“Phật pháp đang hiển lộ trong mọi khoảnh khắc, nhưng chỉ khi tâm an tĩnh, chúng ta mới có thể thấu hiểu, vì Phật pháp đang giảng dạy chúng ta bằng vô ngôn”. Ajahn Chah khuyến khích chúng ta tìm Pháp, học Pháp từ thiên nhiên, từ mọi công việc đời thường.
Nghiên cứu Phật pháp là việc phải làm hàng ngày, nhưng ngay cả khi bạn đã dụng công nghiền ngẫm kinh sách mà không thực hành thì cũng giống như một lữ khách chỉ nghiên cứu lộ trình trên bản đồ mà không thực sự bước đi trên con đường đó. “Một cội cây rừng” giúp bạn học và hiểu Pháp một cách rõ ràng và sâu sắc. Bạn sẽ thấu đạt chân lý “trong khổ có lạc, trong hỗn độn có tĩnh lặng” nếu thấy được thực tướng của vạn pháp.
Tương tự như vậy, các dụ ngôn sinh động từ thực tế cuộc sống mà Ajahn Chah dẫn ra trong cuốn sách này sẽ giúp bạn thấu suốt thực tại, để tâm an tĩnh, buông bỏ tất cả và khởi sinh trí huệ. Ajahn Chah khẳng định rằng chúng ta có thể học điều đó từ thiên nhiên và mọi vật xung quanh chúng ta.
***
Ajahn Chah (danh xưng chánh thức do chùa Wat Pah Pong, Thái Lan dùng, cũng có nơi phiên âm là Achaan Chah) (1918-1992) là một vị cao tăng Thái Lan nổi tiếng về pháp Thiền thuộc Phật giáo Nguyên Thủy. (Ajahn là danh tôn xưng, không phải là tên). Đại đức tu theo truyền thống khổ hạnh của các vị tăng chỉ sống trong rừng chứ không ở chùa tại các đô thị. Các vị tăng này nhiều khi chỉ sống dưới gốc cây hoặc sau này chỉ ở tại các nơi xa xôi, hẻo lánh, các vị chỉ lập một chỗ sơ sài để tu hành, mà không làm những công việc khác như: cúng lễ, dạy học, nghiên cứu kinh điển. Các vị tăng này xa lánh các nơi đông đúc vì muốn để hết thời giờ vào việc hành Thiền một cách toàn vẹn và nghiêm chỉnh. Ajahn Chah sinh trưởng trong một gia đình khá giả tại miền đông bắc Thái Lan. Đại đức xuất gia rất sớm và thọ giới Tỳ kheo năm 20 tuổi. Đại đức theo học nhiều thầy, trong đó có Ajahn Mun là vị tăng Thái lan nổi tiếng. Sau nhiều năm di chuyển trong rừng, tu theo pháp khổ hạnh, đại đức trở về gần vùng nơi sanh trưởng và sống tại một khu rừng rậm, không có người ở, chỉ có nhiều hổ, rắn. Nhưng sau một thời gian thì nhiều người biết và đến xin thụ huấn nên dần dà trở thành chùa Wat Pah Pong, gồm nhiều nhà nhỏ rải rác quanh đó. Sau đó tại Thái Lan hàng trăm chùa theo pháp Thiền của đại đức đã được thành hình do các đệ tử của đại đức dựng lập. Đại đức đã đi thuyết pháp tại Anh, Mỹ và Gia nã đại. Một số rất đông người Tây phương đã đến Wat Pah Pong thụ huấn và nhiều người đã thành Tăng và trở về nước tiếp tục truyền bá Phật pháp. Chùa lớn nhất tại ngoại quốc ở tại Chihurst (1979) và Amaravati (1984), Anh quốc với vị tăng gốc Mỹ Ajahn Sumedho trụ trì. Ngoài ra nhiều ngôi chùa khác cũng được thành lập tại Thụy Sỹ, Úc và Tân tây Lan. Ajahn Chah mất đi năm 1992 tại Thái Lan. Nhiều sách bằng tiếng Anh ghi lại những bài thuyết pháp của đại đức đã được xuất bản, một số đã được Trung Tâm Narada tại Kent, Washington dịch ra tiếng Việt.
Pháp Thiền của Ajahn Chah
Cũng như các pháp Thiền khác của Phật giáo Nam Tông nên có thể gọi pháp Thiền của đại đức là vipassana nhưng việc thực hành rất đặc biệt, được mô tả là "đi thẳng vào trọng tâm của Thiền Phật giáo"[4]. Pháp hành Thiền của đại đức giản dị và trực tiếp để định tâm và đạt trí huệ. Những bài thuyết pháp của đại đức đều dản dị, không cầu kỳ với những danh từ khó hiểu, có những thí dụ rất thiết thực nên đại đa số có thể hiểu và hành được, mà vẫn theo đúng Phật pháp thâm sâu. Đại đức không chọn một phương pháp cố định nào mà chỉ tùy theo hành giả mà chỉ dậy. Có người hỏi đại đức tại sao nhiều khi những lời giảng gần như mâu thuẫn nhau thì đại đức nói "Như tôi nhìn người bước đi trên đường, nếu người đó sắp té về rãnh bên phải thì tôi nói họ phải bước qua trái, nếu người đó sắp té về rãnh bên trái thì tôi nói họ phải bước qua phải. Việc tu tập chỉ là giữ cho tâm thăng bằng, không chấp vào gì cả, cần buông xả hết." [4]
Đại cương pháp tu là theo dõi hơi thở ra vào cho đến khi tâm an định, sau đó quán xét sự diễn tiến của thân, tâm để thấy rõ tính cách Vô thường, Khổ, Vô ngã của chúng. Sự theo dõi, thấy biết (awareness) một cách tự nhiên về hơi thở cũng như về sự diễn tiến (sinh, trụ, diệt) của thân, tâm là điều căn bản của pháp Thiền này. Cần giữ sự hằng biết (mindfulness), tức sự thấy biết đó một cách liên tục, không bị ngoại cảnh cũng như những ý nghĩ lăng xăng làm gián đoạn. Theo đại đức thì đạo Phật chủ yếu là tu tâm để đạt đến giác ngộ, giải thoát. Tu tâm đây không chỉ riêng có nghĩa đơn giản là làm điều thiện, tránh điều ác, mà là nhìn thẳng vào tâm, quán xét cho kỹ để biết rõ sự hoạt động và bản tính của nó. Muốn tu tâm thì hành giả phải tự cố gắng, kiên trì chứ không có đấng thần linh nào làm thay mình được. Nhưng mỗi người có một tâm khác nhau nên cũng khó nói có một pháp nào áp dụng cho tất cả mọi người được, vì vậy đức Phật đã chỉ nhiều pháp khác nhau để mỗi người tùy căn cơ áp dụng. Như trong kinh Tứ Niệm Xứ (Pali: Satipatthana Sutta), là kinh căn bản của Thiền Vipassana, có kể đến nhiều pháp hành khác nhau chứ không định rõ một pháp riêng biệt nào. Vì vậy chúng ta không nên ngạc nhiên khi cùng một tên gọi là Vipassana mà phương pháp của mỗi vị tăng có thể thấy như khác nhau mặc dầu cùng chung một mục đích.
***
Lời giới thiệu
Ajahn Chah nhắc nhở chúng ta rằng ngay chính Đức Phật cũng chỉ có thể chỉ ra con đường, chứ không thể tu thay cho chúng ta được, bởi vì chân lý là điều bất khả tư nghị (không thể dùng lời mà diễn tả được) cũng không thể mang ra biếu tặng. “Tất cả các lời pháp”, Ajahn Chah đã dạy, “chỉ là những dụ ngôn, có ý giúp cho tâm nhìn thấy chân lý. Nếu đã có Phật trong tâm, chúng ta sẽ quán sát thấy vạn pháp, là đồng thể tính với chúng ta”.
Các dụ ngôn mà Ajahn Chah thường sử dụng để giảng pháp xuất phát từ kinh nghiệm bao la của ngài về cuộc sống. Cách thức tu hành của ngài đơn thuần chỉ là quán sát, luôn rộng mở để đón nhận và ý thức mọi việc đang xảy ra ở nội tâm cũng như ngoại cảnh. Ngài nói rằng phápmôn của mình chẳng có gì đặc biệt. Như lời ngài nói, ngài giống như một cội cây rừng. “Một cội cây đang là như nó đang là”. Và Ajahn đã là như ngài đã là. Nhưng chính từ chỗ “chẳng có gì đặc biệt” đó đã nảy sinh một hiểu biết thâm sâu về thế gian này.
Ajahn Chah thường nói, “Pháp đang hiển lộ trong mọi khoảnh khắc, nhưng chỉ khi tâm an tĩnh, chúng ta mới có thể hiểu được, vì rằng Pháp đang giảng dạy vô ngôn”. Ajahn Chah đã có khả năng phi thường này, khả năng đón nhận lời Pháp vô ngôn và truyền đạt chân lý của nó đến với thính chúng bằng hình thức dụ ngôn mới mẻ, dễ hiểu, đôi khi hài hước, lắm lúc thi vị, nhưng luôn điểm trúng hồng tâm, gây choáng váng và mang đến nguồn cảm hứng: “Chúng ta cũng giống như những con sâu; giống như những chiếc lá rụng; tâm của chúng ta cũng giống như nước mưa”.
Các lời pháp của Ajahn Chah chứa đầy những dụ ngôn như vậy. Sẽ là một ý hay nếu thu thập lại dưới dạng một quyển sách nhằm khơi nguồn cảm hứng cho những ai muốn có một bóng mát thư giãn để tránh khỏi “cái nóng của thế gian”, và tìm chỗ nghỉ ngơi dưới “một cội cây rừng”.
***
Khi không có nhà, chúng ta giống như người lang thang không định hướng ở ngoài đường, rẽ theo lôi này một thời gian và rồi rẽ sang lối khác, ngừng lại một lúc và rồi lại tiếp tục đi. Cho đến trước khi chúng ta trở về ngôi nhà đích thực của mình, bất kể làm gì chúng ta cũng cảm thấy không thoải mái, giống như một người rời làng đi xa. Chỉ khi trở về đến nhà mình, anh ta mới thật sự thoải mái, thật sự dễ chịu.
Không thể tìm được bất cứ nơi chôn an tĩnh thật sự nào trên thế gian này. Đó là bản chất của thế gian. Thay vì thế, hãy tìm nơi chôn ấy trong chính quý vị.
Khi nghĩ đến Đức Phật và việc Ngài đã nói những lời chân thật ra sao, chúng ta cảm thấy tràn ngập lòng biết ơn và tôn kính sâu xa. Bất cứ khi nào nhìn thấy được chân tướng của điều gì đó, chúng ta hiểu lời pháp của Ngài, mặc dù chúng ta chưa bao giờ thật sự tu tập theo Pháp. Cho dù chúng ta đã có hiểu biết về lời pháp, đã học tập và tu hành theo những lời pháp đó, nhưng nếu vẫn chưa nhìn thấy được chân lý của chúng, khi ấy chúng ta vẫn giống như kẻ lang thang không định hướng.
Mời các bạn đón đọc Một Cội Cây Rừng của tác giả Ajahn Chah.