Sẽ chẳng bao giờ hiểu nổi đầy đủ tầm cỡ của những điều khủng khiếp do Khme đỏ gây ra đối với nhân dân Campuchia. Chẳng bao giờ có thể đếm hay phân loại xuể hàng triệu những bộ xương và đầu lâu vô danh dưới những hố chôn người và những nấm mồ tập thể. Đã có đầy đủ tư liệu để khẳng định rằng ban lãnh đạo Khme đỏ đã phạm phải những tội ác gần như có một không hai trong lịch sử đối với chính nhân dân của họ từ ngày 17/4/1975, khi các lực lượng Lon Non đầu hàng và họ lên nắm chính quyền cho đến ngày 7/1/1979, khi đến lượt họ, bị đánh đổ.
Hồi những năm 1960, tôi đã cùng gia đình sống ở Campuchia 4 năm. Vợ tôi dạy môn lịch sử nghệ thuật tại trường Đại học Mỹ thuật Phnom Penh; 3 con tôi học tại trường trung học. Lẽ dĩ nhiên, bạn bè của chúng tôi là trí thức, văn sĩ, nhà báo, giáo viên, giáo sư đại học, các nhà ngoại giao và cả những nhân vật có tầm cỡ về chính trị nữa. Những người này nằm trong số những mục tiêu đầu tiên của các đội tra tấn và hành quyết. Nạn nhân đầu tiên là những ai đã từng du học ở nước ngoài hoặc biết tiếng nước ngoài, rồi dần dần, tiêu chuẩn bị giết mở rộng ra, gồm bất kỳ ai đeo kính hoặc biết đọc, biết viết. Trừ dăm ba người buông mình trôi theo bọn cầm đầu Khme đỏ, còn thì tất thảy những người mà tôi biết trong suốt một phần tư thế kỷ quan hệ thường xuyên với nước Campuchia đều đã bị giết. Nhiều người chết chỉ sau những trận tra tấn dã man.
Mọi tội ác của bọn Quốc xã đều được Khme đỏ lặp lại và lặp lại “có sáng tạo”, phát minh thêm nhiều cái mới. Gơrinh, Gơben và những tên Quốc xã khác đều là những tên quỷ sứ, hiện thân của những gì được coi là tột cùng của “cái ác” trong thời đại của chúng ta. Thế nhưng, tội ác của chúng vẫn chưa thấm tháp vào đâu nếu đem so với những tội ác của Khme đỏ do bọn Pol Pot, Iêng Xary và Khiêu Xamphon cầm đầu. Hitle đã tiêu diệt người Do thái, người Slavơ, người Digan và những người không thuộc “chủng tộc Arien” khác. Còn Pol Pot thì quyết tâm tiêu diệt không chỉ người Việt, người Hoa, người Chàm theo đạo Hồi và các nhóm người thiểu số khác, mà cả những người thuộc giống Khme của chính bản thân hắn nữa. Hitle bắt người từ Pháp, Balan và các nước khác về làm nô lệ và buộc họ làm việc đến chết trong các trại lao động. Còn ban lãnh đạo Khme đỏ thì lại biến cả đất nước của họ thành một trại tập trung khổng lồ. Hitle đốt cháy và làm ô uế các giáo đường Do thái, ngược đãi các nhóm tôn giáo. Còn Khme đỏ thì lại đàn áp mọi hình thức lễ bái tôn giáo. Họ biến nhà chùa đạo Phật, nhà thờ đạo Hồi và nhà thờ Thiên chúa giáo thành các trung tâm tra tấn, thành chuồng lợn, thành kho chứa, hoặc đơn giản hơn, phá tan tành, biến chúng thành một đống gạch nát. Hitle đốt sách của các nhà văn chống phát–xít. Còn Pol Pot và bè lũ thì đốt tất cả sách vở và thư viện, chà đạp lên mọi di tích của truyền thống và nền văn hóa Campuchia. Hitle tìm cách dồn phụ nữ Đức trở lại vai trò “bếp núc, nhà thờ và con cái”. Còn Khme đỏ thì tách vợ khỏi chồng, cha mẹ khỏi con cái và thủ tiêu hoàn toàn cuộc sống gia đình.
Có một số trí thức cánh tả, quen ngồi ghế bành ở phương Tây không muốn tin vào tất thảy vào những chuyện đã xảy ra. Họ bênh vực chính quyền Khme đỏ, coi đó là một “Cuộc thí nghiệm xã hội” có thể biện minh được. Việc họ từ chối thực tế không thể đứng vững nổi trước lời minh chứng áp đảo của những ai đã thực sự tới Campuchia, kể cả những đại diện của các cơ quan cứu trợ quốc tế – những người phải đụng chạm với cái phần còn lại ấy của xã hội Campuchia.
Càng ngày người ta càng biết rõ hơn về những nỗi khủng khiếp đã diễn ra ở Campuchia. Những thực tế sáng rõ đã được làm nổi bật hẳn lên nhờ chính tầm cỡ của những nỗ lực quốc tế nhằm hàn gắn những vết tàn phá trên mọi mặt của xã hội Campuchia. Mỗi công dân Campuchia thật sự vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng. Không có người nào đã tiến hành công tác điều tra tại chỗ lại có thể hoài nghi về những gì đã xảy ra. Nhưng điều còn chưa sáng tỏ là những thực tế ấy đã xảy ra như thế nào và vì sao lại thế. Hiển nhiên là việc tìm ra câu trả lời có tầm quan trọng then chốt. Các học giả, văn sĩ, nhà báo và những người làm phim hiện đang làm việc. Còn giữa chúng ta với nhau, chúng ta có thể rọi một luồng ánh sáng nào đó để xem xét một trong những sự kiện đen tối nhất trong thời đại chúng ta đã xảy ra như thế nào và vì sao như vậy. Những chương tiếp theo trong cuốn sách này chính là sự đóng góp của tôi vào quá trình soi rọi luồng ánh sáng đó.
Winfred Burchett
Paris, tháng 7 / 1981
***
Trong quá trình nuốt chửng một cách khá ngon lành những bộ phận cấu thành của cái mà về sau này trở thành các Quốc gia Liên hiệp Đông Dương, trước hết, năm 1862, Pháp đoạt lấy 3 tỉnh miền Đông Nam bộ. Năm năm sau, họ chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây, khẳng định chủ quyền của họ đối với những vùng trồng lúa giàu có ở đồng bằng sông Mê kông. Ngày 18/2/1859, một đoàn quân viễn chinh hỗn hợp Pháp – Tây ban nha, đã chiếm được Sài Gòn; tạo chỗ đứng đầu tiên cho Pháp trong vùng. Rồi 30 năm sau đó, cả 3 vùng lãnh thổ Việt Nam – Nam kỳ ở miền Nam, Trung kỳ ở miền Trung và Bắc kỳ ở miền Bắc cùng với những lãnh thổ riêng rẽ là Campuchia và Lào ở phía Tây đã bị Pháp gộp cả lại để hình thành một đơn vị hành chính duy nhất là Đông Dương. Sự khác nhau trên các mặt văn hóa, ngôn ngữ và sắc thái tôn giáo giữa Campuchia với Lào, cũng như giữa hai nước này với Việt Nam hồi đó chẳng làm cho Pháp mảy may quan tâm. Sự quan tâm ấy thực sự chỉ bắt đầu từ năm 1930 khi Cụ Hồ Chí Minh lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, trực diện thách đấu bằng việc thành lập một Đảng Cộng sản Đông Dương duy nhất. Từ khoảnh khắc ấy trở đi, giờ cáo chung của ách thống trị thực dân Pháp đã điểm.
Cụ Hồ Chí Minh là một con người có nhiều tài năng và một khối kiến thức khổng lồ. Người tuyệt đối kiên trì việc chấm dứt ách thống trị thực dân ở Đông Dương.
Người đã nổ những phát súng đầu tiên vào năm 1919. Tháng 6 năm ấy Người công nhiên gửi tới các nước thắng trận tại Hội nghị Vec xây một bản kiến nghị. Đó là một văn kiện với lời lẽ giản dị không quanh co mà đi thẳng ngay vào vấn đề – tất cả 8 điểm của kiến nghị được trình bày gọn trong 1 trang giấy – cũng y như bản Di chúc Người viết sau đó nửa thế kỷ, khi Người biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa. Cốt lõi của 8 điểm này là việc Người đòi quyền con người cơ bản cho các dân tộc Đông Dương. Như đã có thể thấy trước, kiến nghị của Người bị đoàn Pháp và các đoàn khác tại Hội nghị Vec xây lờ đi nhưng đã gây nên niềm xúc động mạnh mẽ trong cộng đồng đông đảo người Việt Nam tại Pháp.
Nguyễn Ái Quốc là đại biểu chính thức tại Đại hội Tua nổi tiếng (từ ngày 15 đến ngày 30/12/1920). Tại Đại hội này, Đảng Xã hội Pháp bị phân liệt khi phải lựa chọn nên đi theo Quốc tế Hai (Dân chủ – Xã hội) hay theo Quốc tế Ba (Cộng sản). Đến cuộc bỏ phiếu có tính chất quyết định, cụ Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ Quốc tế thứ Ba. Sau sự phân liệt, Lê ông Blom và Pôn Phơ rơ tiếp tục lãnh đạo Đảng Xã hội Pháp, thiểu số. Còn Pôn Macxen Casanh và Pôn Vayang Cutuyrie trở thành những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp mới ra đời với sự hậu thuẫn của đa số đại biểu.
Như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Sau bài phát biểu đầu tiên của mình trong Đại hội nói về vấn đề độc lập của xứ Đông Dương – với tư cách là đại biểu duy nhất của các xứ thuộc địa Pháp – ảnh hưởng của Người xuất hiện trên báo chí. Ngày hôm sau, cảnh sát tới để bắt người, nhưng các đại biểu đã dũng cảm đánh lui chúng và “Nguyễn – Nhà yêu nước” vẫn tiếp tục tham gia cuộc tranh luận, ngoan cường ủng hộ vấn đề mà Người tâm huyết.
Nguyễn Ái Quốc dự định về nước thành lập một Đảng giống như Đảng Cộng sản Pháp mới, được sự hỗ trợ của Quốc tế. Sau khi đi nhiều nơi ở châu Âu, Người lên đường đi Liên Xô với hy vọng được gặp Lê nin. Người đến Lêningrat vào cuối tháng 1/1924, rét run lên trước cái lạnh của mùa đông nước Nga, mặc dù trên người đã có bộ đồ lông thú mà các thủy thủ trên con tầu Xô viết đã ép Người phải mặc. Hai ngày trước khi Người tới, Lê nin đã qua đời. Ca–sanh và Vayang Cutuyriê lúc đó có mặt ở Matxcova để dự lễ tang Lê–nin đã giới thiệu Người với những người có trách nhiệm. Kết quả là Người được dự một khóa nghiên cứu ngắn ngày về chiến lược và sách lược Cách mạng. Hơn một năm sau, Người xuất hiện ở Quảng châu, Trung–quốc. Về mặt công khai, Người là cố vấn về các vấn đề châu Á cho Mikhaiin Bôrôđin, đặc phái viên người Xô viết của Quốc tế Cộng sản bên cạnh Chính phủ cách mạng của Tôn Dật Tiên – người sáng lập, đồng thời là lãnh tụ của Quốc dân đảng.[1]
Chỉ trong vòng vài tháng sau khi “lập nghiệp” ở Quảng châu, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo từ xa việc thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Tổ chức này lại cho ra đời tổ chức Công đoàn đầu tiên của Việt Nam. Ở Pari, Người không chỉ vận động cho quyền tự do của dân tộc mình, mà còn tổ chức ra “Liên hiệp các dân tộc thuộc địa” tập hợp các kiều dân của tất cả các nước thuộc địa đang sống ở Pháp. Người biên tập tờ Người cùng khổ (Le Paria) và bí mật phát hành khắp Đế chế Pháp. Ở Quảng châu cũng vậy. Tại đây Cụ Hồ Chí Minh tương lai, một nhà quốc tế chủ nghĩa lỗi lạc đã thành lập “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở châu Á”. Thành viên của Hội không chỉ là người Việt Nam, mà cả người Triều Tiên, Indonexia, Miến điện, Thái Lan và những người châu Á khác. Sau khi Tưởng Giới Thạch phá vỡ liên minh giữa Quốc dân đảng với những người Cộng sản Trung Quốc. Bô rô đin và các cố vấn khác của Quốc tế Cộng sản trở về Liên Xô, còn Nguyễn Ái Quốc thì chuyển căn cứ đến Xiêm (nay là Thái Lan) nới có một số đông người Việt Nam sinh sống.
Luôn luôn bị mật vụ của cảnh sát Pháp bám gót, Người luôn thay đổi hình dạng, đi từ nơi này qua nơi khác, tổ chức và thức tỉnh sự giác ngộ của đồng bào mình, đào tạo họ và thường xuyên duy trì quan hệ với các nhóm cách mạng và phong trào độc lập ở trong nước. Người đã phải làm nhiều nghề để tự kiếm sống và đó cũng chính là những phương pháp tốt nhất để ngụy trang. Lúc thì Người là một nông dân làm mướn. Có khi Người lại là một nhà sư, đầu cạo trọc, tay cầm bát ăn xin; hoặc là một người đứng bán thuốc lá ở góc phố. Nhưng dù Người ở đâu, làm gì để kiếm sống, Người vẫn làm công tác vận động, tổ chức và đào tạo. Ở Xiêm, Người thành lập “Hội ái hữu Việt Nam” và xuất bản tờ “Tuần báo Nhân đạo”; báo này vượt biển vào Campuchia và từ đó vào Việt Nam.
Liệu Nguyễn Ái Quốc thỉnh thoảng có tự mình vượt qua biên giới để xem những hạt giống mà mình gieo trồng đã nảy mầm ra sao không? Trong cuốn sách của Kiếcnam và Chanthu Bua[2] viết về những nhà vận động cộng sản đầu tiên được biết đến của Campuchia có một đoạn cực hay liên quan đến chuyện này: một ông Ben Krahom nào đó làm “culi” tại nhà máy điện Phnom Penh bị bắt cùng với vợ vì phân phát truyền đơn viết bằng tiếng Việt hô hào “vô sản đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc” và vì treo trên cây lớn “cờ đỏ có búa liềm Xô viết”. Cặp vợ chồng này khai rằng họ nhận được một số truyền đơn từ tay một công nhân cùng làm trong nhà máy điện và số còn lại là từ tay “một người cắt tóc rong”. Nghề cắt tóc rong chính là một trong những cách ngụy trang được Nguyễn Ái Quốc ưa thích. Nếu như đây không phải là đích thân nhà lãnh tụ cách mạng lưu động này, thì hẳn cũng là một vị mới nhập môn làm cách mạng học theo hình tượng của Người!
Rõ ràng là những hạt giống của Nguyễn Ái Quốc đã được gieo xuống một mảnh đất màu mỡ: tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở các tỉnh cực bắc Bắc bộ Việt Nam. Vài tháng sau, Công hội đỏ cũng hoạt động trong vùng này. Và đến cuối năm 1929, ở Việt Nam đã có 3 Đảng Cộng sản, mỗi đảng mang một tên khác nhau tùy theo ý của ban lãnh đạo mình.
Gần cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm trở lại Trung Quốc để dự một cuộc họp ở Quế lâm – khi đó là thủ phủ tỉnh Quảng tây của Trung Quốc có biên giới chung với Bắc Việt Nam – cùng với đại biểu của 3 tổ chức cách mạng nói trên. Đảng nào cũng muốn được công nhận là Đảng Cộng sản duy nhất. Như thường lệ, Nguyễn Ái quốc nói ngắn gọn nhưng đi thẳng vào vấn đế:
“Ở Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc, cũng như ở các nước thuộc địa như Ấn độ, Nam dương và các nước khác, người ta chỉ có một Đảng Cộng sản duy nhất. Việt Nam không thể có đến 3 đảng. Chúng ta cần đoàn kết toàn thể dân tộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và để đạt được mục đích này cần phải có sự thống nhất về tổ chức. Tổ chức đó thể vẫn giữ tên cũ là “Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội” hoặc lấy tên là “Đảng Cộng sản” nhưng cương lĩnh chính trị của nó phải là: độc lập dân tộc, tự do dân chủ cho nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội”.[3]
Sau một cuộc tranh luận ngắn, những người có mặt nhất trí thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất. Sau đó, các đại biểu trở về nước báo cáo lại với tổ chức của mình, thỏa thuận vài tháng sau sẽ gặp lại ở Hồng công để chính thức hóa quyết định đó.
Mời các bạn đón đọc Tam Giác Trung Quốc - Campuchia - Việt Nam của tác giả Wilfred G. Burchett.