Để trưởng thành, người ta phải nỗ lực vứt bỏ tính nhu nhược của bản thân. Quá trình đó thường lấy đi không ít mồ hôi và nước mắt, thậm chí cả xương máu.
Câu chuyện có tính chất truyền kỳ về Mã Đán-con trai duy nhất của lão chủ ba cửa hàng buôn gạo Mã Cạo Đầu, bản tính nhát gan; trung hậu nhưng cam chịu, nhẫn nhục; bị người xa kẻ gần gắn cho cái biệt danh là “thằng nhu nhược”. Sống trong cái vòng lẩn quẩn của hai quan niệm “nhu nhược thì sống lâu” và “kẻ không sợ chết mới có thể sống”, Mã Đán rất muốn thay đổi hình ảnh, muốn cải tạo cái tính cách nhu nhược của mình, không ngừng “luyện gan”, kết quả là mắc lừa tên ác bá trong thị trấn là Hồng Xung, phải đem ba cửa hàng gạo tổ tiên truyền lại bồi thường cho lão, chỉ một thời gian ngắn đã khuynh gia bại sản.
Mã Đán bị ép phải lấy Khang Khu, một cô gái xinh đẹp nhưng mắc phải căn bệnh ăn nhiều. Để lo cho Khang Khu đủ ăn, Mã Đán phải vắt cạn sức lực, chịu đựng sự kỳ thị, sự coi thường của bà con trong thị trấn…
***
Giới thiệu tác giả:
Tác giả Chu Sơn Pha: Sinh năm 1973 tại thành phố Bắc Lưu tỉnh Quảng Tây, ủy viên Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Quảng Tây. Sáng tác thơ, tiểu thuyết, truyện dài kỳ đăng trên các tạp chí văn học nổi tiếng Trung Quốc như Hoa Thành, Thu hoạch, Đương đại, Văn học Thượng Hải, Chung sơn, Thiên nhai, Tiểu thuyết nguyệt báo…
Nhiều tác phẩm của ông được tuyển chọn vào nhiều bộ tuyển tập, được dịch sang nhiều thứ tiếng như Nga, Mỹ, Đức, Ý, Nhật…, được cải biên thành kịch bản điện ảnh,
Các tác phẩm tiêu biểu: Kẻ nhu nhược, Chia thế giới thành hai nửa, Ngân hàng Trung Quốc, Tinh thần tôi mang bệnh rồi, Bài học linh hồn, Hai con ngựa ăn no…
Các giải thưởng: Tác phẩm Kẻ nhu nhược từng đoạt giải Thượng Hải văn học lần thứ chín, giải thưởng Văn học Quảng Tây… hiện được một công ty điện ảnh tại Bắc Kinh chuyển thể thành kịch bản điện ảnh.
***
"Kẻ nhu nhược" của Chu Sơn Pha được giới phê bình Trung Quốc đánh giá là đã xây dựng nên một hình tượng “thằng nhu nhược” điển hình trong lịch sử văn học của nước này.
Tác phẩm lấy bối cảnh một thị trấn mang tên Thượng Tân nhỏ bé, tính chỗ rộng nhất chạy từ cực đông sang cực tây cũng chỉ ba cây số, nơi những con người tứ xứ đổ về làm ăn buôn bán. Ở đó, con người giao lưu với nhau bằng những đồng tiền trong khi các lực lượng đang chống lại nhau, điển hình là Lý Tông Nhân và Trần Quýnh Minh.
Nhân vật chính trong chuyện là Mã Đán, con trai của Mã Cạo Đầu - một ông chủ của ba cửa hàng gạo giàu có giữa thị trấn. Mã Đán được người trong trấn đánh giá là kẻ sinh ra để chạy.
Mở đầu câu chuyện là hành trình chạy đua giữa Mã Đán và con chó của Hồng Xung - nhân vật khét tiếng ở trấn Thượng Tân là hung hãn, ai ai cũng phải sợ. Mã Đán chạy rất khỏe. Tự tin với điều ấy nên anh đã quyết định “thử sức” với con chó. Anh trêu để nó đuổi theo mình. Cho đến cuối cùng, Mã Đán chỉ khát nước vì bị gió lùa khô cổ, còn con chó thì lăn ra chết vì bị kiệt sức.
Mâu thuẫn giữa nhà họ Mã với Hồng Xung bắt đầu. Người đàn bà Hồng Xung cướp về, Khang Khu, lại là người con gái Mã Đán thích. Nghe những lời khích bác, cùng ý nghĩ muốn thay đổi hình ảnh của bản thân, không cam chịu để ai đó khinh rẻ mình, anh đã quyết định “luyện gan” bằng cách đi gây sự với mọi người.
Người ta bảo, muốn làm kẻ mạnh thì phải đi đánh bại những kẻ yếu hơn mình. Mã Đán nghe theo rồi đi tuyên chiến với một kẻ ăn mày. Nhưng kẻ ăn mày lại bảo, ít nhất phải đánh được kẻ mạnh như Hồng Xung, và thế là Mã Đán lại tìm đến Hồng Xung giữa lúc hắn đang ngủ với Khang Khu.
Mã Đán đẩy gia đình vào bế tắc, khi cả ba cửa hàng gạo nhà họ Mã đều bị mất vì Khang Khu mắc bệnh ăn quá nhiều. Hơn thế, anh còn bị nhà gái hủy hôn vì sự nhu nhược của mình.
Việc một kẻ ăn nhiều, lại từng ăn ở với Hồng Xung, bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà về ở với một kẻ nhu nhược là Mã Đán đã trở thành trò cười cho bàn dân thiên hạ. Hai người được coi là vô dụng nhất trong trấn sẽ làm gì khi chẳng có gì trong tay, phải sống cảnh nghèo khó? Cha của Mã Đán là Mã Đạo Đầu sẽ phải làm thế nào để mưu sinh?
Có thể nói, Mã Đán là kẻ sống một đời loanh quanh, bởi những nhận xét của kẻ khác mà không cần biết đâu là đúng, đâu là sai. Cuối cùng, câu hỏi “kẻ nhu nhược thì sống lâu” hay “kẻ không sợ chết mới có thể sống”, câu nào mới đúng, câu nào mới đáng theo? Hay câu của lão Phùng “đôi khi nhu nhược lại là cái phúc” đúng?
Cuốn sách như một cuộc đong đếm giữa bài toán về nhân cách của một con người và câu chuyện đấu tranh sinh tồn.
Có lẽ, Mã Đán sẽ mãi quanh quẩn trong hành trình “luyện gan” của mình nếu quân đội của Lý Tông Nhân và Trần Quýnh Minh không tràn vào thị trấn.
Mã Đán nhanh chóng quên đi những câu hỏi ngốc nghếch mà người ta cứ nhét vào đầu mình. Anh bận bịu với những nhiệm vụ mới giữa nơi chiến trường phức tạp và hiểm nguy cùng nỗi lo lắng cho người vợ Khang Khu ở nhà.
Trong khi ấy, những con người khôn ngoan, lọc lõi lộ dần bản chất. Người ta nhìn thấy cái lợi trước mắt rồi sinh lòng tham lam. Con người đã biết lợi dụng lòng tham vô độ để ép buộc nhau làm những điều bất chính.
Trong đêm khuya, Hồng Xung gửi mật thư yêu cầu Mã Đán giết Lý Tông Nhân. Chính điều ấy đã khiến cuộc sống của gia đình Mã Đán càng thêm luẩn quẩn.
Dõi theo câu chuyện của nhân vật Mã Đán, để đến cuối cùng, người ta mới nhận ra rằng, nhu nhược hay bản lĩnh vốn không quan trọng. Gan to hay gan bé càng không phải là mục tiêu sống. Sống lâu hay đoản mệnh cũng không phải đích đến. Quan trọng hơn cả là sự có mặt của mỗi người trong cuộc sống này có ý nghĩa gì?
Thực chất, giá trị của cuộc sống không nằm ở vỏ bề ngoài mà nằm ở cốt cách của bản thân, những tri kiến có được.
Hóa ra, nhu nhược không phải là một căn bệnh quá kinh khủng, nguy hiểm và đáng sợ. Mà đáng sợ và nguy hiểm hơn hẳn chính là căn bệnh vô cảm, bệnh “a dua”. Hóa ra, nghèo cũng không có gì quá đáng sợ mà đáng sợ hơn cả là lòng người, một xã hội lãnh đạm vô tình.
Sự hiền lành thật thà, tấm chân tình sẽ là liều thuốc bổ hữu hiệu để cảm hoá con người, để biến thù thành bạn. Trước những vấp ngã, chỉ cần có lòng tin và bước tiếp sẽ giúp con người vực dậy khỏi mọi đau thương.
Với giọng văn thâm trầm pha chút trào phúng cùng cách cài cắm những chi tiết đắt giá, tài năng xây dựng hình tượng nhân vật, nhà văn Chu Sơn Pha đã thêm vào dòng chảy văn học Trung Quốc đương đại những thân phận nhỏ bé khác, đáng thương trước những biến động lịch sử.
***
Bữa nay trời nắng như đổ lửa, mặt đất bị nung cháy khiến cho người và súc vật đều không dám đặt chân lên. Mùa xuân vẫn chưa qua hẳn, theo lệ thường thì thời tiết không thể trái khoáy đến như vậy. Bình thường thì con chó đen gầy nhom của Hồng Xung cũng không hung dữ đến như thế, nhưng bữa nay đột nhiên nó phát điên. Khi Mã Đán vác bao gạo đưa đến lò làm tương của nhà họ Phương, vừa đặt bao gạo xuống đất thì con chó vừa đen vừa gầy vừa xấu không thể tả ấy rống lên ông ổng, vừa rống vừa phóng tới, chỉ cần chớp mắt nữa là đôi chân trước và cái mồm của nó sẽ dính chặt lên ngực của cậu ta mà thôi. Không kịp hiểu chuyện đang diễn ra, Mã Đán quay người bỏ chạy. Con chó ngoác cái mồm rộng hoác với hàm răng nhọn hoắt, trắng nhởn đuổi theo sát sau lưng. Từ lò rèn Phạm Đại, Mã Đán chạy thẳng về phía đông hướng theo con phố ven sông, vượt qua nhà may nhà họ Mao, tiệm bán xoong nồi La Ký, cửa hàng tơ họ Chu, xưởng sản xuất thuốc lá Hoa Thịnh, cửa hàng đồ mây tre Bác Bạch, quán rượu nhà họ Tô, cửa hiệu vàng bạc trang sức Kiềm Điền, đại lý gạo Phong Dụ, Áo Đông Hội quán rồi rạp hát Phụng Tiên… Những người trông thấy Mã Đán chạy trối chết không những không tìm cách cản trở con chó đang truy sát cậu ta mà ngược lại, còn cực kỳ hưng phấn reo hò như muốn tìm cách cổ vũ cho con chó đen đuổi theo nhanh hơn. Ở thị trấn Thượng Tân này, ngoài những dịp lễ hội hàng năm và chuyện ba năm trước có một cô gái trẻ không rõ lai lịch, lần đầu tiên trần truồng xuất hiện trên đường phố trong một thời gian ngắn ra thì không khí hưng phấn như thế này hầu như chưa bao có. Mã Đán và con chó trong một khoảng thời gian rất ngắn đã điểm hỏa cho bầu không khí nóng bức này khiến cho bốn phương tám hướng đột nhiên huyên náo hẳn lên. Người đi đường trong chớp mắt đã dạt sang hai bên, tạo ra một lối chạy rất thông thoáng cho Mã Đán và con chó. Mã Đán bị con chó đuổi sát nên cũng chẳng còn có thời gian và hơi sức đâu mà lên tiếng chào hỏi họ. Tất cả mọi người đều kinh ngạc và ái ngại khi thấy Mã Đán đã cởi phăng đôi giày và chạy chân trần trên nền đường nóng như bốc lửa như thế.
- Mã Đán! Bàn chân của mày đã bị nướng chín rồi, thơm phưng phức. Nó đã biến thành chân giò hun khói rồi!
- Mã Đán! Thôi thì cho con chó đớp một miếng đi! Ngoài việc được ăn phân ra, cả đời nó chưa bao giờ được ăn thịt!
Mã Đán không chịu khuất phục trước con chó, lột chiếc áo bị mồ hôi thấm ướt đẫm ném về phía con chó. Ban đầu con chó hơi giật mình nên đứng lặng một lát, ngửi ngửi hít hít rồi nhanh chóng nhận ra Mã Đán đang dùng kế “ve sầu thoát xác” nên tỏ ra hung hăng hơn, hùng hổ xốc tới. Áo đã được cởi ra nên cơ thể Mã Đán hình như cũng nhẹ hơn, chạy cũng có vẻ nhanh hơn.
Những người ngoài cuộc càng tỏ ra hưng phấn như đang xem một trận thi đấu mà thực lực đôi bên là kẻ tám lạng người nửa cân. Họ đều nghe thấy rõ ràng tiếng thở phì phò rất có nhịp điệu, rất có tiết tấu của Mã Đán lẫn con chó. Cũng có ai đó cảm thấy lo cho Mã Đán nên lên tiếng:
- Mã Đán! Mày đứng lại đi! Mày đứng lại thì con chó cũng sẽ đứng lại thôi. Nó vốn là một con chó hiền lành, không hề bị điên, chẳng qua là nó không chịu thua mày đấy thôi. Chỉ cần mày chịu thua là nó sẽ bỏ cuộc!
Lời khuyến cáo đầy thiện ý này vừa dứt thì ngay lập tức có một tiếng nói phản bác:
- Tại sao ông lại bảo Mã Đán nhận thua? Có lẽ nào ông lại muốn Mã Đán nhận chó làm cha và quỳ xuống gọi một tiếng “bố” sao?
- Nếu có thể làm cho con chó không cắn mình thì gọi nó một tiếng “bố” có mất gì đâu? - Người có lời khuyên đầy thiện ý lúc nãy lại lên tiếng.
- Thế thì… này Mã Đán! Mày cứ thử gọi nó một tiếng “bố” xem sao?
Nhưng Mã Đán không muốn nhận thua. Cậu ta tự tin là mình vẫn có thể chạy được cả ngày, thậm chí cứ chạy như thế này và không bao giờ dừng lại. Cậu ta cũng không hề tin tưởng những lời khuyên bảo của những người này, bởi căn bản là họ không hề biết suy cho cùng là cậu ta có thể chạy được bao lâu.
Khi Khang Khu từ dưới bến thuyền rảo bước lên bờ thì cũng chính là lúc Mã Đán vừa phóng vù vượt qua nơi ấy. Đứng từ dưới bậc tam cấp nhìn lên, Khang Khu vừa cảm thấy hiếu kỳ, vừa cảm thấy nghi hoặc vì có một gã đàn ông ăn không ngồi rồi đến độ thi chạy với một con chó. Cô ta than thở đầy vẻ tiếc nuối:
- Tiết kiệm bớt sức lực đi! Một bước chạy thì cần phải hao phí bao nhiêu là miếng cơm đấy! Để xem nhà anh phải hao phí bao nhiêu là cơm gạo nào?
Thị trấn Thượng Tân không lớn, tính chỗ rộng nhất chạy từ phía cực Tây sang cực Đông cũng chỉ ba cây số, đến xưởng nhuộm của họ Hà là điểm tận cùng, tức là không còn đường để chạy nữa. Cuối xưởng nhuộm họ Hà là một khóm cây khuynh diệp cao ngất, Mã Đán chạy một vòng theo khóm cây rồi chạy ngược trở lại, con chó cũng chạy quanh khóm cây một vòng rồi chạy ngược lại, đuổi theo. Khi Mã Đán chạy vượt qua cửa hàng gạo Mã Nhất của nhà mình lần thứ hai thì bố cậu ta - Mã Cạo Đầu - tên thật của lão trong thị trấn không mấy người biết, chỉ biết tổ tiên họ Mã cho đến thế hệ của lão chuyên làm nghề cạo đầu nên người ta quen gọi lão là Mã Cạo Đầu, gọi riết thành quen - đang ngồi trước cửa hàng xem cậu ta chạy đua cùng con chó, điệu bộ chẳng có gì là lo lắng, tay vẫn phe phẩy chiếc quạt như không có chuyện gì xảy ra, hình như kẻ đang bị con chó truy đuổi kia không phải là con ông ta mà chỉ là một người không hề quen biết. Có ai đó nhắc nhở Mã Cạo Đầu bằng một giọng đầy thiện ý:
- Con trai ông đang bị con chó bắt nạt kìa!
- Tôi lại không nghĩ là chó đang bắt nạt người mà cảm thấy ngược lại, người đang bắt nạt chó! - Mã Cạo Đầu nói.
Mã Cạo Đầu không nên nói ra câu này, ngay cả Mã Đán cũng không hiểu vì sao bố mình lại nói được một lời hả hê trước tai họa của người khác như thế và câu nói này chắc chắn sẽ gây ra nhiều phiền phức.
- Ai đó có thể cho tôi một ngụm nước được không? - Mã Đán hy vọng có ai đó sẽ đưa cho cậu ta một cốc nước, nhưng ngay lập tức cậu ta nhận ra rằng, chỉ cần mình đứng lại thở vài hơi là con chó đã có thời gian ngoạm cái mồm của nó vào bắp chân của mình rồi - Nếu không thì… mọi người hãy cho con chó một bát nước cũng được. Mồm nó cũng phì ra đầy khói rồi kìa!
Mã Đán nghĩ trong bụng, nếu con chó muốn uống nước, ắt nó phải dừng lại; mà một khi nó đã dừng lại để uống nước thì cậu ta cũng có thể dừng lại để uống nước, hai bên đều được hưởng lợi, đều rất công bằng. Nếu đây là một cuộc đua đúng nghĩa thì không ai có quyền nghi ngờ tính công khai và sòng phẳng của nó.
May mắn thay, bên vệ đường có một chiếc thùng nhựa rách, Mã Đán nhìn thấy rõ ràng bên trong có nước, ngay cả con chó cũng nhận ra điều này, nhưng nó không thèm dừng lại. Điều này khiến Mã Đán nổi xung, chửi:
- Rõ ràng là mày muốn cả hai chúng ta đều bị dồn đến bước đường cùng rồi đây!
Nhưng rồi ngay sau đó, một ý nghĩa thoáng qua trong đầu Mã Đán: Trong một buổi chiều oi bức và nặng nề thế này, mình và con chó đã mang lại cho thị trấn Thượng Tân này một niềm hoan lạc, một chút huyên náo, thế thì ngay cả mình và con chó cho dù có mệt hơn đi chăng nữa cũng chả bõ! Như thế, những gì đã diễn ra có khác nào một tiết mục biểu diễn mà mình và nó đã hợp tác diễn y như thật!
Khi những bước chạy của Mã Đán vượt qua bến thuyền lần thứ hai, suýt chút nữa thì cậu ta đã đâm sầm vào bụng Khang Khu. Cơn điên tiết vừa mới nổi lên nhưng đột nhiên Khang Khu nhận ra rằng, đây là vùng đất lạ nên dằn lại, có điều chỉ dằn được tay chân, còn miệng thì không thể dằn được nên gào lên từ phía sau lưng Mã Đán:
- Anh gì kia! Anh ăn no quá nên rửng mỡ chứ gì? Có phải nhà anh mở cửa hàng bán gạo không?
Mã Đán vốn không thể quan sát những người hai bên đường, chỉ lo chạy nên không chú ý gì đến Khang Khu, có điều cậu ta đã ngửi thấy mùi nước hoa trên người cô ta. Đàn bà ở thị trấn Thượng Tân không bao giờ xịt nước hoa lên người, chỉ có những cô gái điếm ở thị trấn Liên Hoa vì cho rằng cơ thể mình bốc mùi hôi nên mới dùng nước hoa xịt để lấn át mùi hôi. Ngửi thấy mùi nước hoa, đột nhiên Mã Đán không còn thấy khát nước nữa, ngược lại, cậu ta cảm thấy toàn thân tràn trề sinh lực, dường như sức mạnh vừa mới cạn kiệt đã được khôi phục trở lại trong cơ thể mình. Nhờ đó mà cậu ta chạy càng nhanh hơn, dần dần khoảng cách giữa cậu ta và con chó mỗi lúc một xa. Có điều Mã Đán không muốn khoảng cách ấy quá xa, quá xa thì con chó sẽ nhận ra là không thể đuổi kịp mà bỏ cuộc, và như thế thì sẽ mất vui, cuộc đua cũng kết thúc và mọi người ở Thượng Tân này không thể biết được rằng, cuối cùng thì cậu ta cũng có biệt tài là chạy. Chính từ suy nghĩ ấy, Mã Đán cố ý giảm tốc độ và ngay lập tức, con chó đã đuổi theo gần kịp. Giống như con chó, mùi nước hoa trên cơ thể Khang Khu cũng đang đuổi theo Mã Đán, mỗi lần cậu ta hít thở thật sâu là đã cảm nhận được, hình như cái mùi vị ấy đã an cư lạc nghiệp ngay trước lỗ mũi cậu ta rồi.
Con chó nhà Hồng Xung đã đuổi Mã Đán chạy hết ba vòng quanh thị trấn, tất cả mọi người đều thán phục khả năng chạy của cậu ta. Nhưng khi Mã Đán và con chó chạy đến vòng thứ tư thì mọi người đã phát hiện ra rằng, ưu thế đang nghiêng hẳn về phía Mã Đán, khả năng thất bại của con chó đã bắt đầu biểu lộ ra rất rõ. Nhưng nó lại là một con chó khá kiên cường, không cắn được đối thủ một miếng thì không buông xuôi, không đang tâm chấp nhận thua cuộc. Lão Mao, ông chủ của cửa hàng bán vải họ Mao, một lão già có cặp mắt rất tinh tường có thể thấy được cả sợi tơ trời mùa thu trong không khí - là người đầu tiên phát hiện ra con chó lúc này đã sức cùng lực kiệt. Lão nói với Mã Đán:
- Con chó sắp chết rồi, mày còn ung dung chạy nữa hay sao?
Đến lúc này mọi người mới đồng loạt nhận ra sức lực con chó đã cạn, chiếc lưỡi đang thè ra của nó dài đến độ như muốn rơi ra khỏi mồm và rớt xuống đất. Họ tung hô, động viên Mã Đán:
- Mày gắng sức chạy một vòng nữa, nó sẽ cúi đầu trước mặt mày mà nhận thua thôi, từ nay về sau nó không dám đuổi theo mày để cắn nữa đâu.
Mã Đán cảm thấy họ nói có lý, quay người về phía sau nhìn vào con chó bắt chước tiếng chó, sủa lên mấy tiếng. Bước chạy của con chó vốn đã lảo đảo, chậm chạp, thậm chí đã có dấu hiệu của sự chịu thua, nhưng khi nghe thấy tiếng sủa khiêu khích của Mã Đán thì ý chí tranh đấu của nó lại trỗi dậy, dùng chút sức lực cuối cùng phóng lên, đuổi theo.
Khi Mã Đán chạy qua cửa hàng gạo nhà mình thì có ai đó nói to, con chó đã chết rồi. Mã Đán quay đầu nhìn lại, quả nhiên con chó đã đổ gục xuống đất cách cậu ta không đầy một mét. Dáng vẻ của một con chó chết trông thật khó coi, miệng sùi đầy bọt trắng, lại còn thêm cái lưỡi thè ra dài ngoằng, thân thể bốc lên mùi khét lẹt đặc trưng của loài chó, đôi mắt trợn tròn trắng dã. Không chờ cái xác thối rữa mà vô số ruồi nhặng đã bắt đầu bay vù vù chung quanh.
- Nếu kẻ nằm gục chết kia mà là tôi thì cũng sẽ có vô số ruồi nhặng được mời đến - Với tư thế của kẻ chiến thắng, Mã Đán đứng trước cửa của cửa hàng gạo Mã Nhất uống nước, dáng vẻ đắc ý nói với những người chung quanh - Nhưng trên thế giới này không có bất kỳ con chó nào có thể làm cho Mã Đán tôi mệt mà chết!
Mọi người đều cười rộ lên. Rõ ràng là họ đang cười nhạo Mã Đán và cậu ta không hiểu tại sao họ lại cười nhạo một kẻ chiến thắng. Mã Đán giơ bàn chân phồng rộp lên cho mọi người xem nhưng hình như không có ai cảm thấy hứng thú với nó nên chẳng có lời tán thưởng nào. Ai cũng cảm thấy đó là do cậu ta tự tìm lấy đau đớn và phiền toái. Mã Cạo Đầu đi từ trong cửa hàng ra, lười biếng phẩy chiếc quạt xua ruồi nhặng bám trên xác con chó và đột nhiên ý thức được rằng, vấn đề đã trở nên nghiêm trọng.
- Đây là con chó nhà lão Hồng đúng không? - Mã Cạo Đầu hỏi những người chung quanh.
Tất cả mọi người đều đồng thanh đưa ra câu trả lời:
- Đúng, là chó nhà Hồng Xung!
Hình như Mã Cạo Đầu bị cái gì đó đột nhiên đánh mạnh vào đầu, tỉnh táo lại và bắt đầu run, hoảng loạn chạy vào trong mang ra một chậu nước lạnh hắt lên xác con chó, không ngừng lay đầu, sờ nắn mũi, thậm chí còn nằm phục xuống đất dùng miệng của mình ấp lên miệng con chó làm hô hấp nhân tạo để làm cho nó sống lại. Có điều, con chó đã chết, không thể nào sống lại được. Với vẻ mặt đầy thất vọng, Mã Cạo Đầu bảo Mã Đán giúp một tay khiêng xác con chó đặt vào chỗ mát dưới hiên nhà, dùng một vuông vải màu loại một đắp lên trên, chỉ có bốn cái chân thẳng đuột thò ra ngoài. Mã Đán không bằng lòng với việc làm của Mã Cạo Đầu, nói:
- Tuy cái mặt chó chết của nó trông rất khó coi, nhưng nó không phải là người trong họ nhà ta, bố đắp điếm cho nó làm quái gì? Tấm vải ấy rất quý, khi mẹ tôi chết, bố cũng không đành lòng dùng nó để đắp cho mẹ tôi kia mà!
Mã Cạo Đầu nhìn Mã Đán một cách giận dữ khiến cậu ta câm bặt. Mã Cạo Đầu còn ra hiệu bảo những người hiếu kỳ giải tán. Có điều, họ không chịu giải tán, bởi Hồng Xung đã xuất hiện!
Hồng Xung có cơ thể cao lớn, khỏe không thua gì một con trâu, lại còn rất giỏi quyền cước, diện mạo vô cùng nanh ác, tính tình lại cực kỳ hung hãn. Không còn nghi ngờ gì nữa, hắn chính là người nổi tiếng nhất về sự hung ác ở thị trấn Thượng Tân này, ngay cả bọn thổ phỉ ở vùng Cảo Sơn cũng phải nhún nhường đôi ba phần. Năm trước, hắn đã từng chặt đứt lìa chân của ba người đàn ông ở vùng khác đến Thượng Tân gây sự, sau đó lại tiếp tục chém đứt một cánh tay của một trong số ba người nọ rồi ném cho chó ăn. Từ đó trở về sau không còn có bất cứ người nào từ địa phương khác dám đến Thượng Tân quấy rối nữa. Năm ngoái, vào một đêm tối trời, mười ba gã thổ phỉ Cảo Sơn đã từng tụ tập ở cửa phía nam, lẩn quẩn đến cả đêm nhưng cuối cùng chả có tay nào dám bước vào trong thị trấn, gần sáng thì men theo đường cũ mà về núi, chỉ để lại những vết chân ngựa loạn xị trên cỏ. Bọn chúng biết, Hồng Xung vẫn còn ở trong thị trấn.
Tất cả mọi người đều tỏ vẻ sợ hãi trước gương mặt vô cùng khó coi của Hồng Xung, ngay cả hơi thở cũng không dám thở mạnh vì sợ rằng, chỉ cần phát xuất ra một âm thanh không cần thiết lúc này sẽ kích động cơn thịnh nộ và nắm đấm của hắn. Mã Đán trốn sau lưng Mã Cạo Đầu, cảm thấy lá gan của mình không ngừng teo lại, một luồng nước chua chua từ bụng xộc lên cuống họng nhưng đã được cậu ta cắn răng nuốt xuống.
Hồng Xung cầm mép tấm vải kéo qua một bên, nhìn thấy xác con chó.
- Thời thái bình thịnh trị mà giữa ban ngày ban mặt thế này lại dám ức nam hiếp nữ, giết người phóng hỏa thế này sao?
Nghe thấy giọng nói bi phẫn lẫn căm hờn đầy chất chính khí của Hồng Xung, Mã Cạo Đầu ý thức được rằng, lần này lão sẽ bị Hồng Xung tống tiền.
Mời các bạn đón đọc Kẻ Nhu Nhược của tác giả Chu Sơn Pha & Nguyễn Trần (dịch).