Xuất thân từ tộc Tanuki danh giá Shimogamo, cậu Tanuki Yasaburo kế thừa sự liều lĩnh của người cha vĩ đại, từ thuở còn là một cục banh lông nhỏ xíu đã sớm khiến kẻ khác phải cau mặt nhăn mày. Dù là Thiên cẩu hay những Con người mà tất cả đều phải kính sợ, cậu cũng không ngần ngại nhúng mũi can thiệp vào chuyện của họ.
Một ngày nọ, kẻ thừa kế “Nidaime” của sư phụ Thiên cẩu già nua Akadama trở về từ Anh Quốc, khiến làn sóng hiếu kỳ cồn lên khắp giới Tanuki. “Câu lạc bộ ngày thứ Sáu”, hội nhóm Con người với thói ăn uống xấu xa cũng tiếp tục tìm kiếm nguyên liệu cho nồi lẩu Tanuki trứ danh của họ. Tháng ngày bình yên lại trôi về đâu mất…
Và thế là “dòng máu ngốc nghếch” chảy trong Yasaburo lại bắt đầu sục sôi!
***
Rừng thiêng Tadasu giữa đêm giông tố. Phố Pontocho cổ kính bên dòng sông Kamo êm đềm. Hội đốt lửa Gozan rực sáng mang theo những hồi ức. Con đường Karasuma chìm trong trận bão hoa anh đào. Và những vò rượu Denki Bran tuy là hàng giả nhưng làm cho muôn người say mê, còn trở thành nguyên liệu đưa một căn phòng bay lên trời…
Ở một Kyoto như thế đã diễn ra câu chuyện về một gia đình kỳ lạ gồm những con chồn Tanuki có khả năng thay hình đổi dạng. Bốn anh em mỗi người một tính và người mẹ đầy ắp tình thương, họ cùng nhau cố gắng hàn gắn lỗ hổng để lại sau sự ra đi của người cha. Với ngòi bút tràn đầy tình cảm, Morimi đã đưa người đọc đến với một Kyoto đầy sắc màu, của thiên nhiên, của con người, và của những nhân vật không-hẳn-là-người.
“Việc trong người chúng tôi nhất định đang chảy ‘dòng máu ngốc nghếch’ đó, chúng tôi không thấy xấu hổ dù chỉ một lần. Chúng tôi có thể nếm trải niềm vui hay nỗi buồn khi đi qua thế giới yên bình này, tất cả là do dòng máu ngốc nghếch đó mang lại. Cha của chúng tôi, cha của cha chúng tôi, thế rồi cha của cha của chúng tôi nữa, những Tanuki dòng dõi Shimogamo đời đời bị dòng máu ngốc nghếch ấy thôi thúc, lúc thì hóa thân thành người, lúc thì chơi khăm Thiên cẩu, khi thì trượt ngã rơi xuống nồi lẩu sắt đang sôi. Điều đó chẳng có gì đáng xấu hổ hết, thậm chí còn đáng tự hào.”
***
Gia tộc thần bí là một câu chuyện huyền hoặc kì ảo về Tanuki, Thiên cẩu và Con người ở Kyoto. Nhưng dĩ nhiên, đó chỉ là ẩn dụ để tác giả nói rất nhiều thứ. Đó là sự sụp đổ của thể chế trật tự cũ và sự chuyển dịch sang một trật tự xã hội mới, với những giá trị quan, khái niệm về đẳng cấp khác, thông qua sự sa ngã của sư phụ Akadama. Nó cũng là câu chuyện về vấn đề xung quanh việc duy trì truyền thống, tính hai mặt của truyền thống như thói quen ăn lẩu tanuki của Câu lạc bộ ngày thứ Sáu. Nó cũng là câu chuyện về các giá trị của gia đình, về lòng tự hào gia tộc thông qua gia đình Tanuki Shimogamo. Nó cũng là chuyện về mặt sau của tham vọng và việc cố gắng để leo lên những nấc thang xã hội thông qua Benten và quá trình cô ta mưu tính để trèo lên đỉnh cao nhất. Hoặc, nó cũng là câu chuyện về lối sống Bohemian của Yasaburou, quẳng gánh lo đi mà vui sống. Cũng giống như trong Truyền kỳ phòng bốn chiếu rưỡi, tôi cảm thấy đâu đó trong cuốn sách này, Morimi đang nói với độc giả: “Em ơi em, cuộc đời ngắn ngủi… nên hãy cứ YOLO đi.”
Gia tộc thần bí là một câu chuyện khó đọc. Thậm chí còn khó đọc hơn cả Truyền kỳ phòng bốn chiếu rưỡi, và vốn dĩ cách viết của Morimi đã phức tạp lắt léo hơn nhiều nhà văn cùng thời. Nhưng mặc dù đau đầu là vậy, dịch Gia tộc thần bí là một công việc thú vị. Đọc được một người viết những câu dù phức tạp như có lớp lang, thấy mạch văn liền lạc như suối tuôn trào không ngừng mở ra những hướng đi bất ngờ thế này, thật là làm tôi sảng khoái như vục mặt vào con suối trong lành uống thỏa thích. Mặc dù có những lúc tôi buộc phải tách những câu rất dài của ông ra cho người đọc dễ theo dõi, cách viết của Morimi có thể nói là khiến tôi rất sảng khoái (…)
(Nguyễn Dương Quỳnh - dịch giả hai tác phẩm Gia tộc thần bí và Truyền kỳ phòng bốn chiếu rưỡi của nhà văn Tomihiko Morimi)
***
Morimi Tomihiko sinh năm 1979 tại Nara. Tác phẩm đầu tayTaiyou no Tou (Tháp mặt trời) đã đem về cho ông giải thưởng lớn ở hạng mục Tiểu thuyết Huyền ảo Nhật Bản. Tác phẩm Dạo bước phố đêm giành được giải thưởng Yamamoto Shugoro, tác phẩm Xa lộ chim cánh cụt được giải nhất giải thưởng Tiểu thuyết Khoa học viễn tưởng Nhật Bản. Ngoài ra ông còn viết Seinoru Nomokemono no Bouken (Cuộc phiêu lưu của gã lười thánh thiện), Yokou (Dạ hành) và nhiều tác phẩm khác.
Gia tộc thần bí là trường thiên tiểu thuyết gồm ba phần. Tập một và hai đều đã được chuyển thể thành phim hoạt hình, và độc giả đang trông đợi sự ra mắt của tập thứ ba, Tengu Taisen (Thiên cẩu đại chiến).
***
“Hết nhúng mũi vào chuyện Thiên cẩu lại chọc tới Con người, tôi đã khiến cả thiên hạ nhăn mặt cau mày mà gọi là ‘Yasaburo quậy phá’. Nhưng trong thân thể con Tanuki tôi đây chảy dòng máu dòng máu ngốc nghếch kế thừa từ cha mình, liệu tôi còn có thể sống theo cách nào khác? Tôi không thể đi theo lối sống nào khác ngoài con đường này.
Tóm lại, những thứ vui vẻ là những thứ tốt lành.”
***
Ngoài sống một cuộc đời thú vị, chẳng cần làm gì khác nữa. Chúng ta cứ quyết như thế trước đã nào.
Tôi là một con Tanuki sống giữa lòng Kyoto hiện đại, nhưng quá kiêu hãnh để làm một con Tanuki tầm thường. Tôi ngưỡng mộ từ xa loài Thiên cẩu, và cũng rất yêu thích việc biến hình thành Con người. Cá tính phiền phức này chắc hẳn đã chảy trong huyết mạch truyền lại từ tổ tiên bao đời, người cha đã khuất của chúng tôi gọi nó là “dòng máu ngốc nghếch”.
Cha tôi chính là Shimogamo Soichiro, con Tanuki “Niseemon” thống lĩnh toàn bộ giới Tanuki đất cố đô, danh tiếng lẫy lừng khắp Lạc Trung Lạc Ngoại, cũng được giới Thiên cẩu kính nể phần nào. Nếu có điểm gì khiến người cha Soichiro của chúng tôi khác biệt với những con Tanuki hiện tại, chắc là việc ông dám gây sự với Thiên cẩu Kurama nên mới bị đẩy vào nồi lẩu Tanuki của Con người. Nhưng chính vì ông đủ ngốc nghếch để nhảy múa trên thành nồi lẩu sắt, nên mới để lại đủ mọi truyền thuyết cho thế gian này.
“Là do dòng máu ngốc nghếch gây nên.”
Cha tôi đã nói vậy đó.
Là con trai thứ ba của Niseemon Shimogamo Soichiro, tôi sinh ra và lớn lên trong rừng thiêng Tadasu.
Khi thân thể vẫn còn tỏa ra mùi thơm thơm như mầm chiên đàn mới nhú ra đôi nhành lá, bốn cẳng chân đệm thịt còn chưa đứng vững, tôi đã bị coi là một thằng oắt đầu bò đầu bướng đầy lông khỏe mạnh mà lắm rắc rối trong giới Tanuki. Bắt đầu từ vụ việc dám dùng lá thông hun khói ngài đá Heso ở Lục Giác Đường làm dậy sóng dư luận, rồi tự do biến hình lung tung từ đồ mở nút chai rượu tới cả đội quân cưỡi ngựa trị an, hết nhúng mũi vào chuyện Thiên cẩu lại chọc tới Con người, tôi đã khiến cả thiên hạ nhăn mặt cau mày mà gọi là “Yasaburo quậy phá”. Nhưng trong thân thể con Tanuki tôi đây chảy dòng máu ngốc nghếch kế thừa từ cha mình, liệu tôi còn có thể sống theo cách nào khác? Tôi không thể đi theo lối sống nào khác ngoài con đường này.
Tóm lại thì, những thứ vui vẻ là những thứ tốt lành.
Một ngày tháng Năm, lúc những rặng hoa xuân khắp Lạc Trung đã rụng vãn, màu xanh của chồi non tràn ngập ba mươi sáu đỉnh núi Higashiyama*, câu chuyện đầy lông này bắt đầu khi con Tanuki tôi đây vẫn đang sống đời vui vẻ.
°°°
Tháng Năm luôn là khoảng thời gian tôi yêu thích từ thuở nhỏ, dòng máu ngốc nghếch không khỏi trào lên nhộn nhạo.
Những rừng cây căng tràn nhựa sống đang đâm chồi nảy lộc kia chẳng phải gọi ta nhớ tới loài Tanuki hay sao?
Ngày hôm đó, tôi ngâm nga một điệu bằng giọng mũi trong khi rời bước khỏi rừng thiêng Tadasu, đi dọc theo sông Kamogawa lộng gió xuân. Tôi hóa thân thành một cô em tóc vàng mắt xanh xinh đẹp lộng lẫy, tự hào khoe dáng vóc thon thả mỹ miều dọc bờ sông Kamogawa, quyến rũ mọi đứa sinh viên ngu ngốc lỡ bước ngang qua.
Tôi đang trên đường đi đến chung cư Masugata nằm ở mặt sau phố mua sắm Demachi. Những con ngách nhỏ của Kyoto vẫn luôn đầy ắp gió xuân khoan khoái, nhưng khu chung cư cũ nát này lại u u ám ám như thể lúc nào cũng trải sẵn cái ổ ngủ đã bốc lên mùi hôi thối.
Khu chung cư này là nơi cư ngụ của một Thiên cẩu già nua bị ép phải nghỉ hưu giữa chừng, hay còn gọi là sư phụ Akadama. Bình thường thầy không nổi điên thì cũng đờ ra héo rũ. Sư phụ có một cái tên rõ kêu là Nyoigadake Yakushibo, từng là đại Thiên cẩu trấn giữ toàn bộ khu vực núi Nyoigadake. Nhưng rồi sư phụ bị lũ Thiên cẩu Kurama hợp sức đánh bại, rơi vào đường cùng nên phải sống ở một xó xỉnh đằng sau khu phố mua sắm Demachi này, bao phẩm chất Thiên cẩu tiêu tán như mây tan sương tạnh chẳng còn chút dấu tích nào nữa.
“Thưa sư phụ, Yasaburo xin được phép bái kiến.”
Tôi cất tiếng chào vọng vào trong gian phòng bốn chiếu rưỡi, nghe thấy một giọng đáp lại “Yasaburo đó hả?”
“Ôi chao sư phụ, hôm nay thầy vẫn cảm thấy khó chịu trong người sao?”
“Kể từ khi bị kéo đi tắm nước nóng, tâm trạng tao có vui lên được lần nào đâu.”
“Xin sư phụ đừng nói vậy… Thầy coi, có mỹ nhân tới chơi này. Mái tóc nàng vàng ươm như sợi mì somen sanrin*, mời sư phụ ra thưởng lãm.”
“Mày thôi ngay mấy trò biến hóa rẻ tiền đó đi, tao khinh!”
Tôi đặt đồ ăn lên bếp rồi bước vào gian phòng bốn chiếu bên trong. Thầy tôi đang ngồi khoanh chân trên ổ chăn chiếu bẩn thỉu lem màu đỏ của rượu ngọt Akadama, chăm chăm nhìn một tảng đá đang đặt trên miếng nệm nhỏ bằng lụa vân kim tuyến. Đó là một hòn đá màu xám không có gì đặc biệt, to cỡ nắm tay Con người.
“Ồ, đây hẳn là hòn đá Kanameishi cho nồi lẩu Thiên cẩu rồi!” Tôi thốt lên.
“Chỉ cần cái này là làm lẩu được cả thằng ngu độn như mày đấy.”
“… Thầy nói gì mà phũ với con vậy.”
Món lẩu Thiên cẩu cần phải đổ nước vào nồi, rồi cho thêm đậu phụ, hành lá, cải thảo và thịt gà, sau đó ninh cùng hòn đá Kanameishi của sư phụ. Nếu chấm cùng chút giấm ponzu trộn thêm hành răm băm nhuyễn thì ăn khá ngon, nhưng cũng với chừng đó nguyên liệu mà thiếu đi hòn đá Kanameishi thì sẽ không thể cho ra hương vị của nồi lẩu Thiên cẩu. Trong nhiều năm, hòn đá này đã lênh đênh qua bao nhiêu nồi lẩu của các nhà hàng truyền thống khắp xứ Lạc Trung để tôi luyện thân mình nơi nhà bếp. Chỉ cần thả nó vào nồi lẩu một lần thôi, hương vị thơm ngon sẽ thấm nhuần qua không biết bao nhiêu bữa lẩu ngon lành. Một nhà hàng nọ bên cạnh đền Kodaiji cũng đang giữ một hòn đá tương tự, hiện vẫn đang trong quá trình tôi luyện.
Mời các bạn đón đọc Sự Trở Về Của Nidaime của tác giả Tomihiko Morimi & Đỗ Nguyên (dịch).