Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Kẻ Ác Cạnh Bên

“Mặt người khác nhau, tâm người còn khác hơn.” - Voltaire

Bạn có bao giờ rơi vào trường hợp bị bạo lực về tinh thần từ người chồng cũ nhưng hắn luôn chối bỏ trách nhiệm từ hành vi mà hắn gây ra? Hay ông thầy thể dục tàn ác dùng những đòn tâm lý mà không bao giờ bị phát hiện hay truy tố? Hay bà sếp thích làm bẽ mặt bạn trong cuộc họp rồi tảng lờ đi làm như mình vô tội?

Chúng ta thường nghĩ những người sociopath (rối loạn nhân cách chống xã hội) là những tên tội phạm bạo lực, nhưng trong tác phẩm Kẻ Ác Cạnh Bên (đạt giải thưởng Books For A Better Life Award), nhà tâm lý học lâm sàng Martha Stout tiết lộ rằng có đến 4% người bình thường mắc chứng rối loạn thần kinh mà không bị phát hiện ra, triệu chứng của căn bệnh “không có lương tâm.” Họ có thể là đồng nghiệp, hàng xóm, thậm chí là người thân của bạn. Và họ có thể làm gần như bất cứ điều gì mà không hề cảm thấy tội lỗi, ăn năn hay hối hận. Nói tóm lại, cứ 25 người thì có 1 người là sociopath - nghe rất điên rồ, đáng sợ nhưng đó lại là sự thật.

Số lượng sociopath chiếm tỷ lệ cao trong xã hội loài người có ảnh hưởng sâu rộng đối với số người còn lại trên hành tinh này, kể cả với những người không hề bị tổn thương về phương diện lâm sàng. Những kẻ góp mặt tạo ra con số 4% này phá hủy các mối quan hệ, tài khoản ngân hàng và thành tựu của chúng ta, lòng tự trọng và những năm tháng bình yên của chúng ta trên trái đất.

Nhưng bất ngờ thay, nhiều người lại không hề hay biết về những kẻ mắc chứng rối loạn nhân cách chống xã hội này, hoặc nếu có biết, họ nghĩ một cách đơn thuần theo kiểu đó là những người ưa bạo lực - những kẻ giết người không gớm tay, những tay sát nhân hàng loạt, những kẻ giết người tập thể - những kẻ phạm pháp có tội danh rõ ràng, và nếu bị bắt thì sẽ bị tống giam, thậm chí bị xử tử theo pháp luật. Chúng ta chưa nhận thức được và cũng không hiểu được rằng có rất nhiều sociopath không bạo lực đang sống giữa chúng ta. Đây là những kẻ thường không phạm luật một cách rành rành và “lọt lưới” hệ thống pháp luật.

Trong Kẻ Ác Cạnh Bên, Tiến sĩ Stout dạy cho bạn cách phát hiện sociopath và làm thế nào để bảo vệ bản thân bạn khỏi những kẻ ác mà bạn gặp phải – và những kẻ có lẽ đã tàn phá cuộc đời bạn. Tác giả hy vọng quyển sách sẽ có vai trò nhất định trong việc hạn chế hành vi hủy hoại của sociopath lên cuộc sống của bạn. Mỗi người trong chúng ta đều có thể học cách nhận biết “kẻ ác cạnh bên” và có thể vận dụng sự hiểu biết ấy để đánh bại những mục đích tư lợi của chúng. Ít nhất thì bạn có thể bảo vệ bản thân và những người thương yêu khỏi những thủ đoạn bất lương của sociopath.

***

Thời còn bé, tôi từng thích hành hạ động vật. Niềm vui của tôi bắt đầu từ việc dùng kéo đâm bụng ếch rồi “xem cặp mắt trong suốt đần độn của con ếch từ từ mất hết sinh khí trong lúc cơ thể chảy máu đến chết” cho đến việc nhồi pháo vào miệng chúng nó, nhìn chúng nó nổ tan tành thành một bãi bầy nhầy tanh tưởi. Đặc biệt là mỗi lần nghe con em họ ré lên đầy kinh hãi trước cảnh tượng đó, sự thích thú trong tôi càng dâng lên gấp bội lần. Tôi không giống những đứa trẻ khác. Lẽ đương nhiên, thú vui của tôi càng không giống những người cùng trang lứa.

Những dòng ghi chép ở trên là một phần tuổi thơ của “Skip siêu sao” – một sociopath – một trong số những kẻ vô lương tâm được đề cập trong quyển sách này. Trong mắt thầy cô, Skip là học trò đáng mến. Lớn lên, hắn ta là kẻ “có nụ cười gây xiêu lòng đúng lúc” và “có khả năng thần kì trong việc thúc đẩy nhân viên bán hàng” tăng doanh số, không những thế, hắn rất “có sức ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong công việc”. Skip lấy hôn nhân để làm công cụ giúp hắn có được mọi thứ. Hắn ta cũng khẳng định “Cô ta (tức vợ của hắn) sẽ không đời nào biết được mình đã gặp phải chuyện gì” khi được hỏi về về mục đích thật sự của cuộc hôn nhân trong đời hắn.

Những điều kể trên nghe có vẻ bình thường và khá giống một tình tiết nào đó trong các phim tình cảm tâm lý xã hội. Skip chính là kẻ phản diện trong bộ phim ấy. Hắn ung dung dùng những thủ đoạn đáng sợ để đạt được mục đích và chưa hề cảm thấy cắn rứt, ân hận đến phút cuối cùng. Điều quan trọng cần được nhấn mạnh chính là việc Skip không biết đến “cắn rứt” hay “ân hận” – những biểu hiện tâm lý bình thường của một con người có lương tâm.

Trong “Kẻ ác cạnh bên”, tác giả đề cập đến lương tâm ở một cái tên khác trừu tượng, khó hiểu hơn đó là “siêu ngã” hay “giác quan thứ bảy”. Nói ra có vẻ buồn cười nhưng sự thật là không phải ai cũng có lương tâm.

Những sociopath – những kẻ không có lương tâm được đề cập trong quyển sách này, thoạt nhìn là những người bình thường như bao người khác. Có thể, họ trội nổi như Skip siêu sao. Hoặc họ như cô bác sĩ tâm lý Dooren – bề ngoài là kẻ biết quan tâm đến người khác, nhưng bên trong lại là kẻ thích hãm hại đồng nghiệp để làm niềm vui. Hoặc cũng có những gã vô lương tâm được ngụy trang bằng vỏ bọc của một người cha (có vẻ là) tốt như bố của Hannah. Cũng có thể chúng cũng là một con lười như Luke. Nói chung, sociopath – lũ người vô lương tâm – có những mặt tính cách và hành vi không giống nhau nhưng muốn nhận diện và đối phó với chúng cũng không quá khó.

Với những bạn trẻ chưa từng nghiên cứu về tâm lý học, những khái niệm bản ngã, siêu ngã hoặc các thuật ngữ thuộc lĩnh vực này khá mơ hồ và không dễ nắm bắt. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng nhiều đến việc nghiên cứu và vận dụng những điều học được trong sách. Những thứ trọng tâm chính là các mẩu chuyện về bọn người vô lương tâm và “Mười ba nguyên tác đối phó với sociopath trong đời sống hàng ngày”. Trong mười ba nguyên tắc thì nguyên tắc thứ chín và thứ mười một, theo mình, là nguyên tắc hay nhất – “Xem lại xu hướng thương người quá dễ dàng” và “Không bao giờ đồng ý giúp sociopath che giấu bản chất của hắn”. Để tồn tại trong xã hội này, điều cần nhất là giữ một cái đầu lạnh. Lòng thương người là điều cần thiết nhưng đừng để lòng tốt trở thành công cụ để kẻ khác lợi dụng.

Với một người chỉ đọc lướt qua như mình, quyển sách này khá dễ thấm. Nội dung trong sách không quá xa lạ (vì mình từng đọc qua các sách khác về tâm lý học nên thấy những thuật ngữ, định nghĩa thậm chí là mấy lời thuyết giảng trong đó khá bình thường). Khuyết điểm duy nhất của quyển sách là sự nghiêng nặng về thuyết nguyên nhân, cho rằng điều kiện ngoại cảnh (gia đình, xã hội) và những kí ức xấu trong thời thơ ấu (bị ngược đãi, bị xâm hại) là nguyên nhân hình thành một sociopath. Tuy bản thân không phải đứa nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý học, nhưng mình tin, yếu tố ngoại cảnh chỉ là một phần. Điều chính yếu để hình thành tính cách cũng như nhân cách ở một con người nằm ở chính sự lựa chọn và mục đích để họ phản ứng cũng như sinh tồn trong xã hội này.

Ghi chú: Những dòng đặt trong ngoặc kép được trích từ sách “Kẻ ác cạnh bên”.

Mời các bạn đón đọc Kẻ Ác Cạnh Bên của tác giả Martha Stout.

Người đăng: daotieuvu