Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Mr. Cà Vạt

Taguchi Hiro, 20 tuổi, sống như một “ẩn sĩ đô thị – Hikikomori” giữa Tokyo náo nhiệt, cậu không rời khỏi nhà trong suốt hai năm liền và chẳng tương tác với bất kì ai. Khi Hiro quyết định quay lại với thế giới, cậu dành cả ngày ngồi trên ghế băng công viên và quan sát cuộc sống xung quanh. Cậu tình cờ gặp gỡ một người đàn ông trung niên vốn là nhân viên kinh doanh vừa thất nghiệp. Ông ấy không dám nói sự thật với vợ mà ngày nào cũng mặc comple, cà vạt ra khỏi nhà rồi giết thời gian ở cái ghế băng gần đó. Khi Hiro và người đàn ông này mở lòng cho nhau, họ khám phá ra điểm chung trong nỗi buồn của mình…

Một câu chuyện chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa về góc nhìn cuộc sống. Tác phẩm đã bán được hơn 100.000 bản, được dựng thành kịch và giành được nhiều giải thưởng sách. Cuốn tiểu thuyết này cũng được dịch sang nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp và Tây Ban Nha.

Tiểu thuyết Mr. Cà Vạt phiên bản tiếng Việt do dịch giả Lê Quang chuyển ngữ.

***

Đôi điều về tác giả

Milena Michiko Flašar sinh năm 1980 tại St. Pölten (Áo). Cô học Văn học so sánh, Đức ngữ, Ngôn ngữ Roman tại Viên và Berlin. Mẹ cô là người Nhật và bố là người Áo, hiện cô là nhà văn sống tại Viên.

Tiểu thuyết “Mr. Cà Vạt” đã. bán được hơn 100.000 bản, được dựng thành kịch và giành được nhiều giải thưởng sách. Cuốn tiểu thuyết này cũng được dịch sang nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp và Tây Ban Nha.

“Vì tôi không muốn cảm thấy nỗi cay đắng nên tôi không câm nhận được nó. Một nỗ lực của ý chí. Đó là món nợ của tôi đối với chính tôi.”

***

Tôi gọi chú ấy là Mr. Cà Vạt.

Chú khoái cái tên ấy. Nó làm chú bật cười. Tôi muốn lưu giữ hình ảnh chú trong trí nhớ với những vạch xám đỏ trên ngực.

Từ khi gặp chú ấy lần cuối đến hôm nay đã bảy tuần trôi qua. Trong bảy tuần ấy cỏ đã úa cằn. Ve kêu ran ran trong các tán cây. Sỏi rào rạo dưới chân tôi. Công viên thật cô quạnh trong ánh nắng trưa chói chang. Nụ hoa hé nở trên những cành cây rũ rượi sà xuống đất. Không ngọn gió nào lay động chiếc khăn tay xanh xám vương trong bụi cây. Không khí nặng trĩu đè xuống mặt đất. Tôi là con người bị bóp thành một nắm. Tôi chia tay với một người không bao giờ quay lại nữa. Từ hôm qua tôi biết thế. Chú ấy không trở lại nữa. Trên đầu tôi căng cứng một bầu trời đã nuốt chửng chú ấy - mãi mãi?

Tôi vẫn chưa thể tin là sự chia tay của chúng tôi đã được an bài. Trong hình dung của tôi, chú ấy có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, có thể ở một hình dạng khác, có thể với gương mặt khác, để ném cho tôi ánh mắt nhắn nhủ: Chú đây mà! Đầu ngoảnh về hướng Bắc, mỉm cười theo hướng mây bay. Có thế chú ấy sẽ xuất hiện. Vì thế mà tôi ngồi đây.

Cái ghế băng tôi đang ngồi là ghế băng của hai chúng tôi. Trước khi trở thành ghế của chúng tôi thì nó là của tôi.

Tôi tới đây để chắc chắn một điều rằng vết rạn li ti trên tường chạy ngang bên trên giá sách là có thật - trong phòng cũng như bên ngoài. Ròng rã hai năm tôi chỉ trân trối ngắm nó. Ròng rã hai năm trong phòng mình, trong nhà cha mẹ mình. Tôi nhắm mắt lại và dõi theo vết rạn đứt quãng. Nó ở trong đầu tôi, chạy tiếp ở đó, hòa tan vào tim và huyết quản của tôi. Bản thân tôi là một vạch vô hồn. Da tôi xám ngoét như xác chết vì cớm nắng. Đôi khi tôi khao khát được chạm vào nó. Tôi hình dung sẽ đi ra ngoài để rốt cục ngộ ra một điều: Có những không gian mà ta không bao giờ thoát ra khỏi.

Rồi một buổi sớm mai tháng Hai tôi chịu thua niềm khát khao của mình. Qua kẽ hở giữa hai tấm màn cửa, tôi thấy một bầy quạ. Chúng chấp chới bay lên bay xuống, cánh chúng phản chiếu ánh nắng khiến tôi chói mắt. Mắt đau nhói, tôi sờ soạng dọc theo tường phòng mình đến cửa, đẩy toang ra, mặc áo choàng và đi giày, thấy hơi chật, đi ra ngoài, đi tiếp, qua những dãy nhà và bãi trống. Trời lạnh mà trán tôi túa mồ hôi và tôi thấy thỏa mãn lạ lùng: Tôi vẫn đi được. Tôi vẫn có thể đặt chân nọ trước chân kia. Tôi chưa quên. Mọi cố gắng để lãng quên té ra vô ích.

Tôi không cố tự đánh lừa mình. Trước sau thì tôi vẫn muốn là chính mình. Tôi không muốn chạm trán ai cả. Chạm trán ai đó nghĩa là bị lôi vào chuyện nào đó. Sẽ có một sợi dây vô hình được bện nên. Nối người với người. Vô số sợi. Chằng chịt. Chạm trán ai đó nghĩa là trở thành một phần mớ bòng bong đó, và tôi không muốn thế.

Mỗi khi nhớ lại lần đầu tiên bước ra ngoài - vì có lẽ một tù nhân luôn mang hình ảnh phòng giam bịt chấn song trong đầu sẽ luôn có cảm giác ấy, sẽ luôn biết rõ mình không được tự do - vâng, mỗi khi nhớ lại lần đầu tiên bước ra ngoài là tôi thấy mình giống như một nhân vật trong phim đen trắng được di chuyển giữa một cảnh trí sặc sỡ. Màu sắc rú rít lên quanh tôi. Taxi vàng, hòm thư đỏ, biển quảng cáo xanh. Tiếng rú rít của chúng làm tôi điếc đặc.

Tôi dựng cổ áo, rẽ ở góc phố và cẩn thận không vấp phải chân ai. Nghĩ đến cảnh ống quần mình quệt phải một gấu áo choàng khi đi ngang một ai đó là tôi sởn tóc gáy. Tôi ép chặt cánh tay vào mạng sườn và đi, đi, đi, không nhìn sang phải, không nhìn sang trái. Ghê rợn nhất là hình dung ra hai tia mắt quấn chặt lấy nhau trong một khoảnh khắc tình cờ. Đọng lại trong nhau vài giây. Không thể giãy nhau ra. Phát buồn nôn. Tôi là cái bình đựng hai tia mắt ấy. Đầy oặp. Càng đi tiếp thì tôi càng cảm nhận rõ hơn trọng lượng cơ thể mình. Như một hình nhân bốc hơi giữa các hình nhân khác. Một bóng người va vào tôi. Tôi không kìm được nữa. Một tay bụm miệng, tôi chạy vào công viên và nôn thốc tháo.

Tôi biết công viên này và biết cả cái ghế băng dưới gốc tuyết tùng. Thời thơ ấu xa xôi. Giá mà có mặt ở đây thì mẹ sẽ vẫy tôi lại gần, bế tôi lên lòng và giơ ngón trỏ lên giải thích thế giới cho tôi hiểu. Nhìn kìa, đó là con chim sẻ! Nó kêu chíp chíp. Hơi thở của mẹ phả trên má tôi. Nhồn nhột nơi gáy. Tóc mẹ đung đưa nhè nhẹ. Khi ta còn bé, rất bé, bé đến nỗi tin rằng cứ bé thế mãi, lúc đó thế giới là một chốn thân thiện. Tôi nghĩ thế khi nhận ra nó. Cái ghế băng thời thơ ấu. Trên cái ghế đó tôi đã học được rằng chẳng có gì ở mãi nguyên trạng như hiện tại, và dù vậy vẫn bõ công được tồn tại trên thế giới này. Tôi vẫn học tiếp.

Nếu có mặt ở đây có lẽ chú ấy sẽ nói: “Đó là một quyết định.”

Và đúng thế, tôi quyết định bước lên thảm cỏ, đi tới cái ghế băng và dừng chân trước nó. Tôi đứng đó một mình, xung quanh lặng ngắt. Không có ai ở gần để bắt gặp tôi đi quanh cái ghế, đi thêm vòng nữa, ngày càng lượn sát vào nó. Cuối cùng chỉ có vị trong miệng khi tôi ngồi xuống ghế. Ước mong lại được là thằng con nít. Lại được nhìn đời bằng cặp mắt sửng sốt. Tức là mắt tôi đổ bệnh trước tiên, chỉ sau đó tim tôi mới lây theo. Và cứ thế tôi ngồi trong bộ đồ quá mỏng. Da tôi còn mỏng hơn, bao bọc thân hình tôi đang run rẩy.

Mời các bạn đón đọc Mr. Cà Vạt của tác giả Milena Michiko Flašar & Lê Quang (dịch).