Khi nhận viết lời giới thiệu cho cuốn sách Bí mật của Người kể chuyện của Alpha Books, tôi cảm thấy rất thú vị và không kém phần hồi hộp về chủ đề rất hay này. Cũng bởi trong quá trình nghiên cứu và chia sẻ về storytelling – nghệ thuật kể chuyện, tôi hay nhận được những câu hỏi khó lòng thỏa mãn hết của rất nhiều bạn: “Cô Thu ơi, bí kíp gì để kể chuyện hay?”
Cuốn sách này sẽ “bật mí” cho các bạn 19 “bí kíp võ công” được “tinh luyện” từ những “môn phái” nổi tiếng về các loại “võ kể chuyện” khác nhau.
Zack King, nhà làm phim, ảo thuật gia nổi tiếng từng nói: “Tất cả chúng ta đều là người kể chuyện.” Liệu có phải vậy không?
Chúng ta kể chuyện để bán ý tưởng. Chúng ta kể chuyện để thuyết phục nhà đầu tư rót vốn cho bạn. Chúng ta kể chuyện để giáo dục học sinh, sinh viên. Chúng ta kể chuyện để truyền cảm hứng cho đội nhóm. Hay chúng ta vẫn đang kể chuyện để khuyến khích con cái tận dụng hết tiềm năng của chúng. Thậm chí là những câu chuyện mang tính chất “đe dọa” khi ai đó không cam kết đi theo hành trình. Mỗi ngày, chúng ta đều giao tiếp bằng kể chuyện.
Vậy làm sao để kể những câu chuyện hay? Làm sao kể chuyện chinh phục người nghe?
Năm 1985, chỉ với 16 phút kể chuyện, Martin Luther King đã khiến hơn 250.000 người nghe quyết tâm đứng lên chống lại nạn phân biệt sắc tộc da.
Năm 2005, chỉ với 15 phút và ba câu chuyện, Steve Jobs đã tạo ra làn sóng hò reo cho các sinh viên Standford và thu hút hơn 20 triệu lượt xem trên YouTube.
Năm 2013, với việc chọn kể chuyện trong thuyết trình, Nhật Bản đã thành công trong việc đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic 2020.
Họ đã làm điều đó như thế nào?
Họ đã nắm được những kỹ thuật để kể các câu chuyện hay. Và bạn cũng có thể làm điều đó. Tất cả bắt đầu bằng việc đọc cuốn sách này.
Cuốn sách Bí mật của Người kể chuyện đã nói đến 50 người kể chuyện từ nhiều lĩnh vực khác nhau, mang lại cho chúng ta nhiều góc nhìn đa dạng, mới mẻ. Sách có bố cục rõ ràng, dễ hiểu, dễ chắt lọc thông tin. Mỗi chương trong cuốn sách đều có phần phân tích chi tiết các công cụ của mỗi người kể chuyện, lý do tại sao chúng hiệu quả và cách để chúng ta có thể áp dụng chúng. Tôi đánh giá rất cao các phân tích này. Vì chúng giúp ta hiểu thấu đáo hơn và biết cách áp dụng vào thực tiễn tốt hơn. Điều đặc biệt nữa là sau mỗi chương đều có tóm tắt ngắn gọn về bài học mà chúng ta có thể rút ra. Mọi thứ đều rất cô đọng và có tính ứng dụng cao.
Tôi cũng cực kỳ thích phong cách sử dụng ngôn từ cụ thể và hữu hình của Carmine Gallo – tác giả của rất nhiều đầu sách hay về thuyết trình. Hùng biện kiểu TED và Steve Jobs – Những bí quyết đổi mới và sáng tạo là hai trong số nhiều cuốn sách nổi tiếng của ông đã được Alpha Books biên dịch và xuất bản sang tiếng Việt.
Ở phần cuối của cuốn sách cũng có hai phần rất thú vị về “tóm tắt các bí mật của người kể chuyện” và “danh sách của người kể chuyện”, giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể về những điều quan trọng. Và khi đã nắm được các bí mật kể chuyện này, bạn hoàn toàn có thể áp dụng vào bất kỳ hình thức giao tiếp nào: hùng biện trước đám đông, thuyết trình PowerPoint, viết blog, e-mail, quảng cáo và cả marketing nữa.
Xu hướng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nghệ thuật kể chuyện – storytelling vẫn sẽ là chìa khóa vàng cho mọi kế hoạch truyền thông, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp hay cá nhân. Storytelling vẫn sẽ là sợi chỉ đỏ kết nối con người với nhau trong kỷ nguyên của công nghệ số hóa, và là mảnh ghép xanh cần thiết lấp đầy những khoảng trống trong các phương thức giao tiếp hiện nay.
Với tất cả những điều đó, tôi trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cuốn sách mới của Alpha Books – Bí mật của Người kể chuyện, mà với tôi, nó là một cuốn sách rất hay! Tin rằng khi chắt lọc những thông tin hữu ích này, các bạn sẽ có thể đánh thức khả năng kể chuyện trong chính mình, thổi hồn và truyền cảm hứng cho nhiều người qua câu chuyện của chính bạn.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Bùi Ngọc Thu
Chuyên gia huấn luyện và khai vấn về Storytelling
Founder of Presentation by Storytelling
CEO & Founder of ICTS Training & Coaching
***
Tôi đang nằm sõng soài.
Tôi vừa mới bị trượt chân trên một tảng băng bên ngoài căn hộ rộng hơn 46m2 của mình tại Tây Wisconsin. Hôm ấy, nhiệt kế chỉ 0o, nhưng trong gió lạnh nhiệt độ có thể thấp hơn tới 20o nữa. Tôi làm rách bộ com-lê duy nhất của mình, một bộ cánh đắt tiền của Ý mà tôi rất tự hào khi mua được ở San Francisco vài ngày trước – trước khi bước vào xe và lái 2.000 dặm đến nhận công việc người dẫn chương trình tin tức.
Khi nằm trên vỉa hè giữa làn gió lạnh buổi sáng, nhìn lên những căn hộ bẩn thỉu trong khu phố tồi tàn nhất của thành phố, những câu hỏi liên tiếp vụt qua trong đầu tôi: Liệu tôi có quyết định đúng khi ngừng học trường Luật – lựa chọn “an toàn” – để theo đuổi đam mê của mình – một sự nghiệp trong ngành báo hình? Liệu tôi sẽ chỉ kiếm được 15.000 đô-la mỗi năm trong suốt phần còn lại của cuộc đời? Liệu cha tôi, người đã đặt chân lên bờ biển nước Mỹ với tư cách là một người nhập cư từ Ý với chỉ 20 đô-la trong túi sau Thế Chiến II, có tự hào về quyết định của tôi, hay người đã từng phải vào trại tù binh chiến tranh này cảm thấy con trai ông đang lãng phí cơ hội để thành công ở Mỹ?
Lúc đó, tôi không trả lời được câu hỏi nào, nhưng đã đưa ra hai kết luận. Thứ nhất, nếu bạn chỉ có vừa đủ 400 đô-la tiền thuê nhà hằng tháng, lựa chọn tốt nhất là chi tiền cho những bộ com-lê mua một tặng một, nếu được khuyến mại thêm thì càng tốt. Thứ hai, việc đuổi theo đam mê sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí còn kinh khủng hơn tảng băng mà tôi vừa mới đập đầu vào. Với những suy nghĩ đó, tôi lồm cồm bò dậy, nhặt giấy tờ vương vãi trên vỉa hè đóng băng, phủi tuyết khỏi bộ quần áo và tiếp tục đi tới chỗ làm. Tôi vẫn chưa chuẩn bị cho mùa đông ở Wisconsin, nhưng đã chuẩn bị để đối mặt với bất kỳ chướng ngại nào sắp tới. Bởi suy cho cùng, bạn không thể chọn niềm đam mê cho mình, mà nó chọn bạn.
25 năm sau, một lần nữa tôi nhận thấy mình đang tự hỏi: Tại sao tôi lại ở đây? Vào tháng Năm năm 2014, tôi được mời tới diễn thuyết tại một hội thảo đặc biệt cho những nhà khởi nghiệp và CEO tại Khosla Ventures Summit trong một khu nghỉ dưỡng dưới chân Cầu Cổng Vàng ở Hạt Marin. Người tổ chức sự kiện, tỷ phú chuyên đầu tư mạo hiểm Vinod Khosla, đã đích thân mời tôi mặc dù ban đầu tôi không hiểu tại sao. Những diễn giả khác bao gồm Bill Gates; hai nhà sáng lập Google là Sergey Brin và Larry Page; CEO hãng Salesforce, Marc Benioff; cựu Bộ trưởng Ngoại giao Condoleezza Rice; và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Trong bữa ăn sang trọng của buổi tối đầu tiên tại hội thảo, tôi cảm thấy mình là người duy nhất trong phòng cần phải được giới thiệu. Tôi băn khoăn tự hỏi vai trò của mình tại sự kiện đó: Tôi không phải là tỷ phú, cũng không phải là người tìm ra thuốc chữa bệnh đậu mùa, hay là người điều hành cả một đất nước. Vậy tại sao tôi lại ở đây?
Nhưng Khosla ngay lập tức khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn khi bước lên sân khấu, nói với tất cả những nhà khởi nghiệp trong khán phòng, rằng: “Tất cả các bạn là những người cực kỳ tuyệt vời, và đó là lý do tôi đã đầu tư vào bạn. Nhưng nhiều người trong số các bạn không thể kể một câu chuyện khơi gợi cảm xúc, chính vì thế tôi đã mời tới đây Carmine Gallo để diễn thuyết.”
Mặt khác, tôi kinh ngạc nhìn quanh phòng và nhận ra, tất cả những người ngồi ở đó đều đã là những người kể chuyện. Thực tế, tôi từng viết về những người nổi tiếng và phương pháp giao tiếp hiệu quả của họ. Và những nhà khởi nghiệp trẻ tuổi đầy ấn tượng ngồi ở hàng ghế khán giả cũng đều là những người kể chuyện. Một số người làm việc này hiệu quả hơn người khác, nhưng tất cả đã đều phải học để kể được một câu chuyện của riêng mình nếu họ hy vọng thay đổi thế giới bằng những ý tưởng của bản thân. Thực chất, những người nổi tiếng bậc nhất đã hiểu những gì mà các nhà thần kinh học và nhà nghiên cứu chỉ mới bắt đầu thấu hiểu: Một câu chuyện khách hàng đầy cảm xúc và sống động có sức thuyết phục hơn nhiều so với 85 slide PowerPoint chứa đầy số liệu. Một người có thể có ý tưởng tuyệt vời nhưng nếu người đó không thể truyền cảm hứng cho người khác tin vào ý tưởng của mình, mọi thứ chỉ là vô ích.
Điều khiến tôi còn kinh ngạc hơn khi tương tác với nhóm đó chính là tất cả những nhà khởi nghiệp thành công nhất và nhà tư tưởng hàng đầu này – những bậc thầy giao tiếp trong nhiều lĩnh vực, và nhiều người trong số đó có vẻ giống như những người kể chuyện bẩm sinh – đều rất nóng lòng được học hỏi thêm về những yếu tố căn bản và vô cùng quan trọng để trình bày về bản thân, ý tưởng, và công việc. Họ nhận ra những tiềm năng to lớn của việc cải thiện từng chút một.
Khi hội thảo Khosla diễn ra, tôi đang nghĩ tới chủ đề cho cuốn sách tiếp theo. Trước đó, tôi đã diễn thuyết rất nhiều để quảng bá cho cuốn Talk Like TED (Hùng biện kiểu TED)(*), trong đó giải mã những bí mật về thuyết trình của những nhà tư tưởng và nhà khởi nghiệp hàng đầu thế giới, đã khiến khán giả phải kinh ngạc trên sân khấu TED. Khi đi vòng quanh đất nước để quảng bá cuốn sách, tôi nhận thấy bất kể khán giả ở nơi tôi đến là ai đi nữa, một chương trong cuốn sách đó luôn có tác động mạnh mẽ nhất với họ: Cách các diễn giả TED làm chủ nghệ thuật kể chuyện – những câu chuyện hay nhất dường như là nền móng của mọi hình thức giao tiếp hiệu quả. Khi tương tác với khán giả, tôi nhận ra nghệ thuật kể chuyện nắm giữ chìa khóa không chỉ cho một bài TED talk hoàn hảo, mà còn cho cả sứ mệnh lớn lao hơn để tận dụng hết tiềm năng của mỗi người.
(*)Cuốn sách đã được Alpha Books mua bản quyền và xuất bản năm 2017. (BTV)
Tôi nhận ra tầm quan trọng của việc kể chuyện không chỉ trong quá trình quảng bá cho cuốn sách của mình, mà còn trong nhiều bối cảnh khác. Khi tôi phỏng vấn nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng Ben Horowitz, ông đã nhận xét rằng đối với các nhà khởi nghiệp: “Kể chuyện là kỹ năng thường bị đánh giá thấp nhất.” Richard Branson đã viết một bài blog về cách sử dụng nghệ thuật kể chuyện để đem lại sự thay đổi. Trên một chuyến bay mà tôi được ngồi cạnh một chuyên viên bán hàng của Salesforce, anh ta nói: “Chúng tôi có một cách mới để ghi lại mọi nhận xét của khách hàng trên video, nhưng chúng tôi đang rất chật vật sử dụng chúng để kể được một câu chuyện.” Trên chuyến bay khác tới Paris, tôi gặp một giám đốc của gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu SAP, và ông nói: “Công ty của chúng tôi vừa mới thuê một giám đốc marketing mới, với chức danh ‘Giám đốc Kể chuyện’. Trong khi công ty của tôi đang đơn giản hóa câu chuyện của mình ở mức độ vĩ mô, thì tôi lại đang vật lộn để đơn giản hóa câu chuyện của mình trên PowerPoint. Người ta từng nói với chúng tôi rằng các bài thuyết trình không nên dài hơn một bài hùng biện kiểu TED 18 phút.”
Cố gắng để kể chuyện một cách hiệu quả và ngắn gọn trở thành một thử thách khó khăn với nhiều người. Trên một chuyến đi khác, tôi gặp những giám đốc cấp cao của một công ty toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng. Và họ nói với tôi rằng CEO của công ty đã đưa ra yêu cầu mới: Tất cả các bài thuyết trình bán hàng không được dài quá 10 slide. “Làm thế nào chúng tôi có thể kể câu chuyện của mình chỉ trong 10 slide được?” ông ta hỏi. Trên cùng chuyến đi đó, một giám đốc sắp gặp Thủ tướng Việt Nam vào tuần sau đã hỏi tôi: “Làm thế nào tôi có thể kể cho ông ấy trong 20 phút câu chuyện chúng tôi là ai, lý do chúng tôi hoạt động trong ngành này, và lý do Việt Nam nên hợp tác với công ty chúng tôi chứ không phải với công ty đối thủ của chúng tôi?” Tôi đã từng gặp CEO của những công ty lớn nhất thế giới và cả các nhà khởi nghiệp trẻ tuổi đang chuẩn bị bài thuyết trình định đoạt thành bại cả đời trên chương trình Shark Tank của kênh ABC. Họ đặt ra cùng một câu hỏi: Làm thế nào tôi có thể kể được câu chuyện đằng sau ý tưởng của mình?
Tất cả chúng ta đều là “những người kể chuyện.” Chúng ta không tự gọi mình là những người kể chuyện, nhưng chúng ta làm điều đó hằng ngày. Mặc dù chúng ta vẫn chia sẻ các câu chuyện trong hàng nghìn năm, nhưng những kỹ năng mà chúng ta cần để thành công trong thời đại công nghiệp rất khác so với ngày nay. Khả năng bán những ý tưởng của chúng ta dưới dạng câu chuyện trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Những ý tưởng chính là tiền tệ của thế kỉ XXI. Trong thời đại thông tin, kinh tế tri thức, bạn chỉ có giá trị ngang với những ý tưởng của mình. Câu chuyện là phương tiện để chúng ta truyền đạt các ý tưởng đó cho người khác. Đóng gói ý tưởng với cảm xúc, bối cảnh và sự liên quan chính là kỹ năng quan trọng nhất có thể khiến bạn trở nên có giá trị hơn trong thập niên tiếp theo.
Kể chuyện chính là hành động diễn đạt ý tưởng dưới dạng một câu chuyện để truyền đạt thông tin, soi sáng và truyền cảm hứng. Bí mật của Người kể chuyện nói về những câu chuyện mà bạn sẽ kể để thúc đẩy sự nghiệp, xây dựng công ty, trình bày một ý tưởng và biến giấc mơ thành hiện thực.
Khi trình bày về sản phẩm hoặc dịch vụ cho một khách hàng mới, bạn đang kể chuyện. Khi hướng dẫn đội nhóm hoặc dạy học, bạn đang kể chuyện. Khi xây dựng bài thuyết trình PowerPoint cho buổi gặp mặt bán hàng tiếp theo, bạn đang kể chuyện. Khi đến phỏng vấn xin việc và nhà tuyển dụng hỏi về những kinh nghiệm trước đây của bạn, bạn đang kể chuyện. Khi viết e-mail, blog hoặc bài đăng trên Facebook, quay video cho kênh YouTube của công ty, bạn đang kể chuyện. Nhưng có sự khác biệt giữa một câu chuyện, một câu chuyện hay và một câu chuyện có ý nghĩa đột phá giúp xây dựng niềm tin, thúc đẩy doanh số và truyền cảm hứng cho người khác về giấc mơ lớn hơn.
Trong phần này, tôi sẽ giới thiệu cho bạn một số người kể chuyện xuất sắc nhất ở thời đại của chúng ta: Richard Branson, Howard Schultz, Sheryl Sandberg, Joel Osteen, Herb Kelleher, Gary Vaynerchuk, Mark Burnett, Oprah Winfrey, Elon Musk, Steve Wynn, Tony Robbins, Steve Jobs và một số người khác mà bạn có thể chưa biết lắm, nhưng cũng đã trở thành những người dẫn đầu trong lĩnh vực của họ nhờ vào khả năng kể các câu chuyện có ý nghĩa lớn lao. Nhiều người được đề cập trong cuốn sách này đã có những bài phát biểu trên TED được chia sẻ rộng rãi trên mạng, không phải vì các dữ liệu họ trình bày, mà bởi những câu chuyện họ đã kể. Các ý tưởng được nhiều người tin tưởng cũng thường được kể dưới dạng câu chuyện.
Tôi đã đích thân phỏng vấn rất nhiều người kể chuyện trong cuốn sách này. Tất cả họ đã làm chủ được nghệ thuật và khoa học kể chuyện để truyền cảm hứng, động lực và sau cùng là thuyết phục những người khác thực hiện các hành động mong muốn. Tất cả họ đều đã phải đối mặt với nhiều khó khăn và luôn sẵn sàng chia sẻ những bài học mà họ nhận được.
Một trong những kết luận cốt lõi của cuốn sách này chính là việc đa số những người kể chuyện giỏi nhất đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, và họ đã biến chúng thành thắng lợi. Những thất bại khiến họ trở nên thú vị hơn, bởi như bạn sẽ thấy sau đây, tất cả chúng ta sinh ra đều đã yêu thích câu chuyện của những người từ tay trắng trở nên giàu có.
Chiến đấu là một phần của tự nhiên, chính vì lý do đó, chúng ta thường bị thu hút bởi các câu chuyện kể về những khó khăn mà người khác phải trải qua. Ngọc trai, kim cương và rượu đại diện cho chiến thắng của tự nhiên trước những khó khăn. Ngọc trai được hình thành khi con trai tự bảo vệ mình trước những hạt cát khó chịu. Kim cương được tạo thành dưới sức ép và nhiệt độ vô cùng lớn trong lớp vỏ Trái đất. Và những loại nho ngon nhất lại thường đến từ những rặng núi dốc đứng hay những vùng đất sỏi đá, gây sức ép lên bộ rễ để sau cùng tạo nên những quả nho thơm ngon; chúng có “khí chất” cao nhất. Tất cả chúng ta đều thích những câu chuyện mà ở phần cuối có một viên kim cương, một kết thúc có hậu cho cuộc đấu tranh. Những nhà lãnh đạo truyền cảm hứng vẫn thường kể câu chuyện vượt qua khó khăn để tạo nên sự gắn bó về mặt cảm xúc với khán giả. Hãy trân trọng những gì bạn đã trải qua, bởi đó chính là thứ tạo nên huyền thoại và di sản.
Kể chuyện không phải là việc chúng ta làm. Kể chuyện là chính bản thân chúng ta.
***
Chúng ta có thể sử dụng nghệ thuật kể chuyện để thúc đẩy sự thay đổi.
– Richard Branson
Trên một mảnh đất nhỏ bé ở Quần đảo British Virgin, một nhóm các nhà khởi nghiệp tham vọng chia sẻ lãnh thổ đó với những cư dân lâu năm: hồng hạc, một con rùa chân đỏ, và 35 con vượn cáo Madagascar. “Trên thế giới chỉ còn 200 con vượn cáo mà thôi,” Richard Branson giải thích khi một con vượn cáo cố nhảy từ cây này sang cây khác. “Và nếu con này không thực hiện thành công cú nhảy, sẽ chỉ còn 199 con,” Branson nói đùa.
Những loài động vật quý hiếm là món quà mà chúng ta phải trân trọng, còn các nhà khởi nghiệp đang hy vọng sẽ nhận được món quà tài chính từ Branson, chủ sở hữu của hòn đảo. Nhà sáng lập Tập đoàn Virgin sở hữu 30ha của thiên đường nhiệt đới đầy sức sống có tên Đảo Necker này. Đây là ngôi nhà và nơi trú ẩn của ông. Ngày hôm đó cũng là ngày diễn ra cuộc thi Extreme Tech Challenge, một trong những cuộc thi hùng biện khác thường nhất mà thế giới từng biết tới. Các thí sinh của vòng chung kết – một số người đã được chính tôi huấn luyện để kể câu chuyện về sản phẩm của họ một cách hiệu quả hơn – tới đây để bán ý tưởng của mình cho Richard Branson.
Bill Tai, một nhà đầu tư mạo hiểm lâu năm kiêm nhà tài trợ của cuộc thi hùng biện này, đã đầu tư vào các công ty từ năm 1991. Tai đã chứng kiến nhiều làn sóng công nghệ tại Thung lũng Silicon và biết rằng lúc này đây, hơn bao giờ hết, khả năng truyền đạt ý tưởng một cách đơn giản và rõ ràng, đồng thời có thể kể các câu chuyện hấp dẫn chính là yếu tố vô cùng quan trọng để bất cứ ai trở nên nổi bật trong cuộc đua cạnh tranh ý tưởng. Các chuyên gia kỹ thuật và nhà khoa học không còn chỉ nói chuyện với đồng nghiệp nữa. Nếu họ không thể giải thích những lợi ích của sản phẩm cho khách hàng, các ý tưởng của họ sẽ không thể thu hút được ai. Họ phải dịch ngôn ngữ chỉ toàn những bit và byte thành một câu chuyện mà mọi người tiêu dùng đều hiểu được. Tai nhận thấy sự đồng điệu ở Richard Branson, người cực kỳ tin tưởng vào nghệ thuật kể chuyện để thúc đẩy sự thay đổi. “Kể chuyện là một trong những cách tốt nhất để nghĩ ra các ý tưởng mới, học hỏi về những người khác và thế giới,”[1]Branson nói. Theo trực giác, Branson đã biết rõ những gì mà các nhà thần kinh học đang cố xác nhận trong phòng thí nghiệm – bộ não của chúng ta được sinh ra cho các câu chuyện.
Để hiểu được niềm tin của Branson rằng nghệ thuật kể chuyện có thể tạo nên ảnh hưởng tích cực trong tương lai, chúng ta phải nhìn về quá khứ. Một triệu năm trước, con người để kiểm soát được một yếu tố vô cùng quan trọng cho sự sống còn của cả giống loài. Yếu tố này giúp giải thích tại sao một số bài thuyết trình thất bại thảm hại, trong khi những bài khác lại giúp một nhãn hiệu gia nhập thị trường thành công. Nó giải thích tại sao nhiều ý tưởng không thể thu hút được người khác trong khi những ý tưởng khác lại tạo nên trào lưu trên toàn thế giới. Nó giải thích tại sao nhiều nhà lãnh đạo không thể truyền cảm hứng cho đội nhóm, trong khi những người khác lại thuyết phục được mọi người vượt qua khó khăn. Yếu tố đó chính là lửa.
Ánh Lửa Và Thổ Dân Kalahari
Các nhà khảo cổ học coi lửa là thứ đã soi sáng sự tiến hóa của loài người. Điều này hoàn toàn hợp lý vì khi kiểm soát được lửa, tổ tiên của loài người có thể nấu thức ăn, và từ đó, giúp tăng đáng thể kích thước bộ não. Lửa cũng giúp xua đuổi thú săn mồi ban đêm – một điều quan trọng nếu bạn muốn sống tới sáng hôm sau. Tuy thế cho tới gần đây, rất ít nhà khoa học nghiên cứu lợi ích quan trọng nhất của lửa – đánh thức trí tưởng tượng của chúng ta thông qua nghệ thuật kể chuyện.
Ánh lửa giúp ngày như dài hơn, cho chúng ta thêm thời gian để thực hiện những việc khác ngoài săn thú và hái lượm. Khi chia sẻ những trải nghiệm quanh đống lửa, mọi người học được cách tránh nguy hiểm, săn thú hiệu quả hơn theo nhóm, và củng cố những truyền thống văn hóa. Các nhà khảo cổ học xã hội tin rằng, việc kể chuyện chiếm 80% thời lượng trong những cuộc chuyện trò bên ánh lửa của tổ tiên chúng ta.
Trên sa mạc Kalahari ở Namibia, một nhóm thổ dân được biết đến với cái tên Bushmen vẫn kiếm thức ăn bằng cách hái lượm dưa hấu, lạc, hạt giống và săn linh dương. Họ săn bắn và hái lượm lúc ban ngày và là những người kể chuyện khi đêm xuống. Khi mặt trời lặn trên đất Kalahari, các thổ dân đốt lửa và kể những câu chuyện như tổ tiên của họ đã làm hàng nghìn năm trước. Ban ngày, cuộc trò chuyện của các thổ dân tập trung vào vấn đề sinh tồn, chiến lược săn bắn, quản lý nguồn tài nguyên, hòa giải mâu thuẫn,… Chỉ 6% các cuộc nói chuyện của họ là để kể chuyện.[2] Thế nhưng, khi đêm xuống thì lại là một câu chuyện khác, theo đúng nghĩa đen. Khi ánh lửa giúp ngày dài thêm, các thổ dân dành đến 81% thời gian nói chuyện quanh đống lửa để kể chuyện. Đàn ông và phụ nữ kể chuyện, chủ yếu là về những người mà các dân làng khác đều biết hoặc những cuộc phiêu lưu thú vị và sôi động. Với các thổ dân Bushmen, việc kể chuyện giúp khơi dậy trí tưởng tượng, tạo nên sự gắn bó giữa những người không quen biết nhau, và truyền đạt các thông tin quan trọng cho sự sinh tồn.
Không phải tất cả nhà truyền đạt đều có kỹ năng kể chuyện, ngay cả trong xã hội bộ lạc. Trong những nhóm thổ dân, cũng như giữa các diễn giả TED hoặc lãnh đạo doanh nghiệp, những người diễn thuyết giỏi nhất khiến khán giả bò lăn ra cười, trong khi vẫn hồi hộp hoặc tràn đầy cảm hứng muốn tìm kiếm những cuộc phiêu lưu cho riêng mình. Những người lãnh đạo của khu trại thường là những người kể chuyện giỏi. Và người giỏi nhất trong số những người kể chuyện được ngưỡng mộ nhất sử dụng các phương pháp “giao tiếp đa phương diện” như cử chỉ, bắt chước, hiệu ứng âm thanh và bài hát. Những người kể chuyện ở Kalahari biết rằng họ phải truyền đạt thông tin, kể lại những trải nghiệm, truyền cảm hứng và giải trí cho mọi người. Nếu mọi người không cảm thấy được giải trí, họ sẽ không nghe nữa mà đi ngủ, không khác gì chuyện vẫn thường xảy ra trong hàng triệu bài thuyết trình bán hàng được thực hiện mỗi ngày. Con người đã tiến hóa để nhận thức các câu chuyện là mang tính giải trí bởi nếu không để tâm lắng nghe, họ có thể biến thành bữa trưa của một con sư tử nào đó.
“Những câu chuyện được kể bên đống lửa đặt người nghe vào cùng tần số cảm xúc, củng cố sự thấu hiểu, tin tưởng và cảm thông, xây dựng cái nhìn tích cực về những tính cách như sự hài hước, ăn ý và sáng tạo,”[3] Giáo sư khảo cổ học Polly Wiessner tại Đại học Utar phát biểu. “Thông qua các câu chuyện và cuộc thảo luận, mọi người thu thập những kinh nghiệm của người khác và tích lũy kiến thức về các lựa chọn mà người khác đã từng thử qua. Những cuộc nói chuyện ban đêm đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền đạt bức tranh toàn cảnh.” Wiessner, người từng dành ba tháng sống cùng với các thổ dân Kalahari tại tây bắc Botswana và ghi lại các cuộc nói chuyện của họ đã nói rằng, sự yêu thích bối cảnh bên đống lửa vẫn còn tồn tại quanh chúng ta cho tới tận ngày hôm nay.
Sự yêu thích các câu chuyện của công chúng chính là điều khiến một số người trở nên cực kỳ giàu có. Hơn 2500 năm trước, một diễn giả có tên Gorgias đã nhận ra những người kể chuyện giỏi nhất có thể truyền cảm hứng cho khán giả. Ông đi vòng quanh Hy Lạp cổ đại, truyền bá nghệ thuật diễn thuyết và tranh luận rằng việc đưa thêm các câu chuyện mang tính cảm xúc vào bài phát biểu có thể giúp ngăn chặn sự sợ hãi, xóa bỏ nỗi buồn, tạo ra niềm vui và nuôi dưỡng lòng mộ đạo. Gorgias giúp mọi người tạo ra những luận điểm mạnh mẽ hơn, và điều đó giúp ông được rất nhiều người ngưỡng mộ. Ông trở thành một trong những người giàu có nhất Hy Lạp chỉ nhờ nghệ thuật kể chuyện. Ngày nay, việc kể những câu chuyện thật hay vẫn có thể giúp con người trở nên giàu có, đặc biệt là những người khởi nghiệp đang cần bán ý tưởng của mình.
Các Công Cụ Đã Thay Đổi
Trở lại hòn đảo Necker, những nhà khởi nghiệp sử dụng sức mạnh của các câu chuyện khiến Branson bật cười, suy nghĩ, và truyền cảm hứng cho ông đầu tư vào ý tưởng của họ. Những câu chuyện đem lại cho Branson một cách nhìn mới về thế giới, và sau cùng khơi dậy trí tưởng tượng trong ông rằng những phát minh thay đổi thế giới không chỉ khả thi trong cuộc đời ông, mà chính Branson có thể đóng vai trò giúp phát triển chúng. Branson yêu thích kể chuyện quanh đống lửa trại đến nỗi ông thuê một nghệ sĩ chế tác thủ công một khối cầu bằng kim loại cực đẹp để chứa một quả cầu lửa khổng lồ.
Những cuộc nói chuyện quanh đống lửa có thể đã xuất hiện 400 nghìn năm trước, nhưng bộ não của chúng ta vẫn thèm muốn các câu chuyện ngay cả ở thời hiện đại. Dĩ nhiên, tầm quan trọng của nó đã thay đổi. Thay vì săn bắn để kiếm thức ăn, những nhà khởi nghiệp thuyết trình trước Richard Branson đang dùng những câu chuyện để kiếm tiền. Và các công cụ đã thay đổi. PowerPoint đã thay thế những bức vẽ trên vách hang. Nhưng có một điều vẫn nguyên vẹn, đó chính là khát vọng của chúng ta, sự thèm muốn được nghe những câu chuyện hấp dẫn. Những người đã làm chủ được nghệ thuật kể chuyện có thể tạo ra tác động cực lớn đối với người khác. Theo nhà thần kinh học Uri Hasson tại Đại học Princeton, người kể được những câu chuyện thu hút thực sự có thể “gieo” những ý tưởng, ý nghĩ và cảm xúc vào bộ não của người nghe. Nghệ thuật kể chuyện chính là vũ khí quan trọng nhất trong cuộc chiến của những ý tưởng.
Trên hòn đảo Necker, trong vòng 10 phút, mỗi nhà khởi nghiệp phải nói lên tầm nhìn phía sau ý tưởng hoặc sản phẩm và phải thu hút được sự chú ý của Branson, đồng thời thuyết phục ông rằng ý tưởng đó có tiềm năng đem lại ảnh hưởng tích cực cho thế giới, và truyền cảm hứng để ông đầu tư tài chính cho công ty. Phần lớn những người khi được trao 10 phút để nói về ý tưởng của mình vẫn mặc định một cách sai lầm rằng các nhà đầu tư tiềm năng muốn nghe tất cả thông tin về tài chính, các số liệu và dữ kiện. Họ chỉ đúng một phần thôi. Các nhà khởi nghiệp đó đang bỏ quên kết luận cốt lõi của khoa học thần kinh: Cảm xúc luôn chiến thắng logic. Bạn không thể tác động đến lý trí của một người nếu trước đó không chạm vào trái tim họ, và đường đến trái tim cũng đi qua bộ não, bắt đầu với hạch hạnh nhân.
Hạch Hạnh Nhân: Người Bạn Tốt Nhất Của Người kể chuyện
Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu y học đã tin rằng con người chỉ có thể nghiện thuốc và rượu. Sau đó, công nghệ chụp ảnh não bộ ra đời đã cho phép các nhà nghiên cứu nhìn thấy sự lưu thông máu trong não, và nhờ đó, họ phát hiện ra con người cũng nghiện các hoạt động khác như tình dục, cờ bạc, ăn uống và mua sắm. Một số hoạt động cũng khống chế bộ não hệt như những loại ma túy mạnh nhất. Những loại ma túy như hê-rô-in làm tăng mạnh lượng dopamine(*) – đến nỗi chỉ dùng một lần có thể khiến người nào đó nghiện cả đời. Các nhà khoa học nhận ra chính hệ thần kinh tưởng thưởng của não bộ cũng tham gia thuyết phục, truyền cảm hứng, và ghi nhớ. Những phát hiện này sẽ có tác động cực lớn lên thành công của bạn.
(*) Chất dẫn truyền thần kinh giúp cơ thể cảm thấy hưng phấn, khoái cảm. (BTV)
Ví dụ, các nhà nghiên cứu ngày nay biết rằng một ý nghĩ có thể tạo nên “trạng thái cơ thể”, nghĩa là ý nghĩ kích hoạt các vùng não bộ vốn chỉ hoạt động nếu bạn thực sự trải nghiệm sự kiện đó trong thực tế. Giả sử bạn thắng xổ số 20 triệu đô-la, bạn sẽ cực kỳ sung sướng vì hạch hạnh nhân – một khối tế bào thần kinh có hình giống quả hạnh nhân ở thùy não trước trán – sẽ tiết ra rất nhiều dopamine. Giờ hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng bạn thắng giải xổ số. Hãy hình dung hình ảnh, âm thanh và cảm giác của sự kiện đó. Khi bạn biết tin này, ai đang ở đó với bạn? Khuôn mặt của họ như thế nào? Bạn sẽ làm gì với số tiền đó? Bạn có thể không nhận ra nhưng khuôn miệng bạn sẽ nhẹ nhàng vẽ nên một nụ cười. Bạn đang nhận được một liều dopamine nhỏ khiến bản thân cảm thấy thoải mái, vì bạn đang kích hoạt chính những vùng của não vốn sẽ hoạt động nếu bạn thực sự thắng giải. Đó chính là sức mạnh của hạch hạnh nhân. Một câu chuyện hay cũng khiến não tiết ra rất nhiều chất như cortisol, oxytocin và dopamine.
Nhờ có thần kinh học, chúng ta đã biết nhiều về nghệ thuật kể chuyện trong 10 năm qua, hơn là tất cả những gì chúng ta đã khám phá ra kể từ khi con người bắt đầu vẽ tranh lên vách hang. Giờ chúng ta biết chất nào trong não khiến chúng ta chú ý tới một diễn giả (cortisol) và chất nào khiến chúng ta cảm thấy thông cảm với người khác (oxytocin). Chúng ta cũng biết điều gì châm ngòi cho các phản ứng hóa học thần kinh. Chúng ta biết các câu chuyện vận hành như thế nào, tại sao chúng có tác dụng, và có thể chứng tỏ điều đó bằng khoa học.
Nghiện các câu chuyện không phải là một điều xấu. Nếu những người kể chuyện truyền cảm hứng không tồn tại, thế giới sẽ là một nơi rất khác, và tôi nói vậy không hề với nghĩa tích cực. Ví dụ, trong loạt sáu bài phát biểu năm 1940, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã thành công trong việc thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của cộng đồng về Thế Chiến II. Một đất nước vừa mới chấp nhận nhượng bộ Đức Quốc Xã chỉ 14 ngày trước lại quyết định chiến đấu tới hơi thở cuối cùng sau khi nghe luận điểm vô cùng mạnh mẽ của Churchill. Mặc dù Đức đã chiếm được những vùng rộng lớn ở Tây Âu, nhưng Churchill đã vô cùng khéo léo vẽ nên bức tranh người Anh đánh bại được quân đội của Hitler. “Mục tiêu của chúng ta là gì?” Churchill hỏi. “Chiến thắng. Chiến thắng bằng bất kỳ giá nào. Chiến thắng bất chấp mọi nỗi kinh hoàng, chiến thằng dù con đường có dài và khó khăn đến đâu; vì nếu không chiến thắng thì cũng không còn sự sống.” Nhờ khả năng kể chuyện, Churchill đã thay đổi hẳn vận mệnh của cả một nền văn minh. Điều thú vị là Churchill không có năng khiếu kể chuyện bẩm sinh. Giống như để làm chủ bất kỳ nghệ thuật nào, ông cũng phải tập luyện rất nhiều. Ở giai đoạn đầu của sự nghiệp chính trị, Churchill mắc chứng sợ nói trước đám đông. Richard Branson, mục sư nổi tiếng Joel Osteen, tỷ phú Barbara Corcoran và Warren Buffett cũng vậy. Những người kể chuyện giỏi khiến việc này trông có vẻ nhẹ nhàng vì họ đã dồn rất nhiều tâm sức để trở nên tài giỏi đến thế.
Các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng nhất trong lịch sử cũng là những người kể chuyện: Chúa Jesus, John F. Kennedy, Martin Luther King Jr., Ronald Reagan, Nelson Mandela, Henry Ford, và Steve Jobs. Rất nhiều người trong số những nhà khởi nghiệp và nhà lãnh đạo tài giỏi ngày nay cũng là những người kể chuyện giỏi: Richard Branson, Bill Gates, Mark Burnett và Sheryl Sandberg. Rất nhiều người kể chuyện được đề cập trong cuốn sách này đã thay đổi cả lịch sử. Một vài người là những anh hùng trong lĩnh vực kinh doanh. Một vài người khác truyền cảm hứng cho những phong trào vĩ đại. Và trên hết, họ là những người thực hiện ước mơ. Họ vươn tới các vì sao và truyền cảm hứng cho tất cả những người còn lại hướng đến mặt trăng của mình. Cuốn sách này nói về những người có tầm nhìn xa trông rộng và dám chấp nhận mạo hiểm đã làm chủ nghệ thuật kể chuyện, và truyền cảm hứng cho chúng ta sống tốt hơn. Một số người khiến chúng ta bật cười, một số người khiến chúng ta suy nghĩ, và một số người khiến chúng ta thay đổi. Thông qua việc kể chuyện một cách đầy nghệ thuật, vừa truyền đạt thông tin vừa thách thức người nghe, họ đã xây dựng được các công ty, thúc đẩy thế giới phát triển, và khiến tất cả chúng ta cảm thấy chính mình cũng có thể làm được những điều tưởng như bất khả thi.
Tất Cả Chúng Ta Đều Là Những Người kể chuyện
Kể chuyện là yếu tố căn bản của giao tiếp. Trong thế giới mà con người luôn phải đối diện với những lựa chọn, câu chuyện thường là yếu tố quyết định để xác định chúng ta sẽ làm việc với ai. Tất cả chúng ta đều là những người kể chuyện. Chúng ta kể chuyện để bán ý tưởng. Chúng ta kể chuyện để thuyết phục các nhà đầu tư hỗ trợ cho một sản phẩm nào đó. Chúng ta kể chuyện để giáo dục học sinh, sinh viên. Chúng ta kể chuyện để truyền cảm hứng cho đội nhóm. Chúng ta kể chuyện để thuyết phục những người đóng góp viết một tấm séc. Chúng ta kể chuyện để khuyến khích con cái tận dụng hết tiềm năng của chúng. Hãy học cách kể chuyện để cuộc sống của bạn và của những người mà bạn tiếp cận thay đổi hoàn toàn.
Bí mật của Người kể chuyện nói về 50 người kể chuyện đã thay đổi thế giới hoặc tạo ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp nhờ vào việc làm chủ được nghệ thuật và khoa học kể chuyện. Mỗi người kể chuyện đều thuộc một trong năm hạng mục tương ứng với năm phần nhằm khuyến khích bạn suy nghĩ khác đi về câu chuyện của chính mình, và cách bạn đưa nghệ thuật kể chuyện vào việc giao tiếp hằng ngày.
- Những người kể chuyện khơi dậy ngọn lửa bên trong chúng ta
- Những người kể chuyện giáo dục
- Những người kể chuyện đơn giản hóa
- Những người kể chuyện truyền động lực
- Những người kể chuyện khơi dậy phong trào
Mỗi chương được chia thành ba phần. Trước tiên, bạn sẽ tìm hiểu câu chuyện của chính người kể chuyện đó. Đa số những người được nhắc tới trong cuốn sách này đều từng là những người bình thường sử dụng nghệ thuật kể chuyện để đạt được các kết quả phi thường. Phần thứ hai của mỗi chương sẽ thảo luận chi tiết các công cụ của mỗi người kể chuyện, lý do tại sao chúng hiệu quả, và cách áp dụng chúng. Cuối cùng, mỗi chương kết thúc bằng một phần tóm tắt ngắn gọn về bài học mà chúng ta có thể rút ra – bí mật của người kể chuyện.
Khi đã học được những bí mật của người kể chuyện và lý do tại sao chúng hiệu quả, bạn có thể áp dụng những kỹ thuật này vào bất kỳ hình thức giao tiếp nào: hùng biện trước đám đông, thuyết trình PowerPoint, viết blog, e-mail, quảng cáo và marketing, hoặc đơn giản là trình bày ý tưởng về cà phê tại Starbucks. Bạn sẽ học cách đóng khung ý tưởng để truyền đạt thông tin, làm sáng tỏ và truyền cảm hứng.
Trong 10 năm tới, khả năng kể chuyện một cách thuyết phục sẽ đóng vai trò quyết định – kỹ năng quan trọng nhất – giúp bạn đạt được ước mơ của mình. Vì thập niên tiếp theo đánh dấu những hứa hẹn vĩ đại nhất mà nền văn minh con người từng biết tới, câu chuyện mà bạn kể cho chính mình và câu chuyện mà bạn chia sẻ cho những người khác sẽ khơi mở tiềm năng của bạn và hoàn toàn có thể thay đổi thế giới. Chẳng phải đã đến lúc bạn chia sẻ câu chuyện của mình rồi sao?
Mời các bạn đón đọc Bí Mật Của Người Kể Chuyện của tác giả Carmine Gallo.