Vì Sao Chúng Ta Làm Việc đưa ta đến lời giải cho bí mật của hạnh phúc nơi làm việc. Sau tất cả, Barry Schwartz đã chứng minh cho chúng ta thấy gốc rễ của thành công trong lao động hiếm khi được khuyến khích, trong khi chúng ta lại cố gắng làm những việc chỉ đem lại kết quả xấu.
Tại sao chúng ta làm việc? Tại sao mỗi sáng ta lại phải kéo lê mình ra khỏi giường thay vì sống cuộc đời ngập tràn niềm vui với hết trò này đến trò khác?
Nhưng câu hỏi tưởng như thật đơn giản và ai cũng dễ dàng trả lời. Nhưng Giáo sư Barry Schwartz lại chứng minh rằng thật ra câu trả lời chi nó lại vô cùng phức tạp, đáng kinh ngạc và vô cùng khẩn cấp.
Ta làm việc vì ta phải kiếm sống. Chắc chắn rồi, nhưng chỉ có vậy thôi sao? Tất nhiên là không rồi. Khi bạn hỏi những người hài lòng với công việc tại sao họ làm công việc ấy, thì gần như tiền không phải là câu trả lời. Danh sách những lý do phi-tiền-bạc rất dài và rất thú vị.
Nhiều người làm việc vì họ thấy vui. Những người hài lòng với công việc lao động vì thấy có trách nhiệm. Những người khác làm việc vì đó là cơ hội để hòa nhập cộng đồng. Nhiều người làm việc vì họ cảm thấy việc mình làm thật ý nghĩa.
Những nguyên nhân phong phú khiến chúng ta thỏa mãn với công việc kể trên đã dấy lên một số vấn đề rất lớn. Tại sao trên thế giới này có vô vàn người mà công việc của họ lại chẳng có nhiều hoặc hoàn toàn vắng bóng những đặc tính này? Tại sao với hầu hết chúng ta, công việc thật là đơn điệu, vô vị và mòn mỏi? Tại sao chủ nghĩa tư bản phát triển lại tạo ra một mô hình làm việc hạn chế hoặc triệt tiêu các cơ hội nuôi dưỡng sự hài lòng phi vật chất tiềm năng – mà chính nó sẽ khuyến khích người ta làm việc tốt hơn?
***
Tại sao chúng ta làm việc? Tại sao mỗi sáng ta lại phải kéo lê mình ra khỏi giường thay vì sống cuộc đời ngập tràn niềm vui với hết trò này đến trò khác? Thật là câu hỏi ngớ ngẩn. Ta làm việc vì ta phải kiếm sống. Chắc chắn rồi, nhưng chỉ có vậy thôi sao? Tất nhiên là không rồi. Khi bạn hỏi những người hài lòng với công việc tại sao họ làm công việc ấy, thì gần như tiền không phải là câu trả lời. Danh sách những lý do phi-tiền-bạc rất dài và rất thú vị.
Người nào hài lòng với công việc thì lao động say mê. Họ làm việc quên mình. Tất nhiên không phải lúc nào cũng thế, nhưng cũng đủ để điều đó trở thành đặc điểm nổi bật của họ. Những người này được khơi gợi tinh thần thử thách. Công việc buộc họ phát huy khả năng – bước ra ngoài vùng an toàn của mình. Những người may mắn này cho rằng làm việc thật là vui, vui như chơi trò đoán ô chữ hay Sudoku vậy.
Con người làm việc còn vì lẽ gì nữa? Những người hài lòng với công việc lao động vì thấy có trách nhiệm. Công việc cho họ phương tiện để có quyền độc lập và tự quyết. Và họ sử dụng quyền ấy để nâng cao khả năng của bản thân. Họ học những điều mới mẻ, phát triển bản thân cả trong công việc lẫn đời sống.
Những người này làm việc vì đó là cơ hội để hòa nhập cộng đồng. Họ làm nhiều việc với tư cách là một thành viên nhóm, và ngay cả khi làm việc một mình, trong những lúc tĩnh lặng, họ vẫn có nhiều cơ hội tương tác với bên ngoài.
Cuối cùng, những người này hài lòng với công việc vì họ cảm thấy việc mình làm thật ý nghĩa. Có thể là, công việc của họ khiến thế giới thay đổi. Nó khiến cuộc sống của những người khác tốt đẹp hơn. Và thậm chí theo những cách đầy ý nghĩa.
Tất nhiên, chẳng có nhiều công việc, và tôi nghi ngờ là không có công việc nào, lúc nào cũng hội tụ tất cả những đặc điểm này. Nhưng những đặc trưng nghề nghiệp như thế này chính là điều sút ta ra khỏi nhà, thúc ta cõng việc về nhà, huých ta nói về công việc của mình với những người khác, và khiến ta ngần ngừ không muốn nghỉ hưu. Ta sẽ không làm việc nếu không được trả công, nhưng đó không phải là lý do mấu chốt. Và ta hay nghĩ vật chất là một lý do làm việc chẳng đẹp đẽ gì. Thật vậy, khi nói ai đó “làm việc vì tiền”, ta không chỉ đơn thuần là giới thiệu, mà còn có ý đánh giá nữa.
Những nguyên nhân phong phú khiến chúng ta thỏa mãn với công việc kể trên đã dấy lên một số vấn đề rất lớn. Tại sao trên thế giới này có vô vàn người mà công việc của họ lại chẳng có nhiều hoặc hoàn toàn vắng bóng những đặc tính này? Tại sao với hầu hết chúng ta, công việc thật là đơn điệu, vô vị và mòn mỏi? Tại sao chủ nghĩa tư bản phát triển lại tạo ra một mô hình làm việc hạn chế hoặc triệt tiêu các cơ hội nuôi dưỡng sự hài lòng phi vật chất tiềm năng – mà chính nó sẽ khuyến khích người ta làm việc tốt hơn? Những người làm kiểu công việc này – dù trong nhà máy, cửa hàng thức ăn nhanh, kho hàng bán theo yêu cầu, hay quả thực, trong những công ty luật, lớp học, phòng khám và văn phòng – là làm vì tiền. Dù có cố gắng tìm kiếm ý nghĩa, thử thách, và không gian để được tự quyết đến đâu, thì họ cũng phải đầu hàng trước điều kiện làm việc. Cách thức công việc của họ được tổ chức thực sự chẳng cho họ một lý do ý nghĩa nào ngoại trừ tiền lương.
Theo một báo cáo diện rộng do Gallup, một tổ chức thăm dò ý kiến có trụ sở tại Washington, D.C xuất bản vào năm 2013, số người lao động “chống đối” trên thế giới nhiều gấp đôi so với những người lao động “gắn bó” với công việc của mình. Gallup đã đo lường sự hài lòng với công việc trên toàn cầu trong gần hai thập kỷ. Tổng cộng họ đã khảo sát 25 triệu người lao động ở 189 quốc gia khác nhau. Trong những phiên bản mới đây nhất, họ thu thập thông tin từ 230.000 người lao động làm việc toàn thời gian và bán thời gian ở 142 quốc gia. Nhìn chung, Gallup đã nhận ra chỉ có 13% số người cảm thấy gắn bó với công việc của mình. Những người này làm việc đam mê và dành trọn thời gian để thúc đẩy công ty, doanh nghiệp mình tiến lên. Phần lớn chúng ta, khoảng 63%, không cảm thấy yêu công việc. Chúng ta lờ đờ, nửa tỉnh nửa mê lê lết qua hết một ngày dài, chẳng đầu tư công sức gì lắm cho công việc. Và số người còn lại thì làm việc cực kỳ chống đối, thực sự ghét việc. Nói cách khác, công việc thường xuyên là một nguồn khó chịu hơn là nguồn vui sướng cho gần 90% người lao động trên thế giới. Hãy nghĩ đến sự lãng phí các dịch vụ xã hội, lãng phí cảm xúc và có lẽ lãng phí cả tiền bạc mà con số thể hiện. 90% người trưởng thành dành một nửa thời gian thức để làm những việc họ không muốn làm và ở những nơi mà họ không muốn ở.
Những câu hỏi khảo sát của Gallup đã nắm bắt được nhiều lý do làm việc mà tôi vừa liệt kê. Những khía cạnh công việc mà bài khảo sát nói đến là: cơ hội làm việc một cách “tương xứng”, hết sức mình; cơ hội để có hứng thú học hỏi và phát triển bản thân; để cảm thấy cảm kích, vui vẻ với đồng nghiệp và quản lý; để cảm thấy được tôn trọng ý kiến; để cảm thấy công sức mình bỏ ra là cần thiết; và để có những người bạn tốt ở nơi làm việc. Và đối với phần đông áp đảo, công việc của họ thiếu – thiếu nhiều – những điều đó. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao? Cuốn sách này sẽ đưa ra một câu trả lời.
***
Hơn hai thế kỷ nay, cả xã hội và từng cá nhân chúng ta đã thấm nhuần một số quan niệm sai lầm về quan hệ của con người với công việc. Đó là một nguyên lý kinh tế học đã được chấp nhận từ lâu, được một số học thuyết tâm lý bồi thêm cho vững chắc. Nguyên lý ấy là: nếu bạn muốn có một ai đó – nhân viên, sinh viên, quan chức chính phủ hay con cái của bạn – làm một việc gì đó, thì bạn phải đền bù xứng đáng cho họ. Con người làm việc vì được thúc đẩy, vì phần thưởng, vì tiền. Bạn có thể thấy quan điểm này vận hành trong phương pháp “cà rốt và cây gậy”, một phương pháp chủ yếu trong những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính hiện thời của thế giới. Để tránh tình trạng khủng hoảng tài chính tái diễn, người ta cho rằng cần phải thay thế những động cơ làm việc “ngớ ngẩn”, thủ phạm dẫn tới tình trạng khủng hoảng đó, bằng những động cơ “thông minh hơn”. Chúng ta phải có những động cơ đúng. Những thứ khác không thực sự quan trọng. Quan niệm này đã làm sống lại quan niệm của người phát kiến ý tưởng về thị trường tự do, Adam Smith. Trong cuốn Của cải của các quốc gia (The Wealth of Nations), xuất bản năm 1776, ông viết:
Con người ta vốn thích được sống sung sướng nhất có thể; và nếu tiền lương vẫn như vậy dù anh ta có làm việc chăm chỉ hay không, thì anh ta sẽ lơ là và lười biếng vì được cho phép.
Nói cách khác, con người làm việc vì tiền – chẳng hơn mà cũng chẳng kém. Niềm tin của Smith vào sức mạnh thúc đẩy của đồng tiền dẫn ông tới chỗ bênh vực cho cách thức phân chia công việc thành những thao tác nhỏ, lặp lại dễ dàng, cơ bản là vô nghĩa. Miễn là được trả lương, còn lại công việc đó tạo ra sản phẩm gì thì người ta chẳng quan tâm nhiều lắm. Và bằng cách phân chia công việc thành những thao tác nhỏ, xã hội sẽ đạt được năng suất làm việc khổng lồ. Để tán dương lợi ích của chuyên môn hóa, Smith đưa ra một ví dụ nổi tiếng, miêu tả một nhà máy sản xuất đinh:
Một người kéo sợi dây ra, người khác lần theo nó, người thứ ba cắt, người thứ tư chộp lấy mẩu cắt ấy, người thứ năm tán cái đầu nó ra để tạo phần mũ… Tôi đã nhìn một phân xưởng nhỏ làm việc kiểu ấy, họ chỉ thuê có 10 người… Bọn họ có thể làm ra được hơn 48.000 cái đinh một ngày… Nhưng nếu cho làm việc riêng rẽ và độc lập… thì chắc mỗi người không làm nổi được 20 cái.
Như chúng ta sẽ thấy sau này, quan điểm của Smith về loài người tinh vi hơn, phức tạp hơn và giàu sắc thái hơn nội dung vừa trích dẫn. Ông ta không tin rằng “con người trong công việc” nói lên toàn bộ câu chuyện, hay thậm chí là chuyện mấu chốt nhất, về bản chất con người. Nhưng dưới bàn tay những kẻ hậu bối của Smith, quan niệm đó đã mai một đi phần lớn độ tinh vi và khía cạnh phức tạp của nó. Hơn một thế kỷ sau, các quan điểm của Smith đã dẫn đường chỉ lối cho cha đẻ của cái được gọi là phong trào “quản lý khoa học”, Frederick Winslow Taylor. Taylor nghiên cứu tỉ mỉ về thời gian và cử động để tinh giản nhà máy, như cách Smith hình dung, để biến nhân công thành một bộ phận của một bộ máy vận hành trơn tru. Và ông ta đã đặt ra những cơ chế khen thưởng để thúc đẩy nhân công làm việc chăm hơn, nhanh hơn, và chính xác hơn. Không lâu sau đó, quan điểm của Smith đã tác động đến suy nghĩ của một nhân vật tiếng tăm trong giới tâm lý học giữa thế kỷ 20, B. F. Skinner. Các nghiên cứu của Skinner trên chuột và bồ câu – qua những thí nghiệm đơn giản, lặp lại, hết lần này đến lần khác, với phần thưởng là thức ăn hoặc nước uống – đã khoác lên một cái áo mang màu sắc khoa học đúng đắn và phương pháp luận cho những cải cách môi trường làm việc do Taylor phát triển. Skinner đã chỉ ra rằng hành vi của con vật có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ và được kiểm soát chặt chẽ bằng cách điều khiển số lượng phần thưởng và tần số thưởng mà hành vi đó đem lại. Giống như Taylor phát hiện ra chế độ trả lương khoán theo sản phẩm (một số tiền cố định cho mỗi sản phẩm hoàn thành) đã nâng cao năng suất làm việc ở nhà máy, Skinner nhận ra rằng con chim bồ câu trong phòng thí nghiệm cũng nghe lời hơn với hình thức khoán tương tự.
Bạn có thể hỏi tại sao lại có ai đó đi chọn làm việc trong xưởng đinh của Smith, tán đầu đinh hết phút này đến phút khác, giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác cơ chứ. Câu trả lời của Smith là, tất nhiên rồi, phàm là người thì chẳng ai thích làm việc trong xưởng đinh. Nhưng phàm là người thì cũng chẳng ai thích làm việc cho dù ở bất cứ đâu. Smith đang nói với chúng ta rằng lý do duy nhất cho việc người ta làm bất kỳ thể loại công việc nào chính là số tiền mà nó đem lại. Và miễn là số tiền ấy xứng đáng thì bản thân công việc ra sao lại chẳng thành vấn đề.
Adam Smith đã nhầm về thái độ và động lực làm việc của chúng ta. Nhưng khi chủ nghĩa tư bản phát triển dưới ảnh hưởng của ông, bằng một bước xoay mình uyển chuyển của “lý thuyết động cơ cho vạn vật”, người ta đã cải tiến ra một mô hình làm việc bỏ qua hoặc xóa sổ tất cả những yếu tố tiềm năng khác có thể khiến con người ta hài lòng với công việc. Và dần dần, cả hành tinh này đều vận hành theo mô hình như thế, nên mỗi sáng người ta lê bước đi làm mà trong lòng đã chết đi mầm mống ý nghĩa công việc mình làm, đã nguội lạnh lòng thiết tha hay phai tàn những cảm giác hứng khởi do được thử thách khả năng. Vì chẳng có lý do gì để làm việc ngoại trừ tiền, nên họ sẽ làm việc vì tiền. Vậy là quan điểm sai lầm của Smith về lý do làm việc của con người đã trở thành đúng.
Ở đây, tôi không định nói rằng trước cuộc cách mạng công nghiệp, lao động là việc vui vẻ. Không hề. Tuy nhiên, lao động của những nông dân, thợ thủ công, và người bán hàng, mặc dù có thể đã từng vất vả, nhưng người ta lại khá tự do, có quyền tự quyết và công việc cũng khá phong phú. Họ có cơ hội sử dụng tài khéo léo của mình để giải quyết các vấn đề phát sinh và tìm tòi những cách thức làm việc hiệu quả hơn. Tất cả những cơ hội này đã rớt lại phía sau khi người ta bước qua cánh cửa nhà máy.
Có thể bạn đồng ý với Smith. Có thể bạn tin rằng với hầu hết mọi người, về cơ bản, công việc chỉ xoay quanh tiền lương và chẳng là gì hơn. Chỉ có “giới tinh hoa” mới muốn có công việc thử thách, ý nghĩa và sự gắn bó và chỉ có họ mới có thể trông đợi những điều đó từ công việc. Không chỉ là có phần hợm hĩnh, quan điểm này còn không đúng. Nhiều người làm những việc mà chúng ta vẫn cho là tầm thường – quản gia, công nhân nhà máy, nhân viên trực tổng đài – quan tâm đến nhiều yếu tố hơn là chuyện tiền lương. Trong khi nhiều chuyên gia lại làm việc chỉ vì tiền. Những điều mà mọi người tìm kiếm phần lớn phụ thuộc vào những gì công việc của họ có thể mang lại. Và điều kiện lao động ra đời từ cuộc cách mạng công nghiệp, được kéo dài mãi một phần nhờ vào các lý thuyết từ các ngành khoa học xã hội, đã tước đoạt một cách có hệ thống niềm hạnh phúc lao động của họ. Để làm được như thế, chúng đã cướp mất của con người một nguồn vui quan trọng – và trả về những công nhân tồi tệ.
Bài học ở đây là tầm quan trọng của sự khích lệ vật chất đối với con người sẽ phụ thuộc vào cấu trúc vận hành của nơi làm việc. Và nếu chúng ta tổ chức môi trường làm việc dựa trên quan điểm sai lầm rằng con người làm việc chỉ vì tiền, thì chúng ta sẽ tạo ra một nơi làm việc khiến cho quan điểm sai lầm này trở thành đúng. Bởi vậy, chuyện “người lao động không làm việc vô tư nữa” là không đúng. Cái đúng là bạn sẽ không còn có thể nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình nữa nếu bạn chỉ giao cho người ta một kiểu công việc chán chường và tẻ nhạt. Để mọi người “hỗ trợ nhiệt tình” bạn cần giao cho họ công việc mà họ muốn làm. Và ta sẽ thấy việc người lao động làm việc hết mình, vô tư, không phải vì tiền không còn là mộng tưởng kiểu “bánh vẽ”. Viễn cảnh ấy nằm ngay trong tầm với của chúng ta.
Cũng nên nói rằng nhiều năm qua, lý thuyết và thực tiễn về quản lý đã đi qua những giai đoạn công nhận – thậm chí còn ca ngợi – các động lực làm việc đa dạng của con người, và các nhà quản lý được khuyến khích tạo ra một đời sống công sở có khả năng vun đắp tình cảm gắn bó và ý nghĩa công việc, vì lợi ích của cả nhân viên lẫn của tổ chức. Nửa thế kỷ trước, “Thuyết Y” của Douglas McGregor(1) đã là một nỗ lực có tầm ảnh hưởng lớn trong dòng phát triển này, còn Stephen Barley và Gideon Kunda đã xuất bản một bài báo quan trọng liệt kê diễn biến thịnh suy theo thời gian của những quan điểm quản lý công việc này. Nhưng không hiểu sao, những quan điểm như thế này chưa bao giờ hoàn toàn tàn lụi. Phong cách làm việc thoải mái và khác người của Google cùng các công ty đang phát triển như diều gặp gió khác ở thung lũng Silicon có thể sẽ khiến người ta có ấn tượng rằng những công việc lao dịch theo dây chuyền đã lùi vào dĩ vãng. Nhưng giống như lực hút trái đất, quan niệm người ta làm việc chỉ vì tiền đã hết lần này đến lần khác kéo những hi vọng về những mục đích làm việc cao cả hơn dúi dụi trở về mặt đất. Qua nhiều thế kỷ, người ta đã nhận ra những quan niệm của Adam Smith về bản chất con người quả thật rất dai dẳng.
Các quan điểm hoặc lý thuyết về bản chất con người có một vị trí độc nhất trong các ngành khoa học. Chúng ta không phải lo lắng rằng trật tự vũ trụ sẽ bị biến dạng do những giả thuyết của chúng ta về vũ trụ. Các hành tinh thực sự không quan tâm đến quan niệm hoặc lý thuyết của chúng ta về chúng. Nhưng chúng ta nên lo lắng rằng bản chất con người sẽ bị thay đổi bởi các lý thuyết chúng ta đưa ra về bản chất con người. Bốn mươi năm trước, nhà nhân chủng học lỗi lạc Clifford Geertz đã nói rằng loài người là “động vật chưa hoàn thiện”. Ý ông là bản chất con người chính là sản phẩm của xã hội xung quanh chúng ta. Rằng con người tạo ra chứ không phải phát hiện ra bản chất của mình. Chúng ta “thiết kế” bản chất con người, bằng cách thiết kế nên những tổ chức mà mình sống trong đó. Bởi vậy ta nên tự hỏi bản thân là mình muốn góp phần thiết kế nên loại bản chất nào.
Nếu muốn góp phần tạo nên một kiểu con người tìm kiếm những thử thách, sự gắn bó, ý nghĩa, và sự thỏa mãn trong công việc, chúng ta phải bắt đầu từ việc xây dựng một con đường thoát khỏi cái hố sâu mà gần ba thế kỷ những hiểu lầm về động lực và bản chất chất con người đã đẩy chúng ta vào, và giúp bồi dưỡng những mảnh đất làm việc mà trong đó thử thách, sự gắn bó, ý nghĩa và sự thỏa mãn có thể đâm chồi.
Mời các bạn đón đọc Vì Sao Chúng Ta Làm Việc của tác giả Barry Schwartz.