Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Giá Như Yêu Được Một Người

XI


Bây giờ thì Quê đã hoàn toàn trắng tay. Cái vốn liếng cuối cùng của đời cô là thằng cu Tẩm cũng không còn nữa. Lê My đã không ngần ngại mà nói toẹt cho Quê biết: Ông Toại không có liên quan gì đến vụ mất tích thằng Tẩm.

Suốt chặng đường từ Hà Tuyên về, Quê ngồi rũ như một tàu lá úa. Cuộc đời Quê còn gì? Quê không có thời thiếu nữ. Mười sáu tuổi Quê đã trở thành người đàn bà. Làm đàn bà nhưng không được hưởng cái e ấp, hồi hộp, rộn rạo của đêm động phòng. Quê như một trái non bị chín ép, bị châm chọc, vày vò cho ung rữa. Mười bảy tuổi Quê đã phải làm mẹ, làm mẹ khi mà cô vẫn còn trẻ con, vẫn chưa có một hành trang gì cho cuộc sống gia đình. Rồi cả hai đứa con đều sinh ra trong những hoàn cảnh khốn khổ. Ngoài Quê ra không có ai mong chúng ra đời. Chúng là những đứa con hoang trong những cuộc hôn phối giữa Quê và quỉ.

Giá như đời Quê được yên ổn, dù trên cái xó rừng heo hút kia. Quê sẽ lầm lũi nuôi con, Quê sẽ bới đất, vạch cây mà tìm ra thức ăn nuôi chúng. Vậy mà cái mơ ước giản dị ấy cũng không thể có được. Lại bị dồn đuổi, lại bị truy bức đến cùng. Dồn đuổi đến mức bán thân nuôi mình, nuôi con vẫn còn chưa đủ. Bây giờ, hai đứa con đã bán cả rồi, trắng tay rồi, còn thiết sống gì nữa.

- Này Quê, em phải bình tâm lại - Lê My an ủi - Để chị về báo cáo với các đồng chí lãnh đạo. Nhất định rồi bọn chị sẽ tìm được thằng cu Tẩm cho em. Có nhiều trường hợp mẹ mìn đã mang trẻ con sang bên kia biên giới mà rồi công an ta vẫn tìm được cơ mà…

- Nhưng mà em biết nói với anh Hiển thế nào? Ở trong tù anh ấy đã khốn khổ lắm rồi. Bây giờ biết tin cu Tẩm mất tích thì anh ấy sẽ phát điên lên mất…

- Vậy là Hiển vẫn không hề biết cu Tẩm là con của ông Toại ư?

Câu hỏi của Lê My cũng chính là điều mà Quê tự hỏi mình suốt mấy năm trời. Càng sống với Hiển, cô lại càng bị dày vò bởi cái điều bí mật mà chỉ có mình cô biết ấy. Đã bao lần cô định tự thú với Hiển, rằng thằng cu Tẩm không phải là con anh, rằng anh hãy tha thứ cho mẹ con cô. Cô hoàn toàn không có ý định lừa dối anh. Chỉ riêng một hành động cao thượng là anh nhặt mẹ con cô từ ngoài đường về nhà đã đủ khiến cho cô có thể làm nô lệ cho anh suốt đời. Nhưng rồi Quê không thể nói với anh, không có gan để thú nhận với anh được. Như thế thì tàn nhẫn quá. Sự thật nhiều khi nói ra còn tàn nhẫn hơn cả bản thân nó. Thà rằng hãy cứ dối trá để cho Hiển sống trong ảo vọng. Cũng như tôn giáo vậy thôi, người ta phải cố thêu dệt ra một chốn thiên đường, một cõi niết bàn cho phần hồn để an ủỉ cái phần xác khốn khổ của mình. Chỉ thương cho Hiển. Dường như anh không hề biết Quê đã lặng lẽ lừa dối anh, hoặc giả anh biết mà anh làm như không biết gì. Anh quí thằng cu Tẩm thực sự, anh yêu nó như chính nó là giọt máu đích thực của mình.

- Em cũng không biết là anh Hiển có biết gì về thằng cu Tẩm không - Quê nói - Hồi em đẻ, có người nghi ngờ thừng bé không phải là con anh Hiển, nhưng anh ấy không tin. Anh ấy bảo: “Miệng lưỡi thế gian biết thế nào mà lường. Em đừng nghĩ ngợi gì”. Suốt mấy năm trời, chưa bao giờ anh ấy đánh mắng nó. Thằng Tẩm cũng tin rằng chính anh Hiển là bố đẻ của nó. Tuần nào nó cũng giục em vào nhà giam thăm bố Hiển. Nó chỉ mong bao giờ bố Hiển được ra tù để nó đi phụ giúp bố Hiển đạp xích lô… Thế đấy chị ơi, rồi em biết nói với anh Hiển thế nào? Không, dù thế nào đi nữa, ngay ngày mai em phải báo cho anh Hiển biết tin này…

- Đừng báo vội, Quê ạ - Lê My tìm cách hoãn binh - Cứ để một hai tuần nữa để bọn chị tìm kiếm xem đã.

- Nhưng anh ấy hỏi thăm cháu thì em biết nói thế nào?

Lê My thở dài. Chị bỗng nhớ lại cái buổi vào nhà giam hỏi cung Hiển, nhớ lại gương mặt chất phác, cương trực của anh.

- Quả tình chị không ngờ có những người như Hiển mà lại bị vào tù.

- Trong tù cũng có nhiều người vốn rất lương thiện. Họ bị hoàn cảnh dồn đẩy đến tội ác. Cũng có khi vì họ chống lại cái ác mà bị cái ác tròng vào người. Anh Hiển bị tù là oan lắm đấy chị ạ. Chính hai vợ chồng mụ Quỉ mới đáng bị tù kia. Trời ơi, chị có biết không, trên đời này không có người đàn ông nào tốt với mẹ con em như anh ấy - Quê vừa nói vừa ôm mặt khóc.

Lê My thấy mủi lòng. Chị định nói với Quê rằng chính ông Toại đã đón thằng Tẩm về nuôi, rằng chị đã đồng tình với nguyện vọng của ông ấy, đó là giải pháp tốt nhất lúc này cho Quê, bởi cô không có đủ điều kiện để làm mẹ cả hai đứa trẻ. Nhưng thôi. Đành phải dối Quê vậy. Cứ mặc cho cô ấy đau khổ. Người mẹ nào chẳng có nỗi đau khi mất con, nhưng họ không hề biết có một nỗi đau hơn là họ không có khả năng nuôi nổi được chính đứa con của mình. Chuyến đi này, với Quê có thể là một chuyến đi thất bại, nhưng với Lê My thì đó lại là một thành công không ngờ. Chị hoàn toàn yên tâm về bé Rớt và thằng cu Tẩm. Chúng sẽ được cô giáo Điệp và ông Toại nuôi dạy chu đáo. Cùng với việc giải quyết đưa bà cụ Nụ về với vợ chồng Danh Vọng, Lê My đã góp phần giúp ba con người tránh được những con đường bất lương trong cuộc đời.

Còn với Quê? Liệu Lê My có thể giúp được cô thoát khỏi tình cảnh bi thảm hiện giờ không?

*

Khi Lê My và Quê vừa về đến khu tập thể thì Đặng Phong đã ngồi chờ họ sẵn ở quán nước bên đường. Hai ngày qua anh nhớ Lê My và mong chị từng giờ. Sau bốn năm ly thân, sau bao nhiêu lần đi lại toà án đến mòn cổng, cô vợ của anh đã đồng ý chấp nhận cho anh được ly hôn. Còn mười lăm ngày nữa cuộc ly hôn mới có hiệu lực, nhưng Đặng Phong không thể chờ đợi được hơn nữa. Anh đã đến tìm Lê My bốn lần, đến để thông báo cái tin vui này với chị, để được ngắm nhìn chị và để được nghe chị nói rằng: “Từ nay em sẽ là của anh”.

Nhưng Lê My thật quá vô tâm, hoặc vì sự xuất hiện của Phong khiến chị chỉ nghĩ đến cái công việc mà chị đã nhờ anh, nên không kịp để Phong nói điều gì, chị đã hỏi ngay:

- Thế nào anh, công việc ở làng SOS mà em đã nhờ anh có kết quả gì không?

Đặng Phong như người bị dội gáo nước lạnh. Anh buồn vì Lê My chẳng nghĩ gì đến anh cả.

- Sao? Anh nói em nghe đi. Em đã nói chuyện với Quê rồi. Anh hãy báo cho Quê một tin vui gì đi. Em nghĩ rằng anh đến chính là vì cái tin ấy…

- Vì một cái tin khác… Nhưng thôi, lúc này nói cũng chẳng có ý nghĩa gì…

- Anh cứ nói. Hay anh giận em à? - Lê My chợt sững người khi nhìn thấy đôi mắt Phong sầm tối lại - Em xin lỗi. Em đoán rằng có một chuyện gì đó mà anh muốn nói riêng với em…

Lẽ ra Phong cứ nên yên lặng, chờ đến một lúc khác. Nhưng vì anh quá đột ngột bởi sự vô tâm của Lê My nên anh đã trở nên vụng về.

- Về chuyện của Quê, tôi đã làm hết sức mình nhưng cho đến giờ có thể nói rằng hoàn toàn không có hy vọng. Có một trăm bảy mươi hai lá đơn xin vào làm việc ở làng SOS. Cần phải ưu tiên trước hết cho những người vợ liệt sĩ, những người có cống hiến, những người đã qua trường lớp đào tạo, những người có quá trình làm việc từ thiện nhiều năm… Ngay cả những công việc lao động giản đơn nhất cũng đều phải xét trên những tiêu chuẩn ấy…

- Không có một trường hợp ngoại lệ nào sao? - Lê My nhìn Quê và thở dài.

- Nếu như chúng ta mở ra một trăm làng SOS thì cũng vậy thôi. Có biết bao nhiêu người lương thiện còn đang không có công ăn việc làm…

Vậy là không có một việc gì cho Quê, ngoài… Lê My cay đắng nghĩ. Chị mường tượng ra cảnh đêm mai Quê sẽ lại đi lang thang ra bờ hồ, vật vờ dưới gốc cây trong ánh đèn nhập nhoạng. Biết tìm cách gì để giúp Quê được? Chính bản thân chị, với đồng lương ít ỏi của mình cũng phải chật vật lắm mới nuôi nổi bé Trang, huống chi lại phải cõng thêm một người nữa, dù chỉ trong thời gian dăm bữa nửa tháng.

- Anh muốn gặp riêng em để nói một câu chuyện - Chần chừ mãi cuối cùng Đặng Phong cũng phải nói với Lê My một cách khẩn khoản.

- Hãy đợi em một chút. Chúng mình sẽ nói chuyện trên đường em đi đón bé Trang.

Lê My vào phòng tắm ào qua và thay quần áo. Rồi chị bảo Quê:

- Quê ở nhà nấu cơm để tí nữa chị đón cháu về cùng ăn nhé. Em cứ ở lại đây với chị nhé. Không được bỏ đi như lần trước đâu đấy.

Khi Lê My và Phong vừa đi khỏi, Quê vội quay vào nhà và khóc tức tưởi. Trên đời này chưa bao giờ Quê thấy ai lại quá tốt với mình như Lê My.

*

Tối ấy, trong công viên, gần “khu rừng chiến khu” rất thân thuộc của Quê, lần đầu tiên sau ba năm quen biết nhau, Lê My đã gục đầu vào ngực Phong, để mặc anh ôm riết trong niềm hạnh phúc bao ngày kìm nén. Chị tưởng mình đã khô cằn chai sạn đi trong tình yêu, nhưng đâu phải. Những nụ hôn vẫn say đắm, nồng thắm như lần đầu.

Họ, đôi tình nhân muộn màng ấy không hề hay biết rằng, đúng cái lúc họ đang trao cho nhau những cái hôn cháy bỏng nhất thì có một người lặng lẽ bỏ ra đi. Người ấy chính là Quê.

Quê không để lại một dòng chữ nào. Cô chuẩn bị sẵn cho mẹ con My bữa cơm trên bàn, rồi như một cái bóng, ra đi không để lại một dấu tích gì. Dường như cô muốn những ngày cô gặp gỡ, làm phiền nhiễu Lê My vừa qua chỉ là ảo ảnh, rằng bản thân cô, cái con người nhơ nhếch và khốn khổ của cô không đáng để một vết tích gì trong cuộc đời một người quả giàu lòng nhân ái và vị tha cho Lê My.

Quê đi đâu? Như một bản năng đã được hình thành từ những ngày sống cuộc đời bờ bụi. Quê lại đi qua cái lỗ chó chui để dẫn vào cái góc "chiến khu” trong công viên. Ở đây người và ma, thánh thần và quỉ dữ đều có thể tìm thấy hạnh phúc của mình, có sao đâu?

Rất có thể là Quê đã đi ngang qua, hoặc đi sát gần cặp tình nhân. Bóng tối đã giúp họ không nhận ra nhau.

Và, sau hôm Quê bỏ đi mấy ngày, từ nhà giam thành phố. Lê My nhận được một tin mới: phạm nhân Nguyễn Văn Hiển đã trốn khỏi trại, mặc dù chỉ còn bốn tháng nữa gã sẽ mãn hạn tù.

Không ai biết vì sao cái gã tù nhân Nguyễn Văn Hiển lại dại dột bỏ trốn khi mà gã sắp có cơ hội trở thành người tự do. Chắc chắn chỉ có mình Lê My mới hiểu được cuộc chạy trốn của cả Quê và Hiển. Chị ân hận vô cùng vì đã trót nói dối Quê rằng thằng cu Tẩm bị mất tích. Chao ơi, cuộc đời đầy rẫy những éo le phức tạp. Để giúp được người này thì lại làm cho người kia khổ. Có cách chi để yêu trọn được tất cả mọi người?

Suốt từ hôm ấy, một trong những công việc của Lê My luôn canh cánh bên lòng là để tâm tìm kiếm Quê và Hiển. Tìm, để nói với họ rằng, họ hãy yên tâm về thằng cu Tẩm. Nó không bao giờ còn phải lang thang trên những vỉa hè để làm một đứa trẻ bụi đời ngửa tay xin cơm thiên hạ.

Nhưng mà Quê và Hiển bây giờ ở đâu?

17 phố Trần, Hà Nội, 30-4-1991

H.M.T.

Tác phẩm viết về người phụ nữ trên mặt trận bảo vệ an ninh Tổ Quốc.

Bìa 4

Trong số hàng trăm can phạm mà nữ trung uý công an Lê My có dịp tiếp xúc, Đào Thị Quê dường như là một phép thử đối với lương tâm và phẩm chất nghề nghiệp của chị. Nếu lần gặp gỡ 10 năm trước, khi Quê vừa 16 tuổỉ đã bị bắt cóc vào cuộc chơi tình cờ, thì cuộc gặp gỡ bây giờ chính là sự sắp đặt của định mệnh. Mười năm, số phận đã đẩy Quê trượt dài xuống đáy… Làm đàn bà ngay từ tuổi thiếu nữ. Hai lần sinh con ngoài giá thú là hai lần một mình vượt cạn. Trốn lên rừng xanh rồi mà vẫn không thoát được “lầu xanh”…

Nữ trung uý Lê My sẽ làm gì với cô gái khốn khổ ấy? Lạnh lùng chối bỏ ư? Hay sẽ khinh bỉ, hắt hủi?

Mời các bạn đón đọc Giá Như Yêu Được Một Người của tác giả Hoàng Minh Tường.