Những Người Trẻ Lạ Lùng là cuốn Tạp bút của Bác sĩ Nguyễn Hồng Ngọc. Vẫn lối văn phong dí dỏm, tác giả đưa chúng ta hết từ sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. "Một bác sĩ mà là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho ta ngạc nhiên một cách thú vị…" (Nguyễn Hiến Lê) ".
..Không có cái gọi là già, bởi vì khi 20 - 30 người ta còn quá trẻ, 30 - 40 đang trẻ, 40 - 50 hãy còn trẻ, 50 - 60 trẻ không ngờ, 60 - 70 trẻ lạ lùng và trên 70 là… trẻ vĩnh viễn!" (Đỗ Hồng Ngọc) Xin mời bạn tìm đọc Những Người Trẻ Lạ Lùng để cùng chia sẻ những cảm xúc, những suy nghĩ của những người …trẻ lạ lùng.
***
Ông Khai Trí, chủ nhà sách Khai Trí nổi tiếng ở Sài Gòn trước kia, năm nay 73 tuổi, viết cho tôi một bức thư đại ý: Ông đã nhiều lần đọc cuốn Gió heo may đã về của tôi, rất thích thú, lần đọc sau thấy hay hơn lần đọc trước, nhưng cuốn sách đó đã làm hại ông vì nó làm ông nhớ đến tuổi của mình, mà từ lâu ông đã quên, nhờ sống theo một triết lý sống khác: không có cái gọi là tuổi già, bởi vì hồi 20 – 30 tuổi người ta còn quá trẻ, 30 – 40 thì còn đang trẻ, 40 – 50 hãy còn trẻ, 50 – 60 trẻ không ngờ, 60 – 70 trẻ lạ lùng và trên 70 là trẻ vĩnh viễn. Hiện nay mỗi sáng ông đều đi bộ đến hồ bơi, bơi một chập rồi đi bộ về, bày thức ăn ra cho chim chóc trên các cành cao quanh cửa sổ phòng ông đến ăn, rồi đọc báo, nghe đài… Ông vẫn ấp ủ giấc mộng mở một nhà sách mới, có phòng riêng dành cho thiếu nhi vừa vui chơi vừa đọc sách, có chỗ dành cho các văn nghệ sĩ, tác giả đến trao đổi, tâm tình, toạ đàm, trong một không khí thư giãn… Do vậy, tuy ông đã ở vào lứa tuổi trẻ vĩnh viễn, tôi thấy nên xếp ông vào lứa tuổi trẻ lạ lùng thì đúng hơn. Trong thư ông cũng trách tôi vì sao gọi Giáo sư Trần Văn Khê là “một ông già dễ thương” trong bài viết “Đời thường GS Trần Văn Khê” đăng trên báo Kiến thức ngày nay. Ông nói ông Trần Văn Khê mới 78 tuổi, không thể gọi là ông già được dù là “ông già dễ thương”. Mà thiệt! Thấy sức làm việc của GS Trần Văn Khê thì các bạn trẻ khó có ai bì kịp. Ông làm việc mỗi ngày 12 – 16 tiếng đồng hồ không mệt mỏi, liên tục di chuyển từ nước này sang nước khác, hết thuyết trình tới thu băng, làm thơ, viết báo. Đọc những “chuyện tình” của ông trong cuốn Tiểu phẩm (TVK) mới thấy ông trẻ lạ lùng. Ông có khả năng làm chủ được nhịp điệu sinh học của mình. Các buổi diễn thuyết của ông rất chính xác về giờ giấc. Giữa hai chuyến đi, ngồi đợi chuyển máy bay ở phi trường 30 phút thì ông “lim dim” đúng 30 phút, tỉnh dậy hoàn toàn sảng khoái, thảnh thơi để bước vào cuộc hành trình mới. Ông ôm ấp một tâm nguyện là hết lòng biểu dương nhạc Việt ở xứ người và truyền đạt cho thế hệ sau lòng tự hào về nhạc cổ Việt Nam.
Nói đến chuyện tình của những người trẻ lạ lùng, tôi nhớ có lần được gặp hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn ở nhà hoạ sĩ Phạm Văn Hạng. Lúc đó ông đã 88 tuổi. Ông hào hứng giới thiệu với chúng tôi về “người yêu” bằng nữa số tuổi của ông. Ông kể từ lúc còn trẻ ông đã sắm một chiếc xe ngựa triển lãm tranh lưu động đặt tên là “Mê ly” để đi từ Bắc chí Nam. Đến Huế ông gặp nhạc sĩ Văn Phụng, nhạc sĩ đã cảm hứng viết bài: “Ô mê ly, mê ly đời ta…!”. Hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn có cách nhiếp sinh rất lạ. Ông luôn để cho “trái tim xao động” vì… yêu, ông lại có khả năng thở rất chậm, mỗi nhịp thở kéo dài hai phút. Ông nói ông đã tập thở như vậy từ nhỏ, bây giờ mỗi lần đi máy bay từ Hà Nội vào Tp. Hồ Chí Minh ông chỉ cần thở 60 cái là đến nơi (!). Thật là một người trẻ lạ lùng, rất thong dong và khoáng đạt.
Tôi lại nhớ GS Ngô Gia Hy, một vị thầy của nhiều thế hệ bác sĩ. Năm nay ông đã 84 tuổi, hoạt động năng nổ mà bọn chúng tôi khó lòng bì kịp. Ông vừa quản lý một trường Đại học dân lập, lại vừa giảng dạy ở trường Y, phụ trách hai tờ báo, Phó chủ tịch thường trực Hội y dược thành phố… mà sức khoẻ vẫn dồi dào. Ông viết nhiều bài báo vế Khí công, về Thiền trên báo Giác Ngộ.
Ôi, những người trẻ lạ lùng mới dễ thương làm sao!
1998
***
Con tinh yêu thương…
Ở Paris, dưới chân ngọn đồi tuyệt đẹp nổi tiếng với nhà thờ uy nghiêm Sacré Coeur không xa là khu Pigale cũng nổi tiếng không kém với những nhà hàng ăn chơi và các rạp chiếu phim sex, những sex-shop bán sách báo, phim ảnh khiêu dâm cùng với những vật dụng… phục vụ cho chuyện tình dục của con người. Người bạn cùng đi khuyên tôi đừng vào rạp phim sex, bởi vì sau khi xem xong ra đường sẽ thấy chán đời không thể tả! Âu Mỹ có cái lạ là chuyện yêu đương thường gọi là “làm” (make love, faire d’amour), chẳng trách người ta phải hùng hục, phải… đổ mồ hôi sôi nước mắt, thật khác với Đông phương gọi là “thương”, là “cưng”, là “chìu”, là “ăn nằm”, là “gần gũi”… Trong một sex-shop, tôi lật lật mấy tờ báo coi chơi. Mới đầu cũng thấy hay hay, sau thì chán ngắt. Tôi thích hình ảnh “cô sơn nữ miệng cười khúc khích…” hoặc “ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đóm lửa hồng…” hơn. Người chủ tiệm đon đả mời chào: “Hay ông chọn một người nhé! Da trắng, da vàng, da đen… đều có cả!”. Rồi ông đưa cho tôi máy cái hộp carton. Thì ra đó là những búp bê, khi cần thì thổi phình to lên như người thật, có thể “ăn nằm” với nhau được. Toàn là những người mẫu xinh đẹp, những diễn viên nổi tiếng trên thế giới! Thật tội nghiệp cho Đoàn Dự, nhân vật của Kim Dung, say mê Vương Ngọc Yến như điếu đổ mà cô chỉ yêu biểu ca của mình! Giá mà Đoàn Dự có ở đây, hẳn chàng có thể đặt làm riêng cho mình một “con” giống hệt Vương Ngọc Yến để luôn tôn thờ, gần gũi, kề cận bên mình khi hành tẩu giang hồ. Còn có nhiều dụng cụ khác nữa khiến người ta nghĩ rằng có thể “yêu thương” mà chẳng cần có con người!
Thật ra, vào thế kỷ 21 người ta cũng chẳng cần như vậy nữa! Với tiếng bộ vượt bậc của khoa học, đặc biệt sinh học gần đây, người ta có thể cho “sinh sản vô tính” một con người giống y chang bằng cách lấy một tế bào bình thường của người đó, kích điện một cái, rồi cấy vào một cái noãn để phát triển thành một con người – như người ta đã làm với cừu Dolly và nhiều sinh vật khác dễ dàng. Những chàng Đoàn Dư si tình tương lại chỉ cần cầu xin nàng một chút tế bào! Chẳng lẽ tiếc gì mà không cho! Hiện người ta cũng chế tạo ra nhiều robot ngày càng tinh xảo, càng có trí thông minh, có cả “tình cảm” nữa, như gặp ta thì mĩm cười (!) “Chào buổi sáng!” (Có thể nói tiếng Việt lơ lớ vì chưa có dấu, nhưng chẳng hề chi!). Ờ Nhật hiện nay đã bắt đầu có dịch robomania, tức là điên vì mê robot! Cứ tưởng tượng đi, mỗi người chúng ta sau này đi đâu đều có vài robot xinh đẹp đi theo, chẳng thua gì Nguyễn Công Trứ “Gót tiên đeo đủng đỉnh một đôi dì. Bụt cũng nực cười ông ngật ngưỡng…”!
Tháng 8 năm 2000 vừa qua, các nhà khoa học đã công bố bản đồ “gen” của con người. Vậy là từ nay người ta có thể tìm hiểu người yêu cặn kẻ hơn bằng cách nghiên cứu bản đồ gen của nàng (hay chàng). Người ta có thể biết được người kia nói dối mấy chục phần trăm khi tỏ tình bằng máy dò nói dối. Muốn có một đứa con hủ hỉ mà không phải bận bịu chuyện hôn nhân, nàng có thể đến ngân hàng tinh trùng mua một nhúm tinh trùng (của một “danh nhân” nào đó mà nàng yêu mến và ngưỡng mộ); còn chàng thì đến một cửa hàng mua một cái “tử cung nhân tạo”, rồi mua thêm một cái trứng để thụ tinh nữa là xong! Rồi cứ lủng lẳng mang cái “tử cung nhân tạo” đi đây đi đó chẳng khác gì người xưa mang túi thơ bầu rượu!
Nhưng có lẽ mọi sự sẽ không xảy ra như vậy! Bởi vì con người mãi mãi vẫn còn muốn được “quấy nhiểu” bởi con người, bởi những nồng cháy, những đam mê, những hỉ nộ ái ố… những lời tán tỉnh, những nỗi giổi hờn, những niềm tiếc nhớ… chứ không muốn mọi thứ cứ được chương trình hoá bởi robot hay đơn giản hoá bởi chiếc hộp đựng búp bê hay sinh sản vô tính. Con người vẫn cần có con người. Bởi vì trước sau vì rồi cũng có một hôm “Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi, lại thấy trong ta hiện bóng con người!”, như lời một bài hát của Trịnh Công Sơn. Và tôi đồng ý với anh, dù chúng ta đang bước vào thiên niên kỷ mới.
Mời các bạn đón đọc Những Người Trẻ Lạ Lùng của tác giả Nguyễn Hồng Ngọc.