Trong cuộc đời hoạt động nhiêu khê của thời đại văn minh này, tâm hồn mệt mỏi của chúng ta cũng ao ước một cái gì giản dị.
Có nhiều người nghĩ rằng: “sống cuộc đời giản dị, vậy là lại quay về thời trước, sống như các cụ ta, ăn lông ở lỗ chăng?”
Người ta không thể kéo những nền văn minh quay trở về nguyên thủy, cũng như người ta không thể bắt những dòng sông trở về nguồn.
Sự giản dị của cuộc đời không phải chỉ bằng cứ vào yếu tố kinh tế này hay điều kiện xã hội kia. Sự giản dị của cuộc đời chính là một ý chí làm hoạt động và thay đổi những cuộc sống khác nhau để tìm ra một lẽ sống cao cả hơn bây giờ.
Đi tìm một cuộc sống giản dị, tức là tìm cách làm tròn cái sứ mệnh cao cả nhất của đời người.
Loài người vẫn tiếp tục cố vươn lên một cuộc sống nhân đạo hơn, bác ái hơn và tươi sáng hơn, há chẳng là họ đồng thời vươn lên tìm một đời sống giản dị hơn? Sự giản dị cổ xưa, trong phạm vi nghệ thuật, tư tưởng và phong tục, sở dĩ còn giữ được một giá trị tuyệt đối đến bây giờ, chính là vì nó đã làm nổi bật được nhiều tình cảm thiết yếu, nhiều chân lý bất di bất dịch.
Chúng ta phải thiết tha trìu mến sự giản dị đó và hình hương, gìn giữ.
Song le, cuộc sống đời giản dị không phải chỉ là sống giản dị bề ngoài. Những người chỉ sống giản dị bề ngoài mà không trau dồi lấy một tinh thần giản dị bên trong, là những người mới đi được một trong một trăm phần con đường giản dị. Thực vậy, chúng ta không sống giản dị về hình thức như ông cha ta được nhưng chúng ta rất có thể sống giản dị về tinh thần như các cụ.
Bây giờ, chúng ta đi trên những con đường mới, nhưng mục đích của nhân loại xưa và nay há vẫn chẳng có một đó ư? Đi bộ hay đi máy bay rút lại cũng chỉ đi tìm chân lý. Ngày xưa, chưa có xe thì đi bộ; bây giờ phương tiện chuyên chở có nhiều, chúng ta muốn đi xe lửa, tàu thủy hay máy bay tùy ý. Đi tìm chân lý với những phương tiện mà chúng ta sẵn có, đó là điều quan hệ nhất, xưa cũng như nay.
Chính bởi vì chúng ta không biết như thế và hành động không đúng như thế mà thành ra chúng ta làm cho cuộc sống rối tung và nhiêu khê vô cùng.
***
Chúng tôi trình bày cuốn sách này ra quốc âm để các bạn cùng với chúng tôi đi tìm một lẽ sống mới: Sống Giản dị.
Quan niệm sống giản dị này, một ngày kia, cần phải được xâm nhập vào giáo dục và phong tục của ta.
Năm 1901, một tiểu thư Mỹ quốc đã đem trình chính cái triết lý sống giản dị này với công chúng thành New York. Cựu tổng thống Roosevelt tìm đọc và thích thú vô cùng. Trong hai buổi nói chuyện lịch sử, ông thiết tha khuyên người Mỹ nên sống giản dị.
Hơn thế, ông lại còn mời tác giả nền triết lý Sống đời giản dị là Charles Wagner sang Mỹ để trình bày về quan điểm “sống giản dị”.
Bước lên diễn đàn, cựu tổng thống Roosevelt đã giới thiệu tác giả pho triết lý “sống giản dị” như sau:
“Đây là lần thứ nhất, mà cũng là lần độc nhất trong đời làm tổng thống của tôi, tôi giới thiệu một diễn giả với công chúng. Tôi lại càng vui sướng hơn vì đã được làm việc giới thiệu hôm nay, bởi vì, nếu có một cuốn sách mà tôi mong được thấy toàn thể quốc dân ta đọc như một truyền đơn, một truyền đơn bổ ích, thì chính là cuốn sách “sống đời giản dị” này của ông Charles Wagner. Theo ý riêng tôi, trong khoảng những năm gần đây, chưa có một cuốn sách nào ở nước ta cũng như ở ngoại quốc, lại chứa đựng nhiều điều ích lợi mà chúng ta, con dân nước Mỹ, đều phải học lấy làm lòng, như cuốn sách “Sống đời giản dị” này.
***
Trình bày cuốn sách này với bạn đọc thân yêu, chúng tôi thiết tha mong sẽ có nhiều người đọc và cái thuyết “giản dị hóa đời sống” sẽ được áp dụng trong cái thời đại nhiêu khê, náo động này.
Do đó, chúng ta sẽ lưu tâm đến một vấn đề quan trọng nhất trong tất cả các vấn đề: Sống và tổ chức cuộc sống của chúng ta.
Chúng tôi mong bạn đọc trong khi suy nghĩ về vấn đề tối quan trọng đó sẽ cùng nhận thấy và hiểu biết rằng hạnh phúc, sức mạnh và vui tươi của kiếp sống con người, một phần lớn, bắt nguồn từ tinh thần giản dị.
Hiện nay, nhiều sự phiền toái vô ích đã ngăn cách chúng ta với lý tưởng bác ái, công lý và chân lý – mà chính cái lý tưởng đó lại sưởi ấm lòng chúng ta, đem lại cho ta ý chí muốn sống ở đời. Những sự phiền toái, vô ích đó, tiếng là để che chở cho ta và hạnh phúc của ta, nhưng thực tình thì đã ngăn cản mất cả ánh sáng của ta.
“Sống đời giản dị” tức là phá bỏ những sự phiền toái, vô ích đó để tìm ánh sáng, để tìm chân lý, để tìm lẽ sống chân chính vậy.
NHÀ XUẤT BẢN
Mời các bạn đón đọc Sống Đời Giản Dị của tác giả Charles Wagner.