Rừng thiêng Tadasu giữa đêm giông tố. Phố Pontocho cổ kính bên dòng sông Kamo êm đềm. Hội đốt lửa Gozan rực sáng mang theo những hồi ức. Con đường Karasuma chìm trong trận bão hoa anh đào. Và những vò rượu Denki Bran tuy là hàng giả nhưng làm cho muôn người say mê, còn trở thành nguyên liệu đưa một căn phòng bay lên trời…
Ở một Kyoto như thế đã diễn ra câu chuyện về một gia đình kỳ lạ gồm những con chồn Tanuki có khả năng thay hình đổi dạng. Bốn anh em mỗi người một tính và người mẹ đầy ắp tình thương, họ cùng nhau cố gắng hàn gắn lỗ hổng để lại sau sự ra đi của người cha. Với ngòi bút tràn đầy tình cảm, Morimi đã đưa người đọc đến với một Kyoto đầy sắc màu, của thiên nhiên, của con người, và của những nhân vật không-hẳn-là-người.
“Việc trong người chúng tôi nhất định đang chảy ‘dòng máu ngốc nghếch’ đó, chúng tôi không thấy xấu hổ dù chỉ một lần. Chúng tôi có thể nếm trải niềm vui hay nỗi buồn khi đi qua thế giới yên bình này, tất cả là do dòng máu ngốc nghếch đó mang lại. Cha của chúng tôi, cha của cha chúng tôi, thế rồi cha của cha của chúng tôi nữa, những Tanuki dòng dõi Shimogamo đời đời bị dòng máu ngốc nghếch ấy thôi thúc, lúc thì hóa thân thành người, lúc thì chơi khăm Thiên cẩu, khi thì trượt ngã rơi xuống nồi lẩu sắt đang sôi. Điều đó chẳng có gì đáng xấu hổ hết, thậm chí còn đáng tự hào.”
***
Gia tộc thần bí là một câu chuyện huyền hoặc kì ảo về Tanuki, Thiên cẩu và Con người ở Kyoto. Nhưng dĩ nhiên, đó chỉ là ẩn dụ để tác giả nói rất nhiều thứ. Đó là sự sụp đổ của thể chế trật tự cũ và sự chuyển dịch sang một trật tự xã hội mới, với những giá trị quan, khái niệm về đẳng cấp khác, thông qua sự sa ngã của sư phụ Akadama. Nó cũng là câu chuyện về vấn đề xung quanh việc duy trì truyền thống, tính hai mặt của truyền thống như thói quen ăn lẩu tanuki của Câu lạc bộ ngày thứ Sáu. Nó cũng là câu chuyện về các giá trị của gia đình, về lòng tự hào gia tộc thông qua gia đình Tanuki Shimogamo. Nó cũng là chuyện về mặt sau của tham vọng và việc cố gắng để leo lên những nấc thang xã hội thông qua Benten và quá trình cô ta mưu tính để trèo lên đỉnh cao nhất. Hoặc, nó cũng là câu chuyện về lối sống Bohemian của Yasaburou, quẳng gánh lo đi mà vui sống. Cũng giống như trong Truyền kỳ phòng bốn chiếu rưỡi, tôi cảm thấy đâu đó trong cuốn sách này, Morimi đang nói với độc giả: “Em ơi em, cuộc đời ngắn ngủi… nên hãy cứ YOLO đi.”
Gia tộc thần bí là một câu chuyện khó đọc. Thậm chí còn khó đọc hơn cả Truyền kỳ phòng bốn chiếu rưỡi, và vốn dĩ cách viết của Morimi đã phức tạp lắt léo hơn nhiều nhà văn cùng thời. Nhưng mặc dù đau đầu là vậy, dịch Gia tộc thần bí là một công việc thú vị. Đọc được một người viết những câu dù phức tạp như có lớp lang, thấy mạch văn liền lạc như suối tuôn trào không ngừng mở ra những hướng đi bất ngờ thế này, thật là làm tôi sảng khoái như vục mặt vào con suối trong lành uống thỏa thích. Mặc dù có những lúc tôi buộc phải tách những câu rất dài của ông ra cho người đọc dễ theo dõi, cách viết của Morimi có thể nói là khiến tôi rất sảng khoái (…)
(Nguyễn Dương Quỳnh - dịch giả hai tác phẩm Gia tộc thần bí và Truyền kỳ phòng bốn chiếu rưỡi của nhà văn Tomihiko Morimi)
***
Vào thời trị vì của Thiên hoàng Kanmu*, rất nhiều người đã bỏ mảnh đất Manyo* lại sau lưng để kéo về Kyoto sinh sống.
Bọn họ dựng lên thành đô, gia tăng sinh nở, tranh đoạt chính quyền, e sợ thần linh, nương tựa vào Phật, hết vẽ tranh ngâm thơ, lại dùng đao gươm lóe sáng mà chiến đấu với nhau. Cuối cùng họ phóng hỏa thiêu rụi phố phường rồi chẳng mấy chốc tái thiết mà không biết chán, lại gia tăng sinh nở, dốc tinh lực vào bán buôn, hứng thú trau dồi học vấn, vui lòng mãn nguyện với thời đại thái bình. Họ vừa kinh hãi trước bốn con thuyền hơi nước đã lại lập tức bất cẩn phóng hỏa thiêu rụi thành phố*, sau đó cần mẫn xây dựng lại dưới khẩu hiệu “Văn minh khai hóa”*. Họ lại vượt qua thời đại chiến tranh cuối cùng cũng tới, mới cười đã khóc, mới khóc đã cười, trải qua bao nhiêu chuyện mà đi tới thời đại hiện nay.
Từ khi Thiên hoàng Kanmu định ra đô thành đế vương đến giờ đã là một ngàn hai trăm năm rồi.
Người ta nói rằng ngày nay, ở thành phố Kyoto có khoảng một triệu năm trăm ngàn người sinh sống.
Nhưng hãy chờ đã, một chút thôi.
Theo Truyện kể Heike* trong số những võ sĩ, quý tộc và tăng lữ tranh đấu ở đất kinh đô chật hẹp này có một phần ba là hồ ly, còn một phần ba là Tanuki*. Nghe nói một phần ba còn lại cũng là do Tanuki một mình diễn hai vai. Nếu như thế thì Truyện kể Heike không phải là chuyện của Con người, mà đúng ra là câu chuyện của chúng ta. Bà con cô bác, hãy tự hào mà dõng dạc tuyên bố lên đi nào. Rằng không phải dòng giống Tanuki phụ thuộc vào lịch sử của Con người, mà là Con người phụ thuộc vào lịch sử của chúng ta.
Từng có vị trưởng lão tuyên bố những lời dối trá tung trời ấy, vẽ vời nên một thứ lịch sử giả dối. Không cần phải nói, đó chính là một con Tanuki.
Ông cụ ấy rất rậm lông, thay vì trưởng lão thì phải gọi là cục banh lông xôm xốp lăn lăn phía sau điện A di đà của chùa Chion thì đúng hơn. Năm ngoái, trong lúc chẳng ai để ý, ông cụ đã hóa thành một cục banh lông thật sự, chẳng biết từ khi nào đã hóa ra một con Tanuki ở Bạch Ngọc Lâu*, chuyện đó vẫn còn mới trong ký ức tôi.
Mặc dù mấy thứ về Truyện kể Heike chẳng là gì ngoài giấc mộng của một cục banh lông đã gần đất xa trời, nhưng bây giờ vẫn còn nhiều Tanuki bò lổm ngổm sinh sống giữa đất Lạc Trung*. Đôi khi chúng còn sống lẫn đây đó giữa Con người nữa. Cũng như vai trò nhỏ trong Truyện kể Heike ngày trước, Tanuki lúc nào cũng hay bắt chước Con người.
Tanuki và Con người đã cùng nhau làm nên lịch sử của thành phố này - cũng có con Tanuki đã nói như vậy.
Nhưng hãy chờ đã, một chút thôi.
Bầu trời bao bọc trên đô thành đế vương từ xưa đến nay vốn là lãnh địa của bọn ta.
Bọn ta bay lượn trên không trung tự do tự tại, phô ra quyền uy của Thiên cẩu* mà nhổ nước bọt xuống hạ giới, dắt mũi đám đông bò lổm ngổm sinh sống trên mặt đất. Nhân loại tầm thường kia luôn lớn giọng rêu rao về những thành tích của bản thân, làm ra vẻ như tự chúng đã một tay nhào nặn nên lịch sử vậy. Thật ngớ ngẩn. Thật đáng cười. Ngay cả khi được bọn Tanuki đưa cánh tay rậm lông ra giúp đỡ, cái thứ Con người chỉ cần thổi một cái là bay mất thì làm được trò trống gì? Dẫu là thiên tai hay loạn lạc, tất cả đều tuân theo ý muốn của những kẻ sống giữa ma đạo bọn ta. Vận mệnh quốc gia nằm trong lòng bàn tay bọn ta.
Hãy nhìn lên đỉnh những ngọn núi bao bọc quanh thành phố. Hãy kính sợ bọn ta, những kẻ sống trên thiên giới đi.
Có kẻ đã ngạo mạn tuyên bố như vậy.
Không cần phải nói cũng biết, đó chính là một Thiên cẩu.
Con người sống trong thành phố, Tanuki bò trên mặt đất, Thiên cẩu bay lượn giữa trời.
Từ lúc dời đô đến Heian, mọi việc mãi duy trì như vậy tạo thành thế chân vạc cân bằng giữa Con người, Tanuki và Thiên cẩu.
Điều đó đã khiến bánh xe vĩ đại của thành phố này quay.
Thiên cẩu dạy dỗ Tanuki, Tanuki lừa bịp Con người, Con người kính sợ Thiên cẩu. Thiên cẩu bắt cóc Con người, Con người nấu lẩu Tanuki, Tanuki đặt bẫy Thiên cẩu.
Bánh xe cứ thế quay vòng vòng.
Nhìn bánh xe đó luân chuyển là chuyện vui vẻ hơn mọi điều gì khác trên đời.
Tôi là thứ được người ta gọi là Tanuki, nhưng quá kiêu hãnh để làm một con Tanuki tầm thường, tôi ngưỡng mộ từ xa loài Thiên cẩu, và cũng rất yêu thích việc biến hình thành Con người.
Cứ như thế mỗi ngày của tôi rất nhộn nhịp, chẳng có thời gian rảnh để thấy buồn chán.
Mời các bạn đón đọc Gia Tộc Thần Bí của tác giả Tomihiko Morimi & Nguyễn Dương Quỳnh (dịch).