Dương Quảng Hàm (1898-1946) Tự Hải Lượng. Nguyên Quán: Phú Thị, Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên. Từng là thanh tra Trung học vụ, Hiệu Trưởng trường Bưởi. là nhà nghiên cứu văn học, nhà giáo dục Việt Nam.
Việt Nam văn học sử yếu là cuốn sách của Dương Quảng Hàm lược khảo về văn học lịch sử nước Việt Nam trong bối cảnh không có quyển sách nào chép về văn học lịch sử nước ta. Đây là cuốn sách giáo khoa dành cho bậc trung học được Bộ Quốc gia Giáo dục tái bản lần hai năm 1951.
Tác giả đề cập đến nền văn học Việt một cách khá toàn diện: văn chương bình dân; các chế độ về việc học và việc thi; các thể văn; vấn đề ngôn ngữ văn tự, văn chương qua các thời kì (Lý, Trần, Lê, Mạc, Nam Bắc phân tranh, cận ); ảnh hưởng của nước Tàu; ảnh hưởng của nước Phá
Công trình này đã góp phần tích cực vào việc phát hiện và bảo tồn văn hóa của dân tộc Việt.
Đây là một quyển văn học sử phổ thông đầu tiên được biên soạn bằng chữ quốc ngữ, một công trình khoa học lớn, có giá trị về nhiều phương diện: học thuật, tư tưởng, tư liệu, phương pháp nghiên cứư. Cuốn sách có giá trị vượt thời gian, không chỉ tóm tắt các đại cương cho học sinh dùng mà còn là sách tham khảo tinh tường cho các học giả.
***
VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU
(Tái bản theo đúng bản in lần đầu 1943)
Tác giả: DƯƠNG QUẢNG HÀM
CÙNG BẠN ĐỌC
Công trình Việt Nam văn học sử yếu của nhà nghiên cứu DƯƠNG QUẢNG HÀM (1898-1946) xuất bản lần đầu tại Hà Nội năm 1943. Được biên soạn như là sách giáo khoa dùng cho bậc trung học theo học chế đương thời, cuốn sách đã được in lại nhiều lần, ở miền Bắc và miền nam. Nhiều thế hệ các nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu đã từng thâu nhận những hiểu biết đầu tiên của mình về gia tài văn học nước nhà nhờ quyển “Việt văn giáo khoa thư” này, một quyển sách đã và chắc sẽ còn in dấu trong những ký ức ấm áp trên nhiều trang hồi ký. Tạo được hiệu quả như vậy hẳn không chỉ vì đây là một cuốn giáo khoa. Có thể nói mà không sợ quá lời rằng đây là một cuốn lịch sử văn học Việt Nam có tính cách phổ thông đầu tiên được biên soạn bằng chữ quốc ngữ. Đặt trong nền học thuật bằng chữ quốc ngữ lúc đó đang hồi thịnh đạt, Việt Nam văn học sử yếu tỏ rõ sự vững chãi trong việc bao quát quá trình văn học dân tộc từ khởi nguyên đến đương thời, thu góp được hầu hết những kết quả sưu tầm, nghiên cứu của giới học giả tính đến thời điểm ấy, từ đó phác thảo một lịch trình diễn biến của văn học dân học - một sự phác thảo mà cho đến ngày nay, sau 50 năm, vẫn còn tỏ ra hợp lý trên căn bản. Không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều giáo trình, nhiều công trình chuyên khảo về toàn bộ hoặc từng mặt của văn học Việt Nam, xuất hiện trong ba bốn chục năm nay ở miền Bắc và miền Nam, nhiều soạn giả thường sử dụng Việt Nam văn học sử yếu như một cuốn sách tra cứu, trích dẫn và sử dụng khá nhiều nhận xét, khá thiều thuật ngữ, phạm trù, định nghĩa… của sách này.
Cuốn sách không chỉ có giá trị khảo cứu về văn chương mà trong chừng mực nhất định, còn có giá trị khảo cứu về văn hoá. Cuốn sách hẳn cũng mang một số thiếu sót và hạn chế nhất định - do điều kiện lịch sử hoặc điều kiện tư liệu. Tuy nhiên, những giá trị đã được thời gian thử thách của cuốn sách không vì thế mà sút giảm.
Nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh nhà giáo, nhà nghiên cứu DƯƠNG QUẢNG HÀM, theo nguyện vọng của gia đình cố soạn giả Việt Nam văn học sử yếu, cũng là để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc gần xa, chúng tôi tái bản công trình này - một cuốn sách dù được in lại nhiều lần, hiện vẫn là sách hiếm đối với nhiều thư viện và tủ sách gia đình.
Tiếp theo cuốn sách này, chúng tôi dự kiến sẽ tái bản cuốn Việt Nam thi văn hợp tuyển vốn được tuyển soạn cùng lúc với Việt Nam văn học sử yếu, cả hai cuốn hợp thành một bộ sách thống nhất.
Mong rằng việc tái bản này đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu nền văn học và nền học thuật nước nhà của đông đảo các giới bạn đọc.
Hà Nội, tháng Giêng 1993
NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN
DƯƠNG QUẢNG HÀM
(14. VII. 1898 - XII. 1946)
Dương Quảng Hàm, hiệu Hải Lượng (đôi khi còn ký bút danh Uyên Toàn) sinh ngày 26 tháng Năm năm Mậu Tuất (14 tháng Bảy 1898) ở làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (nay là huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng) là con thứ 6 (con trai thứ 5 nên trong nhà thường gọi là ông Năm) của một gia đình có 8 người con.
Đây là một gia đình có truyền thống Nho học, nhiều người làm các công việc sáng tác, trước thuật. Cụ nội ông là cử nhân Dương Duy Thanh (1804 - 1861) đốc học Hà Nội, người soạn văn bia đền Đồng Nhân ca tụng công trạng Hai Bà Trưng. Ông nội, Dương Duy Diễn (1830 - 1878) cũng là một nhà nho. Thân phụ là Dương Trọng Phổ (1862 - 1927) một nhà nho có đầu óc duy tân, từng tham gia các hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục (1907 - 1908) mà con trai cả của cụ là Dương Bá Trạc (1884 - 1944) là một trong những sáng lập viên tích cực (cả hai cha con cụ bị đày đi Côn Đảo từ 1909). Trong số các con trai cụ, ngoài Dương Bá Trạc và Dương Quảng Hàm còn có Dương Tự Nguyên (con trai thứ ba) từng được cử sang Nhật trong phong trào Đông Du (do Phan Bội Châu chủ xướng), sau này về nước có viết cuốn sách Công việc nhà băng - một cuốn sách khá sớm về ngành ngân hàng, lại cũng sáng tác và đã cho in một cuốn truyện lãng mạn nhan đề Cảnh thu di hận. Con trai thứ sáu cụ Phổ là Dương Cự Tẩm - chính là thân phụ của hoạ sĩ Dương Bích Liên. Con trai út cụ Phổ là Dương Tụ Quán, một nhà biên khảo đồng thời là nhà kinh doanh về ấn loát, xuất bản; ông Quán có người con gái út là nhà văn Dương Thị Xuân Quý (1941 - 1969)…
Thuở nhỏ Dương Quảng Hàm học chữ Hán; trước những thay đổi trong nền học đương thời, ông sớm chuyển sang Tây học và đã trúng tuyển vào khoá đầu tiên của ban văn trường Cao đẳng sư phạm. Năm 1920, ông thi tốt nghiệp và đỗ thủ khoa với bản luận văn Khổng Tử và học thuyết Khổng Mạnh trong nền giáo dục cũ, được ban giám khảo đánh giá tốt.
Từ 1920 đến 1945 ông là giáo sư trường trung học bảo hộ (Lycée du Protectorat), thường gọi là Trường Bưởi. Sau vụ học trò để tang Phan Bội Châu, ông bị đổi đi dạy ở Nam Định một thời gian ngắn rồi lại đổi về trường cũ. Sau Cách mạng tháng Tám, dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa, Dương Quảng Hàm được cử làm thanh tra trung học vụ, rồi làm hiệu trưởng trường Chu Văn An (cũng là trường Bưởi cũ). Toàn quốc kháng chiến nổ ra ở Hà Nội, ông bị mất trên đường tản cư từ nội thành đang có chiến sự ra vùng tự do. Người trong gia đình dự đoán ông mất vào khoảng hạ tuần tháng Chạp 1946 (Bính Tuất), thọ 48 tuổi.
Dương Quảng hàm lập gia đình khá sớm. Vợ ông là bà Trần Thị Vân (1896 - 1967) cũng là con một gia đình Nho học truyền thống. Ông bà sinh được 8 người con, 4 trai 4 gái. Các con ông bà đều thành đạt trong chế độ mới.
Suốt 25 năm từ lúc tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm cho đến khi mất, Dương Quảng Hàm gắn bó đời mình với nghề dạy học. Thời gian đầu ông dạy ở bậc cao đẳng tiểu học với các môn tiếng Pháp, tiếng Việt, sử địa. Về sau ông chủ yếu dạy Việt văn ở bậc trung học. Học trò rất mến phục ông. “Từ bản chất yêu nước, từ tinh thần say mê văn học, miệt mài nghiên cứu tìm tòi, thầy Dương Quảng Hàm không chỉ dạy chữ mà bằng phong cách, bằng lối dạy, thầy đã truyền cảm được cho học sinh những hiểu biết và cảm thụ của thầy đối với nền văn học Việt Nam mà thầy tự hào” - một trong những học trò của ông, về sau cũng theo nghề sư phạm, đã viết như vậy.
Nghề dạy học gắn nhà giáo Dương Quảng Hàm với nhu cầu soạn sách giáo khoa, làm các văn tuyển dùng trong nhà trường. Công việc của soạn giả Dương Quảng Hàm trên thực tế là công việc của một nhà nghiên cứu văn học, một cây bút văn học sử.
Mời các bạn đón đọc Việt Nam Văn Học Sử Yếu của tác giả Dương Quảng Hàm.