Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Nam Cao Nhà Văn Hiện Thực Xuất Sắc

Nam Cao (1917-1951) là một tài năng lớn, một cây bút hiện thực xuất sắc đã góp phần đáng quý vào quá trình cách tân và hiện đại hóa nền văn xuôi quốc ngữ. Ông là m ột trong số những nhà văn có vị trí vững vàng, ổn định và có tầm quan trọng trong nền văn học sử dân tộc. Chỉ với mười lăm năm cầm bút (1936-1951), nhà văn liệt sĩ Nam Cao đã để lại một sự nghiệp văn chương tuy không thật đồ sộ về khối lượng nhưng lại luôn ẩn chứa một sức sống khỏe khoắn, bền lâu của một giá trị văn chương đích thực, có sức vượt lên trên “các bờ cõi và giới hạn”, tìm đến được sự tri kỷ tri âm và tạo được sự ám ảnh kỳ lạ đối với nhiều thế hệ công chúng. Đối với văn chương bằng một quan niệm nghệ thuật nghiêm túc, sâu sắc và tiến bộ “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”; “Một tác phẩm thật có giá trị… phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình. Nó là cho người gần người hơn” (Đời thừa). Suốt đời văn của ông, Nam Cao đã gắn ngòi bút mình, sự nghiệp văn chương của mình với cuộc đời. Khơi từ những tầng vỉa sâu sa của đời sống “những nguồn chưa ai khơi”, bằng tài năng, tâm huyết và sự say mê đầy trách nhiệm của một trái tim lớn, một người nghệ sĩ lớn luôn thức đập với những buồn vui, đau khổ của con người, của cuộc đời, Nam Cao đã tạo dựng được một văn nghiệp lớn, với những tác phẩm nổi tiếng: Chí Phèo, Lão Hạc, Đời thừa rồi Đôi mắt, Sống Mòn… và những điển hình bất hủ từ những người nông dân bị đày đọa, bị tha hóa ở chốn nhà quê xơ xác: Chí Phèo, Thị Nở, lão Hạc… đến những trí thức như Điền, như Hộ, như thứ… đang “chết mòn” ở chốn thị thành. “Không nói những cái người ta đã nói, không tả theo lối người ta đã tả, ông đã dám bước vào làng văn với những cạnh sắc riêng của mình” (Lê Văn Trương). Nhờ thế Nam Cao đã để lại được dấu ấn sâu đậm riêng trong văn học dân tộc.

Để giúp bạn đọc có điều kiện tiếp cận và hiểu sâu kỹ về tài năng, phong cách nghệ thuật độc đáo của người nghệ sĩ lớn Nam Cao, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin trân trọng giới thiệu cuốn sách: NAM CAO - NHÀ VĂN HIỆN THỰC XUẤT SẮC.

Rất mong được sự hưởng ứng và đóng góp ý kiến của bạn đọc xa gần.

NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA - THÔNG TIN

# NAM CAO

TIỂU SỬ VÀ TÁC PHẨM

Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri sinh ngàv 29-10- 1917 tại làng Đại Hoàng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Nam Cao con một gia đình trung nông nghèo. Trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao sống bằng ngòi bút và nghề dạy học. Tác giả sử dụng nhiều bút danh trong thời kỳ đầu vào nghề như Thuý Rư, Nhiêu Kha, Xuân Du và ổn định hẳn với bút danh Nam Cao qua tác phẩm “Đôi lứa xứng đôi” (1941). Năm 1943 Nam Cao tham gia tổ chức Văn hóa Cứu quốc. Thời kỳ Cách mạng tháng Tám, ông tham gia phong trào cách mạng ở địa phương, cướp chính quyền ở phủ Lý nhân và làm Chủ tịch xã một thời gian ngắn. Sau đó Nam Cao lên công tác ở Hội Văn hóa Cứu quốc Trung ương là thư ký tòa soạn tạp chí “Tiên phong” của Hội, có mặt trong đoàn quân Nam tiến. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Nam Cao làm báo Cứu quốc trung ương và ông được kết nạp vào Đảng năm 1947. Từ năm 1940 Nam Cao công tác ở hội Văn nghệ. Là ủy viên Tiểu ban văn nghệ Trung ương. Ông tham gia chiến dịch biên giới (1950) và năm sau đi công tác vào vùng sâu địch hậu (Khu III) ở vùng Ninh Bình và hy sinh ở đây (30-11-1951).

TÁC PHẨM:

- Đôi lứa xứng đôi (1941) - tập truyện.

- Nửa đêm (1944)

- Sống mòn (tiểu thuyết, viết 1944 và in năm 1956).

- Nhiều truyện ngắn in đều kỳ trên báo Tiểu thuyết thứ bảy, Truyện người hàng xóm đăng ở nhiều kỳ trên Trung Bắc chủ nhật năm 1944, tập truyện Cười (1946), Truyện biên giới (1951), tập truyện Đôi mắt (1954).

- Các tuyển tập Nam Cao qua nhiều lần tuyển chọn Nam Cao tác phẩm tập I (1976), Nam Cao tác phẩm tập II (1977), Tuyển tập Nam Cao tập I (1987), Tuyển tập Nam Cao tập II (1993) và Nam Cao toàn tập, 1999.

Nam Cao được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) 1996.

# Phần I. NAM CAO CHÂN DUNG PHÁC THẢO

NAM CAO (NGUYỄN ĐÌNH THI)

Đầu tháng 11 năm 1951, nhà văn Nam Cao, đảng viên Đảng Lao động Việt Nam đã hy sinh ở Liên khu Ba trong khi vượt vòng đai trắng, vào vùng địch làm thuế nông nghiệp. Anh chết mới ba mươi sáu tuổi.

Nam Cao là con một gia đình trung nông ở Hà Nam giữa đồng bằng Bắc Bộ. Trong các truyện ngắn và tiểu thuyết của anh luôn luôn hiện lên cái làng lam lũ ở ven sông, quanh năm gần như không có tiếng hát, nhà nọ cách xa nhà kia, rải rác trong những khu vườn “hẻo lánh tựa bãi tha ma”. Bắt đầu biết suy nghĩ, Nam Cao hiểu một cách sâu xa sự hà hiếp của bọn cường hào. Anh đã thấy những “ông Bá Kiến sai trói một lúc mười bảy người và đánh một người lòi một mắt”, những cảnh thuế má bóp hầu bóp cổ mỗi năm lại diễn ra, và những người dân cùng khổ càng ngày càng khổ mãi. Đang đi học, bị bệnh phù và đau tim, Nam Cao bỏ học, vào miền Nam. Ở Sài Gòn, Nam Cao tham dự những cuộc biểu tình rầm rộ của phong trào bình dân, và như lời anh tự thuật trong cuốn “Sống Mòn”:

“Y kiếm ăn bằng rất nhiều nghề, kể cả những nghề mà những người tự xưng là trí thức không làm. Y trà trộn với phu phen, với thợ thuyền. Y mặc đồ bà ba đi trích thuốc thí ở nhà thương. Còn chút thì giờ thừa nào, y học rất chăm. Tạng người y không cho y cầm súng, cầm gươm. Y sẽ cầm bút mà chiến đấu…”

Mấy năm sau trở về quê, gia đình anh đã khánh kiệt, sống vất vả túng đói. Làng anh “vẫn như xưa, khổ hơn xưa. Vải Tây rẻ như bèo, nghề dệt cơ sở của làng chết hẳn rồi”. Nam Cao ra Hà Nội làm nghề dạy học tư và cứ luôn luôn, cuộc đời túng thiếu, tù hãm, quấn chặt lấy anh, không buông tha lúc nào.

Nam Cao bắt đầu bước thẳng vào nghề văn khoảng 1940, giữa lúc phát xít Nhật đã đặt chân lên Đông Dương, phát xít Pháp Pêtanh càng bóp nghẹt đất nước Việt Nam. Ty kiểm duyệt Pháp, sở hiến binh Nhật nuôi những tờ báo tống tiền, ca tụng Pêtanh, Đờcu, “Cách mạng quốc gia”, Thiên hoàng, phi công Nhật, rượu xa-kê và gái điếm Phù Tang. Trong văn chương công khai, bọn thống trị phát xít chỉ còn cho tồn tại những tiểu thuyết lãng mạn cuối mùa. đưa ra những “chàng, nàng” trưởng giả chen với những “người hùng” trắng trợn côn đồ, hay những kẻ chán đời than vãn, ca tụng quan lại, ước ao “trật tự, đạo lý, cái đẹp” phong kiến trở lại.

◦ Nam Cao đã không chịu khuất với cái chế độ ngạt thở ấy. Nhà văn mảnh khảnh thư sinh ăn nói ôn tồn nhiều khi đến rụt rè, mỗi lúc lại đỏ mặt, mà kỳ thực mang trong lòng một sự phản kháng mãnh liệt. Anh thù ghét những sách phù phiếm, nói những truyện rắc rối của những kẻ ăn no ngồi rồi, không biết làm gì cả. Anh nhìn rõ cái chế độ nó đầy đọa và làm trụy lạc con người. Anh muốn phá tung ra, vạch cho mọi người thấy cái khổ đang vây kín chung quanh, nó len lỏi cả vào đến những chỗ sâu nhất, tốt đẹp nhất của tâm hồn. Anh nguyền rủa cái văn chương thi vị hóa cái khổ của bọn nhà văn tư sản “cúi mình xuống dân chúng”.

Trong nền văn học hiện thực đang tìm đường và đang chiến đấu với các xu hướng phản động bấy giờ, thiên truyện Chí Phèo của Nam Cao nổi bật lên, thật xuất sắc. Chí Phèo đã nói những cái khổ cùng cực của thôn quê dưới ách cường hào ở trước mắt, với quan lại và thực dân ở phía sau. Anh cùng đinh liều mạng Chí Phèo giãy giụa giữa những người nông dân bị bóc lột đến cái khố không còn, càng dễ bảo càng bị dúi cổ xuống, dúi cho đến không còn thở được cũng chưa thôi, suốt đời sống không ra con người, chưa biết đến đời thuở nào mới thoát được nanh vuốt của sự nghèo đói, ngu tối, nó hành hạ bóp rúm người ta lại, hoặc đẩy người ta đến Sở mộ phu, đồn điền cao su và những tội ác cùng đường.

Cuối 1944, Nam Cao viết xong “Sống mòn”. Tập tiểu thuyết ấy quăng đi, ném lại, không lọt qua được lưới kiểm duyệt để xuất bản tuy rằng soi từng chữ không có chỗ nào bắt bẻ được. “Sống mòn” tả cuộc sống thiểu não, quẩn quanh, nhỏ nhen của mấy người trí thức tiểu tư sản nghèo, một cuộc sống mù xám cứ “mốc lên, rỉ đi, mòn ra, mục ra”, không có lối thoát. Rộng hơn là vận mệnh mấy con người ấy, ta thấy đặt ra một cách ám ảnh vấn đề vận mệnh chung của cả một xã hội chua xót, đau đớn, buồn thảm tủi nhục, trong đó đời sống không còn ý nghĩa, quay về phía nào cũng thấy dựng lên những bức tường bế tắc.

Văn Nam Cao. ngay trong những tác phẩm đầu, đã thực sắc sảo. Anh nhìn sâu vào sự thật một cách sắc cạnh, nhiều khi mỉa mai. Không ve vuốt ngay bản thân mình và giai cấp mình như một vài nhà văn tiểu tư sản tìm an ủi trong một triết lý hàng phục chế độ đương thời, anh tạo được những điển hình giai cấp thật sống và cảm động. Trong lúc văn lãng mạn tư sản đã xa rời lời ăn tiếng nói của nhân dân, viết lai Tây như văn dịch, càng ngày càng trống rỗng, hình thức, anh đã tạo cho mình một lối văn mới, đậm đà bản sắc bình dân, nhưng không rơi vào chỗ thô tục. Và qua những lời phẫn uất, cũng đồng thời thấy biết bao thương yêu. Nam Cao yêu trìu mến cái làng khổ sở của anh, anh yêu những bến đò hiền lành, những buổi sáng, buổi trưa của thôn quê Việt Nam. Mỗi khi nói đến những cái ngốc dại quanh quẩn của những người đau khổ quằn quại, biết bao nhiêu xót xa độ lượng trong câu văn của anh.

Mời các bạn đón đọc Nam Cao Nhà Văn Hiện Thực Xuất Sắc của tác giả Phương Ngân.