ đề cập một số khó khăn của nền đại học thế giới hiện nay, và nhìn lại đại học Việt Nam, tất cả những gì trong khả năng chúng tôi trong một cuốn kỷ yếu, với một thời gian rất hạn chế. Không thể xây dựng đại học hiện đại, nếu không có ý thức sâu sắc về vai trò lịch sử, và ý niệm về ‘hình dáng’ của nó.

Kỷ yếu có một Ban chủ biên giàu nhiệt tình và mong muốn thể hiện đề tài rất có ý nghĩa này: Ngô Bảo Châu (Chicago), Pierre Darriulat (Hà Nội), Cao Huy Thuần (Paris), Hoàng Tụy (Hà Nội), Nguyễn Xuân Xanh (TP HCM), Phạm Xuân Yêm (Paris), và một Ban tư vấn gồm Bùi Trân Phượng, Chu Hảo, Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Minh Thọ, Trương Văn Tân, Trịnh Xuân Thuận, Vũ Quang Việt, chỉ kể ra vài trong số 13 nhà khoa học, học giả Việt Nam.

Kỷ yếu được đông đảo nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia như Ngô Bảo Châu, Cao Huy Thuần, Pierre Darriulat, Hoàng Tụy, Phạm Xuân Yêm, Bùi Văn Nam Sơn, Lâm Quang Thiệp, Nguyễn Văn Hiệu, Trương Văn Tân, Nguyễn Văn Tuấn, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Minh Thọ, Trần Nam Bình, Nguyễn Đức Hiệp, Huỳnh Như Phương… đó chỉ là một số trong hơn 40 tên tuổi tham gia kỷ yếu. Ngoài ra chúng tôi được một số học giả nước ngoài như Richard C. Levin (Yale), Gerhard Casper (Stanford), Philip G. Altbach (Boston), Qiang Zha (York, Toronto), Shing-Tung Yau (“Hoàng đế toán học” của Harvard)… tham gia với một sự quan tâm lớn bằng cách cho phép chúng tôi đăng lại bằng tiếng Việt các bài viết còn rất mới và rất có giá trị nhận thức của họ liên quan đến những đề tài đại học thế kỷ 21, đại học châu Á, tình hình giáo dục tại các quốc gia đang phát triển, hay vấn đề tự do hàn lâm tại Trung Quốc.

Đặc biệt tư liệu lịch sử của Humboldt về Đại học Berlin “Về Tinh thần và Hình thức tổ chức của các Thể chế khoa học cao ở Berlin” mà GS Casper đã nói ở trên lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt, sau một sự ‘lệch giờ’ 200 năm.

Chúng tôi hy vọng số kỷ yếu này sẽ vẽ lại được phần nào rất khiêm tốn bức tranh đại học thế giới, bắt đầu từ thời Trung cổ là khởi điểm và phát triển đến nay, với những sứ mệnh đặc biệt và triết lý của nó. Đại học là một trong ít các định chế tồn tại lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại, không những không tàn lụi đi mà ngày càng phát triển. “Các vua chúa trị vì, các lãnh chúa phong kiến với chư hầu, và các phường hội ngành nghề độc quyền, tất cả đều biến mất. Nhưng bảy mươi đại học này (của châu Âu đầu thế kỷ 16) vẫn còn hiện hữu tại vị trí cũ của chúng, với một số tòa nhà như trước đây, với giáo sư và sinh viên làm những việc cũng như vậy, và với sự quản trị được tiếp tục với những cách thức rất giống như thế” như Clark Kerr, học giả nổi tiếng Hoa Kỳ về giáo dục đại học, nhận xét. Có đất nước phát triển nào mà không có các đại học phát triển để cung cấp tri thức và đào tạo trí thức cho chính quyền, nền công nghiệp và xã hội? Có thể quan niệm được cụộc Cách mạng Khoa học thế kỷ 17 ở châu Âu mà không có các đại học trung cổ dấn thân cho khoa học, học thuật, tự do tư duy, truyền bá tri thức, và đào tạo nhân sự đã hình thành từ thế kỷ 11, 12 chăng? Bộ mặt văn minh của nhân loại và sự phồn vinh hôm nay có thể quan niệm được chăng nếu không có các đại học hiện đại được xây dựng trên khắp thế giới, xuất phát từ cái nôi châu Âu, lan tỏa sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, đặc biệt vào thế kỷ 19 và 20 trong lĩnh vực khoa học và công nghệ? Kỷ yếu cũng dành một phần sự quan tâm cho sự phát triển đại học, công nghệ của Trung Quốc, một quốc gia đang muốn trở thành “sao” trên bầu trời khoa học và học thuật, và đang có những nỗ lực vô cùng to lớn để vươn xa. Sự hiểu biết là một liều thuốc bổ. Ngược lại, mọi sự thờ ơ đều phải trả giá.

Nhu cầu cải cách và đổi mới giáo dục đại học Việt Nam cấp thiết hơn bao giờ hết, để đại học và giới trí thức Việt Nam thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của họ: phát triển và tham gia mạnh mẽ vào cuộc chấn hưng đất nước, mưu tìm hạnh phúc của dân tộc, và sánh vai với cộng đông khoa học thế giới trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra hiện nay. Sau khi chúng ta đã giành lại độc lập 35 năm, một thời gian không ngắn chút nào, nói như Abraham Lincoln, “nếu sự hủy diệt là số phận của chúng ta, thì chính chúng ta là tác giả và kẻ thi hành sự hủy diệt ấy” chứ không ai khác.

Chắc chắn chúng tôi chưa nói được hết các mặt liên quan đến đại học, một lĩnh vực vô cùng rộng, và rất cần thiết cho sự phát triển giáo dục đại học Việt Nam, nhưng chúng tôi hy vọng với sự đóng góp phong phú và tâm huyết, chúng ta có một số kỷ yếu rất đặc biệt có hàm lượng tri thức căn bản về đại học thế giới xưa và nay để làm một điểm xuất phát cho tương lai. Còn rất nhiều vấn đề cần phải nói để vươn tới một nền văn hóa đại học Việt Nam trong tinh thần khai minh.

Chúng tôi rất cảm ơn tất cả những anh chị trong và ngoài nước đã tham gia vào số kỷ yếu đặc biệt này. Cảm ơn các anh chị trong Ban chủ biên, và trong Ban tư vấn về những ý kiến và sự giúp đỡ quý báu cho chúng tôi, nhất là sự cổ vũ, động viên không ngừng.

Chúng tôi rất mong được các bạn đọc gần xa, trong và ngoài nước đón nhận và ủng hộ kỷ yếu mạnh mẽ, và cùng chúng tôi làm một cuộc ‘hành trình’ vào lịch sử đại học cho đến ngày nay. Chúng tôi không chỉ nhìn về lịch sử hay quá khứ, mà trên cơ sở hiểu biết đó để nhìn về tương lai một cách có lý giải. Giáo dục đại học phải là sự nghiệp của cộng đồng, có tính dân chủ, công khai, không phải chỉ của một bộ phận thu hẹp. Nhà nước cần chia sẻ với dư luận cộng đồng có trách nhiệm. Việt Nam có một giới trí thức am hiểu, dấn thân cho đại học và cần phải được lắng nghe. Cần có những diễn đàn học thuật công khai và dân chủ về giáo dục đại học để trí thức, nhà nghiên cứu góp ý, và công bố những nghiên cứu của mình trước dư luận, và nhà nước nên biết lắng nghe.

Dân chủ cần đến tri thức, và sự lắng nghe. Không có tri thức rộng rãi, hay lắng nghe, thì dân chủ chỉ là hình thức, có lệ. Mọi sự đóng kín chỉ nhằm bảo vệ lợi ích cục bộ hơn là lợi ích quốc gia hơn là phục vụ sự nghiệp trồng người. Như Giáo sư Vũ Đình Hòe phác họa năm 1946, “nền giáo dục đặt trên ba nguyên tắc căn bản: dân chủ, dân tộckhoa học và theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia”, nghĩa là phải có sự góp ý của nhân dân và trí thức, phải khách quan, cầu thị, và đạo đức. Đó cũng là cách để tránh nguy cơ tùy tiện, tiêu cực làm cho đại học tụt hậu, và đi lạc hướng không nhằm phục vụ cuộc chấn hưng quốc gia.

Cụ Phan Châu Trinh nói đến nhu cầu cần có một văn hóa mới để có được độc lập tự do khi Cụ nhìn vào dân tộc Phù Tang. Nay những thế hệ sau cần cụ thể hóa văn hóa đó, ở đây trong lĩnh vực giáo dục đại học. Giáo dục, tri thức chính là những thứ làm cho con người được tự do, như tiếng nói của người nô lệ và nhà hiền triết Epictetus đã vang lên gần hai ngàn năm trước: “Chỉ có những người có giáo dục mới được tự do”. Và cũng 200 năm trước, Schleiermacher, một nhà thần học và bạn đồng hành của Humboldt đã phụ họa thêm: “Tinh thần của khoa học và học thuật càng sống động bao nhiêu tinh thần của tự do càng sống động bơn bấy nhiêu.”

Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã đóng góp bài vở và công sức để làm nên số kỷ yếu này, cảm ơn các thành viên của Ban chủ biên và Ban tư vấn, cũng như nhiều bạn trẻ đã rất sốt sắng tham gia bằng những đóng góp rất cụ thể. Chúng tôi đặc biệt cảm ơn GS Ngô Bảo Châu, người Việt Nam đầu tiên được đăng quang trên sân khấu tài năng toán học thế giới với huy chương Fields danh giá, diễn ra vào đúng năm kỷ niệm Đại học Humboldt, đã đem lại niềm vui và tự hào to lớn cho mỗi người Việt Nam. Chúng tôi cũng đặc biệt cảm ơn GS Pierre Darriulat, một “ông Tây”, một người bạn rất thân của Việt Nam, rất quen thuộc qua nhiều diễn đàn, rất thẳng thắn, và dấn thân cho cải cách giáo dục đại học Việt Nam với những ý tưởng sắc bén “rất Tây” (xin xem bài Chiếc búa lớn hơn trong kỷ yếu). Chúng tôi cảm ơn các nhà nghiên cứu và nhà khoa học Cao Huy Thuần, Hoàng Tụy, Bùi Trân Phượng, Phạm Xuân Yêm, Bùi Văn Nam Sơn, Trương Văn Tân… đã nhiệt tình ủng hộ bằng ý kiến quý báu trong thời gian kỷ yếu hình thành. Sự tham gia rộng rãi cho thấy sự quan tâm rất lớn của cộng đồng khoa học Việt Nam về đề tài đại học. Đặc biệt Đại học Hoa Sen đã tổ chức một buổi lễ kỷ niệm trọng thể về ý nghĩa của Đại học Humboldt, và đã công bố cuộc thi viết về đề tài “Những người trẻ mong đợi gì ở các đại bọc?” mà kết quả được đăng lại tóm tắt trong kỷ yếu này.

Chúng tôi đặc biệt cảm ơn những Mạnh Thường Quân đã dành sự ủng hộ tài chính cho kỷ yếu: Đại học Hoa Sen, Quỹ Asia Foundation của Hoa Kỳ và Viện Goethe của Đức TP Hồ Chí Minh.

Cuối cùng, xin độc giả tiếp nhận Kỷ yếu Humboldt trong sự miễn thứ cho tất cả các sai sót và chưa đầy đủ so với mong đợi.

Nguyễn Xuân Xanh

Thay mặt Ban chủ biên

và Ban cố vấn Kỷ yếu Humboldt

Mời các bạn đón đọc Kỷ Yếu Đại Học Humboldt 200 Năm - Kinh Nghiệm Thế Giới Và Việt Nam của tác giả Nhiều Tác Giả.