“Hiểu được hai từ ‘giá trị’ đồng nghĩa với việc hiểu được ý nghĩa của thị trường.”
— Charles Dow
“Thị trường đầu cơ sinh ra trong sự ảm đạm, lớn lên bằng sự hoài nghi, phát triển nhờ sự lạc quan và chết bởi sự thỏa mãn.”
— Sir John Templeton
“Trong kinh doanh, đúng hay sai không quan trọng, quan trọng là nếu đúng sẽ có được bao nhiêu tiền và nếu sai sẽ mất bao nhiêu tiền.”
— George Soros
***
TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI NHẤT THỂ LOẠI PHI HƯ CẤU – GIẢI THƯỞNG SÁCH QUỐC GIA MỸ NĂM 1990
“Gia tộc Morgan hé lộ góc nhìn xuyên suốt về sự thành hình của bối cảnh tài chính lúc bấy giờ… Một góc nhìn toàn cảnh được nghiên cứu kỹ lưỡng về gia tộc quyền lực nhất trong giới ngân hàng Mỹ suốt thế kỷ qua… Phong cách của Chernow quả thực tinh tế và mềm mại”.
— Nhật báo Washington Post
“Chernow đã khắc họa bức chân dung mới mẻ về gia tộc Morgan và các cộng sự cấp cao tài giỏi, những người góp phần đưa ngân hàng trở thành tập đoàn quyền lực xuyên quốc gia… Những tai tiếng, bi kịch, âm mưu được hé lộ đủ chất liệu để làm nguyên một bộ phim truyền hình”.
— USA Today
“Lịch sử hào hùng, trải qua nhiều thế hệ của đế chế ngân hàng Morgan đã mở ra nhiều góc nhìn phong phú, đa dạng về xã hội, chính trị và kinh tế… Văn phong sống động, mạch lạc của Chernow đã thổi hồn cho cuốn sách thành kho tàng tài liệu đồ sộ, có thể là chuẩn mực tham khảo cho các chuyên gia trong ngành cũng như độc giả phổ thông”.
— Tạp chí Kirkus Reviews
“Một tác phẩm đặc sắc và được trau chuốt kỹ lưỡng… Cuốn sách đã vén tấm màn bí ẩn vây quanh một tổ chức quyền lực của nước Mỹ… một tổ chức thậm chí còn nắm nhiều quyền hành hơn cả sự tưởng tượng hoang đường nhất của đa phần người dân Mỹ”.
— Tạp chí Dallas Times Herald
“Ẩn chứa nhiều bí mật được tiết lộ, tác phẩm của Chernow có hàm lượng kiến thức lịch sử cực kỳ sâu rộng, góp phần làm sáng tỏ bộ máy vận hành bên trong của đế chế ngân hàng Morgan”.
— Tạp chí Publisher Weekly
“Gia tộc Morgan là cuốn sách được nghiên cứu và ghi chép lại một cách xuất sắc. Với sự bền bỉ của một cây viết lão làng, Chernow đã mang phong cách sôi động vào một chủ đề khô khan, hàm chứa kiến thức chuyên ngành tương đối khó về tầm ảnh hưởng của nền tài chính cao cấp đến cuộc sống hiện đại”.
— Tạp chí Wall Street Journal
“Cuốn sách dài, chứa đựng nhiều tham vọng nhưng cũng rất thú vị… Chernow đã làm nổi bật cái cách mà ngân hàng Morgan trở thành biểu tượng cho kỷ nguyên lãnh đạo của người Mỹ và sự dịch chuyển quyền lực tài chính từ London sang New York… Cuốn sách dành sân khấu cho những cá tính của nhà Morgan không kém cho lịch sử của Gia tộc này.”.
— The Economist
“Chernow đã khắc họa một cách sống động tầm ảnh hưởng của các ngân hàng Morgan đối với lịch sử nền kinh tế phương Tây kể từ cuối thế kỷ XVIII… Một bộ sử thi… Một cuốn sách có giá trị lớn”.
— Library Journal
“Gia tộc Morgan của Ron Chernow là cuốn sách vô cùng lôi cuốn. Nghiên cứu về J. P. Morgan & Co. không chỉ đơn thuần là sự ghi chép lại lịch sử của một tổ chức. Trên thực tế, đó chính là dữ liệu về xã hội và nền tài chính Mỹ. Chernow đã hoàn thành công việc nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và ghi chép lại đầy ấn tượng. Cuốn sách là sự đầu tư xứng đáng cho những ai muốn hiểu rõ bối cảnh đầy đủ các nhân tố vận hành dẫn tới ngày hôm nay”.
— Michael M. Thomas
“Vượt xa cả lịch sử đơn thuần của ngành ngân hàng Mỹ, cuốn sách chính là câu chuyện về sự tiến hóa của nền tài chính hiện đại… Vấn đề được đề cập một cách khéo léo và hấp dẫn, thật khó để đặt cuốn sách xuống một khi bắt đầu đọc… Mỗi trang sách đều vô cùng thú vị”.
— Pittburgh Press
“Dàn nhân vật trứ danh, với những cá nhân, nếu không lừng danh bởi tên tuổi thì cũng vì cá tính, hoặc được giới hâm mộ đại gia tung hô… Cuốn sách lược sử tiến hóa của ngành ngân hàng và các công ty này, song hành cả vinh quang và cay đắng, là một câu chuyện vừa quyến rũ, vừa thấm thía”.
— Fort Worth Star-Telegram
“Vô giá và hoành tráng… Đầy lôi cuốn như một cuốn tiểu thuyết cổ điển”.
— Entertainment Weekly
“Một công trình thông tuệ về bước chuyển mình lột xác ngoạn mục kéo dài một thế kỷ rưỡi của gia tộc. Cuốn sách hé mở những phát hiện mới từ nguồn tài liệu lưu trữ mới công bố, đã khắc họa một cách tài tình những kịch tính nội tại, những ảnh hưởng bao quát lịch sử toàn cầu, những điểm nhấn chính trị, sự hào nhoáng thượng lưu, và, trên hết thảy, là những chuẩn mực đạo đức mơ hồ”.
— America
“Cuốn sách cung cấp lượng lớn thông tin thú vị về lịch sử, đặc biệt trong giai đoạn 1880-1930. Không một tài liệu nào có thể mô tả hệ thống tài chính ọp ẹp của chúng ta vào thời điểm đó tốt như Chernow”.
— Los Angeles Times Book Review
***
Phạm Thanh Tùng
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quản lí tài sản Trí Việt
Nói đến ngành Tài chính - Ngân hàng thế giới, là phải nói đến Phố Wall, nói đến nước Mỹ. Và nói đến Ngân hàng nước Mỹ, nói đến Phố Wall, thì cái tên J.P. Morgan và Morgan Stanley đã trở thành kinh điển. Như một cây đa cổ thụ, gia tộc Morgan bản lĩnh trưởng thành và vươn mình qua mọi giông tố của khủng hoảng, chiến tranh, dư luận, che bóng mát và truyền nhựa sống để các ngành công nghiệp của nước Mỹ phát triển như vũ bão, vươn ra thế giới.
Tác giả Ron Chernow, ngay trong cuốn sách đầu tay (xuất bản và đoạt giải Sách Quốc gia - National Book Award của Mỹ năm 1990), đã khắc họa nên một bức tranh đồ sộ, trải dài hơn một thế kỷ (từ nửa đầu thế kỷ XIX ở London thời Victoria tới nửa cuối thế kỷ XX ở Phố Wall), với quá nhiều nhân vật, diễn biến, khoảnh khắc, trong đủ mọi thang bậc: rực rỡ, hào hùng, trầm lắng, lấp lánh, về sự hình thành và phát triển của đế chế ngân hàng vĩ đại: gia tộc Morgan. Với văn phong vừa giàu sức gợi về ý tưởng, vừa phong phú về thông tin, đôi lúc lãng mạn và hóm hỉnh một cách tinh tế, cuốn sách này có thể sánh với một bộ trường thiên tiểu thuyết về 3 kỷ nguyên thăng trầm của J.P. Morgan, cội rễ của ngành Ngân hàng Mỹ:
Kỷ nguyên Ông Trùm (Baronial Age: 1838-1913). Sau ngày Độc lập năm 1776, các bang của nước Mỹ vẫn là những con nợ nhỏ bé của Kinh đô tài chính London (thời Victoria). Đến năm 1838, một người yêu nước Mỹ là George Peabody, tới London lập ra tiền thân của JP Morgan là công ty ngân hàng “George Peabody and Company”. Tạo lập được một uy tín lừng lẫy cho “ngân hàng nhà buôn” này và lần đầu khẳng định vị thế đáng gờm về tài chính cho nước Mỹ, Peabody truyền lại “giang sơn” cho người cộng sự góp vốn Junius Spencer Morgan.
Không được giữ tên Peabody, Junius Morgan đổi tên Ngân hàng thành J.S. Morgan & Company, và hình thành nên một Ngân hàng nhà buôn kinh điển, với nguyên tắc Quý ông: không quảng cáo, không treo biển ở cửa, khách hàng đến phải được giới thiệu, không cạnh tranh giá. Một ngân hàng đỉnh cao đẳng cấp, được “truyền ngôi” cho người con “khá lãng mạn, không mấy năng khiếu tài chính” là John Pierpont Morgan. Ngân hàng đổi tên chính thức thành J.P. Morgan.
Năm 1907, chính Pierpont là người tổ chức cuộc giải cứu ngành tài chính Mỹ ra khỏi cơn khủng hoảng nghiêm trọng, được gọi là “Ngày kinh hoàng 1907”. Pierpont và con trai “Jack” đã hình thành nên một hình ảnh (gần như giống hệt về ngoại hình và tính cách bộc lộ bên ngoài) của nhà tài phiệt nước Mỹ, của Ngân hàng nước Mỹ. Tất cả những nhân vật, diễn biến hào hùng này, sẽ được hé mở đầy thú vị dưới ngòi bút của Chernow, với đủ mọi sức nặng của thời cuộc, mà vẫn không thiếu những nét cá tính, những ấn tượng đậm đà về những con người bằng xương bằng thịt.
Kỷ nguyên Ngoại giao (Diplomatic Age: 1913-1948). Ươm mầm cho những ước mơ của ngành công nghiệp nước nhà (US Steal, GE…), và dẫn đầu nhiều mảng đầu tư, J.P. Morgan trở nên có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nước Mỹ tới mức, khi FED (Cục dữ trữ liên bang), “ngân hàng trung ương Mỹ” được hình thành năm 1913, thì nó có một cái tên “sau lưng” khác: Morgan Bank. Một cá nhân kiệt xuất không mang họ Morgan, nổi bật lên như đại diện toàn cầu không thể thay thế cho Ngân hàng thời kỳ này: Thomas Lamont.
Bên cạnh “Ngài đại sứ toàn cầu” hào hoa phong nhã Thomas Lamont, người khiến tầm ảnh hưởng của J.P. Morgan vươn tới mức “quân sư của các chính phủ”, thì thời kỳ này cũng được điểm xuyết bởi những diễn biến thăng trầm, mà quy mô và tính chất của nó, dưới văn phong thú vị của Chernow, sánh ngang với những tiểu thuyết hấp dẫn nhất:
• J.P. Morgan giúp nước Mỹ vươn lên làm bá chủ và chủ nợ châu Âu sau Thế chiến I.
• Vượt qua cuộc khủng hoảng 1929 và hậu quả sau nữa của nó, với điểm nhấn là Chủ tịch NYSE Richard Whitney (em trai George Whitney của J.P. Morgan) đích thân mua vào một lượng lớn cổ phiếu U.S. Steel với giá cao hơn thị giá, để “đỡ giá thị trường”.
• Khả năng “ngoại giao quá đà” ở Thế chiến II, khiến J.P.
Morgan xuất hiện ở tất cả các phía của chiến tuyến, dù đạo đức kinh doanh của họ trong sáng.
• Những câu chuyện thú vị (và không hẳn đã thành công) trong những nỗ lực toàn cầu ở Mỹ La tinh, Nhật, Trung quốc, Ý…
• Tầm ảnh hưởng quá lớn, dẫn đến cảnh không “cơm lành canh ngọt” với Nhà Trắng, và đạo luật Glass–Steagall năm 1933 buộc phải chia tách Morgan Stanley (ngân hàng đầu tư) ra khỏi mạch chính J.P. Morgan (chọn làm ngân hàng thương mại), cũng như các phiên điều trần căng thẳng hướng về J.P. Morgan.
• Những câu chuyện bên kia bờ Đại tây dương, với Morgan Grenfell và nhánh Morgan ở Paris.
Chernow sẽ dẫn dắt độc giả qua Kỷ nguyên biến động và có những bước chuyển mình lớn lao nhất của cây cổ thụ J.P. Morgan, với những hơi thở của thời đại bấy giờ, vẫn còn nóng hổi và đầy xao xuyến.
Kỷ nguyên Canh bạc (Casino Age:1948-1989). Những cá nhân, những biến động chính trị lớn dần lùi xa, và thay vào đó là những chuyển biến về các công cụ tài chính, về sự vươn lên thống trị của “tự doanh” (trader) so với “giao dịch viên” (teller) của ngân hàng truyền thống.
Tốc độ và khối lượng giao dịch ngày càng nhanh chóng mặt, và xu thế LBO (dùng đòn bẩy tài chính với những phi vụ thôn tính, sáp nhập, mua lại cổ phiếu công ty) trở nên phổ biến và diễn ra với quy mô, cường độ và sự quyết liệt “vô tiền khoáng hậu”.
Ở Kỷ nguyên này, với văn phong của một tiểu thuyết hiện đại, Chernow tiếp tục đưa độc giả qua những vòng xoáy nghẹt thở của những đổi thay, cạnh tranh, những phi vụ thâu tóm và những cuộc giao dịch khổng lồ trên thị trường chứng khoán. Đỉnh điểm của diễn biến sẽ là Cuộc khủng hoảng năm 1987, và câu chuyện dừng lại trước cuộc sáp nhập hình thành nên JPMorgan Chase.
Có một câu nói đùa, rằng J.P. Morgan và Morgan Stanley luôn “sáng chế” ra loại vũ khí hủy diệt thị trường, ngay trước khi có Khủng hoảng tài chính thời hiện đại: công cụ quản trị rủi ro Value at Risk mà sự ứng dụng chủ quan của nó ở LTCM (Quỹ quản lý Vốn dài hạn) năm 1998-1999 gây nên thiệt hại vài tỷ đô la cho quỹ này, hay sự “phát minh” ra công cụ tài chính Bistro, tiền thân của công cụ tài chính CDO (Nghĩa vụ nợ thế chấp), chất nổ chính của “The big-short” năm 2007-2008 gây náo loạn phố Wall. Tất nhiên, đây chỉ là những so sánh vui vui, nhưng cũng đủ thấy tầm ảnh hưởng của “Gia tộc Morgan” tới tài chính toàn cầu ra sao.
“Chúng ta sở dĩ có thể đoán định phần nào được Tương lai, chính là bởi những quy luật của Quá khứ, thường lặp lại”. Trông người lại ngẫm đến ta, những trải nghiệm, những diễn biến, những giải pháp của một ngân hàng thâm sâu và phát triển hàng đầu nước Mỹ, của một nền tài chính đã đi trước chúng ta cả thế kỷ, hẳn cũng đem lại những bài học bổ ích cho các chặng đường phía trước của nền tài chính nước ta.
Sách, có thể coi là cỗ máy thời gian thực tế nhất trong tầm tay của chúng ta. Hãy lên đường, học hỏi từ quá khứ, để hướng tới tương lai!
Mời các bạn đón đọc Gia Tộc Morgan - Một Triều Đại Ngân Hàng Mỹ Và Sự Trỗi Dậy Của Nền Tài Chính Hiện Đại của tác giả Ron Chernow & Ninh Phạm (dịch).