Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Những Cuộc Phiêu Lưu Của Samuel Pingle

Những thay đổi trong ebook:

- Thêm hình minh họa như đã nói ở trên.

- Chuyển hết tên phiên âm thành Latin, lý do: cách phiên âm quá sai khác với tên gốc. Ví dụ: Jim bị phiên âm thành Đgim, Jhon bị phiên âm thành Đờ-giôn, tuy nhiên vẫn là chuyện nhỏ so với tên công ty, địa danh nếu nhìn vào tên phiên âm không thể biết tên gốc là gì. Vì lý do này cover và 1 trang lót (bổ sung thêm) cũng được sửa.

- Một số tên phiên âm được chuyển sang tên Việt hóa hoặc dịch thẳng ra tiếng Việt cho dễ hiểu, ví dụ: ap-tơ, tra từ gốc thì hóa ra là bệnh lở mồm long móng của động vật móng guốc, nếu để tên phiên âm latin sẽ gây khó hiểu. Áo Palto tôi sửa thành áo bành tô vì nếu để nguyên gốc tiếng Pháp cũng gây khó hiểu.

- Sửa rất nhiều lỗi chính tả còn sót.

***

Để thỏa mãn những lời yêu cầu khẩn khoản của người vợ thân yêu và của Jim, đứa con trai chúng tôi, một tiến sĩ sinh vật học trẻ tuổi, tôi sẽ trình bày lại trong cuốn sách này sao cho đầy đủ hơn những sự kiện ly kỳ xảy ra ở Ashworth khoảng ba mươi nhăm năm trước, cùng những cuộc phiêu lưu mà số phận đã đẩy tôi vào. Những sự việc ấy xảy ra vào lúc mà loài người vừa hồi tỉnh lại sau những nỗi kinh hoàng của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất và đã tưởng được yên hưởng một nền hòa bình lâu dài, chẳng hề nghi ngờ rằng lại sắp bị xô đẩy xuống vực thẳm của những tai họa chiến tranh khủng khiếp nhất.

Có thể là đối với một số người thì phần nào những biến cố và những cuộc phiêu lưu của tôi có vẻ như hoàn toàn không đúng sự thật. Tuy nhiên tôi cho rằng sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật là vô tận, và hy vọng trong tương lai sắp tới tôi với các bạn cùng thời của tôi sẽ được thấy những phát minh sáng chế và những đều kỳ diệu hơn nhiều so với những việc tôi mô tả hoặc những điều con trai tôi mới viết trong chuyên khảo “sự giải đáp về bản chất của những virus qua lọc” (năm 1966).

Những hồi ức về thời niên thiếu hiện nay vẫn làm cho lòng tôi xao xuyến khôn xiết, nhưng tôi sẽ cố viết lại những hồi ức đó bằng cái giọng bình tĩnh của những nhà văn cổ điển mà ngày xưa, khi còn bé, cha tôi đã dạy tôi đọc những tác phẩm của họ, những tác phẩm ấy đã giáo dục chúng ta biết yêu tha thiết tổ quốc tươi đẹp của chúng ta.

Tôi sẽ thực sự vui mừng nếu các bạn tìm thấy ở cuốn sách của tôi những kiến thức hữu ích và có thể học hỏi được, bởi vì ánh sáng của kiến thức thì soi đường cho nhân loại còn việc quan sát tỉ mỉ những hành vi của mọi người xung quanh sẽ làm giàu cho kinh nghiệm cá nhân của mỗi người.

Bởi vậy, trong khi tự cổ vũ mình bằng mềm hy vọng rằng tất cả những ai có dịp đọc cuốn sách này đều sẽ lượng thứ cho những mặt yếu và nhược điểm của tôi, tôi, Samuel Pingle, quê ở Ashworth, hôm nay, một buổi sớm đẹp trời ngày 17 tháng Năm, năm 1968, vừa lúc tôi tròn năm mươi tuổi, bắt đầu trình bày những sự kiện đúng với sự thật và còn có thể là chi tiết nữa.

Tôi sinh vào lúc sôi sục nhất của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất ở Ashworth một thành phố nhỏ bé và tiện nghi, nằm trên bờ Đại tây dương, trong gia đình ông Isidor Pingle, một thư lại trong văn phòng của lâu đài Oldmount thuộc quyền sở hữu của lord* Pucklington.

Tôi là đứa con cuối cùng và duy nhất còn sống sót của cha mẹ tôi. Các anh, các chị sinh trước tôi đều đã chết khi còn ít tuổi. Tất nhiên là cha mẹ tôi hết sức yêu quý “thằng nhóc” của mình. Mẹ tôi yếu, và bệnh sưng phổi đã cướp mất bà khi tôi mới lên bảy. Cha cha tôi và tôi khóc lóc mãi không nguôi trước cái tang đau đớn này.

Cha tôi đã sống những ngày góa bụa trong một ngôi nhà nhỏ ở gần bãi chợ cùng với bác Reggie, anh mẹ tôi, một ông già độc thân. Bác tôi, trung sĩ Reginald Brand về hưu, bị lựu đạn làm cụt cánh tay trái ở Gallipoli năm 1917 lúc nào cũng tự hào mang tấm huân chương “Vì dũng cảm” trên ngực và đã kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện kỳ lạ.

Có lẽ chính những câu chuyện ấy đã làm nảy ra trong óc tôi ý muốn tha thiết được tới những nước nhiệt đới để thấy tận mắt những điều kỳ diệu. Lúc còn bé tôi hoàn toàn không ngờ rằng thực tế còn kỳ lạ hơn nhiều so với những cuộc phiêu lưu mà bác tôi thường hay thuật lại vào những đêm đông dài, khi ông ngồi hút thuốc trước ngọn lửa ấm cúng của bếp lò.

Tôi nhớ rằng bác tôi đã từng kể về một con tàu, con tàu ấy lớn đến nỗi khi nó đi ngang qua eo biển Dover thì mũi tàu chạm vào đỉnh tháp Calais trên bờ biển Pháp, còn lá cờ đang tung bay phía lái đã hất cả một đàn cừu đang đứng trên những tảng đá Dover xuống biển. Những cột buồm của con tàu này cao tới mức một thủy thủ thiếu niên leo lên đến đỉnh, lúc tụt xuống tới boong tàu thì cậu ta đã trở thành một ông già râu dài tới rốn. Bác tôi còn kể là có lần ông đi sang Tân Ấn-độ trên một tàu thủy nhỏ, con tàu của ông đã phải len lỏi giữa những hòn đảo trên một eo biển hẹp đến nỗi ông có thể với tay sờ tới được những tảng đá trên bờ, với cơ man là vàng bạc, châu báu. Ông còn kể về eo biển Ballambang Jang, khiến sau đó tôi cứ lần mò tìm mãi trên các bản đồ địa lý nhưng vẫn không thấy đâu. Trên những cây mọc hai bên bờ eo biển này có rất nhiều khỉ nhiều đến nỗi, người ta không thể nào điều khiển được những cánh buồm nữa; đuôi của chúng thõng xuống thành từng chùm và rối cả vào với những dây căng buồm.

Nghe những câu chuyện ấy, tôi đã thề với mình rằng thế nào cũng phải trở thành một nhà du lịch.

Dần dần về sau tính hài hước hồn hậu ở bác tôi bắt đầu đượm vẻ u sầu bí ẩn. Hồi ấy ở Ashworth người ta coi bác tôi là một ông già bẳn tính và hay lý sự đến phát ngấy lên. Được tiền trợ cấp chiến tranh, bác tôi đã dùng phần lớn thì giờ của mình ở hiệu ăn “Hổ Vương”, ở đây ông giao du thoải mái với cái xã hội của những khách hàng quen.

Ông chủ hiệu ăn “Hổ Vương”, ông Tom Bridge mắt lác, nổi tiếng là một quán quân cờ bạc kiệt xuất ở vùng Ashworth. Ông ta còn nổi tiếng về nhiều điều khác nữa, sắp tới đây tôi sẽ nói đến.

Bác tôi thường ngồi ở hiệu ăn “Hổ Vương” từ sáng sớm, ông rít cái tẩu thuốc Brazil lớn nhồi đầy thứ thuốc “Sư tử phương tây”, loại thuốc bốn xu một gói, và chậm rãi uống từng ngụm rượu ale dựng trong cốc vại bằng thiếc với cái vẻ của một người đã làm việc khá nhiều trong cuộc đời của mình và giờ đây có quyền tiêu xài tiền trợ cấp nhỏ mọn một cách vô tư lự.

Mời các bạn đón đọc Những Cuộc Phiêu Lưu Của Samuel Pingle của tác giả Sergey Belyaev & Nguyễn Đức Vinh (dịch).