Ngược dòng thời gian để xem văn minh nhân loại và vạn vật muôn loài được hình thành như thế nào.
Bạn có biết lịch sử hình thành văn minh nhân loại được hình thành như thế nào không? Và cho tới hiện tại nền văn minh đã và đang ở đâu không? Mỗi giai đoạn lịch sử qua đi là một điểm nhấn mấu chốt mà gần như người xảy ra những biến cố hoặc dấu tích đặc trưng cho thời kỳ đó.
Nguồn gốc văn minh từ đâu?
Theo các nhà khoa học, loài người phát triển từ thuở hoang sơ cho đến nay ước khoảng mười nghìn năm, gồm các thời Cổ Đại, Trung Cổ, Cận Đại và Hiện đại. Ở mỗi thời đại, xã hội loài người nổi lên một số vùng, hoặc một mảnh đất mà ở đó xã hội cư dân ở điểm tập hợp được các giá trị tiên tiến vượt trội trong nhiều lĩnh vực – hình thành nền văn minh.
Một số thống kê cụ thể ở thời Cổ Đại có 8 nền văn minh lớn: nền văn minh Ai Cập cổ đại, nền văn minh Hy Lạp, nền văn minh La Mã, nền văn minh Tây Á, nền văn minh Ấn Độ, nền văn minh Trung Hoa, nền văn minh Maya và nền văn minh Andes.
Tại sao chúng ta nên tìm hiểu về nguồn gốc văn minh?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu – chuyên gia nghiên cứu về lịch sử hiện nay đã nói rằng: “Biết về lịch sử, biết về văn minh nhân loại không chỉ là việc nhắc lại quá khứ để biết quá khứ, mà là để hiểu hiện tại và biết tương lai. Không nghiên cứu lịch sử, văn minh nhân loại như một khoa học thì không thể nhận thức được những gì đang và sẽ xảy ra, bài học và kinh nghiệm lịch sử chỉ có ích cho thế hệ sau nếu nó giúp thế hệ lựa chọn và tự định đoạt con đường tương lai”.
Như vậy, lý do mà chúng ta cùng ngoảnh lại nhìn lại lịch sử nhân loại như sau:
Hiểu về sự phát triển văn hóa nhân loại qua các mốc thời gian
Văn hóa là nhân tố quan trọng với con người chúng ta. Không có có một nền văn hóa, nền văn minh nhân loại từ cổ đại đến nay thì liệu có chúng ta ở đây hôm nay hay không.
Vậy cái gì tạo nên văn minh? Là văn hóa tạo nên văn minh, lịch sử thì tạo nên dòng chảy văn hóa. Lịch sử là xương sống của nền văn hóa, văn hóa sẽ khác nhau ở mỗi thời kỳ khác nhau.
Là một thành viên nhỏ trong một đất nước, chúng ta biết được sự hình thành đất nước này do đâu mà có, đất nước này có gì đặc trưng hay đất nước này đã trải qua những năm hình thành, phát triển với nền văn minh nhân loại nào. Hiểu về nguồn gốc văn minh giúp chúng ta có được góc nhìn chung nhất về một nền văn hóa của đất nước nói riêng và của nhân loại nói chung, giúp lý giải các biểu hiện văn hóa, từ đó có thể đặt ra phương pháp phù hợp để phát triển văn hóa theo hướng tích cực.
Hiểu nguồn gốc văn minh tạo nên nền tảng để phát triển bền vững
Việc nghiên cứu, tìm hiểu về văn minh nhân loại một cách khoa học cho chúng ta nền tảng vững chắc để quyết định những vấn đề quan trọng cho tương lai.
Cuốn sách “Nguồn gốc văn minh” của Nguyễn Hiến Lê là kiệt tác không nên bỏ lỡ
Không ai còn quá xa lạ với nhà văn, nhà chính trị, dịch giả,.. nổi tiếng Nguyễn Hiến Lê nổi tiếng với những tác phẩm để đời như Đắc Nhân Tâm, Quẳng gánh lo và vui sống, sống đời đáng sống,… Cuốn “Nguồn gốc văn minh” sẽ mang đến cho các bạn đọc một cách hiểu sâu sắc về văn minh nhân loại, sự tồn tại và phát triển từ thời con người còn chưa xuất hiện. Và được cụ thể hóa nguồn gốc văn minh qua các phương diện: Kinh tế, chính trị, lý luận, tinh thần.
Nguồn gốc của văn minh được hình thành từ nhiều yếu tố
Theo tác giả, văn minh là sự sáng tạo văn hóa nhờ một trật tự xã hội gây ra và kích thích. Nó gồm 4 yếu tố căn bản: sự phòng xa về kinh tế, sự tổ chức chính trị, những truyền thống luân lý, sự thăng tiến tri thức và phát triển nghệ thuật. Văn minh tùy thuộc vào nhiều yếu tố, những yếu tố đó có thể làm cho nền văn minh tiến triển nhanh hay chậm.
Đầu tiên, yếu tố địa chất. Người ta có thể nói rằng văn minh là một màu phụ giữa hai thời đại băng giá. Nếu một luồng khí lạnh lại xảy ra nữa thì tất cả công trình của nhân loại sẽ bị phá hỏng và băng, đá phủ hết, lúc đó con người buộc phải đi đến nơi nào đó để có thể sinh tồn trên thế giới này. Hay, chỉ cần một cơn địa chấn từ dưới lòng đất, dưới đáy biển gây nên động đất, sóng thần, núi lửa cũng khiến mọi thứ bị chôn vùi.
Thứ hai, Văn minh của nhân loại cũng dựa vào những yếu tố về địa lý. Khí hậu nóng ẩm sẽ là cơ hội cho lũ sâu bọ và các bệnh truyền nhiễm phát triển, con người từ đó mà suy yếu hơn về sức khỏe do vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể. Một khi sức khỏe con người suy giảm thì khả năng sáng tạo cũng từ đó mà vơi đi.
Thứ ba, yếu tố về kinh tế còn quan trọng hơn ảnh hưởng đến nguồn gốc văn minh. Một dân tộc có thể có những chế độ chính trị vững vàng, nên tri thức cao thì văn mình cũng từ đó mà đi lên. Thử nhìn lại, bạn đầu con người săn bắn mỗi ngày để sinh tồn, nhưng giờ đây những ngành công nghiệp ở các tòa nhà cao tầng, khu chế xuất mọc lên như nấm. Đó là cả một quá trình dài trải qua nhiều thế hệ của con người xưa đến nay.
Thứ tư, yếu tố về tâm lý là cần thiết cho sự tạo ra văn minh. Tâm lý của con người tạo ra những trật tự cho xã hội. Văn minh mỗi giai đoạn đều khác nhau và tâm lý con người lúc đó cũng không giống nhau. Thời cổ đại, người ta chỉ quan tâm đến chuyện sống còn, làm sao để sống, nhưng bây giờ thì sao, ngoài tâm lý làm sao để có cuộc sống an nhàn hơn, người ta còn mong được tiền tài lộc để cuộc sống sung túc.
Tất cả những điều kiện ấy, hoặc một trong những điều kiện ấy mất đi thì nền văn minh cũng dễ dàng bị tiêu diệt.
***
VÀI LỜI GIỚI THIỆU
Trong tác phẩm Đời viết văn của tôi, cụ Nguyễn Hiến Lê cho biết về năm cuốn sử mà cụ đã dịch của Will Durant (1885-1981) như sau:
“Vào khoảng 1969, tôi mua được trọn bộ Lịch sử Văn minh (32 cuốn) của Will Durant, dịch ra tiếng Pháp, do nhà Rencontre ở Lausanne (Thuỵ Sĩ) xuất bản[1]. Bộ đó rất hay, ông bà Durant để ra ba chục năm tham khảo mấy ngàn cuốn sách, đi du lịch gần khắp thế giới để viết nó.
Năm 1970 tôi dịch cuốn Văn minh Ấn Độ (550 trang), Lá Bối in. Để viết bài tựa 16 trang cho cuốn đó, tôi đã gởi thư qua Thuỵ Sĩ nhờ nhà Rencontre kiếm cho tài liệu về đời sống và sự nghiệp của W. Durant. Độc giả hoan nghênh, một vị viết thư yêu cầu tôi dịch toàn bộ. Tôi đáp cũng muốn vậy lắm nhưng trong nước phải có ít nhất là 3.000 độc giả như ông ta thì nhà Lá Bối mới dám tiếp tục.
Sau tôi chỉ dịch thêm bốn cuốn nữa: Văn minh Ả Rập, Bài học của lịch sử, Nguồn gốc văn minh và Văn minh Trung Hoa. Cuốn sau chưa kịp in thì thay đổi chế độ. Những cuốn đó đều có ích, nhất là Bài học của lịch sử”[2].
Qua bài Tựa cuốn Lịch sử văn minh Ấn Độ, cụ Nguyễn Hiến Lê viết ngày 1.1.1971, chúng ta chẳng những biết “đời sống và sự nghiệp của W. Durant” mà chúng ta còn biết được đôi điều về cuốn Nguồn gốc văn minh:
“Ở đầu bộ, sau khi trình bày các điều kiện địa lý, chủng tộc, kinh tế, tâm lý… của văn minh, ông cảnh cáo chúng ta rằng một nền văn minh có thể bị tàn rụi vì rất nhiều nguyên nhân: một đại tai biến về địa chất hoặc một thay đổi đột ngột về khí hậu, một bệnh dịch lan tràn dữ dội mà không biết cách ngăn chận, một sự khai thác quá mức làm cho đất đai cằn cỗi, một sự suy giảm về các nguồn lợi thiên nhiên, một sự suy đồi về luân lí, trí tuệ, hậu quả của sự lao lực hoặc của một đời sống quá kích thích, truỵ lạc, một triết lí bi quan hoặc sự tập trung của cải vào một số người… cũng có thể rất tai hại cho văn minh. Dân tộc nào cũng vậy, nhờ sống khắc khổ mà thịnh lên rồi vì quá hưởng lạc mà suy tàn, bị tiêu diệt.
Nghe lời cảnh cáo đó chúng ta nhớ lời Valéry: “Bây giờ chúng ta biết rằng văn minh nào cũng có thể chết được” và chúng ta giật mình: trong những nguyên nhân kể trên, xã hội ta trong mấy chục năm nay, đã mắc phải biết bao nguyên nhân rồi mà có người còn vô tình hay cố ý đào thêm cái huyệt để tự chôn mình nữa, hô hào sự tàn sát, khuyến khích sự truỵ lạc, tập trung của cải vào một thiểu số khiến cho đại đa số mỗi ngày một điêu đứng, cạn hết sinh lực….
Gọi Toybee là một sử triết gia thì phải gọi Durant là một sử luân lí gia, ông là người phương Tây mà rõ ràng có cái tinh thần sử gia Đông Á”[3].
Cũng qua bài Tựa, ta còn được biết ông bà Durant “đã bỏ ra 39 năm (1929-1967) để thực hiện công trình (tức bộ Lịch sử văn minh), không kể những năm ông kiếm tài liệu khi còn học ở Đại học Columbia”, và “cuốn đầu về Di sản phương Đông soạn xong năm 1935 (mất 6 năm)”.
Nguồn gốc văn minh là phần mở đầu cuốn Di sản phương Đông, cũng là phần đầu của bộ Lịch sử văn minh, và bản Việt dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê do nhà Phục Hưng xuất bản năm 1974[4]. Ở đây tôi chép lại từ bản của nhà Văn hoá Thông tin, xuất bản năm 2006. Trong sách có cả chú thích của tác giả lẫn của người dịch – tức của cụ Nguyễn Hiến Lê - và cụ dùng dấu hoa thị để chỉ nhóm trước, số Ả Rập để chỉ nhóm sau; còn trong ebook này, tất cả các chú thích tôi đều dùng số Ả Rập, và để phân biệt, các chú thích của người dịch tôi ghi thêm ND trong dấu ngoặc đơn. Ngoài ra, khi gặp những chỗ mà tôi ngờ sai trong bản Việt dịch, tôi đối chiếu với bản tiếng Anh, tức phần Introduction: The Establishment of civilization[5], đôi khi tôi cũng tham khảo các nguồn khác, để chú thích hoặc sửa chữa, hoặc cả hai.
Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn.
Goldfish
Tháng 5 năm 2010
*
* *
CHƯƠNG I
NHỮNG ĐIỀU KIỆN TỔNG QUÁT CỦA VĂN MINH
Định nghĩa – điều kiện địa chất, địa lí, kinh tế - Nòi giống – Tâm lí – Nguyên nhân suy tàn
Xét chung thì văn minh chỉ là sự sáng tạo văn hoá nhờ một trật tự xã hội gây ra và kích thích. Nó gồm bốn yếu tố căn bản: sự phòng xa về kinh tế, sự tổ chức chính trị, những truyền thống luân lí, và sự tăng tiến trí thức, phát triển nghệ thuật. Chỉ khi nào không còn sự hỗn độn, sự bất an nữa thì văn minh mới phát sinh được. Vì chỉ khi nào không còn sợ sệt nữa thì con người mới được thảnh thơi, tha hồ tò mò tìm hiểu hoặc sáng tạo, theo cái bản năng học hỏi thêm và tô điểm thêm cuộc sống của mình.
Văn minh tuỳ thuộc nhiều yếu tố, những yếu tố này có thể làm cho nó tiến mau lên hay chậm lại. Trước hết ta hãy xét yếu tố địa chất. Người ta có thể nói rằng văn minh là một màn phụ giữa hai thời đại băng giá. Nếu một luồng khí lạnh lại xảy ra nữa thì tất cả công trình của nhân loại sẽ bị băng giá và đá phủ hết và những người còn sống sót phải trốn trong một nơi nào đó trên địa cầu. Hoặc con quỉ địa chấn chỉ hơi nhích vai một chút là chúng ta bị chôn vùi hết; nó có cho phép thì chúng ta mới xây cất các thị trấn của chúng ta được.
Bây giờ chúng ta xét tới những điều kiện địa lí của văn minh. Khí hậu nóng và ẩm thấp miền nhiệt đới làm cho các loài sâu bọ kí sinh nẩy nở nhung nhúc bất lợi cho văn minh. Con người uỷ mị lười biếng, ốm đau và mau già, không thể phát triển mĩ thuật và trí tuệ được, vì bao nhiêu sinh lực đều tập trung cả vào việc thoả mãn hai nhu cầu căn bản: ăn và truyền giống. Không thể thiếu nước được vì nước còn quan trọng hơn ánh sáng mặt trời, chính nó phát sinh ra sự sống, cho nên cần phải có mưa; nhưng thời tiết thay đổi bí mật, có thể làm cho những miền trước kia công nghệ phồn thịnh, rồi thì hạn hán mà chết lần chết mòn, như đế quốc Babylone và Ninive; trái lại cũng có thể làm cho những xứ ở xa những đường giao thông lớn giàu có mạnh lên như nước Anh. Nếu đất đai có nhiều khoáng chất, sản xuất được nhiều thực phẩm, nếu những dòng sông thuận lợi cho sự giao thông trao đổi sản phẩm, nếu bờ biển có nhiều vũng, vịnh cho những thương thuyền tránh gió, sau cùng, nếu một quốc gia ở trên những đường thông thương lớn của thế giới như trường hợp Athène, Carthage, Florence hay Venice thì người ta có thể nói rằng địa lí tự nó không đủ tạo ra được văn minh, nhưng trong hoàn cảnh thuận lợi ấy giúp cho văn minh dễ phát triển mạnh mẽ.
Nhưng điều kiện kinh tế còn quan trọng hơn nữa. Một dân tộc có thể có những chế độ chính trị vững vàng, một nền đạo đức cao mà lại có thiên tư về mĩ thuật, như dân tộc Da đỏ ở châu Mỹ, nhưng nếu cứ ở hoài giai đoạn săn bắn, đời sống bấp bênh tuỳ thuộc vào sự may rủi bắt được con mồi hay không, thì cũng không sao vượt qua được hàng rào ngăn cách văn minh và dã man. Một xã hội du mục như những người Ả Rập sống trong sa mạc có thể có những cá nhân đặc biệt thông minh, mạnh mẽ, tư cách rất cao, can đảm, cao thượng, đại lượng, nhưng nếu lương thực không được bảo đảm, thiếu điều kiện tiên quyết cho văn hoá đó, cứ phải đem hết tâm trí ra săn mồi, mưu mô gian lận trong thương mại, thì làm sao rảnh rang nghĩ tới những lạc thú phù phiếm thanh nhã, tức những nghệ thuật cao đẹp nhất tạo nên văn minh? Nông nghiệp là bước đầu của văn minh. Chỉ khi nào đã định cư ở một khu đất có thể cày cấy, hái gặt, có dư ăn mà để dành phòng những ngày bất trắc mai sau, thì loài người mới có thì giờ và cái nhu cầu cải thiện đời sống cho văn minh hơn. Được sống yên ổn, có đủ thức ăn nước uống rồi, loài người mới cất chòi, đền thờ, trường học; mới chế tạo những dụng cụ làm tăng sức sản xuất lên; nuôi chó, lừa, heo; tóm lại lúc đó loài người mới thuần tính, không còn là một dã thú nữa. Lúc đó mới tập làm việc điều đặn, có phương pháp, tuổi thọ tăng lên, và có thể truyền lại cho con cháu di sản tinh thần của nòi giống.
Có kinh nghiệm, hiểu biết một chút rồi, người ta mới xây cất thành thị. Về một phương diện, văn minh đồng nghĩa với trang nhã, thanh lịch mà sự trang nhã, thanh lịch chỉ có thể phát sinh ở chốn thành thị. Vì thành thị là nơi tụ hội của cải và hạng người tài trí ở vùng quê chung quanh – sự tụ hội đó tốt hay xấu, tạm thời chúng ta chưa cần xét vội – chính tại thành thị mà óc sáng tạo làm cho sự tiện nghi, sự xa hoa, sự nhàn rỗi tăng lên; chính tại thành thị mà bọn thương nhân gặp nhau trao đổi hàng hoá, ý nghĩ với nhau; tại những giao điểm của các đường thương mại, trí tuệ của loài người bồi bổ lẫn nhau, người ta tinh khôn hơn lên và sức sáng tạo cũng tăng lên. Sau cùng, trong các thành thị, có một số người khỏi phải lo sản xuất thức ăn, đồ vật mà chuyên tâm sản xuất khoa học, triết lí, văn chương, nghệ thuật. Văn minh nẩy mầm trong căn chòi của nông dân nhưng chỉ phát triển và khai hoa trong các thành thị.
Trái lại nòi giống không quan trọng mấy. Văn minh có thể xuất hiện bất kỳ ở đâu tại những dân tộc màu da bất kỳ ra sao; ở Bắc Kinh hay ở Dehli, ở Memphis hay ở Babylone, ở Ravenne hay ở Londres, ở Pérou hay ở Yacatan. Không phải nòi giống tạo nên văn minh, ngược lại văn minh đào luyện dân tộc; hoàn cảnh địa lí và kinh tế tạo nên một nền văn hóa và văn hóa tạo nên một mẫu người. Không phải người Anh tạo nên văn minh Anh mà chính văn minh Anh tạo nên người Anh, nếu người Anh đi đâu cũng mang theo tục lệ của họ, nếu ở Tombouctou họ cũng bận đồ lớn để ăn bữa tối, thì đó không phải là cách cải tạo văn minh của họ tại trú sở mới của họ, mà chỉ là một cách họ thú nhận rằng nền văn minh của họ đã ảnh hưởng mạnh tới tâm hồn họ ra sao. Những hoàn cảnh địa lí y hệt nhau sẽ gây những hậu quả y hệt ở bất kỳ một chủng tộc nào khác; cho nên chúng ta thấy người Nhật ở thế kỉ XX bắt đầu diễn lại lịch sử của Anh ở thế kỉ XIX. Chủng tộc có đóng một vai trò nào đó trong văn minh, nhưng như vậy chỉ là vì thường thường trước đó do hôn nhân đã có sự lai nhiều giống với nhau, lần lần các giống đồng hoá với nhau mà tạo nên một dân tộc tương đối thuần nhất[6].
Những điều kiện vật lí và sinh lí chúng ta mới xét đó tuy cần thiết cho sự tạo ra văn minh, nhưng tự chúng không đủ để phát sinh ra văn minh. Muốn vậy thì phải có thêm nhiều yếu tố tâm lí nữa. Phải có một trật tự tối thiểu, dẫu là trật tự đó mong manh, gần thành hỗn loạn như La Mã hoặc như Florence thời Văn nghệ phục hưng, để cho con người đừng cảm thấy rằng lúc nào cũng có thể mất mạng hoặc phải đóng những thuế độc đoán khắc nghiệt. Ngôn ngữ lại phải thống nhất để trao đổi tư tưởng. Giáo hội, gia đình, học đường phải thừa nhận một số phép tắc luân lí thường được mọi người giữ đúng, rồi đời sống cũng phải có một số qui tắc được mọi người chấp nhận kể cả những kẻ vi phạm chúng. Có lẽ cần có một tín ngưỡng căn bản nữa, tin ở một thế giới siêu nhiên, hoặc tin ở một không tưởng nó làm cho đạo đức được tôn sùng chứ không phải là một sự tính toán, có vậy cuộc đời dù ngắn ngủi, mới có một ý nghĩa, một tính cách cao thượng nào đó. Sau cùng không thể thiếu một hệ thống giáo dục, một kĩ thuật dù thô sơ tới đâu, để truyền lại đời sau cái văn hóa đã tích luỹ từ các đời trước. Dù bằng cách người trẻ bắt chước người lớn, hay bằng cách người lớn – tức cha mẹ, ông thầy hoặc tu sĩ – dạy dỗ trẻ, thì cái di sản tinh thần của bộ lạc, tức tục lệ, ngôn ngữ, kiến thức, luân lí, cử chỉ, kĩ thuật, mĩ thuật cũng được truyền lại cho bọn trẻ để chúng vượt cái đời sống của thú vật mà sống đời sống của con người.
Tất cả những điều kiện ấy – hoặc đôi khi chỉ một trong những điều kiện ấy thôi – mà mất đi thì nền văn minh cũng có thể bị tiêu diệt. Một đại biến động địa chất hoặc một sự thay đổi đột ngột, sâu xa về thời tiết, một bệnh dịch xuất hiện, không sao ngăn cản được, làm chết một nửa số dân, như đã xảy ra trong đế quốc La Mã thời các hoàng đế Antonin[7], hoặc như bệnh dịch hạch làm cho chế độ phong kiến châu Âu mau chấm dứt[8]. Đất đai hết màu mỡ, hoặc thành thị bốc lột nông dân quá mức, khiến cho nghề nông phá sản, mà dân chúng phải mua thực phẩm của ngoại quốc; nguồn lợi thiên nhiên, nhiên liệu, nguyên liệu cạn dần; sự thay đổi các đường thương mãi lớn của thế giới; trí tuệ hoặc đạo đức suy bại vì quá lao lực, vì đời sống ở thành thị quá kích thích, hoặc vì kỉ luật xã hội hoá lỏng lẻo mà xã hội không tạo được truyền thống nào mới để thay thế những truyền thống cũ; nòi giống suy nhược vì quá dâm loạn, vì quá ham hưởng lạc, vì quá bi quan; giai cấp thượng lưu suy đồi vì sinh suất giảm đi, mà những gia đình có khả năng cứu vãn được di sản văn hóa của nòi giống cứ mỗi ngày một tàn lụi, thưa thớt; một sự tập trung tài sản bất lợi cho xã hội, gây sự dấu tranh giai cấp, các cuộc cách mạng tai hại, mà quốc khố phải khánh kiệt: đó là một số trong những nguyên nhân khiến cho một nền văn minh có thể bị tiêu diệt. Vì văn minh không phải là trời cho, mà không phải là bất tử; mỗi thế hệ phải tạo thêm, và một sự gián đoạn quá lâu nào cũng có thể làm cho văn minh chấm dứt. Loài người chỉ khác ở loài vật là có giáo dục, và có thể định nghĩa giáo dục là nghệ thuật lưu truyền văn minh cho đời sau.
Mời các bạn đón đọc Nguồn Gốc Văn Minh của tác giả Will Durant & Nguyễn Hiến Lê (dịch).