Atlas Vươn Mình (Atlas Shrugged) mô tả thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ khi các nhà công nghiệp và doanh nhân hàng đầu chống sự điều khiển bất công và thô bạo của nhà nước đối với toàn bộ ngành công nghiệp. Nhân vật chính, Dagny Taggart, giám đốc một công ty đường sắt, chứng kiến sự suy sụp của xã hội mà trong đó những người lao động ưu tú, những cá nhân xuất chúng nhất bị gạt ra rìa. Tất cả họ, những người có cả lý trí và lương tri, dưới sự lãnh đạo của một nhân vật bí mật tên là John Galt đã làm "dừng lại động cơ của thế giới".
Quyển sách thể hiện rõ ràng những quan niệm của tác giả về thành tựu lao động, về tri thức và tinh thần tự do của con người.
Bản dịch tiếng Việt dày 1650 trang cũng chứa đựng toàn bộ những triết lý quan trọng nhất của Ayn Rand. Lúc đang còn ở dạng bản thảo đang viết, nó có tên là "The Strike", nhưng khi được xuất bản (lần đầu vào năm 1957), cuốn sách có tựa là "Atlas Shrugged" (Atlas Vươn Mình).
Một trong những lý do khiến độc giả không thể làm ngơ cuốn sách: tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng "Những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20" do độc giả của Modern Library bình chọn năm 1998 (tiểu thuyết "The Fountainhead" - Suối Nguồn cũng của Ayn Rand đứng thứ hai). "Atlas Vươn Mình" được cho là tiểu thuyết có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của nhiều độc giả Mỹ, chỉ sau Kinh Thánh (theo cuộc thăm dò của Thư Viện Quốc Hội Mỹ vào năm 1991).
Nhiều cuộc tranh luận về cuốn sách xảy ra kể từ lúc cuốn sách được xuất bản lần đầu, và liên tục được đào xới lại cho đến tận ngày nay. Sức sống của nó không chỉ ở nước Mỹ mà còn lan ra khắp thế giới.
Một tiểu thuyết kinh điển cần đọc!
***
Như bao người da trắng khác, tôi đọc cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của Ayn Rand “Atlas Vươn mình” khi tôi ở tuổi 18. Và cũng như bao người da trắng khác, cuốn “Atlas Vươn mình” đã khiến tôi thành một kẻ đần độn trong nhiều tháng trời.
Ayn Rand (1905-1982)
Cuốn “Atlas Vươn mình”, được xuất bản năm 1959 và số lượng ấn bản phát hành chỉ đứng thứ hai sau Kinh Thánh, “Atlas Vươn mình” được dùng như một lời mời gọi bạn đọc đến với triết lý của Ayn Rand, Chủ nghĩa Khách quan, dựa trên ý tưởng rằng sự vị kỷ nên là đức tính hướng dẫn cho toàn bộ nhân loại. (Nếu bạn cho rằng tôi đang nói quá hoặc hiểu sai về thông điệp của bà, thì xin lưu ý là Rand đã công bố một cuốn sách phi hư cấu có tựa đề chính xác là “Phẩm hạnh của sự vị kỷ” |The Virtue of Selfishness| theo đúng nghĩa đen.)
Rand khẳng định rằng tính tư lợi là động lực tốt nhất cho kinh tế học, tài chính, chính trị học và về cơ bản cho tất cả những sự mưu cầu của nhân loại. Bà lập luận rằng đặt những người khác lên hàng đầu nghĩa là mọi người đều sẽ về cuối.
Sức hấp dẫn của sự vị kỷ
Thế giới quan theo Chủ nghĩa Khách quan đơn giản của Rand không thể được thiết kế tốt hơn để thu hút những chàng trai da trắng sống êm ả ở ngoại ô và thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu giống tôi - loại người, mà theo câu nói bất hủ của Barry Switzer, là sinh ra ở tầng lớp thượng lưu song lại cứ tưởng mọi thứ mình có được là nhờ nỗ lực và tài năng cá nhân.
Đối với những đứa trẻ như tôi vào thời điểm đó, thông điệp của Rand cho rằng chúng ta kiếm được mỗi phần của cải mà chúng ta được thừa kế là một điều đáng an ủi, và điều này làm hài lòng cái tôi của chúng ta bằng cách tập trung vào chúng ta như những chủ nhân của vũ trụ, những người xứng đáng với vị trí cao.
May mắn thay, tôi không mất quá nhiều thời gian để loại bỏ các chủ đề của cuốn “Atlas Vươn mình”. Ngay khi tôi kết bạn với những người không phải là công tử ngoại ô da trắng, và khi tôi hiểu rằng họ phải làm việc chăm chỉ gấp 5 lần để được hưởng một nửa đặc quyền mà tôi được hưởng, tôi nhận ra rằng Rand đang hát một bản anh hùng ca tán dương sự thoải mái. Với việc áp dụng một chút đồng cảm và kinh nghiệm sống, triết lý của bà đã sụp đổ.
Nhưng rất nhiều người có quyền lực vẫn tán đồng triết lý của Rand. Cựu Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã nói chuyện thường xuyên, và một cách sùng bái, về tác động của Rand đối với cuộc sống của ông ấy. Cựu Cục dự trữ liên bang Alan Greenspan là một người đi theo và ủng hộ Rand, cùng với cả Ron và Rand Paul. Một số người chơi trò chơi quyền lực nhất của Thung lũng Silicon, gồm Peter Thiel và Travis Kalanick, đã ca ngợi Rand.
Văn phong của bà cho đến ngày nay cho biết một hình thức đặc biệt độc hại của tư tưởng bảo thủ - theo chủ nghĩa tự do mãnh liệt, hăng hái chống chính phủ, mù quáng ủng hộ việc trao quyền cho các tập đoàn.
David Sloan Wilson (1949-)
Trong tập “Kinh tế học Pitchfork” của tuần này, Nick Hanauer và David Goldstein trò chuyện với nhà tiến hóa luận nổi tiếng David Sloan Wilson về cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh ấy, “Atlas Ôm chặt” |Atlas Hugged|. Cuốn “Atlas Ôm chặt” bác bỏ các tuyên bố của “Atlas Vươn mình” bằng cách sử dụng sự hiểu biết phi thường của Sloan về sinh học tiến hóa, cuốn sách này xác định lại con người như một loài động vật hợp tác và có tinh thần cộng đồng chứ không phải như những tác nhân vị kỷ hung bạo.
Tính tư lợi đối diện với đại dịch
Và đối với một ví dụ được trích từ các tiêu đề về lý do tại sao con người lại hoàn toàn không trở thành những người có thái độ và hành động kịch liệt chống xã hội (sociopathic) như hư cấu của Rand, hãy nhìn xa hơn với đại dịch. Xã hội tự do Galt’s Gulch đã phản ứng như thế nào vào năm ngoái khi COVID-19 lan đến?
Trước tiên, không ai trong số những nhân vật chính theo chủ nghĩa cá nhân nghiêm khắc của Rand sẽ chịu nổi việc bắt buộc phải đeo khẩu trang. Họ không ưa mọi quy định của chính phủ, và vì đeo khẩu trang bảo vệ người khác nhiều như bảo vệ chính bản thân người đeo khẩu trang, điều đó vi phạm chỉ thị chính của Rand về tính vị kỷ là trên hết. Điều tương tự cũng xảy ra đối với các quy tắc giãn cách xã hội 6 bộ Anh (ft) [1 ft = 0,3048 m].
Vì vậy, Galt’s Gulch trông giống như một đĩa petri (đĩa bằng thủy tinh hay nhựa trong suốt để nuôi cấy tế bào) cho vi rút corona. Rand đã hình dung xã hội không tưởng (utopia) của mình là thiên đường cho các CEO |Tổng Giám đốc Điều hành| và chủ tịch của các công ty sản xuất lớn, và độ tuổi trung bình của các CEO ở Mỹ đã tăng lên trong những năm gần đây, là dưới 60 tuổi. Cho rằng 95% tổng số ca tử vong do vi rút corona là ở những người trên 60 tuổi, tỷ lệ sống sót của Galt’s Gulch có vẻ không cao.
Lúc này tôi nghe thấy những lời phản đối: “Nhưng chắc chắn những nhà tư bản không bị ràng buộc này sẽ có thể mua hoặc sản xuất máy thở để giữ cho những CEO bị nhiễm bệnh đó sống sót?” Có lẽ là không.
Nếu bạn nhớ lại, máy thở có nhu cầu cao trong những ngày đầu của đại dịch, và lúc bấy giờ Tổng thống Trump đã sử dụng quyền hạn của chính phủ để buộc hãng General Motors sản xuất chúng - một sự vi phạm nghiêm trọng triết lý của Rand.
Và chuỗi cung ứng toàn cầu đã hoàn toàn bị phá vỡ trong những ngày đầu tiên đó, nghĩa là toàn bộ tiền bạc trên thế giới không thể mua máy thở hoặc các bộ phận sản xuất máy thở cho Galt’s Gulch kịp thời để giải cứu những nhà khách quan chủ nghĩa đáng thương đang bị bệnh hiểm nghèo.
Sau đó, hãy cân nhắc thực tế là Galt’s Gulch có khả năng không có cơ sở y tế công cộng để thông báo cho dân chúng về các hành vi rủi ro và dữ liệu nhân khẩu học, không có cách nào để chỉ đạo doanh nghiệp tư nhân theo những cách có lợi cho phúc lợi tập thể |public good| mà không bị khoét giá lớn và không có tiền thuế để hỗ trợ những người thất nghiệp vì đại dịch, và xã hội không tưởng của John Galt đang bắt đầu giống xã hội trong bộ phim “Đấu trường sinh tử” |The Hunger Games|.
Khoa học viễn tưởng về chủ nghĩa cá nhân
Có một lý do tại sao những người theo chủ nghĩa tự do vô chính phủ lại quá im lặng kể từ khi COVID lan đến các bờ biển của chúng ta cách đây một năm, và tại sao những người theo chủ nghĩa bảo thủ cực đoan của Đảng Cộng hòa lại thất vọng về Tiến sĩ Seuss khi đảng Dân chủ thông qua một gói cứu trợ đại dịch cực kỳ được lòng dân.
Paul Constant
Đại dịch là chứng cứ cho một sự thật không thể tránh được mà phá hủy triết lý của Ayn Rand: Chúng ta đang sống trong một xã hội, và không ai thực sự là một người làm chủ tự tạo ra vận mệnh của chính mình. Chúng ta càng sớm hiểu lý tưởng của người Mỹ về chủ nghĩa cá nhân tối thượng là một thứ khoa học viễn tưởng |science-fiction| bao nhiêu, thì chúng ta càng nhanh chóng có thể bắt tay vào xây đắp một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người bấy nhiêu.
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ
Paul Constant là một cây bút của Civic Ventures và là đồng chủ biên của podcast “Pitchfork Economics” cùng với Nick Hanauer và David Goldstein.
Trong tập mới nhất, họ đã nói chuyện với nhà tiến hóa luận David Sloan Wilson về cuốn tiểu thuyết của ông, “Atlas Ôm chặt”.
Wilson cho rằng đại dịch đã làm phá sản triết lý của Ayn Rand rằng tính tư lợi sẽ lấn át các nhu cầu xã hội.
Hồ Thị Thu Hiền dịch
Nguyễn Việt Anh hiệu đính
***
Ayn Rand (1905 – 1982) là một tiểu thuyết gia, triết gia người Mỹ sinh ra ở Nga. Bà nổi tiếng là người đã phát triển học thuyết “Chủ nghĩa khách quan” thông qua hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng như The Fountainhead (Suối nguồn), Atlas Shrugged (Atlas vươn mình), For the new Intellectual,…
Bà sinh trưởng trong một gia đình gốc Do Thái và bắt đầu niềm đam mê với nghệ thuật từ rất sớm. Năm 8 tuổi bắt đầu viết kịch, 10 tuổi viết tiểu thuyết. Sau thành công của Cách mạng Nga, các trường đại học bắt đầu mở cửa cho nữ sinh, Ayn Rand nhanh chóng gia nhập tầng lớp trí thức, bắt đầu nghiên cứu về lĩnh vực xã hội và lịch sử. Bà bắt đầu say mê các tác phẩm của Aristotle và Plato, những tác phẩm ảnh hưởng rất lớn đến bà sau này.
Tiểu thuyết đầu tiên của Rand, hư cấu dựa trên tiểu sử của bà We the Living, được xuất bản năm 1936. Bối cảnh ở Liên bang Xô Viết, tiểu thuyết tập trung vào cuộc đấu tranh giữa cá nhân và chính quyền.
Bà rời khỏi Nga vào năm 1926 và đến Mỹ. Ayn Rand ở nhà một người họ hàng tại Chicago rồi sau đó tới New York để theo đuổi ước mơ làm biên kịch.
Một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của bà, The Fountainhead (Suối nguồn) xuất bản năm 1943 đã mang tên tuổi Ayn Rand đến độc giả trên toàn thế giới. Thu nhập từ tác quyền và phiên bản điện ảnh đã mang lại cho bà danh vọng và sự ổn định về tài chính. Tác phẩm đã từng bị từ chối bởi 12 nhà xuất bản trước khi được chấp thuận bởi Bobbs-Merrill Company. Các tác phẩm của bà đã bán 25 triệu bản trên toàn thế giới.
Trong suốt cuộc đời của mình, Rand đã trở thành một nhân vật nổi tiếng và gây nhiều tranh cãi. Ngoài việc là một tác giả có sách bán chạy, bà cũng mang thông điệp của mình đến với các lớp đại học, đến Hollywood, với Quốc hội, với các trang xã luận, các buổi tọa đàm, chương trình phát thanh. Ngày nay , sách của bà đã bán được hàng triệu bản, và bà là chủ đề của một bộ phim tài liệu được đề cử Oscar, một con tem bưu chính Hoa Kỳ, các khóa học đại học, và một môn học xã hội triết học dành cho các nghiên cứu về tư tưởng của bà .
Mời các bạn đón đọc Atlas Vươn Mình của tác giả Ayn Rand.