Tạp văn
Lang thang chữ nghĩa
Phan Huy Đường
1.Ngày ngày Lang thang chữ nghĩa
Trong văn học Pháp, Lang thang chữ nghĩa thuộc loại Carnet của nhà văn, thi sĩ, triết gia. Lúc viết, họ hay giả vờ : ghi cho mình đừng quên thôi, không có ý đăng. Như Pensées của Pascal ấy mà. Nhưng nhiều người thầm kín mong sẽ được người đời đăng và quan tâm, thậm chí mê, sau khi mình đã đi chầu Diêm Vương. Ở Alain, thường là những châm ngôn (aphorismes). Ở Sartre thì mỗi đề tài són thành vài… trăm trang : Carnets de la drôle de guerre, Carnets pour une morale et tutti quanti. Sartre trung thực với triết lý của chàng khi chàng cho phép đăng tất cả thư từ, bản nháp et tutti quanti mà chàng đã từng viết : chúng đã từng là (est été) chính mình, sao phải phụ nhận chúng ?
Ở tôi, Lang thang chữ nghĩa là triết dưới hình thái… mì ăn liền ! Nó chỉ khác mì ăn liền thông dụng ở một điểm thôi : thiếu bột gia vị phong phú của công nghiệp đánh chén. Muốn thưởng thức nó một cách trọn vẹn, phải tưới nước dùng độc nhất hợp khẩu vị với nó : Tư duy tự do (Nxb Đà Nẵng, 2006) và http://amvc.free.fr/PHD/TDTD/TuDuyTuDoTable.htm.
2009-05-30. PHD
2.Ngôn ngữ đời thực và nghệ thuật bằng ngôn ngữ
Ngày nào con người biết nói chuyện thật thà với nhau vì biết tin cậy, quý trọng và trìu mến nhau bất kể khác biệt thậm chí đối kháng nhau, ngày ấy thơ văn tiêu vong.
Chính vì ngôn ngữ chính trị và ý thức hệ, trong đó có thơ văn, là công cụ hữu hiệu nhất cho phép con người lừa nhau, giả dối với đời, giả dối với chính mình, một cách rất văn chương, mà trong thế giới ngôn ngữ[1] còn có đất sống cho thơ văn.
Khi người ta gọi một kế hoạch đào thải con người ra ngoài xã hội, biến nó thành kẻ thất nghiệp, không cần thiết nữa cho xã hội – môi trường tồn tại, nên người và làm người của nó – và, vì thế, không có quyền kiếm ăn để tồn tại bằng lao động của mình, không có quyền sống như một con người, là kế hoạch xã hội tính (plan social, hàm ý : một kế hoạch nhân ái bảo vệ con người trong xã hội), thơ văn sẽ còn điều đáng nói với người đời.
Sau đó, chỉ còn những điều chưa hề có ai nói tới mà vẫn đầy người khát khao hướng tới, trên khắp thế giới, ở cả loài người hôm nay. Như em chẳng hạn, hè hè. Khó lắm đấy, bạn đời văn chương Ziao Chỉ ơi… Có mấy nhà văn nhà tư tưởng Ziao Chỉ đã làm được điều ấy cho người đời không Ziao Chỉ trong thế kỷ 20-21 ? Trong lĩnh vực tư tưởng, nếu có, ta xin lạy thầy cho con được làm đệ tử.
Trong khi chờ đợi, ta đành lang thang chữ nghĩa.
Bạn đời ơi, hãy cùng ta lang thang nhé. Chẳng vinh hiển gì, nhưng cũng zui zui, và chẳng chết ai cả. Biết đâu cũng có lúc gặp nhau.
Ngoài chuyện ấy, ta chẳng là gì, có gì, còn ai. Hè hè…
2009-04-09.PHD
[1] quan hệ hoàn hảo nhất giữa người với người trong tư cách người. Không có nghĩa là tốt đẹp nhất, chỉ có nghĩa là đầy đủ nhất, kể cả dưới dạng "nghệ thuật" nhất, đểu nhất : văn chưong.
3. Quán tính của ngôn ngữ
Ta tư duy bằng ngôn ngữ. Quan tính của ngôn ngữ của người đời trong đầu ta, rất đáng sợ. Nhưng quán tính của ngôn ngữ của chính ta trong đầu ta, có lúc còn đáng sợ hơn.
Ta bấp bênh tự do giữa hai sự lệ thuộc ấy.
2009-04-11.PHD
4.Một loại nhà văn
Chúng ta nặng tình chữ nghĩa, sống với nội tâm nhiều hơn với đời thực người thực. Chữ nghĩa quay cuồng trong đầu ta, tỏa vào cơ thể, lộ thành nét vui nỗi buồn trong vẻ mặt, hơi thở, cử chỉ, lời nói… Thỉnh thoảng tuôn vào ngòi bút. Năm thì mười họa biến thành văn.
Máu thịt của ngôn từ ở ta là như thế. Nó cũng cho phép con người thương nhau.
2009-04-13.PHD
5.Ngôn ngữ của tiềm thức
Khi viết văn tiếng Việt hay tiếng Pháp, tôi không bao giờ dịch từ tiếng này qua tiếng kia. Tuy vậy, trong văn tiếng Việt của tôi, thỉnh thoảng có cách nói đúng là "Tây con". Rõ ràng tiếng Pháp đã ngấm vào tiềm thức của tôi nên ngay khi viết chính mình bằng tiếng Việt, nó cũng hồn nhiên tự phát. Trong lĩnh vực này, con người chưa tự do ở đó. Nó mãi phải vươn tới tự do ngay ở chính mình. Thỉnh thoảng đọc văn tiếng Pháp của mình, tôi phát hiện điều ngược lại : rõ ràng có ý, có câu, gốc gác VN. Tôi không bao giờ sửa : đó là tiếng Pháp của tôi và tôi không có nhu cầu đầu quân Hàn lâm viện Pháp.
Giao lưu văn hoá có thể như thế đó.
Học thuyết Darwin hiện đại hoá + Khoa học về neuron + Ngôn ngữ học có thể giải thích được Freud lắm.
Nếu như Marx nói, "gốc gác của con người chính là con người"[1], thì bản-thể của ta là ngôn ngữ của loài người đọng ở trong óc não của ta. Ngoài vài tiếng nói đang tiêu vong của các bộ lạc đang ngắc ngoải trong rừng thẳm vùng Amazonie, mọi ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt, đều lai căng vì không ngôn ngữ nào phát triển và tồn tại được cho tới ngày nay một cách biệt lập với các ngôn ngữ khác. Ai muốn đi tìm bản-thể của mình, chỉ cần trực diện đối đầu với ngôn ngữ đanh hoành hành trong đầu mình, tri phối tình cảm và tư duy của chính mình.
Không dễ nhé, bạn đời ơi.
2009-04-13.PHD
[1] Mais la racine pour l’homme, c’est l’homme lui-même. Marx Engels, Études Philosophiques, Éditions Sociales, 1974, p. 27
6. Sợ - 2
Nỗi sợ cho thân phận của chính mình tự nó đã khủng khiếp.
Nhưng có lúc nỗi sợ cho thân phận của thân nhân – cha mẹ, anh chị em, con cháu, bạn bè… chẳng hạn, hay cho những người ta quý trọng đang đứng mũi chịu sào trong hoàn cảnh khác hoàn cảnh êm ả của ta, còn kinh hoàng hơn nữa : nó có khả năng thắt họng ta, người dám liều cầm bút.
Không có phương trình giải đáp toàn hảo, tuyệt đối, vĩnh cửu. Ứng xử thế nào đi nữa cũng đượm mùi ngụy biện. Hậu sinh nhớ nhé.
Làm gì, nói gì bây giờ đây ? Đến bao giờ kiếp người mới hết là kiếp nhục ?
Hè hè…
2009.04.22.PHD
7.Hành động bằng văn chương
Khi hành động vì những giá trị, ý tưởng, tri thức đáng khiến ta hành động, vẫn phải biết nhắm hiệu quả trong bối cảnh nào đấy.
Khi viết văn, chỉ có thể yêu điều "vô tư" và, nếu được, zui zui !
Câu hỏi nan giải của kẻ muốn hành động bằng văn chương một cách có ý thức đó.
2009-04-24.PHD
Phan Huy Đường
***
Vĩnh biệt người “Ăn mày văn chương”
Trần Tuấn
Không nhớ rõ tự bao giờ, trong hộp thư điện tử của tôi vào mỗi tháng lại nhận được một email gửi từ “Ăn mày văn chương”. Mỗi email bên dưới đều có mấy lời lịch lãm, đại ý rằng “Nếu bạn không muốn nhận thông tin hàng tháng này ở đây -Xin cho tôi một lời - phanhuy.duong@…”.
Lúc đầu tôi cũng hơi ngạc nhiên, nhưng vào đọc thì thật thú vị. Đó là một website về văn chương nghệ thuật được điều hành bởi một nhóm 6 nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nghiên cứu văn chương hiện đang sống tại Pháp. Nhưng nhóm tác giả lại không coi đó là Website văn nghệ thông thường, mà gọi đó là “Trạm Đọc”.
Người khởi xướng “Ăn mày văn chương” là nhà văn, dịch giả, nghiên cứu triết học Phan Huy Đường. Ông sinh năm 1945 ở Hà Nội, từ 1963 sang Pháp du học rồi định cư luôn tại đây.
Phan Huy Đường viết tiếng Pháp và tiếng Việt, là tác giả và dịch giả của rất nhiều cuốn sách: “Một hành trình tư duy”, “Vẫy gọi nhau làm người”, “Tư duy tự do”, “Chơi trò Babel”, “Aimer – Mourir – Yêu-Chết”, “Thơ người dị ứng với thơ”, “Một mối tình ngụ cư”, “Nhạc ở tôi”, “Lang thang chữ nghĩa”,… (Trong đó cuốn “Tư duy tự do” được in tại NXB Đà Nẵng, 2006).
Ông nghiên cứu triết học, là chuyên gia về Jean-Paul Sartre, về các tác giả thơ Pháp, về Hậu hiện đại. Ông viết tiểu thuyết. Ông dịch sang tiếng Pháp hầu hết các tác phẩm của Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Trần Vũ, Bảo Ninh, Nguyễn Duy… Bộ “sưu tập” văn chương đương đại Việt Nam mà ông hợp tác với NXB Philippe Picquier (Pháp) thật bền bỉ và đồ sộ, lên đến hơn 50 tác giả…
… Sau rồi tôi mới dần hiểu ra vì sao hàng tháng tôi lại được mời đọc “Ăn mày văn chương”. Bởi Phan Huy Đường cũng chính là một sáng lập và biên tập viên của Diễn Đàn (diendan.org), nơi tôi thường được đăng tác phẩm. Với ông, tôi là một bạn đọc đáng tin cậy chăng? Và có lẽ còn vì ông và tôi cùng thân thiết với nhà văn Đà Linh, nguyên TBT Nhà xuất bản Đà Nẵng…
Còn “ĂN MÀY VĂN CHƯƠNG”? Một tiêu chí văn chương thật độc đáo và khiêm nhường. Như những gì ông lý giải:
“Trong văn học, Tôi có thể ăn mày văn chương trong nghĩa sau: Tôi kêu gọi người khác đọc những gì Tôi viết vì không có ai đọc thì những gì Tôi viết chỉ tồn tại như một mớ giấy lem nhem mực, không thành tác phẩm, không thành văn. Tác phẩm và văn chương hình thành trong quá trình đọc của độc giả. Vì thế nó có khả năng tồn tại trong một không gian và thời gian rộng lớn hơn không gian và thời gian của tác giả.
Điều trên cần thiết nhưng không đầy đủ. Nếu người đọc tiếp cận bài vở của Tôi với một tấm lòng bẩn thỉu đầy hận thù, ganh ghen, với đầu óc đầy thành kiến, nghi kỵ, không gợn chút tự do tin người, có đọc nghìn lần đi nữa thì trước tác của Tôi cũng không thành văn được. Chỉ khi nào người ấy đọc trước tác của Tôi với lòng nhân và lý trí tự do của con người, trước tác đó mới có khả năng thành văn, mới có khả năng tồn tại vượt thời gian và thời đại của Tôi.
Và đây là điều kiện cuối cùng, cơ bản nhất : trước tác của Tôi phải có khả năng khơi lòng nhân và lý trí tự do nơi người đọc, như thế nó mới có khả năng tìm được người đọc xứng đáng và trở thành văn chương.
Vì vậy, khi Tôi đọc văn của người khác, điều đầu tiên Tôi cố gắng làm là quét sạch kiến thức của Tôi để có thể đón nhận một con người khác Tôi, trong tư thế của một con người tự do, bình đẳng và trìu mến.
Đó, với Tôi, là thái độ ăn mày văn chương.
Và cũng chỉ là thái độ văn chương thôi. Còn phải viết sao cho hình thức với nội dung quyện lại thành một, biến thành văn phong trung thực của một con người, biến thành nghệ thuật” (hết trích).
Con người uyên bác, hài hước mà cũng đầy lặng lẽ, khiêm nhường Phan Huy Đường vừa từ biệt cõi đời này. Khiêm nhường đến nỗi cuộc chia xa của ông cả tôi và nhiều người cũng biết thật muộn màng…
Theo như tin buồn trên diendan.org, ông đã đột ngột từ trần ngày 4 tháng 10 năm 2019 tại bệnh viện Georges Pompidou, Paris, thọ 74 tuổi. Lễ hoả táng đã cử hành ngày 11.10.2019 trong vòng tay gia đình…
Một mùa mất mát lớn của văn chương chữ nghĩa, từ Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Trần Tuấn Kiệt, nay đến Phan Huy Đường.
Xin vĩnh biệt Người đã cho chúng ta “Ăn mày văn chương” suốt cõi!
Trần Tuấn
Mời các bạn đón đọc Lang Thang Chữ Nghĩa của tác giả Phan Huy Đường.