Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Văn Minh - Phương Tây Và Phần Còn Lại Của Thế Giới

“… câu hỏi chủ đạo của cuốn sách này chính là câu hỏi lý thú nhất mà một nhà sử học nghiên cứu về kỷ nguyên hiện đại có thể đặt ra. Tại sao bắt đầu từ khoảng những năm 1500, vài ba quốc gia nhỏ bé miền viễn Tây của liên lục địa Âu-Á lại có thể nổi lên nắm quyền thống trị phần còn lại của thế giới, trong đó có cả những xã hội nằm ở phía đông lục địa Âu-Á vốn đông dân hơn và tinh tế hơn xét về nhiều mặt? Còn câu hỏi phụ là: Nếu chúng ta có thể tìm được một lời giải thích thỏa đáng về sức mạnh của phương Tây trong quá khứ, thì khi đó liệu chúng ta có thể đưa ra được dự báo về tương lai của nó không? Phải chăng đây đã thực là sự cáo chung của thế giới phương Tây và là sự ra đời của một thời đại phương Đông mới?”

– Trích Lời nói đầu

***

Lời nói đầu

(Cho lần xuất bản tại Anh)

Giờ đây, tôi đang cố nhớ lại xem ý nghĩ đó đã đến với tôi ở đâu và vào lúc nào. Phải chăng đó là khi lần đầu tiên tôi đi dạo trên Bến Thượng Hải vào năm 2005? Hay khi giữa màn khói bụi của Trùng Khánh nghe một quan chức địa phương chỉ tay vào một đống gạch đá ngổn ngang mà nói đây sẽ là trung tâm tài chính tương lai của Tây Nam Trung Hoa? Chuyện đó diễn ra vào năm 2008, và không hiểu vì sao nó gây cho tôi ấn tượng mạnh hơn tất cả những màn trình diễn sôi động và nhịp nhàng trong buổi lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh? Hay là tại nhà hát Carnegie Hall vào năm 2009, khi tôi ngồi nghe như bị hút hồn vào âm nhạc của Angel Lam, nhà soạn nhạc trẻ kỳ tài người Hoa, hiện thân của xu hướng Đông phương hóa trong nhạc cổ điển? Tôi đồ rằng chỉ đến khi đó tôi mới hiểu được điểm mấu chốt về thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, đúng vào lúc nó đang gần kết thúc, rằng chúng ta đang sống chặng cuối của 500 năm quyền lực thống trị của phương Tây.

Càng lúc tôi càng cảm thấy câu hỏi chủ đạo của cuốn sách này chính là câu hỏi lý thứ nhất mà một nhà sử học nghiên cứu về kỷ nguyên hiện đại có thể đặt ra. Tại sao bắt đầu từ khoảng những năm 1500, vài ba quốc gia nhỏ bé miền viễn Tây của liên lục địa Âu-Á lại có thể nổi lên nắm quyền thống trị phần còn lại của thế giới, trong đó có cả những xã hội nằm ở phía đông lục địa Âu-Á vốn đông dân hơn và tinh tế hơn xét về nhiều mặt? Còn câu hỏi phụ là: Nếu chúng ta có thể tìm được một lời giải thích thỏa đáng về sức mạnh của phương Tây trong quá khứ, thì khi đó liệu chúng ta có thể đưa ra được dự báo về tương lai của nó không? Phải chăng đây đã thực là sự cáo chung của thế giới phương Tây và là sự ra đời của một thời đại phương Đông mới? Nói cách khác, phải chăng chúng ta đang chứng kiến sự suy tàn của một kỷ nguyên mà trong đó đa phần nhân loại ít nhiều đều phụ thuộc vào làn sóng văn minh nổi lên ở Tây Âu từ sau thời kỳ Phục hưng và Cải cách – công cuộc văn minh nhờ được đà từ thời kỳ Cách mạng Khoa học và thời kỳ Khai sángđã vươn qua Đại Tây Dương và đến tận châu Úc, cuối cùng đạt tới cực thịnh trong các thời kỳ Cách mạng, thời kỳ Công nghiệp và thời kỳ Đế quốc?

Chính việc tôi muốn đặt ra những câu hỏi ấy đã nói lên điều gì đó về thập kỷ đầu tiên của thế kỷ. Sinh ra và lớn lên ở Scotland, từng học ở trường Trung học Glasgow và trường Đại học Tổng hợp Oxford, suốt những năm tuổi hai mươi, ba mươi, tôi cứ ngỡ sẽ phải theo đuổi sự nghiệp hàn lâm của mình ở Oxford hay Cambridge.

Lần đầu tiên tôi nghĩ đến việc chuyển đến Hoa Kỳ là do thắc mắc của Henry Kaufman, nhà bảo trợ hàng đầu của trường Kinh doanh Stern thuộc trường Đại học New York và là một nhân vật kỳ cựu ở Phố Wall. Ông hỏi tôi vì sao một người quan tâm đến lịch sử của tiền tệ và quyền lực lại không đi tới nơi thực sự có cả hai thứ ấy. Và nơi đó có thể là đâu khác ngoài khu Hạ Manhattan? Vào lúc bình minh của thiên niên kỷ mới, Sàn Chứng khoán New York hiển nhiên là trung tâm của một mạng lưới kinh tế toàn cầu khổng lồ mang đậm phong cách Mỹ về thiết kế và do người Mỹ sở hữu phần lớn. Lúc này quả bong bóng dotcom rõ ràng đang xì hơi, và một cuộc suy thoái nhẹ cũng đủ khiến Đảng Dân chủ mất Nhà Trắng ngay khi lời cam kết trả hết nợ công của họ bắt đầu có vẻ đáng tin. Nhưng chỉ trong vòng 8 tháng sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, George W. Bush đã phải đối đầu với một biến cố làm nổi bật lên vai trò trung tâm của Manhattan đối với thế giới do phương Tây thống trị. Sự sụp đổ của tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới do những kẻ khủng bố Al-Qaeda gây ra là một lời hỏi thăm ghê gớm dành cho New York. Đó là mục tiêu số một cho bất kỳ ai có ý định thách thức sự thống trị của phương Tây.

Những sự kiện kế tiếp diễn ra đầy bạo liệt. Taliban bị lật đổ ở Afghanistan. Một “trục ma quỷ” được coi là đã tới lúc phải “thay đổi chế độ”. Saddam Hussein bị hất cẳng ở Iraq. Ông lớn Xả độc Bang Texas lúc này đang dẫn đầu trong các vòng bầu cử và đang trên đà tái đắc cử. Nền kinh tế Hoa Kỳ hồi phục nhờ cắt giảm thuế. Không kể nước Mỹ, “châu Âu già cỗi” giận dữ một cách bất lực. Hào hứng trước những sự kiện trên, tôi lao vào đọc và viết ngày càng nhiều về các đế quốc, đặc biệt là những bài học mà đế quốc Anh để lại cho đế quốc Mỹ. Kết quả là vào năm 2003, tôi ra mắt cuốn sách Empire: How Britain Made the Modern World (Đế chế: Nước Anh kiến tạo thế giới hiện đại như thế nào). Khi suy nghiệm về sự nổi lên, sự thống trị và sự sụp đổ tiềm năng của Đế chế Mỹ, tôi dần nhận thấy rõ ba sự thiếu hụt chết người ngay tại trái tim quyền lực Mỹ: thiếu nhân lực, thiếu sự ủng hộ (công chúng không đủ nhiệt tình đối với việc chiếm đóng dài hạn ở các quốc gia đã bị chinh phục) và trên hết là sự thiếu hụt về tài chính (tiết kiệm không tương xứng với đầu tư và thu nhập từ thuế không đủ đáp ứng các khoản chi tiêu công).

Trong cuốn sách ra mắt năm 2004 – Colossus: The Rise and Fall of America’s Empire (Gã khổng lồ: Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế Mỹ), tôi đã cảnh báo rằng Mỹ đã dần dần đi đến chỗ phải trông cậy vào tư bản của Đông Á để đổ tiền vào các tài khoản hiện hành và tài khoản tài chính vốn đang mất cân bằng của mình. Do đó, sự suy tàn và sụp đổ của đế chế không ngai của Mỹ có lẽ không phải do họa khủng bố vào nhà, cũng không phải do các chế độ xấu xa bảo trợ cho chúng, mà bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính ở ngay trung tâm của chính đế chế. Cuối năm 2006, Moritz Schularick và tôi sáng tạo ra từ Chimerica để nói về cái mà chúng tôi coi là mối quan hệ không bền vững một cách nguy hiểm giữa Trung Quốc tằn tiện và Mỹ hoang phí (từ này là một lối chơi chữ dựa trên từ chimera). Khi đó, chúng tôi đã xác định được một trong những điều then chốt dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sắp xảy ra. Bởi lẽ, nếu người tiêu dùng Mỹ không có sẵn cả hai thứ là nguồn nhân công Trung Quốc rẻ mạt và nguồn tư bản Trung Quốc giá hời thì cái bong bóng những năm 2002-2007 đâu có tệ hại đến thế.

Trong thời gian tại nhiệm của Tổng thống George W. Bush, cái ảo ảnh “siêu quyền lực” Mỹ đã bị tan vỡ không chỉ một mà hai lần. Sự báo ứng ập đến lần đầu trên những con phố heo hút của thành phố Sadr và trên những cánh đồng ở Helmand, không những bộc lộ những hạn chế của quân lực Hoa Kỳ mà quan trọng hơn, nó còn cho thấy sự ngây thơ trong các ảo tưởng của những người theo phái tân bảo thủ về một làn sóng dân chủ ở Đại Trung Đông. Nó gõ cửa lần thứ hai với việc cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn năm 2007 leo thang thành cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008 và cuối cùng trở thành cuộc “Đại suy thoái” năm 2009. Sau vụ phá sản của Lehman Brothers, những chân lý giả dối của “Đồng thuận Washington” và sự “điều tiết vĩ đại” – những thuật ngữ của các ngân hàng trung ương, tương đương với “Sự Cáo chung của Lịch sử” – đều chìm vào quên lãng. Đã có lúc nguy cơ xảy ra cuộc Đại suy thoái thứ hai trở nên nhãn tiền. Trục trặc ở đâu? Trong một loạt các bài báo và bài giảng bắt đầu từ giữa năm 2006 và đỉnh điểm là sự ra đời của cuốn sách The Ascent of Money (Sự lên ngôi của đồng tiền) vào tháng Mười một năm 2008 – khi cuộc khủng hoảng tài chính đang vào lúc tồi tệ nhất – tôi đã lập luận rằng tất cả mọi thành phần chủ đạo của hệ thống tài chính quốc tế đã bị suy yếu trầm trọng do khoản nợ ngắn hạn quá lớn trên bảng cân đối thu chi của các ngân hàng, các chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp bị định giá quá mức cùng các sản phẩm tài chính cấu trúc khác, chính sách tiền tệ quá lỏng lẻo của Cục Dự trữ Liên bang, một bong bóng bất động sản nhuốm ý đồ chính trị, và cuối cùng là đợt bán đổ bán tháo các hợp đồng bảo hiểm ma (còn gọi là chứng khoán phái sinh) với các điều khoản bảo vệ giả mạo trước những điều không chắc chắn chưa ai biết đến chứ không nhằm bảo vệ trước những rủi ro có thể định lượng được. Xu hướng vươn ra toàn cầu của các thể chế tài chính gốc gác từ phương Tây từng được kỳ vọng là sẽ mở đầu một kỷ nguyên mới ít biến động hơn về kinh tế. Phải hiểu biết về lịch sử mới có thể dự đoán được rằng một cuộc khủng hoảng thanh khoản kiểu cũ có thể khiến hệ thống đòn bẩy tài chính vốn đang lung lay sụp đổ như thế nào.

Hiểm họa về một cuộc suy thoái thứ hai đã lùi xa sau mùa hè năm 2009, mặc dù nó chưa biến mất hoàn toàn. Nhưng dù vậy, thế giới đã đổi thay. Sự suy sụp đến nghẹt thở trong thương mại toàn cầu (do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra khi nguồn tín dụng cấp vốn cho hoạt động xuất nhập khẩu đột ngột cạn kiệt) có thể phá hủy cả những nền kinh tế lớn ở châu Á, những khu vực được cho là phụ thuộc vào nguồn hàng xuất khẩu sang phương Tây. Tuy nhiên, nhờ chương trình kích thích kinh tế có hiệu quả cao của chính phủ dựa trên sự nới rộng tín dụng quy mô lớn, Trung Quốc chỉ phải chịu đựng sự giảm chậm về tăng trưởng. Đây là chiến công đáng kể mà chỉ một số ít chuyên gia có thể dự đoán được. Hiển nhiên, Trung Quốc gặp phải nhiều khó khăn khi vận hành nền kinh tế đại lục với 1,3 tỉ dân (như thể họ là một Singapore khổng lồ vậy). Nhưng Trung Quốc vẫn cho thấy một khả năng – và khả năng này hiện nay còn cao hơn nữa so với thời điểm tôi viết cuốn sách này vào tháng Mười hai năm 2010 – rằng họ sẽ còn tiếp tục tiến nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp của mình, và rằng chỉ nội trong thập kỷ này họ sẽ vượt Mỹ về tổng sản phẩm quốc nội, như Nhật từng qua mặt Anh vào năm 1963.

Rõ ràng là gần trọn 500 năm qua, phương Tây đã được hưởng những lợi thế thực sự và liên tục so với phần còn lại của thế giới. Khoảng cách thu nhập giữa phương Tây và Trung Quốc bắt đầu nới rộng từ tận những năm 1600 và còn tiếp tục nới rộng thêm cho tới những năm 1970, nếu không nói là còn sau đó nữa. Nhưng từ sau đó khoảng cách thu nhập đã thu hẹp lại với tốc độ đáng kinh ngạc.

Cuộc khủng hoảng tài chính đã định hình nên câu hỏi tiếp theo về lịch sử mà tôi muốn đặt ra. Lợi thế ấy của phương Tây giờ đây đã biến mất chăng? Phải tìm hiểu cái lợi thế ấy chính xác gồm những gì thì tôi mới có thể hy vọng tìm ra câu trả lời.

Phần tiếp theo dưới đây nói về phương pháp luận lịch sử. Những độc giả sốt ruột có thể bỏ qua nó và đi thẳng đến phần Nhập đề. Tôi đã viết cuốn sách này vì mang ấn tượng mạnh mẽ rằng những người đang sống hiện nay không mấy ai dành sự chú ý đầy đủ cho những người đã khuất. Theo dõi ba đứa con của mình lớn lên, tôi có cảm giác lo ngại khi thấy chúng học môn lịch sử ít hơn hẳn so với tôi khi cùng lứa tuổi chúng, không phải vì thầy giáo của chúng kém, mà vì chúng có những cuốn sách lịch sử dở, và những bài kiểm tra thì còn tệ hại hơn. Theo dõi diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính, tôi nhận ra rằng chúng không phải là trường hợp cá biệt; dường như ngoài một nhúm người làm việc trong các ngân hàng và kho bạc của thế giới phương Tây, những người còn lại đều chỉ có chút ít thông tin sơ sài đại khái về cuộc suy thoái gần đây. Suốt gần ba mươi năm nay, giới trẻ ở các trường trung học và đại học phương Tây được tiếp nhận ý tưởng về một nền giáo dục tự do, không có thực chất nào về kiến thức lịch sử. Họ được nhồi vào đầu những “học phần” bị cô lập, thiếu đầu đuôi, và thiếu nhất là trình tự thời gian. Họ được rèn luyện cách phân tích các trích đoạn tư liệu theo kiểu công thức chứ không được rèn kỹ năng then chốt là đọc rộng và nhanh. Họ được khích lệ theo hướng đồng cảm với những chiến binh La Mã tưởng tượng hay những nạn nhân Holocaust chứ không phải là viết những bài tiểu luận lý giải nguyên nhân và con đường dẫn tới những nghịch cảnh của các nhân vật đó. Trong vở The History Boys(Những anh chàng lịch sử, nhà viết kịch Alan Bennett đã đưa ra một “bộ ba bất khả thi”: nên giảng dạy lịch sử như một phương thức nêu các luận cứ trái chiều, một sự chia sẻ với Chân Thiện Mỹ của quá khứ, hay chỉ là “cái vớ vẩn này tiếp theo cái vớ vẩn khác?” Rõ ràng là ông đã không nhận ra rằng học sinh phổ thông ngày nay không nhận được bất kỳ cái nào trong bộ ba trên – may lắm thì chúng chỉ có được “một nhúm thứ vớ vẩn” chẳng theo một thứ tự cụ thể nào hết.

Vị hiệu trưởng cũ của trường tôi đang làm việc bây giờ từng có lần bộc bạch rằng, khi ông đang là sinh viên ở Học viện Công nghệ Massachusetts, mẹ ông đã năn nỉ ông phải học ít nhất là một khóa về lịch sử. Nhà kinh tế trẻ xuất sắc đã tự phụ trả lời mẹ rằng anh quan tâm đến tương lai hơn là quá khứ. Giờ đây ông đã biết rằng điều đó chỉ là ảo tưởng. Thực ra, không hề có thứ nào là “một tương lai” đơn độc như vậy hết mà chỉ có “các tương lai” ở ngôi số nhiều. Chắc chắn là có nhiều cách lý giải khác nhau về lịch sử và không có cách lý giải nào là duy nhất – nhưng quá khứ thì chỉ có một. Và mặc dù quá khứ đã trôi qua, nhưng vì hai lý do sau đây mà nó trở thành thứ không thể thiếu trong quá trình chúng ta tìm hiểu về những gì chúng ta đang trải qua ngày hôm nay, cũng như về những gì đang chờ ở phía trước vào ngày mai và xa hơn nữa. Thứ nhất, dân cư thế giới đang sống hiện nay chỉ bằng gần 7% tổng số người từng sống trên hành tinh này. Nói cách khác, số người đã mất đông gấp 14 lần số người đang sống, và chúng ta, rủi ro thay, lại đang bỏ qua những kinh nghiệm mà đại đa số nhân loại đã tích lũy được. Thứ hai, quá khứ thực sự là nguồn kiến thức đáng tin cậy duy nhất giúp chúng ta tìm hiểu về hiện tại ngắn ngủi và về các tương lai ở phía trước mà chỉ một trong số đó sẽ trở thành hiện thực. Lịch sử không đơn thuần là nghiên cứu quá khứ mà còn là nghiên cứu chính bản thân thời gian.

Mời các bạn đón đọc Văn Minh - Phương Tây Và Phần Còn Lại Của Thế Giới của tác giả Niall Ferguson.