Nguyên tác: The Scorpion Reef
Tôi phóng tác Như Chuyện Thần Tiên đăng trên Nhật Báo Sóng Thần năm 1972. Năm ấy Kim Dung đã viết xong truyện Lộc Ðỉnh Ký và ngừng viết. Nhật báo Sài Gòn mất nguồn câu khách tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Một trong số những người đọc Như Chuyện Thần Tiên là Tú Kếu Trần Ðức Uyển. Gặp tôi, anh nói:
– Hết truyện Kim Dung rồi. Nay đọc Như Chuyện Thần Tiên của mày vậy.
Một bạn đọc trẻ hơn tôi khoảng 10 tuổi, những năm 1972, 1973, anh khoảng 30 tuổi, nói với tôi:
– Tình tiết trong đoạn Diễm Lan bị chìm xuống biển, Hoàng Chương một mình trở lên du thuyền, vào cabin, ngửi thấy toàn mùi Diễm Lan. Rất đúng. Năm vợ em nó giận em, nó bỏ em, em lên Pleiku tìm nó. Em vào phòng nó. Lúc đó không có nó trong phòng, em ngửi thấy toàn mùi nó.
Tôi phóng tác Như Chuyện Thần Tiên, tác giả Mỹ Charles Williams, nhưng theo bản dịch tiếng Pháp. Tôi quên tên tiếng Pháp của truyện. Khi truyện được xuất bản, tôi biết tên truyện tiếng Mỹ nên tôi để “Nguyên bản Scorpion Reef.” Thiếu chữ “The.” Truyện in từng ngày trên nhật báo, năm ấy Sài Gòn chưa có computer, nhà xuất bản phải cho sắp chữ lại nên truyện có nhiều lỗi. Mới đây tôi ngạc nhiên khi đọc thấy trong Như Chuyện Thần Tiên có chuyện “Khổng Minh sang Ðông Ngô đấu lý với Lữ Bố.”
Tôi mở quyển Như Chuyện Thần Tiên, bản in Tháng 9 năm 1973 tôi hiện có ra xem: trang 210 có đoạn nhân vật ác tên là Khôi nói về Khổng Minh:
Như Chuyện Thần Tiên. Trích:
“Như Gia Cát Khổng Minh, sư phụ tôi, khi sang Ðông Ngô dụ cho Ðông Ngô đánh Tào Tháo, là một nhà biện sĩ chứ không còn là mưu sĩ. Nếu không chịu nổi những lời chất cây gẫy cành, làm sao sư phụ tôi thuyết phục được Tôn Quyền, đánh đổ được lập luận chủ bại của bọn Lử Bố.”
Trong mấy dòng trên có hai lỗi “Chết cây gẫy cành,” thành ra “Chất cây gẫy cành,” và Tử Bố – Trương Chiêu – thành “Lử Bố.” Không “Lữ Bố” mà là “Lử Bố.”
Bốn mươi năm xưa có quá nhiều những lỗi như thế trong các tiểu thuyết phóng tác của tôi. Tôi xin quí vị độc giả tha lỗi.
Như Chuyện Thần Tiên là một trong hai tiểu thuyết tôi phóng tác có nhiều người đọc. Trước Như Chuyện Thần Tiên là truyện Kiều Giang, nguyên bản Jane Eyre của Nữ sĩ Charlotte Bronte.
Tôi cám ơn bạn Phương Lê, và bạn Bắc Thần, đã đưa Như Chuyện Thần Tiên lên màn hình này.
Ðọc lại truyện mình viết 40 năm xưa.. Cảm khái cách gì.
HOÀNG HẢI THỦY
Rừng Phong. Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích.
Ngày 28 Tháng Tư 2010.
° ° °
Quang cảnh hiện ra trước mắt những người thủy thủ từ chiếc xuồng máy lên du thuyền tuy không có gì lạ lùng nhưng vẫn làm họ rùng mình, sợ hãi. Không khí và cảnh vật trong chiếc du thuyền đang trôi bềnh bồng trên mặt biển xanh này có bao trùm một vẻ gì quái đản, rùng rợn. Ông Phó Trưởng tàu và hai người thủy thủ sững sờ nhìn nhau. Họ như không cả tin tưởng ở mắt nhìn của họ.
Du thuyền không có người. Không có lấy một người. Cảnh trong lòng thuyền vẫn bình yên, không có qua một dấu vết nào của sự xáo trộn náo động đã qua. Cũng không thấy có dấu vết gì trong du thuyền chứng tỏ ở đây trong những ngày qua đã có một chứng bệnh kinh khủng làm chết hết những người sống trên du thuyền. Không có người sống mà cũng không thấy có xác chết trong du thuyền.
Và mặt biển thật lặng. Từ nhiều ngày nay, biển vẫn lặng, vẫn đẹp như hôm nay. Những mảnh buồm trắng của chiếc du thuyền quí phái ôm gió chiều đưa thuyền lướt ôm trên mặt nước xanh, bánh lái của du thuyền được gài hướng theo mũi thuyền đi về hướng Nam về quần đảo Phi Luật Tân. Tuy trên du thuyền lúc này không thấy có qua một người nào mà mọi vật trên du thuyền vẫn trật tự, sạch sẽ gần như hòan toàn. Du thuyền được bỏ hoang giống hệt như trường hợp chiếc tàu tên là Marie Céleste từ bao lâu nay vẫn được gọi là “con tàu ma” và làm cho những người liên can đến hàng hải thắc mắc. Tàu Marie-Céleste được tìm thấy trôi dạt trên mặt biển mà trên tàu không có qua một người nào.
Sau phút ngạc nhiên, ông Phó Trưởng Tàu ra hiệu cho hai thuỷ thủ theo ông đi tìm trong du thuyền. Lòng du thuyền thật xinh thật ra cũng chẳng có nhiều chỗ để những người lên tàu phải tìm kiếm lâu la. Họ chỉ cần nhìn qua là biết ngay trên thuyền không có người ẩn nấp. Phòng máy của du thuyền sạch và ngăn nắp, gọn gàng như trước đó vài tiếng đồng hồ có tay người dọn dẹp. Phòng ngủ của du thuyền ở dưới cũng sạch như li như lai. Hai giường ngủ được trải nệm trắng đàng hoàng. Tủ lạnh đựng lương thực của thuyền còn đầy ních thực phẩm. Bồn nước ngọt của thuyền cũng vậy. Những người bí mật nào đó từng sống trên du thuyền này mới chỉ dùng hết hai phần mười số lương thực và nước ngọt dự trữ của họ. Trong tủ áo, những người lên du thuyền tìm thấy vài chiếc quần jeans, vài cái áo mưa để sẵn để dùng tới trong những ngày biển động và trời mưa. Trên một tay ghế có vắt một chiếc soutien-gorge, loại áo tắm biển gọi là bikini của đàn bà. Trong bầu không khí đặc biệt của chiếc du thuyền bằng gỗ có máy và có cả buồm gồm mùi verninồng nồng và mùi nước biển, mùi ét-xăng, những kẻ lên thuyền còn ngửi thấy phảng phất một thứ mùi quyến rũ, dị kỳ nữa. Đó là mùi của đàn bà, làm bằng mùi da thịt, mùi tóc đàn bà trẻ, nồng nhựa sống và nước hoa.
Bàn ăn của chiếc du thuyền không người này không bày sẵn những dĩa thức ăn như trên chiếc Marie-Céleste khi được người khác tìm thấy, nhưng cũng thấy có hai ly cà phê bằng nhựa. Một ly còn gần đầy cà phê.
Ông Phó Thuyền Trưởng Tàu, một thủy thủ già gần nửa đời trôi dạt trên các đại dương tuy từng chứng kiến nhiều tai nạn kỳ lạ trên biển, nhưng cũng chưa từng bao giờ tưởng tượng có ngày mình lại gặp một chiếc du thuyền lênh đênh giữa biển mà không có người lái. Tất phải có người đưa chiếc du thuyền này từ một hải cảng nào đó tới đây chứ ? Du thuyền, cũng như tàu buôn, không thể một mình tự đi ra khơi. Chỉ có điều cần tìm, cần biết là những người trên thuyền này đã… ra sao, còn sống hay đã chết mà thôi. Cũng có thể là có một chiếc tàu nào khác đã tới bắt hết những người trên du thuyền này đi. Ông Phó thuyền trưởng tàu bước tới dàn bếp gaz mới tinh ở cuối phòng. Trên bếp còn đặt siêu nước pha cà phê. Ông đặt tay lên siêu nước và thấy còn nóng. Điều đó cho ông biết chắc chưa đầy một tiếng đồng hồ trước đây thuyền này còn có người.
Rời dàn bếp ông đi qua chiếc bàn nhỏ, nơi còn trải mấy tấm bản đồ và có một quyển sách dày bià cứng. Nghĩ rằng đây là quyển Nhật Trình của du thuyền, ông mở ra đọc vài trang đầu rồi lật nhanh đến trang cuối. Nét chữ viết bằng mực đen trên những trang Nhật Trình của du thuyền là nét chữ đàn ông, bay bướm, lả lướt nhưng cũng quắc thước, cương nghị. Người thủy thủ già chú ý đọc những dòng chữ cuối cùng của trang Nhật Trình và ngẩn ngơ lắc đầu. Trong gần bốn mươi năm trong nghề, chưa bao giờ ông được đọc một trang Nhật Trình kỳ lạ đến như thế…
… những vùng sâu thẳm màu xanh thẩm, những ánh bạc huyền diệu sáng lên, tắt đi như mời gọi. Tiếng gọi thiêng liêng từ đáy đại dương làm tôi rung động từng tế bào… Say… Say…
Trước khi gập quyển sách lại, ông Phó Trưởng Tàu nhặt một vật nhỏ dài bằng hai đầu ngón tay. Vật ấy nằm giữa hay trang giấy: một sợi tóc đàn bà, dài mượt, đen nhánh. Ông nhìn ngây sợi tóc và tưởng tượng đến người đàn bà nào đó đã sống trên du thuyền này.
– Ông sếp… Ông coi này…
Tiếng một thủy thủ vang lên sau lưng làm ông Phó Trưởng tàu quay lại. Người thủy thủ đưa ra trước mặt ông một cái sắc da anh vừa tìm thấy ở dưới một chiếc giường. Sắc đựng đầy giấy bạc đô-la xanh, những tờ giấy 20, 50, và 100.
– Trong này có tới 100.000 đôn là ít…
Nét mừng rỡ hiện rõ trên mặt người thủy thủ:
– Tìm được số tiền đô la này, mình sẽ có tiền thưởng cũng lớn lắm, xếp ơi.
Theo luật hàng hải quốc tế, ai tìm được những chiếc tàu bị đắm hay những đồ vật giá trị trôi dạt trên biển đều phải nộp cho những toà án hàng hải nhưng sau đó đều được hưởng tiền thưởng tùy theo trị giá những thứ tìm lại được.
Ông phó tàu lắc đầu:
– Bộ chú mày muốn lấy tiền thưởng ngay lập tức hay sao đây ? Còn đợi đưa ra toà án hàng hải nữa chứ ? Còn lâu lắm mới được cầm tiền thưởng. Đừng vội vàng… Vả lại, ở đây cũng đâu có quán rượu, có gái mà chú mày cần tiền ?
Ông cầm lấy cái sắc đầy tiền trong hai bàn tay đưa lên của người thủy thủ và đóng khoá lại. Một tay ông cầm cái sắc, tay kia ông cầm quyển sổ Nhật Trình và ra hiệu cho hai thủy thủ trở lên boong.
Ông chỉ tay lên cột buồm:
– Các chú có biết cái này là cái chi không ? Đó là cái buồm. Ngày xưa, khi chưa có máy móc người ta vẫn dùng cái buồm nay để đi biển và người ta vẫn vượt những đại dương băng băng. Hai chú ở lại đây trổ tài hạ buồm xuống và quấn nó lại. Còn tôi vì không muốn đứng đây sét nét mấy chú tôi trở về tàu trước. Tôi sẽ nộp ngay ông Thuyền Trưởng cặp bạc này, các chú yên trí là tiền thưởng của các chú, nếu có ngày các chú được hưởng sẽ không bị ai lấy trộm mất nửa đồng. Tôi sẽ bảo ném dây và các chú ràng du thuyền này vào với tàu mình.
Cách đó vài trăm thước, trên mặt biển lặng sóng, ông Thuyền trưởng chiếc tàu chở hàng tuy là tàu Việt Nam nhưng mang cờ hiệu tàu Panama, đứng trong ánh nắng chiều vàng nhìn người phụ tá của ông đi một mình trở lại trên chiếc xuồng máy nhỏ. Ông cũng nhìn thấy hai người thủy thủ ở lại trên du thuyền đang hạ buồm của du thuyền xuống. Biết trước những việc phải làm ông cho mệnh lệnh dây ràng sang cho du thuyền.
Khởi hành từ Đà Nẵng chở cá khô và mắm sang Mã Lai, họ trông thấy chiếc du thuyền này trước đó nửa tiếng đồng hồ và đã tránh sang bên phải hai độ để tàu khỏi chạm vào du thuyền. Ông Phó thuyền trưởng chiếu ống nhòm nhìn sang du thuyền và nhận thấy trên boong du thuyền, cả trong phòng máy của du thuyền, không có qua một bóng người nào. Ông cũng nhận ra thấy tai lái của du thuyền được gài cứng để du thuyền chỉ một hướng theo gío đi thẳng về Nam. Nhưng tình trạng này cũng không làm ai ngạc nhiên. Ở những vùng duyên hải, họ thường gặp những du thuyền loại này. Chủ nhân, hoặc ít nhất những người trên loại du thuyền này toàn là những ông bà nhà giàu chán sống đầy đủ trên bãi đất nên đua nhau lênh đênh trên mặt biển chơi. Có khi trên du thuyền chỉ có mỗi một người. Vào những ngày biển êm và trời đẹp như hôm nay, và vào giờ này chủ nhân của du thuyền có thể đang bận rộn nấu ăn bữa chiều trong căn bếp nhỏ dưới lòng du thuyền. Nhưng khi tàu hú còi gọi ba lần mà vẫn không thấy ai hiện trên boong du thuyền, ông Phó đã báo động với ông Chánh. Chiếc tàu hàng sau khi làm một đường vòng kính bán nguyệt, đã chặn đường gió của du thuyền, làm cho cánh buồm đang căng gió của du thuyền chùng xuống mà vẫn không thấy bóng người trên du thuyền. Hai ông Chánh, Phó tàu hàng bỗng cảm thấy lo âu, sợ sợ như sắp phải chứng kiến một tai nạn. Họ cho máy chạy giựt lùi để giữ cho tàu ngang với du thuyền, sau đó một chiếc xuồng được thả xuống biển, do ông Phó tàu lên xuồng cùng với hai thủy thủ để sang du thuyền xem có chuyện gì lạ xảy ra bên đó.
Tình Nữ, Đà Nẵng Việt Nam. Đó là hàng chữ đọc thấy trên nền trắng mát của thân du thuyền. Tình Nữ ? Tên thuyền thơ mộng dữ. Ông Chánh đứng nhìn sang du thuyền và sự tò mò của ông càng tăng khi ống thấy người phụ tá của ông một mình trở lại tàu. Người nào đó trên du thuyền mang tên Tình Nữ kia chắc là đau nặng nằm liệt dưới ca bin ? Ông cũng thắc mắc không hiểu trong trường hợp nào một chiếc du thuyền mỏng manh như thế này, loại du thuyền được chế tạo với mục đích đưa người ta đi chơi ở ven biển, lại đi xa bến của nó là Đà Nẵng đến tận đây ?
Ông Phó bước lên khoang, tay xách cái sắc da và quyển sổ. Ông Chánh hỏi trước:
– Ở bên ấy họ đau hay là chết mất cả rồi ?
– Biến mất. Không có qua một người nào bên đó cả.
Ông Phó trả lời bằng vẻ mặt và giọng nói của kẻ vừa nhìn thấy ma mà vẫn còn nghi ngờ :
– Họ tan biến đi trong không khí. Vụ này y hệt vụ tàu ma Marie Céleste vậy. Thật lạ lùng.
Ông nói tiếp bằng một giọng chen lẫn xúc động :
– Theo nhận xét của tôi, họ phải là hai người trên du thuyền, một người đàn ông và một người đàn bà. Lạ nhất là trước đây một tiếng đồng hồ, còn có ít nhất là một người trên thuyền.
– Chờ ràng dây xong, mình trở sang đó xem xét kỹ một lần nữa. Ông có thấy gì lạ trong sổ Nhật Trình của họ không ?
– Toàn ghi những chuyện lẩm cẩm gần như không dính líu gì tới cuộc hải hành…
Ông Phó tàu đưa cuốn Nhật Trình cho ông Chánh và mở cái sắc :
– Ông coi cái này hấp dẫn hơn này… Toàn đô la xanh. Nếu những người nào đó trên du thuyền có gặp trở ngại, chắc chắn không phải là vì họ thiếu tiền…
Ông Chánh nhìn những sấp giấy bạc màu xanh nằm trong lòng sắc với vẻ khả nghi của người nhìn những tờ bạc giả. Ông cầm vài tờ lên xem kỹ hơn, nhưng không, đó là giấy bạc thật. Toàn là đô la thật của Hoa Kỳ. Đôi lông mày rậm của ông nhíu lại. Như vầy là nghĩa lý gì ? Ông cầm cuốn sổ Nhật Trình đi vào phòng làm việc của ông. Ông Phó xách túi bạc vào theo.
Ông Chánh ngồi vào bàn, đặt quyển sổ bìa cứng lên bàn và lật tìm những trang cuối. Những dòng chữ bay bướm nhảy múa dưới mắt ông :
– Tình yêu… tình yêu… tình yêu như cái chết…
Người Trưởng tầu càng thắc mắc và khó hiểu hơn. Câu cuối cùng của tập Nhật Trình này giống như câu cuối của một quyển tiểu thuyết tình nào đó ông đã đọc ngày xưa. Ông còn nhớ mang máng đó là chuyện của hai người trẻ tuổi yêu nhau tha thiết nhưng định mệnh tàn nhẫn làm cho một người chết vì tai nạn, người yêu còn sống tự ý đi vào cái chết với niềm tin chắc rằng sau khi chết, ở trong cái chết, họ sẽ gặp lại nhau…
Ông lật ngược và đọc nhanh những trang cuối của tập Nhật Trình. Xong, ông từ từ gấp cuốn sổ lại và đi trở ra đứng trên khung cửa sổ nhìn về phiá chiếc du thuyền.
Vài phút yên lặng trôi qua, ông Chánh từ từ nói:
– Khi nào các thủy thủ trở về tàu, ông lại ra lệnh cho tàu mình tiếp tục đi, ông Phó…
Ông Phó ngạc nhiên:
– Mình không quay trở lại sao ông ?
– Quay trở lại làm chi ? Đem du thuyền trở về Đà Nẵng ư? Hay quay lại để tìm xem có xác người nổi quanh đây không ư ? Vô ích. Chúng ta cứ đi. Chúng ta đem tàu này sang Manila cũng được…
– Nhưng thưa ông… chắc chắn phải có người ở quanh đây. Khi tôi lên du thuyền, ấm nước dùng để pha cà phê của họ vẫn còn nóng, cà phê còn trong ly. Du thuyền chỉ chạy có 2 hải lý 1 giờ. Tôi chắc chắn họ chưa bỏ thuyền được lâu. Nếu chúng ta quay trở lại, thế nào cũng tìm thấy họ.
Ông Chánh lắc đầu:
– Không. Chúng ta sẽ không tìm thấy gì đâu. Ông tin tôi đi.
Mặt trời đỏ ối xuống trên biển làm cả mặt biển có màu vàng. Tuy không quay trở lại hẳn đất liền nhưng con tàu chở hàng cũng chạy vòng trở lại và đánh một vòng tròn năm cây số quanh chỗ họ bắt được du thuyền Tình Nữ. Họ đặt một thủy thủ canh chừng trên cao với ống nhòm cực mạnh. Thủy thủ này có nhiệm vụ chiếu ống nhòm nhìn quanh và báo động khi thấy một vật gì lạ có thể nghi là người trôi trên biển. Họ là những thủy thủ nhà nghề và họ biết biển cả đòi hỏi những gì ở họ. Nhưng công lao tìm kiếm của họ đều vô ích. Họ không tìm thấy gì hết, không nhìn thấy gì ngoài những vùng nước bạc mênh mông như sa mạc, màu nước mỗi lúc một thẫm dần cùng với mặt rời lặn xuống…
Khi đêm xuống hẳn, họ ngừng cuộc tìm kiếm để tiếp tục cuộc đi, ông Chánh mở chiếc cặp da trước mặt hai viên sĩ quan của tàu và cùng đếm số tiền Mỹ Kim tìm thấy trên du thuyền. Số tiền lên tới 98,000 Mỹ kim. Tiền được bỏ vào sắc và đặt trong kép sắt của tàu, khoá kín.
Khi ông Chánh làm xong bản báo cáo trường hợp tìm thấy chiếc du thuyền mang tên Tình Nữ bên trên không có người và ghi vụ này trong sổ Nhật Trình của tàu, kim đồng hồ chỉ mười một giờ đêm. Ông Chánh trở vào giường ngủ với quyển Nhật Trình kỳ lạ cuả chiếc du thuyền Tình Nữ. Ông nằm đọc quyển Nhật Trình này để suy nghĩ, để cố tìm ra những sự gì bí mật, rùng rợn hay huyền diệu đã xảy ra trên du thuyền.
Ngọn đèn đọc sách ở đầu chiếc giường nhỏ thủy thủ được bật lên. Ông Chánh mở quyển sổ và thấy một sợi tóc nằm ngang trang giấy. Ông nhẹ hai ngón tay cầm sợi tóc lên soi vào ánh đèn. Sợi tóc đàn bà, dài và đen nhánh mịn và mượt. Ngay cả giờ đây, khi rời xa da thịt, sợi tóc như vẫn còn sống. Đúng như lời ông Phó nói : trên du thuyền phải có hai người, một người đàn ông, và một người đàn bà. Sợi tóc này cho ông Chánh biết rằng ít nhất người đàn bà trên du thuyền đó phải là một người đàn bà đẹp, quyến rũ, đa tình nữa. Ông chợt nhớ đến cái tên Tình Nữ của du thuyền. Đem một người đàn bà đa tình như người đàn bà có sợi tóc này trong lòng chiếc du thuyền nào cũng phải được đặt tên là Tình Nữ. Nếu ông còn trẻ, nếu ông lênh đênh một mình với một người đàn bà đẹp, đa tình trên chiếc du thuyền đó, ông cũng phải đặt tên thuyền là Tình Nữ.
Ông Chánh cảm thấy hơi hối tiếc. Hồi nãy, ông đã ở lại trên chiếc tàu chứ không chịu cùng sang du thuyền với ông Phó để kiểm soát lại thật kỹ du thuyền lần thứ hai. Nếu ông qua đó, có thể ông sẽ tìm thấy những dấu vết gì đó mà ông Phó của ông không tìm thấy. Ông vẫn tin ở sự sáng suốt của người phụ tá của ông nhưng trong một vụ ly kỳ như vụ mất tích có màu sắc tình ái huyền bí này, người đi tìm dấu vết không chỉ cứ sáng suốt là đủ. Mà còn cần nhiều tưởng tượng nữa. Phải là người biết yêu thương, từng yêu đương, từng sung sướng, và đau đớn vì tình yêu mới nhìn thấy tình yêu ở nơi có tình yêu, hoặc ở nơi từng có tình yêu mà nay đã vắng những người từng yêu nhau ở đó.
Ông Chánh tự tin rằng nếu ông lên du thuyền, lên ngay lúc mới tìm thấy du thuyền kia sáng mai thì muộn mất rồi, những dấu vết trên đó có thể đã bị những thủy thủ lên đó trước ông làm mất ; ông có thể đóan biết được một số những sự việc đã xảy ra đưa đến sự mất tích của tất cả mọi người trên thuyền. Chắc chắn đã có một tấn thảm kịch xảy ra trên đó, và thảm kịch chắc chắn cũng mới xảy ra chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ trước khi tàu ông gặp du thuyền. Và cũng đúng như lời ông Phó nói : chắc chắn trước đó một giờ đồng hồ còn phải cóí t nhất là một người trên du thuyền, bằng cớ không thể chối cãi được là ấm nước pha cà phê trên bếp còn nóng, cà phê còn trong ly.
Và giờ này, trong lòng chiếc du thuyền trống, tràn đầy bóng tối, không một người, đang được keó theo con tàu này trên biển kia, biết đâu lại chẳng nhẹ nhàng di chuyển những bóng ma ? Biết đâu linh hồn của kẻ chết chẳng còn vương vấn nơi đó… ?
Người thủy thủ già cố gắng gạt những hình ảnh tưởng tượng ra khỏi óc để chú ý vào việc đọc tập Nhật Trình Tình Nữ…
Ngày… tháng… năm…
Trời nóng bức và người khó chịu, dù là ở trên biển. Các, bạn tôi và cũng là người cộng tác với tôi đã về Saigon. Các về để tìm liên lạc với những người Mỹ thể thao thích săn bắn dưới nước với mục đích đưa họ ra Nha Trang và Đà Nẵng này để chúng tôi có việc làm. Nghề của tôi và Các là nghề thợ lặn và lối thể thao săn bắn dưới nước là một kiểu chơi của những người ngoại quốc giàu tiền, người Á Đông chưa mấy ai biết chơi trò này. Nên khách của hai chúng tôi toàn là người ngoại quốc, đa số là người Mỹ.
Nếu nước ta thanh bình, không cần nhiều, chỉ cần an ninh tối thiểu của người du khác được bảo đảm thôi, chắc chắn sẽ có nhiều du khách ngoại quốc tới thăm viếng nước ta. Nước ta có biển, có rừng, có núi, có đủ các thứ thú dữ và cá lạ. Nhưng tiếc thay, chiến sự dai dẳng mãi làm cho người ngoại quốc có lý do để ngán sợ không tới chơi Việt Nam. Trước đây mấy năm, trong thời miền Nam còn tương đối thanh bình, Các và tôi mở ra văn phòng hướng dẫn săn bắn dưới biển này và có đông khách, chúng tôi sống được ung dung với cái nghề mà chúng tôi thích. Nhưng từ đầu năm nay, thời vàng son của hai chúng tôi qua đi, du khách tới thật vắng. Do đó hôm nay mới có việc Các phải về Saigon tìm mối thân chủ hoặc là tìm công việc khác. Các nghe nói có một hãng Nhật Bản đang định tìm những chiếc tàu Nhật bị phi cơ đồng minh đánh đắm ở biển Việt Nam trong thời thế chiến thứ hai vừa qua để vớt lên, Các nghĩ rằng chúng tôi có thể làm công cho hãng này. Trong vùng duyên hải này, chúng tôi biết khá nhiều nơi có tàu Nhật Bản.
Bây giờ là 10 giờ sáng và tôi ngồi trên một chiếc xuồng kiểm soát lại dàn máy lặn của tôi. Người thợ lặn phải dượt lặn mỗi ngày và lúc nào cũng phải tin chắc ở sự hữu hiệu ở dàn máy lặn của mình, chỉ một sơ thất nhỏ là tính mạng mất luôn. Xuồng tôi đậu gần một cầu tàu vắng và tôi nghe tiếng xe hơi chạy vào cầu tàu.
Một chiếc xe Falcon tuyệt đẹp dừng lại giữa cầu xi măng. Nhưng khi người thiếu phụ từ trong xe hơi bước ra, tôi thấy chiếc Falcon không còn đẹp nữa. Người thiếu phụ này mới thật đẹp, thật lộng lẫy và quyến rũ. Chiếc Falcon mờ nhạt đi bên cạnh nàng.
Nàng bận đầm để lộ cánh tay trần và cặp đùi dài, thon. Nhìn xa, tôi đoán biết là bộ ngực nàng phải nở và cặp đùi nàng phải rắn chắc lắm. Tôi cũng nghĩ tuy nàng là thiếu phụ nhưng chưa có con, dáng đi của nàng mềm mại nhưng vẫn chưa phải là cái mềm của những người đàn bà từng sinh nở.
Ra khỏi xe, đứng trên nền xi măng bắt đầu có hơi nóng nàng nhìn về phiá tôi. Rồi nàng gỡ cặp kiếng đen ra khỏi mắt và đi về phiá tôi. Tôi có cảm giác như cả một khối mật ong ngọt thơm đến gần tôi khi nàng đi tới.
– Chào ông — Nàng gật đầu và nói: — Tôi xin lỗi. Ông có phải là ông Hoàng Chương ?
Tôi đứng dậy:
– Dạ, phải.
Tôi thắc mắc không hiểu sao nàng lại biết tên tôi và nàng gặp tôi có việc gì. Nếu nàng định mướn tôi dẫn nàng làm những cuộc lặn dưới biển xanh này để bắn cá thì tuyệt vời quá. Nghề của tôi ít nhất cũng có cái thú hơn nhiều nghề khác, nhất là hơn nghề thầy thuốc, là tôi chỉ gặp toàn những thân chủ khoẻ mạnh, vui sống, yêu đời.
Sự xuất hiện của người thiếu phụ đẹp và có vẻ giàu tiền, lịch sự và sang này làm cho góc biển đang nắng nóng như dịu mát hẳn đi.
Người thiếu phụ đứng trên cầu tàu cao nhìn tôi như để đánh giá con người của tôi. Rõ ràng là nàng có ý muốn nhờ tôi làm một việc gì đó nhưng còn e ngại, do dự một điều gì đó.
Tôi thấy rõ mặc dầu đây là lần thứ nhất tôi được gặp nàng, rằng người đàn bà này không phải là loại đàn bà thích thú nhìn ngắm đàn ông lạ ở trần. Lúc ấy tôi chỉ mặc một chiếc quần tắm, vì tôi đang sửa soạn nhảy xuống biển. Tuy vậy, trước mắt người đàn bà sang đẹp này, sự sơ sài về y phục của tôi cũng làm tôi khó chịu, nếu tôi còn bận chiếc quần jean thì cũng được đi.
Tôi hỏi lại nàng;
– Bà cần gì tôi ?
Như người đang suy nghĩ đến một chuyện khác, nàng tỏ ra sửng sốt vì câu hỏi của tôi.
– À, tôi muốn hỏi ông một chuyện…
Nàng nhìn quanh như để tìm lối bước xuống xuồng với tôi. Nhìn đôi giầy cao gót của nàng tôi nói:
– Kheó bà té thì nguy, để tôi lên bờ nói chuyện.
Lên đến cầu tàu và đứng trước mặt nàng, tôi thấy rõ chiều cao của nàng. Nàng cao gần bằng tôi, cao và to. Tóc nàng để dài xõa trên vai và màu trắng của chiếc robe càng làm nổi màu hồng mịn của đôi môi và làn má nàng. Đôi mắt nàng trong, đen, mở lớn nhìn tôi. Từ người nàng tỏa ra một mùi thơm hoà với mùi nước biển làm tôi ngây ngất. Bất giác, tôi nghĩ đến cảnh tượng khi người thiếu phụ này yêu đương. Kẻ nào được hưởng thụ nàng chắc chắn phải giàu tiền, giàu uy quyền hoặc phải là kẻ có căn tu từ nhiều kiếp trước.
Tuy thân thể cao to, mắt lớn, miệng lớn và gò má cao nhưng nàng vẫn rất quyến rũ, rất nhiều nữ tính. Bỗng tôi cảm thấy bối rối, ngượng ngùng trước mắt nàng vì những ý nghĩ mang hình ảnh dục tình vừa nổi lên trong óc tôi. Tôi như sợ nàng biết tôi vừa nghĩ đến những chuyện ấy.
Tôi nhắc lại:
– Bà cần gì tôi ?
– Tôi xin tự giới thiệu trước — nàng nói, nét mặt vẫn nghiêm trang và xa xôi, Tôi là bà… Thanh. Chồng tôi là ông Nguyễn Thanh. Tôi được biết ông là chuyên viên săn bắn dưới nước, tôi muốn tới nhờ ông làm cho một việc.
Chúng tôi rời sân nắng để vào dứng dưới bóng mát của nhà kho gần đó. Chiếc Falcon của nàng đậu gần cửa nhà kho, nàng mở cửa xe ngồi vào tay lái và nói chuyện với tôi đứng bên ngoài. Một bàn tay nàng đặt trên vành bánh lái, một tay nàng đặt trên cửa xe. Tôi nhận thấy nàng không mang nhiều nữ trang. Trên tay nàng chỉ có chiếc nhẫn cưới gắn vài hạt kim cương nhỏ và một chiếc đồng hồ đàn bà nhỏ xíu cũng có gắn kim cương. Chiếc đồng hồ nhỏ bằng bạch kim đó chắc phải trị giá cả trăm ngàn chứ không dưới.
Tôi thấy rõ là nàng ngần ngại không muốn nói hoặc là nàng khó nói. Những ngón tay thon của nàng gõ nhẹ trên bánh lái chứng tỏ nàng bối rối, tôi lại hỏi :
– Chuyện gì cần đến tôi, thưa bà ?
Mắt nàng ngước lên nhìn tôi nhưng ngay sau đó, nhìn thẳng ra trước mặt ngay :
– Tất nhiên là việc liên quan đến tài năng chuyên môn của ông. Tôi nhờ ông lặn tìm cho một vật bị rơi chìm dưới nước.
– Ở biển này ? Tôi hỏi
– Không. Ở một hồ nước cách đây chừng 40 cây…
– Vật bị rơi xuống nước là vật gì ?
– Một khẩu súng săn.
– Một khẩu súng săn ? — Tôi mỉm cười — Tôi đang cần việc làm thật nhưng tôi cũng không muốn làm thiệt bà. Tôi nghĩ nếu chỉ là mướn thợ lặn để mò vớt một khẩu súng bắn chim mà thôi, bà có thể mua luôn khẩu súng mới khác, đỡ tốn tiền hơn… Hai nữa, một khẩu súng đã rơi xuống nằm trong bùn nước thì cũng bị hư hại mất rồi. Nước vùng này vẫn là nước mặn.
Tôi thấy rõ đôi mắt của nàng ánh lên sự lo âu, nàng như sợ tôi sẽ từ chối. Dường như nàng cũng biết khá nhiều về nghề chuyên môn của tôi, bởi vì nàng nói:
– Ông sẽ không mất công nhiều đâu, ông cũng không cần mang theo bộ đồ dùng để lặn nhiều giờ dưới biển, chỉ một bình dưỡng khí là đủ. Như khi ông lặn xuống bắn cả biển vậy.
– Tôi hiểu, tuy nhiên tôi vẫn thấy rằng bà nên mua khẩu súng khác thì hơn…
– Để tôi giải thích rõ hơn vì sao tôi phải tìm lại khẩu súng đó cho bằng được. Nó quí và đắt tiền lắm, súng một nòng thôi nhưng nòng súng làm bằng một thứ kim khí đặc biệt, những đường kẻ trong nòng súng được làm bằng bạch kim, cán súng bằng gỗ quí. Khi mua nó, ông chồng tôi đã phải trả số bạc tới 700 đô la.
– 700 đô là ?? Đắt dữ vậy sao ??
Tôi hỏi tiếp:
– Trong trường hợp nào một cây súng đắt tiền như vậy lại rớt xuống đáy hồ được ?
– Nhà tôi ngồi trên thuyền đi săn lúc trời chưa sáng trên hồ và một tai nạn rủi ro làm nhà tôi đánh rớt súng xuống hồ.
Tôi im lặng nhìn nàng vài giây. Tôi thấy rõ là nàng bối rối và nàng vừa nói dối, ít nhất nàng cùng nói một chuyện không đúng sự thật về cây súng nằm dưới đáy hồ. Và tôi suy nghĩ, những câu hỏi liên tiếp theo nhau đến trong óc tôi. Trước hết anh chồng của nàng đâu ?? Hắn đánh rơi cây súng quí ấy xuống hồ, hắn phải là người lặn xuống mò lên chứ ? Tại sao hắn lại để vợ hắn đi ? Tại sao hắn lại mua một cây súng đắt tiền đến thế dùng vào việc đi bắn vịt nước lẩm cẩm ? Những cây súng săn trung bình chỉ trên dưới 100 đô la. 100 đô la cũng đã là đắt lắm rồi. Chắc chắn có sự bí ẩn gì đây trong vụ này.
– Đáy hồ, chỗ chồng bà đánh rớt cây súng sâu chừng bao nhiều thước ? Tôi hỏi
Tia hy vọng sáng lên trong mắt nàng :
– Chỉ từ ba thước rưỡi đến bốn thước.
– Nếu chỉ nông thế thôi thì tôi chỉ bà cách này. Bất cứ một chú bé con nào biết bơi chút đỉnh cũng có thể lấy lên được vật đó cho bà. Bà chỉ phải trả chúng chừng 500 đồng tiền công là xong. Các chú chăn trâu trong vùng có thể lặn xuống bốn, năm thước sâu mà không cần dùng đến đồ nghề rắc rối của thợ lặn. Nếu bà muốn chắc chắn hơn, bà chỉ cần đến các tiệm bán đồ thể thao mua một cái kiếng dùng để nhìn dưới nước. Bây giờ loại kiếng đó đắt lắm là ngàn bạc…
Nàng sửng sốt:
– Ông từ chối không làm dùm tôi ư? Tại sao ? Tôi xin trả công ông theo như ông muốn.
Tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại không sốt sắng đi theo người thiếu phụ đẹp, sang và quyến rũ này. Tôi đang ở trong thời kỳ ngồi chơi sơi nước rất nặng, tức là thất nghiệp, đúng ra tôi đang không có cả nước để mà ngồi uống, trừ nước biển là thứ không ai có thể uống nhiều được. Người thiếu phụ này có vẻ sẵn sàng trả tôi số tiền tôi đòi hỏi. Tôi có thể vẽ vời ra thành một ngày công. Ít nhất, tôi cũng được đi chơi với nàng cả một ngày cho đỡ buồn. Việc nhảy xuống hồ vớt cây súng lên chỉ là một trò trẻ nhưng việc được làm quen với một thiếu phụ kiều diễm như nàng không phải là việc dễ xảy ra.
Tôi nhún vai và nói ra sự thật :
– Tôi từ chối vì lương tâm nghề nghiệp. Người thợ lặn tự trọng không ai chịu đi làm những vớ vẩn mà bất cứ người nào biết bơi chút đỉnh cũng có thể làm được. Nếu việc bà nhờ là một việc nguy hiểm, có thể làm nguy đến tính mạng của người thường, tôi sốt sắng nhận lời ngay.
Thấy tôi quyết liệt, nàng xuống nước năn nỉ:
– Ông giúp tôi mà. Tôi đâu có quen ai biết bơi trong vùng mà nhờ làm việc đó ? Ông nghĩ coi nếu như tôi nhờ một chú chăn trâu nào đến lặn xuống mò dùm, rồi mò không được, chuyện đó sẽ ồn lên, những người lớn hơn sẽ lén tới lặn xuống vào ban đêm, và chúng tôi sẽ mất cây súng. Hai nữa, việc lặn xuống mò tìm được cây súng cũng không phải là dễ đâu. Từ bờ hồ tới chỗ nhà tôi biết là rớt mấy cây súng xa tới ba trăm thước. Chúng tôi không biết đích xác súng rớt xuống chỗ nào trong khoảng ba trăm thước đó.
– Tại sao súng rớt xuống hồ mà ông chồng bà lại không biết ngay là sao ?
– Lúc đó trời còn tối, lại có gió lớn. Nhà tôi sợ gió thổi thuyền lật nên lãng đi không chú ý tới cây súng.
Nàng nói cũng có lý. Có lý về việc cần có một người thợ lặn nhà nghề để tìm vớt lại cây súng thôi, trường hợp chồng nàng làm rớt súng xuống hồ có thể khác hẳn. Sự tò mò tự nhiên nổi lên trong tôi. Tôi muốn biết rõ hơn về vụ này, và nhất là muốn biết rõ hơn về người đàn bà này. Có chuyện gì làm cho nàng sợ hãi ? Tôi cảm thấy rõ ràng là nàng sợ hãi và việc nhờ tôi đi tìm cây súng cho nàng chỉ là một cái cớ để nàng làm quen với tôi. Tôi tin chắc là như thế nhưng tôi cũng biết rằng nàng không có ý làm quen với tôi để dùng tôi như một anh tình nhân khỏe mạnh phục vụ nàng về mặt sinh lý. Nàng có thể đa tình, có thể cần nhiều tình dục nhưng người đẹp như nàng, có vẻ giàu tiền như nàng, nếu nàng muốn, nàng thiếu gì tình nhân. Đàn bà như nàng không cần phải vất vả đi tìm mới có sự thỏa mãn về sinh lý.
Còn tôi, lâu quá rồi tôi không được gần đàn bà. Tôi muốn nói đến đàn bà đẹp, đa tình, da thịt nõn nà và thơm, loại đàn bà khi yêu đương như mặt trùng dương nổi sóng, rung động như bị điện giựt trong vòng tay đàn ông, không phải là loại gái giang hồ mãi dâm da thịt mền như bún và hành nghề như một cái máy. Ý nghĩ về dục tình làm cho mắt tôi nhìn nàng có những tình ý gì khác và nàng cảm ngay thấy nhân diện của tôi. Nàng bối rối hơn và nàng phải quay mặt nhìn ra biển.
Nhưng tôi vẫn chưa chịu nhận lời ngay. Tôi biết là nàng cần tôi tuy chưa biết cần làm gì ? Chắc chắn không phải chỉ để tôi lặn xuống vớt dùm nàng khẩu súng mà tôi tin chắc rằng nàng, hoặc anh chồng nàng, cố ý vứt xuống đáy hồ — và tôi đòi hỏi nàng phải năn nỉ tôi thêm. Ít khi được đàn bà đẹp năn nỉ, tội gì không đòi hỏi hưởng thụ cho đã.
Quả nhiên, nàng phải nói thêm:
– Xin ông giúp tôi.
Với giọng nói ấy, nếu vật nàng bị mất và muốn tìm lại có nằm dưới đáy vực sâu muôn trượng, có bị canh giữ bởi mười con khủng long, hai mươi con bạch tuộc, bốn mươi con giải, tôi cũng sẽ như Dương Qua nhảy xuống vực thẳm để tìm Tiểu Long Nữ.
– Bà muốn bao giờ đưa tôi đến vớt súng cho bà ?
Đôi mắt nàng lại sáng lên:
– Ngay hôm nay thì tốt. Hôm nay ông có thể đi được không ? Nếu ông không có gì bận hôm nay.
– Tôi không bận gì cả. Nói thật với bà là tôi đang thất nghiệp nặng…
– Nếu vậy thì hay quá. Tôi có sẵn xe kia, ông có thể mang theo đồ lặn của ông, bỏ vào thùng xe, chúng ta chỉ đi chừng 45 phút là tới nơi.
– Bà chờ tôi mười phút.
Trở xuống xuồng, tôi xếp lại bộ đồ thợ lặn đang lau chùi đem lên gửi ở nhà kho của bến tàu, tôi lấy trong nhà kho một bình dưỡng khí, cùng cặp kiếng đeo mắt và bận quần áo. Tôi bận sẵn chiếc quần tắm ở bên trong để khi tới hồ có thể sẵn sàng nhảy xuống nước ngay. Khi trở ra xe, tôi thấy nàng ngồi bên cạnh, nhường tay lái chiếc xe cho tôi. Nàng cười, đây là lần thứ nhất tôi thấy nàng cười vui:
– Tôi bơi lội cũng tạm được — nàng nói — Nhưng chưa thử lặn lần nào…
Vô tình tôi đề nghị những cuộc gặp gỡ giữa tôi và nàng mai sau:
– Nếu bà muốn lặn, tôi có thể giúp bà. Người đã biết bơi là có thể lặn được.
Sau khi nói câu đó, tôi cảm thấy bực bội. Tôi lại thắc mắc không biết người đàn bà này có thực sự mướn tôi đi tìm vớt cho nàng một vật đáng giá bị rơi dưới nước hay nàng có ẩn ý gì khác ? Ẩn ý này tất nhiên chỉ có thể là vì dục tình. Tuy đang thất nghiệp cả công việc lẫn ái tình, tôi cũng không hào hứng khi thấy mình có thể được dùng như một thứ đĩ đực.
Ý nghĩ ấy ám ảnh tôi làm tôi mất hứng thú được lái một chiếc xe Falcon mới toanh bên một người đàn bà đẹp. Đáng lẽ tôi phải vui thú vì chuyến đi bất ngờ này mới phải chứ ? Nhưng cũng có thể là người thiếu phụ sang và quyến rũ này đã chán ngấy những anh tình nhân tầm thường nàng muốn thử dùng một chú thợ săn coi sao như những bà mệnh phụ thử dùng những anh kép hát mà họ thường khinh vì thất học và ngu dốt vậy.
Rồi tôi lại nghĩ lại. Cũng có thể tôi nghi oan cho nàng. Cũng có thể là nàng cần đến tài chuyên môn của tôi thật. Từ khi gặp nhau cho đến phút này tôi chưa thấy nàng để lộ một cử chỉ hay một lời nói nào khả nghi là đề nghị chuyện dâm đãng cả. Còn về chuyện nàng quá đẹp, quá quyến rũ thì đó thật không phải là lỗi ở nàng.
Xe ra tới cổng kho, tôi dừng lại để dặn ông gác kho vài câu về sự vắng mặt của tôi. Khu bến tàu này có kho hàng và dù vào mùa này, kho hàng gần như trống rỗng, cũng chẳng có mấy ai ra vào, cổng kho vẫn có người gác cả ngày lẫn đêm. Những ông gác ở đây thường chỉ đọc báo và ngủ gật.
Xe chạy trên con đường ven biển, gió biển thổi lộng vào xe làm tóc nàng bay tung. Nàng mở sắc lấy ra gói Salem và mời tôi. Nàng cũng gắn một điếu lên môi và bật quẹt máy cho tôi mồi thuốc. Tuy nàng có vẻ thản nhiên nhưng tôi cũng để ý thấy nàng hay nhìn lên kiếng chiếu hậu, như để xem có xe nào chạy theo hay không.
Mỗi lần nhìn nàng, tôi lại thấy cặp đùi dài, thon và chắc chắn là chắc nịch của nàng lồ lộ trên ghế. Nàng bận jupe và ngồi trong xe hơi, gấu jupe của nàng lên cao hơn đầu gối. Cặp đùi ấy làm tôi xúc động và ảnh hưởng đến tay lái, nên tôi tránh nhìn nàng để chú ý vào việc lái xe. Nàng gợi chuyện:
– Tôi có đọc được một bài báo dài về ông Hoàng Chương trong tờ Thể Thao. Có cả hình của ông nữa.
Tôi mỉm cười. Trong bài báo đó tôi được ca tụng qúa kỹ. Người ký giả viết bài đó là bạn học cũ của tôi. Anh quảng cáo tôi tận tình, anh kể cả “chiến công” của tôi khi tôi còn phục vụ quân đội trong đội người Nhái ở căn cứ Hải Quân Cam Ranh. Trong những trận chiến đấu với Người Nhái Việt Cộng có lần tôi hạ được hai anh. Một lần khác tôi bị thương vì mìn nổ chậm của kẻ địch gắn vào thân tàu của ta.
– Nhờ may mắn tôi quen được với ông bạn ký giả — tôi nói — Anh ấy đề cao tôi quá đáng.
Không nói là tôi khiêm nhượng như tôi tưởng nàng hỏi tiếp :
– Tại sao ông không tiếp tục nghề Người Nhái ở trong quân đội ?
– Tôi thấy tôi đã có tuổi, ít nhất tôi không còn trẻ lắm để phục vụ được đắc lực. Quân đội mình bây giờ có nhiều người Nhái tài nghệ thần sầu lắm. Có điều những công tác của người Nhái đều là công tác mật, không được phổ biến nên người ngoài không biết mà thôi. Có phải vì đọc bài báo ấy mà bà biết tên tôi không ?
– Thưa vâng.
Nàng hỏi tôi, đôi mắt nhìn thẳng trên con đường trước mắt :
– Ông có gia đình chưa ?
– Tôi đã lấy vợ một lần, nhưng vì cuộc sống của tôi không cho phép tôi đáp ứng được n&a