Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

13.67

Lần đầu tiên, trinh thám Hồng Kông đến Việt Nam!

Hồng Kông Hồng Kông. Vùng đất nổi tiếng với Cửu Long Trại Thành, nơi từng có mật độ dân cư cao nhất thế giới, nhà cửa san sát đến mức nắng không len nổi xuống đất, có thể đuổi bắt cả ngày bên trên không cần xuống đường, nơi nhung nhúc cô hồn các đảng, nghiện hút, mại dâm, thịt chó trốn thuế và bác sĩ không giấy phép hành nghề…

Hồng Kông, vùng đất nổi tiếng với nhũng nhiễu tham ô, có thời cứ vài chục cảnh sát lại lọt một người do xã hội đen bao nuôi, quá đông đảo đến mức không thể đưa ra tòa, chỉ còn cách đặc xá.

Hồng Kông, vùng đất nổi tiếng vì phong trào tự phát, chút xích mích nhỏ cũng có thể bùng ra thành bạo động. Có những năm mìn tự làm cài cắm khắp nơi, và sẵn sàng gửi đến tận nhà cho bất cứ ai dám công khai phản đối. Kim Dung cũng là một trường hợp như vậy. Sau quả bom gửi đến tận nhà và phát nổ ngay ở sân, ông đành phải đưa cả gia đình sang Singapore lánh nạn…

Hồng Kông, vùng đất chơ vơ ngoài khơi cùng lối sống bản năng chỉ cốt sinh tồn ấy, đã vun xới một thể loại trinh thám dị thường, mà ta sẽ thấy ở 13.67 này.

Từ nền tảng trinh thám cổ điển đậm chất suy luận, Chan Ho Kei đã lồng vào quan điểm phá án riêng của anh: cách thức có thể đen, nhưng mục đích phải trắng. Cũng có nghĩa, miễn là lôi được tội phạm đích thực ra ánh sáng, còn thì dùng thủ đoạn ngóc ngách thậm chí lừa phỉnh thế nào cũng được.

Quan điểm đó càng trở nên quái lạ và mạo hiểm, khi nhân vật thám tử ở đây lại là một cảnh sát, đại diện cho tinh thần thượng tôn chính nghĩa và pháp luật. Cả quá trình phá án, anh ta luôn đi trên một con đường rất mong manh giữa chính và tà, không cẩn thận thì chính bản thân lại biến thành kẻ phạm pháp.

Cũng vì quái lạ và mạo hiểm, nên 13.67 chứa đựng sức hút riêng có ta chưa từng thấy ở trinh thám bất cứ nơi đâu.

Kết hợp với lối kể đảo ngược, câu chuyện thành ra sâu hun hút với một sự thật bất ngờ giấu kín dưới đáy, khiến ta vừa đọc xong lại phải hộc tốc giở ngay về phần đầu.

13.67…

***

Tác giả Chan Ho Kei:

Tốt nghiệp khoa Khoa học máy tính trường Đại học Trung văn Hồng Kông, thành viên Hiệp hội Trinh thám Đài Loan (MWT). Nhà văn trinh thám và khoa học viễn tưởng Hồng Kông, đã được vinh danh và đoạt rất nhiều giải thưởng chuyên môn trong thế giới Hoa ngữ. Năm 2008, lọt vào chung kết Viết văn lần 6 của MWT với truyện thiếu nhi Jack và hạt đậu thần. Năm 2009, giải nhất Viết văn lần 7 của MWT với truyện thiếu nhi Căn phòng bí mật của Lão Râu Xanh. Năm 2010, giải ba Comic Ritz Million Novel với Suy luận hợp lý. Giải ba Tiểu thuyết Khoa học Viễn tưởng Nghê Khuông với Thời gian là vàng bạc. Năm 2011, giải nhất Tiểu thuyết Trinh thám Soji Shimada với Hình cảnh mất trí. Năm 2014 Chan Ho Kei bắt đầu bước ra khỏi thế giới Hoa ngữ nhờ tác phẩm đỉnh cao 13.67, trước tiên đoạt giải tại Triển lãm Sách Quốc tế Đài Bắc 2014, lập tức được nhượng quyền xuất bản ở Hàn, Mỹ, Pháp, sau đó một cơn bùng nổ nho nhỏ về sức chiếm đóng trên bảng xếp hạng trinh thám bán chạy ở các nước này đã mau chóng đẩy 13.67 đến Thái, Nhật, Anh, Canada, Ý, Hà Lan, Việt Nam… Chan Ho Kei cũng khá sung sức trong mảng khoa học viễn tưởng. Đến giờ đã xuất bản: Mật sứ hắc ám (đồng sáng tác với Cao Phổ), Kẻ may mắn sống sót, Người bong bóng, Bọ ma và light novel Theo dấu pháp thuật. Năm 2015 anh hợp tác với Sủng Vật Tiên Sinh, người từng đoạt giải nhất Tiểu thuyết Trinh thám Soji Shimada 2001, để cùng viết nên tác phẩm mới có tên S.T.E.P.

***

Tác phẩm kể về cuộc đời nghề nghiệp của một tranh tra cảnh sát Hồng Kông, đồng thời dắt chúng ta đi qua một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước này. Nhân vật chính là Quan Chấn Đạc, được miêu tả như người hùng của cảnh sát Hồng Kông, với tỉ lệ phá án thành công lên tới 100%. Truyện gồm 6 chương, 6 vụ án, kể theo dòng thời gian ngược, từ năm 2013, khi Quan là một ông lão mất ý thức trên giường bệnh, lần về năm 1967, khi Quan còn là cảnh sát tuần tra quèn (tên truyện 13.67 là kết hợp của 2 mốc thời gian này).
Về nhân vật, Quan, nhân vật trung tâm được xây dựng rất tốt. Ấn tượng qua những lời giới thiệu ở chương đầu, thán phục qua những màn suy luận "đi trước cả 10 bước", và kính nể qua lý tưởng nghề nghiệp mà ông thể hiện xuyên suốt cuốn sách. Là một người làm công việc trị an, Quan tuy phải chịu áp lực rất lớn từ dư luận và cấp trên, nhưng ông không bao giờ quên lý tưởng "phải bảo vệ người dân vô tội" của mình. Dù xét từ góc độ quản lý, kết quả của đại cục mới là quan trọng nhất, dù phải hi sinh một vài dân thường, thì đó vẫn được coi như "thiệt hại ở mức chấp nhận được". Quan, là thanh tra cao cấp, tất nhiên, ông phải ưu tiên phá án lên hàng đầu, nhưng song song đó, ông vẫn luôn để mắt tới từng chi tiết nhỏ nhất để đảm bảo không một dân thường nào bị liên luỵ. Một anh hùng của cả chính phủ và nhân dân.

Bên cạnh Quan là đệ tử Lạc Tiểu Minh. Tôi thấy hơi tiếc cho nhân vật này, khi anh chỉ toả sáng ở chương đầu tiên, mờ nhạt dần ở 3 chương tiếp theo và… mất hút ở 2 chương cuối. Cũng phải thôi, truyện kể theo hướng lùi dần về quá khứ, nên khi Quan mới vào nghề thì Lạc không có mặt là đương nhiên. Và vì thế, yếu tố kế thừa di sản và tư tưởng của người thầy trở nên kém nổi bật. Thời lượng cho Lạc khá ít, và chỉ tập trung ở 2 chương đầu, nên ta mới chỉ thấy được sự sắc xảo trong suy luận của anh, chứ chưa kịp hiểu rõ về lập trường và cá tính của anh lắm. Nếu coi đây là màn giới thiệu nhân vật, để anh thực sự bung lụa ở phần tiếp theo (nếu có) thì tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng nếu chỉ xuất hiện kiểu đầu voi đuôi chuột, nửa thứ chính nửa phụ như vầy, tôi thấy hơi phí phạm.
Về chất trinh thám, thì đây là đúng là một đại tiệc. 6 vụ án độc lập, tính chất, thủ đoạn, động cơ, bối cảnh đều khác nhau. Giàu tình tiết, logic cao, lật mở liên tục. Hiếm có cuốn nào mà sự gay cấn lại đa dạng và được duy trì với mật độ cao như vậy. Nếu chỉ tính riêng chất trinh thám thôi thì tôi cho 4/5. Tuy hấp dẫn nhưng không thể cho cao hơn được vì vai phản diện không nổi bật. Phải gọi là "các" phản diện mới đúng. Cuốn sách 550 trang, chia cho 6 vụ án là mỗi cuốn khoảng 90 trang, chỉ vừa đủ để khắc hoạ vai chính diện và tình tiết vụ án, nên đã không thể đi quá sâu vào quá khứ hay nội tâm kẻ gây án được. Có động cơ rõ ràng đấy, nhưng để đồng cảm được thì cần nhiều thời gian xây dựng nhân vật hơn.
Về cách kể, thì đây là điểm yếu nhất. Việc chia thành các câu chuyện nhỏ và đi theo hướng kể ngược về quá khứ, thì dĩ nhiên, điều tôi mong muốn (và tôi tin mọi người cũng vậy) là một cái kết bất ngờ và có tính liên kết các câu chuyện lại làm một. Nhưng 13.67 đã không làm được.
Cái kết có bất ngờ không? Có. Nhưng có kết nối các phần trước thành mội câu chuyện lớn không? Thì không!
Điều duy nhất mà plot cuối truyện làm được là khiến tôi phải giở lại chương đầu một chút, còn thứ mà tôi mong chờ là lật lại TOÀN BỘ cuốn sách cơ. Có thể tôi tham lam hay kì vọng quá cao, nhưng sự hấp dẫn trong từng câu chuyện và cách kể đã gieo vào đầu tôi sự trông chờ cho một cái kết thuyết phục hơn vậy. Hoá ra 6 câu chuyện tưởng như độc lập lại… thật sự độc lập. Sợi dây duy nhất là nhân vật chính Quan, nhưng bản thân ông ở 6 giai đoạn cũng không có sự liên kết nào hết, không có 1 chuỗi nhân-quả hay biến chuyển nào hết, không có một câu chuyện lớn xuyên suốt khiến tôi hơi có cảm giác bị phản bội.
Về bối cảnh, tác giả chọn 2 mốc là 30 năm trước và 16 năm sau của năm 1997 - năm mà Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc. Nói như vậy không có nghĩa truyện xoáy sâu vào vấn đề chính trị (ban đầu tôi cũng tưởng như vậy), mà truyện tập trung vào sự "kém ổn định" của an ninh, biến Hồng Kông giai đoạn này trở thành thiên đường của tội phạm. Qua đó nhấn mạnh chủ đề chính là lòng tin và kì vọng của nhân dân với lực lượng trị an và chính quyền. Các vấn đề xã hội khác như tranh giành quyền lực, báo thù, đạo nghĩa giang hồ, tham ô, hối lội, tình yêu, gia đình… cũng xuất hiện rất phong phú, tuy không đi quá sâu nhưng tô điểm được cho bức tranh xã hội phức tạp và đầy rẫy những vấn đề, tạo nên bối cảnh chất lượng cho các vụ án.
Tóm lại, so với mặt bằng chung thì đây là cuốn trinh thám HAY, (các) vụ án chất lượng, tính logic cao, duy trì được sự kịch tính, bối cảnh thú vị. Tuy không có phản diện ấn tượng và tính liên kết giữa các chương khá yếu, nhưng đó là do tôi kì vọng cao quá mà thôi.
Sài Gòn , ngày 18 tháng 7, 2020

Phúc

***

13.67 là 6 truyện ngắn được kể theo trình tự ngược thời gian, từ thời điểm năm 2013 đến 1967, chính là nguồn gốc khai sinh ra cái tên 13.67, xoay quanh hai thầy trò cảnh sát Quan Chấn Đạc, Lạc Tiểu Minh và những sự kiện lịch sử có thật ở Hongkong trong chính giai đoạn này. Chỉ 6 câu chuyện mà án gì cũng đủ cả, giết người, bắt cóc, buôn ma tuý, vượt ngục, đánh bom, tưởng như rời rạc không liên quan, nhưng lại tạo thành một xâu chuỗi hoàn hảo tất cả các sự kiện, con người, ân oán của mấy mươi năm lịch sử.

Mình sẽ không bao giờ nhấn mạnh đủ tầm quan trọng của một cái đầu lạnh tập trung cao độ khi đọc quyển sách này. Ngay từ vụ 1 tác giả đã cho độc giả vào những khúc cua khét lẹt đến sợ hãi, sợ là vụ đỉnh như thế này cho lên đầu rồi về sau không còn chiêu bài nào hay nữa. Nhưng mình vẫn bị tác giả lừa phút một. Chỉ cần mình vừa khinh thường nghĩ đã “bắt bài” được tác giả thì giây sau đã ngớ ra tác giả cầm ba đôi thông. Tóm lại, phải critical thinking đến dấu chấm câu cuối cùng, còn thở là còn gỡ.

Nếu 13.67 đơn giản là một cuốn trinh thám mình thích, thì mình thức xuyên đêm đọc một lèo là xong. Nhưng với 13.67, mình lại phải chia ra đọc chậm rãi từng vụ một, thậm chí dừng đọc ngay trước khoảnh khắc vạch trần hung thủ. Bởi giống như rượu ngon không ai tu cả chai, sách hay là phải nhâm nhi để thấm.

Chắc bạn đang đặt ra câu hỏi là “Mình sẽ học được gì từ mấy tay thanh tra hình sự già cỗi ở Hongkong?” nhỉ

Mình cũng từng nghĩ thế đấy, ấy vậy mà tổ nghề đọc trinh thám quật cho không kịp trở tay, cứ phải đánh dấu trang lia lịa. Thú thực là nghiệp đọc trinh thám của mình chưa bao giờ phải highlight sách nhiều như thế.

Không chỉ về cách lập luận, tư duy logic (như thầy Quan hay mắng anh Lạc là cứ nhầm lẫn nguyên nhân với kết quả) mà mình còn được học về cách nhìn người, cách áp dụng những thứ tưởng chừng rất lý thuyết vào thực tế như “song đề tù nhân”.

Và quan trọng hơn tất thảy, quyển sách này đã củng cố niềm tin vào một trăn trở bấy lâu của mình: Tại sao ta cần đọc sách? Và quan trọng hơn nữa, tại sao ta cần đọc tiểu thuyết hư cấu?

Ngoài những lý do sáo rỗng đã nghe mòn tai như đọc sách để sống nhiều hơn một cuộc đời, hay đơn giản là một thú vui, đọc 13.67 bắt mình phải đặt ra câu hỏi cho bản thân: nếu mình là Quan Chấn Đạc hay Lạc Tiểu Minh, trong tình huống éo le như thế, mình sẽ hành xử ra sao? Mình có dám theo đuổi công lý và nguyên tắc của bản thân đến cùng hay không?

Chỉ có tiểu thuyết mới mang lại cho chúng ta những câu hỏi ta không biết mình đang tìm kiếm, cần ta phải thực sự soi chiếu chính mình để trả lời.

Gấp quyển sách lại, mình lại về làm một cô sinh viên bình thường, không còn băng đảng lăm le, cảnh sát trắng đen lẫn lộn, chỉ còn niềm tin rằng “chính nghĩa thì không nói bằng lời”.

an nhi

27/02/2021

***

Thanh tra Lạc căm ghét mùi bệnh viện, nhất là thứ mùi hăng hắc của nước khử trùng lẩn quất trong không khí. Chẳng phải vì có kí ức đau buồn gì ở đây, mà chỉ đơn giản là thứ mùi đó gợi nhớ đến nhà xác. Dù đã làm cảnh sát hai mươi bảy năm, nhìn thấy biết bao thi thể, anh vẫn khó lòng quen với mùi này. Nói chung, ngoài những kẻ biến thái đam mê tử thi ra, chắc không ai trông thấy người chết mà vui cho được.

Lạc thở mạnh, nỗi bất an vẫn không vợi bớt, tâm trạng còn nặng nề hơn cả khi theo dõi khám nghiệm tử thi trong nhà xác.

Anh mặc bộ vest màu lam chỉnh tề, buồn bã nhìn người đang nằm trên giường bệnh.

Bệnh nhân trong căn phòng đơn này là một ông lão tóc pha sương, gương mặt đầy nếp nhăn lấp ló dưới mặt nạ thở oxy, hai mắt nhắm nghiền, làn da tái nhợt, cánh tay lấm tấm đồi mồi cắm những ống nhỏ nối với mấy cái máy trị liệu đang hoạt động. Màn hình 17 inch gắn trên đầu giường hiển thị các số liệu như mạch đập, huyết áp, lượng oxy trong máu… Đường đo nhịp tim chạy chầm chậm từ phải qua trái thỉnh thoảng nhấp nhô, nếu không thì chắc ai cũng nghĩ ông lão này chết rồi, và nằm trên giường chỉ là một thi thể được bảo quản tốt mà thôi.

Ông lão là sư phụ của Lạc, ông đã dạy anh điều tra, thu thập chứng cứ, lập luận phá án bao nhiêu năm nay, nhưng chính ông lại thường không hành động theo một quy tắc cố định nào.

“Tiểu Minh à, phá án không thể chỉ biết chăm chăm làm theo nguyên tắc. Ngành này đã có quá nhiều thành phần bảo thủ máy móc rồi. Mặc dù phục tùng mệnh lệnh cấp trên là lẽ đương nhiên, nhưng con phải nhớ, bảo vệ người dân mới là nhiệm vụ thực sự của cảnh sát. Nếu chế độ đẩy người vô tội vào hiểm nguy, chính nghĩa không rõ ràng, bấy giờ chúng ta có lý do chống lại chế độ trì trệ đó.”

Nhớ lại câu cửa miệng của thầy, Lạc không khỏi gượng cười. Tên đầy đủ của anh là Lạc Tiểu Minh. Mười bốn năm nay, kể từ ngày lên chức quyền thanh tra, hầu như không còn đồng nghiệp nào gọi thẳng cái tên mộc mạc đó nữa. Chỉ có thầy vẫn kêu anh là “Tiểu Minh”.

Đối với chỉ huy Quan Chấn Đạc, Lạc cũng như con đẻ của ông.

Trước lúc nghỉ hưu, Quan là tổ trưởng tổ B Phòng Tình báo Hình sự tại Bộ chỉ huy. Phòng Tình báo hình sự, gọi tắt CIB, là cơ quan tình báo trung ương của ngành cảnh sát, phụ trách thu thập, phân tích và nghiên cứu tin tức tội phạm của các khu vực, rồi phối hợp với các phòng ban khác lập kế hoạch hành động.

Nếu coi CIB là não bộ của ngành cảnh sát, thì tổ B chính là thùy trước trán, làm nhiệm vụ phân tích, tổng hợp và tìm ra sự thật từ muôn vàn manh mối rối như tơ vò. Quan bắt đầu dẫn dắt tổ hạt nhân này từ năm 1989 và trở thành linh hồn của CIB. Năm 1997 chuẩn bị về hưu, ông nhận Lạc Tiểu Minh, điều tra viên mới được thuyên chuyển về tổ B làm đệ tử cuối cùng.

Chỉ huy Quan chính thức làm cấp trên của Lạc chỉ trong nửa năm, nhưng sau khi nghỉ hưu, ông làm cố vấn hợp đồng cho ngành cảnh sát nên vẫn có nhiều dịp chỉ bảo cậu hậu bối kém mình hai mươi hai tuổi này. Đối với người không có con cái như chỉ huy Quan, Lạc chẳng khác nào con đẻ.

“Tiểu Minh à, đấu trí với nghi phạm giống như đánh bài, phải để đối thủ đoán sai át chủ bài của mình. Dù con cầm đôi át cũng phải khiến đối thủ nghĩ con chỉ có quân 2, quân 3 tép riu. Kể cả khi thấy mình không có cửa thắng, con vẫn phải giả bộ đặt cược thêm, lung lạc đối thủ. Như thế mới khiến nghi phạm để lộ sơ hở.”

Mời các bạn đón đọc 13.67 của tác giả Chan Ho Kei & Minh Thu (dịch).