Dựa lưng nỗi chết là thiên truyện thứ nhì sau Ải trần gian (1970), vẫn lấy đề tài quen thuộc với tác giả là chiến tranh. Tác phẩm gồm 7 chương và một đoạn kết nằm ngoài cấu trúc chung, những lần tái bản ở hải ngoại về sau còn thêm bài tựa của bạn văn Đào Vũ Anh Hùng[2].
Không khí trong truyện là cuộc Chiến tranh Việt Nam đang đà khốc liệt nhất, thế giới trong truyện là thế giới của đàn ông: Người lính, người trí thức trong cơn lửa loạn, người thanh niên bất mãn, nhà tu hành. Cái chết bi thảm của những người bị hệ tư tưởng chia rẽ đưa đến những dấu hỏi về khái niệm thuận nghịch và anh hùng. Rồi trong cảnh chiến tranh tương tàn, đâu là chỗ đứng của một nhà chân tu.
Truyện của Phan Nhật Nam được dựng lên trong một không gian gắn thiết thân với tâm trạng của mỗi nhân vật. Sau cùng, thế giới cảm tính của tác giả dần được biểu lộ.
Đây là truyện của ba người lính Nhảy Dù. Cả ba tham gia một cuộc hành quân miền Trung đã 78 ngày. Năm hết Tết sắp đến, họ có mặt ở Huế và không ngờ biến cố Mậu Thân sắp ập đến như cơn gió lốc.
Minh và Lạc được nghỉ phép hai ngày. Minh về thăm nhà và dự lễ ăn hỏi người chị họ tên Quỳnh Như, anh bèn mời Thuấn lúc đó ở trong trại cùng đến dự cho thân. Quỳnh Như đính hôn với Bằng, nhưng khi gặp Thuấn, cô thốt mê anh đại úy gốc Bắc. Biết rằng rồi đây không còn gặp nhau nữa, Thuấn và Quỳnh Như vội lao vào nhau sống những giờ phút tột đỉnh của yêu đương. Sau đó Thuấn về trại, trong khi Minh ngụ khách sạn chờ Lạc đón vợ con ở Sài Gòn ra ăn Tết. Minh đem được chút nhu yếu phẩm đến cùng ăn Tết với Lạc.
Đúng đêm giao thừa, quân miền Bắc tràn vào Huế, khắp đô thành ran súng đạn thay tiếng pháo bông. Minh giúp gia đình Lạc kịp trốn, còn mình sang nhà Quỳnh Như nương tạm. Bằng đã đoán biết tình cảm của Quỳnh Như với Thuấn nên nổi cơn ghen. Anh vốn sinh nhai bằng nghề dạy học, đồng thời sắp hoàn thành chứng chỉ Triết ở Viện Đại học Huế. Bằng chơi rất thân với đại đức Trí Không, người cũng ghi danh học ban Triết. Bằng theo Mặt trận Giải phóng đã được ít lâu, vừa thúc bách vừa đe dọa Trí Không để buộc nhà sư nhận dẫn đầu đoàn sinh viên Phật tử xuống đường biểu tình và xử dụng võ khí làm nội ứng cho bộ đội Việt Cộng.
Trong những ngày Mậu Thân sôi sục, Bằng để ý thấy sự hiện diện của Minh và Lạc trong nhà Quỳnh Như. Nom anh thù ghét lính Cộng Hòa ra mặt, Trí Không có linh cảm rằng Bằng sẽ đi cáo giác hai người lính Nhảy Dù bị kẹt ở nội thành này nên tìm cách khuyên can. Cho tới khi biết Bằng rắp tâm hãm hại tới cùng, nhà sư đành ra tay hạ sát anh này, sau đó giúp Minh và gia đình Lạc chạy thoát.
Phần Thuấn đem đại đội rút về phi trường Tây Lộc, tại đây xảy ra một trận tử thủ kinh hoàng. Khi Lạc và Minh về lại được tiểu đoàn, cả hai đều bị thương và kiệt sức. Hết chiến dịch, ba người bạn gặp lại nhau trong một bệnh xá Sài Gòn, chuẩn bị cho những ngày sắp tới.
***
Dựa lưng nỗi chết của Phan Nhật Nam mang một nét buồn bã khó tả. Ừ, khi đang dựa lưng vào nỗi chết thì làm sao mà vui được. Nỗi buồn của Phan Nhật Nam là nỗi buồn khi nhìn đến cảnh nồi da xáo thịt, cảnh anh em giết nhau: “Nòng súng thượng liên Trung Cộng, tiểu liên Tiệp Khắc, súng báng đỏ của Nga, những cây súng ngoại quốc bắt đầu nhắm chiếc vòng đen sâu hun hút vào đám lính mang giày Nhật nón sắt Mỹ, M16. Những ngón tay Việt Nam chờ đợi trái tim Việt Nam đến gần hơn chút nữa. Chờ nhau hân hoan âm ỉ, chờ thản nhiên lạnh cứng.”
Câu chuyện xoay quanh ba người sĩ quan lính dù trong thời gian của biến cố Tết Mậu Thân ở Huế. Trong truyện còn có Bằng, vừa sống với nghề dạy học vừa theo học các chứng chỉ triết ở đại học. Ở đó Bằng quen với Đại Đức Trí Không cũng ghi tên học triết. Bằng theo Mặt trận giải phóng miền Nam, vừa gây áp lực vừa đe dọa Đại Đức Trí Không để buộc nhà sư nhận điều hành đoàn sinh viên Phật tử và sử dụng vũ khí trong biến cố Tết Mậu Thân.
Truyện của Phan Nhật Nam không tô hồng, không anh hùng hóa như chính tác giả đã viết ở phần cuối: “Chỉ là câu chuyện giản dị của những người lính trong một thời gian dồn dập… Chuyện bình thường, phẳng phiu, không là bản anh hùng ca rực rỡ uy dũng, cũng không đậm nét bi thương làm đọng cứng linh hồn.”. Đọc Dựa lưng nỗi chết không thấy ánh hào nhoáng vinh quang, nó chỉ ghi lại cuộc sống đời thường của những người lính dù với những lo toan hết sức bình dân giản dị, với những buổi nhậu để mua vui hay để nhấn chìm nỗi buồn vào trong đó. Tôi thấy chính giá trị của tác phẩm này là ở đó, để những thế hệ sau này muốn biến đời lính thật sự ra sao, muốn cảm nhận cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn nó cay đắng tàn bạo đến mức nào. Các bạn hãy đọc đi, để hiểu thêm quá khứ một chút, một quá khứ chân thực, giản dị, không tô hồng. Nhưng chính vì vậy mà đó mới là sự thật.
***
Tháng Mười, tháng của chuyển động hoài hoài giữa hai điểm ngất ngây đớn đau và hạnh phúc. Tháng của những lạnh tanh bất chợt cứng ngắc và nồng nhiệt tràn đầy thác đổ. Tháng của đỉnh cao và vực sâu. Tháng tiếng động núi lở và im lặng đáy biển. Năm tháng căng thẳng giữa hai điểm không cùng.
Làm sao để sống? Giữa những buồn phiền tanh tưởi độc địa, người muốn tan đi theo cơn gió rã rời, trôi vào lượn sóng nhạt thếch vô tri… Bỗng nhiên xôn xao những ý tình rực rỡ, bỗng choáng váng giữa niềm tin chói sáng, như mặt trời khởi đầu những ngày hè ở cực Bắc… Sống thật khó. Khó những ngày lặng lẽ rơi xuống, sáng trưa chiều trôi đi như lá khô, lặng lẽ đốt thêm điếu thuốc, xòe bàn tay, tay nhiều chỉ, tay nát bấy. Chiến tranh sắp chấm dứt và bàn tay chiến đấu cũng đã mỏi mệt. Xếp hai bàn tay, mở hai ngón, kẹp lấy điếu thuốc, thở ra lớp khói tàn tạ. Nhưng tháng Mười không hoàn toàn như thế. Tháng Mười, đêm thức giấc mở đôi mắt chợt xoay người để thấy một tình yêu thần bí hiện rõ từng đường nét khối lượng. Một tình yêu có thật cho người. Nhưng tháng Mười trong lòng hạnh phúc vẫn có những đớn đau câm lặng không ngừng nghỉ – phút rình rập của định mệnh độc ác…
Gần cái chết và hạnh phúc, thấy rõ thêm niềm phấn đấu để sống.
***
Thuấn lái xe dọc theo con phố. Chiều thứ Bảy, người đông kín. Chiều thứ Bảy, thật lâu Thuấn không biết đến loại thời gian này. Thứ Bảy, Chủ nhật, thứ Hai, những ngày tháng phân biệt đó trôi đi không gợi lên sự chú ý. Sự nghỉ ngơi chỉ có được lúc đêm khuya, khi đại đội đã trả súng vào kho, lính đi ra cổng doanh trại để nghỉ phép sau cuộc hành quân… Nghỉ ngơi – Thuấn thật sự không có. Chỉ có những giờ ngồi trước ly rượu bên con sông, nhìn xuống khoảng sông đào chen chúc thuyền đậu. Những con đò xứ Huế, nặng nề, bề thế, chắc chắn cùng thú vui đẫm ướt dục tình được mở ra thoả thuê trong đêm. Thuấn, người lạ ở xa đến, người Bắc, quê hương xa khuất ở cuối trí nhớ, quê hương trên bát bún thang, chiếc ảnh hồ Hoàn Kiếm, cây cầu gỗ chênh vênh trên mặt nước lung linh vòng cây phượng. Quê hương được nhớ lại ở trang sách bất chợt trong đó nhắc đến dáng dấp của lão Tàu bán lạc rang, mụ Béo bán bánh tôm ở bờ hồ… Những hình ảnh thoáng qua như ngọn lửa đầu que diêm yếu ớt. Thuấn không nhớ nổi. Quê hương, một chốn không còn. Thuấn từ Sài Gòn đến đây theo chiến dịch, nửa đất nước đi qua, đi và đến từ hai tỉnh đối đầu của quê hương bị cắt. Thuấn đã khởi hành và đến hai cực điểm của một đau đớn vô hình.
Huế, thành phố không giống một nơi nào đã đi qua. Pha trộn giữa e thẹn câm nín và xôn xao đột khởi cơn lặng lẽ, bỗng chốc thành giông bão, thành phố của dịu dàng như cảnh giấc mơ và tồi tàn luộm thuộm của đời ẩn ức. Thành phố của lãng mạn và bi phẫn. Thuấn ở Huế được ba tháng, thời gian của những cuộc hành quân ngắn hạn. Từ Huế đi về hướng Bắc, qua chiếc phà, con nước xanh rêu không sông, bên kia bờ sông luỹ tre mờ mịt sương giăng, sáng mùa đông im lìm không mặt trời, con gà nhỏ lông sũng nước cố rít lên tiếng gáy, tiếng gáy của loài gà tre nghe the thé phiền muộn. Quân qua sông, đổ bộ lên bến, cợn đất sét màu vàng ứa ra từ phiến đá khi chân người lính giẫmlên tản theo dòng nước. Lính đi băng qua những khu rừng trống ẩm ướt, chuối, thanh trà, ổi chen chúc đứng khép vào nhau trong im lặng nặng trĩu. Một trái bom vừa nổ, mảnh gang trắng ghim vào thân cây chuối ứa mủ, đống bẹ chuối tươi non nằm hỗn độn trên lớp đất bu nhiều tung tóe, đất dính từng tảng nhỏ trên phiến đá bầm dập như những hạt máu khô đọng trên cánh tay gãy. Mảnh gang của quả bom theo đà bay phá vỡ khoảng tường vôi để lộ phiến gạch tươi, màu đỏ thớ thịt sau nhát dao chưa kịp ứa máu. Ba tháng hay chính xác hơn bảy mươi ngày, Thuấn đi qua những căn nhà kỳ quái, nhà không vách, không cột, không nền. Nhà là căn hầm sát xuống đất, sâu hun hút lạnh lùng, tối thăm thẳm. Nắp hầm được đắp cao bằng đất cứng, chắc chắn như nấm mồ, trên mặt mồ vĩ đại đó người dân úp cái mái bằng lá gồi hay tranh và người ta chui từ hầm lên nhà, bò từ nhà xuống hầm, không ai có thể ngồi thẳng lưng trong loại nhà hoang tàn kỳ lạ này. Người dân ngồi cong lưng đầu kẹp giữa hai gối, người dân ngồi im lìm, trẻ con cũng không khóc, đứa trẻ đã mất thói quen được khóc, khóc vì đói, vì lạnh hay ẩm ướt nước tiểu. Đứa trẻ đã quen với bóng tối, quen im lìm nặng trĩu. Tiếng động chỉ có ở những cánh quạt trực thăng chém gió lượn vòng trên cây cau, hay tiếng nổ của quả đạn súng trọng pháo. Tiếng nổ và sự im lặng trì trợm đã làm tê giác quan đứa trẻ. Không còn tiếng khóc trẻ thơ trong xóm làng Thuấn đi qua.
Thuấn đã đi qua một lần, hai lần, những lần sau không đếm được. Đi qua để thấy người dân vùng Thừa Thiên đâu đâu cũng chừng đó thế ngồi, cũng chừng đó lối hò, cũng những âm thanh rít lên khó nhọc, hiu hắt phiền phiền xô đẩy nhau trả lời khi người lính hỏi đến… "Da, dạ…" những tiếng dạ liên hồi mở đầu chen trong câu chuyện, nghe nhức nhối như vết thương nung mủ bị bóp vỡ giữa hai lưỡi dao kẹp chặt. Thế nhưng người dân vẫn tiếp tục sống. Thuấn cũng tiếp tục sống, tiếp tục sống để sau mỗi cuộc hành quân cùng với một lũ bạn chen chúc lên chiếc xe đi về thành phố như hôm nay…
"Đi đâu bây giờ?"
"Đi đâu?" Thuấn quay đầu sang nhìn Minh, kẻ vừa hỏi, giọng Huế phẳng lì như phiến lá mít. Thuấn ngừng xe, xoay hẳn người ra đằng sau "Đi đâu?" Sáu đôi mắt nhìn nhau không nói.
"Hay đi uống cà phê?" Đề nghị rụt rè không thành hình khối. Lạc nói nhỏ.
"Cà phê?" Minh hỏi cao giọng.
"Tao đã uống sáng nay hai lần cà phê rồi, nhưng thôi, cà phê phát nữa cũng được. Thuấn xoay người trở lại, quanh xe về quán cà phê giữa thành phố.
"Đến chỗ Lạc Sơn ngồi nhìn thiên hạ, chiều hôm nay thứ Bảy". Không có tiếng ai trả lời câu nói của Minh.
Ba người ngồi quanh chiếc bàn, ba bàn tay khuấy tròn những chiếc muỗng quanh vành ly gây tiếng động dễ chịu trong không khí cứng đặc.
"Tụi mình đi hành quân được ba tháng rồi".
"78 ngày".
"Sao mày nhớ kỹ vậy?"
"Nên tao thích ngồi ở đây, nhìn những người gánh củi đi qua, xúc động lúc nhỏ tự nhiên trở về như sống lại thời gian trước".
"Mày vớ vẩn thấy mẹ". Lạc vòng tay bó lấy đầu gối ngồi ưỡn người trên nệm xe. "Minh, mày leo lên ngồi với tao, ở đây đâu còn Quân Cảnh, ngồi đằng sau xe xóc, chết cái mông".
Mời các bạn đón đọc Dựa Lưng Nỗi Chết của tác giả Phan Nhật Nam.