Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovich

Bản dịch của Thạch Chương và Trần Lương Ngọc

LỜI GIỚI THIỆU

(của Max Hayward và Leopold Labedz)

Cuốn Một ngày trong Đời Ivan Đênixôvitch của Alêkxanđr Xôlgiênitxyn quả nhiên là tác phẩm làm kinh hoàng nhất xưa nay từng được xuất bản tại Liên Xô. Ngoài sự kiện là một kiệt tác văn chương, nó còn là một tài liệu cách mạng sẽ ảnh hưởng đến khí hậu đời sống bên trong Liên Xô. Nó là một câu truyện không thương xót và được kể một cách tàn nhẫn về những trại lao công cưỡng bách dưới thời Xtalin. Xôlgiênitxyn đã vạch trần cả một thế giới mới. Trong một phần tư thế kỷ, cái hệ thống trại tập truung to lớn được Xtalin tạo nên đã, trực tiếp hay gián tiếp, là một phần của đời sống hàng ngày của mọi người dân Xô-viết. Chẳng có một gia đình nào mà đã không có một người con, một người chồng, một người anh, hay thân nhân nào khác ở trong một trại, và sự thật về những gì Xôlgiênitxyn nói ra đã được biết đdến từ lâu, nhưng chẳng phải lúc nào cũng được tin, bên ngoài Liên Xô. Nhưng cuốn sách của Xôlgiênitxyn, bởi cái phẩm chất nghệ thuật tột đỉnh của nó, tạo ra một ấn tượng hãi hùng và ghê tởm tại ngoại quốc bởi ngay đến cả những nạn nhân xót hận nhất của các trại tập trung Xô-viết. Đã nhiều năm nay rồi, người ta đã có thể nhắc đến sự hiện hữu của những trại tập trung dưới thời Xtalin trong văn chương Xô-viết, và, quả vậy, hình ảnh của người tù được trở về đã trở thành một điều nhàm chán, nhưng sự thật đời sống trong cái địa ngục nhân tạo này ra sao thì chưa hề bao giờ được tiết lộ trong sách vở cho người đọc Xô-viết. Tấm màn yên lặng phủ kín cái vũ trụ lao trại đã dày đặc như tấm màn tuyết che phủ khoảng đất lớn nhất thế giới, kéo dài từ bán đảo Kôla đến Magađan, từ Vorkuta đến Kôlyma. Trong cuộc đấu tranh để vùng dậy từ những vực sâu băng hoại do Xtalin xô họ xuống, các nhà văn Xô-viết sớm hay muộn đã phải thỏa hiệp với sự ông ta phản bội tính nhân bản sâu sắc đã có hồi làm cho văn chương Nga thật là to lớn trước mắt thế giới đó. Sự việc đã xảy đến cho Alêkxanđr Xôlgiênitxyn là phục hồi những giá trị văn chương và nhân bản của quá khứ. Quả là điều thích hợp khi ông đã chọn làm như thế bằng cách phơi bày một cách tàn nhẫn cái thể chế ô nhục đã có hồi vừa là công cụ vừa là hiện thân của một nền bạo quyền vô cùng đáng khinh miệt. Xôlgiênitxyn nhờ đó đã làm yên ổn lương tri bị hành hạ của vô số những người Nga đã phải sống quá lâu trong yên lặng với ý thức về niềm ô nhục này. Như Alekxanđr Tvarđôsky nói trong phần tựa của ông: “Tác dụng của cuốn tiểu thuyết này, cuốn tiểu thuyết vô cùng khác thường về sự thẳng thắn và sự thật đau thương của nó, là làm trí ta vơi nhẹ đi những gì từ trước đến nay chưa hề được nói tới, nhưng đã phải được nói tới. Do đó mà nó làm ta vững mạnh hơn và cao thượng hơn”. Sức mạnh của cuốn tiểu thuyết to lớn đến độ ta cũng có thể chia sẻ cái cảm tưởng này nữa. Lương tri của một dân tộc chẳng thể nào được thỏa mãn bởi một công thức tự kiêu tự đại, ghê tởm trong cái giả đạo đức của nó, theo đó, kể từ những năm của Đại hội thứ hai mươi của Đảng Cộng Sản Liên Xô, những “lỗi lầm” của Stalin đã được gán ghép cho “một số hiện tượng liên kết với sự tôn thờ cá nhân”. Cuốn tiểu thuyết của Xôlgiênitxyn vượt qua hẳn cái mặc ước này. Trong các cung cách khác nữa, Xôlgiênitxyn cũng vượt qua giới hạn của những gì từ trước đến nay đã được phép trong những cuộc thảo luận công khai về quá khứ. Ông chứng minh rằng những trại tập trung chẳng phải là một đặc điểm cô lập trong một xã hội chính ra đáng ngợi khen- kế quả không may của một sự “vi phạm luật pháp xã hội chủ nghĩa”- mà, thật ra, chúng đã là những tiểu vũ trụ của cả xã hội đó nói chung. Cuốn tiểu thuyết vạch một đường song song mặc thị giữa “bên trong” và “bên ngoài” trại: Một ngày trong đời của một công dân Xô-viết tầm thường đã có nhiều điểm chung với đời sống của những người đồng bào với ông đằng sau hàng rào kẽm gai. Bây giờ ta thấy rằng ở cả hai phía hàng rào, đó là cùng một câu truyện về nỗi thống khổ vật chất và tinh thần, về sự băng hoại, niềm uẩn ức và nỗi king hoàng. Khi chọn một công dân rất tầm thường làm nhân vật chính của câu truyện mình, Xôlgiênitxyn đã bẻ gẫy một mặc ước khác. Ivan Đênixôvitch chẳng phải là anh hùng lao động tiêu chuẩn nâng cao lá cờ xã hội chủ nghĩa thắng lợi và bước những bước dài tin tưởng đi vào tương lai Cộng sản chủ nghĩa huy hoàng. Hắn là một con người hèn mọn, chất phác, rất ư là bối rối, chẳng muốn gì hơn là sống hết một kiếp cần lao cách nào tốt nhất mà hắn có thể. Hắn tranh đấu một cách thảm thương để giữ lại được lòng thẳng thắn, tự trọng, và kiêu hãnh trong một cuộc chiến vô vọng với những lực huyền bí mà chúng dường như nhất quyết- vì những lý do vượt tầm hiểu biết của hắn- phá hủy phẩm cách con người của hắn, chối bỏ cái quyền yêu thương quê hương của hắn, và khiến cho công lao của đôi bàn tay hắn trở thành vô nghĩa. Cho đến giờ ta mới chỉ nghe nói đến những nạn nhân được tán tụng nhiều hơn của “thời kỳ tôn thờ cá nhân”. Trong chiến dịch phục hồi được phát động bởi những kẻ thừa kế Xtalin, người ta đã nhấn mạnh vào “những người Cộng sản chính trực bị kết án một cách bất công”. Bây giờ thì, lần đầu tiên, ta học biết được từ Xôlgiênitxyn cái cách lối theo đó hàng triệu người không tên đã trả bằng tự do của họ và bằng chính cuộc đời cho công cuộc “xây dựng xã hội chủ nghĩa”. Xôlgiênitxyn đã phá hủy cho muôn đời cái màng lưới dối trá nó đã từng bao phủ những trại tập trung Xô-viết từ trên ba chục năm nay- ấy là không kể đến những huyễn tượng đã từng được lan truyền đi với niềm tin tưởng nhường ấy và với vẻ ngạo mạn nhường ấy, mà mọi bằng chứng đều trỏ đến tác dụng trái ngược, bởi những kẻ tự cho mình là “những người bạn của Liên Xô”, mà giờ đây đã bị phát lộ là những kẻ bội phản nước Nga đích thực và bội phản tất cả nhân loại. Mong được như thế trên lương tri của họ. Quả sẽ nhầm lẫn, tuy nhiên, nếu chỉ xét cuốn tiểu thuyết của Xôlgiênitxyn trong những quan hệ lịch sử và chính trị thô lỗ. Như mọi tác phẩm lớn của nghệ thuật, nó ở ngoài nơi chốn và thời gian. Khi trình bày một con người, trong một thời gian và nơi chốn đặc thù, trong cái cảnh trí nhớp nhúa nhất có thể tưởng tưởng nổi, Xôlgiênitxyn đã thành công trong việc làm vững mạnh đức tin của ta vào thắng lợi tối hậu của những giá trị văn minh đối với sự ác. Cuốn tiểu thuyết của ông là một vở kịch đạo đức trong đó chàng thợ mộc Ivan Đênixôvitch Sukhôv là Kẻ Bình Phàm vậy.

MAX HAYWARD
LEOPOLD LABEDZ

Nữu Ước,
Tháng Giêng, 1963

THAY LỜI TỰA

Chủ đề cuốn tiểu thuyết của Alêkxanđr Xôlgiênitxyn thật là khác thường trong văn chương Xô-viết. Nó phản hưởng lại những hiện tượng thiếu lành mạnh trong đời sống chúng ta liên kết với thời kỳ tôn thờ cá nhân, hiện đã được Đảng phơi trần và loại bỏ. Mặc dù những biến cố này thật là gần gũi xét về thời gian, nhưng chúng dường như rất xa vời đối với chúng ta. Nhưng cho dù quá khứ có thế nào, thì ta, trong hiện tại, không được phép lạnh nhạt với nó. Chỉ có cách khảo sát những hậu quả của nó đầy đủ, can đảm và thành thực, ta mới có thể đảm bảo được một sự đoạn tuyệt hoàn toàn và vĩnh viễn với tất cả những sự việc đã đổ một bóng tối trên vùng quá khứ. Đó chính là điều N.S. Khrushchev đã muốn nói khi ông tuyên bố trong bài diễn văn bế mạc đáng ghi nhớ tại Hội nghị thứ hai mươi: “Nhiệm vụ của chúng ta là phải khảo sát kỹ lưỡng mọi khía cạnh của mọi vấn đề liên quan đến sự lạm dụng quyền hành. Đến thời thì rồi ta phải chết, bởi chúng ta tất cả sẽ phải chết, nhưng chừng nào chúng ta còn tiếp tục làm việc thì chúng ta có thể và phải làm sáng tỏ nhiều điều và nói sự thật với Đảng và nhân dân… Việc này phải được thi hành để ngăn ngừa những sự việc như thể khỏi xảy ra trong tương lai”.

Một ngày trong Đời Ivan Đênixôvitch chẳng phải là một cuốn hồi ký trong cái nghĩa thông thường của từ ngữ. Nó không chỉ chứa đựng những ghi chép về kinh nghiệm cá nhân của tác giả và ký ức của ông ta về chúng mà thôi, tuy rằng chỉ có kinh nghiệm cá nhân mới có thể mang lại cho cuốn tiểu thuyết một phẩm chất đích thực như thế. Nó là một tác phẩm nghệ thuật. Và chính cái cung cách theo đó chất liệu được sử dụng đã mang lại cho nó cái giá trị nổi bật như một chứng ngôn và làm nó trở thành một tài liệu nghệ thuật, mà khả tính của nó từ trước đến nay dường như không thể có được trên căn bản “chất liệu cụ thể”.

Trong Xôlgiênitxyn người đọc sẽ không tìm thấy được một bản trần thuật hoàn toàn đầy đủ về cái thời kỳ lịch sử được đánh dấu đặc biệt bởi năm 1937 đó, thời kỳ thật là đau xót trong tất cả những kỷ niệm của chúng ta. Chủ đề của Một Ngày nhất thiết được giới hạn bởi thời gian và nơi chốn của động tác và bởi những hạn định của thế giới trong đó nhân vật chính bị giam hãm. Một ngày của Ivan Đênixôvitch Sukhôv, một tù nhân trong một trại lao động cưỡng bách, như là Alêkxanđr Xôlgiênitxyn đã mô tả (đây là lần đầu tiên tác giả xuất hiện trên bản in), diễn ra như một bức tranh linh hoạt và xác thực phi thường về bản chất con người. Đây chính là điều trên hết đã mang lại cho tác phẩm cái xung kích độc nhất của nó. Người đọc có thể tưởng tượng ra dễ dàng nhiều người trong số những người được trình bày tại đây, trong các tình huống bi thảm này, như đang chiến đấu nơi tiền tuyến hay làm việc tại các công trình tái thiết hậu chiến. Họ cùng là một loại người, nhưng họ chưa hề bị định mệnh phơi bày trước nỗi nguy khốn hung bạo chẳng những thể xác mà cả tinh thần nữa.

Tác giả cuốn tiểu thuyết này không cầu kỳ để cố tình nhấn mạnh cái tính thô bạo chuyên chế nó là hậu quả của sợ đổ vỡ trong luật pháp Xô-viết. Ông đã lấy một ngày rất tầm thường từ lúc thức dậy đến lúc tắt đèn trong đời một tù nhân. Nhưng cái ngày tầm thường này không thể không chất chứa trong tim người đọc những chua xót đau thương cho số phận của những con người này; họ sống động trước mắt người đọc và có vẻ như thật gần gũi với hắn trong những trang cuốn sách này. Thành quả lớn nhất của tác giả, tuy nhiên, là cái chua xót và đau thương đó chẳng hề truyền đạt một cảm giác hoàn toàn vô vọng. Ngược hẳn lại. Tác dụng của cuốn tiểu thuyết này, cuốn tiểu thuyết thật là khác thường về sự thẳng thắn và sự thật đau thương của nó, là làm trí ta vơi nhẹ đi những gì từ trước đến nay chưa hề được nói tới, nhưng đã phải được nói tới. Do đó mà nó làm ta vững mạnh hơn và cao thượng hơn.

Câu truyện cay nghiệt này chứng tỏ một lần nữa rằng ngày nay chẳng có khía cạnh nào trong đời sống chúng ta mà không thể được đề cập tới và mô tả trung thực trong văn chương Xô-viết. Bây giờ chỉ còn là vấn đề nhà văn mang lại cho nó bao nhiêu tài năng mà thôi. Còn có một bài học rất đơn giản khác nữa để học được từ cuốn tiểu thuyết này. Nếu chủ đề của một tác phẩm mà thật sự có ý nghĩa, nếu nó trung thành với những sự thật to lớn của đời sống, nếu nó có tính người sâu sắc trong sự trình bày ngay đến cả những đề tài đau đớn nhất, thì nó không thể không tìm thấy được hình thức phát biểu thích hợp. Bút pháp của Một Ngày rất là linh hoạt và độc đáo trong sự khiêm tốn và bình dị phàm trần của nó. Nó hết sức hồn nhiên và do đó có được cái sức mạnh và phẩm cách lớn lao bên trong.

Tôi không muốn đoán trước lời phê phán của người đọc về tác phẩm ngắn này, nhưng riêng tôi không còn một nghi ngờ nhỏ nhoi nào hết rằng nó đánh dấu sự xuất hiện trên văn đàn của một tài năng mới, độc đáo, và trưởng thành.

Rất có thể rằng sự tác tác sử dụng- cho dù có hiếm hoi và thích đáng đến mấy- một số từ ngữ và phát biểu điển hình cho cái khung cảnh trong đó nhân vật chính đã sống và đã làm việc có thể làm phật lòng một thị hiếu đặc biệt khó tính. Nhưng xét chung tất cả, thì Một Ngày là một tác phẩm mà ta cảm thấy được một niềm tri ân tác giả đến cái độ mà ước vọng lớn nhất của ta là lòng tri ân này nên được những người đọc khác cùng chia sẻ.

ALÊKXANĐR TVARĐÔVSKY

° ° °

Cũng như mọi lần, hiệu đánh thức nổi lên lúc 5 giờ sáng- tiếng một chiếc búa gõ vào một thanh sắt bên ngoài Bộ chỉ huy trại. Tiếng kêu ròn rã vẳng lại yếu ớt từng hồi lọt qua các khung cửa kính phủ đầy băng dày có đến ba phân, và tắt dần đi mau chóng. Trời rét, và người giám thị chẳng buồn gõ tiếp làm gì.

Âm thanh im bặt và phía bên kia cửa sổ tối đen như mực, cứ như là nửa đêm ấy, lúc Sukhôv phải dậy để đi ra nhà vệ sinh, duy có điều bây giờ ba luồng sáng vàng khè hắt vào cửa sổ từ hai ngọn đèn ở chỗ ngoại vi và một ngọn bên trong trại.

Anh không hiểu tại sao mà chả có ai đến mở trại xá cả. Và người ta cũng chả nghe thấy bọn cần vụ kéo thùng vệ sinh lên đòn gánh để khiêng ra ngoài nữa.

Sukhôv không bao giờ ngủ quá hiệu đánh thức mà bao giờ cũng nhổm dậy ngay. Như thế anh có được một tiếng rưỡi trước khi điểm danh buổi sáng, một khoảng thời giờ mà bất cứ ai biết được thế nào là đời sống trong trại bao giờ cũng có thể kiếm chác tí tỉnh gì đó. Có thể khâu cho ai đó một lớp vải bọc đôi bao tay từ một miếng vải lót cũ. Có thể mang đến cho một công khu trưởng một đôi giày bốt nỉ đã khô của anh ta trong khi anh ta còn ở trong giường, để tránh cho anh ta khỏi mất công đi chân không lượn đi lượn lại quanh đống giày tìm đôi của mình. Hay có thể chạy đến một trong mấy phòng tiếp tế xem có tí việc gì làm không, quét dọn hay khuân vác gì đó. Hay có thể đi sang nhà ăn dọn chén bát khỏi các bàn và bưng hàng đống đến cho mấy người rửa chén. Đó cũng là một cách đi kiếm đồ ăn, nhưng bao giờ cũng có quá nhiều người khác với cùng một ý nghĩ. Và cái sự tệ nhất là nếu có chút gì còn thừa lại trong một cái bát và bạn lại thè lưỡi ra mà liếm. Bạn không đừng được. Và Sukhôv vẫn còn nghe văng vẳng bên tai những lời nói của tên công khu trưởng đầu tiên của anh, Kuzyômin- một tay tù lâu năm mà hồi 1943 đã ở trong trại được đến mười hai năm rồi. Một lần, bên một đống lửa đốt trong lúc dọn rừng, hắn đã nói với toán người mới được mạng tới từ tiền tuyến như thế này:

“Mấy bạn, ở đây là luật rừng đấy ạ. Nhưng dù là ở đây cũng vẫn sống được. Đi đoong trước tiên là tên nào liếm sạch bát, tin tưởng vào trạm xá, hay làm ăng-ten cho bọn coi tù”.

Hắn nói quả là đúng quá- dù rằng không lúc nào cũng hẳn là như vậy đối với những tên làm ăng-ten cho bọn coi tù. Chúng biết cách giữ thân lắm. Chúng vẫn sống nhơn nhơn, và chỉ có các tên khác là lãnh đủ mà thôi.

Sukhôv bao giờ cũng tỉnh dậy lúc có hiệu đánh thức, nhưng hôm nay anh lại không. Anh cảm thấy khó chịu trong người từ đêm hôm trước- nhức nhối và đau đớn và ớn lạnh, và anh chẳng biết làm cách nào cho ấm được đêm đó. Trong giấc ngủ anh cảm thấy bịnh lắm và rồi đỡ hơn một chút. Suốt đêm anh cứ phát khiếp cái buổi sáng.

Nhưng rồi buổi sáng cứ đến, như bao giờ.

Với lại ai mà có cách làm cho ấm được, nào là lớp băng chất đống trên cửa sổ như thế kia, nào là một màng lưới sương muối giăng khắp trại xá, nơi mà các bức tường nối với trần nhà? Mà cái trại xá khốn nạn ấy nữa.

Sukhôv cứ nằm nguyên trên giường. Anh nằm ở tầng trên cùng, chăn và áo măng-tô chùm kín trên đầu, và cả hai chân nhét vào ống tay áo trấn thủ. Anh chả nhìn thấy gì hết, nhưng anh có thể nghe các tiếng động mà biết được những sự việc gì đang diễn ra trong trại xá và tại chính nơi anh đang nằm. Anh có thể nghe tiếng bọn cần vụ đang chạy huỳnh huỵch khiêng xuống hành lang một trong những thùng vệ sinh chứa có đến gần một trăm lít. Đây được coi là việc nhẹ dành cho những người có tên trong danh sách bệnh nhân- nhưng khiêng được nó ra mà không làm sóng sánh xuống sàn thì chẳng phải là trò đùa! Rồi một người nào trong Công khu 75 đổ một đống giày bốt dạ từ phòng sấy xuống sàn nhà. Và bây giờ một người nào trong công khu của anh cũng làm như thế (hôm nay cũng đến lượt họ dùng phòng sấy). Hai anh công khu trưởng và phó hấp tấp xỏ chân vào bốt, và giường của họ kêu cót két, ọp ẹp. Tên công phu phó bây giờ chắc là sẽ đi lấy khẩu phần bánh mì. Rồi thì anh khu trưởng chắc có lẽ sẽ lên Ban kế hoạch sản xuất (BKHSX) trên Bộ chỉ huy.

Nhưng, Sukhôv chợt nhớ, hôm nay đâu có phải là dịp lên thăm mấy ông thư ký BKHSX như mọi ngày thường đâu. Hôm nay là ngày lớn của anh em mà. Anh em đã nghe nói nhiều đến việc công khu mình- 104- đổi từ công việc cất xưởng sang một công việc mới, xây dựng một “Phát Triển Cộng Đồng Xã Hội Chủ Nghĩa” mới. Nhưng cho đến giờ chưa có gì hơn là các khoảng đồng trống phủ đầy những đống tuyết, và trước khi làm được cái gì, thì phải đào hố đã, cắm cọc vào đó đã, rồi giăng dây kẽm gai lên đã- tù làm cho tù hưởng, để khỏi thoát được ra ngoài. Và rồi thì mới bắt đầu xây dựng được chứ.

Dám cá mạng là trong một tháng sẽ chẳng có chỗ nào có thể ấm được- ngay đến một cái lỗ dưới đất. Và cũng chẳng đốt lửa lên được nữa- lấy gì làm nhiên liệu mà đốt? Cho nên chỉ còn mỗi hy vọng là làm việc như trâu.

Anh công khu trưởng lo lắm và đang nghĩ cách giải quyết, đang nghĩ cách đùn công việc đó cho một công khu nào khác, công khu nào hơi tối dạ một chút.

Tất nhiên đâu có thể đi tay không được. Chắc phải đút nửa ký thịt mỡ heo cho ông thư ký trưởng. Hay một ký ấy chứ lại.

Có lẽ Sukhôv nên tìm cách có tên trong danh sách bệnh nhân để nghỉ được một ngày. Cứ thử đâu có sao. Cả người anh nhức nhối như giần.

Rồi anh tự hỏi viên giám thị nào trực hôm nay?

Anh nhớ lại là Ivan Cồ, một tên trung sĩ cao, ốm nhách, mắt đen. Lần đầu tiên nom thấy hắn thì khiếp đến tụt cả quần ra được, nhưng khi biết hắn rồi thì hắn là người dễ dãi nhất trong số giám thị trực- chẳng hề bao giờ nhốt ai vô nhà đá hay kéo ai lên sĩ quan kỷ luật. Thế là Sukhôv có thể nằm nguyên cho đến lúc nào tới giờ Trại xá 9 lên nhà ăn.

Cả bộ giường rung chuyển khi hai người cùng nhỏm dậy một lúc- giường trên là láng giềng của Sukhôv, anh chàng đạo Báp-tít Aliêushka, và giường dưới là Buinôvsky, trước kia là đại úy trong hải quân.

Khi khiêng hai thùng vệ sinh ra, hai anh cần vụ bắt đầu cãi lộn nhau về việc ai sẽ đi lấy nước nóng. Lời qua tiếng lại chí chóe cứ như hai mụ già. Anh thợ hàn điện ở Công khu 20 bèn rống lên với chúng:

“Ê, mấy thằng khốn nạn!”. Và hắn ném một chiếc giày bốt vào chúng. “Tao sẽ làm cho chúng mày câm họng lại cho mà xem”.

Chiếc giày bốt văng đến ầm một cái vào cái cột. Mấy tên cần vụ câm họng.

Anh phó công phu kế bên lẩm bẩm than phiền:

“Này, Vaxili Phiêuđôrôvitch! Mấy thằng khốn nàn ở phòng tiếp tế chơi đểu tao mày ạ. Mình bao giờ cũng được bốn chiếc bánh một ký, mà hôm nay được có ba. Thế là sẽ có tên bị thiếu phần rồi”.

Hắn nói nhỏ, nhưng tất nhiên cả công khu đều nghe thấy hết, và tất cả đều nín thở. Ai sẽ bị thiếu phần chiều nay đây?

Sukhôv vẫn cứ nằm y nguyên một chỗ, trên tấm nệm nhét đầy cứng mạt cưa. Giá mà nó ra làm sao hẳn một cái đi- hoặc là nóng hung lên hoặc là hết đau đi. Chứ cứ làng nhàng thế này thì anh chả biết ra thế nào hết.

Trong lúc anh chàng đạo Báp-tít đang lẩm nhẩm đọc kinh, thì ông đại úy ở nhà vệ sinh quay trở về và nói, không hẳn là với một ai đặc biệt, mà có vẻ khoái trá lắm:

“Liệu mà sẵn sàng gân cốt đi, mấy bạn! Ít nhất là hai mươi độ dưới không đấy”.

Sukhôv quyết định đi bệnh xá.

Và rồi có một bàn tay chắc mạnh nào lột phăng chiếc áo trấn thủ và chăn của anh ra. Sukhôv hất chiếc măng-tô nhồi bông khỏi mặt và nhỏm lên một chút. Đứng phía dưới, đầu ngang tầm giường tầng trên, là tên Thát-đát 1 Ốm.

A, ra thằng khốn nạn này đã đến trực và lẻn đến rình anh em từ bao giờ.

“S-854!” tên Thát-đát đọc ở miếng mục trắng khâu trên lưng chiếc áo đen. “Ba ngày nhà đá và làm việc như thường!”.

Vừa mới nghe thấy cái tiếng nói khan khan tức cười của hắn là tất cả mọi người trong cả khu trại xá- lúc ấy rất là tối (không phải tất cả các đèn đều đã bật) và là nơi có hai trăm người ngủ trên năm mươi bộ giường xếp đầy rệp- thức thì có sinh khí hẳn lên. Những ai chưa tỉnh dậy vội vàng bận quần áo.

“Dạ, thưa Công Dân Giám Thị 2 vì tội gì ạ?”. Sukhôv hỏi, và anh lấy cái giọng nghe thảm thương hơn là anh thực sự cảm thấy.

Nằm nhà đá mà được làm việc như thường thì không đđến nỗi gì lắm. Bạn có đồ ăn nóng và không có thời giờ nghĩ ngợi lung tung. Không được thả ra đi làm mới thực là hình phạt.

“Sao giờ này chưa dậy? Lên văn phòng Chỉ huy trưởng!” tên người Thát-đát dài giọng ra nói- cả hắn lẫn Sukhôv và tất cả mọi người khác đều biết tại sao anh ta phải vô nhà đá.

Khuôn mặt nhẵn nhụi, nhăm nhúm của tên Thát-đát không tỏ lộ một tình cảm nào hết. Hắn ngó quanh để tìm bắt thêm một người nào khác, nhưng tất cả mọi người- dù là trong bóng tối hay dưới một ngọn đèn, dù là nằm giường dưới hay nằm giường trên- đều đang xỏ hai chân vào chiếc quần đen, vải đụp, có ghi số ở đầu gối chân trái. Hoặc là họ đã mặc quần áo và đang thu thu vén vén vào người và chạy vội ra của đứng chờ bên ngoài cho đến khi nào tên Thát-đát đi khỏi.

Giá như Sukhôv bị vào nhà đá vì quả thực có tội tình gì thì chắc anh đã không cáu sườn đến thế. Cái điều làm cho anh cáu là bao giờ anh cũng là một trong những người thức dậy trước nhất. Nhưng đâu có dịp nào phân bua, giải thích với cái tên Thát-đát này. Cho nên anh vẫn cứ xin tha, kệ mẹ nó, nhưng đồng thời cũng vẫn kéo chiếc quần đụp lên (chiếc quần cũng có một miếng mụn đã sờn và bẩn khâu phía trên đầu gối trái với con số S-854 sơn trên đó bằng màu đen và cũng đã phai rồi), khoác chiếc áo trấn thủ vào người (chiếc này có những hai con số, một trên ngực và một đằng sau lưng), lấy đôi giày bốt ở đống giày trên sàn, đội mũ lên đầu (có cùng một con số đằng trước), và đi theo sau tên Thát đát.

Tất cả Công khu 104 trông thấy Sukhôv đang bị dẫn đi, nhưng không ai nói lấy một lời. Cũng vô ích, mà biết nói gì? Giá có công khu trưởng ở đó thì hắn có thể nói đỡ anh một chút, nhưng hắn đã đi mất rồi. Còn Sukhôv thì chẳng nói gì với ai cả. Anh không muốn chọc giận thêm tên Thát-đát. Chẳng cần dặn, anh em cũng sẽ giữ phần ăn sáng cho anh.

Hai người bước ra ngoài.

Trời rét như cắt, lại thêm sương mù đến ngộp thở. Hai ngọn đèn rọi từ trên các tháp canh ở các góc phía xa đang chiếu bắt tréo vào nhau khắp khu doanh trại. Các ngọn đèn ở khu ngoại vi và các ngọn trong doanh trại hãy còn sáng chưng. Đèn nhiều đến nỗi làm cho những ngôi sao bị xóa mờ hẳn đi.

Tiếng giày nhai râu rấu trên tuyết, các tù nhân đang hối hả bận rộn việc này việc nọ- đến nhà vệ sinh, các phòng tiếp tế, phòng gói đồ, hay mang lúa mạch đến nhà bếp nấu. Vai so ro, áo cài cúc thật kín, họ thảy đều cảm thấy lạnh, không hẳn bởi tiết trời băng giá mà đúng ra là bởi họ biết rằng họ sẽ phải ở trong thời tiết đó suốt ngày. Nhưng tên Thát-đát kia, trong chiếc áo măng-tô cũ với những dây nẹp màu xanh đã tả tơi, vẫn bước tới đều đặn, vững vàng, và dường như cái rét không hề quấy quả hắn chút nào hết.

Hai người đi qua hàng rào cao bằng gỗ bao quanh khu trừng giới (tức nhà lao bằng đá bên trong trại), qua hàng rào kẽm gai ngăn lò bánh khỏi tay tù nhân, qua góc Bộ chủ huy nơi có một khúc đường rầy phủ đầy sương muối treo lên một cái cột bằng dây kẽm cỡ lớn, rồi lại đi qua một cái cột nữa trên đó- trong một chỗ khuất để giữ cho thủy ngân không xuống quá thấp- có treo hàn thử biểu, băng tuyết phủ dày cộm. Sukhôv liếc nhìn chiếc ống màu trắng sữa mà trong lòng khấp khởi. Nếu nó xuống quá bốn mươi hai độ dưới số không thì anh em sẽ khỏi phải ra ngoài làm việc. Nhưng hôm nay hàn thử biểu chả có xuống đến bốn mươi bốn miếc gì cả.

Hai người bước vào BCH- thẳng đến phòng giám thị. Hóa ra- như Sukhôv đã hơi nghi lúc ở trên đường rồi- là họ chẳng bao giờ muốn đẩy anh vô nhà đá làm gì đâu mà chỉ có điều cái sàn trong phòng giám thị cần đôi chút kỳ cọ đó thôi. Quả nhiên, tên người Thát-đát bảo Sukhôv là tha phạt cho và ra lệnh cho anh lau sàn.

Lau sàn căn phòng giám thị là công việc của một tù nhân đặc biệt- người cần vụ của BCH, chẳng bao giờ phải làm việc bên ngoài trại. Nhưng trước đây đã lâu tên này đã tự đưa được mình vào chỗ quan trọng trong BCH và rồi tự do ra vô các phòng làm việc của ông thiếu tá, của sĩ quan kỷ luật, và của ông trưởng ban an ninh. Hắn hầu hạ họ tối ngày và đôi khi còn nghe lỏm được những chuyện mà ngay đến các giám thị còn không biết. Thế rồi một hồi hắn còn cho là cọ sàn cho mấy tên giám thị tầm thường là dưới phẩm cách của hắn nữa. Họ cho gọi hắn lên một hay hai lần, rồi mới sáng mắt ra và bắt đầu kéo tù nhân thường vào làm công việc đó.

Cái bếp lò trong phòng giám thị đang cháy phừng phừng. Hai tên giám thị áo lột ra hết chỉ còn có sơ-mình bẩn thỉu đang chơi cờ đam, còn một tên thứ ba để nguyên cả chiếc áo lông cừu thắt lưng và để nguyên cả giày bốt đang nằm ngủ trên một chiếc ghế dài hẹp. Có một cái sô và miếng giẻ rách trong góc phòng.

Sukhôv quả là sung sướng quá và cám ơn tên Thát-đát đã tha cho anh:

“Cám ơn Ông Giám thị . Lần sau em thôi không dậy trễ nữa”.

Luật lệ ở đây rất là giản dị- làm hết việc rồi đi ra. Bây giờ đã có việc làm, Sukhôv cảm thấy như hết cả đau nhức. Anh xách cái sô ra giếng, hai bàn tay không đeo bao vì lúc đi vội anh đã quên không mang theo và bỏ chúng ở dưới gối.

Các công khu trưởng đi trình diện tại BKHSX đã tụ tập gần cái cột, và một trong số người ít tuổi, trước kia có lần là một Anh Hùng Liên Xô, trèo lên lau hàn thử biểu.

Những người kia đứng ở dưới vội la lên: “Chớ có thở vào nó đấy, không nó lên bây giờ!”.

“Lên lên gì… mặc kệ mẹ nó… còn ăn thua cái đéo gì nữa đâu”.

Tyurin- công khu trưởng của Sukhôv- không có ở đó. Sukhôv đặt sô xuống và đút hai tay vào hai ống tay áo. Anh muốn xem xem là cái gì.

Anh chàng ở trên cột nói bằng một giọng khản đặc: “Mười bảy độ rưỡi dưới không- con cặc!”

Và ngó lại một lần nữa cho chắc ăn, anh ta nhảy xuống.

“Đằng nào thì bao giờ nó cũng sai rồi- hàn thử biểu bố láo”, có người nói. “Đời nào chúng nó lại treo cái tốt ở đây”.

Các công khu trưởng tản đi mỗi người một ngả. Sukhôv chạy ra giếng. Tai anh buốt cóng dưới hai vạt mũ che mà anh đã kéo xuống nhưng chưa buột chặt.

Phía trên giếng phủ kín một lớp băng dày cho nên cái sô nhét mãi mới chui lọt qua miệng giếng. Còn dây thừng thì cứng như cây ấy.

Đôi tay Sukhôv tê cóng, cho nên lúc anh khiêng sô nước bốc khói về đến phòng giám thị anh nhúng ngay chúng vào nước. Anh thấy ấm hơn.

Tên Thát-đát đã đi khỏi nhưng bốn tên giám thị đang đứng cãi vả với nhau. Họ đã thôi chơi cờ hay ngủ, và đang cãi nhau xem là tháng Giêng này lãnh được bao nhiêu kê (Trong trại “công nhân tự do 3 hiện đang thiếu thực phẩm, và mặc dầu chế độ thẻ khẩu phần đã hết từ lâu, nhưng các giám thị vẫn còn có thể mua thực phẩm với giá được trừ mà dân địa phương không mua được).

“Đóng cửa lại, thằng đầu cứt! Gió lạnh quá”, một tên giám thị quát lên.

Mới sáng ra không nên làm ước giày bốt nỉ. Dù có chạy được về trại cũng không có đôi khác mà thay. Suốt tám năm ở trỏng, Sukhôv đã được thấy đủ mọi thứ thăng trầm về tình trạng giày dép. Đã có lúc suốt mùa đông không có bốt nỉ mà đi, lại có lúc ngay đến bốt thường cũng không thấy có mà chỉ có guốc làm bằng vỏ cây phong hay dép “kiểu Xưởng Máy Cày Chelyabinsk” (tức thị dép làm bằng vỏ xe hơi, khi đi còn để lại đằng sau các vết bành xe). Bây giờ thì tình hình giày dép đã khả quan hơn. Hồi tháng Mười- vì có lần anh đã bày mưu lẻn xuống các kho với nhân vật quan trọng thứ nhì trong công khu- Sukhôv đã được một đôi bốt thật chắc, có mũi thật khỏe và bên trong đủ rộng để có thể quấn đến hai lớp vải bao chân ấm. Suốt một tuần anh cảm thấy lạc thú nhất đời, đi đâu cũng va hai gót giày vào nhau khoái trá. Thế rồi tháng Chạp lại được phát bốt nủ nữa chứ, và đời tươi thắm như hoa. Thật chả muốn chết tí nào hết. Nhưng rồi có thằng chó má nào ở phòng kế toán rỉ tai Chỉ huy trưởng: “Cho lãnh bốt nỉ nhưng bắt phải nộp lại đôi kia. Tù không được quyền có hai đôi một lúc”. Thế là Sukhôv phải quyết định hoặc giữ đôi bốt da mới suốt mùa đông, hoặc lấy đôi bốt nỉ- qua suốt mùa xuân tuyết tan- và trả lại đôi mới. Anh đã nâng niu đôi giày đáng yêu này như nâng niu trứng ấy, lấy mỡ thoa vào chúng và đánh cho da mềm ra. Trong suốt tám năm giời, không có gì đã làm anh đau khổ hơn là phải đem trả đôi bốt ấy. Chắc là chúng sẽ bị đổ vào một đống cùng với những đôi khác, và chắc rồi xuân đến anh sẽ chẳng bao giờ tìm lại chúng được nữa.

Sukhôv chợt nảy ra một ý kiến. Anh tụt vội đôi bốt nỉ ra, dựng vào một xó, ném mớ vải bao chân lên trên (cái muỗng anh vẫn thường giắt vô một chiếc bốt bỗng rớt leng keng xuống sàn nhà- hồi nãy tuy đi vội như thế mà anh cũng không quên nó), đi chân không, khom mình xuống dội nước vào ngay giày của mấy tên giám thị.

Thấy vậy một tên co vội chân lên, miệng hét “Làm từ từ chứ, thằng khốn nạn!”.

…“Sao lại gạo được? Gạo lại thuộc về phần chia khác. So sánh thế nào được”…

“Sao phải dùng tới từng ấy nước hả, đồ ngu? Rửa nhà như vậy đấy hả?”

“Còn cách nào khác đâu thưa Công Dân Giám Thị? Sàn dính bệt những đất là đất!”

“Bộ chưa bao giờ thấy mẹ đĩ rửa nhà hay sao hả đồ ngu?”

Sukhôv đứng thẳng người lên, cầm trong tay miếng giẻ nước chảy ròng ròng. Anh nhoẻn một nụ cười ngây thơ, để lộ ra mấy cái răng thiếu vị bị sưng xuất huyết khi ở Ust-Izhma năm 1943, cái hồi mà anh tưởng là đã sắp gục rồi. Tưởng là sắp đi đoong rồi. Đi ỉa chảy, có máu, ruột đau rã rời, ăn vô chả giữ lại được gì hết trọi. Nhưng bây giờ mỗi một cái còn lại từ những ngày đó là cái giọng nói phều phào tức cười của anh.

“Thưa Công Dân Giám Thị, em bị xa vợ từ hồi 1941 kia. Giờ cũng chẳng nhớ được nó ra làm sao nữa”.

“Coi kìa, bọn chúng lau nhà như thế kia kìa… Mấy tên khốn nạn này chẳng biết làm cái gì cả, mà cũng chẳng thiết làm nữa. Cho chúng ăn bánh mì không đáng. Quân này phải ăn cứt kia!”.

“Nhưng việc đéo gì mà ngày đéo nào cũng phải rửa sàn? Lúc nào cũng ướt át. Ê này, 854, nghe đây. Lau qua loa cho nó khỏi ướt thôi, rồi cút!”.

…“Gạo! Làm sao mà so sánh kê với gạo được”…

Sukhôv làm lẹ cho nó xong. Có hai thứ làm việc. Như là hai đầu gậy ấy. Làm cho người ta thì làm thật đàng hoàng, còn làm cho người ngợm thì chỉ đại khái thôi. Nếu không thì thiên hạ ngỏm củ từ đã khuya rồi. Đó là cái chắc.

Sukhôv lấy giẻ ướt lau qua sàn gỗ một lượt nữa, không để sót một chỗ nào khô, ném luôn cái giẻ chưa vắt vào phía sau bếp lò, đi bốt, đổ chỗ nước còn lại trong sô lên lối đi mà các sếp lớn hay sử dụng, và đi tắt qua nhà tắm, qua câu lạc bộ tối om và lạnh lẽo, đến nhà ăn.

Anh còn phải đến bệnh xá nữa- bây giờ lại thấy đau ê ẩm cả người. Rồi lại còn phải tránh cho bọn giám thị ở trước cửa nhà ăn không nhìn thấy. Ông Chỉ huy trưởng đã ra lệnh triệt để bắt các tù nhân đi lạng quạng một mình và nhốt vào phòng kín.

Thực là điều hiếm, sáng nay không có nhiều người đứng xếp hàng đợi vào nhà ăn. Anh bèn đi vào luôn.

Bên trong mù mịt như một nhà tắm hơi- nào là không khí thấm đầy sương muối bên ngoài tràn vào, nanò là hơi cháo loãng trong nhà ăn bốc lên. Mọi người đang ngồi ở bàn hoặc đứng chen chúc ở chỗ khoảng trống giữa những người ngồi bàn để đợi lấy chỗ. Vừa la lối inh ỏi vừa len lỏi rẽ qua đám đông, hai ba người thuộc mỗi công khu tay bưng khay gỗ chất những tô cháo lúa mạch và cháo ngô, và kiếm chỗ trên bàn để đặt xuống. La đến như thế mà những thằng ngớ ngẩn chẳng nghe thấy gì, xô luôn vào khay của người ta, thế là đổ tóe ra hết! Tiện bàn tay trống bèn nện cho chúng một cú vào gáy! Phải như thế! Cho chúng một bài học, đứng có lớ xớ kiếm chác đồ ăn thừa mà vướng cả lối đi người ta.

Phía bên kia có một anh chàng trẻ tuổi làm dấu trước khi ăn. Chắc phải là dân miền Tây Ukraine 4 và là dân mới. Chứ dân Nga thì đã chẳng còn nhớ phải làm dấu bằng tay nào nữa rồi.

Ngồi trong nhà ăn lạnh nên phần lớn khi ăn đều vẫn đội mũ, nhưng ăn không vội vã, đuổi theo từng miếng cá thối lẫn trong đám lá bắp cải và nhổ xương ra bàn. Khi xương chất thành một đống sẽ có một anh gạt xuống đất trước khi công khu sau ngồi vào, và rồi xươong sẽ bị dẫm nát ở dưới đất.

Nhổ xương ngay xuống đất là bất lịch sự.

Ở giữa nhà ăn có hai hàng cột có thể gọi là cột nhà hay giàn chống. Fêtyukôv, một người khác nữa cùng công khu đang ngồi dựa vào cột giữ phần ăn sáng cho Sukhôv. Tên này cũng không phải vào hàng vai vế trong công khu- còn dưới cả Sukhôv nữa. Mới thoạt nhìn tưởng người nào trong công khu cũng như nhau- cũng áo măng-tô đen, cũng mang số- nhưng bên trong thì khác nhau lắm. Người nào cũng có giai cấp ra gì. Buinôvsky, chẳng hạn, không phải là hạng người ngồi giữ bát cho kẻ khác. Và có những việc mà Sukhôv không thèm làm. Chẳng hạn, ta chẳng thể yêu cầu Buinôvsky, ông Đại úy Hải quân đó, giữ bát cho ta được, và có những việc mà ngay đến Sukhôv cũng chẳng thèm làm- những việc dưới tư cách của anh.

Fêtyukôv trông thấy Sukhôv đến thì đứng dậy nhường chỗ, thở dài một cái.

“Nguội hết rồi. Tôi toan ăn hộ anh- tôi tưởng anh nằm nghỉ nhà mát rồi chứ”.

Hắn không đứng chực làm gì. Hắn biết là Sukhôv sẽ không để lại một chút gì cho hắn hết. Nó sẽ liếm sạch nhẵn cả hai tô cho mà coi.

Sukhôv rút muỗng giắt trong bốt ra. Anh mến cái muỗng này lắm, nó đã theo anh đi khắp nơi miền Bắc. Chính anh đã lấy giây nhôm đúc nó trong cát và khắc lên nó chữ: “Ust-Izhma 1944” 5 .

Rồi anh bỏ mũ ra khỏi cái đầu trọc của anh- dù là lạnh đến nấy anh cũng không bao giờ để nguyên cả mũ mà ngồi ăn. Anh khuấy bát cháo đã nguội và nhìn vội vào bát xem trong đó có gì. Như lệ thường. Không ohải là lớp cháo múc trên mặt nồi nhưng cũng chẳng phải là thứ múc từ dưới đáy nồi. Con nhà Fêtyukôv dám đỡ nhẹ một củ khoai tây rồi lắm ạ.

Cháo trong trại giam chỉ ngon duy ở chỗ là thường thường nó nóng, nhưng bây giờ cháo của Sukhôv đã nguội ngắt. Dù vậy anh cũng ăn chậm rãi và cẩn thận như thường lệ. Không việc gì mà vội, dù nhà có cháy cũng mặc. Ngoài lúc ngủ, tù nhân chỉ có thì giờ riêng của mình là mười phút vào bữa ăn sáng, năm phút lúc nghĩ trưa và năm phút nữa vào bữa ăn tối.

Cháo ngày nào cũng vậy, chả đổi gì cả. Nó tùy thuộc loại rau dự trữ được trong mùa đông. Năm ngoái chỉ trữ có cà rốt, muối, vì vậy chỉ có mỗi cà rốt trong cháo suốt từ tháng Chín tới tháng Sáu. Năm nay là bắp cải. Trại được ăn ngon nhất vào tháng Sáu, vì hết rau phải dùng lúa mạch thay thế. Tệ nhất là tháng bảy, người ta bỏ lá tầm ma 6 xé nhỏ vào nồi nấu.

Cá thì hầu hết chỉ là xương. Thịt cá đã bị luộc rữa ra hết rồi, chỉ còn một chút dính ở đuôi và đầu. Không bỏ sót đến một cái vẩy hay một mẩu thịt còn dính vào bộ xương, Sukhôv nhai nát hết xương, hít lấy nước rồi nhổ ra bàn. Anh không chừa lại một chút gì hết- ngay cả đến mang hay đuôi cũng ăn tuốt. Ăn cả mắt nữa nếu chúng còn năm nguyên tại chỗ, trong đầu cá, chứ nếu đã long ra rồi mà nổi lềnh bềnh trong bát thì anh không ăn. Mọi người đều nhạo anh về chuyện này.

Hôm nay Sukhôv lại để dành được đôi chút. Anh chưa trở về trại xá lấy phần bánh mì nên bây giờ ăn không có bánh. Bánh mì thì lúc nào ăn không cũng có thể được, ăn về sau lại đỡ đói.

Món thứ hai là món cháo magara đặc cứng, cái món lúa mạch “Tàu” chết tiệt này. Cũng nguội ngắt và đóng bánh lại. Sukhôv xắn ra thành từng miếng. Ngay lúc còn nóng nó cũng đã nhạt nhẽo rồi, ăn chẳng thấy thấm thía gì rồi, chứ đừng nói gì lúc nguội. Thực ra chỉ rặt cỏ là cỏ, có điều là nó màu vàng, trông giống như kê. Người ta lấy nó thay vào lúa mạch, cho là ý kiến hay lắm và bảo là bắt chước người Tàu. Khi nấu lên, một tô nặng khoảng bốn trăm gờ-ram. Không hẳn là lúa mạch thật, nhưng cứ cho là như vậy đi.

Anh liếm muỗng, nhét nó vào bốt, đội mũ, rồi đi ra bệnh xá.

Trời vẫn còn tối như bao giờ, và những ngôi sao bị lu mờ vì những ngọn đèn trong trại. Và hai ngọn đèn rọi hãy còn quét đi quét lại khắp khu doanh trại. Lúc mới lập trại- đây là một trại “Đặc Biệt” 7 - lính canh hãy còn có nhiều hỏa châu. Mỗi khi điện hư, họ bắn hỏa châu lên phía trên doanh trại như mưa trắng, đỏ, xanh lục- cứ y như ở ngoài mặt trận ấy. Nhưng rồi họ thôi không dùng hỏa châu nữa. Có lẽ họ cho là tốn kém quá.

Trời hãy còn tối như lúc có hiệu đánh thức. Nhưng những tay lâu năm có thể căn cứ vào những cái này, cái kia, cái nọ mà biết được là hiệu điểm danh sắp sửa nổi lên. Tên phụ việc cho thằng Thọt (Thọt là một tên cần vụ trong nhà ăn, hắn lấy đồ ăn của nhà ăn để nuôi một tên phụ việc) đã đi kêu trại x