Kinh doanh muốn phát triển lâu dài thì content phải có hiệu quả. Content hiệu quả là content có thể hái ra tiền. Rất nhiều content được chú trọng từng câu chữ với những câu văn bay bổng nhưng lại không thể mang lại hấp dẫn đối với người đọc. Viết content cũng giống việc móc nối các thông tin lại với nhau, “Content bạc tỷ” sẽ chỉ ra cho bạn 4 bước cụ thể để xây dựng chiến dịch viết một bài quảng cáo chuyên nghiệp: “Nói những gì – Nói với ai – Nói ở đâu – Nói thế nào”. Nói một cách dễ hiểu hơn thì chính là xem khách hàng là đối tượng để tán gẫu, chúng ta áp dụng đúng bốn điều trên sẽ khiến cuộc trò chuyện đạt được hiệu quả cao hơn.
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rõ rằng: Mục đích mà content phải đạt được là gì? Là để khách hàng biết đến chúng ta và thậm chí là yêu thích chúng ta? Hay là khiến khách hàng ngay lập tức chốt đơn mua ngay sau khi đọc xong content? Muốn đạt được những mục đích như thế thì chúng ta cần để khách hàng biết được những thông tin gì? Cảm nhận được điều gì? Cuốn sách này sẽ giới thiệu những bí quyết cụ thể, giúp bạn phân tích “đối tượng tán gẫu” cũng chính là nhóm người mà chúng ta gọi là “đối tượng content hướng đến”. Nó như chiếc cầu nối đưa bạn đến gần với đối tượng tán gẫu, giúp bạn càng hiểu rõ hơn về sản phẩm và các “thượng đế” của thị trường.
Content nên truyền đạt các thông tin về sản phẩm đến “đối tượng tán gẫu” như thế nào thì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn và linh hoạt hơn? Để giúp bạn nắm vững phương pháp triển khai nội dung và dàn bài của một bài content tốt hơn, tác giả Diệp Tiểu Ngư đã liệt kê các ví dụ trong từng phần, giúp bạn mở rộng tư duy cũng như xâu chuỗi, hệ thống lại các phương pháp viết xuyên suốt từ đầu đến cuối của một bài content.
“Content bạc tỷ” với nội dung thiết thực, giải thích cặn kẽ, diễn đạt khéo léo, không chỉ dành riêng cho những Copywriter mà còn cho tất cả những ai có hứng thú với việc viết content. Nếu bạn là một tân binh trong lĩnh vực Copywriting, cuốn sách này sẽ giúp bạn đi đúng đường ngay từ khi mới bắt đầu, còn nếu bạn đã kinh nghiệm, nó sẽ giúp bạn có một tư duy nhạy bén hơn trong việc viết content.
Bạn hãy đọc cuốn sách này và tìm ra các phương pháp viết content của riêng mình, không ngừng trau dồi, bồi đắp nó trên con đường viết content, thậm chí tạo ảnh hưởng và thay đổi nhiều người hơn.
***
[Review Sách] “Content Bạc Tỷ”: Cẩm Nang Cho Tân Binh Copy Writer
Đây là một cuốn sách thú vị viết về một ngành nghề mới xuất hiện không lâu trong TK XX- Content Marketing. Thông qua bố cục mạch lạc của cuốn sách, chúng ta được tác giá dẫn dắt để hiểu hơn về nghề “bậc thầy câu chữ”. Content Marketing không chỉ đơn thuần là trau chuốt ngôn từ, mà người viết Content còn làm được nhiều hơn thế.
Mở đầu cuốn sách, Diệp Tiểu Ngư chia sẻ về “sườn bài chung” cho tất cả các loại content.
Nói những gì - Nói với ai - Nói ở đâu - Nói như thế nào. Content dành cho những cá nhân với điều kiện sống khá giả sẽ không đặt ở nhà ga tàu điện ngầm hay chung cư cũng như sản phẩm mặt nạ với chất lượng vừa phải và giá cả sinh viên sẽ không đặt biển ở sân bay hay chung cư cao cấp.
Nói những gì: Xác định mục đích của content. Nguyên nhân: chưa suy nghĩ kỹ càng đã lao vào viết. Trong câu chuyện mục đích của content, người viết content là đối tượng phải đào sâu hơn cả, họ thu được yêu cầu chung chung từ boss và phải tự thân vận động xem trên thực tế, thương hiệu đang đi vào quá trình làm quen, nhận thức hay xúc động.
Nói với ai: Xác định đối tượng content hướng đến. Đối tượng thương hiệu hướng đến và mối quan hệ giữa họ và thương hiệu. Tại đây, Tiểu Ngư cũng bật mí cho chúng ta một cách khá hay ho rằng hãy thêm từ “bạn” vào content để người tiêu dùng nhiều đối tượng cảm thấy sản phẩm này chính là dành cho họ và họ đang được thương hiệu quan tâm đến các vấn đề hết mực.
Nói ở đâu: Xác định cách diễn đạt của content. Quảng cáo thông qua con đường nào?
Nói như thế nào: Xác định phương pháp viết content. Công thức content 4P: Mô Tả - Cam Kết - Chứng Minh- Thúc Đẩy.
Ngoài ra cô cũng không quên dặn dò người viết phải góp nhặt cảm xúc, đặt vào trong từng câu chữ. Em phải cảm nhận cuộc sống này bằng cả trái tim, hiểu không? Chỉ có như thế mới viết được những bài content hay. Nhưng làm thế nào để viết được một bài content hay, Diệp Tiểu Ngư sẽ bật mí ngay sau đây!
Điều đầu tiên mà các Content Writer phải ghi nhớ chính là Content không được lan man
Nói đến đây chúng ta lại phải suy xét đến bản chất của nghề Content Marketing. Viết content không phải vận dụng câu chữ một cách tài tình mà là khiến câu chữ của bạn tạo ra hiệu quả. Cũng có thể hiểu như Judith Charles, Copywriter chính là những nhân viên sales phía sau bàn phím. Mục đích sau cùng của sales là thúc đẩy doanh thu, do đó, muốn đánh giá đó có phải là content hay không, mấu chốt là phải xem nó có mục đích thương mại hay không.
***
Rất nhiều người bận rộn với việc học các kỹ năng viết content, nhưng lại luôn xem nhẹ mạch logic chủ chốt của một content, thật ra viết content cũng giống việc móc nối các thông tin lại với nhau, cuốn sách này sẽ dẫn lối bạn đi từ “Nói những gì” đến “Nói với ai”, “Nói ở đâu” và cuối cùng là đến “Nói thế nào”, từng bước một tìm ra phương hướng để viết một bài content.
» LÝ Hân Tần, nhà quảng cáo nổi tiếng
Tin tôi đi, kỹ năng viết content có thể trau dồi được đấy, cũng giống như sáng tác tiểu thuyết có hàng khối kỹ xảo và phương pháp, viết content quảng cáo cũng có quy tắc của nó. Thay vì lãng phí thời gian mấy năm tự tìm tòi mò mẫm thì chi bằng dành ra vài ngày để học hỏi những kinh nghiệm mà các đàn anh đàn chị tài giỏi đi trước đã đúc kết ra được, sau đó dốc sức dùi mài học tập và thực hành, đây chính là cách tiến bộ nhanh nhất.
Nếu là một tân binh trong lĩnh vực Copywriting, cuốn sách này sẽ giúp bạn đi đúng đường ngay từ khi mới bắt đầu, còn nếu đã có vài năm kinh nghiệm thì nó sẽ giúp bạn có một tư duy nhạy bén hơn trong việc viết content.
» Tiểu Mã Tống, cố vấn chiến lược Marketing
Cuốn sách viết về Copywriting này của Tiểu Ngư, nội dung thiết thực, giải thích cặn kẽ, diễn đạt khéo léo, không chỉ riêng những Copywriter mà tất cả những ai có hứng thú với việc viết content đều có thể đọc thử.
» Thái Đồng, học giả tâm lý và là tác giả của Tinh Tiến (tên tạm dịch)
Rất nhiều content khi đọc rất cuốn hút nhưng lại không có hiệu quả, xét ra thì nguyên nhân nằm ở việc đã bỏ qua mục đích của content. Cuốn sách Content bạc tỷ của Tiểu Ngư lấy mục đích làm kim chỉ nam cho content, hướng dẫn bạn viết một content đột phá lượng tiêu thụ.
» Tào Thành Minh, người sáng lập website www.qidianla.com và www.woshipm.com
Kinh doanh muốn phát triển lâu dài thì content phải có hiệu quả. Content hiệu quả là content có thể hái ra tiền. Rất nhiều content đều nắn nót tỉa tót từng câu từng chữ, viết rất bay bổng, có thể thu hút người đọc nhưng lại không thể lay chuyển cũng như truyền cảm hứng cho họ. Cuốn sách này thực sự rất chú trọng vào hiệu quả của một content, logic thuyết phục trong nội dung sách rất tự nhiên, người đọc sẽ bị cuốn hút bởi nó và lập tức mua ngay. Khả năng viết content là một khả năng mà thời đại Internet không thể nào thay thế được.
» Dương Thiện Bình, người đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh đạt hiệu quả lâu dài
Tương tự như phải có nhạc phổ thì mới có thể diễn tấu ra những khúc nhạc du dương trầm bổng, viết content cũng giống vậy, chắc chắn phải lập sẵn một dàn bài hoàn chỉnh trong đầu, như thế mới viết được một content hiệu quả.
» Quan Kiện Minh, chuyên gia về content kinh doanh
Marketing rất khoa học, content cũng vậy. Tôi tin rằng những phương pháp trong sách của Tiểu Ngư sẽ giúp bạn viết được một bài content giàu tính khoa học hơn.
» Từ Duyệt Giai, KOL1 có hàng triệu fans
1 KOL: Viết tắt của Key Opinion Leader – là những người nổi tiếng có ảnh hưởng trên phương tiện truyền thông xã hội, có tầm ảnh hưởng trong một lĩnh vực cụ thể nào đó, được nhiều người biết đến và có sự ảnh hưởng đến nhiều người.
Kể từ khi tôi quen Tiểu Ngư đến bây giờ, cô ấy chỉ làm tổng cộng ba chuyện: thứ nhất, nghiền ngẫm, mày mò viết content sao cho hay; thứ hai, viết content thật hay; thứ ba, dẫn dắt người khác cùng viết content thật hay.
» Cô giáo Tiểu Địch, người đi đầu trong lĩnh vực đột phá những mối quan hệ xa lạ
***
Khi bạn lật mở cuốn sách này thì ít nhiều gì bạn cũng có liên quan đến “content”, có lẽ bạn chỉ vừa mới tốt nghiệp không lâu, làm một công việc liên quan đến Copywriting, hoặc có lẽ bạn là một biên tập mới trong lĩnh vực tiếp thị truyền thông mạng xã hội (Social Media Marketing), thương mại điện tử, định hướng và điều hành sản phẩm (Product Operation), giám đốc quản lý sản phẩm (Product Manager )… Trong quá trình tiếp xúc với content, bạn chắc chắn đã từng gặp những tình huống sau:
(1) Không có cảm hứng: nhận nhiệm vụ nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu, cả ngày không viết được chữ nào.
(2) Sửa n lần: content mình dốc lòng dốc dạ dồn công dồn sức viết ra nhưng kết quả lại bị sếp yêu cầu sửa hơn chục lần.
(3) Không có ý tưởng: đã học hàng tá kỹ năng viết lách nhưng lúc thật sự cần viết thì không tài nào múa bút thành văn được.
(4) Không hiệu quả: rõ ràng cảm thấy content rất hay nhưng doanh thu tiêu thụ sản phẩm lại vả cho bạn một bạt tai.
(5) Không hiệu suất: bạn dành rất nhiều thời gian để viết một bài content, nhưng các “Thánh content” chỉ tốn 3 phút đã giải quyết xong xuôi đâu ra đấy.
Những vấn đề kể trên khi tôi vừa bắt đầu viết content đều đã trải qua hết, sau này, khi đảm nhiệm vị trí giáo viên hướng dẫn của “khóa huấn luyện content” tôi mới phát hiện đây là căn bệnh chung của mọi người. Có lẽ bạn cảm thấy viết content cần có cảm hứng, không có cảm hứng thì tất thảy chỉ là con số 0. Tôi không phủ nhận tầm quan trọng của cảm hứng, nhưng nếu mọi Copywriter đều phải dựa vào cảm hứng để viết vậy thì có khả năng cả năm không hề có sự tiến triển, thậm chí, khả năng cao là vừa mới đi làm đã bị đuổi việc. Tôi của mười năm về trước cũng gần bị cho nghỉ việc, nhưng may mắn được nhiều người chỉ dạy rằng:
Em phải cảm nhận cuộc sống này bằng cả trái tim, hiểu không? Chỉ có như thế em mới viết được những bài content hay.
Em phải đọc nhiều sách hơn, thể loại nào cũng phải đọc, như vậy mới viết content hay được.
Những câu nói ấy đương nhiên là chân lý, nhưng việc phát hiện chân lý không thể ngay lập tức giúp tôi giải quyết nhiệm vụ viết content. Content tôi viết vẫn cứ luôn xuất hiện những vấn đề kể trên. Tôi thường nghĩ, có cách nào để cải thiện hay không, chí ít cũng có thể giúp tôi hiểu được nên tìm ý tưởng như thế nào khi nhận nhiệm vụ chứ nhỉ? Cũng như công thức toán học vậy, tôi áp dụng công thức này để giải quyết các vấn đề liên quan đến content. Rất may mắn là tôi đã gặp được thầy Đằng, thầy tận tình chỉ dạy cho tôi bắt đầu từ những lý luận về Marketing (tài liệu đào tạo nội bộ của công ty quảng cáo 4A), hơn nữa thầy còn kèm cặp tôi làm một bản phương án, và phương án này đã khiến người sếp khi đó của tôi và cả khách hàng đều rất hài lòng, nó cũng giúp tôi biết cách tổng kết được dàn ý và nội dung chính của một bài content. Về sau những bài content mà tôi viết ở công ty rất hiếm khi xảy ra tình huống bị bắt sửa đổi phần lớn nội dung, tôi cũng không còn gặp tình trạng sau khi nhận nhiệm vụ lại không biết viết từ đâu nữa, trình độ chuyên môn cũng dần được công nhận, thậm chí còn thường xuyên được đồng nghiệp giới thiệu cho các công việc ngoài giờ, giúp tôi kiếm được một khoản kha khá ngoài công việc hành chính, thậm chí về sau, thù lao cho một bài content đã đạt mức giá 100 nghìn tệ, bằng tổng số tiền lương hơn một năm của tôi lúc bấy giờ.
Có lẽ bạn sẽ thấy hiếu kỳ, rốt cuộc đó là một dàn bài như thế nào và nội dung ra sao? Thật sự thần kỳ đến thế ư? Tôi muốn nói với bạn là nội dung cực kỳ đơn giản, chỉ 4 phần thôi: “Nói những gì – Nói với ai – Nói ở đâu – Nói thế nào”. Nói một cách dễ hiểu hơn thì chính là xem khách hàng là đối tượng để tán gẫu, chúng ta áp dụng đúng bốn điều trên sẽ khiến cuộc trò chuyện đạt được hiệu quả cao hơn.
Trước hết, hãy xem kết cấu của dàn bài này nhé:
NÓI NHỮNG GÌ: XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH CỦA CONTENT
Những bài content bị bắt sửa liên tục nhiều lần thường là kết quả của việc người viết content trước khi bắt tay vào viết chưa suy nghĩ kỹ càng đã vội lao vào viết liền một mạch. Trước đây tôi cũng hay gặp phải những vấn đề như thế. Nhưng nếu content không thực hiện được mục đích đã đặt ra, thì đó không phải là một content hay.
Thế nên, chúng ta cần phải hiểu rõ rằng: Mục đích mà content phải đạt được là gì? Là để khách hàng biết đến chúng ta và thậm chí là yêu thích chúng ta? Hay là khiến khách hàng ngay lập tức chốt đơn mua ngay sau khi đọc xong content? Muốn đạt được những mục đích như thế thì chúng ta cần để khách hàng biết được những thông tin gì? Cảm nhận được điều gì?
Những vấn đề như trên sẽ giúp làm rõ hướng triển khai cho nội dung của content hơn, nhưng phần đông các Copywriter mới vào nghề thường hay bỏ qua bước quan trọng này. Trong quá trình làm việc tôi cũng đã thử qua rất nhiều cách, hi vọng rằng có thể mang đến cho các tân binh content một bí quyết trực tiếp và hữu hiệu nhất. Sau này khi tôi tiếp xúc với bí quyết để đạt được mục tiêu trong cuốn sách Thuyết trình hiệu quả (tên tạm dịch) và bắt đầu áp dụng nó cho công việc, đồng thời cũng tiếp tục cải thiện trong quá trình làm việc thực tế, và phát hiện rằng nó rất hiệu quả, đa số các Copywriter mới sau khi đã nắm bắt được bí quyết này thì cho dù những content sau đó viết không được đặc sắc cũng sẽ không còn xảy ra tình trạng bị bắt sửa đổi liên tục nữa. Ít nhất là 60 phút cũng sẽ hoàn thành được một bài content. Trong cuốn sách này, tôi sẽ dạy bạn bí quyết nói trên, chỉ cần chăm chỉ luyện tập, thì khi viết content bạn sẽ không còn cảm thấy mơ hồ, mông lung nữa.
NÓI VỚI AI: XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG CONTENT HƯỚNG ĐẾN
Các thương hiệu ngoài kia đang nói với ai, những “đối tượng tán gẫu” (cũng chính là “đối tượng content hướng đến”) có những đặc điểm chung nào? Mối quan hệ giữa họ và thương hiệu là gì? Càng hiểu rõ các vấn đề này sẽ càng có lợi hơn cho việc viết content của chúng ta. Cũng giống như việc bạn theo đuổi nữ thần trong lòng mình, khi bạn biết cô ấy quan tâm đến điều gì, thích gì, bạn và cô ấy đã tiến triển đến giai đoạn nào, bạn sẽ biết nên nói gì để có thể dễ dàng đốn gục cô nàng. Cuốn sách này sẽ giới thiệu những bí quyết cụ thể, giúp bạn phân tích “đối tượng tán gẫu” cũng chính là nhóm người mà chúng ta gọi là “đối tượng content hướng đến”. Mong rằng có thể bắc nên một chiếc cầu nối, đưa bạn đến gần với đối tượng tán gẫu, giúp bạn càng hiểu rõ hơn về sản phẩm và các “thượng đế” của thị trường.
NÓI Ở ĐÂU: XÁC ĐỊNH CÁCH DIỄN ĐẠT CỦA CONTENT
Content sẽ tiếp xúc với “đối tượng tán gẫu” trong những trường hợp nào? Nói thẳng ra chính là quảng cáo của chúng ta sẽ được tung ra thông qua con đường nào? Trong trường hợp này, content nên truyền đạt các thông tin về sản phẩm đến “đối tượng tán gẫu” như thế nào thì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn và linh hoạt hơn.
NÓI THẾ NÀO: XÁC ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP VIẾT CONTENT
Khi bạn đã xác định rõ nói những gì, nói với ai, nói ở đâu rồi thì còn phải suy xét đến việc sẽ diễn đạt như thế nào. Trong cuốn sách này, tôi chủ yếu sẽ giải thích về “CÔNG THỨC CONTENT 4P” kinh điển: Mô tả (Picture) – Cam kết (Promise) – Chứng minh (Prove) – Thúc đẩy (Push), từ mở bài, thân bài đến kết bài của một bài content, mỗi một giai đoạn chúng ta đều có dàn bài và phương pháp cụ thể để bạn áp dụng, giúp bạn nắm bắt phần lớn nội dung của các content dài. Bên cạnh đó còn có cả những phương pháp để viết content ngắn như: slogan quảng cáo đánh vào trọng tâm, tiêu đề chính của poster quảng cáo, các tiêu đề của content, chỉ cần nắm vững những phương pháp này là có thể thành công hoàn thành nhiệm vụ cơ bản của nghề Copywriting.
Để giúp bạn nắm vững phương pháp triển khai nội dung và dàn bài của một bài content tốt hơn, tôi đã liệt kê các ví dụ trong từng phần, hi vọng có thể mở rộng tư duy của bạn cũng như xâu chuỗi, hệ thống lại các phương pháp viết xuyên suốt từ đầu đến cuối của một bài content cho bạn.
Một bài content hay không những chỉ cần có kỹ xảo viết lách tốt, mà quan trọng hơn hết là phương pháp triển khai nội dung đằng sau đó.
Phương pháp triển khai này sẽ giúp content của bạn gây được tiếng vang và giàu tính chiến lược hơn so với các content khác. Chỉ cần nắm chắc phương pháp này, đồng thời tích lũy dần các kiến thức về content và các kỹ năng viết content, bài content của bạn sẽ có những tiến bộ đáng kể.
Đối với tôi, phương pháp triển khai nội dung chính là thân của tán cây tri thức mà tôi vận dụng trong quá trình sáng tác content, và một khi thân cây với vai trò làm nền móng cho content này không còn tồn tại nữa thì bất kỳ kỹ xảo viết lách nào mà bạn học được cũng đều giống như một tòa thành được xây dựng trên vùng cát chảy, bất cứ lúc nào cũng có thể sụp đổ. Tôi mong rằng bạn có thể nắm vững hệ thống cốt lõi trong quá trình sáng tác content này, vì chỉ khi nắm vững phương pháp viết và dàn bài thì các kỹ năng viết content mà bạn đã tích lũy, trau dồi mới có đất dụng võ.
Bạn cũng có thể vận dụng linh hoạt phương pháp này trong cuộc sống và trong công việc của mình.
Phương pháp này thực ra cũng chính là các bước để giải quyết một vấn đề. Không ít học viên của khóa học content đều nói với tôi rằng, nhờ việc tham gia khóa học viết content mà các kỹ năng làm việc khác của họ cũng tiến bộ hơn, cách giải quyết vấn đề cũng càng ngày càng rõ ràng hơn.
Vận dụng phương pháp này để lập phương án.
Phương pháp này vốn là hướng để lập ra một phương án, vận dụng nó để viết tất cả các loại phương án cũng hoàn toàn không thành vấn đề. Rất nhiều học viên nói rằng, không ngờ học xong cách viết content còn có thể hiểu được làm thế nào để lập một phương án. Đương nhiên, điều quan trọng là bạn phải hoàn toàn nắm vững phương pháp này và đồng thời có thể xâu chuỗi liên kết các phần trong suốt quá trình vận dụng nó.
Vận dụng phương pháp này để tổ chức một cuộc họp.
Cũng có thể áp dụng phương pháp triển khai “Nói những gì – Nói với ai – Nói ở đâu – Nói thế nào” này vào việc chức một cuộc họp. “Nói những gì”: xác định rõ mục đích mở cuộc họp của sếp, “Nói với ai”: nắm bắt đặc điểm và nhu cầu của nhân viên tham dự cuộc họp, “Nói ở đâu”: cân nhắc địa điểm họp thích hợp, “Nói thế nào”: làm thế nào để sắp xếp hợp lý trình tự và chủ đề của cả cuộc họp.
Vận dụng phương pháp này để viết CV1.
1 CV - Curriculum Vitae: Hồ sơ xin việc.
Nếu xem CV của bạn như một bài content và viết nó dựa theo phương pháp này, thì “Nói những gì”: xác định ưu điểm nổi bật nhất của bạn; “Nói với ai”: nắm bắt điều mà đơn vị tuyển dụng quan tâm; “Nói ở đâu”: suy xét kỹ về những điểm tương thích giữa CV của mình và nhu cầu của nhà tuyển dụng, ví dụ nếu CV được gửi qua mail thì tiêu đề mail của bạn chắc chắn phải suy nghĩ kỹ, để tránh trường hợp tiêu đề khiến người nhận mail nghĩ rằng đó là mail rác, ngược lại cứ viết rõ là “XX xin ứng tuyển vị trí XXX” sẽ tốt hơn. “Nói thế nào”: trong CV phải thể hiện bản thân một cách ngắn gọn và có trọng tâm. Trau chuốt cho CV của bạn theo phương pháp này sẽ giúp CV càng thu hút người khác hơn.
Vận dụng phương pháp này để chuẩn bị cho việc ứng tuyển.
Từng có người nói với tôi rằng cậu ấy không có kinh nghiệm ở mảng Copywriting, nhưng lại sắp đi phỏng vấn, phía tuyển dụng yêu cầu cậu ấy chuẩn bị vài trường hợp tiêu biểu, cậu ấy hỏi tôi nên chuẩn bị những trường hợp nào thì ổn. Đối với những vấn đề như thế này, chỉ cần phân tích tỉ mỉ việc “Nói với ai”, cũng chính là chức vụ và nội dung công việc mà bạn sắp ứng tuyển, sau khi đã tìm hiểu tường tận thì cứ chuẩn bị những trường hợp có liên quan đến công việc trong tương lai của bạn là được.
Ngoài ra, để tiện cho việc đọc tham khảo, tôi đã mượn tên và mô phỏng theo tính cách của vài học viên trong các khóa huấn luyện content trước đây. Bằng hình thức trò chuyện trên group chat, tôi sẽ đưa ra các thắc mắc của bạn thông qua lời nói của một trong những học viên này, và những học viên khác sẽ vào giải đáp thắc mắc, hoặc chính tôi sẽ trực tiếp trả lời. Nếu bạn vẫn còn những câu hỏi khác, bạn có thể liên hệ trực tiếp với tôi qua tài khoản Official (trang thông tin chính thức) “Diệp Tiểu Ngư chạy chạy chạy” (tên tạm dịch).
Cuối cùng, chân thành cảm ơn mọi người rất nhiều!
Cảm ơn chị Lý Hân Tần – một nhà quảng cáo nổi tiếng, đồng thời là cây bút vàng chuyên viết content cho Estile Bookstore2, đã giúp em nhận thấy tiềm năng vô tận của nghề Copywriting này.
2 Estile Bookstore: Nhà sách Estile - một trong những chuỗi cửa hàng sách bán lẻ lớn nhất tại Đài Loan và cũng là hệ thống phát hành sách tiếng Anh lớn nhất tại Đài Loan. Cửa hàng đầu tiên được mở vào năm 1989, điều đặc biệt của nhà sách này là mở cửa suốt 24 giờ.
Cảm ơn thầy Đằng – tổng giám chế Marketing của một công ty tầm cỡ đã chỉ dạy từng li từng tí cho em, giúp em mở ra cánh cửa đến với thế giới content, khiến em muốn trở thành một người giống như thầy được làm người hướng dẫn cho nhiều người hơn, để giúp họ đỡ phải đi đường vòng.
Cảm ơn “Záo sư Lý”3 – Phó Chủ tịch tiền nhiệm của Baidu4 đã giúp em được tiếp xúc với các phương pháp luận content giàu tính khoa học hơn.
3 Tên thật là Lý Tịnh (sinh năm 1991), “Záo sư Lý” là tên Official Accounts của anh. Tháng 12 năm 2016 anh đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Công ty Baidu và ngày 18 tháng 04 năm 2018 tuyên bố từ chức với lý do muốn phát triển theo hướng độc lập.
4 Baidu: Công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm dữ liệu trên mạng lớn nhất Trung Quốc, do Lý Ngạn Hoành và Từ Dũng thành lập vào tháng 1 năm 2000.
Cảm ơn thầy Tiểu Mã Tống - cố vấn chiến lược Marketing đã giúp em thấy được chất mộc mạc mà một bài content nên có.
Cảm ơn sếp cũ Trần Liễu đã có những yêu cầu nghiêm khắc với em trong công việc và cả những khuyên bảo trong cuộc sống.
Cảm ơn sếp Diêu Húc Hồng – lãnh đạo tiền nhiệm của tập đoàn DongguanTangjiu và Chuỗi cửa hàng tiện lợi Meiyijia, đã cho em cơ hội được sai và sửa sai để tích lũy kinh nghiệm, đồng thời đã giúp em hoàn thiện hệ thống “cây tri thức” của mình.
Cảm ơn Đại Chùy – phát thanh viên của App Dedao và kênh Himalaya FM đã khích lệ tôi thử dạy khóa content online đầu tiên, để tôi có được cảm giác gánh vác sứ mệnh của một Copywriter.
Cảm ơn Ly Giang của diễn đàn “www.qidianla. com” và website “www.woshipm.com”, vào lúc tôi tìm kiếm những diễn đàn học tập để hợp tác đã ký kết hợp tác lâu dài với tôi.
Cảm ơn chú Thu Diệp – chuyên gia chiến lược Marketing online đã cho cháu cơ hội được xuất bản cuốn sách đầu tiên, tuyệt vời hơn là cuốn sách này còn được các trường đại học top đầu trong nước chọn làm giáo trình giảng dạy.
Cảm ơn thầy Thái Đồng – học giả tâm lý, tác giả của Tinh Tiến, trong quá trình em viết sách đã chỉ dạy cho em những kiến thức chuyên môn và để em cảm nhận được tình cảm của một phần tử tri thức.
Cảm ơn cô Dương Thiện Bình – người đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh đạt hiệu quả lâu dài, đã cho em thấy được trình độ chuyên nghiệp của một giáo viên hướng dẫn, đồng thời đã dạy cho em nhiều kiến thức hơn.
Cảm ơn Chủ tịch Tôn – người sáng lập thương hiệu cao cấp LinQingXuan, đã cho “Khóa huấn luyện content” và độc giả của cuốn sách này có cơ hội được kiếm tiền bằng content của mình.
Cảm ơn người thân của tôi – những người đã bao dung cho sự tùy hứng của tôi, đã ủng hộ và dành cho tôi cả không gian lẫn thời gian đủ để tôi theo đuổi ước mơ của mình.
Cảm ơn các bạn học viên của “Khóa huấn luyện content” từ trước đến giờ đã luôn ủng hộ tôi, không ít học viên sau khi học xong khóa học đã mời tôi đến công ty của họ giảng dạy. Đương nhiên, điều đáng quý nhất chính là sự trao đổi và tương tác giữa chúng ta trong suốt quá trình học, giúp tôi phát hiện được khóa học của mình đã làm tốt ở những mặt nào và những phần nào còn có thể làm tốt hơn được nữa.
Cũng xin gửi lời cảm ơn đến các quý công ty từng hợp tác với chúng tôi đã cho phép tôi đưa các trường hợp thực tế của họ vào sách để làm ví dụ, giúp độc giả có thể nhìn thấy làm thế nào để một trường hợp đi từ không đến có.
Cảm ơn Ban Biên tập đã vất vả làm việc vì cuốn sách này, cảm ơn Diệp Huyên Diểu và Thang Bác đã dành công sức để vẽ minh họa hoạt hình cho Tiểu Ngư, giúp cuốn sách có thêm nhiều nét ngộ nghĩnh đáng yêu.
Sau cùng, cảm ơn tất cả các bạn – những độc giả thân mến của tôi, khi bạn cầm trên tay cuốn sách này, hành động ấy đã thể hiện sự tin tưởng và ủng hộ mà bạn dành cho tôi, tôi tin rằng mối duyên này sẽ khiến chúng ta có những thay đổi tích cực.
Sau khi bản thảo của sách hoàn thành, tôi đã đi cùng thầy Thu Thủy và nhóm phượt Du Mục Tinh Cầu đến Thanh Hải. Trong chuyến du lịch ấy tôi đã bắt gặp một loài cá, tên là Hoàng Ngư, mỗi năm cứ đến tháng Sáu chúng sẽ bơi đến nhánh sông đổ ra từ hồ Thanh Hải để đẻ trứng, và sau đó sẽ biến mất khỏi thế giới này. Sinh sản chính là sứ mệnh của chúng, một khi đời sau được sinh ra thì sinh mệnh của chúng dường như cũng chẳng còn ý nghĩa nữa. Điều đó đã mang đến cho tôi rất nhiều cảm xúc, trong chúng ta cũng có rất nhiều người không khác biệt lắm với loài cá Hoàng Ngư này, có chăng chỉ là sống lâu hơn một chút. Nhưng tôi xưa nay vẫn luôn cho rằng bản thân mình còn có thể làm chút việc gì đó khiến thế giới này trở nên khác biệt, sứ mệnh của tôi không phải chỉ là sinh con đẻ cái. Nếu sau khi đọc cuốn sách này và tìm ra các phương pháp viết content của riêng mình, và tiếp tục không ngừng trau dồi, bồi đắp nó trên con đường viết content, thậm chí tạo ảnh hưởng và thay đổi nhiều người hơn, thì đó chính là ý nghĩa tồn tại lớn lao nhất của tôi trên cuộc đời này.
Tôi rất thích câu mà Lý Tông Thịnh nói trong quảng cáo của New Balance: “Đời người không có con đường nào là vô nghĩa, mỗi một bước đi đều mang ý nghĩa riêng của nó.”
Mong rằng cuốn sách này cũng có thể trở thành một bước đi quan trọng trong cuộc đời bạn.
Mời các bạn đón đọc Content Bạc Tỷ của tác giả Diệp Tiểu Ngư.