Văn học hậu hiện đại là trào lưu văn học xuất hiện sau Chiến tranh thế giới thứ hai tại xã hội Tây phương, đỉnh cao là vào những năm 70, 80, với hàng loạt các kỹ thuật sáng tác và tư tưởng văn nghệ mới để phản ứng lại các quy chuẩn của văn học hiện đại, trong khi đó cũng phát triển thêm các kỹ thuật và giả định cơ bản của văn học hiện đại (xem chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại).
Những năm gần đây ở Việt Nam, các thuật ngữ Chủ nghĩa hậu hiện đại, Văn học hậu hiện đại trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, đối với bạn đọc trong nhà trường phổ thông, các thuật ngữ này còn ở tình trạng rất “uyên bác”. Nhiều thầy giáo, cô giáo và một số học sinh đã bày tỏ sự băn khoăn làm sao hiểu được ý nghĩa của các thuật ngữ này, đặc biệt là thuật ngữ văn học hậu hiện đại…
Chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) là một thuật ngữ được dùng trong nhiều lĩnh vực tư tưởng, từ triết học, mĩ học, các ngành phê bình, nghiên cứu nghệ thuật, trong đó có phê bình, nghiên cứu văn học… Thuật ngữ Chủ nghĩa hậu hiện đại lần đầu tiên được dùng trong một cuốn sách xuất bản năm 1917 của nhà triết học người Đức Rudolf Pannwitz. Nhiều nhà nghiên cứu sau Rudolf Pannwitz đã phát triển ý nghĩa của thuật ngữ này, có thể kể một số tên tuổi như Irving Howe, Ihab Hassan, Jane Jacobs, Michel Foucault, Jean-Francois Lyotard, Richard Rorty… Cho đến nay, theo số liệu thống kê, trên thế giới có gần chục ngàn công trình mà tên của các công trình đó có nhắc tới postmodernism. Mặc dù xuất hiện từ năm 1917, nhưng chủ nghĩa hậu hiện đại bắt đầu được hình thành như một trào lưu tư tưởng và phát triển từ những năm 50, 60 của thế kỉ XX.
Hiểu đơn giản, Chủ nghĩa hậu hiện đại là một một cách nhìn nhận thế giới và con người, là hệ quả tất yếu của thời đại khoa học kĩ thuật phát triển như vũ bão. Theo những người chủ trương phát triển chủ nghĩa hậu hiện đại, thì đó là một bước tiến so với chủ nghĩa hiện đại. Ở bài viết này, chúng tôi không trình bày hệ thống tư tưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại mà tập trung làm rõ thuật ngữ văn học hậu hiện đại là thế nào.
Văn học hậu hiện đại là trào lưu văn học phương Tây được bắt đầu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng đến đỉnh cao vào những năm 70, 80 của thế kỉ XX. Nhắc đến văn học hậu hiện đại, người ta thường nhắc đến những nhà văn: William Burroughs (1914 – 1997), Alexander Trocchi (1925 – 1984), Kurt Vonnegut (1922 – 2007), John Barth (1930 – ), Donald Barthelme (1931 – 1989), E. L. Doctorow (1931 – ), Robert Coover (1932), Jerzy Kosinski (1933 – 1991), Don Delillo (1936 – ), Thomas Pynchon (1937 – ), Ishmael Reed (1938), Kathy Acker (1947 – 1997), Paul Auster (1947 – ), Orhan Pamuk (1952 – )… Hầu hết các nhà văn này đều được sinh ra và lớn lên trong và sau thời kì chiến tranh thế giới.
Các nhà văn hậu hiện đại chủ trương sử dụng các phương thức thể hiện khác biệt với quy chuẩn của văn học hiện đại. Mọi yếu tố nghệ thuật của văn học hiện đại hầu hết được thể hiện một cách tập trung, liền mạch (nên người đọc dễ dàng theo dõi). Ngược lại, ở văn học hậu hiện đại các yếu tố đó được thể hiện một cách rải rác, phân tán như thể những mảnh vỡ… Nhà nghiên cứu Ihab Hassan đã chỉ ra một số điểm khác biệt cơ bản giữa tác phẩm văn học hiện đại và hậu hiện đại. Về hình thức, văn học hiện đại có hình thức đóng thì văn học hậu hiện đại theo hình thức mở (còn gọi là phi hình thức). Các chi tiết, biến cố… trong tác phẩm văn học hiện đại được sắp xếp và thiết kế một cách kĩ lưỡng bởi sự hư cấu khéo léo và chặt chẽ (chẳng hạn nhiều tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn thường được sắp đặt theo trật tự chặt chẽ của một vở kịch: thắt nút, phát triển, đỉnh điểm, mở nút) thì ở văn học hậu hiện đại, chúng được sắp xếp một cách ngẫu nhiên, gần như không theo một trật tự nào.
Do cấu trúc như thế mà một tác phẩm văn học hiện đại như là một cuộc hành trình về đích, còn văn học hậu hiện đại là một hành trình vẫn còn dang dở. Bởi thế, đọc văn học hiện đại, người đọc có thể dễ dàng nhận ra dấu ấn sắp đặt của nhà văn. Đến với văn học hậu hiện đại, người đọc lại có cảm giác được tiếp xúc với một thế giới bề bộn, ngổn ngang. Nhà văn hậu hiện đại hạn chế một cách tối đa sự bộc lộ chủ quan của mình. Họ sẽ không bao giờ viết những dòng văn, câu thơ miêu tả mang đậm cảm xúc chủ quan, chẳng hạn như: Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang (Xuân Diệu).
Đối với yếu tố nhân vật, nếu như ở văn học hiện đại, nhân vật thường là con người với một khuôn mặt rõ nét, tính cách cụ thể, các hành động tiếp diễn và một “bản lí lịch cá nhân” (mức độ rõ nét tuỳ theo vị trí của nhân vật – chính hay phụ…), thì ở văn học hậu hiện đại, đặc điểm ấy hầu như không còn. Tác phẩm không cho biết nhân vật có đường viền nhân thân thế nào, khuôn mặt, tính cách… ra sao. Điểm nhìn miêu tả nhân vật thường xuyên di chuyển. Vì thế, chân dung, tâm trạng các nhân vật bị tán thành những mảnh vỡ. Muốn nắm được nhân vật, người đọc phải tự lắp ráp rất nhiều mảnh ghép nằm rải rác ngẫu nhiên đâu đó trong cả tác phẩm. Hầu như người đọc khó có thể bắt gặp những đoạn văn phân tích tâm lí, tâm trạng của nhân vật một cách liền mạch, tập trung. Nhân vật “thản nhiên” trước những biến cố của cuộc sống, khác hẳn với sự bộc lộ thái độ của các nhân vật văn học hiện đại. Chẳng hạn, nhân vật của Franz Kafka rất băn khoăn khi mình bị biến thành con bọ, thì nhân vật của Garcia Marquez mặc nhiên trước việc mình bơi xuống đáy đại dương hoặc bay lên trời… Có nhiều khi nhân vật hoàn toàn tồn tại qua cái nhìn, ấn tượng của một nhân vật khác… Có lẽ vì thế mà nhân vật hầu như chẳng có tính cách, khiến người đọc nhầm lẫn nhân vật này với nhân vật khác.
Có thể có bạn đọc hỏi rằng, văn học là nhân học, vậy nếu văn học không đi sâu vào thế giới nội tâm của con người để khám phá, thì đó còn là văn học nữa không? Có thể trả lời rằng, văn học hậu hiện đại không xa rời mục đích của văn học, nhưng nó muốn thể hiện những chiều sâu giá trị của con người bằng một hình thức khác, hình thức của tranh lập thể. Muốn khám phá những giá trị nhân văn, người đọc phải ghép nối các mảnh đoạn khác nhau. Cũng vì thế, khả năng tưởng tượng về một nhân vật có một biên độ rộng hơn. Nói cách khác, văn học hậu hiện đại kích thích nhiều hơn tính “đồng sáng tạo” của người đọc. Cùng một nhân vật nhưng mỗi người đọc có một cách giải mã khác nhau. (Điều này văn học nói chung đều có).
Vì nhân vật chỉ còn là những mảnh vỡ, không được tái hiện như một quá trình như trong các tác phẩm văn học hiện đại mà dẫn đến sự thay đổi của yếu tố cốt truyện. Cốt truyện bị giảm nhẹ vai trò dẫn dắt hành động của truyện. Cốt truyện bị mất đi tính liền mạch trong cốt truyện truyền thống. Câu chuyện được kết thúc ở tình trạng có nhiều khả năng tiến triển tiếp theo.
Trật tự thời gian như người đọc vẫn thấy trong các tác phẩm văn học hiện đại không còn nữa. Thời gian trong văn học hậu hiện đại cũng như yếu tố nhân vật, đã bị phá vỡ. Nhà văn có thể đảo chiều thời gian một cách tuỳ thích. Có khi các sự kiện lịch sử được tái hiện “méo mó”. Cũng có khi nhà văn tự tạo nên các sự kiện lịch sử giả tưởng. Những chi tiết trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn mà chúng tôi đã từng dẫn trong bài viết trước, như trận mưa lụt kéo dài bốn năm mười một tháng hai ngày ở Macônđô và sau đó là trận đại hạn kéo dài mười một năm… là những ví dụ điển hình.
Đến đây có thể nhiều bạn đọc thấy một số đặc điểm của văn học hậu hiện đại trùng với nhận thức về một số khuynh hướng văn học phương Tây thế kỉ XX. Điều đó là đúng, bởi trong văn học hiện đại có nhiều khuynh hướng nhỏ: văn học lãng mạn, văn học hiện sinh, dòng ý thức… Trong văn học hậu hiện đại cũng vậy, có các khuynh hướng: văn học hiện thực huyền ảo, tiểu thuyết mới,…
Bạn đọc có thể sẽ lại đặt câu hỏi: Ở Việt Nam có văn học hậu hiện đại chưa? Có thể trả lời rằng, trong một số tác phẩm văn xuôi ra đời vào những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI đã có những dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại. Tiểu thuyết Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh là một ví dụ khá rõ. Nhân vật chính, một thai nhi vẫn còn trong bụng mẹ là một nhân vật giả tưởng. Thai nhi có thể nghe được, hiểu được rất nhiều những câu chuyện khác nhau của người lớn. Dấu ấn hậu hiện đại được thể hiện ở mấy phương diện: nhân vật giả tưởng và những mảnh đoạn hiện thực cuộc sống được ghép nối qua sự cảm nhận của nhân vật giả tưởng. Người đọc cũng có thể bắt gặp dấu ấn hậu hiện đại trong một số tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Biểu hiện rõ nhất, đó là sự di chuyển thường xuyên của các điểm nhìn trong tác phẩm. Bên cạnh đó, còn có thể tìm thấy dấu ấn hậu hiện đại trong rải rác một số truyện ngắn trẻ những năm gần đây.
Cho dù còn nhiều ý kiến tranh luận, song có thể nhận định, văn học hậu hiện đại là một bước phát triển mới của văn học nhân loại. Bản chất, mục đích không thay đổi, nhưng phương thức thể hiện có nhiều sự biến đổi cho phù hợp với sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật và thị hiếu thưởng thức nghệ thuật giàu tính trí tuệ và ẩn ý của bạn đọc đương đại.
Mời các bạn đón đọc Truyện Ngắn Hậu Hiện Đại của tác giả Nhiều Tác Giả.