Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Khúc Khải Hoàn Dang Dở

Sau Người Thăng Long, nhà văn Hà Ân định viết tập tiếp theo với nhân vật chính là Trần Quốc Tảng, một ông hoàng trẻ văn võ song toàn lại rất ngạo đời. Nhưng khi biết những vần thơ hào sảng trong bài Phóng cuồng ca không phải của Trần Quốc Tảng, ông đã thất vọng và đốt đi hàng trăm trang bản thảo. Tưởng rằng tác phẩm không thể hoàn thành. Nhưng rồi ông bắt “gặp” Đỗ Vĩ, một tình báo tài giỏi của Nhà Trần, một nghệ sĩ đàn ngọt, thơ hay, bút vẽ thần tình, đường kiếm siêu việt… Và thế là Khúc khải hoàn dang dở ra đời, sau hai mươi năm. Như một bản hùng ca mãi mãi âm vang trang sử hào hùng và ghi dấu bóng hình người tình báo chiến lược tài ba Đỗ Vĩ cùng những tướng sĩ kiêu hùng, những người con ưu tú của dân tộc.

Nhà văn HÀ ÂN (1928-2011)

Tên thật là Hoàng Hiển Mô, quê ở Hà Nội.

Ông gia nhập Trung đoàn thủ đô liên khu I năm 1947, rồi làm trưởng ty Hoa kiều vụ tỉnh Lào Cai năm 1948. Năm 1955, ông về làm giáo viên văn hóa ở Trường Quân y và Hậu cần.

Từ năm 1964, ông làm biên tập viên tại Nhà xuất bản Hà Nội…

Ông nổi tiếng với các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, truyện kể lịch sử, dã sử và được tặng các giải thưởng: Giải C Giải văn học thành phố Hà Nội cho tiểu thuyết lịch sử Ngàn năm Thăng Long; Giải bồ câu vàng kịch bản phim hoạt hình Ông Trạng thả diều; Nhiều lần giải A văn học thiếu nhi Trung ương Đoàn; Giải khuyến khích kịch bản hoạt hình Ngựa thần Tây Sơn.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:

• Tướng quân Nguyễn Chích (truyện lịch sử, 1962)

• Quận He khởi nghĩa (truyện lịch sử, 1963)

• Nguyễn Trung Trực (truyện lịch sử, 1964)

• Phú Riềng đỏ (ký lịch sử, 1965)

• Bên bờ Thiên Mạc (truyện lịch sử, 1967)

• Tổ quốc kêu gọi (tiểu thuyết lịch sử, 1973)

• Trên sông truyền hịch (truyện lịch sử, 1973)

• Trăng nước Chương Dương (truyện lịch sử, 1975)

• Người Thăng Long (tiểu thuyết lịch sử, 1980)

• Lưỡi gươm nhân ái (truyện lịch sử, 1981)

• Ông Trạng thả diều (truyện lịch sử, 1982)

• Cái chum vàng (truyện lịch sử, 1986)

• Vụ án trầu cánh phượng (truyện lịch sử, 1990)

• Kho báu dưới gốc hoàng đào (truyện lịch sử, 1993)

• Mùa chim ngói (tập truyện, 1995)

• Khúc khải hoàn dang dở (tiểu thuyết lịch sử, 2002)

***

Trần Quốc Tuấn bồi hồi đi giữa doanh quân. Mấy hôm trước chỗ này đã xảy ra một cuộc chiến đấu lớn. Lớn về quy mô - mỗi bên tham chiến hơn vạn quân - nhưng không lớn về sự ác liệt. Bởi vì đây là một tổng kho lương thảo của địch. Sông Cái chia nước chảy vào Sông Luộc. Quân Nguyên đã lập ở đây một hệ thống kho lớn chứa toàn bộ lương dữ trự kê, ngô, lúa mì, lúa mạch cả gạo của Lưỡng Quảng, cả cỏ khô thu từ đồng cỏ hoang mạc Tây Bắc phơi khô đánh thành từng khối lớn, mỗi khối dùng cho mười con ngựa ăn trong ba ngày… Nhưng lính thì toàn là lính vận tải, lính chiến rất ít. Tướng thì giỏi tính toán, không giỏi đánh nhau. Trong khi đó, bên ta lực lượng chủ công là quân Thánh Dực Thượng Đô của Phạm Ngũ Lão. Đơn vị này là những người còn lại của đội quân Trần Bình Trọng cũ. Khi họ chia đi để làm kế nghi binh, lòng ai cũng xao xuyến tiếc nuối những người ở lại quyết tử cùng Bảo nghĩa Vương Trần Bình Trọng.

Và giờ đây ai nấy sôi sục lòng căm thù. Như hổ vào đàn dê, những chiến sĩ của ta xông xáo, họ đốt là chính. Những bó cỏ gặp lửa bùng lên thành một bể lửa. Lửa cháy lan sang kho lương, lửa cháy không tài noà dập được nữa, gió nam đầu mùa thổi ù ù làm cho tiếng lửa cháy rít lên như tiếng sấm. Trận đánh quả không cân sức: quân thiện chiến đánh với lính vận tải thì thắng lợi gần như sự khôi hài. Quân giặc hàng, hạ giáo, vẫn đông tương đương với quân đánh. Chúng đành chịu đi thành hàng ngũ về phía cuói sông. Trận đánh thắng lớn vì sau trận này hết lương thảo, không một tên tương giặc nào có gan ở lại thêm nữa ở nước ta.

Trần Quốc Tuấn đi về phía cuối doanh trại. Chỗ này trước kia tướng giặc Vạn Hộ Hầu Lưu Thế Anh chỉ huy A Lỗ đã cắm lều trận. Bây giờ, đoàn tuỳ tùng của Hoành trung doanh đã dựng lều trận của Quốc công. Ngay trước cửa lều, là phướn Thanh Long, Bạch Hổ của đức ông Tiết chế đường bệ phe phấy. Ngaòi cửa lều trận là một ngời lính trong đội quân viễn thám của Hoàng Đỗ cầm ngang giáo đứng canh. Trần Quốc Tuấn ngồi xuống ghế bọc da hổ. Tuỳ tùng mời trà thơm giải khát. Phạm Ngũ Lão bước tới cửa lều trận thì vừa lúc đó, một người lính viêcn thám khác đã phi ngựa đến:

– Thưa Tướng quân có tin cấp báo từ biên giới phía Bắc gửi về.

Anh ta đưa ra một cái que. Phạm Ngũ Lão kinh ngạc:

– Chỉ có thế này thôi à?

– Thưa và một câu nói: Đó là Trận Kiện đã bị quân ta trừng trị ở biên giới.

Phạm Ngũ Lão vội vàng báo tin chiến thắng lên đức ông tiết chế. Trần Quốc Tuấn mân mê cái que suy nghĩ rồi khẽ nói với Phạm Ngũ Lão:

– Đây là tín vật ta đã trao cho Đỗ Vĩ. Không hiểu sao ai đưa được đến đây ? Gọi người lính đã đưa tín hiệu lên đây cho ta hỏi.

Theo lời người lính kể lại, tín hiệu do một cô con gái trong đoàn thị nữ hậu cận công chúa An Tư đưa về. Cô ta trốn khỏi doanh trại Thoát Hoan trong thế mười phần chết một phần sống, bản thân cô ta cũng bị trọng thương, một mũi tên bắn trùng bả vai máu ra rất nhiều. Cô chỉ trao được tín vật và dặn câu nói quan trọng để trình quốc công tiết chế. Bây giờ cô ta còn đang dưỡng thương tại doanh trại của Trẩn Quốc Toản, ở bãi Mà Trò. Trần Quốc Tuấn ngay lập tức phái Phạm Ngũ Lão đi ngay tìm người con gái.

Phạm Ngũ Lão bước vào lều trận nơi cô gái đang dưỡng thương. Ông sững người nhìn vẻ mặt xanh xao mất máu của cô gái. Một nét gì đó quen thuộc gợi trong trí nhớ của ông những kỷ niệm thời trai trẻ, còn hơn thế nữa, những kỷ niệm lúc ấu thơ. Đó là những cậu bé cô bé còn đang để trái đào học hành vui chơi với nhau. Đó là thuở người ta chơi với nhau những trò một cái que tre cũng thành một con ngựa. Đó là thuở quen gọi là thanh mai trúc mã. Những kỹ niệm bồi hồi đến trong tâm trí ông. Thủa hàn vi ông ở làng Phú Ứng với mẹ già. Hai mẹ con chỉ có túp lều nhỏ, bên kia hàng rào rau ngót cũng có hai mẹ con nữa nhưng người con là một cô gái kém ông hai tuổi. Cả hai ông bố đều chết trận ở biên thuỳ phía Tây, hai gia đình sống với nhau rất thân mật, hai đứa trẻ sống với nhau cũng thân thiết như anh em. Cũng vì thân thiết như anh em cho nên khi chúng lớn lên tình cảm có biến chuyển, cũng chẳng đứa nào dám đẩy tới lên thành tình yêu, cho đến khi Phạm Ngũ Lão thành gia tướng của Trần Quốc Tuấn, cuộc sống của quân ngũ làm cho họ không gặp nhau được nữa. Gần đây mẹ Phạm Ngũ Lão có báo tin cho ông biết bà cụ hàng xóm đã bị bao bệnh qua đới, cô con gái được triều tuyển làm thị nữ cho công chúa An Tư. Bà cụ rất thương cô gái, trong lòng bà muốn kén cô gái làm con dâu mình và bà tin rằng con trai mình cũng muốn có cô gái đó làm vợ. Đó là cô Tầm hiện đang bị thương nằm kia. Nhưng lòng Phạm Ngũ Lão rồi bời bởi vì mới đây ông đã được Trần Quốc Tuấn cho cô con gái nuôi làm vợ, đó là quận chúa Nguyên Thanh.

Phạm Ngũ Lão ra lệnh ngay cho doanh quân gọi mấy ông lang trong quân đội đến ngay chân mạch cho cô gái. Trong số họ có một người rất giỏi châm cứu. Chỉ bằng những cái kim bằng vàng, ông ta lấy ngay lại dợc sắc mặt hồng hào của cô gái. Ông ta nói:

– Cơn nguy cấp đã qua, bây giờ là thuốc bổ và thời gian. Tuổi trẻ của cô này chắc là một hỗ trợ rất mạnh. Tướng quân cứ yên tâm, chỉ trong mười ngày chắc cô ta đã đứng dậy ăn uống được rồi.

Phạm Ngũ Lão ra lệnh cho doanh quân lấy thêm chăn ấm, quần áo thay đổi cho cô gái. Ông ra lệnh cho quân doanh hết sức chăm sóc cho người bị thương, sau đâu đó ông quay lại ngay hành trung doanh để tường trình với quốc công Tiết chế.

Dọc đường đi Phạm Ngũ Lão chợt thấy lòng xốn xang. Khi thoạt nhận ra cô gái, ông thấy thương cô như cô em gái, mà thực ra xưa nay hai người vẫn coi nhau như anh em. Hai người vẫn chưa hề có sự tỏ tình hoặc hứa hẹn gì. Hai bà mẹ cũng không có giao ước gì với nhau. Phạm Ngũ Lão thấy mình hoàn toàn chẳng có một lỗi lầm gì. Nhưng bây giờ ông thấy lòng mình không yên. Một cảm giác mơ hồ ở đâu đó trong đáy lòng ông da diết, trách móc ông đã làm một điều không nên với người bạn thanh mai trúc mã. Ông tự trách rồi ông lại cho rằng mình chẳng mình chẳng có lỗi gì, rồi ông lại tự trách…

Phải chăng ông đã vì công danh mà phạm lỗi, ông tự xét và thấy mình không phải như vậy. Nhưng tại sao lại nên cơ sự ấy thì ông không trả lời được. Về đến hành trung doanh, Phạm Ngũ Lão vẫn còn ở tâm trạng như vậy.

Ông đưa trình Trần Quốc Tuấn cái que tín vật. Trần Quốc Tuấn xem lại cái que một lần nữa. Ông lẩm bẩm:

– Đúng là que chuyền Dã Tượng là cho em nuôi của nó.

Đây đúng là que chuyền Dã Tượng đã làm cho bé Tiểu Bội. Dã Tượng đã coi bé Tiểu Bội như em nuôi. Trần Quốc Nghiễn, con cả của ông đã nhận bé Bội làm con nuôi, như thế là cháu nội ông. Cô quận chúa Tiểu Bội hiện nay đanh cùng với trẻ con thái ấp Vạn Kiếp lánh giặc ở nơi nào đó trong rừng già Yên Tử.

Như vậy tin này phát đi là từ Đỗ Vĩ. Có điều gì trong tin này khiến Đỗ Vĩ phai cấp báo về cho ông? phải chăng Đỗ Vĩ muốn báo cho ông rằng, quân gia bình của ông ở Đông Bắc, lực lượng sơn chiến của đồng bào Tày, đồng bào Nùng vẫn xiết chặt hàng ngũ chung quanh của các đô chính quy của triều đình. Như vậy giá trị chiến lược mà Đỗ Vĩ muốn thông báo với ông là lực lượng của ta ở mặt Đông Bắc rất mạnh và chặt chẽ sẵn sàng chờ khi ông đuổi giặc khỏi Thăng Long, chúng sẽ rút chạy qua một vùng mà quân ta đã dàn sẵn đánh những trận phục kích tiêu diệt…

Thật là một tin báo cực kỳ quan trọng khiến ông bày trận yên tâm hơn, chắc thắng hơn. Nhưng Đỗ Vĩ bây giờ ở đâu, số phận anh ta bây giờ ra sao.

Trần Quốc Tuấn ngẩng lên nhìn Phạm Ngũ Lão đăm đăm.

– Nhà ngươi có chuyện gì thế? Phải chăng cô gái đó là người thân của ngươi?

Ông hỏi rồi ông thầm tự trả lời ngay Phạm Ngũ Lão chỉ có hai me con và ông chăm chú chờ câu trả lời của viên tướng dưới quyền.

– Thưa đấy là cô bạn hàng xóm của mạt tướng, bố cô ấy chết trận, mẹ cô ấy cũng vừa mới qua đời. Cô đó cũng chỉ có một mình trên đời này.

– Trong cuộc chiến tranh này, dân ta chẳng có ai là một mình trên đời này. Có điều lúc nhỏ, hai ngươi thân thiết với nhau, tình bạn ấy không dễ phai nhạt được.

Trần Quốc Tuấn không nói hết ý mình, ông tin rằng tình bạn thanh mai trúc mã chỉ có hoàn cảnh chiến tranh mới không thành một hôn nhân êm dịu. Ông hỏi tiếp:

– Nhà ngươi rất thân với Nguyễn Chế Nghĩa phải không?

Và ông bỏ lửng cũng không nói tiếp ý muốn gả cô Tầm làm vợ Nguyễn Chế Nghĩa. Những việc như thế này, lòng của Phạm Ngũ Lão, cua Nguyễn Chế Nghĩa, của cô Tầm cũng khó rạch ròi việc vui, việc mừng, xốn xang, tiếc nuối.

Ba hôm sau cô Tầm đã có thể trả lời những câu hỏi của Trần Quốc Tuấn.

Cô là một trong mấy thị nữ được đưa lên Đông Bắc để chuẩn bị chỗ ở cho công chúa An Tư, cô phải thu xếp ở cả hai bên biên giới. Ở bên kia biên giới tên tướng giặc chỉ huy trấn giữ biên thùy, hậu cần, kể cả việc hành chính nữa, đó là tên Mã Lộc, một tên tướng nhiều tài, thông minh có bản lĩnh, đi từ hồ Phiên Dương xuống. Hắn rất thích cô Tầm, một cô gái duyên dáng sắc sảo, lại là người được Thoát Hoan phải lên.

Doanh nhân Tri thôn nằm cách biên giới mấy chục năm dặm được quản lý rất tốt, an toàn trật tự. Mã Lộc hàng ngày dẫn quân đi tuần tiễu mấy chục dặm xa. Doanh quân thường có tiệc thết đãi những quan tướng Việt theo Trần Ích Tắc và Trần Kiện đầu hàng nhà Nguyên. Lệnh ngầm từ Hành trung doanh của Thoát Hoan đưa xuống hết sức biệt đãi hàng binh Việt, trọng đãi hàng tướng Việt.

Mã Lộc giữ rất đúng kế hoạch đó. Cho nên khi cô Tầm đến Trì Thôn, Mã Lộc đã cho người theo cô gái đi chọn chỗ ở cho công chúa An Tư. Y nói: “Lệnh bà sẽ được tiếp đón trọng thể. Còn bây giờ tôi sẽ đưa cô nương đi thăm Trì Thôn.”

Chính một lần đi thăm Trì Thôn, cô Tầm đã được gặp Đỗ Vĩ. Khi ấy anh vẫn được tự do xông xênh đi quanh Trì Thôn, Mã Lộc đã lệnh cho anh không được rời Trì Thôn.

Những tin tức về Đỗ Vĩ làm cho Trần Quốc Tuấn trầm ngâm, Quốc công đứng dậy ra khỏi lều trận đi lang thang ven sông Luộc.

Phạm Ngũ Lão ngồi lại trong lều, anh không nghĩ về Đỗ Vĩ mà trong lòng anh xốn xang bao kỷ niệm về thời thơ ấu…

…Năm mười bốn tuổi Phạm Ngũ Lão được ông Cán Nguyễn thu nhận làm đồ đệ võ. Ông Cán Nguyễn là một người nổi tiếng vùng sông Luộc, sông Hóa. Cứ mỗi độ xuân về vùng huyện hai bên ven sông đều có mở hội. Tiếng trống hội vật vang dội ven sông trong suốt tháng Giêng, tháng Hai. Ở hội phủ Long Hưng, giải nhất bao giờ cũng về tay ông Nguyễn. Cho đến năm ngoài bốn mươi, ông không tranh tài nữa mà chí đóng khố bao ra ngồi chiếu trịch ở hội vật cho trai phủ thi tài với trai tứ phương. Do đó có cái tên là ông Cán Nguyễn. Được ông Cán Nguyễn thu làm đồ đệ chẳng phải chuyện dễ. Ông chẳng những vật giỏi mà quyền, đao, thương cũng xuất sắc. Trường dạy võ của ông không thu nhận nhiều học trò mà chỉ nhận một số chọn lọc mà ông cho là những người có căn cơ, có đức. Ông thường nói học môn này không có đức không thể theo học được. Cậu bé Phạm Ngũ Lão được ông già chấm làm đồ đệ vì một lần ông chứng kiến cậu bé bệnh vực các bạn bé chống lại mấy kẻ vô lại, chúng lớn hơn và đáng cũng rất dữ nhưng cậu bé cứ lăn xả vào cản lại không kể bươu đầu sứt tai. Ông thu cậu bé làm đồ đệ và dặn một câu: “Đã tập là tập hết lòng, thầy cho nghỉ mới được nghỉ.” Ông Cán Nguyễn rèn cậu bé đến nơi đến chốn. Đã có hôm mùa đông tháng giá ông đưa cậu bé ra ven sông tập cho cậu quen với cái rét cẳt ruột. Phạm Ngũ Lão mới về tới nhà, người lê lết tả tơi, bụng đói, cật rét. Phạm Ngũ Lão về lục nồi, chẳng có gì ăn, cậu kiếm được một củ khoai lang sống, hà mất một nửa, lay lắt ở góc bếp. Phạm Ngũ Lão lau củ khoai vào áo mình cho sạch rồi đưa lên miệng ăn sống. Lúc bấy giờ chợt thấy con chó vàng thân thường quẫy đuôi mừng tíu tít. Phạm Ngũ Lão hỏi ngay: “Tầm phải không?” Cô bé năm ấy mười một tuổi tóc phủ kín má len qua cửa bếp vào. Dưới ánh lửa bếp bập bùng, cô bé sáng bừng lên như một cô tiên hai mắt lấp lánh, đôi môi hồng tươi hé hàm răng trắng nõn. Cô bé chìa tay đưa cho Phạm Ngũ Lão một cái gói: “Em vừa nướng lại cho nóng rồi.” Đó là một cái lá sen nhỏ gói một nắm xôi nướng lại còn ấm tay. Có lẽ Phạm Ngũ Lão chưa bao giờ được ăn một năm xôi ngon như vậy. Ngay cả đến bây giờ nhớ lại ông vẫn thấy mùi thơm của lá sen, và bây giờ ông cho rằng mấy ngón tay nhỏ của cô Tầm như búp ngọc lan cũng thơm như mùi hương sen…

Trần Quốc Tuấn đi dọc theo ven sông. Ông nhớ lại lần gặp Đỗ Vĩ ở Vạn Kiếp khi anh treo bức tranh thứ tư vẽ phong cảnh đất nước ở căn phòng nhỉ đầu thư viện của ông. Đó là cánh cửa Đầu Quỷ về mùa đông. Lần ấy ông đã giao cho Đỗ Vĩ nhiệm vụ làm gián điệp ở bên kia biên giới, không phải loại gián điệp thông thường mà là loại gián điệp quan trọng chuyên nghiên cứu về các mưu lược của địch. Ông đã giao cho Đỗ Vĩ bộ que chuyền của bé Bội để làm tín vật. Đỗ Vĩ đã gửi về cho ông bốn que. Một que so sánh hai tên tướng cầm đầu đạo quân xâm lược. Một tên là Thoát Hoan, tướng trẻ cương cường tài hoa ăn chơi làm chánh nguyên súy. A Lý Hải Nha, tướng già, đạnh thủy giỏi, đánh lửa giỏi, nuôi quan giỏi, làm phó nguyên súy. A Lý Hải Nha lại chính là thầy của Thoát Hoan. Tên trẻ ít kinh nghiệm làm chánh, tên già giàu kinh nghiệm là thầy của tên kia lại làm phó. Chính nhận định này của Đỗ Vĩ đã giúp cho ông định ra cách đánh đối với hai tên. Tín vật thứ hai, que chuyền thứ hai là quân thủy. Thoát Hoan chỉ huy đoàn thuyền vận tải. Tín vật này làm cho ông tập trung thuyền nhẹ đánh tiêu diệt trên mấy ngã ba sông. Đem thuyền chiến dù là nhẹ đánh thuyền vận tải dù là nặng thì dễ như lấy đồ trong túi. Que chuyền thứ ba, tín vật thứ ba là tin về số lượng ngựa của quân giặc. Ngựa nhiều thế này, đánh câu liêm là thích hợp nhất. Ngựa mà đã bị ngoặc ngã thì tên cưỡi ngựa chạy làm sao được. Con bây giờ là que chuyền thứ tư, tín vật thứ tư đưa tin Trần Kiện bị bắn chết. Trong chiến tranh người chết như rạ, Trần Kiện cũng là một tên quan trọng nhưng có đáng gì đâu mà phải đưa…

Bây giờ Đỗ Vĩ ở đâu? Ông còn nhớ lúc tiễn Đỗ Vĩ, ông còn cầm tay của Đỗ Vĩ đưa lên ngắm. Một tay võ nghệ tuyệt luân như Đỗ Vĩ mà có một đôi tay tài hoa mười ngón tay như mười búp măng mềm mại trắng muốt như tay mĩ nữ. Đúng là tại có chiến tranh, đất nước bị xâm lược, ông mới dám sẵn lòng hy sinh những bàn tay quý giá như vậy của dân tộc.

Bây giờ Đỗ Vĩ ở đâu?

Mời các bạn đón đọc Khúc Khải Hoàn Dang Dở của tác giả Hà Ân.