Đặt tên tập sách là Tình yêu sau chiến tranh, hai đồng chủ biên muốn nói rằng tình yêu trong các tác phẩm văn học cổ điển và đương đại của Việt Nam đã trở thành biểu tượng cho nhu cầu tương phản và phương thuốc cho cái phi nhân tính của bạo lực, tước đoạt, tham lam, tham nhũng, sự bàng quan - mọi bi kịch phổ biến… tất cả đều gay gắt ở một đất nước đã trải qua một thiên niên kỷ chiến tranh và cách mạng cùng hậu quả của cả hai thứ đó.
Như tuyển tập này chứng tỏ, truyện ngắn ở Việt Nam là một hình thức văn hoá đọc đa dạng, phong phú, điều đó có nghĩa là văn học vẫn đóng vai trò sống còn theo cung cách mà xã hội Việt Nam tự khảo sát mình.
Các truyện được phân chia theo mối quan tâm ở mỗi thời kỳ đã nói ở trên, cũng được chia theo những hình thức khác nhau của tình yêu và sự diễn tả tình yêu trong những thời gian ấy: tình yêu cách mạng, xác thịt, hôn nhân, ngoại tình, tính dục, chay tịnh, tình cha nghĩa mẹ, tình yêu tinh thần.
Phần đầu tiên, Huyền thoại - Tình yêu sau chiến tranh, gồm những truyện đối diện trực tiếp với hậu quả chiến tranh, truyện về cả tổn thất và hy vọng - về những người đàn bà goá, những người đàn ông cô đơn, những bậc cha mẹ bị mất con và cả mất mát trực tiếp trong chiến tranh nữa.
Phần hai, Cơn mưa cuối mùa - Lứa đôi, cuộc sống được đan dệt vào nhau, không dứt ra được của những lứa đôi, những nỗ lực, cho dù thành công hay không, để tìm cho ra và tạo dựng những hòn đảo an toàn và có ý nghĩa trong vòng quay thay đổi xã hội bất ngờ và những áp lực phức tạp thời hậu chiến ở Việt nam.
***
Tình yêu sau chiến tranh - Tuyển tập 45 truyện ngắn nổi bật của Việt Nam in bằng tiếng Anh, xuất bản ở Mỹ.
Bản tiếng Anh của cuốn sách này: Love after War: Contemporary Fiction from Vietnam (Tình yêu sau chiến tranh - Văn xuôi Việt Nam đương đại) do Wayne Karlin và Hồ Anh Thái chủ biên, chuyển ngữ, vốn đã được Nhà xuất bản Curbstone Press (Mỹ) ấn hành năm 2003. Đến tháng 10 năm 2005, bản tiếng Việt của cuốn sách này do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đã ra mắt độc giả trong nước.
Có thể khẳng định ngay: đây là một tuyển tập lớn. Lớn không những vì độ dày hơn 650 trang và là tuyển tập dày dặn nhất xuất bản ở Âu - Mỹ cho tới nay, quan trọng hơn: cuốn sách tập hợp truyện ngắn của 45 tác giả, thuộc về nhiều thế hệ nhà văn khác nhau ở Việt Nam. Độc giả có thể bắt gặp trong tuyển tập này, khá đầy đủ những gương mặt nhà văn Việt Nam thuộc nhiều thế hệ, từ Tô Hoài, Chu Văn, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng… cho đến Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, rồi Phan Triều Hải và trẻ nhất là Nguyễn Ngọc Tư. Có nhà văn đã khuất và người đang sung sức, có nhà văn của các vùng miền, có cả đội ngũ nhà văn nữ hùng hậu. Là đồng chủ biên của tuyển tập này, nhà văn Mỹ Wayne Karlin và Hồ Anh Thái đã phải chọn lựa ra khoảng 100 truyện ngắn Việt Nam để cuối cùng nhà xuất bản chọn lấy một nửa trong số đó. Và những tác phẩm được tuyển chọn có thể xem là tiêu biểu của nền văn học đương đại Việt Nam.
Điều độc đáo của cuốn sách này so với các tuyển tập khác là cấu trúc cuốn sách được phân chia theo những hình thức khác nhau của tình yêu ở mỗi thời kỳ. Truyện ngắn mở đầu cho từng phần cũng đồng thời được lấy làm tiêu đề cho từng phần đã phần nào nói lên chủ đề của từng phần.
Ở phần đầu tiên, Huyền thoại - Tình yêu sau chiến tranh gồm những truyện đối diện trực tiếp với hậu quả của chiến tranh, cả những tổn thất và hy vọng; phần Cơn mưa cuối mùa - Lứa đôi là tình cảm của những người yêu nhau trong vòng quay thay đổi xã hội bất ngờ thời hậu chiến; phần thứ ba: Tiếng khóc và tiếng hát - Tình yêu thời đổi mới đi sâu vào những xói mòn của tình cảm, của quan hệ gia đình dưới những tác động của cơ chế thị trường; Cô gái đầm sen - Tình yêu đã mất như tiếp nối mạch nguồn truyền thống của những câu chuyện ngụ ngôn huê tình, những câu chuyện buồn mà nồng nàn, ẩn chút hư hư thực thực để suốt đời mơ tưởng; phần cuối cùng: Mùa vọng - Tình yêu cuối bao gồm những chuyện tình khi thành công, lúc tan vỡ, tình yêu đến rồi đi trong ánh sáng nhá nhem của những cuộc đời, của làng quê, của sự phát triển đô thị.
Cách tổ chức truyện ngắn thành năm phần này tạo cho tuyển tập một kết cấu liên hoàn, nên độc giả có thể theo dõi từ đầu đến cuối và qua đó, hình dung một phần đời sống xã hội Việt Nam, phần nào tâm lý con người và tâm trạng thời ta đang sống.
***
Tình yêu sau chiến tranh – năng lượng sắc dục đa dạng
Tiểu Luận
Bộ tuyển tập dày dặn nhất
Năm 2003 nhà xuất bản Curbstone Press ở Mỹ vừa mới phát hành tuyển tập truyện ngắn Việt Nam mang tên Tình yêu sau chiến tranh - Văn xuôi Việt Nam đương đại (Love after War: Contemporary Fiction from Vietnam). Đây có lẽ là tuyển tập dày dặn nhất xuất bản ở Âu - Mỹ cho tới nay, dày 650 trang khổ lớn, tập hợp truyện ngắn của 45 tác giả Việt Nam. Cuốn sách lớn như thế chỉ có thể được xuất bản ở một vài nước anh em ngày trước vì tình hữu nghị, chứ ở phương Tây thì chưa bao giờ. Độc giả Mỹ sẽ thấy hiện diện ở đây các thế hệ nhà văn Việt Nam, từ Tô Hoài sang Chu Văn, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Trang Thế Hy, Ma Văn Kháng, Vũ Bão đến Nguyễn Quang Thân, Lê Văn Thảo tới Nguyễn Huy Thiệp, Đoàn Lê, Hồ Anh Thái, Phạm Thị Hoài, Trần Thùy Mai, Ngô Thị Kim Cúc, Dạ Ngân, rồi Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Triều Hải cho đến Nguyễn Ngọc Tư. Có nhà văn đã khuất và người đang sung sức, có nhà văn của các vùng miền, có cả đội ngũ nhà văn nữ hùng hậu.
Ngủ bên hồ sen, tranh sơn dầu của Hồ Hữu Thủ
Là đồng chủ biên của tuyển tập này, nhà văn Mỹ Wayne Karlin và tôi đã phải chọn lựa khoảng 100 truyện ngắn Việt Nam để cuối cùng nhà xuất bản chọn lấy một nửa trong số đó. Cũng đành phải bằng lòng với sự phán quyết của nhà xuất bản, người bắt mạch được gu của người đọc Mỹ. Chúng tôi tổ chức toàn bộ truyện ngắn vào năm phần sao cho cấu trúc liên hoàn này khiến độc giả có thể đọc từ đầu đến cuối, tuần tự như một cuốn tiểu thuyết, hình dung ra một phần đời sống xã hội Việt Nam, phần nào tâm lý con người và tâm trạng thời ta đang sống. Có thể là ít nhiều diện mạo văn học Việt Nam từ sau chiến tranh nữa.
Bộ sách văn học Việt Nam và một nhà văn Mỹ
Người đứng tên chủ biên bộ sách Những tiếng nói từ Việt Nam của NXB Curbstone Press là nhà văn Wayne Karlin. Ông tham gia dịch, hiệu đính và trau chuốt tất cả các bản dịch sách Việt Nam: hợp tuyển truyện ngắn hậu chiến của các nhà văn Việt Nam và Mỹ mang tên Phía bên kia góc trời (The Other Side of Heaven). Nhân tiện xin nói, chữ heaven ở đây không phải là thiên đường như có người dịch sai, mà có nghĩa là bầu trời. Việt Nam và Mỹ ở tận hai góc trời, giờ đây cần bắc một nhịp cầu hòa giải bằng văn học nối liền hai góc trời xa xôi ấy. Đó là ý tưởng của Wayne Karlin khi làm cuốn sách được Hội Các nhà phê bình Văn học Mỹ bầu chọn là cuốn hợp tuyển hay nhất của năm 1995. Ông đã cộng tác với nhiều dịch giả người Việt và người Mỹ để cho ra những bản dịch Ngược dòng nước lũ của Ma Văn Kháng, Những ngôi sao, trái đất, dòng sông của Lê Minh Khuê, Thời gian của người của Nguyễn Khải, Trong sương hồng hiện ra và Người đàn bà trên đảo của Hồ Anh Thái, Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp, Nghĩa địa xóm Chùa của Đoàn Lê…
Năm 1998, sau khi xuất bản sách của nhà văn Lê Minh Khuê và của tôi, NXB Curbstone Press mời chúng tôi làm cố vấn biên tập cho bộ sách Những tiếng nói từ Việt Nam (Voices from Vietnam), bộ sách đang được tiếp tục với những cuốn sách nêu ở trên. Tuy nhiên thời gian chủ yếu dành cho việc sáng tác, chúng tôi lượng sức khó theo cho hết được bộ sách còn kéo dài nhiều năm. Chính vì vậy, hai năm qua, Wayne Karlin và tôi có "sáng kiến" làm một tuyển tập, cố gắng giới thiệu càng nhiều càng tốt tác giả Việt Nam trong đó, coi như một sự hoàn tất, trước khi rút về viết sách của mình. Còn nhiều tác phẩm chúng tôi đề xuất nhưng không được NXB chấp nhận, kể cũng đáng tiếc. Tuy vậy mọi thiếu hụt khiếm khuyết chắc vẫn được thể tất, vì nói cho cùng đây chỉ là nỗ lực của cá nhân những người làm sách, trong khi chưa có một công trình cấp nhà nước.
Trước khi kể về Wayne Karlin ở khía cạnh một người dịch sách và hiệu đính có nghề, xin giới thiệu đôi nét về sự nghiệp văn chương của ông. Tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết gây dư luận như Đường cắt, Cho chúng ta, Vai phụ, Những người tù, Tiếng đồn và bia mộ, Xứ sở ao ước, Những linh hồn phiêu dạt…, Wayne Karlin đã đoạt một số giải thưởng văn học lớn của Mỹ. Ông là nhà văn có văn phong đẹp, ngôn ngữ chắt lọc và giàu nhạc điệu. Thời báo New York, một tờ báo có tiếng nghiêm nghị, đã phải hạ một lời khen những cuốn sách Việt Nam kể trên "được dịch bằng một thứ ngôn ngữ tiếng Anh hạng nhất" (first-rate English language). Công này chủ yếu là của Wayne Karlin.
Hợp tác giữa những đồng chủ biên
Tôi trực tiếp dịch một nửa trong số gần 50 truyện ngắn của tuyển tập, nhưng với tư cách chủ biên, cả Wayne Karlin và tôi đều phải vất vả nhiều với toàn bộ tập sách. Trong quá trình cùng nhau dịch, không thể nhớ hết những lần tranh luận. Chúng tôi đều cầu toàn, và tất nhiên tranh luận phát sinh cũng vì độ chênh giữa hai ngôn ngữ vốn sẵn có nhiều điểm khác biệt, giữa lối tư duy của hai dân tộc cũng rất nhiều khác biệt.
Chẳng hạn ở đầu truyện Cô gái đầm sen, nhà văn Nguyễn Phan Hách viết: "Một lần về quê, tránh nắng, anh khởi hành đi bộ từ sáng tinh mơ… Sương sớm mù mịt. Gió nhẹ hây hây đem theo mùi sen thơm ngát. Đang đi trong ánh trăng mờ, Tuệ thấy một cô gái từ đầm sen bên đường bước lên…" Người đọc Việt Nam dễ dàng xác định được thời gian của câu chuyện này: đó là lúc sáng sớm, trời còn mờ tối, còn sương và còn trăng. Nhưng Wayne Karlin đã thêm vào đây hai chữ xác định thời gian: That night (đêm ấy). Tôi không chịu, trong nguyên bản là sáng sớm, làm sao có thể đổi thành đêm được? Wayne Karlin cũng không chịu, độc giả Mỹ sẽ không sao hình dung nổi là early in the morning (sáng sớm) lại có thể xảy ra câu chuyện trong sương mù, trong ánh trăng và trên trời còn sao.
Tranh luận mãi, cuối cùng tôi phải nhượng bộ. Lý do: bản tiếng Anh là dành cho độc giả Mỹ, những người vốn duy lý, đòi hỏi sự chính xác về không gian, thời gian, về sự sở hữu… chứ không chấp nhận sự mập mờ thấp thoáng. Tất nhiên đây là do hai cách tư duy và tiếp nhận khác nhau, còn trên thực tế khoảng ba bốn giờ sáng như thế, bên này có thể gọi là sớm hôm ấy, bên kia lại gọi là đêm ấy thôi mà.
Sang đến truyện Lúa hát của Võ Thị Xuân Hà, đúng là tư duy chính xác của người Mỹ phải gây giật mình. Tác giả viết rằng ở làng ấy có tục làm lễ rước muối quanh cánh đồng, rồi người ta rắc muối vào bếp, lấy tro bón ruộng cho lúa xanh. Wayne Karlin giật mình: người Mỹ tin rằng đất mặn là đất xấu, không trồng trọt được, đọc thế ai mà tin nổi? Tôi điện thoại hỏi tác giả, chị bảo đó chẳng qua là tín ngưỡng của làng, như là làm phép, người ta đâu có đổ muối xuống ruộng làm cho đất mặn. Đoạn này cũng không thể lược đi, người dịch phải trung thành. Rốt cục hai người dịch chúng tôi chấp nhận đặt thêm cái chú thích về lễ rước muối như một tín ngưỡng, bằng cách ấy hạn chế được phản ứng của người đọc bản tiếng Anh. Cũng vẫn ở truyện này, Wayne Karlin bàn cái tít Lúa hát có thể gây hiệu quả trong tiếng Việt, nhưng trong tiếng Anh nó véo von văn vẻ và quá nhẹ. Ông đề nghị đổi tên truyện gây ấn tượng hơn cho người đọc Mỹ: Lúa và muối (Rice and Salt).
Còn ở truyện Cầu thang, Nguyễn Thị Thu Huệ vẽ ra khung cảnh một cái ngõ Hà Nội mà chúng ta đều dễ hình dung: "Đầu ngõ là một hàng phở. Họ bán chui bán lủi nên phải giấu mỗi nơi một thứ. Bánh phở thì treo lủng lẳng ở giữa ngõ. Cuối ngõ thì có hai chậu bát lình sình nước và những chiếc bát nổi cùng hành, ớt và váng mỡ". Nhưng một người ngồi tít ở bang Maryland bên Mỹ, dù đã sang Hà Nội nhiều lần cũng khó hình dung ra. Ông hỏi tôi: chủ hàng phở là người trong cái ngõ ấy hay sao mà ông ta được chiếm chỗ để bán hàng? Và ông ta treo bánh phở lên ngõ bằng cách nào? Người Mỹ không thể tưởng tượng được sự chiếm dụng một cái ngõ chung, cản trở mọi người qua lại, cũng không hiểu được cách người ta chỉ kinh doanh một thời điểm nào đó trong ngày thì để thực phẩm vào đâu? Tôi giải thích rằng chủ hiệu phở có thể là người trong ngõ, cũng có thể là người ở nơi khác chỉ đến để bán hàng. Lại còn vẽ cho ông thấy một trong những cách người ta có thể treo bánh phở trong ngõ: đóng đinh lên tường, nối tạm một đoạn dây… Wayne Karlin thích thú: Có thể đưa thêm câu này vào truyện được không? Tất nhiên, phải hỏi ý kiến Thu Huệ, chị vui vẻ bằng lòng. Đúng là tất cả vì người đọc ở bên kia đại dương, những người còn thiếu nhiều kiến thức văn hóa xã hội về Việt Nam.
Nhưng ở trường hợp sau đây thì ngược lại. Nhiều khi một khái niệm nghe rất thuận tai ở đây lại khó tiếp nhận ở bên kia. Câu cuối cùng trong truyện Tiếng hát và tiếng khóc của nhà văn Trang Thế Hy: "Nó nhắc nhở người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông người thầm lặng". Cụm từ "số đông người thầm lặng" tôi chuyển chính xác thành "the silent majority". Wayne Karlin bàn: ở Mỹ, cụm từ này thường được những chính khách cánh hữu dùng như một thứ bánh vẽ để mị dân, vì thế người Mỹ rất dị ứng với nó. Để tránh gây phản cảm cho người đọc, ông đề nghị lược bỏ chữ majority (số đông), câu văn còn lại là "nỗi đau khổ lớn của những người thầm lặng", vẫn giữ được khá chính xác nội dung.
Còn truyện Bố con là đàn bà của nhà văn Vũ Bão, tôi đã đọc nhiều lần, nhưng phải đến khi bắt tay vào dịch, phải nghiền ngẫm từng câu từng chữ như chính mình là người viết thì mới phát hiện ra những chi tiết nhỏ. Nhỏ đến mức tác giả không biết, biên tập viên tiếng Việt cũng bỏ qua, bao nhiêu người đọc cũng bỏ qua nốt. Nhưng đọc nó bằng con mắt của người đọc nước ngoài duy lý, tôi không bỏ qua được nữa. Ví dụ đoạn này: "Vừa mới nhận buồng, Mì đã xắn tay áo, xắn ống quần, lấy chổi quét nhà, quét tường, treo một loạt tranh diễn viên, cắm hoa vào vỏ đạn 37 li, đóng đinh treo gương mỏ neo, xé cánh tay áo đã rách lau giường, gấp chăn màn vuông bánh chưng đặt ngay ngắn ở đầu giường. Mì chạy đi mượn búa đóng đinh treo mắc áo, căng dây kéo ri đô…" Tôi vừa đánh dấu vào hai lần đóng đinh và độc giả dễ dàng nhận ra rằng lần đóng đinh thứ hai cô Mì mới có búa, còn lần đầu cô đóng bằng gì thì chỉ có nhà văn Vũ Bão cây hài hước mới biết được. Một đoạn khác, "Ngát bực mình ngồi trong giường nói vọng ra", nhưng chỉ qua sáu dòng đối thoại thì lại là "Ngát vẫn nằm trên giường". Tất nhiên tôi đã phải hỏi ý kiến của tác giả và xoay chuyển lại theo kiểu một người dọn vườn văn. Chưa hết, khi bản tiếng Anh vào tay Wayne Karlin, ông kêu lên rằng trong truyện chỉ nhắc đến hai cô bạn cùng phòng đi lấy chồng, tại sao ngay từ dòng đầu tác giả lại viết: "Trong phòng có bốn chị em thì ba người đã lần lượt đi lấy chồng". Trong văn cảnh này, độc giả Việt Nam vẫn ngầm hiểu là tác giả có quyền chỉ nhắc đến hai trường hợp nổi bật trong số ba cô bạn cùng phòng, nhưng độc giả Mỹ tính đếm rõ ràng không chịu "ngầm hiểu" như vậy. Rốt cục chúng tôi phải xoay lại: "tất cả" chị em trong phòng đã lần lượt đi lấy chồng…
Như vậy, là đồng chủ biên, chúng tôi không chỉ làm người dịch sách, chọn lựa tác phẩm, sắp xếp truyện vào các phần theo một cấu trúc gắn kết tương đối hợp lý, mà còn phải làm người biên tập hiểu rõ gu của độc giả, thậm chí phải làm người dọn vườn văn. Chắc rằng người đọc nếu có đối chiếu song ngữ sẽ nhận ra trong bản dịch những chỗ mà dịch giả và người chủ biên đã xoay chuyển như đã nói ở trên.
Mời các bạn đón đọc Tình Yêu Sau Chiến Tranh của tác giả Wayne Karlin & Hồ Anh Thái & Nguyễn Bá Cao (dịch).