Khi suy nghĩ của chúng ta trở nên hỗn loạn, chúng ta thường phát triển những hệ thống để thiết lập lại trật tự, để thấu hiểu hay ít nhất là bao quát được toàn bộ sự việc. Mô hình giúp giảm bớt sự phức tạp, bằng cách che đi phần lớn những thứ xung quanh và chỉ tập trung vào cái cốt yếu.
Cuốn sách này được viết cho tất cả những ai thường xuyên phải đối mặt với những câu hỏi: Tôi phải quyết định vấn đề này như thế nào? Tôi nên khích lệ chính bản thân và đội ngũ của tôi như thế nào? Tôi có thể thay đổi sự việc này bằng cách nào? Thậm chí cả những câu hỏi như: Bạn bè tôi nói gì về tôi? Tôi có sống trong hiện tại không? Tôi muốn gì?…
Trong 50 chương ngắn gọn, những kết nối phức tạp nhất trong cuộc sống của chúng ta được minh họa một cách đơn giản, những tình huống rối rắm được đơn giản hóa tối đa và được phân tích đầy khách quan.
Đây là một cuốn sách bài tập. Bạn có thể áp dụng nguyên xi, bổ sung, gạch bỏ hay tiếp tục phát triển các mô hình. Một cuốn sách có tính ứng dụng cao với mọi tình huống trong cuộc sống và không thể thiếu với bất cứ ai muốn đưa ra quyết định.
***
Tại sao bạn phải đọc cuốn sách này?
Cuốn sách được viết cho tất cả những ai làm việc với con người. Dù bạn là giáo viên mầm non hay giảng viên đại học, phi công hay nhà quản lý cấp cao: bạn thường xuyên phải đối mặt với những câu hỏi này: Tôi phải quyết định như thế nào? Tôi nên khích lệ chính bản thân và đội ngũ của tôi như thế nào? Tôi có thể thay đổi sự việc bằng cách nào? Tôi phải nâng cao hiệu quả làm việc như thế nào? Và có cả những câu hỏi như: Bạn bè tôi nói những gì về tôi? Tôi có sống trong hiện tại không? Tôi muốn gì?
Bạn tìm thấy những gì trong cuốn sách này?
50 mô hình tốt nhất – nổi tiếng và cả chưa nổi tiếng – sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi đó. Bạn đừng trông chờ có được câu trả lời ngay lập tức, mà hãy chuẩn bị để được thử thách. Bạn sẽ nhận được những lời khuyên để suy ngẫm. Ngoài ra, bạn sẽ có thêm kiến thức để chia sẻ/tự tin nói trong bữa ăn tối cùng bạn bè và đồng nghiệp: Thiên Nga Đen là gì? Cái Đuôi Dài là gì? Và Nguyên lý Pareto là như thế nào? Tại sao chúng ta thường hay quên đi mọi thứ? Tôi nên ứng xử như thế nào trong những tình huống xung đột?
Bạn ứng dụng cuốn sách này ra sao?
Đây là một cuốn sách bài tập. Bạn có thể áp dụng nguyên xi, bổ sung, gạch bỏ hay tiếp tục phát triển các mô hình. Dù bạn phải trình bày một phương án nào đó hay tiến hành cuộc họp tổng kết cuối năm, dù bạn phải đưa ra một quyết định quan trọng hay đối mặt với một cuộc tranh luận không hồi kết, dù bạn muốn kiểm nghiệm ý tưởng kinh doanh của bạn hay muốn thấu hiểu bản thân mình hơn, thì cuốn sách này chính là lời hướng dẫn cho bạn. Và bạn chính là câu trả lời.
Mô hình là gì?
Các mô hình trong cuốn sách này đáp ứng những tiêu chuẩn sau:
1. Đơn giản hóa.
Chúng không bao gồm tất cả các khía cạnh của hiện thực, mà chỉ những phần có liên quan.
2. Thực dụng.
Chúng hướng tới sự hữu dụng.
3. Tóm tắt.
Chúng là những tóm tắt giản lược của các mối liên hệ phức tạp.
4. Trực quan.
Chúng giải thích bằng hình ảnh những thứ khó có thể diễn tả bằng từ ngữ.
5. Thiết lập trật tự.
Chúng thiết lập nên cấu trúc và tạo các ngăn kéo.
6. Là các phương pháp.
Chúng không đưa ra câu trả lời, mà đặt câu hỏi. Chỉ khi người đọc áp dụng những mô hình đó, tức là bổ sung và thông qua đó là làm việc, thì những câu trả lời mới hình thành.
Về các mô hình này, chúng tôi còn cung cấp cho bạn một danh sách nguồn gốc hình ảnh, một bản phụ lục tài liệu tham khảo rõ ràng và các liên kết đến các trang mạng. Những mô hình nào không có chỉ dẫn nguồn gốc thì là những phát triển riêng của chúng tôi.
Tại sao người ta cần những mô hình này?
Khi suy nghĩ của chúng ta trở nên hỗn loạn, chúng ta thường phát triển những hệ thống để thiết lập lại trật tự, để thấu hiểu hay ít nhất là bao quát được toàn bộ sự việc. Mô hình giúp làm giảm bớt sự phức tạp, bằng cách che đi phần lớn những thứ xung quanh và chỉ tập trung vào cái cốt yếu. Các nhà phê bình thường thích chỉ ra rằng mô hình không phản ánh hiện thực. Điều đó đúng. Nhưng thật sai lầm khi quả quyết rằng mô hình khiến cho chúng ta suy nghĩ theo hướng đã bị tiêu chuẩn hóa. Mô hình không phải là cái có sẵn và phải suy nghĩ theo nó, chúng là kết quả của suy nghĩ chủ động.
Bạn có thể đọc cuốn sách này theo kiểu Mỹ hay kiểu châu Âu. Người Mỹ thiên về cách ứng xử thử và sai: họ làm một điều gì đó, nếu thất bại họ học hỏi từ đó, tìm hiểu lý thuyết và làm lại. Ai thích lối làm việc này thì hãy bắt đầu đọc phần “Tôi cải thiện bản thân như thế nào”. Người châu Âu có khuynh hướng đọc lý thuyết trước rồi mới làm. Sau đó, họ phân tích, cải thiện và lặp lại thử nghiệm. Ai thích phương pháp này hãy bắt đầu với phần “Tôi hiểu bản thân mình tốt hơn như thế nào”.
MỖI MÔ HÌNH CHỈ TỐT NHƯ NGƯỜI SỬ DỤNG NÓ.
***
Bạn học cách làm việc hiệu quả hơn như thế nào
"Những quyết định cấp bách nhất hiếm khi là quyết định quan trọng nhất”, cựu Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã nói như vậy. Ông được coi là bậc thầy trong việc quản lý thời gian; ông có khả năng làm mọi việc vào đúng thời điểm. Với phương pháp Eisenhower, bạn cần học cách phân biệt giữa quan trọng và cấp bách. Bất cứ nhiệm vụ nào rơi xuống bàn làm việc của bạn: hãy xếp nó vào mô hình Eisenhower, rồi mới quyết định cần phải làm gì vào lúc nào. Thường thì chúng ta chỉ chăm chăm tập trung vào vùng “khẩn cấp và quan trọng”, vào những việc cần phải thực hiện ngay lập tức. Bạn hãy tự hỏi: khi nào thì mình sẽ thực hiện những việc quan trọng nhưng không khẩn cấp? Khi nào thì mình dành thời gian để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng trước khi chúng trở nên khẩn cấp? Nằm trong vùng này là các quyết định chiến lược lâu dài.
Tỷ phú Warren Buffett có một phương pháp khác để phân chia thời gian của bạn tốt hơn: Bạn hãy lập danh sách tất cả những việc bạn muốn làm vào ngày hôm nay. Bạn hãy bắt đầu với nhiệm vụ ở trên cùng, và chỉ tiếp tục các nhiệm vụ phía dưới khi bạn đã làm xong công việc đó. Gạch bỏ những nhiệm vụ đã hoàn thành.
MUỘN CÒN HƠN KHÔNG. NHƯNG KHÔNG BAO GIỜ MUỘN THÌ TỐT HƠN.
***
Bạn tìm ra giải pháp thích hợp như thế nào?
Với phân tích SWOT, người ta cố gắng ước lượng điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weaknesses), cơ hội (Opportunities) và nguy cơ (Threats) của một dự án. Mô hình bắt nguồn từ một nghiên cứu của Đại học Stanford trong những năm 1960 khi tiến hành khảo sát các doanh nghiệp thành công nhất của Hoa Kỳ. Kết quả là: sự khác biệt giữa những gì các doanh nghiệp lập kế hoạch và những gì họ thật sự thực hiện là 35%. Vấn đề không nằm ở năng lực của các nhân viên, mà do đưa ra mục tiêu không rõ ràng. Nhiều nhân viên không biết rõ mục đích những việc họ đang làm. Từ kết quả của nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát triển mô hình SWOT, để giúp những người tham gia dự án hiểu về nó rõ ràng hơn.
Khi áp dụng, không nên chỉ hoàn thành phân tích SWOT một cách cứng nhắc, mà nên xem xét lại nó: Chúng ta có thể nhấn mạnh những điểm mạnh của chúng ta như thế nào và bù đắp (hay che đậy) những điểm yếu của chúng ta ra sao? Làm sao để tối đa hóa những cơ hội của chúng ta? Làm sao để bảo vệ mình trước những nguy cơ?
Điều thú vị của phương pháp phân tích SWOT là nó có tính linh hoạt: nó có thể áp dụng cho những quyết định trong kinh doanh cũng như cho việc cá nhân.
TÔI CÓ MỘT GIẢI PHÁP, NHƯNG NÓ KHÔNG PHÙ HỢP VỚI VẤN ĐỀ.
Mời các bạn đón đọc 50 Mô Hình Kinh Điển Cho Tư Duy Chiến Lược của tác giả Mikael Krogerus & Roman Tschappeler.