Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Bằng Việt Tác Phẩm Chọn Lọc

Người của một thời, thơ của một người

(Thay Lời tựa)

Có một điểm, có lẽ là điểm mấu chốt nhất của thế hệ văn học trưởng thành trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, đó là phạm trù Cái Tôi biết tự nguyện điều tiết thế nào trong Cái Ta, bản thể của cá nhân mình hòa nhập đến đâu với cả thế hệ mình và biết đặt mình vào mối quan hệ tương hỗ như thế nào, để sẵn sàng đóng góp trên ý thức xây dựng chung, cho tất cả cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà Lưu Quang Vũ cũng đã rất trăn trở với những nhân vật của anh trong vở kịch gây tiếng vang lớn một thời “Tôi và chúng ta”, trong đó những quan điểm về cá nhân và tập thể đã được đẩy lên cao trào và đạt đến chỗ thắt nút. Cuộc hành hương “từ chân trời của một người đến với chân trời của tất cả”- như cách nói của nhà thơ cộng sản Pháp Paul Éluard - là một dấu ấn tuy cách tân nhưng lại phổ quát cho tất cả những văn nghệ sĩ đã kinh qua lý tưởng nhân văn của cả một thời đại. Và chính nó đã tạo ra sự khác biệt rõ nét nhất giữa thơ sau năm 1945 ở nước ta, điển hình là thơ hai thời kỳ Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, so với nền thơ trước nó, kể cả đỉnh cao là thời kỳ Thơ Mới.

Tính cập nhật quyết liệt, lòng yêu nước cháy bỏng trong chiến tranh, ý thức chủ động phục vụ cho các nhiệm vụ chiến lược của đất nước, tinh thần lạc quan và hăm hở khám phá để khẳng định được cái mới trong đời sống… tất cả những điều đó, hơn bao giờ hết, được đề cao và được coi là tiêu chí phấn đấu cho sáng tác của thời chúng tôi. Ngày hôm nay, sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chúng ta dễ rơi vào cách suy nghĩ hạn hẹp kiểu “dậu đổ bìm leo”, đổ lỗi cho chủ nghĩa nhân văn cao đẹp đó - trong khát vọng lớn, muốn làm nên việc“vá trời” vĩ đại mà chưa trọn vẹn -, cào bằng với những mảng vôi vữa nứt vỡ ra từ chủ nghĩa xã hội bao cấp thất bại, cụ thể là từ hiện thực đời sống bị thu hẹp vào nền kinh tế kế hoạch hóa cứng nhắc, nghèo nàn, duy ý chí đến mức ấu trĩ; rồi từ đó chỉ còn có việc diễu cợt và phủ nhận cả quá khứ! Nếu thế, có lẽ hôm nay chúng ta cũng lạnh lùng quay ngoắt lưng lại với tất cả những nhà thơ nhân văn chủ nghĩa hàng đầu thế kỷ XX chăng, những bậc thày lừng lững như Yannis Ritsos, Nazim Hickmet, Pablo Néruda, Paul Éluard, Louis Aragon, Bertolt Brecht, Nicolas Guillen, Vitezslav Nezval, v.v… những nhà thơ lớn, dù đã trải qua biết bao lầm lạc, mất mát, thử thách, tù đày, nhưng đã đứng vững cùng chiến tuyến với chúng ta mãi cho đến trọn cuộc đời? Vì vậy, sẽ là không công bằng, khi chúng ta không dám tự tin nhìn lại những giá trị tinh thần đích thực một thời, đã thực sự là một phần của lịch sử.

Nhà thơ lớn của Đức thế kỷ XVIII Friedrich Schiller đã có nói một câu đại ý rằng ai dám sống hết mình cho thời đại của mình, thì người đó cũng sẽ còn có giá trị cho cả cuộc sống các thời sau đó nữa. Như thế là ông đã rất coi trọng tính chất “dấn thân” của một con người với thời mình sống. Còn nhà văn Nga hiện đại, rất nổi tiếng với các truyện ngắn nửa mơ nửa thực của mình là Cônxtantin Pauxtôpxky, thì đã thổ lộ vào cuối đời, trong một cuộc trò chuyện ở Nhà sáng tác Crimê, rằng ông khuyên các cây bút trẻ đừng đi vào vết xe đổ của ông, vì khi đọc lại toàn bộ sáng tác của mình, ông thực sự thất vọng khi nó đều chỉ đi lướt qua bên cạnh những gì là máu thịt nhất, chân xác nhất, bản chất nhất… của cả một thế kỷ dữ dội và sôi động chưa từng có tiền lệ, là thế kỷ XX. Tất nhiên, trong một tâm trạng đang buồn bã và đau ốm cuối đời, ông có thể nói hơi quá mức bình thường, nhưng không phải là không đáng suy nghĩ. Như vậy, là dù với bút pháp và phong cách sáng tác gì, ở thời nào đi chăng nữa, các nghệ sĩ lớn đều có chút băn khoăn về tính chất “phùng thời” trong tác phẩm của mình. Chúng ta ở đây hay quen dùng từ “tính công dân” hoặc “nghĩa vụ công dân”, tuy được áp dụng vào phạm vi nhỏ hơn, cụ thể hơn, nhưng cũng không khác xa gì lắm.

Có rất nhiều hạn chế khi chúng ta tự nguyện khép mình vào những nguyên tắc, sao cho sáng tác của mình được mang “tính công dân” trong những thời kỳ nhất định của lịch sử. Có lúc, nó cũng phải mang tính tuyên truyền nhất định, mà đã tuyên truyền thì phải tránh nói đến mất mát đau thương, thậm chí không chấp nhận kiểu lả lướt, mùi mẫn quá, bị quy chung là bệnh “tiểu tư sản” không hợp thời! Lại có khi nói đến tình yêu mà thả sức “lãng mạn” cao xa, bay bổng quá, khi cả nước đánh giặc, thanh niên còn đang dám hy sinh tất cả hạnh phúc riêng tư trong phong trào “ba sẵn sàng”, thì thứ thơ kia có khi còn bị cấm in, vì nó vô bổ và còn có phần ích kỷ, bất nhẫn! Vậy là công dụng của hai thứ thơ “có ích” và “vô bổ” cũng đương nhiên được đặt lên bàn cân trong những thời điểm ấy, và nay nhìn lại, nó cũng nằm trong mặt bằng của hạn chế lịch sử, dẫu phản bác “vuốt đuôi” phỏng có ích gì! Những bài thơ như “Nghĩ lại về Pauxtôpxky”chẳng hạn, tôi để trong sổ tay hàng chục năm, và có cả một thế hệ sinh viên chép tay lưu truyền cũng chừng ấy năm, trước khi được in. Tuy nhiên, tôi cũng chẳng lấy đó làm lý do để trách cứ gì cơ chế hạn hẹp thời ấy!

Nhà thơ Nga hiện đại, một nhà thơ trẻ đã khoác áo lính xung trận, đi qua suốt cả Đại chiến II, Semion Gudzenko, đã có một cách nhìn lại thời mình sống cùng với thơ của mình thật độc đáo và đầy khám phá:

Mỗi nhà thơ có một tỉnh lẻ trong mình

Những yếu đuối, lỗi lầm, những băn khoăn bé nhỏ

Nhưng mọi điều ngẩn ngơ sẽ được dễ dàng tha thứ

Nếu anh viết những câu thơ trung thực tận cùng…

Số phận thế hệ tôi, khắc khổ và cay cực

Cũng mang theo một tỉnh lẻ trong mình

Tỉnh lẻ không tên trên bản đồ địa lý

Tỉnh lẻ đã xa vời: Là cả cuộc chiến tranh!

Tôi ngả mũ kính nể những câu thơ cao thượng và tử tế đó của Gudzenko.

Tuy nhiên, đã nói thì cũng phải nói cho hết. Đương nhiên, giữa hai khái niệm Tôi và Chúng Ta, nếu có lúc nào đó, chúng ta đã hiểu theo kiểu bình quân chủ nghĩa, với cách áp dụng máy móc và đơn giản hóa mọi chuyện, thì cũng có nguy cơ xóa đi rất nhiều phẩm chất cá nhân độc đáo và riêng tư của sáng tác, và dễ rơi vào một kiểu sáng tác trung bình, chỉ đạt mục đích tuyên truyền cho tập thể nhưng không có bản sắc, rất ước lệ và tẻ nhạt. Đến mức này mới là nguy cơ thực sự cho sáng tạo, nguy cơ đồng hóa mọi tài năng thành một kiểu “thợ viết”, “thợ vẽ”, “thợ ảnh” v.v… chỉ cố chăm chăm phục vụ theo đơn đặt hàng!

Tôi nhớ, từ hồi học Phổ thông trung học, tôi đã đọc bản dịch cuốn tiểu thuyết “Cơn bão táp” của Ilya Êrenbua. Có một chi tiết bất ngờ đã làm tôi giật mình rất lâu. Đó là khi anh chàng người Nga Xecgây đang ở Paris, yêu cô Mađô người Pháp. Xecgây dắt tay Mađô đi trên một cánh đồng cỏ đang trổ hoa nhiều màu sắc, nhánh cao, nhánh thấp, và buột miệng khen đồng cỏ thiên nhiên quá đẹp, lại muốn Mađô sang thăm Nga với mình, ở bên đó cũng rất nhiều đồng cỏ đẹp. Nhưng Mađô cười buồn: “Không! Em không sang đâu! Vì ở bên đó, chắc Nhà nước anh sẽ cho xén cỏ thật đều, làm thế họ mới cho là đẹp. Nhưng anh thử nghĩ mà xem, chẳng phải đúng là chủ nghĩa tập thể bên nước anh giống y như một bãi cỏ được xén thật bằng phẳng, nhìn từ xa thì rất đẹp, nhưng ở đó còn đâu có chỗ cho thiên tài!”.

Tôi đã giật mình và nhớ mãi nhận định chua chát ấy của Êrenbua, ông không dám phát biểu trực tiếp mà chỉ vờ đưa vào lời nhận xét của nhân vật mình cho phải phép! Mà quả thực, cũng đã có một thời gian dài, chúng ta hiểu chủ nghĩa tập thể cào bằng ấu trĩ theo cách ấy, và đãi ngộ đồng loạt theo kiểu “nồi cơm to”, làm sao động viên khuyến khích được nhân tài! Và tai hại nhất từ cách hiểu sơ lược, máy móc này, là đã tạo ra một thị hiếu thưởng thức tự thỏa mãn ở mức trung bình và khuyến khích các sáng tác đại trà vô thưởng vô phạt trong nhiều năm, làm trình độ dân trí bị hạ thấp đều nhau và đánh đồng như nhau chỉ ở mức phong trào; phổ cập thì tốt đấy, nhưng rất khó nâng cao lên tầm chuyên nghiệp ở mọi lĩnh vực! Điều đó cũng làm chúng ta phải trả giá lâu dài, mãi cho đến sau thời Đổi Mới…

Thị hiếu thơ nhiều năm cũng bị rơi vào tình huống tương tự. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta không có những thành tựu lớn, do từng người có biệt tài đã nỗ lực phi thường để vượt lên, đạt được tới bản sắc độc đáo và giá trị đích thực không thể thay thế được. Đơn cử như Quang Dũng trong thơ thời chống Pháp hoặc Phạm Tiến Duật trong thơ thời chống Mỹ.

Tài năng lớn thời nào cũng vậy. Họ vẫn có cách vươn lên, khắc phục mọi hạn chế, o ép, đội hẳn trần mà vượt lên! Và thực tế, khi đã có thực tài, thực lực, thì trước sau đều sẽ được xã hội công tâm chấp nhận.

Ngoài cái phần ai cũng có thể hiểu được, những bài thơ thực tài vẫn có một chút gì đó bí ẩn và xuất thần; tới chỗ đó, cái hay có thể không cần tính ở dạng câu chữ hay vần điệu, do lập ý hay do cấu tứ, do lý hay do tình, mà ngay lập tức nhói thẳng vào nhận thức và trái tim ta, tự dưng như có ma lực riêng, bất chợt lay động và cuốn thẳng ta vào với nó. Người viết những dòng này cũng “ngộ”ra điều đó và tin vào ma lực của thứ thơ như thế!

Có lẽ vì vậy, mà thơ vẫn được coi là phần tinh túy nhất của phương tiện thể hiện và trình diễn bằng lời. Càng cô đọng, càng hàm chứa được nhiều trong ý và lời - càng giàu chất thơ. Càng thể hiện súc tích và sâu xa nhất bản chất và nội tâm mỗi con người - càng đặc sắc. Mỗi con người khi thành một nhân vật trong thơ là một nhân cách cá biệt không lặp lại, nên tâm hồn người đó hẳn cũng phải là một giá trị độc đắc, không thể tìm được ở đâu khác, không có phiên bản nào khác, cho dù tìm khắp mọi nơi và mọi thời. Có lẽ giác ngộ ra điều ấy, mà nhà thơ Nga Evtushenko đã từng viết:

Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời

Mỗi số phận chứa một phần lịch sử

Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ

Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu!…

Vì thế, cho dù chúng ta đã từng chống chủ nghĩa cá nhân triệt để, chống thói vị kỷ, chống mọi thứ gì là biểu hiện khác thường, chơi trội, lập dị, lai căng… trong lối sống, cách sống, nhưng may thay, chúng ta vẫn chưa bao giờ chống tính cá biệt và tính đặc thù của cảm xúc thơ, cũng như tính độc đáo trong mỗi khám phá nội tâm của mỗi nhân thân - là chủ thể trong thơ. Thơ - do vậy, vẫn còn lại cá tính, phong cách, giọng điệu riêng, còn có ký thác, có vui buồn, có khát khao và hy vọng, có dồn nén và đau thương, có cảm thông và an ủi… từ một người truyền đến cho mọi người. Và mục đích cao cả của chúng ta vẫn là phấn đấu làm sao để con người luôn được quyền đứng thẳng, được hít thở hết mình, vươn cao đến hết tầm vóc thực sự của mình, để sánh bước đồng hành cùng nhân loại:

Từng ép kiệt ước mơ, từng kìm chặt nỗi buồn

Từng gọt bớt cảm quan, từng xén mòn suy tưởng…

Nhân loại đã trải qua mọi luân hồi, nghiệp chướng

Để trở lại chính mình, đừng chịu bé đi hơn!

Người viết những dòng này cũng thường xuyên ao ước mình sẽ được cởi mở trọn vẹn tấm lòng với bạn đọc, cũng như thơ của mình luôn luôn là nơi giãi bày, chia sẻ. Khi tung câu thơ đi bốn hướng gió trời, như người gieo hạt vừa bước đi vừa vãi tung hạt giống, với ý thức hồn nhiên “cầu may”, may thì hạt ấy gặp người tri kỷ, không may thì hạt rơi xuống vũng lầy, dù thế nào, người gieo hạt vẫn cứ thanh thản, lòng tự nhủ lòng,“khôn ngoan chẳng lọ thật thà”, hãy tự mình chủ động đến với mọi người bằng tấm lòng thực sự thành tâm, không có gì giả dối, chắc chắn rồi bạn đọc sẽ đáp lại:

Ném một câu thơ vào gió thổi

Lời bay đi, tôi nhớ lại đời mình

Có lắm buồn vui, có nhiều lầm lỗi

Nhưng không có gì xảo trá, gian manh…

Thôi thì trước tiên hãy được như thế đã, chưa dám kỳ vọng gì nhiều!

Như vậy là trên 40 năm sáng tác và dịch thuật đã được tác giả gói gọn trong một Tuyển tập này, tuy chưa phải là tất cả, nhưng hy vọng là cũng đủ tái hiện lại từng giai đoạn đáng ghi nhớ của một đời thơ, từ lúc chập chững cho đến khi trưởng thành. Nó cũng có thể coi là chứng tích và trải nghiệm cho cả một thời đối với một người sáng tác, và cũng là lời tự bạch của một con người đặt trong mối quan hệ gắn bó tương hỗ với mọi người xung quanh. Đọc lại hơn 40 năm thơ của mình, đôi lúc, tự tác giả cũng có tâm trạng bùi ngùi, có khi ngỡ như chối bỏ :

Thế kỷ XX đang bước xa dần

Còn day dứt phần đời cam go, nghèo khó

Trời ơi! Những câu thơ từng say mê thế

Chẳng lẽ cũng là đồ vật cũ mà thôi!…

Dẫu sao, thơ vẫn cứ là thơ, cho dù hoài nghi đấy, mặc cảm đấy, lo lắng cả sự xuống cấp của văn hóa đọc đấy, xót xa vì có thể thơ sẽ bị ghẻ lạnh trong tâm lý con người đang đổ xô vào lối sống thực dụng của kinh tế thị trường đấy, nhưng, biết làm sao được, “của tin gọi một chút này làm ghi”, tập sách này vẫn cứ ra mắt và xin được làm một chút kỷ niệm tinh thần khiêm tốn trong vòng tay bao dung của bạn đọc!

Bằng Việt

Hà Nội, cuối Thu 2009.

Mời các bạn đón đọc Bằng Việt - Tác Phẩm Chọn Lọc của tác giả Bằng Việt.