Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Hạnh Phúc Không Đắt Như Bạn Nghĩ

Suốt quá trình viết quyển sách này, tác giả kể nhiều chuyện đời mình và chuyện đời của những người mà cô ấy phỏng vấn, đưa ra “những hành động nhỏ” để hiện thực hóa ý tưởng. Ngoài ra, tác giả còn chia sẻ một số bài học gợi cảm hứng mà bản thân đã thẩm thấu được, gồm có:

Hạnh phúc bắt nguồn từ việc kết nối với cộng đồng và xây dựng các mối quan hệ bền vững.

Tiền có thể mua được hạnh phúc nhưng còn tùy vào cách chi tiêu.

Dư dả của cải không khiến bạn hạnh phúc về lâu dài.

Học cách “có ít hơn mà vui hơn” là một phương pháp tìm kiếm hạnh phúc, giành lại thời gian và sống theo chuẩn mực của riêng bạn.

Bất cứ hình thức thay đổi cuộc sống nào cũng đòi hỏi nỗ lực, lòng kiên nhẫn và thái độ sẵn sàng tiếp nhận quan điểm mới.

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cụ thể những bài học trong quyển sách này. Về cơ bản, quyển sách này là lời mời gọi bạn suy ngẫm về các mối quan hệ với tiền bạc, thời gian và của cải vật chất, đồng thời cân nhắc lại những thứ mang đến hạnh phúc cho bạn. Quyển sách đưa ra một quan điểm khác biệt, một góc nhìn khích lệ bạn xem xét những ý tưởng và những lựa chọn mới mẻ so với lẽ thông thường.

Ý tưởng sống giản dị đi kèm với nhiều tên gọi và xu hướng; ví dụ như xu hướng sống đơn giản, xu hướng ngôi nhà nhỏ, sống đơn giản tự nguyện, chủ nghĩa thu nhỏ, và tối giản. Ý tưởng cốt lõi đằng sau đó chính là chủ ý lựa chọn của bạn. Ví dụ như nếu bạn ủng hộ xu hướng ngôi nhà nhỏ, bạn không bị buộc phải sống trong một ngôi nhà nhỏ theo một kích cỡ quy định. Chuyển đến sống trong một ngôi nhà nhỏ có thể là mục tiêu dài hạn của bạn, song bạn vẫn có thể ủng hộ xu hướng trên mà không cần phải làm vậy. Sống giản dị là một triết lý sống, chứ không phải những gì bạn sở hữu.

***

LỜI GIỚI THIỆU

Ngẫm Lại Những Điều Vốn Dĩ Bình Thường

Chúng ta vẫn còn mê muội trước phiên bản con người mà lẽ ra ta nên trở thành.

WILLIAM JAMES

Bạn đã từng trải qua một bước ngoặt nào đó trong đời chưa? Khi giông bão vừa qua đi, và bạn bắt đầu nghĩ tới một hướng đi hoàn toàn mới? Vào ngày 31 tháng 12 năm 2007, tôi đã trải qua một bước ngoặt - một ý tưởng nảy ra khiến tôi bừng tỉnh, thoát khỏi màn sương mù dày đặc. Tất cả bắt nguồn từ một đoạn video ngắn trên YouTube về Dee Williams. Trong đoạn video, Dee trình bày một ý tưởng sống đơn giản, hay cái mà cô gọi là “sống-đơn-giản-thông-minh”, và lý do cô quyết định xây một chỗ trú ngụ bé nhỏ, ấm cúng lưu động.

Xem xong đoạn video, tôi liền ấp ủ ý tưởng đơn giản hóa cuộc sống của mình, và ngay sau đó, tôi tìm đọc nhiều bài viết khác về Dee và ngôi nhà nhỏ bé ấy. Trong một bài báo, cô mô tả chuyến đi đến Guatemala giúp xây dựng trường học. Trở về nhà, cô chợt nhận ra rằng có quá nhiều thứ cô hoàn toàn chẳng cần đến trong cuộc sống. Trong một tập san nhỏ có tên The Little House (Căn Nhà Nhỏ), Dee mô tả chuyến đi của mình qua lời kể, “Tôi gặp những con người thật đáng kinh ngạc. Họ rộng rãi, tốt bụng, và rất, rất nghèo. Trong nhà họ, không có ống nước, không có điện. Họ nấu ăn ngoài sân và sử dụng chung nhà tắm với hàng xóm xung quanh. Nhưng mà họ có vẻ sống hạnh phúc.” Khi Dee trở về Portland, Oregon, cô bán đi “ngôi nhà khang trang rộng rãi”, và thu nhỏ kích thước chỗ ở một cách đáng kể bằng cách xây một ngôi nhà nhỏ xíu lưu động, chưa đầy 26 mét vuông, bằng cỡ những ngôi nhà mà cô đã thấy ở Guatemala, để làm chỗ trú ngụ.

Câu chuyện của Dee tác động đến tôi ở một chừng mực nào đó. Cô thuộc dạng người mà tôi muốn trở thành; cô biết ưu tiên cho điều quan trọng nhất trong cuộc sống, như thiết lập các mối quan hệ bền vững, cống hiến cho cộng đồng và làm công việc yêu thích để kiếm sống. Cô không dành tâm sức tích cóp của cải, mà sống thật với những lý tưởng của mình. Trên hết, dường như cô lấy làm hạnh phúc vì điều ấy.

Câu chuyện của Dee gợi cảm hứng để tôi đi từ những việc nhỏ bé và bắt đầu nghĩ lớn. Sau khi đọc qua mấy trang blog và nhiều quyển sách viết về cuộc sống giản đơn, hai vợ chồng tôi quyết định thu hẹp không gian sống của mình. Chúng tôi cho đi hầu hết đồ đạc trong nhà. Thú vị ở chỗ là, càng cho đi, chúng tôi càng cảm thấy vui vẻ hơn. Các nhà nghiên cứu về niềm vui gọi đây là “trạng thái phấn khích của người giúp đỡ”, theo đó, việc giúp đỡ người khác bằng cách xung phong tình nguyện hoặc cho đi sẽ làm giảm căng thẳng và giải phóng chất endorphin. (Endorphin còn được gọi là "hormone hạnh phúc" vì nó giúp cải thiện tâm trọng, mang đến cám giác vui vẻ, yêu đời.)

Trước bước ngoặt này, tôi từng sống một “cuộc đời bình thường” và chẳng lấy gì làm vui vẻ. Logan và tôi nợ 30 ngàn đô-la, “có đồng nào xào đồng nấy” và cảm thấy mình đang sống mòn. Phải thay đổi điều gì đó, nhất là khi chúng tôi muốn biến ước mơ thành hiện thực.

Lúc đang nghiên cứu thông tin để viết quyển sách này, tôi đã tự hỏi ở cái xứ này thì một “cuộc đời bình thường” là như thế nào. Rồi tôi phát hiện ra vài xu hướng bất ổn. Lấy ví dụ, tháng 9 năm 2011, tỷ lệ nghèo đói trong nước tăng 15,1%, mức cao nhất trong vòng 17 năm qua. Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, mức thu nhập hộ gia đình sụt giảm giữa năm 2009 và 2011, và số người không có bảo hiểm y tế gia tăng. Vào tháng 9 năm 2011, Đài Phát thanh Mỹ báo cáo, “Thu nhập của tất cả mọi người đều sụt giảm, thật sửng sốt, giảm còn nhanh hơn so với năm 2008, khi mà tình trạng suy thoái ở đỉnh điểm.” Thêm nữa, bản báo cáo còn chỉ ra bình quân mỗi người Mỹ nợ thẻ tín dụng 8.000 đô-la và có 6,5 thẻ. Giống như nhiều người Mỹ khác, Logan và tôi có nhiều ý định tốt đẹp - muốn trả bớt nợ nần, cải thiện sức khỏe, và đóng góp cho cộng đồng. Chúng tôi chẳng thực hiện được điều nào trong số này mãi cho đến khi thay đổi hẳn lối sống.

Sống đơn giản giúp chúng tôi hiện thực hóa ước mơ của mình. Thay đổi lối sống giúp chúng tôi cải thiện đời sống hôn nhân và các mối quan hệ với bạn bè người thân. Chẳng hạn, bằng cách bán đi hai chiếc xe hơi, chúng tôi đã giảm được cân - bây giờ chúng tôi di chuyển bằng xe đạp - và chẳng còn lo lắng đến chuyện phải kiếm đủ tiền để trả phí xe hơi hàng tháng. Thay vì vậy, chúng tôi dùng khoản phí xe hơi đó để trả nợ.

Chúng Ta Đang Đi Đâu

Trong cuốn The Art of Non-conformity (Nghệ Thuật Lập Dị), Chris Guillebeau viết, “Tôi theo triết lý tự do. Tôi không khẳng định mình có tất cả các câu trả lời.” Tôi đồng ý với Chris. Tôi không phải là chuyên gia hạnh phúc hay là chuyên gia giản đơn, và tôi không biết hết mọi thứ. Như một độc giả đói chữ, tôi học được nhiều từ những câu chuyện. Suốt quá trình viết quyển sách này, tôi kể nhiều chuyện đời tôi và chuyện đời của những người mà tôi phỏng vấn. Tôi đưa ra “những hành động nhỏ” để hiện thực hóa ý tưởng. Ngoài ra, tôi còn chia sẻ một số bài học gợi cảm hứng mà tôi đã tiếp thu được, gồm có:

- Hạnh phúc bắt nguồn từ việc kết nối với cộng đồng và xây dựng các mối quan hệ bền vững.
- Tiền có thể mua được hạnh phúc nhưng còn tùy vào cách chi tiêu.
- Dư dả của cải không khiến bạn hạnh phúc về lâu dài.
- Học cách “cổ ít hơn mà vui hơn” là một phương pháp tìm kiếm hạnh phúc, giành lại thời gian và sống theo chuẩn mực của riêng bạn.
- Bất cứ hình thức thay đổi cuộc sống nào cũng đòi hỏi nỗ lực, lòng kiên nhẫn và thái độ sẵn sàng tiếp nhận quan điểm mới.

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cụ thể những bài học trong quyển sách này. Về cơ bản, quyển sách này là lời mời gọi bạn suy ngẫm về các mối quan hệ với tiền bạc, thời gian và của cải vật chất, đồng thời cân nhắc lại những thứ mang đến hạnh phúc cho bạn. Quyển sách đưa ra một quan điểm khác biệt, một góc nhìn khích lệ bạn xem xét những ý tưởng và những lựa chọn mới mẻ so với lẽ thông thường.

Ý tưởng sống giản dị đi kèm với nhiều tên gọi và xu hướng; ví dụ như xu hướng sống đơn giản, xu hướng ngôi nhà nhỏ, sống đơn giản tự nguyện, chủ nghĩa thu nhỏ, và tối giản. Ý tưởng cốt lõi đằng sau đó chính là chủ ý lựa chọn của bạn. Ví dụ như nếu bạn ủng hộ xu hướng ngôi nhà nhỏ, bạn không bị buộc phải sống trong một ngôi nhà nhỏ theo một kích cỡ quy định. Chuyển đến sống trong một ngôi nhà nhỏ có thể là mục tiêu dài hạn của bạn, song bạn vẫn có thể ủng hộ xu hướng trên mà không cần phải làm vậy. Sống giản dị là một triết lý sống, chứ không phải những gì bạn sở hữu.

Cuộc Sống Ngắn Ngủi

Dịp Giáng sinh năm 2010, tôi tình cờ bắt gặp vài lá thư cũ của bà dì Mamie. Thường thì tôi không phải kiểu ủy mị về mấy thứ này. Nhưng lần đó tôi rất vui khi nhìn thấy xấp thư giấu trong tủ quần áo hồi bé.

Vừa bắt đầu đọc thư, mắt tôi đã đẫm lệ, bởi tôi nhớ bà quá đỗi. Vừa đọc, tôi vừa nhớ lại cái cách bà luôn đi ngược lại những quan niệm xã hội lúc bấy giờ. Bà sống bình dị và chẳng khi nào chi nhiều tiền sắm sửa những món đồ không cần thiết. Thêm nữa, bà không lập gia đình, sinh con, hay có một chiếc xe hơi nào. Bà thích đi du lịch, bắt xe buýt và đi bộ khắp nơi.

Kết quả là bà đã thực hiện một chuyến đi dài xuyên đất nước, và bà luôn biên thư cho gia đình bạn bè để kể cặn kẽ về những chuyến phiêu lưu của mình. Đối với một phụ nữ sống trong thời Đại Suy Thoái thì sự chọn lựa này quả là bất thường. Tập tục văn hóa khi ấy định rằng phụ nữ là phải lấy chồng, sinh con, chứ không phải đi thăm thú hết mọi miền đất nước hoặc chuyển từ một tỉnh hẻo lánh nhỏ bé ở Washington để đến sống ở một thành phố lớn thuộc San Francisco.

Qua những lá thư, bà dạy tôi về hạnh phúc, tình yêu, và về một cuộc sống tươi đẹp. Trong một lá thư, bà miêu tả những công việc đời thường có vẻ bình dị, như tưới hoa, đi bộ ra cửa hàng tạp hóa, và trò chuyện cùng hàng xóm láng giềng. Gần cuối thư, bà viết đôi ba dòng khiến tôi bất ngờ. Bà bảo, “Hãy nhớ lấy, Tammy, cuộc sống ngắn ngủi lắm. Hãy làm những gì con thích và giúp đỡ người khác nữa. Nếu con cho rằng mình sẽ hạnh phúc khi tuân theo những chuẩn mực thông thường thì cũng dễ hiểu, nhưng bà nghĩ điều đó không đúng. Hãy là chính mình. Bà chỉ nhắc con nhớ một câu: Đừng để lạc những ước mơ.”

Tôi nhận được lá thư này hồi còn học phổ thông, và những câu chữ của bà là những gì tôi cần nghe. Lúc đó tôi không hạnh phúc và cảm thấy suy sụp, bởi tôi không có bạn trai và chẳng có gì nổi bật. Tôi tìm đến sự thừa nhận ở bên ngoài để chứng tỏ mình cũng “bình thường như ai”. Việc tìm kiếm kiểu thừa nhận đó không khiến tôi thấy vui hơn, bởi chẳng có ai “bình thường” cả.

Thế mà, các thông điệp từ các nhà quảng cáo lại khác hẳn. Khi tôi xem ti-vi hoặc quảng cáo trên Internet, những thông điệp ấy cứ xúi giục tôi cần phải mua một sản phẩm nào đó để được hạnh phúc, mãn nguyện và hòa nhập với cộng đồng. Trực giác cho tôi biết điều này là không đúng, bởi ta không thể nào mua được hạnh phúc ở các khu mua sắm. Tuy nhiên, các mẩu quảng cáo này rất thuyết phục.

Norman MacEwan, tác giả đồng thời là học giả, từng nói, “Hạnh phúc không phải sở hữu, mà là sẻ chia. Chúng ta kiếm sống bằng những thứ ta có, nhưng chúng ta sống bằng những thứ ta cho.” Câu nói của MacEwan phản ánh những việc bà dì Mamie của tôi đã cố gắng làm qua những bức thư bà kể lại. Quyển sách này, cũng tựa như những lá thư của bà dì tôi, đưa ra những góc nhìn khác nhau và những câu chuyện. Tôi không muốn các bạn mộng du trong cuộc sống như tôi đã từng. Chúng ta hãy cùng bắt đầu nào!

***

Ai cũng nói chúng ta đang đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Tôi nghĩ không hẳn là như vậy. Tôi nghĩ cái chúng ta đang tìm kiếm là trải nghiệm của việc sống.

JOSEPH CAMPBELL

Những cái móc kim loại va leng keng khi tôi lướt qua thanh treo đồ. Tôi đang đi cùng cô bạn Lisa, và chúng tôi lại đi mua sắm trong giờ ăn trưa. Tôi chẳng có nhiều bộ quần áo chỉn chu, còn Lisa luôn ăn mặc có phong cách, thế nên tôi nhờ cô ấy giúp tôi làm mới tủ đồ. Ngoài ra, mua sắm vào giờ ăn trưa là cơ hội hoàn hảo để chúng tôi chuồn khỏi “trường”.

Trường là tên gọi mà các trụ sở doanh nghiệp đặt cho văn phòng của chúng tôi. Có bốn tòa nhà khổng lồ, mỗi tòa chứa khoảng bốn trăm con người. Khối phức hợp không hề có nét riêng, khiến tôi liên tưởng đến một bãi sa mạc, bởi những cấu trúc ấy quá đơn điệu và tẻ nhạt. Nhìn bên ngoài, nó giống như một ngôi trường nhộn nhịp với những con người hạnh phúc. Nhưng bên trong thì không. Để thoát khỏi môi trường ấy, Lisa và tôi lái xe đến khu thương mại này mua sắm vào giờ nghỉ trưa hàng tuần.

Khu mua sắm cũng chẳng khá khẩm hơn ngôi trường kia là mấy. Được ở chỗ, dọc theo các lối đi trong khu thương mại có trồng dăm bụi cây và mấy khóm hoa rực rỡ sắc màu. Những bông hoa tươi thắm là thế, nhưng dòng người lại có vẻ toát ra nguồn năng lượng tiêu cực. Ai nấy đều cuống cuồng, vội vã. Đặc biệt vào mùa giảm giá, nơi đây nhốn nháo như bầy voi đang tháo chạy tán loạn.

Tôi cũng ở trong bầy đàn ấy, bởi tôi chỉ có rất ít thời gian để lựa đồ. Tôi phải trở về khu rừng được ngăn thành từng ô nhỏ trước 1 giờ đúng, không được muộn hơn. Thông thường, tôi sẽ mua một cái áo kiểu dễ thương để mặc chung với bộ com-lê, và sau đó tôi luôn thấy vui hơn - ít ra là tạm thời. Cảm giác hưng phấn mà tôi có được từ những chuyến mua sắm chẳng kéo dài lâu. Tôi rơi vào trạng thái mà Sonja Lyubomirsky trong quyển The How of Happiness (Cách Thức Hạnh Phúc) gọi là “máy chạy bộ vui thú”. Đây không phải là loại máy chạy bộ giúp bạn có vóc dáng cân đối. Nếu cứ chạy mải miết trên đó, bạn sẽ thấy kiệt sức, trĩu gánh nợ nần và đầy nỗi lo âu. Lấy ví dụ, toàn bộ số quần áo mua được ở khu thương mại mang đến cho tôi cảm giác thích thú trong thoáng chốc, nhưng rốt cuộc, nhìn riết rồi quen nên tôi đâm chán, về bản chất thì tôi chẳng thu được lợi ích tốt đẹp gì từ việc đầu tư này. Tôi luôn cho rằng mua sắm đồ đạc sẽ làm cho tôi hạnh phúc dài lâu. Nhưng thật sai lầm. Những nghiên cứu về chủ đề này cho ra những kết quả khác.

Trong quyển The High Price of Materialism (Cái Giá Đắt Đỏ của Sự Đề Cao Chủ Nghĩa vật Chất), Giáo sư Tim Kasser của Đại học Knox viết rằng, năm 1957, khoảng 35% người Mỹ tự nhận mình “vô cùng hạnh phúc”. Kể từ lúc ấy đến nay, chúng ta vẫn chưa đạt đến ngưỡng hạnh phúc đó, và đó là điều bất ngờ, nhất là khi chúng ta đang kiếm nhiều tiền hơn bao giờ hết và đồ đạc thì chất đầy nhà. Thậm chí ngay cả những người Mỹ có nhiều của cải vẫn không hạnh phúc như bạn tưởng. Theo Chỉ số Hành tinh Hạnh Phúc (HPI) do Quỹ Kinh tế Mới quản lý, Mỹ xếp thứ 114 trong số 143 quốc gia được khảo sát. Cuộc khảo sát HPI là “một thước đo tiên tiến thể hiện mối tương quan giữa môi trường sống với hạnh phúc của con người trên khắp thế giới. Đó là chỉ số đầu tiên đo đạc mức độ tác động của môi trường sống lên cảm giác hạnh phúc, trên từng quốc gia, nhằm biết được môi trường sống nào giúp người dân sống thọ sống vui.”

Những quốc gia như Costa Rica, Malta, và Malaysia, cũng như hầu hết các quốc gia ở châu Âu và tất cả các nước châu Mỹ La-tinh, đều xếp trên Mỹ. Một lý do giải thích hợp lý cho kết quả kém này của Mỹ là quan niệm lầm lạc xem của cải vật chất như là chỉ số hạnh phúc.

Một cuộc nghiên cứu mở rộng đã tìm ra mối liên hệ giữa nỗi buồn chán và cảm xúc tiêu cực với những nếp nghĩ thiên về của cải vật chất. Ví dụ, vào năm 1976, các nhà nghiên cứu đã khảo sát 12 ngàn tân sinh viên ở lứa tuổi 18 và sau đó đánh giá mức độ hài lòng của họ đối với cuộc sống một lần nữa vào năm họ 38 tuổi. Những sinh viên nào bày tỏ ham muốn của cải vật chất năm 18 tuổi thì 20 năm sau, họ cảm thấy ít hài lòng với cuộc sống hơn.

Tim Kasser lập luận rằng “sự coi trọng giá trị vật chất có liên quan đến tình trạng suy yếu cảm giác hạnh phúc của con người ở khắp mọi nơi, từ không hài lòng với cuộc sống và kém hạnh phúc, đến chán chường và lo âu, đến những vấn đề về thể chất như đau đầu, đến việc rối loạn tính cách, ái kỷ và hành vi chống đối xã hội.” Kasser chỉ ra rằng những kết quả tiêu cực này dẫn đến lối sống tiêu thụ ngày càng nhiều - chẳng hạn như trường hợp của tôi. Thêm nữa, những người đề cao của cải vật chất đặt nhiều kỳ vọng vào tính năng và công dụng của món đồ đối với họ. Tóm lại, đề cao của cải vật chất khiến chúng ta quên đi hai khía cạnh quan trọng tạo ra hạnh phúc trong cuộc sống - các mối quan hệ bền vững và làm công việc mình yêu thích. Tin vui là ngày càng có nhiều người không còn đặt nặng của cải vật chất và lựa chọn cuộc sống giản đơn hơn.

Mời các bạn đón đọc Hạnh Phúc Không Đắt Như Bạn Nghĩ của tác giả Tammy Strobel.