Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Kho Tàng Về Các Ông Trạng Việt Nam

KHO TÀNG VỀ CÁC ÔNG TRẠNG VIỆT NAM

KHO TÀNG VỀ CÁC ÔNG TRẠNG VIỆT NAM
(Truyện và giai thoại)

Giáo sư VŨ NGỌC KHÁNH

LỜI NÓI ĐẦU

Truyện Trạng Việt Nam, là một đề tài hấp dẫn. Nhưng tiếp cận chuyện Trạng là một việc phức tạp, nhất là xét về mặt thể loại. Thực ra, truyện Trạng chính là những câu chuyện dân gian. Nhân dân đã đồn đại, đã hư cấu ra các Trạng để thỏa mãn những ước mơ và yêu cầu thẩm mỹ. Nhưng cũng đúng là đã có những vị Trạng Nguyên thật, có công phu học tập, có đóng góp với sự nghiệp xây dựng đất nước. Rồi chính các ông Trạng này lại cũng có nhiều giai thoại thú vị, ly kỳ. Đúng theo nghiêm cách, thì chúng ta nên có hai cuốn sách:

- Một cuốn nghiên cứu mang tính cách văn học sử, lịch sử, khảo sát về các ông Trạng đích thực này.

- Một cuốn sưu tầm folklore (có cả nghiên cứu về chuyện Trạng và giai thoại của các Trạng).

Yêu cầu khoa học là phải như thế. Nhưng việc đó, hiện nay chưa có khả năng làm được. Đi tìm tiểu sử, hành trạng, thơ văn của trên 50 vị Trạng Nguyên (cả chính thức và chưa chính thức) phải là một công việc lâu dài, nhất là phải có sự giúp đỡ của địa phương, sự đầu tư của cơ quan nghiên cứu. Mỗi ông Trạng có thể là đầu đề cho một cuốn sách nghiêm túc dày dặn. Đó là chưa kể, rất nhiều vị hiện nay đang phải tìm hiểu, xác minh công và tội hẳn hoi. Còn nói về Trạng dân gian, thì bên cạnh những ông Trạng dân phong như lâu nay ta biết, còn có nhiều ông cũng được các địa phương tôn là Trạng như Trạng Cháy, Trạng Quét. Lại có cả những chuyện Trạng không tập trung vào nhân vật, mà tập trung vào địa phương như kiểu Trạng Vĩnh Hoàng. Chuyện Trạng là chuyện người, mà cũng là chuyện tính cách, chuyện ngôn ngữ không thể bỏ qua được. Cũng như trường hợp trên, một cuốn sách folklore về chuyện Trạng cũng đòi hỏi công phu đầu tư không ít.

Do tình hình thực tế như vậy, chúng tôi xin tạm thời dồn tất cả các thông tin cần thiết vào một cuốn sách chung, nhằm mục đích đặt vấn đề, giúp cho các bạn sau này có thể đi sâu hơn, đỡ mất công khai phá. Vì vậy, sách này nửa là nghiên cứu, nửa là sưu tầm. Phương hướng ấy có lẽ chưa ổn, nhưng với mục đích thiết thực, phổ thông, chúng tôi mong không phải là vô ích.

Trên cơ sở này, chúng tôi đã chia tập sách này làm ba phần:

- Phần đầu có tính cách nghiên cứu, muốn làm cho người đọc làm quen với những người thực sự là Trạng Nguyên, có đỗ đạt, có học vị hẳn hoi. Để biết được đại thể công phu học tập của các vị có lẽ nên nói qua về khoa cử Việt Nam, về sự biến hóa phát triển từ các ông Trạng thực đến các chuyện Trạng, chúng tôi thấy cần phải nêu lại danh sách các vị đại khoa, và các vị Trạng Nguyên đúng như sử sách đã chép (một vài cuốn trước đây đã làm việc này, song vẫn có chỗ thừa, chỗ thiếu).

Cũng trong phần này, chúng tôi ghi thêm về các vị Đình Nguyên. Họ không phải Trạng Nguyên, song đã có vị trí như Trạng ở các khoa thi trước đây. Triều Nguyễn không có trạng, nhưng vẫn có Đình Nguyên, chúng tôi đã tra cứu và ghi tên tuổi tất cả để tránh thiếu sót. Như đã nói trên, chỉ ghi bằng danh mục, chứ không đi sâu vào ai cả. Vì mỗi một vị Đình Nguyên ấy, cũng có cả một sự nghiệp lớn lao, chưa biết đủ, nên chưa thể ghi hết.

- Phần thứ hai, chúng tôi giành riêng để ghi chép về các giai thoại, các sự kiện của một số vị Trạng Nguyên kể cả Trạng chính thức như Mạc Đĩnh Chi hoặc những Trạng chưa ghi tên trong khoa mục chí như Huyền Quang, Hồ Tông Thốc. Lẽ ra thì trước nhất phải đề cập cho đủ giai thoại 47 vị Trạng Nguyên chính thức. Song tài liệu hiện nay không có sẵn, chúng tôi đành ghi lại, biết đến ai nhiều hay ít thì ghi người nấy. Tiện thể, cũng xin ghi thêm một số vấn đề hiện đang tranh luận về các Trạng (như trường hợp Lê Văn Thịnh). Chúng tôi cũng muốn ghi thêm một số tác phẩm của các Trạng, nhưng sau thấy rằng như vậy thì xô bồ quá, vả lại phần lớn các ông đều chỉ để lại thơ thù tạc bằng chữ Hán, các bản tấu sớ hoặc văn bia, v.v… cũng không thiết thực lắm. Chỉ có một trường hợp là ghi thêm bảng sấm Trạng Trình để ứng đáp với sự đòi hỏi của bạn đọc (loại tư liệu này, nay cũng hiếm).

- Phần thứ ba, là giành cho những mẩu chuyện về các Trạng dân phong. Hầu hết ở đây đều là giai thoại. Phần có những sử liệu chắc chắn có lẽ chỉ có Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan). Ông này không phải là Trạng, nhưng là nhân vật có thực và có nhiều mẩu chuyện đậm folklore. Ngoài ra, tất cả các Trạng lâu nay được biết đến đều có mặt trong phần này, cũng dài ngắn không chừng, tùy theo khả năng thu thập. Có một trường hợp mong được thông cảm, chúng tôi chép lại cả truyện nôm Tống Trân (bản chúng tôi đã phiên âm, chú giải và cho in vào Tổng tập Văn học Việt Nam - tập 14). Chúng tôi muốn chúng ta có ý niệm đầy đủ về ông Trạng Gầu, nên không ngại tham lam. Nguyên tắc “quí hồ đa” ở đây, trong một tập tư liệu gợi ý, có lẽ cũng chấp nhận được.

Những tài liệu sử dụng trong sách này, một phần lớn là của chúng tôi, đã có dịp công bố trong cuốn Truyện Trạng do chúng tôi chủ biên từ 1988 (chung với Hoàng Khôi, Phan Kiến Giang), còn thì chúng tôi đã dựa vào nhiều sách báo đã được công bố như những bài tham luận của các bạn công tác văn hóa ở Hà Bắc (về Lê Văn Thịnh), bài của Trần Thanh Tâm (về Hồ Tông Thốc), bài của Hà Văn Tấn (về Trạng Quỳnh). Một số khác là trích theo các tập Danh nhân quê hương của các tỉnh. Chúng tôi đã gửi thư liên hệ, và một lần nữa xin phép được sử dụng tài liệu của các vị và các bạn. Chắc rằng các vị và các bạn cũng vui lòng trong việc chung sức giúp vào một kho tàng truyện Trạng Việt Nam.

VŨ NGỌC KHÁNH

***

LỊCH SỬ KHOA CỬ VIỆT NAM

Theo những tài liệu cũ để lại, thì từ thế kỷ thứ 8, đời nhà Đường, nước ta đã có ông Khương Công Phụ quê ở Thanh Hóa, đỗ Trạng nguyên. Nhưng cớ là kỳ thi tổ chức ở Trung Quốc, Khương Công Phụ cũng làm quan ở bên Tàu. Sau đó không thấy sử sách nhắc đến ai nữa.

Từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIV, chúng ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước, sau một nghìn năm sống dưới sự đô hộ của ngoại bang. Nhà nước Trung ương tập quyền ra đời, nền văn hóa dân tộc gọi là văn hóa Thăng Long đã nảy sinh và phát triển. Song do tình trạng chiến tranh chống lại bọn xâm lược và yêu cầu thống nhất quốc gia, chấm dứt sự cát cứ của các sứ quân, v.v… mà phải từ thế kỷ XI mới có điều kiện qui định các chế độ giáo dục, thi cử, pháp luật để dần dần trở nên hoàn chỉnh.

Triều đại nhà Lý bắt đầu dùng chế độ khoa cử làm hình thức tuyển dụng quan lại cho bộ máy chính quyền Nhà nước. Năm 1075, tuyển người minh kinh bác học, và thi nho học, Lê Văn Thịnh đỗ đầu (nhưng chưa gọi là Trạng nguyên). Năm 1077 mở kỳ thi có ba môn: phép viết, phép tính và hình luật để chọn người làm lại viên. Năm 1086, có khoa thi tuyển người có trình độ văn học, Mạc Hiển Tích đỗ đầu, được bổ làm Hàn Lâm Học Sĩ.

Tuy vậy, việc tổ chức khoa cử vẫn chưa vào nề nếp. Phải đến đời nhà Trần, năm 1232, mở khoa thi Thái Học Sinh đầu tiên, mới qui định cứ 10 năm lại mở một khoa. Yêu cầu khoa thi này là kiểm tra trình độ văn học. Còn có những kỳ thi lại viên, chỉ buộc người dự thi thảo các giấy tờ hành chánh (gọi là ba đầu) và phép viết, phép tính. Vua Trần còn cho lập nhà học ở phủ Thiên Trường vào năm 1231. Đây là trường học “quốc lập” đầu tiên trong lịch sử, được tổ chức ở địa phương. Tại kinh đô Thăng Long thì thành lập Quốc Tử Viện. Học sinh học ở trường hay viện đều là con cháu tôn thất hay quan lại, và khi bổ dụng làm quan, cũng phải là người trong thân tộc. Mãi cho đến 1304, Đoàn Nhữ Hài mới là sĩ nhân (học trò) đầu tiên không phải người tôn thất được cử tham gia triều chính.

Đồng thời với những nhà quốc lập ít ỏi này, các trường dân lập được mở ra nhiều. Tài liệu cũng chỉ cho biết có trường học của Lý Công Uẩn dưới triều Lý, và các trường của Trần Ích Tắc, Chu Văn An dưới đời Trần. Có một số nhà chùa, có những vị sư tăng chủ trì các việc thuyết pháp giảng kinh, và có lẽ cũng có giảng dạy cả Nho, Phật, Lão; chắc rằng đồ đệ ở đây có nhiều, vì là thấy đã xuất hiện nhiều vị (cả nam cả nữ) có học lực và tài văn chương kiệt xuất. Các trường “dân lập” địa phương chắc cũng có nhiều, vì sử sách đã ghi nhận được nhiều tên tuổi của các danh nhân. Việc thi cử đã thu hút được nhiều học trò, những học vị như Tam Khôi, Hoàng Giáp dưới triều Trần đã thấy xuất hiện. Lại có sự phân biệt ra kinh Trạng nguyên và trại Trạng nguyên (học vị này giành cho những người đỗ từ Thanh Hóa trở vào). Phật giáo được truyền bá rộng rãi khắp mọi nơi. Lê Văn Hưu có nhận xét: “Bách tính quá nửa làm tăng, trong nước khắp nơi đều là chùa”. Trần Nguyên Đán cũng tự phụ: “Các tướng đều biết làm thơ, v.v… Như vậy sự học có lẽ là phát đạt lắm”.

Cuối thế kỷ 14, Hồ Quí Ly và Hồ Hán Thương cũng rất quan tâm đến giáo dục. Những qui định về phép thi, cùng những thể thức thi Hương, thi Hội được khuôn vào nề nếp khá chặt chẽ. Đặc biệt là Hồ Quí Ly chú ý lập trường học. Tờ chiếu năm 1397 ra lệnh: “Ba phủ châu thuộc các lộ Sơn Nam, Kinh Bắc và Hải Đông đều đặt quan giáo thụ giữ về việc học, cấp cho ruộng công tùy theo thứ bậc: phủ châu lớn 15 mẫu, vừa 12 mẫu, nhỏ 10 mẫu để cung vào việc học”. Nhà Hồ cũng ấn định một chương trình thi cử thực dụng: bỏ phép ám tả cổ văn, thêm kỳ thi toán. Thời kỳ này, nhân tài cũng có nhiều: Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân đều đỗ cao. Chỉ không rõ tại sao lúc này không thấy ghi ai đỗ Trạng nguyên. Mà chỉ có các ông Hồ Ngạn Thần, Đoàn Xuân Lôi, Thiệu Thái, v.v… được ghi là đỗ đầu cả nước.

Sau chiến thắng của khởi nghĩa Lam Sơn, nước ta bước vào thời kỳ ổn định khá lâu dài. Các vua đầu triều Lê đã xây dựng nền giáo dục theo hướng chính qui:

- Đặt Quốc Tử Giám (có lúc gọi là Thái Học Viện) là cơ quan giáo dục cao nhất trong nước. Có giảng đường, ký túc xá và kho tàng trữ sách phục vụ cho việc giảng dạy và học tập. Tại các địa phương, các đạo, các lộ (sau này là trấn) đều đặt nhà học, cử người trông nom việc học.

- Chế độ thi cử đi vào nề nếp. Ở địa phương có thi Hương, kinh đô có thi Hội cứ ba năm một kỳ.

- Đặt trách nhiệm cho các địa phương, ngay từ xã thôn phải chú ý đến việc học tập, thi cử, đóng góp cho các kỳ thi, trích ruộng công để lấy hoa lợi chi tiêu cho việc học. Lại có lệ “bảo kết hương thí” bắt các xã phải chịu trách nhiệm về tư cách và đạo đức của người đi thi. Học trò vào trường thi mà không làm được bài, xã trưởng bị trách phạt.

- Nhà nước đặc biệt chú ý đến việc chọn lựa và đề cao tầng lớp nho sĩ. Học sinh đi thi phải khảo lý lịch ba đời. Hễ là con cháu nhà xướng ca hay có tội với triều đình thì nhất thiết không cho thi. Người thi đỗ trong các kỳ thi được dự lễ xướng danh, lễ vinh qui. Đỗ Tiến sĩ được khắc tên vào bia đá.

Các thế kỷ tiếp sau, mặc dù có khi gặp biến cố chiến tranh, nổi loạn, đất nước chia cắt nhưng việc học hành thi cử vẫn cứ được tiến hành. Đại bộ phận những Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa cho đến Tiến sĩ, Cử nhân, v.v… đều xuất hiện vào lúc này. Các triều đại kế tiếp nhau vẫn không coi thường việc thi, việc học. Nhà Mạc tranh ngôi nhà Lê vẫn tổ chức thi Tiến sĩ, có những Trạng nguyên danh tiếng như: Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ đạt. Khi đất nước xảy ra hiện tượng phân tranh, nhà Lê, nhà Mạc và họ Trịnh ngoài Bắc vẫn duy trì các chế độ đã thành truyền thống. Riêng ở miền Nam, không theo cách miền Bắc, nhưng cũng mở các khoa thi, như thi Chính Đồ, Hoa Văn; thi Văn Chức, thi Tam Ti, v.v… Nhà Nguyễn Tây Sơn cũng có chiếu lập học, mở khoa thi, người đỗ gọi là Tuấn sĩ. Nhưng triều đại này quá ngắn không ghi được nhiều tài liệu.

Thế kỷ XIX bắt đầu với triều đại Gia Long, cũng lấy nho học làm quốc giáo. Các vua triều Nguyễn rất chú ý đến giáo dục, nhưng ở các kỳ thi đều không lấy học vị Trạng nguyên. Nhân tài do khoa cử tạo nên ở triều đại cũng nhiều. Mãi cho đến đầu thế kỷ 20 nhiều nhà nho duy tân bài xích những thói tệ trong khoa cử (trước đây một số vị quan lại triều Lê cũng đã công kích nhiều). Cho đến 1919 thì chế độ khoa cử theo giáo dục phong kiến hoàn toàn bị bãi bỏ.

Chế độ học tập ngày xưa như chỉ dựa vào các khoa thi làm chuẩn đích. Không định thời gian học tập, không chia bộ môn (trừ môn tập làm văn và khi đã học lên mức chuyên trị kinh điển). Cứ ba năm mở một kỳ thi, ai không đỗ thì học lại chờ kỳ thi khác. Có chia ra các kỳ tiểu tập, đại tập, đôi nét tương tự như các cấp, nhưng thật ra cũng không rành mạch. Ngay kết quả kỳ thi cũng vậy, xét về mặt chính quy thì Cử nhân Tú tài đáng lẽ ngang nhau, vì cũng thi một đề, một lược nhưng lại thành hai cấp khác nhau. Vì vậy, trong thực tế, cũng đỗ một khoa, họ có thể rất xa nhau về trình độ, và quyền lợi hưởng thụ cũng hoàn toàn cách biệt nhau.

Sách vở dùng để học tập cũng không thống nhất. Thường là bắt đầu bằng cuốn Tam Tự Kinh rồi Minh Tâm, Minh Đạo. Nhưng có thầy có thể bắt đầu bằng Tam Thiên Tự hoặc bằng Sơ Học Vấn Tân. Những gia đình nho học có tác gia riêng, cũng có thể dạy theo sách khác. Ví dụ: họ Bùi ở Hà Tĩnh, dạy theo sách Bùi Gia Huấn Hài của Bùi Dương Lịch. Các bộ Tứ Thư, Ngũ Kinh, học trò học lâu năm đều được học, nhưng cũng không đồng đều theo một trình tự cố định. Ngoài ra, học lên thì có thêm Bắc Sử (Sử đời Hán, đời Tống), Nam Sử (tùy từng trường). Thơ phú là môn bắt buộc phải biết thực hành, nhưng không được học riêng một tập thơ, một thi nhân nào cả. Truyện là loại sách ngoài, dùng để học thêm, không thuộc loại giáo khoa chính thức. Những môn khoa học, toán học, địa lý, v.v… cũng do học sinh tự tìm lấy đọc, chứ không giảng dạy. Một vài triều đại có đưa toán vào chương trình thi cử, nhưng không được tiếp tục. Cách học nhà trường chủ yếu là học từ chương, cử nghiệp.

Về qui chế học tập hàng ngày, cũng do thầy giáo quyết định: thời gian học, nghỉ, đi thi. Một vài triều vua có qui định số lượng thí sinh. Như năm 1501, qui định khảo hạng thi Hương, xã lớn cho đi 20 người, xã nhỏ 10 người, nhưng xã nào ít người học thì không buộc lệ. Năm 1721 lại thấy ghi: để cho thi Hương, quan huyện được phép sát hạch các sĩ tử. Số hạch lấy đỗ chia làm 3 hạng: lớn, vừa và nhỏ. Huyện lớn 200, huyện vừa: 10, huyện nhỏ: 100 người.

Đánh giá học sinh, các thầy đồ xưa chấm bài bằng mực son. Vòng khuyên là dấu hiệu khen hay, mấy nét chấm theo đường dọc là tỏ ý khuyến khích, còn nét sổ: sổ toẹt là chê trách nặng. Phân loại học sinh có 4 bậc là ưu, bình, thứ, liệt. Mỗi bậc cũng có khá hơn hoặc kém hơn, nên người ta còn thêm vào loại bình: bình cộc, bình con; và thêm vào loại thứ: thứ muỗi, thứ mác.

Ở các kỳ thi không chính thức, kỳ bình văn, sát hạch ở trường Huấn, trường Đốc, thầy giáo kiểm duyệt xong bài, định ngày rằm hay mồng một, họp các trò lại để bình những bài văn hay. Việc này do các viên Huấn đạo, Giáo thụ, Đốc học chủ trì, có mời các nhà khoa bảng chữ nghĩa địa phương đến tham dự. Những bài văn hay, hoặc những câu hay đều được đưa ra tán thưởng, ghi chép làm mẫu mực. Tác giả học sinh xuất sắc có thể được các thầy cho ngồi bên cạnh và thưởng chén rượu gọi là khuyến miễn.

Trường học ngày xưa cũng có hình phạt, thường là hình phạt làm nhục học sinh. Phần lớn những hình phạt là đánh đòn, bắt giữ, bắt luồn háng bạn!

Việc thi cử chính thức là thi Hương, thi Hội (xem dưới). Triều đình còn tổ chức những khoa thi bất thường như khoa minh kinh (1429), khoa hoành từ (1431), khoa nhã sĩ (1865).

Thi Hương mở ở nhiều nơi, chia theo khu vực. Dưới triều Nguyễn có các trường thi Thừa Thiên, Gia Định, An Giang, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội. Thi Hương gồm 4 kỳ, trúng kỳ trước mới được vào kỳ sau. Tiếng chuyên môn xưa gọi mỗi kỳ là một trường: nhất trường, nhị trường, tam trường, tứ trường. Trúng 4 kỳ là Cử nhân, trúng ba kỳ là Tú tài. Thi Hội bao giờ cũng thi ở kinh đô (Thăng Long, Huế), cũng gồm 4 kỳ. Trúng tuyển ở cả bốn kỳ là đỗ hội. Nhưng còn phải vào sân điện nhà vua làm thêm một kỳ nữa, gọi là thi Đình. Lúc đó, mới thành ông Tiến sĩ (và có những học vị khác).

Mời các bạn đón đọc Kho Tàng Về Các Ông Trạng Việt Nam của tác giả Vũ Ngọc Khánh.