Giá trị căn bản của Việt Nam Vong Quốc Sử là chọn sự kiện lịch sử đem làm một áng văn chương tuyên truyền cổ động cho quốc dân thức tỉnh, hiệp đoàn đứng lên tranh đấu để giải phóng quê hương.
Về niên đại, cuốn sách này được viết vào sau chiến tranh Việt - Nga 1904-1905, lúc mà Phan Bội Châu mới gặp Lương Khải Siêu ở Nhật Bản.
Cuốn sách gồm những nội dung chính như sau:
A. Nguyên nhân và sự thực về Việt Nam mất nước
B. Tiểu truyện các chí sĩ lúc mất nước
C. Tình trạng người Pháp làm khốn khổ, ngu hèn tối tăm người nước Việt Nam
D. Tương lai của Việt Nam.
***
PHAN BỘI CHÂU VỚI BÀI VĂN BIA MÃO SƠN
CA NGỢI GIA ĐÌNH NGUYỄN MẬU KIẾN
CHƯƠNG THÂU
Viện Sử học
Phan Bội Châu trong cuốn sách Việt Nam nghĩa liệt sử (soạn chung với Đặng Đoàn Bằng) xuất bản ở Trung Quốc năm 1918 đã tôn vinh gia đình ông là "Cả nhà vì nước hy sinh" và nhấn mạnh: "Trong một nhà mà ông cháu, cha con, chú cháu đều chết vì nạn nước, há lại không oanh liệt lắm ru!".
Trong cuốn sách Việt Nam nghĩa liệt sử này, khi viết về tiểu sử Nguyễn Hữu Cương (con trưởng của Nguyễn Mậu Kiến) ngoài một trang tiểu sử viết bằng văn xuôi, một bài thơ điếu Nguyễn Hữu Cương, còn đôi liễn điếu Nguyễn Công Vân (cháu đích tôn Nguyễn Mậu Kiến), mà trong câu liễn này, tác giả Phan Bội Châu (và Đặng Đoàn Bằng) đã chỉ ra những điểm nhấn của đại gia đình yêu nước Nguyễn Mậu Kiến như sau:
1. Trung hiếu do truyền thống từ xưa (Trung hiếu hữu chân truyền). Kể từ đời ông nội, tức "lão phụ" Nguyễn Mậu Kiến, đã từng phấn đấu bảo vệ Tổ quốc đồng bào.
2. Anh hùng không bản in để lại (Anh hùng vô ấn bản). Những công tích không được chép để, nhưng cũng xứng là những người con dân nghĩa khí mà rồi đây người chép sử phải vinh danh cho gia đình này (Quản giao sử bút thục danh gia).
Ở vào thời điểm năm 1918, khi Phan Bội Châu biên soạn Việt Nam nghĩa liệt sử này, lại trong hoàn cảnh soạn giả sống ở trên đất Trung Quốc, sử liệu và điều kiện chưa đủ, nên chỉ mới viết về "cả gia đình Nguyễn Mậu Kiến hy sinh vì nước" chỉ được có như thế mà thôi. Trong ý tưởng và thâm tâm Phan Bội Châu vẫn muốn viết thật đầy đủ về cái "gia đình cả nhà vì nước hy sinh" này để vinh danh, để sử sách bia đá phải ghi tạc. Cụ đinh ninh như vậy, vì cuộc đời hoạt động yêu nước và cách mạng của mình, hầu như Cụ không muốn quên ơn bất cứ một ai "có công với nước". Cụ đã từng viết nhiều vị tiên liệt hy sinh trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhất là các bạn bè đồng chí từng hoạt động trong phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX và phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX. Trong tác phẩm Việt Nam vong quốc sử (1905) Cụ đã dành hẳn một chương sách viết về Tiểu truyện các chí sĩ lúc mất nước từ Nguyễn Quang Bích, Vũ Hữu Lợi, Đỗ Huy Liệu, Nguyễn Đôn Tiết, Đinh Văn Chất, Nguyễn Huy Liệu, Phan Bá Phiến, Lê Trung Đình, Trần Dư… đến Phạm Toàn, Lê Ninh, Phan Đình Phùng. Năm 1908, khi viết cuốn Sùng bái giai nhân, Cụ lại viết về tấm gương tuấn kiệt Tráng sĩ Cao Thắng, về bà mẹ Việt Nam yêu nước "Mẹ Lân", tức mẹ của Lê Ninh… cụ Phan viết về các anh hùng liệt nữ là để phát huy truyền thống yêu nước căm thù giặc, để vận động nhân dân ta tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX và những tác phẩm đó đã góp phần làm phong phú kho tàng văn thơ yêu nước và cách mạng của nước ta. Đặc biệt, vào những năm từ 1916-1918, hoạt động cho Việt Nam Quang Phục hội, Phan Bội Châu đã cùng với người đồng chí của mình là Đặng Đoàn Bằng chung sức, thu thập tài liệu về các liệt sĩ chống Pháp từ thời Cần vương - Duy Tân - Việt Nam Quang Phục hội để viết nên cuốn Việt Nam nghĩa liệt sử, nêu gương "vì nước hy sinh" của 52 liệt sĩ cả ba miền Bắc Trung Nam để làm tài liệu tuyên truyền yêu nước chống Pháp thời bấy giờ. Và như trên đã nói, với "liệt sĩ Nguyễn Hữu Cương" (con trưởng cụ Án Kiến) các soạn giả cuốn sách chỉ mới viết được "tiểu sử còn sơ lược" của "cả nhà vì nước hy sinh", Cụ thấy chưa hài lòng, nên trong câu liễn điếu Nguyễn Công Vân, có thêm mệnh đề "Rồi đây bút sử chép danh gia" (Quản giao sử bút thục danh gia).
Việc chép sử để ghi công, để vinh danh cho gia đình Nguyễn Mậu Kiến, phải bẵng đi ngót hai chục năm, vẫn chưa thấy có một cuốn sách (ấn bản) nào đề cập đến. Và thế là lại chính cụ Phan Bội Châu (lúc này đang bị an trí ở Bến Ngự xứ Huế) lãnh nhận "trách nhiệm" việc tôn vinh, ca ngợi Nguyễn Mậu Kiến và gia đình ông.
Giờ đây (1936), Cụ Phan đã có đủ các dữ kiện và tư liệu lịch sử chính xác về gia đình Nguyễn Mậu Kiến, Cụ đã có thể yên tâm mà ngợi ca gia đình này có đủ các gương mặt: những bậc trung thần, hiếu tử, nghĩa sĩ, liệt nữ. Cụ cho rằng đó chính là những vị thần tiên.
Nhân dịp họ Nguyễn ở Đông Trung lập đền thờ cụ Án Kiến, xây mộ cụ Án ở Mão Sơn (gò Mão), cụ Phan Bội Châu từ nơi ngôi nhà Bến Ngự - Huế đã nhờ Giáo sư Đào Duy Anh chuyển về cho con cháu Nguyễn Mậu Kiến các văn bản Bia Mão Sơn, Lời minh, Bài tán và Lời Đề từ như sau:
1. Văn bia mộ Nguyễn Mậu Kiến (Mão Sơn bi ký):
"Xưa ông Khuất Phục có nói: "Những bậc trung thần, hiếu tử, nghĩa sĩ, liệt nữ tức là thần tiên". Ý vị thay lời nói ấy vậy.
Lạ sao một nhà cụ Động Am có đủ những bậc thần tiên ấy. Cụ người làng Động Trung, tỉnh Thái Bình, họ Nguyễn húy Mậu Kiến, tự Lập Nho, hiệu Động Am. Cụ sinh năm Kỷ Mão (1819) đời vua Gia Long. Những bậc tiên thế Cụ đời đời nối nghiệp Nho.
Cụ tổ mẫu họ Đặng là người trinh tiết đã ghi tên ở Đại Nam nhất thống chí - liệt nữ truyện. Cụ hiển khảo Phong Công từng bỏ của nhà ra nộp thuế cho mấy làng bị thủy lạo trong hàng tổng dựng văn từ hàng huyện, lập trường học làng, tiếng nghĩa hiệp lừng lẫy trong hàng tỉnh. Đến Cụ lại lấy tư cách bậc trung thần, hiếu tử, nghĩa sĩ để nối dõi và con cháu vẫn giữ được thói nhà. Vậy chả phải thần tiên họp cả một nhà Cụ sao?
Cụ là người tư bẩm khác thường, khi còn là học trò đã có chí khí khảng khái, nhà tuy giàu nhưng cách ăn mặc rất giản dị, thường lấy việc giúp đỡ người, cứu nạn nước làm chủ ý. Tính Cụ thích ham học, xem sách, sách chất đầy nhà.
Ngoài sự học kinh điển, Cụ lại thông hiểu cả thiên văn, luật lịch, toán pháp.
Năm Quý Hợi (1863) Tự Đức thứ 16, Cụ đỗ Giám sinh. Năm Ất Sửu (1865) thi khoa Hoành từ đủ phân số, lệ được bổ quan, nhưng Cụ xin ở nhà nuôi mẹ già. Năm Bính Dần (1866) có quan trên đề cử vào Kinh sát hạch, được thưởng hàm và ký bổ. Bấy giờ thân mẫu Cụ mới mất, Cụ lại khất xin đợi trọn tang. Khi ấy Cụ xếp đặt lại tự điền, tư văn hàng huyện; học điền, binh điền ở các làng để thành cái chí nguyện cụ Phong Công khi trước.
Thực là hiếu tử vậy.
Nước ta bấy giờ trong thì nội loạn, ngoài có giặc Tàu. Từ Nam Định trở lên phía Bắc đều bị loạn lạc đói kém. Cụ đã nhiều lần quyên tiền phát chẩn, khắp họ hàng, làng xóm đều được chu cấp, kể cả việc để ruộng cho họ, dựng tư văn, khắc bản in sách, tiền có ức vạn, đem ruộng nhà chia cho các làng hơn 500 mẫu.
Triều đình nhiều lần ban khen là hiếu nghĩa. Cụ lại còn giúp quân khí, để ruộng cho lính, xin cấp bằng mộ dũng dẹp giặc.
Đó thực là nghĩa sĩ và trung thần vậy.
Năm Đinh Mão (1867) các vị đại thần, xét Cụ có thực tài được thụ chức Lang trung, bổ ra Bang biện Nam Định, Hải Dương. Năm Mậu Thìn (1868) bổ ra Bang biện Quân thứ Lạng Sơn, Cao Bằng. Năm Kỷ Tỵ (1869) vì có quân công được thăng Án sát Quảng Yên. Tháng 10 năm Canh Ngọ (1870) giặc lấy thành Lạng Sơn, Cụ lại phải đổi lên Án sát Lạng Sơn. Năm Tân Mùi (1871) Cụ vì có công khôi phục Lạng Sơn được thăng hàm Trung nghị đại phu Quang lộc tự khanh mà giữ nguyên chức. Đến năm Quý Dậu (1873) Cụ vì đàn hặc bọn quyền quý, dâng sớ kể tội, phải tại quan hậu cứu. Vừa lúc các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình thất thủ có chỉ dụ của vua, Cụ và các con Cụ được mộ dũng Cần vương. Nhưng vì việc đàn hặc trước, Cụ bị cách chức. Cụ phải đi quân thứ hiệu lực. Sau Cụ bệnh mất ở sơn phòng Hưng Hóa ngày 3 tháng 9 năm Kỷ Mão (1879), tuổi 61.
Lúc bị bệnh nguy, Cụ còn dặn các con để thêm ruộng cho lính. Các con đều tuân lệnh. Sau triều đình nhớ công Cụ truy tặng hàm Bố chánh, người làng nhớ công đức Cụ lập đền kỷ niệm ở Mão Sơn để hương lửa phụng thờ.
Ôi! Lấy cái tài lược Cụ bão phụ (ôm ấp chất chứa) Cụ có trọng danh ở đời bấy giờ. Những bậc danh thần như cụ Phạm Văn Nghị, cụ Doãn Khuê, cụ Đặng Đình Toán, cụ Nguyễn Trọng Hợp hoặc cử Cụ là "học thức tri binh", hoặc cử Cụ là am hiểu "thiên văn bốc phệ". Thế là những bậc danh thần biết Cụ. Khi ở triều tấu đối được Dực Tôn Anh Hoàng đế nhiều lần phê khen rằng: "Học thuật phả quảng" (Học và thuật sâu rộng), "Học bác thuyết chính" (Học rộng, nói thẳng).
Thế là minh quân biết Cụ.
Một đời vua tôi đều biết Cụ là người giỏi mà chung quy cái văn mộ vũ lược Cụ chỉ muốn vào trong mấy pho sách Cụ làm như bộ Dịch lý tân biên, Chiêm thiên tham khảo, Minh sử luận đoán khảo biên, Kính đài tập vịnh, Tự ký…
Xem các tài lược uẩn bão của Cụ như thế mà không được hiển đạt ở đời, chả phải là tại trời ru?
Tuy nhiên trời dẫu không cho Cụ được gặp, nhưng cái trung hiếu tiết nghĩa một đời Cụ vẫn còn hiển hách ở trong tai mắt người ta.
Đến bây giờ ai cũng tưởng mộ sùng bái mà con cháu Cụ vẫn được phồn thịnh lại giữ được thói nhà trung hiếu chẳng đổi khác.
Thế là trời tuy làm ách tắc Cụ trên con đường tế ngộ, chính là lưu danh cho Cụ về sau và dành phúc cho con cháu Cụ đến bây giờ vậy.
Đời trước vun trồng, đời sau bồi đắp, thờ phụng lâu dài, giữ gìn nối dõi, thần tiên còn ở mãi chốn nhân gian. Từ nay về sau cái thanh phong cao tiết của Cụ cùng với bóng trăng lúc tạnh, tiếng sét khi mưa ở trên đỉnh Mão Sơn này vẫn còn chói lọi, vang âm trong tai mắt người ta. Ai lên đỉnh này có cảm tưởng đến Cụ chăng?".
2. Lời Minh rằng:
"Cây xanh xanh ngắt,
Biển vàng vàng choang.
Ơn chảy là rượu,
Đức thơm là hương.
Công danh ghi chép,
Ở nước ở làng.
Trung hiếu tiết liệt,
Muôn đời lưu phương.
Trời sinh một người,
Hào mại trác lạc,
Học suốt sách vở.
Tài gồm thao lược
Quên nhà giúp nước,
Vì nghĩa, vì công.
Danh còn thọ mãi,
Như núi như sông,
Rực rỡ Mão đình.
Móc sa sương xuống;
Tiếng trúc tiếng thông,
Nghìn thu sắc tướng".
Hậu học Lê Đại phụng dịch
3. Lời Tán:
"Nhớ Cụ khi trước
Khí cốt cứng cát.
Nghĩa hiệp tin thành,
Nghệ học quảng bác.
Của cho dùng chung,
Nhún mình giữ đức,
Giúp nước hết lòng
Mệnh trời theo bước!
Nghiêm giữ thói nhà,
Để làm mực thước.
Như nắng mùa thu,
Như váng mùa xuân.
Tay biên cuốn sách,
Khuôn phép mười phần.
Danh thần hạnh nghĩa,
Tiếng khen xa gần.
Từ nay về sau
Ai người nối chân?".
4. Lời Đề từ:
"Giỏi thay cụ Động Am!
Gan dạ vốn anh hùng.
Gặp nước đương truân kiển,
Đem mình gánh núi sông.
Lời ngay, gian phải sợ,
Học rộng, vua yêu dùng.
Khí lấp trời non nước,
Thân gồm hiếu nghĩa trung.
Bể dâu dù có khác,
Danh tiếng vẫn không cùng.
Mảnh đá Mão Sơn đó
Nghìn thu kính chuộng chung!".
Nghệ An - Hoan Châu hậu học Phan Bội Châu bái đề
Ngày 3 tháng 9 năm Kỷ Mão (1936)
Cháu là Nguyễn Công Chuẩn phụng dịch.
Trong cuộc đời hoạt động yêu nước và cách mạng của mình, Phan Bội Châu cũng để lại cho đời một sự nghiệp văn chương đủ các thể loại (thơ ca, văn xuôi…) và cả những câu đối, trướng liễn… và văn bia (bia ký) để khắc tạc vào những tấm bia đá… để tưởng niệm người quá cố, trong đó có nhiều tấm bia có ý nghĩa lịch sử to lớn: ghi công đối với các anh hùng, liệt nữ, chí sĩ, nhân nhân… như đối với ân nhân Asaba Sakitarol ở Nhật Bản (1918), đối với ân sư Nguyễn Thúc Kiều ở Nghệ An (1925), với nữ liệt sĩ Lê Thị Đàn ở Huế (1928) và với rất nhiều liệt sĩ anh hùng khác như Ngư Hải Đặng Thái Thân ở Nghệ An, Phan Bá Phiến ở Quảng Nam, v.v… và bia ghi công cho các con "nghĩa - dũng cẩu" (con Vá, con Ky) ở trong khuôn viên nhà Ông Già Bến Ngự ở Huế.
Và bây giờ đây (3-9-1936) cụ Phan đã lại viết Văn bia gò Mão ghi công gia đình cụ Nguyễn Mậu Kiến. Một bài văn bia đặc biệt, có số chữ nhiều nhất trong số văn bia cụ Phan đã "bái đề" và "phụng thảo".
Với tấm bia (ghi bài ký) kèm theo Lời Minh, Lời Tán, Lời Đề gồm 4 khoản mục dành cho bia Mão Sơn cũng là điều hiếm thấy trong Văn loại bi ký của Phan Bội Châu được in lại trong Phan Bội Châu Toàn tập.
Như vậy rõ ràng là Phan Bội Châu là người hết sức kính mộ Nguyễn Mậu Kiến và gia đình ông, cũng chứng tỏ Phan Bội Châu với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ gia đình cụ Án Kiến và đã hoàn thành nhiệm vụ người chép sử chép về "danh gia" này như năm 1918, Cụ đã nói ở trong vế đối liễn viếng Nguyễn Công Vân:
"Rồi đây bút sử chép danh gia"
(Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.913-921)
Mời các bạn đón đọc Việt Nam Vong Quốc Sử của tác giả Phan Bội Châu & Nguyễn Quang Tô (dịch).