Vốn kiến thức trong ngành Y và những năm tháng rong ruổi khắp châu Âu, châu Á và Bắc Phi đã giúp Gustave Le Bon theo đuổi ý tưởng về sự bình đẳng giữa các cá nhân và dân tộc. Ông cho rằng "Con người dễ thuyết phục bản thân rằng bất bình đẳng chỉ đơn thuần là kết quả của sự khác biệt giáo dục, rằng con người sinh ra đều tốt và thông minh, rằng trách nhiệm duy nhất cho những lời nói dối xuyên tạc chính là thể chế mà họ đang sống". Le Bon có có thể sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ khi quyển sách này chỉ ra những sai lầm của lối tư duy đó bằng cách đánh giá, xem xét các nền văn minh, nghệ thuật, thể chế và tín ngưỡng. Ông cũng thừa nhận các tổ chức thể chế có quyền lực kiểm soát vận mệnh của con người, nhưng với ông, tầm quan trọng của nó rất ít đối với sự phát triển của một nền văn minh. Theo ông, "Một trong những sai lầm to lớn của thời hiện đại là tin rằng tâm hồn con người chỉ tìm được hạnh phúc trong những sự vật bên ngoài. Hạnh phúc là ở trong chúng ta, do chính chúng ta tạo ra, và hầu như chẳng khi nào ở bên ngoài chúng ta."…
Chắc chắn nhiều người đọc Le Bon sẽ bất bình với quan điểm và tư tưởng, đánh giá của ông về các dân tộc, về đám đông (mù quáng, lầm lạc, a dua, quá khích, thụ động…) và chính ông cũng bị chỉ trích, tranh cãi từ khi ông công bố các quan điểm này vào cuối thế kỷ 19. Ngay những trang đầu tiên của Tâm lý dân tộc, ông đã chỉ trích/phản đối quan điểm về bình đẳng. Le Bon chỉ trích tư tưởng bình đẳng ngay trong những dòng đầu tiên ông viết…, thậm chí nói sự bình đẳng cản trở và kím hãm sự tiến hóa của con người. Cuốn sách Những quy luật tâm lý về sự tiến hóa của các dân tộc, hay đúng hơn có thể gọi tắt là Tâm lý học các dân tộc, hẳn là cuốn sách gây nhiều chỉ trích nhất, gây nhiều chống đối và bất bình nhất trong mọi cuốn sách của Le Bon, và đó là một trong những lý do mãi đến hôm nay, sách mới ra đời… Không chỉ các nhà khoa học xã hội, nhà tâm lý nên đọc cuốn sách này, mà rõ ràng là các quan chức, các chính trị gia, và cả các bạn đang bán hàng, PR/truyền thông.. đều nên đọc và sẽ tìm đc nhiều gợi ý, lời khuyên khi làm việc với đám đông, và hiểu về sự tiến hóa của các dân tộc, và qua đó hiểu về sự tiến hóa của các tổ chức, các nhóm người…
Mục lục
Đôi lời cùng bạn đọc
Dẫn nhập: Những tư tưởng hiện đại về bình đẳng xã hội và cơ sở tâm lý của lịch sử
Quyển 1: Những đặc trưng tâm lý của các chủng tộc
Quyển 2: Các đặc tính tâm lý của các chủng tộc biểu hiện ra sao trong những yếu tố khác nhau của các nền văn minh của họ
Quyển 3: Lịch sử các dân tộc được xem như hệ quả của đặc tính của họ
Quyển 4: Những đặc tính tâm lý của các dân tộc biến đổi ra sao
Quyển 5: Sự phân ly đặc tính các chủng tộc và sự suy tàn của chúng
***
Dẫn nhập
những ý tưởng hiện đại về bình đẳng xã hội và cơ sở tâm lí của lịch sử
Nguồn gốc và sự phát triển của ý tưởng bình đẳng – Những hậu quả mà ý tưởng này đã sản sinh – Việc áp dụng ý tưởng này đã trả giá như thế nào – Ảnh hưởng hiện nay của ý tưởng bình đẳng này đối với dân chúng – Những vấn đề được đề cập trong cuốn sách này – Tìm kiếm những nhân tố chủ yếu trong sự tiến hoá tổng quát của các dân tộc – Có phải sự tiến hoá này phát xuất từ những thiết chế? – Những yếu tố của mỗi nền văn minh: thiết chế, nghệ thuật, tín ngưỡng, v.v… và phải chăng không có nền tảng tâm lí nhất định đặc biệt cho mỗi dân tộc? – Yếu tố tình cờ trong lịch sử và những định luật vĩnh cửu của nó.
Văn minh của một dân tộc dựa trên một số ít các ý tưởng nền tảng. Từ những ý tưởng này phát xuất ra các thiết chế, nền văn học, và nghệ thuật của những dân tộc đó. Hình thành rất chậm, những ý tưởng này cũng biến mất rất chậm. Từ rất lâu, các ý tưởng này đã trở thành những sai lầm hiển nhiên đối với những tinh thần ham hiểu biết nhưngđối với dân chúng, các ý tưởng này vẫn còn là những chân lí không thể tranh cãi và vẫn tiếp diễn công cuộc của mình trong sâu thẳm mỗi quốc gia. Nếu áp đặt một ý tưởng mới là rất khó thì cũng khó không kém để huỷ diệt một ý tưởng xưa cũ. Loài người luôn luôn bám chặt một cách liều mạng vào những ý tưởng đã chết và vào những thần linh đã chết.
Chỉ mới một thế kỉ rưỡi khi các triết gia, vốn mù mờ về lịch sử nguyên thủy của con người, về những biến thiên của cấu tạo tinh thần của con người và những định luật về di truyền, đã quăng ra thế giới cái ý tưởng về sự bình đẳng của các cá nhân và các chủng tộc.
Rất cuốn hút với quần chúng, ý tưởng này cuối cùng đã nảy mầm trong trí óc họ và chẳng mấy chốc là đơm hoa kết trái. Nó đã lay động những nền tảng của các xã hội cũ, gây ra cuộc cách mạng kinh hoàng nhất, và đưa thế giới phương Tây vào chuỗi những co thắt bạo động mà kết cục không thể nào tiên đoán được.
Hiển nhiên, một số sự bất bình đẳng nhất định sẽ phân chia rõ rệt những cá nhân và những chủng tộc để có thể phản biện một cách nghiêm túc; nhưng người ta dễ dàng bị thuyết phục rằng những sự bất bình đẳng ấy chỉ là những hậu quả của những dị biệt về giáo dục, rằng tất cả mọi người sinh ra đều thông minh và tốt lành như nhau, và rằng chỉ những thiết chế mới có thể làm họ sa đọa. Do đó giải pháp chữa trị rất đơn giản: tái tạo những thiết chế và ban cho mọi người một sự giáo dục đồng nhất. Chính vì thế mà cuối cùng nó trở thành những liều thuốc thần hiệu vĩ đại cho những nền dân chủ hiện đại, phương tiện chữa trị cho những sự bất bình đẳng va chạm với những nguyên lí bất tử là những thần thánh duy nhất vẫn còn sống sót tới ngày nay.
Và khoa học, với sự tiến bộ của mình, đã chứng minh sự phù phiếm của những lí thuyết về bình đẳng và phô ra cho thấy vực thẳm tinh thần được tạo từ trong quá khứ giữa những cá nhân và các chủng tộc sẽ chỉ có thể được lấp đầy bằng những tích lũy di truyền hết sức chậm chạp. Khoa tâm lí học hiện đại, cùng với những bài học khắt khe của kinh nghiệm, đã cho thấy những thiết chế và giáo dục phù hợp với vài cá nhân và dân tộc này lại rất độc hại cho những dân tộc khác. Nhưng các triết gia không có quyền lực để thủ tiêu những ý tưởng đã được lan truyền ra thế giới, ngay cả khi họ nhận thấy chúng sai lầm. Như con sông đã tràn bờ mà không một con đê nào có thể ngăn giữ, ý tưởng bình đẳng theo đuổi dòng chảy tàn phá của nó, và không gì có thể cản được nó.
Cái khái niệm ảo tưởng về con người bình đẳng đã lay động thế giới, khơi dậy ở Châu Âu một cuộc cách mạng khổng lồ, ném Châu Mỹ vào cuộc chiến đẫm máu để đoạn tuyệt với Đế chế Anh và đưa tất cả những thuộc địa của Pháp vào sự suy đồi đáng than trách, không hề có một nhà tâm lí học nào, một du khách hay một chính khách ít nhiều hiểu biết lại không nhận ra rằng nó quá sai lầm; tuy thế rất ít người dám chiến đấu với nó.
Mặt khác, sẽ còn lâu mới bước vào giai đoạn tàn lụi, ý tưởng về bình đẳng vẫn tiếp tục tiến triển. Chính vì nhân danh nó mà chủ nghĩa xã hội, dường như chẳng bao lâu nữa sẽ nô lệ hoá phần lớn các dân tộc của phương Tây, mạo nhận là bảo đảm hạnh phúc cho họ. Chính vì nhân danh nó mà người phụ nữ hiện đại, quên đi những dị biệt tâm lý sâu xa khiến họ khác biệt với đàn ông, cũng đòi hỏi những quyền và sự giáo dục như đàn ông, và nếu thành công, họ sẽ biến phái nam của Châu Âu thành một kẻ du mục không tổ ấm, không gia đình.
Quần chúng không hề quan tâm đến các đảo lộn chính trị xã hội mà những nguyên lí bình đẳng đã gây ra, cũng như quan tâm đến những đảo lộn trầm trọng hơn mà chúng ắt sẽ còn gây ra nữa; còn đời sống chính trị của những chính khách đang nắm quyền hiện nay quá ngắn ngủi để khiến họ quan tâm nhiều hơn nữa. Công luận, mặt khác, đã trở thành quyền lực thống trị, và không thể không cúi đầu trước sự quyền lực ấy.
Tầm quan trọng xã hội của một ý tưởng không có thước đo thực sự ngoại trừ sức mạnh mà nó gây ảnh hưởng đến trí óc con người. Chỉ nên quan tâm về mặt triết học đến mức độ đúng đắn hoặc sai lầm mà ý tưởng truyền tải. Khi một ý tưởng đã chuyển thành cảm xúc chung của quần chúng, sẽ phải liên tục gánh chịu mọi hậu quả của ý tưởng này.
Vậy là bằng phương tiện giáo dục và thiết chế mà giấc mơ bình đẳng hiện đại toan tính dùng để hiện thực hóa. Chính nhờ những thứ đó mà khi cải tạo những định luật bất công của tự nhiên, chúng ta cố sức đúc cùng một khuôn những bộ óc của người da đen ở Martinique, ở Guadeloupe, ở Sécnégal1, đầu óc những người ở Algérie, và cuối cùng là những người Châu Á. Chuyện huyễn hoặc ấy tất nhiên là hoàn toàn không thể thực hiện được, nhưng chỉ riêng kinh nghiệm của việc này đã cho thấy mối nguy của sự huyễn hoặc. Lý lẽ không có khả năng biến đổi niềm tin của con người.
Cuốn sách này có mục đích mô tả những đặc tính tâm lí cấu thành tâm hồn của các chủng tộc và cho thấy lịch sử và văn minh của một dân tộc được những tính chất này định hình như thế nào. Gạt sang bên những chi tiết, hoặc chỉ xem xét chúng khi chúng bắt buộc phải có để chứng minh nguyên lí nâng cao, chúng tôi sẽ xem xét sự hình thành và cấu tạo tinh thần của những chủng tộc lịch sử, tức là những chủng tộc hình thành không tự nhiên kể từ những thời có sử do sự tình cờ của những cuộc chinh phục, những cuộc di dân hoặc các cuộc thay đổi chính trị, và chúng tôi sẽ cố gắng chứng minh rằng họ được định hình bằng cấu tạo tinh thần của chính họ. Chúng tôi sẽ ghi nhận mức độ cố định và biến thiên của các đặc tính của các chủng tộc. Chúng tôi cố gắng để khám phá xem những cá nhân và những dân tộc đang có xu hướng tiến tới bình đẳng hay ngược lại, tiến tới sự dị biệt ngày càng lớn hơn. Sau đó chúng tôi tìm kiếm những yếu tố hợp thành một nền văn minh: nghệ thuật, thiết chế, tín ngưỡng có phải là những biểu hiện trực tiếp tâm hồn của các chủng tộc, và vì lí do đó không thể chuyển từ một dân tộc này tới một dân tộc khác hay không. Sau hết chúng tôi sẽ đi đến kết luận bằng cách cố gắng xác định xem dưới ảnh hưởng của những tất yếu nào mà những nền văn minh suy tàn rồi tắt lịm. Đó là những vấn đề mà chúng tôi đã xử lí từ lâu trong nhiều tác phẩm nói về các nền văn minh Đông phương. Cuốn sách nhỏ này chỉ nên được coi như một sự tổng hợp ngắn gọn.
Điều còn lại sáng tỏ nhất trong tâm trí tôi, sau những chuyến du hành xa xôi tới các đất nước rất khác biệt, đó là mỗi dân tộc sở hữu một sự cấu tạo tinh thần cũng cố định như những tính chất cơ thể học của nó, và cấu tạo tinh thần này là nguồn gốc của tình cảm, những tư tưởng, những thiết chế, những tín ngưỡng, và nghệ thuật. Tocqueville và những nhà tư tưởng lừng danh khác tưởng tượng rằng họ như đã tìm thấy từ trong những thiết chế của các dân tộc cái nguyên nhân tiến hoá của các dân tộc này. Ngược lại, tôi bị thuyết phục và tôi hi vọng, khi lấy những thí dụ ngay trong những xứ sở mà Tocqueville đã nghiên cứu, sẽ chứng minh rằng những thiết chế có tầm quan trọng cực kỳ yếu ớt trên sự tiến hoá của các nền văn minh. Những thiết chế thường là kết quả, và rất hiếm khi là nguyên nhân.
Hiển nhiên lịch sử của các dân tộc được xác định bằng những yếu tố hết sức khác biệt. Lịch sử đầy những trường hợp đặc thù của những biến cố đã xảy ra và rất có thể đã không xảy ra. Nhưng bên cạnh những tình cờ, những trường hợp ngẫu nhiên đó, còn có những định luật vĩnh cửu lớn định hướng cho chuyển động chung của mỗi nền văn minh. Từ những định luật vĩnh cửu, tổng quát và cơ bản nhất này, sẽ phát sinh ra cấu tạo tinh thần của các chủng tộc. Đời sống của một dân tộc, các thiết chế, tín ngưỡng và nghệ thuật của nó chỉ là sự thể hiện hữu hình từ tâm hồn vô hình của nó. Để một dân tộc biến đổi những thiết chế, tín ngưỡng và nghệ thuật của nó, trước tiên nó cần thay đổi tâm hồn; để nó có thể trao truyền văn minh của mình cho một dân tộc khác, nó cần phải trao cho dân tộc kia tâm hồn của mình. Hiển nhiên đây không phải những gì lịch sử dạy cho chúng ta; nhưng chúng ta dễ dàng chứng minh rằng trong khi ghi lại những xác quyết ngược lại, lịch sử đã để chính mình bị lầm lạc bởi những cái vỏ bề ngoài hão huyền.
Từ một thế kỉ nay, những nhà cải cách nối tiếp nhau đã cố sức thay đổi tất cả: thần linh, mặt đất, và con người; nhưng cho đến nay các nỗ lực của họ hoàn toàn vô ích trước các đặc tính tâm hồn già cỗi cả thế kỷ của các dân tộc mà thời gian đã thiết lập nên.
Quan niệm về những dị biệt không thể giảm trừ, cái quan niệm chia rẽ loài người, hoàn toàn trái ngược với những ý tưởng của các nhà chủ nghĩa xã hội hiện đại, nhưng không phải là bài giảng của khoa học để có thể làm tông đồ của một tân giáo điều từ bỏ những cái học thuyết viễn vông của mình. Những nỗ lực của họ là một giai đoạn mới của cuộc thập tự chinh vĩnh hằng của loài người để kiếm tìm hạnh phúc, kho báu do những nàng tiên của Âm cung canh giữ, mà các dân tộc hằng theo đuổi kể từ buổi bình minh của lịch sử. Những giấc mơ bình đẳng có lẽ có ích không kém những ảo tưởng xưa cũ vốn đã ru ngủ chúng ta trong quá khứ, chứ không phải chúng có định mệnh va chạm ngay từ ngày đầu lịch sử vào tảng đá không thể lay chuyển của những bất bình đẳng tự nhiên. Cùng với tuổi già và cái chết, sự bất bình đẳng này là thành phần của những bất công hiển hiện và đầy rẫy trong cõi tự nhiên và con người đành phải gánh chịu.
***
Tâm hồn của các chủng tộc
Những nhà tự nhiên học phân loại các giống loài ra sao – Áp dụng phương pháp của họ cho con người – Khía cạnh khiếm khuyết của những phân loại hiện thời về các chủng tộc con người – Nền tảng của một sự phân loại tâm lí – Những loại hình trung bình của các chủng tộc – Sự quan sát cho phép cấu thành các chủng tộc này ra sao – Những yếu tố tâm lí quyết định loại hình trung bình của một chủng tộc – Ảnh hưởng của tổ tiên và ảnh hưởng của cha mẹ trực tiếp – Nền tảng tâm lí chung mà những cá nhân thuộc một chủng tộc đều có – Ảnh hưởng rộng lớn của những thế hệ đã khuất trên những thế hệ hiện thời – Những lí do toán học của ảnh hưởng này – Tâm hồn tập thể trải dài ra sao từ gia đình tới xã thôn, thị tứ và thành bang – Những lợi ích và những mối nguy của quan niệm về thành thị – Những hoàn cảnh trong đó không thể hình thành tâm hồn tập thể – Thí dụ về nước Ý – Những chủng tộc tự nhiên đã nhường đường cho những chủng tộc lịch sử như thế nào.
Những nhà tự nhiên học đặt sự phân loại các chủng loài dựa trên nhận định một số những đặc tính cơ thể học nhất định được sản sinh thường xuyên và bất biến do di truyền. Ngày nay chúng ta biết rằng những đặc tính này tự biến đổi nhờ sự tích lũy di truyền của những thay đổi không thể nhận ra được. Nhưng nếu chỉ xem xét thời khoảng ngắn từ khi có sử, người ta có thể nói rằng các loài không hề thay đổi.
Áp dụng cho con người, những phương pháp phân loại của những nhà tự nhiên học đã cho phép thiết lập một số nhất định những phân loài rõ ràng khác biệt. Nhờ sự trợ giúp của những đặc tính cơ thể học được định nghĩa rất rõ, chẳng hạn như màu da, hình dạng và thể tích của hộp sọ, người ta đã có thể thiết lập rằng loài người gồm nhiều giống (espèces) tách biệt rõ rệt và có lẽ có những nguồn gốc rất khác nhau. Đối với những nhà bác học tôn trọng các truyền thống tôn giáo, những giống này đơn giản là những chủng tộc (races). Nhưng người ta đã quan sát rất đúng: “nếu người da đen và người da trắng là những loài ốc sên, tất cả những nhà động vật học hẳn sẽ đồng thanh khẳng định rằng chúng là những chủng khác biệt, chẳng bao giờ có thể có cùng gốc từ một cặp duy nhất rồi dần lìa khác biệt nhau.”
Các đặc tính cơ thể học này, với một lượng ít có thể truy nguyên bằng các phân tích của chúng ta, chỉ cho phép những sự phân chia tổng quát hết sức sơ lược. Sự đa dạng của chúng chỉ có thể cảm nhận được ở những giống người rất khác biệt: những người da trắng, da đen, và da vàng chẳng hạn. Nhưng những dân tộc, rất giống nhau về mặt thể chất, có thể rất khác biệt do cung cách cảm thụ và hành động, và do đó, cũng có khác biệt về nền văn minh, tín ngưỡng, và nghệ thuật của họ. Vậy có thể nào, chẳng hạn, xếp cùng nhóm một người Tây Ban Nha, một người Anh, và một người Ả-rập? Những khác biệt tâm thức tồn tại giữa họ lộ ra rõ ràng trước mắt tất cả mọi người, và đã được phát hiện thấy trong suốt lịch sử của họ sao?
Do khiếm khuyết đặc tính cơ thể học, người ta đã đề xuất đặt sự phân loại một dân tộc nào đó dựa trên những thành tố khác biệt như ngôn ngữ, tín ngưỡng, và tổ chức chính trị; nhưng những sự phân loại như thế không hiếm khi chịu được sự kiểm tra gắt gao.
Những yếu tố phân loại mà cơ thể học, ngôn ngữ, môi trường và các tổ chức chính trị không có khả năng cung cấp thì khoa tâm lí học lại có thể làm được. Điều này chứng tỏ rằng đằng sau những thiết chế, nghệ thuật, tín ngưỡng, và sự xáo trộn chính trị của từng dân tộc là những đặc tính tinh thần và trí tuệ nào đó đã quyết định sự tiến hoá của dân tộc. Đó là tập hợp toàn thể những đặc tính hợp thành cái gọi là tâm hồn của một chủng tộc.
Mỗi chủng tộc sở hữu sự cấu tạo tâm thức cũng cố định như cấu tạo cơ thể học. Sự cấu tạo này có liên hệ với một cấu trúc đặc thù nhất định của bộ óc, điều này dường như không có gì phải nghi ngờ; nhưng bởi khoa học còn chưa đủ tiến bộ để phô ra cho chúng ta thấy cấu trúc này nên chúng ta không thể lấy đó làm cơ sở. Sự hiểu biết của khoa học về cấu trúc đó, mặt khác không hề làm biến dạng sự mô tả cấu trúc tâm thức là cái yếu tố quyết định và là cái có thể bộc lộ cho ta thấy thông qua quan sát ().
Những đặc tính tinh thần và trí tuệ, mà sự kết hợp của chúng hình thành tâm hồn của một dân tộc, đại diện cho sự tổng hợp của tất cả quá khứ, di sản của tất cả các tổ tiên, những động cơ xử sự của dân tộc đó. Chúng tỏ ra rất khác nhau trong từng cá nhân thuộc một chủng tộc; nhưng sự quan sát chứng tỏ rằng số đông những cá nhân của chủng tộc đó luôn sở hữu một số nhất định các đặc tính tâm lí chung, và các đặc tính này cũng vững bền như các đặc tính cơ thể học là cái cho phép phân loại loài. Giống như những tính chất cơ thể học, những tính chất tâm lí được tái tạo thường xuyên và không thay đổi bằng di truyền.
Sự tổng hợp của những yếu tố tâm lí có thể quan sát được ở mọi cá nhân thuộc một chủng tộc đã cấu thành cái được gọi rất có đúng là đặc tính dân tộc hay dân tộc tính. Các đặc tính của một dân tộc hình thành một hình mẫu trung bình để định nghĩa một dân tộc. Lấy 1000 người Pháp, 1000 người Anh, 1000 người Trung Quốc, một cách tình cờ, họ khác nhau đáng kể; nhưng họ vẫn sở hữu các đặc tính chung cho phép định nghĩa một mẫu hình lí tưởng về người Pháp, người Anh, người Trung Quốc như mẫu hình lý tưởng mà nhà tự nhiên học trình ra khi mô tả một cách tổng quát loài chó hoặc loài ngựa. Để áp dụng cho những thay đổi khác biệt của những con chó hoặc những con ngựa, một sự mô tả như thế chỉ có thể bao gồm các đặc tính chất cho tất cả chứ không thể bao gồm các đặc tính cho phép phân biệt các nhóm loài cụ thể.
Chỉ cần chọn một chủng loại đủ cổ xưa, và do đó cũng đồng chất, mẫu hình trung bình của nó sẽ được thiết lập đủ rõ nét để người quan sát ghi nhớ rất nhanh chóng.
Khi chúng ta viếng thăm một dân tộc nước ngoài, chỉ có các đặc tính chất làm cho chúng ta chú ý mới là các đặc tính chung cho tất cả những cư dân của một xứ sở chúng ta đang thăm. Đó là vì chỉ có các đặc tính này được lặp lại mà không thay đổi. Các đặc tính cá nhân, ít được lặp lại, và thoát khỏi sự chú ý chúng ta; và chẳng bao lâu, chúng ta phân biệt được, không chỉ ngay khi nhìn thấy một người Anh, một người Ý, một người Tây Ban Nha, mà hơn nữa chúng ta rất rành rẽ gán cho họ những đặc tính nhất định về tinh thần và trí tuệ, vốn chính là những đặc tính nền tảng mà chúng ta đã nói ở trên. Một người Anh, một người Gascon, một người xứ Normand, một người xứ Flamand tương ứng với một mẫu hình mà ta có ý niệm rất rõ rệt và có thể mô tả dễ dàng. Áp dụng cho một cá nhân riêng lẻ, sự mô tả cụ thể ấy là rất không đủ, đôi khi không chính xác; nhưng khi áp dụng cho đa số những cá nhân thuộc một trong những chủng tộc này, nó lại mô tả hoàn hảo. Sự tiến triển vô thức để chúng ta tiến tới hình thành một mẫu hình thể chất và tâm thần của một dân tộc hoàn toàn đồng nhất trong bản chất của dân tộc ấy bằng cùng một phương pháp mà các nhà tự nhiên học phân loại các giống loài.
Mời các bạn đón đọc Những Quy Luật Tâm Lý Về Sự Tiến Hóa Của Các Dân Tộc của tác giả Gustave Le Bon.