Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Bữa Cơm Ngày Mai Chúng Ta Cùng Chờ Đợi

“Nếu như có thể mở lòng, điều đó thật tốt biết bao

Những cũng có những điều có lẽ đừng bao giờ nên biết.”

Câu chuyện tình đắng cay ngọt ngào trong bảy năm giữa Ryota Hayama và Koharu Uemura từ ngày đầu tiên hẹn hò cho đến ngày họ kết hôn. Đều là học sinh trung học nhưng tính cách hai người hoàn toàn trái ngược nhau. Nếu Ryota là chàng trai trầm tính, gần như thờ ơ với mọi thứ xung quanh thì Koharu lại là cô gái thẳng thắn và tràn đầy năng lượng. Kể từ ngày hợp sức trong thử thách nhảy bao gạo, họ bắt đầu quen nhau. Họ hẹn hò ở quán ăn nhanh, nhận ra đã phải lòng đối phương ở một quán ăn gia đình và hẹn ước tình yêu bên bàn ăn với những bữa cơm bình dị mà ấm cúng.

“Bữa cơm ngày mai chúng ta cùng chờ đợi là một bức tranh đẹp, một khúc nhạc êm êm vào buổi chiều nắng nhạt có những cánh hoa anh đào chao lượn trong tiếng nói cười. Ở đó chứa đựng những thanh âm trong trẻo của tuổi thanh xuân có ngập ngừng, có ngốc nghếch, tràn đầy mơ tưởng đan xen với đau buồn, cả ích kỷ lẫn thấu hiểu cùng hòa quyện để trưởng thành. Thật may vì đến cuối cùng chẳng điều gì lỡ dở, chẳng có ai lỗi hẹn với định mệnh của đời mình. Tôi đã nghĩ khi bộ phim khép lại rằng, yêu có thể mặn nồng, rạo rực nhưng yêu luôn là chốc lát, thương mới là cả một đời, là thứ có thể khiến hai người xa lạ thậm chí đối lập nhau vai kề vai đến cuối bến đỗ hạnh phúc – điểm cuối của tình yêu.”

(Trích cảm nhận của độc giả @isissapphiremoon về cuốn sách ấn tượng này)

***

Xuất bản lần đầu vào năm 2012 và tạo nên một cơn dư chấn lớn trong cộng đồng độc giả Nhật Bản bởi sự trong trẻo, ngây thơ và thuần khiết của mối tình đầu, Bữa cơm ngày mai chúng ta cùng chờ đợi xứng đáng được vinh danh là ấn phẩm xuất sắc nhất dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên.

Ngày 7/1/2017 – cuốn sách được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên với sự tham gia diễn xuất của hai ngôi sao được giới trẻ yêu mến là Yuto Nakajima và Yuko Araki.

***

Ngày tháng lặng lẽ trôi đi, ngờ như tôi đã có thể quên chuyện cũ. Vậy mà mỗi khi định khích lệ bản thân rằng mình đã ổn, thì những ngày tháng đó liền sống lại thật rõ nét trong tôi.

Chia ly là điều không thể tránh khỏi trong cuộc đời. Điều đó đã được nhắc tới ra rả trong các bài hát, các bộ phim điện ảnh và phim truyền hình, không cần nói thêm tôi cũng hiểu. Nhưng việc chấp nhận một sự chia ly trái với mong muốn quả là một điều quá sức với tôi.

Trên bầu trời xanh trong vắt nổi lên một cụm mây trắng yếu ớt. Trong lớp học đang tổ chức buổi họp quyết định việc tham gia các môn thi đấu trong ngày hội thể thao của trường. Những cuộc tranh chấp trong hòa bình xem ai sẽ tham gia môn nào trong các môn ném bóng vào rổ, kéo co, chạy tiếp sức v.v… mỗi lúc một mở rộng hơn. Tiếng oẳn tù tì, tiếng tranh giành, tiếng cười vang rộn. Lớp học ồn ào như chợ vỡ. Lúc này đây, đâu đó trên thế giới này đang có người chìm vào đau khổ. Nhưng ngày hội thể thao sẽ chẳng vì việc đó mà bị hủy bỏ. Dù có xảy ra chuyện gì, cuộc sống thường nhật ngu ngốc này vẫn cứ tiếp diễn thôi.

“Này cậu.”

Một giọng nói trong trẻo vang lên trên đầu tôi khi tôi đang mơ màng ngắm nhìn khung cảnh ngoài cửa sổ.

“Xin lỗi đã chen ngang khi cậu đang thẩn thơ suy nghĩ như vậy…”

Tôi ngẩng đầu lên thì thấy Uemura đang đứng trước mặt mình.

“… Nhưng cậu có thể xác nhận giúp tớ điều này được không?”

“Ừ, gì vậy?”

“Vì cậu không có ý kiến gì nên đã được xếp vào nhóm nhảy bao gạo, không vấn đề gì chứ?”

“Nhảy bao gạo ư?”

Cụm từ thường ngày chẳng nghe thấy bao giờ khiến tôi ngơ ngác hỏi lại.

“Năm ngoái cũng tổ chức phần thi này rồi, cậu không nhớ à? Trong môn thi ‘chạy tiếp sức kỳ diệu’ ấy. Phần chạy thứ ba sẽ là nhảy bao gạo.”

Hội thể thao năm ngoái tôi tham gia môn ném bóng vào rổ, lúc đó tôi chơi rất chiếu lệ, chẳng buồn để mắt đến các môn khác. Vốn những cái tên như “chạy tiếp sức kỳ diệu” hay “nhảy bao gạo”, nghe thôi đã thấy ngớ ngẩn rồi.

“Chỉ cần chui vào bao tải gạo, nhảy về phía trước năm mươi mét rồi trao tín gậy cho người chạy tiếp theo là được. Những môn khác đã chọn đủ các bạn tham gia rồi. Cậu đồng ý nhé?”

Phải chui vào bao tải gạo và nhảy những năm mươi mét sao? Mệt chết mất. Thực lòng tôi thích những môn được hòa lẫn vào mọi người để không ai chú ý đến mình, như trò kéo co hoặc ném bóng vào rổ hơn. Nhưng hình như tôi chẳng còn cơ hội đòi hỏi nữa. Tôi lặng lẽ gật đầu.

“Ok, vậy chốt rồi nha.”

Uemura nói, rồi viết thêm tên tôi xuống dưới dòng chữ “nhảy bao gạo” trên bảng.

Cho tới ngày hội thể thao, tiết Thể dục được dùng làm giờ luyện tập cho ngày thi. Môn chạy hay nhảy dây mới đáng luyện tập, còn trò nhảy bao gạo giống như trò chơi của con nít, có tập cũng chẳng để làm gì. Hơn nữa, nhiều bạn tham gia trò “chạy tiếp sức kỳ diệu” cũng đồng thời tham gia các trò khác, nên việc luyện tập cho trò này bị đẩy ra sau. Tôi bèn đi tìm một nơi râm mát trong góc sân tập, ngồi đó đợi tới lượt mình.

Chuyện xảy ra đúng vào mùa thu ba năm trước. Mùa hè năm đó cũng giống mọi năm, mọi người đều ầm ĩ kêu nóng, trời đã sang thu nhưng vẫn chưa thoát khỏi cái nóng mùa hè, nóng hệt như bây giờ vậy.

Lúc đó tôi học lớp chín, đang dốc sức luyện tập cho ngày hội thể thao cuối cùng của cấp hai. Khi ấy tôi là trưởng nhóm, phải tham gia vào mọi trận thi đấu ở mọi môn thi, tôi đà chạy cần mẫn hơn bất kỳ ai khác.

Sự cố gắng của tôi rất có thế sẽ cứu nguy cho cả đội. Tôi đã thực sự ấp ủ trong lòng niềm hy vọng ngây thơ ấy. Rằng nếu tôi cố gắng, mọi chuyện sẽ chuyển biến theo hướng tốt hơn để đền đáp những cố gắng đó. Vì tôi không làm được gì khác, nên tôi muốn gắng hết sức để làm những việc ở ngay trước mắt mình. Giờ ngẫm lại, sự cố gắng của tôi hóa ra hoàn toàn vô nghĩa. Chẳng có điều gì trên thế giới này tốt lên nhờ hành động của tôi cả.

“Xin lỗi vì chen ngang lúc cậu đang suy nghĩ vẩn vơ, nhưng chúng ta bắt đầu được chưa?”

Ngẩng đầu lên, tôi thấy Uemura đang đứng đó với bao tải gạo trên tay.

“À, ừ.”

“Mình đi tập nào.”

Tôi đứng lên nhìn xung quanh, có mấy đứa đang xỏ chân vào bao gạo tập nhảy, mấy đứa khác thì cột hai chân vào nhau theo kiếu hai người ba chân rồi nhảy dây. Có vẻ phần luyện tập cho trò “chạy tiếp sức kỳ diệu” đã bắt đầu.

“Nào, cậu vào đây.”

Uemura nói sau khi khéo léo chui nửa người vào bao.

“Hả?”

“Hả gì nữa, hai người cùng vào chung đó.”

Uemura nói như thể chuyện hiển nhiên, nhưng tôi vẫn nhìn vào phía trong chiếc bao.

“Cùng chui vào cái bao này á?”

“Ừ. Cậu với tớ là cặp nam nữ duy nhất tham gia lần này.”

Hẳn là cặp nam nữ duy nhất rồi. Bao tải gạo tuy to nhưng nếu chui vào thì co thể hai người sẽ dính sát vào nhau. Đương nhiên tôi không thể thoải mái khi chui vào đây cùng một cô gái nào đó được.

“Tại sao hai chúng ta lại thành một cặp?”

“Tại sao ư? Là vì tính cách của cậu rất u ám đó.”

“U ám ư…?”

“Thế nên không ai muốn ghép đôi với cậu cả. Người thì kêu nhảy với cậu sẽ bị tinh thần u ám của cậu ảnh hưởng, người thì kêu rất có thể hôm hội thể thao cậu nghỉ mất, nên mãi không chọn được bạn nào chịu ghép cặp với cậu. Vì tớ là ủy viên ban thể thao nên mới đành ghép cặp với cậu đấy.”

Sau khi tuôn ra một tràng những sự thật tàn nhẫn đó, Uemura chợt ngẫm ra và nghiêng đầu hỏi: “Ôi, xin lỗi nhé, tớ không làm cậu tổn thương đấy chứ?”

“À không sao. Tớ quen bị ghét rồi.”

“Thế à? Kể cũng phải. Vì Hayama bị ghét suốt từ hồi lớp mười tới giờ mà.”

Hả? Có chuyện đó à? Tôi muốn hỏi lại như vậy, nhưng may mắn giữ được vẻ thản nhiên, chỉ nói: “Xin lỗi nhé, làm phiền đến cậu rồi.”

“Không sao, đừng để tâm. Nào, cậu nhanh vào đây đi.”

Uemura nhích về phía trước chiếc bao, thúc giục tôi chui vào đứng phía sau. Tôi - một kẻ u ám và hình như luôn bị ghét từ trước tới giờ - chui vào chiếc bao tải, cố để cơ thể mình không chạm vào cô bạn Uemura - người đã miễn cưỡng ghép đôi với tôi trong phần thi này. Nhưng dù thế nào thì đó cũng là bên trong chiếc bao tải. Cơ thể chúng tôi sẽ cọ sát vào nhau, dù chúng tôi không muốn.

“Chúng ta sẽ nhảy như thế này về tới đích. Cự ly phải nhảy là năm mươi mét, nhưng hôm nay là ngày tập đầu tiên, mình đặt mục tiêu mười mét thôi nhé.”

Uemura đang giải thích về một môn thi đấu kỳ cục, nhưng tôi chẳng biết nói gì khác ngoài gật gù “Ừ, tớ hiểu rồi.”

“Vậy bắt đầu nhé.”

Nghe hiệu lệnh của Uemura, tôi cũng thử nhảy để tiến về phía trước, nhưng chiếc bao chỉ khẽ nhúc nhích rồi chệch sang một bên khiến chúng tôi mất thăng bằng chứ chẳng tiến lên được centimét nào.

“Ừm, phải nhảy đồng thời thì mới tiến về phía trước được, nếu không, không những giậm chân tại chỗ mà còn bị ngã nữa, nên cậu phải bắt nhịp với tớ đấy.”

Uemura nói, giọng xen lẫn tiếng thở dài.

“Ừ.”

“Nào, hai, ba!”

Tôi nhảy theo lời ra hiệu của Uemura, nhưng bao gạo vẫn không tiến về phía trước. Bởi nó quá chật khiến tôi không nhúc nhích nổi. Mái đầu của Uemura cũng ở phía trước, ngay dưới cằm tôi, thật vướng víu, khiến ngay cả việc nhìn thẳng phía trước với tôi cũng thật khó khăn.

“Cậu nhảy dài hơn chút đi. Nếu cơ thể không nhảy bổng lên thì bao gạo không tiến về phía trước được đâu.”

“Ừ, tớ biết rồi.”

Tôi thực muốn nói “Là lỗi của tớ chắc?”, nhưng vì chưa từng chui vào bao gạo hay bao rác để chơi trò này bao giờ nên tôi ngoan ngoãn nghe theo.

“Thế thử lại lần nữa nhé. Hai, ba nào!”

Uemura hô “hai, ba”, “hai, ba” mấy lần để thông báo thời điểm nhảy cho tôi biết. Tôi bèn bật nhảy theo tiếng hô đó. Dần dần chúng tôi không còn bị loạng choạng mất thăng bằng nữa, nhưng chẳng nhảy về phía trước được bao nhiêu. Các đôi nhảy bao gạo khác tuy vẫn trêu cười nhau nhưng cũng đã nhảy được về phía trước kha khá rồi.

“Hayama này, chúng ta phải nhảy về phía trước, nên nếu cậu chỉ nhảy vống lên thì không được đâu. Phải nhớ nhảy về phía trước ấy.”

Uemura ngoảnh đầu lại than phiền.

“Tớ vẫn đang cố gắng mà.”

“Vậy thử lại nhé. Nhớ nhảy về phía trước đấy. Hai, ba nào!”

Ở trường học thi thoảng lại thản nhiên tổ chức mấy trò kỳ cục thế này. Các trò trong môn “chạy tiếp sức kỳ diệu” như nhảy dây hai người ba chân, hay cõng nhau đi qua ván thăng bằng đều chẳng cần thiết trong đời sống thực. Ngoài trò nhảy bao gạo, còn nhiều trò có các cặp chơi nam nữ, nhưng nghĩ sao vẫn thấy kỳ cục. Nếu tổ chức mấy trò này trong ngày hội văn nghệ ở các công ty, chắc chắn sẽ bị kiện vì quấy rối tình dục cho xem.

“Các bạn nghỉ giải lao mười phút rồi chuyển sang tập kéo co và chạy tiếp sức theo nhóm. Nhớ uống nước đầy đủ đấy nhé.”

Có tiếng thông báo tiết luyện tập kết thúc, tôi liền lập tức ra khỏi bao gạo. Cái nóng và sự vô lý của phần thi này khiến tôi chóng cả mặt.

“Hả, đã hết giờ rồi à? Tụi mình còn chưa làm được tí nào.”

Vừa càm ràm, Uemura vừa bước ra khỏi bao, nhìn thẳng vào mắt tôi.

“Hayama này, không có giờ nghỉ cho cậu đâu đấy.”

“Hả?”

“Có thể cậu nghĩ mấy trò này thật ngớ ngẩn vô nghĩa, nhưng nếu cậu nghỉ thì sẽ chỉ còn mình tớ, không thể tập luyện được.”

“Tớ hiểu mà.”

Dù rất khổ sở nhưng tôi vẫn phải chui vào bao tải gạo tập nhảy. Cuộc sống thật là khắc nghiệt.

Mời các bạn đón đọc Bữa Cơm Ngày Mai Chúng Ta Cùng Chờ Đợi của tác giả Maiko Seo & Vương Hải Yến (dịch).