Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Sử Ký I. Bản Kỷ

Bản kỷ là phần đầu tiên của Sử ký, gồm cả thảy mười hai thiên, chép việc từ thời Ngũ Đế cho tới thời Hán Vũ Đế. Về ý nghĩa của từ “bản kỷ”, đại để có thể hiểu bản tức là căn bản, kỷ tức là kỷ cương, cái kỷ cương căn bản nằm ở người nắm chính lệnh, cho nên Bản kỷ là sự ghi chép về những người nắm giữ chính lệnh trong thiên hạ, thường là các bậc Đế, Vương1.

Trong Bản kỷ, tác giả chủ yếu ghi chép theo lối biên niên, liệt kể về từng triều đại hoặc từng vị vua theo trình tự thời gian, trải dài từ thời viễn cổ cho tới thời điểm mà tác giả sinh sống. Nhìn từ tổng thể, có thể nói Bản kỷ chính là bộ khung của Sử ký, cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát về hơn hai nghìn năm lịch sử của dân tộc Hoa Hạ. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân chính yếu khiến tác giả đặt phần này ở đầu tiên.

***

THÁI SỬ CÔNG

TỰ VIẾT TỰA

Xưa vào thời Chuyên Húc, vua sai quan Nam Chính họ Trọng trông thiên văn, quan Bắc Chính họ Lê coi địa lý. Khoảng thời Đường – Ngu, cho hậu duệ họ Trọng – Lê nối nghiệp, tiếp tục vâng mệnh cho đến thời Hạ – Thương, vậy nên họ Trọng – Lê đời đời coi thiên văn, địa lý. Thời Chu, Trình Bá Hưu Phủ là hậu duệ của họ vậy. Vào thời Chu Tuyên vương, để mất chức phận mà thành ra họ Tư Mã. Họ Tư Mã đời đời vâng chép sử nhà Chu. Khoảng thời Chu Huệ vương, Chu Tương vương, họ Tư Mã rời nhà Chu tới nước Tấn. Tướng Trung quân nước Tấn là Tùy Hội chạy đến nước Tần, họ Tư Mã chuyển vào đất Thiếu Lương.

Từ khi họ Tư Mã rời nhà Chu tới nước Tấn, liền chia ra tản mác, có người ở nước Vệ, có người ở nước Triệu, có người ở nước Tần. Ở nước Vệ, có người làm quan tướng nước Trung Sơn. Ở nước Triệu, có người nổi danh và truyền dạy kiếm luận mà Khoái Hội chính là hậu duệ chi này. Ở Tần có người tên Tư Mã Thố, tranh luận với Trương Nghi, thế rồi Tần Huệ vương sai Thố cầm quân đánh Thục, hạ được thành Thục, bèn trấn giữ ở đó. Cháu của Thố là Cận, phò Võ An quân Bạch Khởi. Lúc này đất Thiếu Lương đổi tên thành Hạ Dương. Cận cùng Võ An quân chôn sống hàng binh nước Triệu trong trận Trường Bình, đến khi quay trở về đều cùng được ban chết ở Đỗ Bưu, táng ở Hoa Trì. Cháu của Cận là Xương, Xương làm quan chuyên lo việc rèn sắt cho nhà Tần. Vào thời Thủy Hoàng, chắt của Khoái Hội là Ngang, cầm quân cho Võ Tín quân, chiếm được Triêu Ca. Khi nhà Tần phong vương chư hầu, Ngang được phong vương ở đất Ân. Đến khi Hán đánh Sở, Ngang quy phụ Hán, dâng đất của mình làm quận Hà Nội. Tư Mã Xương sinh ra Vô Trạch, Vô Trạch làm chức quan Thị trưởng của nhà Hán. Vô Trạch sinh ra Hỷ, Hỷ làm Ngũ đại phu, chết đều táng ở Cao Môn. Hỷ sinh ra Đàm, Đàm làm Thái sư công.

Thái sư công học thiên văn ở Đường Đô, nghe giảng Kinh Dịch từ thày Dương Hà, thọ giáo đạo luận từ thày Hoàng Tử. Thái sử công làm quan vào thời Kiến Nguyên, Nguyên Phong, lo người học không hiểu thấu ý nghĩa các học thuyết, noi theo sai lạc, bèn bàn luận những điều cốt yếu của sáu nhà mà viết rằng:

Thiên Hệ từ trong Kinh Dịch viết: “Thiên hạ chung một mối mà lo lắng trăm chiều, về cùng nơi mà đường đi mỗi khác.” Xét các nhà Âm Dương, Nho, Mặc, Danh, Pháp, Đạo Đức đều chú trọng ở việc trị nước, chẳng qua theo học thuyết khác nhau, có thuyết rõ ràng, có thuyết không mà thôi. Tôi từng trộm ngẫm, thuật của nhà Âm Dương trong điềm báo mà lắm kiêng kỵ, khiến con người bị buộc đâm nhiều sợ hãi, song thứ tự bốn mùa họ đã sắp thì không thể để mất. Nhà Nho học rộng mà thiếu điều cốt yếu, nhọc sức mà ít hiệu quả, bởi vậy việc của họ khó theo hết; song lễ vua tôi, cha con, sự phân biệt vợ chồng, lớn bé họ đã đặt thì không thể thay. Nhà Mặc tiết kiệm mà khó theo, bởi vậy việc của họ không thể tuân thủ rộng khắp; song sự tự cường, chuộng tiết kiệm họ đề ra thì không thể phế bỏ. Nhà Pháp nghiêm khắc, ít ban ơn, song thân phận vua tôi trên dưới họ đã lập thì không thể đổi khác. Nhà Danh khiến người ta nệ vào danh mà dễ đánh mất thực; song sự biện chứng giữa danh và thực họ đã nêu thì không thể không xét. Nhà Đạo khiến tinh thần người ta chuyên nhất, hành động hợp lẽ vô hình, vạn vật sung túc. Thuật của nhà này dựa vào phép lớn âm dương, rút lấy điều hay của nhà Nho, nhà Mặc, tóm điều cốt yếu của nhà Danh, nhà Pháp, thay đổi theo thời, biến hóa tùy vật, dựng nề nếp, dùng xử sự, không việc gì không hợp, tôn chỉ gọn mà dễ nắm bắt, dùng sức ít mà hiệu quả nhiều. Nhà Nho thì không như vậy. Nhà Nho cho rằng bậc quân chủ là gương mẫu của thiên hạ, quân chủ đề xướng rồi bề tôi phụ hội, quân chủ làm trước rồi bề tôi theo sau. Như vậy thì quân chủ khó nhọc mà bề tôi thảnh thơi. Còn như yếu chỉ của Đạo cả, ấy là dẹp sự cứng rắn tham lam, bỏ sự thông minh sáng suốt, loại những điều này mà dùng Đạo thuật. Xét tinh thần dùng quá nhiều thì hao kiệt, thể xác làm quá sức thì mệt mỏi. Thân tâm đều xao động mà lại muốn dài lâu cùng trời đất, thực chưa từng nghe nói đến vậy.

Xét nhà Âm Dương với bốn mùa, tám quẻ, mười hai độ1, hai mươi tư tiết đều có điều răn dạy, thuận theo thì hưng thịnh, trái lại không chết cũng tổn. Song chưa chắc đã vậy, cho nên nói “khiến con người bó buộc đâm ra nhiều sợ hãi”. Xét mùa xuân sinh sôi, mùa hạ nảy nở, mùa thu gặt hái, mùa đông giữ gìn, ấy là ý lớn của đạo trời vậy, không thuận theo thì không lấy gì làm riềng mối cho thiên hạ, vậy nên nói “thứ tự bốn mùa không thể để mất”.

Xét nhà Nho coi sáu kinh2 làm phép tắc. Kinh truyện hàng ngàn vạn quyển, nhiều đời không thể tinh thông đạo học, một đời không thể biết hết lễ nghi, cho nên nói “học rộng mà thiếu điều cốt yếu, nhọc sức mà ít hiệu quả”. Còn như lễ vua tôi, cha con họ đặt, sự phân biệt vợ chồng, lớn bé họ nêu, dù là học thuyết trăm nhà cũng không thể thay đổi.

Nhà Mặc cũng chuộng đạo của Nghiêu, Thuấn, bàn về đức hạnh nói rằng:“Nhà cao ba thước, thềm đất ba bậc, cỏ tranh không cắt, cột gỗ không gọt. Ăn chén đất, uống liền đất, cơm gạo lứt, canh lá đậu, rau lê. Ngày hè mặc áo vải cát, mùa đông mặc áo cừu da hươu” Việc ma chay thì dùng quan tài gỗ vông dày ba tấc, khóc đám không quá đau buồn. Dạy về tang lễ ắt phải đem phép này làm gương cho muôn dân. Khiến thiên hạ đều noi theo phép này thì tôn ti không còn khác biệt. Xét thời thế đổi khác, sự việc vị tất tương đồng, vậy nên nói “tiết kiệm mà khó theo”. Điều cốt yếu của nhà Mặc là ở sự tự cường, tiết kiệm, ấy là đường lối để người ta sung túc giàu có. Đây là sở trường của Mặc Tử, dù là học thuyết trăm nhà cũng không thể phế bỏ.

Nhà Pháp bất luận thân sơ, không phân sang hèn, nhất loạt phán quyết bằng pháp luật, vậy thì ân tình họ tộc, tôn trưởng đứt cả. Có thể dùng làm kế một thời, không thể dùng lâu dài, vậy nên nói “nghiêm khắc, ít ban ơn”. Còn như việc đề cao quân chủ hạ thấp bề tôi, làm rõ chức phận, không được lấn vượt nhau, dù là học thuyết trăm nhà cũng không thể đổi khác.

Nhà Danh xét nét rắc rối, khiến người ta không thể lý giải bản ý, chuyên dùng tên gọi quyết đoán mọi việc, trái tình người, vậy nên nói “nệ vào danh mà dễ đánh mất thực”. Còn như việc dựa vào tên gọi mà tìm tòi thực tế, so sánh cho khỏi sai sót, điều này không thể không xét.

Nhà Đạo vô vi, cũng lại nói vô bất vi, kỳ thực dễ làm, song lời khó hiểu. Thuật nhà Đạo coi hư vô là gốc, coi nương thuận là phép, không có vị thế cố định, không có hình dạng bất biến, cho nên có thể suy xét tình lý của vạn vật. Không ở trước vật, không ở sau vật, cho nên có thể làm chủ vạn vật. Phép tắc cần không, tùy thời mà đặt; quy củ cần không, tùy vật mà xét. Vậy nên nói “thánh nhân bất hủ, theo thời là đủ. Hư Vô là thể thường của đạo. Nương thuần là cương lĩnh của vua.” Quần thần đều tới, khiến ai nấy đều tự rõ chức phận. Thực đúng với danh gọi là Đoàn (ngay thẳng), thực không đúng với danh gọi là Khoản (sáo rỗng). Lời sáo rỗng không nghe, gian tà không xuất hiện, giỏi kém tự rõ ràng, trắng đen lộ chân tướng. Chỉ là muốn dùng hay không mà thôi, có việc gì không làm nên được! Như vậy hợp với Đạo cả, hỗn độn mịt mùng, nhưng sáng soi thiên hạ, sau đó lại trở về sự vô danh. Phàm sinh mệnh con người ta tồn tại nhờ tinh thần, gửi gắm nhờ thể xác. Tinh thần dùng quá nhiều thì hao kiệt, thể xác làm quá sức thì mệt mỏi, tinh thần và thể xác chia lìa thì chết. Chết không thể sống lại, lìa không thể trở lại, cho nên thánh nhân rất mực coi trọng. Từ đó mà coi, tinh thần là gốc rễ của sinh mệnh, thể xác là công cụ của sinh mệnh. Không ổn định tinh thần trước mà lại nói “ta có thể trị thiên hạ”, vậy dựa vào đâu?

Thái sư công giữ chức Thiện quan (coi thiên văn), không quản việc dân. Có con trai tên Thiên.

Thiên sinh ra ở Long Môn, cày ruộng chăn trâu ở vùng phía bắc Hoàng Hà, phía nam núi Long Môn. Năm mười tuổi học Cổ văn. Hai mươi tuổi đi về phương nam du ngoạn vùng Trường Giang – Hoài Hà, leo lên núi Cối Kê, tìm Vũ Huyệt, ngắm núi Cửu Nghi, du thuyền trên sông Nguyên – Tương; đi lên phương bắc vượt sông Vấn – Tứ ; dạy học ở đô thành đất Tề – Lỗ, xem di phong của Khổng Tử, dự lễ hương xạ3 ở huyện Trâu, núi Dịch; chịu khó nhọc ở huyện Bà, huyện Tiết, Bành Thành; đi qua đất Lương, đất Sở về quê. Bấy giờ Thiên giữ chức Lang trung, vâng mệnh đi sứ miền Tây chinh phạt vùng Ba – Thục trở về nam, đánh các đất Cung – Trách, Côn Minh, rồi về triều bẩm báo.

Năm ấy, thiên tử bắt đầu làm lễ phong thiện của nhà Hán, Thái sử công bị giữ lại ở Chu Nam, không được theo dự tế, nên phẫn uất gần chết. Con ông là Thiên vừa vặn đi sứ về, gặp cha ở vùng Hoàng Hà – Lạc Thủy. Thái sư công nắm lấy tay Thiên mà khóc rằng: “Tổ tiên ta làm Thái sử cho nhà Chu. Các đời trước từng có công danh hiển hách vào thời Ngu, thời Hạ, giữ chức Thiên quan. Đời sau nửa đường suy sụp, chấm dứt ở đời ta chăng? Con lại làm Thái sử thì sẽ nối nghiệp tổ tiên ta vậy. Nay thiên tử nhận mối đại thống ngàn năm, phong thiện ở Thái Sơn mà ta không được theo dự, ấy là mệnh sao! Là mệnh sao! Ta chết, con ắt sẽ làm Thái sử; làm Thái sử, chớ quên trước tác ta muốn làm. Vả lại đạo hiếu bắt đầu từ việc thờ cha mẹ, thứ đến thờ vua, cuối cùng là việc lập thân. Nổi danh với hậu thế, làm rạng rỡ cha mẹ, ấy là điều lớn nhất của đạo hiếu vậy. Xét thiên hạ xưng tụng Chu Công, nói rằng ông ta có thể bàn luận, ca ngợi đức của Văn vương – Võ vương, tuyên dương phong thái của Chu Công – Thiệu Công, bày tỏ tâm tư của Thái Vương – Vương Quý; viện đến Công Lưu để truy tôn Hậu Tắc. Sau đời U – Lệ, vương đạo khiếm khuyết, lễ nhạc suy đồi, Khổng Tử sửa sách cũ, dựng lễ xưa, luận bàn Thi – Thư, viết sách Xuân Thu, học giả đến nay đều noi gương ngài. Từ khi Lỗ Ai cũng bắt được kỳ lân đến nay đã hơn bốn trăm năm, chư hầu thôn tính lẫn nhau, sách sử ghi chép tản mác đứt đoạn. Nay nhà Hán nổi lên, thiên hạ thống nhất, chúa sáng vua hiền, trung thần nghĩa sĩ, ta làm Thái sử mà không ghi chép luận bàn, vất bỏ sử sách của thiên hạ, ta rất mực sợ hãi. Con nhớ lấy đấy!” Thiên cúi đầu rơi lệ, đáp rằng:“Con không giỏi, song cũng xin luận thuật hết thảy kiến văn cũ cha đã sắp, không dám để khuyết!”

Thái sư công mất được ba năm thì Thiên làm Thái sư lệnh, thu thập sử cùng các sách cất trong Kim quỹ, Thạch thất4. Năm năm sau, nhằm năm Thái Sơ đầu tiên, sáng sớm ngày Giáp Tý mồng một giao tiết Đông chí tháng Mười một, lịch trời bắt đầu đổi, tuyên bố ở Minh đường, các thần đón lịch mới.

Thái sử Công nói: “Cha có lời rằng: “Sau khi Chu công mất năm trăm năm thì có Khổng Tử. Sau khi Khổng Tử mất đến nay đã năm trăm năm, liệu đã đến lúc có người có thể tiếp nối, soi sáng đời, đính chính Dịch truyện, kế tục Xuân Thu, luận bàn chính xác ý nghĩa của Thi, Thư, Lễ, Nhạc hay chưa? Ý là ở lúc này đây! Ý là ở lúc này đây! Con nào dám chối từ.

Thượng đại phu Hồ Toại nói:“Ngày xưa tại sao Khổng Tử lại làm kinh Xuân Thu!”

Thái sử Công nói:“Ta nghe Đổng Trọng Thư nói: Đạo nhà Chu lụn bại, Khổng Tử làm Tư Khấu nước Lỗ, bị chư hầu ganh ghét, đại phu cản trở, Khổng Tử biết lời mình không được dùng, đạo mình không được thi hành, bèn đánh giả những việc xảy ra trong hai trăm bốn mươi hai năm, làm khuôn phép cho thiên hạ. Chê thiên tử, trách chư hầu, vạch tội đại phu, nhằm nêu rõ đạo vua mà thôi Khổng Tử nói: “Ta chép những lời suông, chẳng bằng soi xét nó việc làm, hẳn sâu sắc, rõ ràng hơn.‘Kìa như kinh Xuân Thu, trên làm rõ đạo của Tam vương, dưới phân biệt phép tắc của người đời, biện bạch sự hiềm nghi, soi sáng điều phải trái, quyết định việc do dự, khen cái hay, chê cái dở, đề cao người hiền, hạ thấp kẻ kém, giữ gìn nước đã mất, nối lại đời đã tuyệt, và những thứ đã rách, dựng những điều bị bỏ, ấy là việc lớn của đạo vua vậy. Kinh Dịch chép trời đất, âm dương, bốn mùa, ngũ hành, cho nên giỏi biến hóa. Kinh Lễ đặt khuôn phép, luân lý làm người, cho nên giỏi hành xử. Kinh Thư ghi lại việc của các vua đời trước, cho nên giỏi chính trị. Kinh Thi ghi chép núi sông, khe động, chim muông, cây cỏ, trống mái, đực cái, cho nên giỏi trào phúng. Kinh Nhạc, phải dựa vào để dựng nên âm nhạc, cho nên giỏi hòa hợp. Kinh Xuân Thu phân biệt phải trái, cho nên giỏi trị người. Bởi vậy, Kinh Lễ dùng để ước thúc con người, Kinh Nhạc dùng để lấy sự hòa hợp. Kinh Thư dùng để bàn luận việc xưa. Kinh Thi dùng để bày tỏ tình ý. Kinh Dịch dùng để bàn lẽ đổi thay. Kinh Xuân Thu dùng để soi tỏ đạo nghĩa. Dẹp đời loạn, khiến trở lại đường ngay, không có sách nào thiết thực bằng Xuân Thu. Xuân Thu có hàng vạn lời, đến hàng ngàn ý. Vạn vật tan hợp đều ở Xuân Thu. Trong kinh Xuân Thu có ba mươi sáu vua bị giết, năm mươi hai nước bị mất, chư hầu bỏ chạy không giữ nổi xã tắc nhiều không đếm xuể. Xem xét nguồn cơn đều do đánh mất gốc rễ (tức lễ nghĩa) vậy. Cho nên Kinh Dịch viết: “Sai một hào ly, lầm đi ngàn dặm. Cho nên nói: “Tôi giết vua, con giết cha, không phải duyên do sớm chiều, mà bởi sự ngấm ngầm lâu ngày vậy. Bởi vậy người giữ nước không thể không biết sách Xuân Thu, bằng không, trước có gian nịnh mà không thấy, sau có quân giặc mà chẳng hay. Kẻ bề tôi không thể không biết sáchXuân Thu, bằng không, xử việc công không biết nên chăng, gặp biến cố chẳng hay quyền chước. Người làm vua, làm cho không thấu hiểu đạo nghĩa Xuân Thu, ắt chuốc tiếng đại ác. Kẻ làm tôi, làm con không thấu hiểu đạo nghĩa Xuân Thu, ắt sa vào việc soán giết bề trên mà bị tru diệt, mang danh tử tội. Kỳ thực họ đều cho rằng việc họ làm là phải, làm mà chẳng biết lễ nghĩa, bị trách mắng không đâu mà không biết biện giải. Xét việc không thấu hiểu yếu chỉ của lễ nghĩa, thành thử vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi, cha chẳng ra cha, con chẳng ra con. Xét vua chẳng ra vua thì bị mạo phạm, tôi chẳng ra tôi thì bị giết chết, cha chẳng ra cha thì vô đạo, con chẳng ra con thì bất hiếu. Bốn việc này là lỗi lớn trong thiên hạ vậy. Đem lỗi lớn của thiên hạ đổ lên đầu thì chỉ có thể nhận mà không chối được. Vậy nên kinh Xuân Thu là gốc rễ của lễ nghĩa. Xét lễ dùng để ngăn cấm trước khi việc xảy ra, pháp luật dùng để thi hành sau khi việc đã rồi. Công dụng thi hành của luật pháp thì dễ thấy, còn công dụng ngăn cấm của lễ nghĩa thì khó biết vậy.”

Mời các bạn đón đọc Sử Ký I. Bản Kỷ của tác giả Tư Mã Thiên & Phạm Văn Ánh (dịch).